• Đại học ở Anh tăng học phí, chuyên gia giáo dục nhận định mức tăng có thể khiến nợ sinh viên tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên sau khi ra trường.

    suc khoe sinh vien
    Tăng học phí không tác động đến sinh viên ngay lập tức, nhưng có thể ảnh hưởng sau khi sinh viên tốt nghiệp. Ảnh: Pexels

    Sau nhiều tháng thảo luận về cách các trường đại học Anh bù đắp thâm hụt ngân sách, mới đây Chính phủ Anh đã xác nhận học phí sẽ tăng lên 9.535 bảng/năm (hơn 12.300 USD) kể từ năm 2025.

    Hiện tại, mức học phí tối đa mà các trường được thu là 9.250 bảng (hơn 11.900 USD). Đây là mức trần được Anh áp dụng từ năm 2017.

    Theo The Guardian, chính phủ phê duyệt việc tăng học phí để giải quyết các vấn đề tài chính ở bậc giáo dục đại học. Mức tăng này sẽ áp dụng cho tân sinh viên khóa 2025 và những sinh viên tiếp tục học năm 2, năm 3.

    Các chuyên gia dự đoán mức trần học phí tại Anh có thể lên đến 10.680 bảng (khoảng 13.800 USD) vào năm 2029. Họ tính ra mức này bằng cách sử dụng thước đo lạm phát RPIX.

    "Nếu chính phủ tiếp tục tăng học phí mỗi năm, mức trần học phí có thể đạt mức như dự báo hiện tại. Nếu có kế hoạch tiếp tục tăng mức trần học phí theo lạm phát, họ nên thông báo sớm", Viện Nghiên cứu Tài chính nhấn mạnh.

    Bàn về vấn đề tăng học phí, PGS ngành Tâm lý học lâm sàng Thomas Richardson tại Đại học Southampton (Anh) nói rằng mọi người không nên đánh giá thấp tác động của việc tăng học phí vì nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên.

    PGS Richardson cùng đồng nghiệp thực hiện một nghiên cứu với 327 sinh viên tốt nghiệp ở Anh - những người học trước và sau khi nước này tăng học phí từ 3.500 bảng lên 9.000 bảng vào năm 2012.

    Kết quả nghiên cứu cho thấy những người phải đóng học phí cao hơn có những triệu chứng trầm cảm, lo âu và căng thẳng nghiêm trọng hơn người đóng học phí thấp. Họ cũng có nguy cơ tự tử cao hơn nhóm còn lại.

    Nhóm nghiên cứu nhận định sự khác biệt này có thể bắt nguồn từ việc sau khi ra trường, những người đóng học phí cao phải vật lộn để trả nợ sinh viên, dẫn đến khủng hoảng tài chính ở độ tuổi 30.

    Theo The Conversation, nợ sinh viên không giống như các khoản nợ khác vì gần như không thể xóa được. Nợ sinh viên cũng phải chịu lãi kép và lãi suất này đã tăng rất cao trong những năm gần đây. Dù đã được cố định ở mức 6,3% vào năm 2022, mức này vẫn khiến "quy mô" nợ của sinh viên tăng đáng kể.

    Dữ liệu được công bố đầu năm 2024 cho thấy hầu hết sinh viên tốt nghiệp - gần 1,8 triệu người - đang chịu hơn 50.000 bảng Anh tiền nợ sinh viên và một số người nợ hơn 200.000 bảng Anh.

    Trong nghiên cứu của PGS Thomas Richardson, chỉ 14% trong những người phải trả 9.000 bảng học phí trả được hết hoặc trả được một phần khoản vay, 20% chưa trả được khoản nào và những người còn lại đã trả nợ, nhưng khoản nợ lại tăng. Vì thế, ở độ tuổi 30, dù đã tốt nghiệp nhiều năm, những người này vẫn phải chịu khoản nợ như cũ hoặc tệ hơn.

    Từ nghiên cứu này, PGS nhận định đợt tăng học phí mới nhất có thể khiến mức nợ sinh viên ở Anh cao hơn, khiến hàng triệu người mắc kẹt với các khoản nợ trong tối đa 30-40 năm.

