• Hồ Baikal là một kỳ quan thiên nhiên độc đáo, mang vẻ đẹp độc nhất vô nhị, được công nhận là hồ lâu đời và sâu nhất thế giới. Nơi đây còn ẩn chứa hàng loạt bí ẩn không lời giải.

    Hồ Baikal nằm ở phía đông vùng Siberia của nước Nga, có hình thù giống như một chiếc lưỡi liềm khổng lồ. Nó được mệnh danh là "hòn ngọc của nước Nga" hay "biển hồ vô vàn giọt nước mắt" và ẩn chứa hàng loạt sự thật đáng kinh ngạc.

    Hồ Baikal giữ danh hiệu là hồ sâu nhất thế giới, được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận, với độ sâu lên đến 1.642 m. Ngoài ra, đây cũng là hồ nước ngọt lớn nhất hành tinh tính theo thể tích nước, chứa khoảng 20% lượng nước ngọt trên bề mặt Trái đất, đủ cho cả nhân loại dùng trong 40 năm. Hồ Baikal chứa 23.615 km khối nước và có diện tích bề mặt đáng kinh ngạc là 31.722 km vuông.

    Hồ Baikal cũng giữ kỷ lục là hồ lâu đời nhất thế giới, khoảng 25 triệu năm tuổi, được hình thành do các chuyển động và đứt gãy của vỏ Trái đất. Cảnh vật xung quanh hồ Baikal vô cùng đẹp, hùng vĩ, hoang sơ và tráng lệ, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm.

    ho Baikal 1

    Nước ở hồ Baikal trong đến mức có thể đạt được tầm nhìn lên đến 40 m, điều đó có nghĩa là nếu chèo thuyền trên mặt hồ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hệ sinh thái tuyệt vời bên dưới. Vào mùa đông, khi mặt hồ đóng băng, nó tựa như một dải pha lê trong suốt khổng lồ. Nước ở hồ Baikal có độ tinh khiết rất cao, gần như nước cất.

    Hồ Baikal của nước Nga cũng là hồ duy nhất có nước được oxy hóa ở những điểm sâu nhất, có nghĩa là nước ở dưới đáy hồ vẫn giàu oxy, giúp nhiều sinh vật có thể sinh sống và định cư bất chấp độ sâu đáng kinh ngạc.

    Thế nhưng bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ và hàng loạt kỷ lục vô tiền khoáng hậu trên, hồ Baikal còn ẩn chứa rất nhiều truyền thuyết bí ẩn mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất về hồ Baikal là việc dưới đáy hồ có chứa hơn 1.600 tấn vàng, ước tính giá trị lên đến hơn 90 tỷ USD, thế nhưng không một ai dám trục vớt chúng.

    Tương truyền, vào năm 1917 sau Công nguyên, khi Sa Hoàng Nicholas II gần như kiệt quệ, nhiều quý tộc đại diện cho các thế lực phong kiến cũ tại Nga đã cố gắng thu gom rất nhiều vàng bạc châu báu để di cư sang phía Tây. Khi đi qua hồ Baikal, họ đụng độ kẻ thù truy đuổi. Lúc này, các quý tộc đã bỏ lại tổng cộng 1.600 tấn vàng để chúng chìm thẳng xuống đáy hồ Baikal.

    Cũng có một phiên bản khác cho rằng, đây là số vàng do chính Sa Hoàng Nicholas II sưu tập và sở hữu. Trên đường vận chuyển để giấu chúng ở một nơi khác, cả đoàn người đi qua hồ Baikal nhưng gặp phải tình trạng tan băng. Do hồ quá rộng và không thể thoát kịp, toàn bộ 1.600 tấn vàng và đội quân hộ tống đều chìm xuống đáy hồ.

    ho Baikal 1

    Vậy lý do tại sao không ai dám trục vớt số vàng này lên để làm giàu? Lý do đầu tiên chính là bởi cấu tạo của hồ Baikal. Là hồ nước sâu nhất thế giới, chẳng ai biết số vàng kia nằm ở đâu trong sự mênh mông rộng lớn tựa đại dương này, vì vậy việc tìm kiếm kho báu gần như là không thể.

