• Lập kế hoạch học tập, ngoại khóa chi tiết cho con từ ngày học lớp 1, chị Hồng Liên ở Hà Nội, giúp con trúng tuyển 7 đại học ở Mỹ và Australia.

    Chị Nguyễn Thị Hồng Liên, 40 tuổi, làm việc tại một trường liên cấp ở Hà Nội, chia sẻ chi tiết quá trình chuẩn bị kiến thức, hoạt động ngoại khóa cũng như định hướng nghề nghiệp cho con từ lớp 1 đến lớp 12:

    1. Chuẩn bị năng lực và phẩm chất cho con (lớp 1-11)

    Học tập

    Con tôi học song song chương trình của Việt Nam và chương trình giáo dục phổ thông của Mỹ (qua online). Thông thường, các đại học ở nước ngoài quan tâm đến điểm trung bình học tập (GPA) của học sinh từ lớp 9. Do đó, tôi xác định giai đoạn này, con phải học hành nghiêm túc và đạt điểm GPA càng cao càng tốt, tối thiếu ở mức 8,5/10. Những môn liên quan đến ngành học mà con thích và dự định theo đuổi thì nên đạt tầm 9 điểm.

    Với chứng chỉ IELTS, con nên đạt 7.5-8 ở hè lớp 11. Muốn vậy, lớp 9, con cần đặt mục tiêu IELTS 6-7. Ở các lớp thấp hơn, mục tiêu là đạt trình độ B1 hoặc B1+ vào năm lớp 7 hay A2 (Flyer) vào năm lớp 5. Thông thường, con học tiếng Anh từ 5-6 tuổi hoặc học chương trình Mỹ từ lớp 1 là có thể đạt được.

    Để du học Mỹ, con cần có điểm SAT. Theo tôi, con nên được tầm 1100/1600 ở đầu lớp 10 để hai năm sau lên mức 1400-1500. Một số bạn có thể chọn học AP (lớp nâng cao, dạy trước một số kiến thức đại cương ở đại học Mỹ) hoặc chương trình khác.

    lap ke hoach du hoc 1
    Chị Nguyễn Thị Hồng Liên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Hồ sơ nghề nghiệp

    Tôi chia những nội dung cần chuẩn bị cho con làm 4 giai đoạn:

    - 7-12 tuổi: Tôi cho con đến các khu trải nghiệm nghề nghiệp, thăm quan làng nghề, làm thử sản phẩm, tham gia lớp học ngoại khóa củng cố kỹ năng nền cho nghề như dẫn chương trình, vẽ, nhảy, tin học, câu lạc bộ khoa học, thể thao bóng đá... Ngoài ra, tôi cùng con đọc các tài liệu về nghề nghiệp.

    Trong các môn học của chương trình phổ thông Mỹ như Language Art, Science, Social Studies con theo học cũng có những thông tin này.

    - 13-14 tuổi: Con được làm một số công việc đơn giản tại khách sạn, nhà hàng, siêu thị, quán ăn, trông trẻ em mùa hè để trải nghiệm, kết hợp tìm hiểu kỹ hơn về bản thân.

    - 14-17 tuổi: Học các khóa học hướng nghiệp bài bản. Chương trình Mỹ có môn Career Planning dạy tìm hiểu bản thân, gia đình, thị trường lao động và đào tạo ngành nghề (đại học, cao đẳng). Môn học này giúp con có cái nhìn rộng hơn về nghề nghiệp, biết sử dụng các công cụ trong quá trình tìm hiểu, định hướng nghề cũng như kết nối với người đi trước.

    - 17-18 tuổi: Con xây dựng hồ sơ nghề nghiệp bằng các dự án đang làm, minh chứng mình đã tìm hiểu về nghề thế nào. Với ngành nghệ thuật và thời trang, thiết kế, con có thể phải lập một trang web riêng, một bộ hồ sơ nghề điện tử để gửi các trường.

    Hoạt động ngoại khóa

    Với phần này, tôi chia quá trình chuẩn bị cho con thành hai giai đoạn:

    - 7-12 tuổi: Tham gia các hoạt động ngoại khóa như học kỹ năng sinh tồn, các môn năng khiếu, các sự kiện văn nghệ của trường và hoạt động từ thiện với phụ huynh.

    - 13-18 tuổi: Ban đầu con tổ chức một phần hoạt động ngoại khóa của lớp, cùng gây quỹ cho một hoạt động thiện nguyện, hay tham gia các chuyến trồng rừng, cuộc thi về bảo vệ môi trường, STEM, các giải đấu thể thao, âm nhạc...

    Dần dần, con tổ chức hoạt động lớn hơn như cắm trại cho lớp hoặc sự kiện của khối, trường, lãnh đạo các câu lạc bộ trong và ngoài trường. Ở giai đoạn này, nếu con có chứng nhận cho các hoạt động thì càng tốt.

    Gia đình tôi sắp xếp lộ trình này chi tiết để con có thể đạt mục tiêu một cách nhẹ nhàng và không bị gấp gáp.

    2. Tích lũy tài chính

    Bên cạnh đưa ra lộ trình để phát triển năng lực và phẩm chất, tôi còn có kế hoạch tích lũy tài chính cho con. Tôi tính toán khoản tiền cần cho con học từ 300 triệu đồng, 500 triệu đồng và 1 tỷ đồng. Để có được các khoản này, tôi chia lương thành các khoản chi tiêu cụ thể, làm sao tháng nào cũng phải có tích lũy.

    - Với khoản 300 triệu đồng: Khi con hai tuổi, tôi bắt đầu mua bảo hiểm nhân thọ cho con. Lúc đó vì mới đi làm, tôi chỉ mua mức đóng 180 triệu đồng để nhận về 350 triệu đồng sau 18 năm. Mỗi tháng, tôi trích từ lương 800.000 đồng và một năm đóng tầm 10 triệu đồng. Sau 16 năm, tôi có khoảng 350 triệu đồng.

