• Tiếp tục nhắm vào người nhập cư trái phép, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump gọi người nhập cư liên quan các vụ án hình sự là những "con vật" phi pháp và "không phải người".

    trump nhap cu
    Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Michigan ngày 2-4 - Ảnh: AFP

    Trong chiến dịch vận động ở Michigan khi 4 bang của Mỹ bỏ phiếu bầu cử sơ bộ ngày 2-4, trong đó có bang chiến địa Wisconsin, ông Trump tiếp tục miệt thị người nhập cư trái phép ở Mỹ.

    Ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa đã liệt kê một số vụ án hình sự liên quan đến nghi phạm là người nhập cư bất hợp pháp và cảnh báo rằng bạo lực và hỗn loạn sẽ tàn phá nước Mỹ nếu ông không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5-11 tới.

    Khi nói về Laken Riley, một sinh viên 22 tuổi ở Georgia nghi bị một người nhập cư Venezuela sát hại, ông Trump nói rằng một số nghi phạm nhập cư là "hạ nhân".

    "Đảng Dân chủ nói 'xin đừng gọi họ là động vật, họ là con người'. Tôi nói, 'Không, họ không phải là con người, họ không phải là con người, họ là động vật'", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump.

    Trong các bài phát biểu của mình, ông Trump thường xuyên tuyên bố nhiều người đã trốn khỏi các nhà tù, trại tị nạn ở quê nhà đã vượt biên giới Mỹ - Mexico trái phép và đang thúc đẩy tội phạm bạo lực ở Mỹ. Ông cũng cảnh cáo rằng các quốc gia Mỹ Latin đang cố tình đưa tội phạm của họ vào Mỹ.

    Mặc dù dữ liệu hiện có về tình trạng tội phạm nhập cư còn ít, các nhà nghiên cứu cho biết những người sống ở Mỹ bất hợp pháp không có tỉ lệ phạm tội bạo lực cao hơn so với người bản xứ.

    Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đổ lỗi cho ông Trump vì đã khuyến khích Đảng Cộng hòa tẩy chay đạo luật tại Quốc hội trong năm nay nhằm tăng cường an ninh ở biên giới phía nam và giảm nhập cư bất hợp pháp.

    "Donald Trump đang tham gia vào những lời lẽ cực đoan nhằm thúc đẩy sự chia rẽ, thù hận và bạo lực ở đất nước chúng ta. Ông ta khuyến khích những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và cổ vũ hành vi kinh tởm của phe cực hữu", ông Michael Tyler, giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của ông Biden, nói ngày 2-4.

    Các vụ phạm tội liên quan đến người nhập cư đã tạo cơ hội cho chiến dịch tranh cử của ông Trump xoáy vào lo ngại của một số người Mỹ về tội phạm bạo lực và nhập cư.

    Khoảng 38% đảng viên Đảng Cộng hòa và 1/4 cử tri độc lập cho rằng nhập cư là vấn đề hàng đầu của đất nước trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố vào cuối tháng 2-2024.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Ngày 8-3, theo AP, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được lệnh phải trả một hóa đơn pháp lý trị giá 300.000 bảng (382.000 USD) cho công ty thám tử Orbis Business Intelligence có trụ sở tại London (Anh) do vụ kiện ông khởi xướng đã thất bại.

    Vụ kiện ở tòa án Anh là một trong số ít vụ kiện mà ông Donald Trump không phải là bị đơn thời gian gần đây.

    Luật sư Hugh Tomlinson cho biết tại một phiên điều trần vào tháng 10-2023 rằng, cựu tổng thống “đã bị tổn hại và đau khổ về mặt tinh thần và danh tiếng” vì những tuyên bố trong hồ sơ của Orbis Business Intelligence rằng ông đã tham gia các bữa tiệc trụy lạc ở St. Petersburg (Nga), đồng thời cáo buộc ông hối lộ các quan chức Nga để có được lợi ích kinh doanh. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kiện công ty này, nói rằng hồ sơ chứa đựng những tuyên bố gây sốc và tai tiếng nói trên là giả mạo và Orbis đã vi phạm luật bảo vệ dữ liệu của Anh.

    Orbis Business Intelligence cho biết, vụ kiện nên được hủy bỏ vì báo cáo trong hồ sơ chưa bao giờ được công bố rộng rãi và trang tin tức BuzzFeed đã xuất bản những thông tin nói trên mà không có sự cho phép của công ty.

    tong thong trump kien tung
    Cựu Tổng thống Donald Trump thất bại trong vụ kiện tại Anh.

