• Chính phủ Nhật Bản vừa ban hành hàng loạt chính sách mới nhằm thu hút lao động lành nghề nước ngoài trong bối cảnh sức hút của đất nước Mặt trời mọc ngày càng giảm.

    Để có thể duy trì hoạt động, những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào lao động nước ngoài. Năm 2022, hơn 1,82 triệu lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, con số thực tập sinh kỹ thuật là khoảng 343.000, nhiều hơn gấp đôi so với 10 năm trước, theo Nikkei Asia.

    "Thực tập sinh là một bộ phận quan trọng trong lực lượng lao động của chúng tôi. Sẽ rất có ích nếu họ được phép ở lại lâu hơn”, Yasunobu Nozaki, chủ tịch công ty sản xuất kìm Fujiya, cho biết.

    Trong bối cảnh dân số suy giảm, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang ngày càng coi trọng lao động nước ngoài, từ các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ cho tới các ngành tri thức công nghệ cao.

    lao dong nuoc ngoai tai nhat
    Nhật Bản đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Ảnh: Reuters

    Mở rộng cửa đón lao động nhập cư

    Dân số Nhật Bản hiện khoảng 124 triệu người, tuy nhiên con số này sẽ giảm 30% vào năm 2070, theo ước tính của Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia công bố hồi tháng 4.

    Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản công bố đầu tháng 6 cho thấy tỷ lệ sinh của Nhật Bản năm 2022 chỉ là 1,26, thấp kỷ lục. Con số này phản ánh số trẻ em trung bình mà một phụ nữ Nhật sẽ sinh ra trong suốt cuộc đời. Năm 2022 là lần đầu tiên số trẻ em ra đời ở Nhật Bản giảm xuống dưới 800.000.

    “Chúng ta cần tạo ra một xã hội đa dạng và năng động, nơi người nước ngoài làm việc ở Nhật Bản có thể tối đa hóa năng lực và đóng góp của họ, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng”, Ủy ban chuyên gia về lao động nước ngoài của chính phủ Nhật Bản cho biết hồi tháng 5.

    Nhật Bản đã và đang ban hành nhiều biện pháp nhằm thu hút nhân tài từ khắp thế giới tới làm việc. Trong phát biểu đầu năm 2023, Thủ tướng Fumio Kishida cho hay Nhật Bản sẽ “tạo ra hệ thống đẳng cấp thế giới để tiếp nhận người lao động tay nghề cao”.

    Hôm 9/6, chính phủ Nhật Bản thông qua cải cách lớn về chương trình lao động nước ngoài, bao gồm thay thế chương trình thực tập sinh bằng các khuôn khổ pháp lý mới nhằm giải quyết trực tiếp hơn vấn nạn thiếu hụt lao động.

    Chương trình thực tập sinh được Tokyo khởi động năm 1993 nhằm thúc đẩy và chuyển giao tri thức cùng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản tới các quốc gia đang phát triển thông qua đào tạo nghề. Thực tập sinh có thể ở lại Nhật Bản tối đa 5 năm, làm việc trong các ngành nghề như sản xuất, nông nghiệp.

    Tuy vậy, ngày càng có sự khác biệt giữa mục tiêu ban đầu của chương trình và kết quả thực tế.

    “Chỉ khoảng 10% thực tập sinh tiếp tục công việc họ được đào tạo khi về nước. Mục đích chính của các thực tập sinh chỉ là kiếm tiền”, quản lý của một tổ chức hỗ trợ thực tập sinh cho hay.

    Chương trình thực tập sinh cũng là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều trường hợp thực tập sinh bị chủ doanh nghiệp lạm dụng và không trả lương.

    Hàng nghìn thực tập sinh “biến mất” khỏi nơi làm việc mỗi năm. Năm 2021, khoảng 7.100 thực tập sinh rời công ty mà không thông báo. Dù quy định không cho phép thực tập sinh thay đổi công việc, nhiều người tìm kiếm việc làm chui được trả lương và có điều kiện lao động tốt hơn.

