• Đây là trải nghiệm du lịch của blogger Lý Thành Cơ, một bạn trẻ đam mê xê dịch với nhiều bài review du lịch khá hay. 

    Đã xin được Visa Schengen rồi thì vẫn chưa phải là kết thúc vì quan trọng hơn hết vẫn là đi du lịch tới Châu Âu. Bài viết này sẽ tập trung trả lời những câu hỏi mà Cơ thường xuyên nhận được từ các bạn bè, anh chị đã có visa.

    Xin visa một nước nhưng nhập cảnh nước khác có được hay không?

    Câu trả lời là được nhưng không khuyến khích. Cơ vẫn thường xuyên làm như vậy. Cơ xin visa ở lãnh sự Hà Lan nhưng cả 4 lần đi Châu Âu gần đây đều nhập cảnh ở nước khác.

    04/2015: nhập cảnh ở Paris, Pháp

    04/2017: nhập cảnh ở Paris, Pháp

    12/2017: nhập cảnh ở Paris, Pháp để bay đi Iceland

    02/2018: nhập cảnh ở Oslo, Na Uy

    TUY NHIÊN, Cơ theo dõi các nhóm cộng đồng du lịch Châu Âu thì thấy có nhiều bạn nhập cảnh ở nước khác bị đưa về nước. Nước thường được nhắc đến nhiều nhất là ĐỨC. Vì Pháp khá cởi mở du lịch nên việc bạn có visa Schengen xin ở nước khác như trong trường hợp của Cơ là Hà Lan thì bạn vẫn vào Pháp được dễ dàng không vấn đề gì. Trong những năm gần đây việc nhập cảnh trái nước ngày càng khó, nên bạn nên chú ý và Cơ khuyến khích bạn nhập cảnh ở nước mà bạn xin visa để tránh những rủi ro không đáng có như việc bị trục xuất trong khi đã bay tới Châu Âu rồi.

    Nếu nhập cảnh ở một nước khác so với nước xin visa, hải quan có hỏi gì không?

    CÓ. Lần đầu đi vào 04/2015, hải quan không hỏi gì Cơ cả nhưng đến năm 2017, hải quan hỏi về booking khách sạn tại Hà Lan và yêu cầu phải xuất trình. Bạn có thể xuất trình booking khách sạn bằng giấy hoặc điện thoại đều được, miễn ngày tháng trên đó thể hiện đúng trong lịch trình du lịch của bạn.

    Chuyến 12/2017, bạn đi cùng Cơ đi Iceland bị hải quan chặn lại hỏi khá nhiều, chi tiết đến mức lịch trình đi, sẽ đi những đâu, đã book khách sạn hết chưa, may mắn là đã có rồi nên mới qua được sau hơn 20 phút bị chất vấn. Các bạn nên chuẩn bị tinh thần trước.

    Visa Schengen Multiple ghi hạn 30 ngày nghĩa là mỗi lần tới ở 30 ngày được đúng không?

    KHÔNG. Visa Schengen Multiple cho phép tổng số thời gian bạn lưu trú tại Châu Âu không được quá 90 ngày.

    Ví dụ:

    Lần 1 bạn đi 20 ngày. Lần 2 đi 10 ngày. Thì tổng đã đủ 30 ngày và bạn sẽ không thể quay lại lần 3.

    Nếu lần 1 của bạn đã đi 30 ngày thì dù visa còn hạn và multiple entry bạn vẫn không được đi vào.

    Có nhiều loại visa với nhiều thời hạn cho phép vào như của Cơ được 90 ngày.

    Lưu ý đối với thời hạn ở lại cho visa dài hạn 1 năm trở lên

    Đối với visa dài hạn từ 1 năm trở lên. Mỗi 6 tháng bạn được nhập cảnh Châu Âu và ở lại không quá 90 ngày. Tức nếu bạn có visa Schengen 2 năm, bạn có thể ở lại 90 ngày mỗi 6 tháng. Ví dụ, tháng 1 đến tháng 6, bạn đã ở 90 ngày, thì phải đợi đến tháng 7 bạn mới được nhập cảnh tiếp dù visa vẫn là multiple entry.