    Sự việc xảy ra vào năm 2017 khi trang tin tức BuzzFeed công bố một bộ hồ sơ chưa được kiểm chứng cho biết Nga đã tìm cách thu thập các thông tin tình báo về Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

    Ông Donald Trump đã lớn tiếng công kích 2 hãng truyền thông BuzzFeed và CNN, đồng thời khẳng định cả hai hãng tin này đã đưa ra “thông tin giả” liên quan đến báo cáo nói trên.

    CNN đã từ chối đưa ra thông tin chi tiết về các cáo buộc chưa được kiểm chứng đó, nhưng BuzzFeed đã tiến hành một hành động gây tranh cãi khi công bố bộ hồ sơ hoàn chỉnh dài 35 trang với những chi tiết nhạy cảm liên quan đến đoạn băng thác loạn của ông Trump và "các gái làng chơi" Nga.

    Ngay sau khi BuzzFeed công bố bộ hồ sơ, nhiều hãng truyền thông Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc hãng truyền thông này xuất bản những tin tức chưa được kiểm chứng.

    BuzzFeed, một trong các trang mạng lớn nhất của Mỹ, đã lên tiếng biện minh cho quyết định công bố bộ hồ sơ dài 35 trang, do Orbis Business Intelligence thu thập và soạn thảo. Vào thời điểm đó, công ty này được cho là cộng tác với các ứng cử viên cạnh tranh của ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

    Tổng biên tập trang tin BuzzFeed Ben Smith cho biết, mục đích công bố của ông là để “cho thấy sự minh bạch của báo chí và chia sẻ những gì chúng tôi có với độc giả" trong khi nhấn mạnh rằng “tài liệu này đã được lưu truyền rộng rãi trong các quan chức cấp cao nhất của chính phủ Mỹ và giới truyền thông".

    Orbis Business Intelligence được thành lập bởi Christopher Steele, người từng điều hành một bộ phận của Cơ quan Tình báo của Anh (MI6).

    Theo tài liệu được tòa án công bố cuối tháng 2, Thẩm phán Karen Steyn tại London đã bác bỏ vụ kiện do ông Donald Trump đứng đơn chống lại Orbis Business Intelligence.

    Trước đó, năm 2022, một thẩm phán liên bang Mỹ ở Florida cũng đã bác bỏ vụ kiện và cáo buộc của ông Donald Trump cho rằng Christopher Steele, ứng cử viên đảng Dân chủ năm 2016 Hillary Clinton và các cựu quan chức Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã giúp dàn dựng cuộc điều tra về khả năng ông thông đồng với Nga.

    Theo Hanoimoi

  • Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, nếu tái đắc cử, ông sẽ tìm cách chấm dứt luật tự động cấp quyền công dân cho trẻ em sinh ra ở Mỹ đối với những người nhập cư trái phép.

    sinh con lay quoc tich
    Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

    Trong một video vận động tranh cử đăng tải trên Twitter ngày 30/5, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói, nếu tái đắc cử, ngay ngày đầu tiên của nhiệm sở, ông sẽ ban hành một sắc lệnh hành pháp, yêu cầu các cơ quan liên bang ngừng chính sách sinh ở Mỹ được cấp quốc tịch.

    Theo sắc lệnh này, ít nhất bố hoặc mẹ của trẻ sinh ra phải là công dân Mỹ hoặc người được cấp phép thường trú.

    Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, bất cứ động thái nào như vậy của ông Trump sẽ vấp phải thách thức pháp lý.

    Quyền công dân theo nơi sinh được quy định trong Điều 14 sửa đổi, Hiến pháp Mỹ, phê chuẩn năm 1868. Điều khoản sửa đổi cho phép cấp quốc tịch cho tất cả trẻ em sinh ra hoặc nhập quốc tịch Mỹ, kể cả với trẻ có bố mẹ là người nhập cư bất hợp pháp.

    Năm 2018, khi còn đương chức, ông Trump từng nói, ông có ý định ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm giới hạn chính sách quyền công dân theo nơi sinh. Thời điểm đó, nhiều học giả về luật tỏ ra hoài nghi về việc ông có thể dùng quyền hành pháp để thực hiện điều này.

    Ông Trump tuyên bố tái tranh cử tổng thống 2024 vào cuối năm ngoái. Ông hiện là ứng viên sáng giá của đảng Cộng hòa. Trong video vận động tranh cử hôm qua, ông cũng chỉ trích Tổng thống đương nhiệm Joe Biden về tình trạng người nhập cư trái phép vào Mỹ tăng kỷ lục những năm gần đây. Ông cho rằng, chính sách quyền công dân theo nơi sinh đã biến Mỹ trở thành "thỏi nam châm".

    Dân Trí (theo Reuters)

  • Tổng thống Mỹ yêu cầu biên phòng bắt đầu cuộc vây bắt khoảng 2.000 người nhập cư từ chủ nhật.