    Ngoài ra, vị trí của hồ Baikal nằm ở điểm giao nhau của các vành đai địa chấn. Theo dữ liệu cho thấy, cứ khoảng 10 năm lại có các trận động đất có cường độ khoảng 6 độ Richter và khoảng 30 năm sẽ có các trận động đất thảm khốc khoảng 9 độ Richter. Một số trận động đất lớn được ghi lại trong lịch sử có thể kể tới vào các năm 1862 và 1959. Chẳng hạn, vào năm 1960, một trận động đất mạnh tới 9,5 độ Richter xảy ra ở hồ Baikal, gây ảnh hưởng toàn bộ cấu trúc địa chất xung quanh và mực nước của hồ.

    Còn có một lý do nữa là hồ Baikal quá sâu và rộng, có thể vẫn còn sự sống của nhiều loài động vật nước ngọt thời Đệ tam ví dụ như hải cẩu Baikal, cá hồi trắng bắc cực, cá hồi trắng Omul, cá mập... Đây đều là những loài động vật cực kỳ nguy hiểm mà con người không dám đối mặt.

    Ngoài truyền thuyết về 1.600 tấn vàng, hồ Baikal còn được đồn rằng có chứa ma thuật siêu nhiên nào đó có thể kéo dài tuổi thọ con người. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người sẵn sàng mạo hiểm ngâm mình trong nước hồ ở nhiệt độ -5 độ C để được bất tử.

    Có một số báo cáo nói rằng có sự xuất hiện của UFO và người ngoài hành tinh tại hồ Baikal. Điều thú vị là, những câu chuyện liên quan đến UFO tại đây lại đến từ những tập tài liệu bí mật của Hải quân Liên Xô. Đáng chú ý trong tập tài liệu đó là vụ tai nạn máy bay thương mại khó hiểu xảy ra vào năm 1958. Khi đó, máy bay chở khách Tupolev Tu-154 gặp nạn và lao thẳng xuống mặt nước hồ đóng băng. Báo cáo cho hay, vụ tai nạn không hề liên quan đến các vấn đề kỹ thuật hay do lỗi của phi công trưởng. Nguyên nhân Tupolev Tu-154 gặp nạn là vì bị một UFO khổng lồ truy đuổi.

    ho Baikal 1

    Tới năm 2009, người ta lại phát hiện ra ở hồ Baikal những vòng tròn kỳ lạ đường kính lên tới 4,4 km, có thể nhìn thấy từ vệ tinh ngoài Trái đất. Hai năm sau, một chiếc tàu có tên Yamaha đã mất tích ở hồ vì hút vào các xoáy nước lớn. Nhiều người cho rằng, đó là bằng chứng cho sự hiện diện của người ngoài hành tinh và các xoáy nước trên chính là cánh cửa đi tới thế giới địa ngục.

    Những người dân sống quanh hồ Baikal cũng kể lại rằng thường xuyên nhìn thấy các khung cảnh lạ trên mặt hồ, từ hình lâu đài cho tới xe lửa, tàu thuyền... Đôi khi vào ban đêm, từ phía dưới hồ còn phát ra ánh sáng rất đáng sợ.

    Cho đến nay, chưa ai giải thích được những bí ẩn xung quanh hồ Baikal là thật hay chỉ là dựng lên qua trí tưởng tượng của con người. Tuy nhiên, đây chắc chắn vẫn là hồ nước đáng sợ bậc nhất thế giới.

    Theo docbao

  • Nếu chỉ ngồi một chỗ và hình dung điều kiện nhiệt độ cực lạnh ở mức -70 độ C là như thế nào thì quả thật khó có thể tưởng tượng. Hãy tới đây và thử trải nghiệm để thấy sức chịu đựng của con người quả thực là vô hạn.

    cuoc song o Yakutsk 1

    Yakutsk (ở phía đông Siberia của Nga) được mệnh danh là "nơi lạnh nhất trên Trái đất". Khác với nam cực, thành phố này vẫn có người sinh sống với dân số khoảng 300.000 người.