    Visa Schengen có đi được Anh không?

    Không. Bạn phải xin visa riêng của Vương quốc Anh.

    Tôi đã có Visa Schengen single entry rồi, làm sao để xin multiple cho chuyến sau?

    Bạn sẽ phải hoàn thành chuyến đi này và về có thể xin tiếp lần nữa, khi điền đơn thì nhớ tick vào ô “multiple”. Tất nhiên, lãnh sự quán có cho hay không là do ở họ nữa nhưng theo Cơ quan sát các bạn bè đã xin thì đa phần họ đều cho cả.

    Làm sao để xin Visa Schengen multiple entry dài hạn?

    Câu trả lời là bạn phải đi du lịch thường xuyên tới Châu Âu và các lần trước đi không quá thời hạn mà visa cho phép. Ví dụ, lần 1 đi họ cho bạn 30 ngày, bạn hãy đi đủ hoặc ít hơn 30 ngày và về nước, lần 2 xin sẽ dễ được cho thời hạn lâu hơn.

    Việc cho thời hạn bao lâu là tuỳ ở lãnh sự quán, như Cơ đợt vừa rồi xin visa lần thứ 3 cứ nghĩ sẽ được hạn 2 năm hay 5 năm nhưng chỉ được hạn 1 năm thôi. Nên câu trả lời này sẽ như chơi xổ số mà bạn không biết chắc chắn được.

    Sau khi có visa Schengen thì bao lâu thì xin lại được lần nữa?

    Lãnh sự quán không có quy định gì về điều này. Nếu bạn có nhu cầu đi tiếp thì cứ xin tiếp thôi. Nhưng phải đảm bảo là visa của bạn đã hết ngày hoặc hết hạn thì mới xin tiếp được nhé, vì nếu còn ngày và hạn cũng như multiple entry thì họ sẽ nói bạn dùng visa đó mà đi tiếp.

    Visa Schengen sẽ được đi hết các nước trong khối EU chứ?

    SAI. Khối EU là một khối không liên quan tới khối Schengen – khối về quyết định đi lại chung. Có nhiều thành viên khối EU thuộc khối Schengen nhưng không phải tất cả như Ireland, Và có những nước không thuộc EU nhưng bạn vẫn đi được bằng visa Schengen như Thuỵ Sĩ, Iceland, Na Uy.

    Danh sách các nước thuộc khối Schengen: Austria, Belgium, Czech Republic, Denmark, Estonia, Finland, France, Germany, Greece, Hungary, Iceland, Italy, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Netherlands, Norway, Poland, Portugal, Slovakia, Slovenia, Spain, Sweden, Switzerland, Liechtenstein.

    Vatican City, Monaco, San Marino không nằm trong khối Schengen vậy lúc tới có phải xin visa không?

    KHÔNG. 3 nước này nằm bên trong 1 trong những nước thành viên nên bạn có thể vào bình thường mà không cần đóng mộc hay xin visa.

    Vatican City và San Marino thuộc Ý, còn Monaco thuộc Pháp.

    Hy vọng bài viết này sẽ giải đáp được nhiều khúc mắc cho các bạn bè, anh chị đã có visa Schengen. Chúc mọi người có chuyến đi du lịch đầy trải nghiệm ở Châu Âu!