    - Khoản 500 triệu đồng-1 tỷ đồng: Tôi tiết kiệm bằng cách hàng tháng để ra 2-4 triệu, tức mỗi năm khoảng 24-48 triệu đồng. Những khoản thưởng Tết, kiếm được từ dạy thêm tiếng Anh và những việc khác, tôi đều để vào đây. Đây cũng là khoản dự phòng khi ốm đau của con cái, gia đình. Sau khoảng 20 năm là tôi có được khoản này.

    Tôi không cho con học trường tư và học thêm nhiều. Ở tiểu học, con tôi chỉ học thêm tiếng Anh, còn lên cấp 2 thêm môn Toán và Văn ở trường. Riêng môn tiếng Anh, tôi tự tổ chức lớp cho con hoặc tìm hiểu nơi uy tín nếu cho con học thêm.

    lap ke hoach du hoc 1
    Chị Liên và hai con tham gia trại trong rừng 8 ngày, đêm tại bang Michigan với học sinh Mỹ, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    3. Hỗ trợ con ra quyết định

    Năm con hết lớp 10, tôi bàn bạc với chồng và bố mẹ trước về việc nên cho con du học hay không. Sau đó, tôi trao đổi với con về mong muốn tương lai.

    Tôi cho con một tháng để liên hệ với bạn bè ở các nước định đi học, dạy con cách tìm kiếm thông tin cũng như liên hệ các đơn vị tư vấn. Tôi quán triệt việc du học hay học ở nhà là quyết định của con. Con phải tự chịu trách nhiệm, còn bố mẹ hỗ trợ tài chính, cung cấp thông tin.

    Sau khi con khi quyết định, tôi cùng con và thầy cô đánh giá quá trình nộp đơn, ví dụ con cần gì và hồ sơ đã có những gì, nên bổ sung phần nào. Hết năm lớp 10, con đã hoàn thành khoảng 60% kế hoạch ngoại khóa và hồ sơ nghề nghiệp. Lớp 11, cháu học IELTS, SAT, hoàn thiện nốt hồ sơ nghề và hoạt động ngoại khóa.

    Đầu năm lớp 12 con tôi đã hoàn thiện hồ sơ. Cháu lên danh mục các đại học mong muốn và phù hợp để ứng tuyển. Do được chuẩn bị kỹ và sớm nên quá trình này không quá vất vả.

    Tính đến tháng 12, con đã được 7 đại học ở Australia và Mỹ chấp nhận. Trong thời gian chờ nhập học, tôi cho con học lái xe, học thêm nghề phụ để có thể đi làm tự nuôi bản thân. Tôi cũng dạy con cách tìm hiểu luật pháp nơi mình sinh sống, kết bạn với các sinh viên tại trường. Trước đó, từ năm con lớp 10, tôi cho con tập gym, học về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bản thân để tự lập khi du học.

    Theo VnExpress

  • Là cha mẹ, ai cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Nhưng nếu không tính toán kỹ càng, có thể bạn sẽ phải hối hận vì những quyết định không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của con mà còn của cả gia đình.

    Bán nhà vì tương lai của con

    Tôi và chồng đều làm trong cơ quan nhà nước tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), công việc ổn định lại không quá nặng nhọc. Năm 2008, thấy mọi người trong đơn vị thi nhau mua nhà, vợ chồng tôi bàn nhau mua một căn nhà ở khu Phố Đông mới vì nghe nói trung tâm thành phố trong tương lai chắc chắn là khu này. Chúng tôi mua nhà với giá 1,8 triệu NDT, mức giá quá hời vì chủ muốn bán gấp do làm ăn khó khăn trong thời buổi khủng hoảng tài chính toàn cầu.

    ban nha cho con du hoc

    Sau khi ổn định nhà cửa, mọi suy nghĩ của tôi đều dồn hết vào việc học hành của con trai. Nhưng dù thuê gia sư trả giá cao, con trai tôi vẫn không đủ điểm vào những trường top 1 như Thanh Hoa hay Bắc Kinh, đành học một trường hạng 2 bình thường. Trong mắt tôi, học trường top 2 rồi ra trường đi làm chỉ là lãng phí thời gian, không mang lại tính cạnh tranh. Nghe một đồng nghiệp nói rằng nếu cho con đi du học Mỹ, sau này về Thượng Hải mức lương sẽ rất hứa hẹn.

    Tôi liền gật gù nhưng suy đi tính lại, đi du học Mỹ cần ít nhất vài triệu NDT, lương nhà nước của vợ chồng tôi chắc chắn không đủ. Muốn cho con đi phải bán căn nhà của gia đình, giá thị trường lúc đó là 6,7 triệu NDT (~22 tỷ đồng).

    Chồng tôi nhất quyết không đồng ý, nói học đại học hạng 2 cũng được, trình độ học vấn là một phương diện, quan trọng hơn chính là năng lực tương lai: “Chúng ta không có tài sản nào ngoài căn nhà, giờ bán nhà đi thì sống ở đâu? Con trai sau này không có nhà làm sao kết hôn được”.

    Tôi khi ấy phản bác chồng, cho rằng anh chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không tính dài lâu, nếu con đi du học Mỹ về mức lương sẽ đến hàng triệu NDT/năm, chắc chắn sẽ mua được căn nhà khác. Cuối cùng tôi vẫn nhất quyết bán nhà, chưa đầy 2 tháng đã có người mua. Con trai muốn tôi đi cùng vì sợ, tôi cũng lấy hết can đảm xin từ chức tại đơn vị dù lãnh đạo thuyết phục tôi hết lời.

    Sau khi hoàn thành mọi thủ tục, tôi cùng con trai sang Mỹ, chồng ở lại Thượng Hải thuê nhà để làm việc. Dù cảm thấy có lỗi với chồng nhưng nghĩ đến tương lai hứa hẹn của con trai, tôi tự tin sau này có thể mua căn biệt thự lớn hơn để gia đình đoàn tụ.

