• Sáng kiến nghe rất hấp dẫn nhưng điều kỳ lạ là 80% cử tri bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở quốc gia này lại phản đối và từ chối nhận tiền.

    chu cap tien cho dan 1
    Theo sáng kiến trên, mỗi người trưởng thành ở Thụy Sĩ sẽ nhận khoản thu nhập vô điều kiện là 70 triệu đồng/tháng, bất chấp tình trạng việc làm của họ ra sao. (Trong ảnh là các thành viên ủy ban sáng kiến phụ trách chiến dịch vận động. Nguồn: abc.net.au)

    Không đi làm vẫn được hưởng 70 triệu đồng/tháng

    Năm 2016, một ủy ban sáng kiến tại Thụy Sĩ đã khiến người dân nước này bất ngờ khi đưa ra đề xuất chu cấp thu nhập cơ bản vô điều kiện cho người dân để thay thế các khoản phúc lợi khác.

    Theo sáng kiến trên, mỗi người trưởng thành ở Thụy Sĩ sẽ nhận khoản thu nhập vô điều kiện là 2.500 franc Thụy Sĩ mỗi tháng (tương đương gần 70 triệu đồng/tháng), trong khi mức dành cho trẻ em dưới 18 tuổi là 625 franc (gần 17 triệu đồng).

    Đáng nói, mức chu cấp này dành cho tất cả mọi người, dù họ đang có công việc hay không. Mục đích của sáng kiến là nhằm chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội, từ đó đảm bảo "một cuộc sống đàng hoàng" cho người dân.

    Chính phủ Thụy Sĩ sau đó đã quyết định tổ chức một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý để xem họ có nên thông qua sáng kiến này hay không.

    Theo tờ New York Times, Thụy Sĩ là quốc gia đầu tiên trên thế giới bỏ phiếu về kế hoạch chu cấp thu nhập cơ bản như vậy. Một số quốc gia khác không bỏ phiếu mà đã tiến hành luôn các chương trình thử nghiệm.

    Mô hình dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ cho phép công dân thu thập chữ ký để yêu cầu chính phủ tổ chức trưng cầu dân ý quốc gia về một đề xuất nhất định. Quy định này đã đưa Thụy Sĩ trở thành một "phòng thí nghiệm" cho những thay đổi tiên phong về kinh tế và xã hội.

    Phần Lan khi ấy cũng chuẩn bị tiến hành một chương trình thí điểm kéo dài 2 năm dành cho khoảng 10.000 người trưởng thành, trong đó mỗi người sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng tháng là 550 euro (hơn 14 triệu đồng). Nếu thành công, cuộc thử nghiệm này sẽ trở thành kế hoạch cấp quốc gia.

    Tại Hà Lan, một nhóm các thành phố đã thử nghiệm dự án thí điểm tương tự. Trong khi đó, tại Mỹ, ý tưởng về thu nhập đảm bảo cho người dân được một số đảng viên Đảng Dân chủ thúc đẩy, coi đó như giải pháp thay thế hiệu quả hơn cho các chương trình phúc lợi của chính phủ.

    Sáng kiến "bất khả thi"

    Trái với kỳ vọng của những người đề xuất sáng kiến tại Thụy Sĩ, kết quả trưng cầu cho thấy có tới 77% cử tri bỏ phiếu đã bác bỏ ý tưởng này.

    Những người phản đối cho rằng đề xuất đó sẽ làm chệch hướng mô hình kinh tế của đất nước. Các nhà phê bình lên tiếng cảnh báo về chi phí cao ngất ngưởng và chính phủ Thụy Sĩ sẽ phải đối mặt nếu sáng kiến được thông qua, kéo theo đó là nguy cơ người dân bỏ việc hàng loạt, gây bất lợi cho nền kinh tế.

    Nhiều công ty sẽ chuyển hoạt động ra nước ngoài, trong khi việc làm bí mật sẽ tăng lên. Đáng nói, sáng kiến trên còn có thể áp dụng với những người nước ngoài sống tại Thụy Sĩ. Do đó, nó làm dấy lên lo ngại rằng, nhiều người từ nước ngoài, vốn không có đảm bảo về thu nhập cơ bản, sẽ nhập cư vào Thụy Sĩ.

    chu cap tien cho dan 1
    Chỉ 23% cử tri đi bỏ phiếu ở Thụy Sĩ đồng ý với sáng kiến thu nhập cơ bản, 77% cử tri phản đối đề xuất này. Nguồn: New York Times

    Những người ủng hộ thì cho rằng mọi người vốn dĩ đều có mong muốn làm việc hiệu quả và thu nhập cơ bản này sẽ giúp họ linh hoạt hơn trong việc lựa chọn các công việc/hoạt động mà họ thấy giá trị nhất.