    Viethome (theo blog Lý Thành Cơ)

  • san bac cuc quang o iceland 1

    Dưới đây là chia sẻ của blogger du lịch Lý Thành Cơ về kinh nghiệm đi săn Bắc Cực Quang ở Iceland:

    Bắc Cực Quang là một “đặc sản” để trải nghiệm tại các nước Bắc Âu, đặc biệt là Iceland. Điều kỳ diệu của trải nghiệm này là bạn được chiêm ngưỡng dải ánh sáng tuyệt đẹp vắt ngang qua bầu trời giữa đêm đen, một điều mà người Việt Nam như tôi hãy còn nhiều lạ lẫm. Và trải nghiệm này cho tôi biết thiên nhiên thật kỳ vĩ và choáng ngợp, đủ để ta thêm say đắm những chuyến đi và không ngừng trải nghiệm điều mới mẻ một lần trong đời.

    Trải nghiệm đi săn Bắc Cực Quang – Northern Lights

    Đi săn cô nàng Bắc Cực Quang quả là một trải nghiệm hú hồn và đáng nhớ. Suốt 4 đêm đầu tiên điều kiện để ngắm cực quang gần như vô vọng với mây phủ, mưa, tuyết các thể loại che đi tầm nhìn và chỉ số KP để xem cực quang cũng chẳng tích cực cho lắm.

    Tại Reykjavik có những tour đi săn Northern Lights bắt đầu từ 8 giờ tối và kết thúc lúc 10 giờ tối. Chuyến đi săn này đảm bảo cho bạn việc chắc chắn xem được ánh sáng mới thu tiền. Nếu bạn mua tour này, họ sẽ thông báo cancel tour nếu như thời tiết không khả quan và dời lịch cho bạn qua ngày khác. Nếu như lúc bạn thông báo đi tour mà vẫn không thấy thì họ sẽ cho bạn đi thêm một lần nữa vào ngày hôm sau cho tới khi thấy được thì thôi. Nếu bạn phải bay vào hôm sau, bên tour sẽ gửi bạn voucher vô thời hạn để bất kỳ lúc nào bạn quay lại Iceland cũng có thể đi tour này.

    Đến đêm áp chót, vừa mới lên chuyến xe đi săn thì anh trong đoàn đã nhìn thấy phía bên phải hướng sân bay Keflavik và cả đoàn chạy ngay về phía đó.

    san bac cuc quang o iceland 1
    Bức ảnh Bắc Cực Quang của đêm săn đầu tiên

    Cảm giác kỳ diệu lắm, một bầu trời đầy sao, còn cô nàng Bắc Cực Quang thì đang vần vũ ở trên kia cùng những “đường cong quyến rũ” của mình. Lúc đó chỉ biết thốt lên “TÔI ĐANG Ở XỨ CỔ TÍCH NÀO THẾ NÀYYYYY?” À chỉ là câu hỏi tu từ thôi, vì biết là mình đang ở Băng Đảo, một nơi có thật ở trên Trái Đất.

    Ngày hôm sau, đi khám phá miền Tây Iceland thì tối đó qua nhà một anh người Việt sống tại Iceland chơi, ngồi phải ráng ăn hết một quả đùi cừu Băng Đảo cực to, cực ngon mà chỉ có 4 người. Cừu Băng Đảo là món đặc sản ở đây từ thế kỷ 9 rồi đấy.

    À mà thôi bàn chuyện cừu, nói tiếp chuyện Bắc Cực Quang.

    Đang ngồi ăn thì anh bạn thấy trời có “triệu chứng” sổ mũi XANH và thế là cả nhóm vội vàng thu xếp quần tà, áo lụa lên vào trong xe đi săn cô nàng đỏng đảnh này lần nữa. Và anh Đức chở ra hẳn một hồ nước đang đóng băng, với nền là một ngọn núi phủ tuyết từ đằng xa. Trời ơi, kỳ diệu lắm, vì lúc này cực quang còn rõ và đẹp hơn hôm qua, cứ uốn lượn không ngừng và dù trời -9 độ C nhưng adrenaline tăng trong người khiến ta quên hết đi cái lạnh ấy.