    Những ngày ở Mỹ, chồng nhiều lần gọi điện nói tôi hãy trở về để con trai tự lập nhưng tôi không nghe. Nếu tôi về nước, chỉ sợ con trai không an toàn nơi đất khách quê người. Vậy nên đến khi con tốt nghiệp, tôi mới chịu về. Gần hết tiền, không có nhà, hy vọng của tôi chỉ còn nằm ở con trai.

    “Bỏ hết trứng vào một giỏ” và cái kết

    Không lâu sau khi trở về Thượng Hải, đồng nghiệp cũ báo tin căn nhà cũ của tôi hiện có giá 16 triệu NDT vì giá nhà thành phố tăng chóng mặt. Tôi sốc không nói lên lời, còn chồng lại tiếc nuối vì nghĩ nếu chúng tôi còn nhà, giờ đã có thể về quê sống an nhàn.

    Một tháng sau, con trai báo tin đã tìm được việc ở một công ty nước ngoài, được bao ăn trưa, du lịch 2 lần/năm nhưng mức lương chỉ 8.000 NDT. Nghe đến đây, tôi trực tiếp ngồi phịch xuống sofa, trong lòng như lửa đốt. Tốn nhiều tiền đưa con đi du học, nay về lương cũng chẳng chênh người tốt nghiệp trong nước là bao, công việc ngày nào cũng phải tăng ca, đi đi về về chen chúc trong tàu điện ngầm.

    Sau đó ngày nào tôi cũng chán nản ở nhà, tự kiểm điểm bản thân có phải mình đã làm sai điều gì không. Với mức lương hiện tại của con trai tôi, chưa nói đến việc kiếm lại ngôi nhà ban đầu, ngay cả việc cưới một người vợ ở Thượng Hải trong tương lai cũng sẽ là một vấn đề. Dù vậy tôi vẫn tự an ủi rằng con sẽ thành công trong tương lai.

    Tôi nhanh chóng tìm được một công việc nhưng trong công ty ai cũng cho rằng tôi quá già. Sếp mắng rất khó nghe, lại không được lòng đồng nghiệp, tôi hối hận vì đã nghỉ làm ở đơn vị cũ. Nếu ngày trước đi làm vô cùng thoải mái, đồng nghiệp vui vẻ hòa thuận thì nay lại phải nhìn sắc mặt của người khác, mệt mỏi hơn rất nhiều.

    Niềm hy vọng duy nhất của tôi cũng ngày càng lụi tắt khi sau 3 năm về Thượng Hải, công việc của con trai tôi vẫn không khá lên, hiện tại lương chỉ có 10.000 NDT. Con trai 26 tuổi không có bạn gái, khi tôi khuyên hãy mau chóng lập gia đình sớm liền nói rằng mình trong mắt con gái chính là thanh niên “3 không”: không nhà, không xe, cũng không có tiền nên chẳng ai chú ý.

    Ngày nào tôi cũng tự giày vò mình trong suy nghĩ rằng quyết định năm đó của tôi quá sai lầm. Khi vô tình biết được giá thị trường căn nhà cũ lên đến 27 triệu NDT, tôi mất ngủ cả đêm. Lỗ 20 triệu NDT trong 7 năm, số tiền cả đời chắc con trai tôi cũng không thể làm ra với mức lương hiện giờ.

    Với những gia đình không giàu cũng không nghèo như tôi, thực sự không cần thiết phải bán nhà và cho con đi du học. Trừ khi thực lực kinh tế gia đình vượt trội, nếu không sẽ giống như bỏ hết trứng vào một giỏ, khả năng mất hết tất cả cũng chỉ như trong gang tấc mà thôi. Tốt nhất nên suy đi tính lại thật kỹ, thay vì nghe người khác khuyên nhủ phải hiểu rõ hoàn cảnh của bản thân. Phụ huynh nào cũng muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con cái, nhưng hãy cố gắng trong khả năng của bản thân, thay vì cố quá sức rồi làm mù mờ đi tương lai của cả gia đình.

    Bài viết của tác giả Ngô Ngọc Mai đăng trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc).

    Theo Thể thạo & Văn hóa

  • 'Cá chuối đắm đuối vì con, vì tương lai phía trước, mẹ sẵn sàng gom góp tất cả những gì mẹ có để con được học tập đến nơi đến chốn', chị Thu Huyền nghẹn ngào tâm sự.

    me ha noi ban nha du hoc cung con 1

    Cha mẹ nào cũng yêu thương con, mong con có một tương lai tươi sáng. Để giúp con thành công, nhiều phụ huynh chi số tiền lớn để con được học tại ngôi trường có cơ sở vật chất hiện đại, chương trình giáo dục phù hợp với năng lực. Cũng không ít người "chơi lớn" đưa con ra nước ngoài sinh sống với mong muốn con phát huy tối đa năng lực.

    Có lẽ người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ họ dư dả tài chính mới có thể mang đến cho con môi trường học tập tốt. Nhưng chưa hẳn ai cũng vậy, nhiều người phải dốc cạn sức lực mới có thể nuôi con ăn học trong môi trường mà mọi chi phí đều rất đắt đỏ. Đó chính là câu chuyện của chị Ngô Thu Huyền, 44 tuổi, sinh sống tại Tiểu bang Victoria Melbourne (nước Úc).

    me ha noi ban nha du hoc cung con 1
    Chân dung chị Ngô Thu Huyền - bà mẹ kiên cường sang nước ngoài sống cùng con.

    KHÔNG BIẾT TIẾNG ANH VẪN "KHĂN GÓI" SANG NƯỚC NGOÀI, NHIỀU ĐÊM BẬT KHÓC VÌ… NẢN!