    "Đợt tăng học phí mới không ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên ngay lập tức, nhưng khả năng ảnh hưởng sau khi tốt nghiệp trong nhiều thập kỷ tới sẽ rất cao", PGS dự đoán.

    Theo ZNews

  • Đại học Edinburgh (Scotland, Vương quốc Anh) đã ra mắt chương trình Thạc sĩ Khoa học (MSc) về Nghiên cứu Phật giáo, nhằm cung cấp phương pháp tiếp cận đa ngành về lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo.

    Chương trình mới này được thiết kế để giúp sinh viên hiểu biết toàn diện về triết học Phật giáo, đạo đức, nghệ thuật, văn hóa vật thể, kinh văn và các diễn giải hiện đại về Phật giáo. Chương trình phản ánh cam kết của trường đại học đối với nghiên cứu Phật giáo, mời gọi các học giả tinh thông trên nhiều ngành và trường khác nhau vào bên trong viện.

    Giám đốc chương trình Thạc sĩ Nghiên cứu Phật giáo, Tiến sĩ Paul Fuller, bày tỏ sự phấn khích khi hướng dẫn sáng kiến mới này. “Thật vô cùng phấn khích khi tôi trở thành giám đốc chương trình đầu tiên của Thạc sĩ Nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Edinburgh”, ông chia sẻ với Buddhist Door Global. Tiến sĩ Fuller nhấn mạnh sự đa dạng của chương trình, lưu ý rằng chương trình bao quát phạm vi rộng lớn về địa lý, ngôn ngữ và nhiều quan điểm lịch sử về Phật giáo.

    Tiến sĩ Fuller cho biết thêm: “Chúng tôi muốn chương trình này thử thách sinh viên, đổi mới, sáng tạo, để đạt được trình độ uyên thâm và có nền tảng học thuật vững chắc”.

    dai hoc edinburgh
    Đại học Edinburgh ra mắt chương trình Thạc sĩ về Nghiên cứu Phật giáo để giúp sinh viên hiểu biết toàn diện về triết học Phật giáo, đạo đức, nghệ thuật, văn hóa vật thể, kinh văn và các diễn giải hiện đại về Phật giáo

    Chương trình mới được cấu trúc để cung cấp cả tổng quan rộng lẫn các lựa chọn học tập chuyên biệt. Các khóa học cốt lõi bao gồm “Envisioning Buddhist Studies: Methods and Themes” (Hình dung Nghiên cứu Phật giáo: Phương pháp và Chủ đề) và “Approaches to Research in Divinity and Religious Studies” (Tiếp cận nghiên cứu về Thần học và các nghiên cứu tôn giáo), trong khi sinh viên cũng được yêu cầu hoàn thành luận văn dài 15.000 từ.

    Ngoài ra, sinh viên có thể lựa chọn từ nhiều khóa học tùy chọn, chẳng hạn như “Nghiên cứu Phật giáo trong thực hành”, “Phật giáo Theravada từ Benares đến Bangkok”, “Đạo đức Phật giáo” và “Nghệ thuật và tín ngưỡng ở vùng Himalaya”. Các khóa học với nội dung trải rộng này phản ánh bản chất liên ngành của chương trình, cho phép sinh viên khám phá các khía cạnh khác nhau của Phật giáo qua nhiều vùng khác nhau và qua các giai đoạn lịch sử.

    Các khóa học với nội dung trải rộng này phản ánh bản chất liên ngành của chương trình, cho phép sinh viên khám phá các khía cạnh khác nhau của Phật giáo qua nhiều vùng khác nhau và qua các giai đoạn lịch sử

    Giáo sư Naomi Appleton, một thành viên của khoa Thần học, đã bày tỏ sự nhiệt tình đối với tinh thần hợp tác cho chương trình: “Chúng tôi rất may mắn tại Edinburgh khi có nhiều đồng nghiệp trên khắp đại học này tinh thông về các khía cạnh khác nhau của Nghiên cứu Phật giáo về mặt chuyên ngành, khu vực, thời đại và sở thích chủ đề”. Giáo sư Appleton đặc biệt hào hứng về khóa học mới “Nghiên cứu Phật giáo trong thực hành”, cho phép sinh viên tham gia vào các dự án thực tập, chẳng hạn như khám phá các hiện vật Phật giáo tại Bảo tàng Quốc gia Scotland hoặc tạo ra các nguồn tài nguyên giáo dục. “Sẽ rất thú vị khi được đi theo chương trình!”, bà nhận xét.