    Sau Thế chiến II, khái niệm về thu nhập đảm bảo đã được một số nhà kinh tế học, đi đầu là Milton Friedman, quảng bá như một cách phân phối lại thu nhập. Ông Friedman cho rằng chính sách này sẽ hiệu quả hơn so với những bộ máy điều hành đang tổ chức hàng chục chương trình riêng lẻ để giúp đỡ người nghèo.

    Tuy nhiên, cuộc thảo luận ở Thụy Sĩ, và một số nơi khác trên thế giới, không chỉ dừng ở việc phân phối lại của cải, mà còn về chủ đề: Các xã hội hiện đại có thể tiếp tục tạo ra việc làm trong khi thúc đẩy những tiến bộ công nghệ như robot làm việc trong các nhà máy và xe tải không người lái hay không.

    Những người ủng hộ sáng kiến thu nhập cơ bản thậm chí đã sử dụng robot trên đường phố để cảnh báo mọi người về những gì mà một xã hội thất nghiệp trong tương lai sẽ mang tới.

    Bình luận về sáng kiến mới ở Thụy Sĩ, tờ Economic Times (Ấn Độ) cho rằng đó là một kế hoạch "nghe có vẻ hay" nhưng gần như không giúp quốc gia vượt qua ngưỡng nghèo. Ngoài ra, nó sẽ không khuyến khích việc làm và gây ra tình trạng thiếu hụt kỹ năng cho người dân.

    Năm 2021, 5 năm sau khi các cử tri tại Thụy Sĩ bác bỏ ý tưởng về thu nhập cơ bản vô điều kiện, các nhà vận động một lần nữa đã đưa ra sáng kiến tương tự. Tuy nhiên, họ có vẻ vẫn chưa gặt hái được thành công.

    Theo Kênh 14

  • Đây là một đoàn tàu chở khách dài nhất thế giới, với 100 toa, nặng 2.990 tấn và dài gần 2km.

    tau dien dai nhat the gioi thuy si 1

    Toạ lạc trên dãy núi Alps của Thuỵ Sĩ, St Morit không chỉ là địa điểm thú vị nhờ tổ chức Thế vận hội Mùa đông năm 1928. Đây là nơi được nhiều người giàu có, thích mạo hiểm ưa chuộng. Mới đây, quốc gia này đã lập kỷ lục thế giới với thành tích ấn tượng, không phải trên tuyết hay băng, mà là trên đường ray.

    Để kỷ niệm 175 ngày thành lập tuyến đường sắt đầu tiên của Thuỵ Sĩ, ngành đường sắt nước này đã vận hành một đoàn tàu chở khách dài nhất thế giới, với 100 toa, nặng 2.990 tấn và dài gần 2 km.

    Đoàn tàu được kết nối bởi 25 đoàn tàu điện Capricorn và có chiều dài kỷ lục 1.960 mét. Tàu mất khoảng 1 giờ để đi khoảng 25 km trên Tuyến Albula, từ Preda đến Alvaneu ở miền đông Thuỵ Sĩ, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới

    Tuyến Albula nổi tiếng với những khúc cua ngoằn ngoèo và dốc núi thẳng đứng nối nhau. Đây được coi là một kiệt tác trong lĩnh vực kỹ thuật dân dụng của thế giới, tuyến đường này dài 62 km nhưng chỉ mất 5 năm để xây dựng dù cần đến 55 cây cầu và 39 đường hầm.

    tau dien dai nhat the gioi thuy si 1

    Trước khi tuyến đường sắt được hoàn thiện vào tháng 7/1904, du khách đã phải di chuyển với lộ trình kéo dài 14 tiếng rất nguy hiểm, trên những con đường mòn gồ ghề bằng xe ngựa hoặc xe trượt tuyến. Trung tâm của tuyến đường này là đường hầm dài 5.866 mét, kéo dài từ lưu vực sông Rhine đến Danube.