    Chị Thu Huyền ly hôn từ sớm, một mình nuôi dạy 2 con. Lúc còn ở Việt Nam, chị vừa phải kiếm tiền trang trải cuộc sống lại vừa đảm nhiệm việc giáo dục các con. Chị Huyền có sự hỗ trợ từ ông bà ngoại nên cuộc sống 3 mẹ con cũng gọi là "tạm ổn định". Tuy nhiên sau khi bố mẹ chị sang Úc sinh sống cùng con trai (anh trai chị Thu Huyền), cuộc sống của chị cùng các con bị đảo lộn khá nhiều. Một mình chị phải cáng đáng mọi việc khiến chị cảm thấy vô cùng mệt mỏi, chông chênh.

    Thời điểm còn ở Việt Nam, chị Thu Huyền sinh sống tại quận Long Biên, Hà Nội. Chị có 2 cậu con trai là Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Minh Đạt. Đến khi con trai lớn học hết lớp 9 bày tỏ nguyện vọng muốn sang Úc học tập, sống cùng ông bà ngoại và các bác, chị Thu Huyền mất nhiều đêm thức trắng suy nghĩ. Nếu con sang nước ngoài, con sẽ có môi trường học tập tốt. Nhưng gánh nặng tài chính sẽ đổ dồn lên đôi vai chị.

    Sau một thời gian dài trăn trở, chị quyết định để con theo đuổi ước mơ. Thời điểm đó, lực học của Minh Đức ở mức độ bình thường, không quá xuất sắc. Trước khi sang Úc một năm, chị cũng đầu tư cho con đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Còn Minh Đạt, sau khi con học hết lớp 2, chị quyết định bán tất cả tài sản ở Việt Nam để sang Úc đoàn viên cùng gia đình.

    Chị Thu Huyền chia sẻ: "Sang nước ngoài là quyết định táo bạo nhất trong cuộc đời tôi. Tôi từ bỏ mọi thứ ở Việt Nam để cùng con chinh phục miền đất hứa. Lúc đó tôi đã ngoài 40 tuổi, không vững kinh tế, không giỏi ngoại ngữ nhưng vẫn cố gắng tạo điều kiện cho các con phát triển tương lai.

    Con lớn sang trước một năm được 2 bác hỗ trợ làm thủ tục nên mọi việc khá suôn sẻ. Còn với con thứ hai, tôi phải tự làm thủ tục từ A đến Z, từ việc tìm trường, chọn lớp đến "apply" hồ sơ. Quả thật với một người mà khả năng ngôn ngữ ở con số 0 như tôi thì điều này rất khó khăn. May mắn tôi được người thân và bạn bè hỗ trợ nên sau 8 tháng, con thứ hai chính thức được đến trường".

    me ha noi ban nha du hoc cung con 1
    Hai con trai của chị Thu Huyền.

    Sau khi con được đi học, chị Thu Huyền thở phào nhẹ nhõm, cứ ngỡ cuộc sống 3 mẹ con giờ sẽ ổn định hơn. Chị sẽ bắt đầu kiếm việc làm để trang trải học phí và tiền sinh hoạt. Nhưng dịch bệnh COVID-19 ập tới, toàn nước Úc lockdown (đóng cửa) nhiều đợt khiến các con phải nghỉ học, còn chị trở thành người thất nghiệp dài hạn.

    Mọi thứ bị trì hoãn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Con trai lớn của chị vì đã sang Úc trước đó nên khả năng ngôn ngữ tiến bộ rõ rệt. Nhưng con trai thứ hai gặp nhiều khó khăn trong việc nghe giảng, trao đổi với thầy cô và các bạn vì học online. Chị Thu Huyền cũng không có tiền cho con đi học thêm bởi chi phí học thêm rất cao. Chị đành nhờ một gia sư tiếng Anh ở Việt Nam dạy con 2 buổi/tuần. Dù mọi người xung quanh khuyên chị không nên làm vậy nhưng ở cương vị một người mẹ, chị rất sốt ruột. Chị Thu Huyền luôn có nhiều trăn trở: "Con nghe giảng có hiểu không?", "Con có bị bạn bè cô lập không?",...

    "Không chỉ về việc học tập, tôi còn "đau đầu" trước vấn đề tài chính. Vì các con không có hộ khẩu thường trú nên học phí rất cao. Học phí của con trai lớn khoảng 600 triệu đồng/năm, con trai út cũng ngót nghét 400 triệu đồng/năm. Tôi xoay sở khắp nơi, vay bố mẹ, anh chị, bạn bè để con yên tâm đến trường. Dịch bệnh căng thẳng, tôi không thể đi làm nên trâm trạng lúc nào cũng như "ngồi trên đống lửa". Nhiều đêm, tôi bật khóc nức nở vì bất lực, vì lo cho tương lai của 3 mẹ con. Không ít lần, tôi nghĩ bỏ cuộc, quay về Việt Nam sống", chị Thu Huyền tâm sự.

    me ha noi ban nha du hoc cung con 1
    Chị may mắn sớm tìm được người bạn đời để "chia ngọt sẻ bùi".

    QUYẾT TÂM VỰC LẠI TINH THẦN, ĐỒNG HÀNH CÙNG CON CHINH PHỤC HỌC THUẬT

    Thấy bản thân nếu mãi yếu đuối cũng chẳng giúp tình hình khá hơn, chỉ khiến mọi thứ càng tồi tệ. Vì thế, chị Huyền quyết tâm vực lại tinh thần, duy trì thái độ tích cực để làm gương cho con. Vì không giỏi ngoại ngữ nên chị không thể truyền đạt kiến thức cho con được. Tuy nhiên, chị chọn cách đưa ra phương hướng giúp con phát triển bản thân.

    - Luôn nhắc nhở con hoàn thành bài tập trước khi đến lớp: Sau 2 năm dịch bệnh căng thẳng, các trường học mở cửa trở lại, các con chị Thu Huyền được đến lớp. Tuy không thể dạy con học vì khả năng ngôn ngữ hạn chế nhưng chị luôn chú trọng kiểm tra bài vở của con. Chị yêu cầu 2 con phải hoàn thành bài tập về nhà trước khi đến lớp. Nếu con bị giáo viên phê bình vì lười học, không hoàn thành bài về nhà sẽ phải chịu hình phạt từ mẹ.