    Mà chụp cực quang đâu có dễ, phải phơi sáng là một chuyện, để cho người sáng theo thì phải có kèm cả đèn flash của iPhone hỗ trợ, chiếu lên trong 3 tiếng đếm rồi bỏ xuống liền. Còn mẫu – là tôi – phải đứng đơ trong một tư thế đó trong 5-6 giây. Mà bạn nghĩ không di chuyển dễ à? Thử đứng ở đó mà không run cầm cập xem thử trải nghiệm đó đi nhé.

    san bac cuc quang o iceland 1
    Kết quả chuyến đi săn thứ 2

    Và kết quả là tấm hình xinh xắn ở đây.

    BẮC CỰC QUANG LÀ GÌ?

    Bắc Cực Quang được sinh ra giữa các nguyên tử Mặt Trời tương tác với tầng khí quyển Trái Đất. Những nước nằm ở vĩ độ cao đều có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này. Bắc Cực Quang có các dải màu từ trắng, xanh lục, xanh lam, tới hồng và tím từ cường độ thấp đến cao. Màu phổ biến nhất vẫn là xanh lục và xanh lam.

    Thời gian: tháng 9 đến tháng 4, thời điểm hoàn hảo nhất là từ tháng 11 đến tháng 2

    Địa điểm: Alaska, Bắc Canada, Bắc Thuỵ Điển, Bắc Norway, Iceland, Greenland và Phần Lan

    Điều kiện để ngắm được Bắc Cực Quang: thời gian có Cực Quang vào muà đông là từ 8 giờ tối tới 2 giờ sáng, trời quang không mây, trăng không tròn, nhiệt độ cực lạnh và không bị ô nhiễm ánh sáng.

    Vì sao Iceland là địa điểm lý tưởng nhất để ngắm aurora?

    Iceland là nước có nhiệt độ mùa đông thấp nhất để ngắm cô nàng aurora này. Lý do đến từ việc dòng hải lưu vùng vịnh (gulf stream) chảy qua nước này khiến nhiệt độ mùa đông tại thủ đô Reykjavik cũng chỉ tối đa -15 độ C vào ngày lạnh nhất.

    Iceland lại là nơi thường xuyên có sự xuất hiện của Bắc Cực Quang với chỉ số KP cao. Điều kiện ngắm cực quang tại Iceland cũng lý tưởng do dân cư thưa thớt và độ ô nhiễm ánh sáng thấp khiến ngay cả trong thành phố cũng có thể ngắm được Cực Quang nếu ở cường độ cao. Gió ở Iceland cũng thuộc hàng mạnh thứ ba thế giới nên mây luôn thay đổi khiến việc có được trời quang là dễ dàng hơn các nước còn lại.

    NHỮNG THỨC CẦN CHUẨN BỊ KHI ĐI SĂN BẮC CỰC QUANG

    1. Ứng dụng dự đoán Cực Quang

      • Ứng dụng thời tiết cơ bản: hãy xem thời tiết trước vì nếu thời tiết có mưa, tuyết, hay mây nhiều sẽ không lý tưởng để đi xem aurora, nếu ngày hôm đó dự báo mây mù hay tuyết rơi thì bạn nên xách mền đi ngủ và đừng phí thời gian.

    san bac cuc quang o iceland 1

    • Ứng dụng Aurora kiểm tra cường độ Cực Quang: đây là ứng dụng Cơ sử dụng để kiểm tra cường độ Cực Quang. Nếu chỉ số KP lên 3 thì bạn có thể theo dõi Cực Quang được. Và ứng dụng còn có bản đồ theo dõi xem dải cực quang đang di chuyển tới đâu trên Trái Đất. Bạn có thể down ứng dụng ở link: http://apple.co/2Cdis4m