    Tiến sĩ Yashaswini Chandra của Đại học Nghệ thuật Edinburgh đã nêu bật ý nghĩa đạo Phật với lịch sử và văn hóa, đặc biệt là tác động của Phật giáo đối với nghệ thuật và văn hóa Ấn Độ. Tiến sĩ Chandra lưu ý rằng: “Phật giáo đã có tác động vô cùng to lớn đến nghệ thuật, văn hóa, lịch sử và chính trị của Ấn Độ ngay cả sau khi Phật giáo đã biến mất ở quê hương Ấn Độ”. Nghiên cứu của bà tập trung vào sự lan tỏa của nghệ thuật và văn hóa từ tiểu lục địa Ấn Độ đến các khu vực khác của châu Á, đặc biệt quan tâm đến vai trò của vùng núi Himalaya như một ngã tư văn hóa.

    Tiến sĩ Abigail MacBain, một học giả về Nghiên cứu châu Á tại khoa Văn học, Ngôn ngữ và Văn hóa, đã nhấn mạnh nền tảng liên ngành của chương trình. Bà cho biết: “Chương trình Thạc sĩ Nghiên cứu Phật giáo của Đại học Edinburgh được xây dựng dựa trên nguyên tắc nền tảng nghiên cứu về tôn giáo vốn có tính liên ngành”. Nghiên cứu của Tiến sĩ MacBain tập trung vào sự truyền bá Phật giáo đến Nhật Bản thời kỳ đầu, đặc biệt quan tâm đến Phật giáo tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho việc trao đổi các kinh văn, ý tưởng và các biểu hiện văn hóa như nghệ thuật, âm nhạc và nghi lễ trên khắp Đông Á thời tiền hiện đại.

    Việc đào tạo Thạc sĩ Khoa học về Nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Edinburgh biểu thị sự bổ sung đáng kể cho lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo, cung cấp cho sinh viên một chương trình giảng dạy vững chắc và đa dạng. Khi chuẩn bị chào đón nhóm đầu tiên, chương trình này hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm đầu đàn về nghiên cứu Phật giáo, được hỗ trợ bởi một nhóm học giả tận tụy với tinh thông chuyên môn rộng. Tiến sĩ Fuller, tóm tắt các mục tiêu của chương trình, tuyên bố: “Trên hết, chúng tôi muốn sinh viên của chương trình suy nghĩ lại về làm thế nào các ý tưởng và thực hành Phật giáo đã định hình cả nền văn hóa châu Á và hiện đại”.

    Chương trình hiện đang tiếp nhận đơn đăng ký, với thông tin chi tiết có thể được tìm thấy thông qua công cụ tìm kiếm bằng sau đại học của Đại học Edinburgh.

    Theo giacngo

  • Đại học Hoàng gia London sẽ đóng cửa hai trung tâm nghiên cứu lớn do các công ty hàng không và quốc phòng Trung Quốc tài trợ sau khi nhận được cảnh báo từ nhiều cơ quan.

    Trung tâm Thiết kế và Sản xuất Kết cấu Avic được một công ty hàng không quân sự và dân dụng hàng đầu của Trung Quốc tài trợ hơn 6 triệu bảng Anh để nghiên cứu các vật liệu hàng không vũ trụ tiên tiến.

    Trung tâm thứ hai được Biam, công ty con của một công ty hàng không và quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước khác của Trung Quốc đồng điều hành.