    Chính phủ Nhật Bản cũng mở rộng phạm vi áp dụng visa lao động dành cho người có kỹ năng đặc biệt, bổ sung 9 ngành nghề được đăng ký xin visa. Người nước ngoài nhập cảnh bằng visa này có thể ở lại lâu hơn, thậm chí mang theo thành viên gia đình.

    Đồng thời, Tokyo mở rộng chương trình dành cho lao động tay nghề cao, lực lượng quan trọng nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi.

    Theo chính sách mới ban hành hồi tháng 4, người lao động nước ngoài nếu được trả từ 144.000 USD trở lên và đáp ứng một số tiêu chí khác có thể nộp đơn xin thường trú.

    Tokyo cũng cho phép sinh viên tốt nghiệp từ các trường top 100 thế giới cư trú trong vòng 2 năm. Việc cấp visa cho sinh viên chưa có việc làm cho thấy khát khao thu hút nhân tài của Nhật Bản.

    “Những bộ óc thiên tài chưa quyết định về sự nghiệp của họ có thể biết tới chương trình này và cân nhắc thực tập ở một công ty Nhật”, một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết.

    Văn hóa lao động có vấn đề

    Tuy vậy, trong bối cảnh mức thu nhập tại Nhật Bản không đi lên, cùng đồng yen suy yếu, Tokyo đang chật vật thu hút lao động tay nghề cao.

    “Sinh viên tốt nghiệp đại học top càng cao, họ càng không sẵn sàng làm việc ở Nhật Bản”, Keisuke Yoshida, đại diện tổ chức Yoshda of Transcend-Learning chuyên hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm sinh viên tài năng quốc tế, nói.

    Theo ông Yoshida, Nhật Bản từ lâu bị tai tiếng là có giờ làm việc kéo dài, trong khi các nhà quản lý không quan tâm tới đời sống của người lao động.

    Các chuyên gia cho biết Nhật Bản đang tụt lại phía sau các nước phát triển trong cuộc đua thu hút nhân tài ngành IT. Theo OECD, lương trung bình ở Nhật Bản chỉ tăng 3% giai đoạn 2001-2021. Đây là con số rất kém hấp dẫn nếu so với 40% của Hàn Quốc, 29% của Mỹ cùng kỳ.

    Năm ngoái, lương trung bình của kỹ sư phần mềm ở Nhật thấp hơn 23% so với Singapore, 17% so với tại Seoul.

    Tại châu Á, cuộc đua thu hút nhân tài đang ngày càng khốc liệt. Singapore đầu năm nay triển khai chương trình visa mới, cho phép những lao động lành nghề với thu nhập từ 22.000 USD/tháng cư trú trong 5 năm và có thể làm nhiều công việc.

    Thái Lan, Malaysia nằm trong số các quốc gia cũng ban hành chính sách visa mới, cho phép chuyên gia trong một số lĩnh vực như xe điện, đầu tư cư trú lâu hơn.

    Nghiên cứu về lao động nhập cư được OECD công bố hồi tháng 3 cho thấy New Zealand, Thụy Điển, Thụy Sĩ đang là các nước hấp dẫn nhất với lao động lành nghề.

    Theo các chuyên gia, tại các quốc gia đang phát triển với thu nhập trung bình đang tăng lên, Nhật Bản có cũng thể trở thành điểm đến ít hấp dẫn hơn với lao động tay nghề thấp.

    “Nếu mức lương vẫn giữ nguyên như 2-3 năm trước, sẽ rất khó thu hút lực lượng lao động chất lượng. Chúng tôi đã cảnh báo các công ty rằng nếu muốn lao động tốt, họ phải trả thêm tiền”, Kaori Akiyama, giám đốc điều hành Hiệp hội Giao lưu Thanh niên Nhật Bản - châu Á, cho hay.