    - Khuyến khích con tham gia học nhóm: Biết trình độ giao tiếp bằng tiếng Anh của con còn hạn chế nên chị khuyến khích con tham gia học nhóm và chủ động đến nhà các bạn chơi. Cách này giúp con tiến bộ nhanh và có thêm những người bạn tuyệt vời. Họ sẽ hỗ trợ con trong học tập cũng như cuộc sống. Ngoài ra, chị cũng động viên con qua nhà ông bà ngoại chơi cùng các anh chị họ của con để rèn kỹ năng Nghe - Nói.

    - Thường xuyên trao đổi tình hình học tập với giáo viên chủ nhiệm: Dù lịch làm việc dày đặc nhưng chị Thu Huyền vẫn thường xuyên trao đổi tình hình học tập với giáo viên. May mắn nhà trường có phiên dịch viên hỗ trợ nên chị không gặp khó khăn trong việc này.

    me ha noi ban nha du hoc cung con 1
    Thời gian rảnh, chị cùng con tới thư viện nhà trường để học tập.

    - Học cùng con mọi lúc, mọi nơi: Chị tranh thủ học ngoại ngữ cùng con dù ở nhà hay khi ở trường. Nếu ở nhà, chị sẽ cùng con đọc sách, kiểm tra bài tập. Còn khi ở trường, chị khuyến khích con học bằng việc cùng con tới thư viện tìm kiếm tài liệu và học ngoại ngữ.

    - Cùng con tham gia hoạt động thể dục, thể thao: Thời gian rảnh, chị Thu Huyền cùng con chơi các môn thể thao. Chị thường xuyên đi xem con đá bóng, cổ vũ cho con. Chị tin rằng, để con phát triển toàn diện thì không chỉ cần học tốt, mà còn cần rèn luyện thể thao để có sức khỏe tinh thần tuyệt vời. Đây cũng là cách giúp con hòa đồng với các bạn.

    - Tôn trọng quyết định của con: Nếu như trước đây, chị Thu Huyền thường áp đặt suy nghĩ vào con, muốn con nghe theo quyết định của mình thì giờ chị đã thay đổi. Chị hiểu rằng mỗi giai đoạn có những phương pháp giáo dục riêng. Giờ con đã khôn lớn, có chính kiến riêng nên chị để con tự chọn trường, chọn ngành mình yêu thích. Chị không can thiệp sâu vào lựa chọn của con. Tuy nhiên, con cần chịu trách nhiệm trước những quyết định ấy.

    me ha noi ban nha du hoc cung con 1
    Cuối tuần, chị Thu Huyền dành thời gian đưa con đi chơi thể thao.

    Nhờ những phương pháp giáo dục giản đơn đã giúp các con sớm hòa nhập. Các con của chị đều theo kịp được bạn bè, không còn gặp khó khăn như trước. Hiện con lớn của chị đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành Kinh doanh tại Đại học Victoria (Victoria University). Con thứ hai học hết lớp 5, được thầy giáo khen ngợi bởi có tinh thần học tập phi thường, giúp rút ngắn thời gian đuổi kịp các bạn.

    Để các con nỗ lực phấn đấu chinh phục mục tiêu phía trước, chị Thu Huyền luôn căn dặn con về vai trò của việc học. Chị chia sẻ với các con rằng: "Ý nguyện sang Úc học tập là của con chứ không phải của mẹ nên các con phải dốc hết sức. Học tập tốt thì sau này các con được hưởng trái ngọt. Cuộc sống con người ngắn lắm, ngắn khoảng 60 năm, dài ngoài 70 năm.

    Mẹ chia cuộc đời thành 3 quãng. Như vậy, 1/3 quãng đời đầu, con phải kiên trì học tập, dù có chán nản cũng không được bỏ cuộc, phải đặt mục tiêu học tập lên hàng đầu. Con hãy cố học để 2/3 quãng đời sau được an nhàn, được hưởng thành quả. Còn nếu con lười biếng học thì quãng đời sau sẽ rất vất vả. Đó là hậu quả con phải gánh chịu, mẹ không thể gánh hộ con".

    me ha noi ban nha du hoc cung con 1
    Dù con trai đã lớn nhưng chị vẫn đưa con đi đến trường khi có thời gian rảnh.

    TRỞ THÀNH TẤM GƯƠNG SÁNG ĐỂ CON NOI THEO

    Dù không còn trẻ tuổi, rất khó để thích nghi với cuộc sống nhưng chị Thu Huyền luôn cố gắng trở thành tấm gương sáng để con noi theo. Chị muốn các con hiểu chị luôn đồng hành, nỗ lực cùng con vượt khó. Và chị muốn con tin rằng sang Úc là con đường đúng đắn để phát triển tương lai nên con phải vững bước, dù chặng đường còn nhiều thách thức.

    Để có tiền nuôi con ăn học, chị Thu Huyền miệt mài học tiếng Anh ngày đêm và xin làm việc cho một nhà hàng chuyên phục vụ khách nước ngoài. Chị hoàn toàn có thể lựa chọn những công việc dành cho người Việt Nam. Nhưng chị nghĩ nếu lựa chọn như vậy, chị mãi mãi sẽ không phát triển được bản thân. Chỉ sau 2 tiếng thử việc, chị được nhận vào làm và sau một thời gian ngắn được tăng lương vì làm việc hiệu quả.

    me ha noi ban nha du hoc cung con 1
    Dù không biết tiếng Anh nhưng chị cố gắng.

    Thời gian đầu, chị còn lóng ngóng, nhiều khi nghe không hiểu yêu cầu khách hàng. Những lúc ấy, chị phải nhờ sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Công việc mang lại nguồn thu nhập và giúp chị cải thiện khả năng giao tiếp rất nhiều. Khi đã làm tốt công việc chính, chị Thu Huyền còn nhận thêm 2 công việc khác. Công việc áp lực nhưng chị luôn cố gắng hoàn thành tốt. Chị muốn các con thấy được mẹ đã rất nỗ lực để thích nghi cuộc sống.