    Biam đã đóng góp 4,5 triệu bảng Anh cho các dự án nghiên cứu pin hiệu suất cao, các thành phần trong động cơ phản lực và kính chắn gió máy bay chống va đập.

    imperial college london
    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm trường Đại học Hoàng gia London hồi năm 2015. Ảnh: AP.

    Trường Đại học Hoàng gia London (Imperial College London) xác nhận hai trung tâm nghiên cứu sẽ đóng cửa vào cuối năm sau khi đơn xin cấp phép hai đơn vị này bị Đơn vị phối hợp kiểm soát xuất khẩu chính phủ (ECJU) - cơ quan giám sát việc chia sẻ các nghiên cứu nhạy cảm với các đối tác quốc tế - từ chối, Guardian đưa tin hôm 11/9.

    Việc đóng cửa được thực hiện sau khi những người đứng đầu Cơ quan An ninh Anh (MI5) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo về mối đe dọa gián điệp do Trung Quốc gây ra đối với các trường đại học ở Vương quốc Anh.

    Đồng thời, việc đóng cửa hai trung tâm trên cũng thể hiện rõ thái độ cứng rắn của chính phủ Anh về vấn đề này.

    Các trung tâm này cho biết mục tiêu của họ là cải tiến công nghệ hàng không vũ trụ dân sự. Tuy nhiên, các nhà phê bình nhiều lần cảnh báo rằng các nghiên cứu này cũng có thể thúc đẩy tham vọng quân sự của Trung Quốc.

    Khi các trung tâm này được thành lập vào năm 2012, chính phủ do đảng Bảo thủ điều hành rất nhiệt tình ủng hộ những mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở giáo dục với các công ty Trung Quốc.

    Nhưng khi quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây trở nên xấu đi, Anh lo ngại rằng sự tài trợ từ các công ty Trung Quốc có mục đích “lưỡng dụng”, vừa nhằm phục vụ mục tiêu dân sự nhưng cũng nhằm phục vụ nhu cầu quân sự tiềm tàng.

    Người phát ngôn của trường cho biết: “Nghiên cứu của trường được xuất bản thường xuyên trên các tạp chí quốc tế hàng đầu và chúng tôi không tiến hành nghiên cứu mật".

    Các quan hệ đối tác của trường được thực hiện “với các cơ quan chính phủ thích hợp và phù hợp với các cam kết của chúng tôi đối với an ninh quốc gia của Vương quốc Anh”, nhà trường cho biết.

    Zing (theo Guardian)

  • Tài chính không dư dả không có nghĩa bạn sẽ phải tạm biệt giấc mơ du học xứ sở sương mù. Một trong những cách để hiện thực hoá giấc mơ du học Anh là chọn lựa những trường đại học ở Anh chi phí thấp mà vẫn đảm bảo chất lượng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn những ngôi trường có học phí trung bình dưới 15.000 bảng Anh/năm dành cho sinh viên quốc tế.

    University of Cumbria

    Nằm ở phía tây bắc, Đại học Cumbria là một ngôi trường mới thành lập năm 2007. Với học phí xấp xỉ hơn 10.000 bảng/ năm, cộng thêm việc các khu học xá ở Đại học Cumbria đều có giao thông thuận lợi và chi phí chỗ ở rẻ hơn so với nhiều đại học khác ở Anh (khoảng 6.240 bảng/ năm), rất nhiều sinh viên đã chọn Cumbria để theo học.

    University of Cumbria

    Đặc biệt, Cumbria có chương trình Career Ahead với sự cố vấn của các chuyên gia hướng nghiệp của trường, giúp sinh viên lấp đầy khoảng trống kỹ năng, kinh nghiệm, và tận dụng các cơ hội tuyển dụng độc quyền của Career Ahead để rèn luyện kỹ năng tìm kiếm việc làm. Một điều thú vị là Đại học Cumbria là trường đại học duy nhất ở nước Anh có khuôn viên nằm trong Công viên Quốc gia được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

    Mức học phí trung bình bậc cử nhân: £12,100 (tương đương 364 triệu đồng)/ năm

    Mức học phí trung bình bậc thạc sĩ: £12,510 (tương đương 376 triệu đồng)/ năm

    Birmingham City University

    Nếu bạn muốn du học tại một thành phố lớn ở Anh với mức học phí rẻ, đại học Birmingham City chính là điểm đến lí tưởng dành cho bạn. 