    Trang bị giữ ấm cơ thể

    • Nguyên tắc 3 lớp: lớp áp sát cơ thể (có thể mua heattech của Uniqlo), một lớp len và một lớp chắn gió. Nếu quần áo của bạn không đủ ấm thì nên mặc thêm vài lớp nữa.
    • Găng tay ấm: bắt buộc vì điều kiện lạnh ngoài trời sẽ khiến bạn rất run và không thể chuẩn bị sẵn sàng cho việc chụp hình
    • Nón len: giữ ấm đầu và giữ ấm lỗ tai vì nơi đây dễ bị mất nhiệt cơ thể nhất.
    • Nước ấm: không dư thừa khi đem theo một bình cafe nóng hay bình trà để cơ thể luôn điều tiết và giữ nhiệt

    Trang bị chụp ảnh

    • Máy ảnh DSLR hoặc smartphone chụp ảnh tối được (bạn hoàn toàn có thể phơi sáng bằng smartphone nhưng mình không khuyên dùng vì ảnh ra sẽ không đẹp và đủ nét)
    • Tripod
    • Đèn pin hoặc đèn pin từ điện thoại
    • Sạc dự phòng cho cả máy ảnh và điện thoại nếu bạn ở lại lâu

    san bac cuc quang o iceland 1

    Đặt tour hoặc lái xe đi săn cực quang

    Có 2 cách để bạn đi săn cực quang là lái xe hoặc đi theo bus tour để họ chở mình đi.

    Kinh nghiệm của mình đã đi cả 2 thì mỗi thứ đều có ưu điểm riêng:

    • Đi xe hơi: bạn phải biết lái xe và bạn sẽ tự giác chạy đi tìm nếu như báo hiệu của ứng dụng báo chỉ số cực quang tăng cao
    • Đi bus tour: cái này sẽ dễ hơn cho bạn, bạn chỉ cần book tour vào ngày đầu tiên khi bạn đến, ngày nào không có cực quang, họ sẽ dời vào ngày hôm sau, đến khi bạn xem được cực quang thì thôi. Nếu bạn phải rời Iceland trước khi thấy được cực quang cùng tour thì bạn còn được hoàn tiền nữa. Bus tour áp dụng tốt cho bạn nào đi mà không thuê xe hoặc không biết lái xe. Bạn có thể book tour ngắm cực quang với KLOOK nhé:

    3 Bước Đơn giản nhưng không đơn giản khi chụp cùng Bắc Cực Quang

    Chụp với Bắc Cực Quang không thì đơn giản rất nhiều, bạn chỉ cần phơi sáng (long exposure) và lấy nét đúng viền ánh sáng. Nhưng tôi chỉ chia sẻ ở đây kinh nghiệm để muốn chụp một tấm ảnh “để đời” cùng cô nàng màu xanh này.

    Bước 1: Thiết lập máy ảnh

    Với Bắc Cực Quang chuyển động: phơi sáng trong 3-10 giây và ISO 1600 – 3200, f1.4 – 2.8.

    Với Bắc Cực Quang ít động: phơi sáng 10 – 30 giây, ISO 600 – 800, f1.4 – 4.0.

    Bước 2: Tạo dáng và giữ nguyên tư thế

    Bước này cần mẫu thật sự kiên nhẫn vì chỉ cần di chuyển sẽ bị mờ mặt rất nhiều và điều kiện trời cũng tối

    Bước 3: Bấm chụp

    Người chụp bấm chụp, và ngay lặp tức giơ đèn pin hoặc đèn flash từ điện thoại lên phía trước trong 1-2 giây vừa đủ để thấy sáng mặt mẫu, rồi bịt đèn flash lại ngay và như vậy đã hoàn thành bức ảnh.

    Hai bước này cần người chụp lẫn người được chụp hết sức kiên nhẫn vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhưng Iceland là nơi có nhiệt độ dễ chịu nhất rồi đấy, những nơi khác sẽ còn lạnh hơn và đây là trải nghiệm lâu lâu mới có một lần nên hãy cố gắng cùng nhau.

    Tác giả bài viết: Blogger du lịch Lý Thành Cơ

    Tham khảo các bài viết du lịch khác của Lý Thành Cơ tại đây.