    "Trong tuần vừa qua, vì làm việc quá sức nên có 2 lần tôi chếnh choáng, suýt ngã xuống. Nhưng tôi giấu các con vì không muốn các con lo lắng, ảnh hưởng đến việc học tập. Cá chuối đắm đuối vì con, vì tương lai phía trước, tôi sẵn sàng gom góp tất cả những gì bản thân có để con được học tập đến nơi đến chốn", chị Thu Huyền nghẹn ngào tâm sự.

    Nhiều người thân, bạn bè khuyên chị Thu Huyền không nên cho con học lên cao bởi tốn kém. Các con chỉ cần học ở mức độ bình thường, có thể chọn Cao đẳng, Trung cấp hoặc học nghề để sớm đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ. Nhưng chị Thu Huyền gạt bỏ lời khuyên đó. Dù khó khăn đến đâu, chị vẫn tảo tần đi làm thuê để con được ăn học đàng hoàng, có tương lai tươi sáng.

    Theo Cafebiz

  • Du học không chỉ là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ mà còn là của nhiều bậc phụ huynh. Thế nhưng liệu các bậc phụ huynh đã có được tư duy đúng đắn trong quá trình chuẩn bị cho con mình xuất ngoại?

    “Chuẩn bị về tiền là quan trọng nhất"

    Thông thường, điều các bậc phụ huynh quan tâm nhất khi nghĩ đến việc cho các con đi du học là vấn đề tài chính. 

    Những câu hỏi thường được đặt ra là: Có đủ tiền đóng học phí và tiền ăn ở cho con không? Chứng minh tài chính như thế nào để được cấp visa du học? Trong thời gian đi học có được làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt không và làm sao để có việc làm thêm? Ở nước đó học phí và sinh hoạt phí cao hay thấp so với nước khác?

    Không thể phủ nhận tầm quan trọng của tài chính trong câu chuyện du học, song đây không phải là câu hỏi đầu tiên cần đặt ra. 

    Trong bài viết “Gửi các bố mẹ: Không có nước mắm, con vẫn đi du học được!” từ cuốn sách “Du học ký: Vạn dặm có chi?”, tác giả Hiền Nguyễn cho rằng điều phụ huynh cần quan tâm trước tiên là những thông tin về đất nước, tỉnh/bang/thành phố, về ngôi trường mà con mình đăng ký theo học. 

    Ở vùng đất đó môi trường học tập đối với sinh viên quốc tế như thế nào, họ dùng ngôn ngữ gì? Ngành học đó có phải là ngành tốt ở ngôi trường này không? Khi gặp khó khăn trong việc hoà nhập, con mình có thể nhận được hỗ trợ từ cộng đồng sinh viên người Việt tại đó như thế nào, và quan trọng nhất là liệu con mình có phù hợp với một môi trường như vậy hay không? 

    Tác giả Hiền Nguyễn chia sẻ chị từng nhìn thấy một câu hỏi từ một người mẹ trên một diễn đàn Du học Canada: “Các anh chị ơi, con em sắp đi du học ở Ottawa - Canada mà bây giờ em không biết ở đấy người ta nói tiếng gì, liệu con em có theo học được không?”.

    Người mẹ đó quả thật vừa tội nghiệp đến đáng thương, vừa ngơ ngác đến buồn cười. Trong câu hỏi, người mẹ ấy nói rằng “con tôi sắp đi học” có nghĩa là giấy tờ đã xong? Tại sao chọn một nơi (hay nghe ai nói rồi gật đầu đại?) để nộp hồ sơ cho con đi du học, đến ngày sắp đi rồi còn không biết chỗ đó là chỗ nào? Người ta nói tiếng gì, một điều cơ bản như vậy mà không nắm rõ, và không biết làm sao để tự tìm được những thông tin ấy thì hẳn người mẹ này sẽ khó đưa ra lời khuyên cho con mình trong các vấn đề khác lớn hơn. 

    Có lẽ điều duy nhất người mẹ ấy có thể quan tâm là lo đủ tiền cho con đóng học phí và trang trải được sinh hoạt, ăn ở. Như thế thì chưa thể đủ.  

    “Con người ta đi được thì con mình cũng đi được”

    Đây là một quan điểm sai lầm phổ biến khác của các ông bố bà mẹ có điều kiện, mong muốn đưa con ra nước ngoài sớm. Xu hướng cho con đi du học từ khi đang học cấp 3 hoặc sớm hơn ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng môi trường “Tây” rất thân thiện, an toàn, con lại sinh sống và học tập trong ký túc xá, nên sẽ chẳng thể nào gặp vấn đề gì trở ngại.

    Thế nhưng các bố mẹ này quên mất rằng: Con mình khác với con người ta. Con người ta hoà nhập được không có nghĩa là con mình cũng hoà nhập được. 

    Điều tốt hơn hết phụ huynh nên làm đó là: Đừng bằng được cho con đi du học khi con chưa thật sự sẵn sàng. Đừng mắng mỏ con rằng con quá yếu đuối, con người ta đi hết có sao đâu? Hãy động viên con, cho con thêm động lực, và khuyến khích con cố gắng bởi sống xa nhà một mình không thể tránh khỏi những phút giây buồn bã, đơn độc. 

    Cha mẹ cũng cần đo lường được độ sẵn sàng của con mình để đưa ra quyết định chính xác. Liệu cha mẹ có biết rõ con là người thế nào - mạnh mẽ hay yếu đuối? Hay con mạnh mẽ bên ngoài nhưng thật sự lại mong manh? Ở lớp con có nhiều bạn không? Con có phải người độc lập không hay tất cả mọi thứ là mẹ, là bố? 