    Giới chuyên gia cho biết các công ty Nhật Bản không sẵn sàng thay đổi văn hóa làm việc, đặc biệt về rào cản ngôn ngữ. N1, chứng chỉ tiếng Nhật cao nhất, vẫn là yêu cầu bắt buộc tại nhiều doanh nghiệp. Tokyo đang tụt hậu so với nhiều thành phố lớn ở châu Á như Seoul, Singapore về số trường quốc tế, hay bác sĩ nói tiếng Anh.

    Theo Zing

  • Chỉ cần biết một chút tiếng Nhật trong khi gần như không tốn chi phí nào, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã thành công du học tại Nhật Bản bằng "học bổng phát báo".

    du hoc nhat ban mien phi nho hoc bong phat bao 1
    Mỹ Linh trong một lần phát báo đêm - Ảnh: NVCC

    Các tờ báo lớn ở Nhật thường tuyển lao động trẻ ở những nước lân cận sang đảm nhận các công việc chân tay như phát báo. Đổi lại, các bạn sẽ được tòa soạn chi trả toàn bộ tiền học phí, thường được gọi là "học bổng phát báo", đồng thời lo luôn chỗ ở và tiền lương mỗi tháng.

    Nguyễn Thị Mai Ly (21 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) chuẩn bị hoàn tất 2 năm học tại Trường tiếng Nhật Musashi Urawa, thuộc thành phố Saitama (Nhật). Tháng 3-2020, Ly đặt chân đến Nhật bằng suất "học bổng phát báo" được cấp bởi Asahi Shimbun - một trong 4 tờ báo lớn nhất ở Nhật. Ly được đưa về một cơ sở phát hành (các bạn gọi là "tiệm") của báo Asahi Shimbun ở tỉnh Saitama.

    Chạy đua từ 0h đến 16h

    Mỗi ngày, Ly phải thức dậy trước nửa đêm và đến nhận việc vào lúc 0h30 sáng. Công việc đầu tiên là kẹp những trang quảng cáo rời vào giữa mỗi tờ báo. Hôm nào thời tiết xấu thì thêm công đoạn lồng báo vào bao bì để khỏi ướt. Có bữa quảng cáo nhiều, vừa kẹp vừa lồng đã tốn hơn 2 tiếng.

    Xong xuôi, Ly trèo lên chiếc xe máy, lên đường giao tới từng nhà. Mỗi sáng, Ly sẽ giao khoảng 420 tờ cho 300 nhà trong khu vực. Nhiều hộ ở chung cư hay khu tập thể không có thang máy, Ly phải leo lên leo xuống 4 - 5 tầng lầu. Là con gái, một mình chạy xe trên đường phát báo lúc nửa đêm, rạng sáng khá nhọc nhằn. "Sợ nhất là chạy ngang những quán nhậu nhiều người say xỉn. Có hôm mình gặp 2 ông say đánh nhau, thấy mình đi xe qua thì tiện chân đá vào xe làm mình mất lái", Ly kể.

    Hoàng Thị Mỹ Linh (19 tuổi, quê Thanh Hóa) - hiện là sinh viên Trường tiếng Nhật Iwatani, cũng du học bằng con đường phát báo - chia sẻ năm nay tuyết rơi nhiều, chạy xe vào ban đêm rất khó khăn. Đường trơn, đi bộ thôi cũng đã có thể té, trong khi đó Linh lại phải chạy đi chạy lại trên những đoạn đường đầy dốc. "Mấy hôm trước trời mưa lớn, sấm chớp dữ lắm, một mình đi giữa đồng vắng bỗng nhiên một tia sét kèm tiếng sấm lớn kêu vang trời. Mình vừa hoảng, vừa tủi thân", Linh nói.

    Nếu suôn sẻ, các bạn thường giao xong tờ báo cuối cùng lúc 5h sáng. Hôm nào đường khó đi, thời tiết xấu thì tới 6h30 mới xong. Chưa kịp ngơi tay, những du học sinh này lại gấp rút sửa soạn cho kịp giờ tàu chạy để đến trường.