    Nhiệt độ trung bình hàng năm tại Yakutsk khoảng -8°C. Vào mùa đông, nhiệt độ thậm chí có thể xuống tới -70°C hoặc hơn. Một điều có lẽ sẽ vô cùng bất ngờ với nhiều du khách là ở Yakutsk cũng có mùa hè với nhiệt độ trung bình trong tháng 7 là 24°C. Điều này khiến đây là một trong những nơi duy nhất trên thế giới có sự chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa lớn như vậy.

    Là vùng đất lạnh lẽo nhất trên Trái đất, nhiều người hẳn sẽ nghĩ cuộc sống ở Yakutsk luôn ảm đạm và buồn tẻ. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

    Cuộc sống ở Yakutsk

    Ở đây, người dân luôn cảm thấy vui mừng vì có một cuộc sống đầy đủ với cơ sở hạ tầng giao thông tốt, siêu thị, khách sạn, quán cà phê, nhà hàng và các cơ sở hạ tầng cơ bản khác mà thành phố bình thường có.

    cuoc song o Yakutsk 1
    Người dân di chuyển bằng xe buýt để đi làm và đi học - Ảnh: dailymail

    Trẻ em chỉ được nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới -53°C. Hồi tháng 11/2017, khi nhiệt độ xuống -50°C, học sinh ở đây vẫn tới trường bình thường.

    Thành phố có hệ thống sưởi bằng hơi nên bên trong những ngôi nhà nhiệt độ ở mức 20-25 độ C. Đường ống hơi nước được dẫn từ nhà máy cung cấp tới mọi gia đình.

    Sau những hối hả và nhộn nhịp đông lạnh trong ngày, nhiều người trong thành phố tìm đến các quán bar và câu lạc bộ đêm, nơi âm nhạc và bia giúp tâm hồn họ vui vẻ. Do thời gian mùa đông kéo dài ở Yakutsk, tuyết xuất hiện ở mặt đất quanh năm, vì vậy người dân ở đây tận hưởng nhiều hoạt động mùa đông kéo dài đến 6 tháng.

    Bên cạnh đó, mặc dù điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, Yakutsk lại có một hệ thống giao thông công cộng luôn sẵn sàng phục vụ ngay cả khi trời rất lạnh. Mọi người đi làm và đi học bằng xe buýt, hoặc gọi taxi nếu trời về khuya. Người dân có ôtô sẽ đỗ xe trong nhà để xe được giữ ấm. Khi lái xe, họ giữ cho động cơ chạy cả ngày, bởi chỉ cần tắt đi, xe sẽ tự động đóng băng và không thể khởi động lại cho tới mùa xuân năm sau.

    cuoc song o Yakutsk 1
    Nước hất lên không trung lập tức biến thành băng - Ảnh: RBTH

    Người dân mặc gì để không bị đóng băng

    Kiun B., một blogger sinh ra ở Yakutsk chia sẻ trên mạng xã hội, người dân ở đây đã quen với việc phải mặc nhiều lớp áo khi ra ngoài vì "đầu gối có thể bị đóng băng" trong thời tiết cực kỳ lạnh như vậy. Tất cả mọi người buộc phải bịt kín và để hở cơ thể ít nhất có thể để tránh bị đông cứng.

    Nữ blogger giải thích, để giữ ấm cơ thể cô phải mặc áo cao cổ và quần bó sát. Sau đó mặc thêm áo nỉ lông cừu và quần có lớp lót dày. Riêng chân, cô chọn đi bốt truyền thống của người Yakutsk được làm từ da tuần lộc.

    cuoc song o Yakutsk 1
    Mặc quần áo thật dày trước khi đi ra ngoài đường - Ảnh cắt từ clip

    Theo Kiun, phái nữ ở Yakutsk thường có hai kiểu mặc. Một kiểu nữ tính với áo khoác làm từ lông chồn hoặc cáo. Kiểu còn lại thì đơn giản hơn, với áo phao giúp giữ ấm tốt và rẻ hơn áo khoác lông thú.