    Nếu không trả lời được những câu hỏi này, và chưa hiểu con mình đủ sâu thì tốt hơn hết là cha mẹ đừng bắt ép con mình đi theo lựa chọn của “con người ta".  

    “Nước ngoài phải hơn “nước trong”. Du học thì tương lai sau này chắc chắn thành công, lương cao” 

    Thực tế đã cho thấy có không ít du học sinh trở về nước với tâm trạng khủng hoảng vì áp lực đó từ chính các bậc phụ huynh. Gần đây cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều một trường hợp của anh chàng tốt nghiệp Thạc sĩ tại Anh về, biết 2 ngoại ngữ nhưng mãi vẫn chưa có việc làm, stress đến mức trầm cảm. 

    Thực tế trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, khoảng cách về kiến thức hay kỹ năng giữa các du học sinh với các bạn học trong nước đã không còn quá khác biệt như trước đây. Ngược lại, du học sinh khi về nước hiện nay thậm chí còn phải trải qua quá trình “tái hoà nhập" với môi trường và phong cách làm việc tại Việt Nam. Tấm bằng nước ngoài trong nhiều trường hợp chỉ giúp cho các em nổi bật hơn trong vòng CV khi đi xin việc, chưa chắc đã giúp các em có được nhiều lợi thế hơn các bạn học trong nước.

    Cha mẹ nên hiểu rằng du học ngày càng trở nên bão hoà, đồng nghĩa với những cơ hội việc làm hấp dẫn, lương cao… không còn là đặc quyền của du học sinh nữa. Điều mà cha mẹ nên định hướng cho con cái mình thu nạp ở nước ngoài không thuần tuý là kiến thức học thuật, mà còn là kỹ năng giải quyết vấn đề, thái độ chuyên nghiệp, cầu thị… - những điều mà các quốc gia phát triển đã có nhiều kinh nghiệm hơn.

    Đi du học được đã không dễ dàng, du học để thật sự có một nền tảng vững về mọi mặt lại càng không dễ. Quá trình này cần rất nhiều nỗ lực, không chỉ của các bạn trẻ mà còn của cả các bậc cha mẹ. 

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Lương giáo viên, toàn bộ tiết kiệm chỉ có 200 triệu, chị Hảo (Hà Nội) vẫn quyết định cho con đi du học Anh từ bậc phổ thông.

    Vừa cùng con gái trở về sau một trại hè Singapore, chị Nguyễn Phương Hảo, 43 tuổi, mệt bã trong tiết trời nóng của Hà Nội. Nhưng ngay khi bước vào căn chung cư ở quận Cầu Giấy, chị liền thấy nhẹ nhõm. "Mẹ thấy nhà vệ sinh có sạch và thơm không? Nhà con lau sạch rồi, mẹ đi có mát chân không?", Hoàng Long, 19 tuổi - du học sinh Anh đang về nước nghỉ hè - vừa nói vừa chạy đến đỡ đồ cho mẹ.

    Long chuẩn bị lên năm hai, ngành truyền thông và truyền hình tại St Mary Twickenham (Đại học Công giáo La Mã lâu đời nhất ở Anh) sau khi nhận được học bổng 30%. Trước đó, cậu cũng trải qua hai năm phổ thông ở Anh. 

    Chị Hảo và con gái đón Long (trái) về nhà nghỉ hè đầu tháng 6 vừa qua. Ảnh: L.H.

    Năm 2014, chị Hảo - lúc đó là giáo viên tiếng Anh một trường liên cấp ở Hà Nội - ly hôn. Con trai chị sau đó thi vào trường chuyên, còn con gái đạt huy chương vàng toán quốc tế Sasmo khi đang học lớp 3. 

    Lớp 10, Long tâm sự với mẹ: "Tại sao ở nước mình lại có nhiều kỳ thi tới vậy. Con tham khảo chương trình của các nước thì mỗi năm họ chỉ có một kỳ thi". Chị Hảo khuyến khích con muốn được hưởng nền giáo dục đó hãy đặt mục tiêu giành học bổng du học.

    Cơ hội mở ra tháng 5/2016 khi chị Hảo biết có một trường cấp 3 của Anh tổ chức phỏng vấn tại Hà Nội nên cho con tham gia thử. Trước khi con vào phòng thi, người mẹ chỉ dặn: "Mọi câu trả lời của con phải trung thực". Kết quả, Long là một trong vài thí sinh được nhận vào trường trung học DLD College London với mức học bổng 50%.

    Khi đó ba mẹ con chị Hảo đang ở nhà thuê, lương của chị là 13 triệu đồng và khoảng 2 triệu dạy thêm. Toàn bộ tiền tiết kiệm cũng chỉ có 200 triệu đồng. "Ở nước ngoài sinh viên vay tiền đi đại học, ra trường trả nợ. Con đã tìm hiểu kỹ rồi. Sang đó con sẽ đi làm thêm, mỗi tuần 20 giờ cũng đủ lo cho cuộc sống", Hoàng Long hạ quyết tâm.

    Nhìn thấy sự kiên định trong ánh mắt con, chị Hảo tin con làm được, mình cũng làm sẽ làm được. "Thông thường các gia đình hay tính du học theo cả chặng đường dài 5 năm, mỗi năm hết 500-700 triệu, tính ra cần tới 3 tỷ đồng. Nhưng lúc đó mẹ con tôi đã nhìn con đường này theo từng chặng ngắn và vạch kế hoạch rõ từng giai đoạn", chị nói.

    Chị vay bạn bè thêm 200 triệu đồng để có 400 triệu, đủ đóng học phí cho con năm đầu tiên. Một người quen ở Anh cũng nhận sẽ hỗ trợ Long ăn ở, nên về cơ bản năm đầu tiên đã ổn thỏa.

    "Thời đó mẹ tôi phản đối khủng khiếp. Bà bảo đi mua cái nhà mà ở, phải an cư lạc nghiệp đi. Rồi bà nói sẽ phá. Thế nhưng ở với cháu mấy ngày, bà thay đổi thái độ vì nhìn thấy quyết tâm của cháu", chị Hảo kể thêm.