    Không giống như hầu hết các đường sắt ở Thuỵ Sĩ và châu Âu - vốn sử dụng kích cỡ “tiêu chuẩn” giữa các đường ray là 1.435 mét, các đường ray do Rhaetische Bahn (RhB) phát triển chỉ cách nhau 1 mét. Ngoài ra, một tuyến đường với những đoạn uốn lượn liên tiếp, độ dốc lớn, 22 đường hầm và 48 cây cầu bắc qua các thung lũng sâu, thì những thách thức là không thể tránh khỏi.

     

    Đoạn video quay cảnh tàu Capricorn đang di chuyển (Nguồn: Kênh Youtube HU3RAUM )

    Song, công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ nhiều tháng trước, bao gồm cả việc chạy thử nghiệm để đảm bảo an toàn. Andreas Kramer - trưởng tàu, 46 tuổi, cho biết: “Tất cả chúng tôi đều hiểu rất rõ về Tuyến Albula, cả những đoạn dốc và kể cả độ nghiêng. Chúng tôi phải làm việc một cách đồng bộ 100% trong mỗi giây. Ai cũng phải giữ tốc độ làm việc ổn định và các hệ thống khác trong tầm kiểm soát.”

    Quá trình chạy thử ban đầu đã không thành công. Trước khi tàu di chuyển, hệ thống phanh khẩn cấp không thể kích hoạt và 7 người lái tàu không thể liên lạc với nhau qua radio, điện thoại trong đường hầm.

    Được hỗ trợ bởi 6 lái tàu và 21 kỹ thuật viên, Kramer dã sử dụng hệ thống điện thoại tạm thời do Tổ chức Bảo vệ Dân sự Thuỵ Sĩ thiết lập để liên lạc khi tàu chạy với vận tốc 35 kph qua rất nhiều đường hầm và thung lũng sâu. Phần mềm mới được chỉnh sửa và hệ thống liên lạc nội bộ đã hoạt động, cho phép 25 đoàn tàu chạy ổn định.

    Trên quãng đường dài này, tốc độ của tàu được kiểm soát bằng phanh tái tạo năng lượng, tương tự như trên một số ô tô điện, chuyển đổi dòng điện 11.000 volt trở lại đường dây cung cấp điện.

    Tuy nhiên, khi có quá nhiều toa tàu trên cùng một tuyến đường, nhiều người lo ngại rằng dòng điện trở lại hệ thống sẽ quá lớn, gây quá tải cho cả đoàn tàu và lưới điện địa phương. Để tránh tính trạng này, tốc độ của tàu được giới hạn ở mức 35 kph và phần mềm điều khiển cũng được điều chỉnh để hạn chế nguồn điện tái tạo.

    tau dien dai nhat the gioi thuy si 1

    Ngoài ra, các dây cáp an toàn cũng được lắp đặt thêm trên toàn bộ đoàn tàu để kết nối hệ thống cơ khí và khí nén giữa các toa.

    Vào ngày tàu chính thức chạy, RhB đã tổ chức một lễ kỷ niệm ở Bergün và có sự tham gia của 3.000 người sở hữu những tấm vé may mắn. Họ theo dõi tàu chạy qua đoạn video chiếu trực tiếp. 3 trạm vệ tinh, 19 máy quay trên máy bay không người lái và trực thăng, trên tàu và dọc đường ray đã được sử dụng, mang lại thước phim độc đáo về sự kiện chỉ xảy 1 lần duy nhất.

    Đối với một quốc gia nhỏ với nhiều đồi núi, Thuỵ Sĩ dường như không phù hợp để vận hành đường sắt. Tuy nhiên, quốc gia này lại trở thành một trong những nơi có hệ thống đường sắt phát triển mạnh mẽ nhất. Với nhu cầu lớn, Thuỵ Sĩ từ lâu đã có những công ty tiên phong trong lĩnh vực điện, cơ khí và kỹ thuật dân dụng, công nghệ và trình độ chuyên môn của họ cũng được xuất khẩu ra khắp thế giới.

    Người dân Thuỵ Sĩ cũng sử dụng phương tiện đường sắt nhiều nhất thế giới, di chuyển trung bình 2.450 km/năm bằng tàu. Nhu cầu sử dụng phương tiện công nghệ của người dân nước này cao đến mức ngay cả sự chậm trễ nhỏ cũng khiến họ “ngầm” không hài lòng. Bởi vậy, Thuỵ Sĩ cũng vận hành khéo léo đối với các phương tiện tàu hoả, xe điện, xe buýt và các điểm giao cắt cũng được điều hướng hiệu quả.

    Nhịp sống Thị trường (tham khảo CNN)