    Ở Nhật, nhiều tờ báo trong đó có Asahi Shimbun phát hành thêm một số ngay trong chiều cùng ngày. Vậy là 13h30, các bạn lại vào ca làm, phát thêm khoảng 160 tờ cho tới hơn 16h là xong một ngày vừa làm vừa học.

    Đổi sức lấy học bổng

    Hơn 2 năm trước, Mỹ Linh được một người thân ở Thanh Hóa đã từng nhận học bổng báo giới thiệu cho hình thức du học này. Chỉ cần biết một chút tiếng Nhật, không cần quá rành rõi là đã đủ "điều kiện cần", trong khi gần như không tốn chi phí nào.

    Vậy là Linh theo học một vài khóa tiếng Nhật cơ bản do một công ty trung gian tổ chức. Sau khoảng 6 tháng, đại diện của đơn vị báo cấp học bổng sẽ sang phỏng vấn các ứng viên. Những bạn không được chọn sẽ học tiếp ở công ty trung gian này và đợi thêm khoảng nửa năm.

    Đổi lại, Linh được báo trả toàn bộ tiền học phí tại một trường Nhật ngữ, tính ra khoảng 280 triệu đồng cho 2 năm học. Linh được cấp một phòng ở miễn phí ngay trong tiệm, nghĩa là mỗi tháng cũng tiết kiệm được từ 8 - 10 triệu đồng tiền thuê nhà. Linh còn có lương vào khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng, đủ cho bạn ăn uống hay sinh hoạt.

    Cũng nhận được những đãi ngộ trên nhưng Mai Ly cho rằng cái giá phải trả cũng rất đắt. Trước đây, Ly không nghĩ chuyện đổi sức lực để lấy học bổng lại cực đến vậy. Đôi khi bạn sẽ rất dễ cuốn vào vòng xoáy của công việc tay chân mà đánh mất nhiều trải nghiệm quý giá khác của một du học sinh. Bạn cũng có thể lơ là bài vở hoặc quên mất mục đích cuối cùng khi sang Nhật là học tập.

    Với Ly, từ đầu bạn đã xác định sẽ tận dụng 2 năm học trường tiếng Nhật để thi lấy EJU - chứng chỉ cho người nước ngoài học đại học tại Nhật. Đầu năm 2022, Ly chinh phục EJU với kết quả tốt, đủ để trúng tuyển vào chuyên ngành quốc tế học của Đại học Meikai (Nhật).

    Cẩn trọng khi qua trung gian

    Từng dành thời gian tìm hiểu về "học bổng phát báo", ThS Nguyễn Thị Hồng Yến, phó trưởng khoa đông phương học Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM), cho rằng loại học bổng này là một hướng đi có thể cân nhắc với những bạn muốn sang Nhật học tập nhưng kinh tế không cho phép. Tuy nhiên, cần tìm hiểu thật nhiều và thật kỹ khi được các trung tâm tư vấn trung gian. Không được bỏ sót bất kỳ thông tin nào, cái gì chưa rõ phải hỏi lại ngay. Ví dụ tiền lương phát báo có bị trừ chi phí nào không? Nếu có là do đâu? Miễn phí chỗ ở thì có miễn phí tiền điện, nước luôn không?...

    Liệu có đủ sức khỏe và ý chí?

    Nguyễn Đình Nam, chủ tịch Hội Sinh viên và thanh niên Việt Nam tại Nhật, chia sẻ trong quá trình cân nhắc, du học sinh cần thật sự nghiêm túc xem mình có phù hợp với loại học bổng này hay không. Nam cho rằng nên thử tưởng tượng đặt mình vào một buổi phát báo đêm, bất kể sương gió, mưa tuyết đều phải đi làm, liệu bạn có chịu đựng được. Nếu nhận thấy mình không hợp ngay từ đầu, bạn có thể cân nhắc du học Nhật bằng những con đường khác.

    Theo Tuổi Trẻ