    Hiện chị Hảo là giám đốc một trung tâm du học. Ảnh: Phan Dương.

    Mùa thu năm đó chàng trai 17 tuổi sang Anh. Cuối kỳ một trường báo về, điểm của Long thường được A và B (về cơ bản điểm tốt). Trong những học kỳ sau, cậu cũng luôn duy trì được điểm số. 

    Ngay khi ổn định việc học, chàng trai nhận dạy thêm tiếng Anh cho học sinh, sinh viên từ Việt Nam sang còn yếu với mức lương 15 bảng/giờ, sau đó làm bồi bàn cho thu nhập cao hơn, cũng như tăng giao tiếp với người bản ngữ. Theo quy định tại đây, học sinh phổ thông được làm thêm tối đa 10 giờ/tuần, sinh viên 20 giờ/tuần. Nếu tính ra thu nhập của Long cao gấp đôi của mẹ ở Việt Nam. Từ những năm học sau, cậu tự lo được chi phí sinh hoạt và một phần học phí, còn lại mẹ hỗ trợ. 

    Giai đoạn này chị Hảo cũng có sự thay đổi mạnh mẽ khi nghỉ dạy và chuyển hướng làm về du học. Thu nhập cao hơn, song chị vẫn chưa có ý định mua nhà, mà dành hết để đầu tư cho học hành của hai con trong tương lai. Con gái chị đã giành được học bổng 100% của một trường cấp 2 ở Singapore và người mẹ dự tính một đến hai năm nữa mới cho đi.

    Người mẹ đơn thân bộc bạch, cũng không thể ngờ khi buông ra, con trai chị lại trưởng thành tới vậy. Long đi 2 năm không về và tranh thủ các kỳ nghỉ ở lại làm thêm. "Lần về con tự lo vé và mang theo 700 bảng để gia hạn visa. Lúc đi, trong ví con còn có 20 bảng và nhất quyết không lấy tiền mẹ cho", chị nói.

    Chị Hảo sang thăm con lần 2 tháng 12/2018 nhân chuyến công tác. Một số người bạn từng thấy chị Hảo "liều" cho con đi khi kinh tế chưa vững, nhưng đến nay thấy việc làm của chị là đúng. Ảnh: Hoàng Long.

    Với Lê Nguyễn Hoàng Long, du học không phải màu hồng mà cần sự can trường, kiên định. "Có lúc mình đã hoài nghi con đường này đi có đúng không, nhưng suy nghĩ đó chỉ thoáng qua và mình lại cố gắng tiến về phía trước. Vì lẽ gì mình phải xa bố mẹ, em gái, xa quê hương để học ở một nơi xa lạ, không phải là vì để có một tương lai tốt hơn sao, nên dù khó khăn đi nữa vẫn quyết tâm đi con đường này", Long nói.

    Thực tế, một bộ phận du học sinh tại Anh như Long vẫn vừa học, vừa làm, tự trang trải học phí cho mình. Diệu Thuỳ (21 tuổi, Cửa Lò, Nghệ An) đang học dự bị trước khi vào một đại học ở Anh. Chương trình học 8 tháng/năm và cô có 4 tháng để làm thêm. "Mình làm fulltime ở tiệm nail, chi phí ăn ở chủ lo, thu nhập được 2.800 bảng/tháng. Bốn tháng đi làm, mình đã lo được học phí", Thuỳ cho biết.

    Thông qua một trung tâm tư vấn, con gái của chị Nguyễn Thu Hồng ở thành phố Hải Phòng đã được nhận vào một trường cấp 3 công lập ở Anh, học phí 180 triệu đồng/năm. "Con sang Anh tháng 9/2018 và ở nhà người quen đi học. Năm nay con chuyển ra ngoài trọ và đi làm thêm để tự lo ăn ở và học phí", chị Nguyễn Thu Hồng, một nhân viên nhà nước, chia sẻ.

    Chị Nguyễn Hồng Xuân, giám đốc một trung tâm tư vấn du học Nhật - Hàn có thâm niên hơn 10 năm ở Hà Nội, một người bạn của chị Phương Hảo, chia sẻ: "Để thành công cần một chút mạo hiểm, song đầu tư vào những đứa trẻ không có chí tiến thủ, nhắm mắt, nhắm mũi không tìm hiểu kỹ lộ trình du học là không nên. Hảo may mắn có con trai rất ngoan. Hảo cũng có những người bạn tốt, trong trường hợp rủi ro có thể nhờ cậy".

    Chị Xuân từng đưa một du học sinh đi Nhật, xuất phát là một sinh viên đại học Hà Nội chơi bời, sa vào đa cấp, bị đuổi học. Chỉ có hai mẹ con và người mẹ đã bán nhà cho con đi du học. "Tôi nhìn thấy quyết tâm sửa sai của cô bé ấy. Quả thật vài năm sau cô ấy khoe đã mua lại được ngôi nhà từng bán và sửa sang lại cho mẹ ở", chị Xuân kể.

    Theo giám đốc một trung tâm du học Mỹ chi nhánh tại Hà Nội, đại đa số các phụ huynh tìm đến trung tâm chị đều có tiềm lực kinh tế. Trường hợp người mẹ thu nhập 13 triệu, tiết kiệm chỉ 200 triệu đồng mà cho con đi du học Anh là vô cùng hiếm.

    "Không phải ai cũng làm được như người mẹ này. Tốt nhất các bậc phụ huynh nên chuẩn bị kỹ về tài chính và kỹ năng cho con em mình trước khi cho ra nước ngoài. Một số trường hợp du học sinh đã gặp rắc rối vì làm thêm trái phép hoặc không cân đối được việc học và làm, dẫn đến bị tụt học bổng, thậm chí không ra được trường", vị này nói.

    * Tên một số nhân vật đã thay đổi

    Viethome (theo VnExpress)