    Tuy nhiên, trong những ngày thực sự giá lạnh, ngay cả những lớp quần áo dày cũng không giúp ích được nhiều, nên người dân hầu như chỉ có thể ở trong nhà để đảm bảo sức khỏe và an toàn.

    "Ở ngoài trời khoảng 5-10 phút có thể đủ để khiến bạn mệt mỏi, đau nhói ở mặt và đau nhức các ngón tay và ngón chân kéo dài. Hai mươi phút là khoảng thời gian mà ngay cả những cư dân mạnh mẽ nhất cũng nghĩ rằng đã đến lúc vào nhà", Kiun cho hay.

    Đặc biệt, trong thời tiết lạnh, người dân được khuyến cáo không nên đeo kính bên ngoài, bởi phần kim loại của kính sẽ đóng băng và dính vào mặt, thậm chí làm rách má nếu cố tình tách ra.

    cuoc song o Yakutsk 1
    >Phần da không được bịt kín sẽ nhanh chóng bị bao phủ bởi tuyết - Ảnh: dailymail

    Nước uống và thực phẩm

    Tại thành phố băng, những con cá vừa bắt lên sẽ đóng băng ngay lập tức, do vậy chúng được bày bán ngoài trời mà không sợ hỏng. Hình ảnh những con cá đóng băng xếp chồng lên nhau ở các chợ tại Yakutia đã trở thành biểu trưng cho thành phố này.

    Ở đây không ai cần tủ đông. Người ta thường thấy các mặt hàng thực phẩm như trái cây và thịt treo trên cửa sổ của các tòa nhà vì thời tiết thậm chí còn hiệu quả hơn cả tủ đông công nghệ cao.

    Nguồn nước của người dân Yakutsk chủ yếu đến từ sông vì khi mùa đông tới toàn bộ hệ thống đường ống nước sẽ bị đóng băng.

    cuoc song o Yakutsk 1
    Ở Yakutsk không bao giờ cần dùng đến tủ đông - Ảnh: The Travel

    Tập quán thu hoạch băng ở Yakutsk có từ rất lâu và đã được truyền qua nhiều thế hệ. Để khai thác băng, người ta bắn cây lao móc vào một khối băng dài và vật lộn để kéo tàng băng dày tới 50 cm ra khỏi hồ đóng băng rồi đẩy lên một chiếc máy kéo. Khi cần sử dụng, họ cho các viên đá vào thùng chứa rồi đập thành từng mảnh để chúng tan thành nước uống.

    “Thực ra tôi thích mùi vị của nước đá và nó ngon hơn nhiều so với nước máy. Thông thường ở Yakutsk người dân không uống nước từ vòi vì có mùi clo nồng nặc”, cô nói thêm.

    Kiến trúc thành phố

    cuoc song o Yakutsk 1
    Những ngôi nhà được xây trên cột trụ để tránh bị biến dạng bởi băng tuyết - Ảnh: dailymail

    Kiến trúc ở Yakutsk cũng khác với những thành phố khác trên thế giới. Các tòa nhà lớn ở đây thường được lắp đặt các cột trụ lớn để đối phó với việc nhiệt độ khắc nghiệt có thể làm biến dạng tòa nhà. Ngay cả như vậy, thì sau một vài năm, cũng vẫn có những tòa nhà vẫn bị nghiêng về một phía.

    Đường ống được xây dựng trên mặt đất

    Các đường ống vận chuyển nước và khí đốt tự nhiên được xây dựng trên mặt đất vì hầu như không thể xuyên thủng lớp băng trên mặt đất và đặt đường ống xuống dưới đó. Đây có lẽ là điều thành phố được xây dựng trên lớp băng vĩnh cửu sâu tới 140 m buộc phải chấp nhận.

    Theo Thể thao & Văn hóa