    Sĩ quan ICE bắt một người nhập cư Mexico không có giấy tờ hợp lệ ở New York hồi tháng 4/2018. Ảnh: AP.

    Cơ quan Di trú và Thực thi Hải quan Mỹ (ICE) ngày 23/6 bắt đầu truy quét những gia đình nhập cư không có giấy tờ hợp lệ và đã nhận được lệnh trục xuất. Cuộc đột kích sẽ diễn ra trong phạm vi 10 thành phố, bao gồm Houston, Chicago, New York và Miami.

    Mac Morgan, quyền giám đốc ICE, hôm 21/6 xác nhận. "Chiến dịch không nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi mà nhằm đảm bảo luật pháp và duy trì tính toàn vẹn của hệ thống pháp luật", ông nói.

    Morgan cho hay ICE sẽ truy đuổi hơn 2.040 người, là thành viên các gia đình vẫn sống ở Mỹ dù đã nhận được lệnh trục xuất. Ông cho hay mục tiêu của chiến dịch là ngăn chặn những người khác vào Mỹ trái phép.

    "Hiện yếu tố lớn nhất khiến các gia đình kéo nhau tới đây là họ biết rằng một khi đã tới Mỹ, họ có thể ở đây mà không bị làm sao", Morgan nói. "Chúng ta phải thay đổi điều này".

    Thông tin chiến dịch được tiết lộ vào 4 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên Twitter rằng ICE sẽ sớm trục xuất "hàng triệu" người nhập cư không có giấy tờ đang sống ở Mỹ.

    Kevin McAleenan, quyền bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, đang lưỡng lự về chiến dịch. Ông kêu gọi ICE tập trung vào 150 gia đình từng thuê luật sư nhưng đã bỏ dở quá trình pháp lý và biến mất.

    Mỹ đang đối mặt với lượng người di cư từ một số quốc gia Trung Mỹ tăng vọt, vượt quá khả năng quản lý và sức chứa của các cơ sở giam giữ. Trump gọi đây là "cuộc xâm lược", biến cuộc chiến chống di cư trái phép thành trọng tâm trong công việc điều hành đất nước. 

    Ước tính 10,5 triệu người nhập cư trái phép đang sống ở Mỹ. Trong tháng 5, tỷ lệ người di cư tăng vọt lên 144.000, bao gồm 57.000 trẻ vị thành niên, lập kỷ lục trong vòng 13 năm.

    Quốc hội đã ủy quyền cho ICE giữ 40.000 người di cư, nhiều người khác được đưa tới các cơ sở giam giữ đang quá tải trên toàn quốc. Năm 2017, chính quyền Trump từng áp đặt quy định "không nhân nhượng" với người vượt biên trái phép qua biên giới Mexico sang Mỹ, khiến hàng trăm gia đình ly tán.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Trong khi các lãnh đạo thế giới khác ký tên ở cuối văn bản, Tổng thống Trump chọn cách ký ở ngay phần đầu trang giấy.

    Chữ ký của các lãnh đạo thế giới trong tuyên bố D-Day. Ảnh: AFP

    Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/6 có mặt tại Portsmouth, Anh, cùng các lãnh đạo thế giới dự lễ kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ Normandy (D-Day) thời Thế chiến II. Các lãnh đạo đã cùng ký vào tuyên bố D-Day để "khẳng định rằng những hy sinh trong quá khứ không bao giờ là vô ích và sẽ không bao giờ bị lãng quên".

    15 lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, đều ký vào văn bản bằng mực xanh phía cuối trang giấy. Tuy nhiên, riêng Tổng thống Trump lại ký tên mình trên đầu trang giấy.

    Bức ảnh chụp vị trí chữ ký của các lãnh đạo thế giới trong tuyên bố D-Day lập tức thu hút sự chú ý trên các trang mạng xã hội. "Đoán xem lãnh đạo thế giới nào ký tên trên đầu khi tất cả những người khác đều ký ở phần dưới văn bản", Stig Abell, biên tập viên tạp chí Times Literary Supplement, viết trên Twitter.

    Chữ ký của các lãnh đạo thế giới trong tuyên bố D-Day. Ảnh: AFP

    Một người khác cho rằng vì phần dưới cùng trang giấy đã kín chỗ nên Tổng thống Mỹ mới phải ký "một mình một kiểu" như vậy.

    D-Day là cuộc đổ bộ của quân đội Đồng minh vào các bãi biển do phát xít Đức kiểm soát ở vùng Normandy, Pháp ngày 6/6/1944, còn gọi là "Trận chiến vì nước Pháp". Thắng lợi Normady vào tháng 7/1944 đã tạo nên bước ngoặt lớn cho Thế chiến II, góp phần dẫn tới sự sụp đổ của phát xít Đức và chấm dứt chiến tranh.

    Viethome (theo VnExpress)