    Tọa lạc tại khu vực trung tâm sôi động của Birmingham, Birmingham City là trường đại học lớn thứ hai trong thành phố với khoảng 24.000 sinh viên đến từ 80 quốc gia. Trường luôn đặt sinh viên làm trọng tâm, mang đến cho sinh viên những cơ hội tốt nhất để thành công trong tương lai. Trường đã đầu tư hơn 340 triệu bảng Anh cho hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm các phòng thí nghiệm khoa học y sinh mới, một phòng mổ mô phỏng, một phòng hiện trường vụ án và các tiện nghi về phát thanh truyền hình.

    Mức học phí trung bình bậc cử nhân: £12,950 (tương đương 389 triệu đồng)/ năm

    Mức học phí trung bình bậc thạc sĩ: £14,190 (tương đương 427 triệu đồng)/ năm

    Bristol, University of the West of England

    Toạ lạc tại thành phố sôi động Bristol, UWE Bristol có ba cơ sở học xá cùng một cộng đồng sinh viên rộng lớn. Bên cạnh mức sinh hoạt phí và chi phí phải chăng, học tập tại Bristol cũng mở ra nhiều cơ hội tuyển dụng sau tốt nghiệp cho các bạn sinh viên tại đây.

    Những năm vừa qua, danh tiếng của UWE Bristol đã có những phát triển vượt trội. Tại bảng xếp hạng của The Guardian năm 2022, trường xếp vị trí thứ 36 trong số các cơ sở giáo dục của Vương quốc Anh. Theo Sunday Times Good University Guide 2021, UWE Bristol đứng ở vị trí thứ 6 về mức độ hài lòng của sinh viên.

    Mức học phí trung bình bậc cử nhân: £13,650 (tương đương 410 triệu đồng)/ năm

    Mức học phí trung bình bậc thạc sĩ: £13,710 (tương đương 412 triệu đồng)/ năm

    University of Brighton

    Đại học Brighton là một phần của thành phố Brighton & Hove từ năm 1859, với tiền thân là một trường nghệ thuật trong nhà bếp của Royal Pavilion. Đến nay, trường đã phát triển thành một tổ chức giáo dục đa dạng và toàn diện, với khoảng 18.000 sinh viên và 2.400 nhân viên đang học tập và làm việc tại bốn cơ sở ở Brighton và Eastbourne. 

    Mức học phí trung bình bậc cử nhân: £13,840 (tương đương 416 triệu đồng)/ năm

    Mức học phí trung bình bậc thạc sĩ: £14,660 (tương đương 441 triệu đồng)/ năm

    University of Westminster, London

    Toạ lạc tại London, trường đại học Westminster có mức chi phí phải chăng dưới 15.000 bảng/ năm. Trường thành lập cách đây 180 năm với tư cách là trường bách khoa đầu tiên ở London và là một trong những trường đầu tiên ở Vương quốc Anh. Ngày nay, đây là một ngôi trường quốc tế đúng nghĩa với 19.000 sinh viên đến từ 169 quốc gia hiện đang theo học. Các khóa học đại học, sau đại học và các khóa học ngắn hạn của trường trải dài nhiều chuyên ngành - từ Kiến trúc và nội thất đến khoa học máy tính và kỹ thuật phần mềm, từ kinh doanh và quản lý đến báo chí, truyền thông kỹ thuật số và PR.

    Mức học phí trung bình bậc cử nhân: £14,400 (tương đương 433 triệu đồng)/ năm

    Mức học phí trung bình bậc thạc sĩ: £14,980 (tương đương 450 triệu đồng)/ năm

    Sheffield Hallam University

    Nếu bạn đang ấp ủ dự định du học Anh, Đại học Sheffield Hallam là một điểm đến lí tưởng với chất lượng giáo dục tốt và chi phí phải chăng. Trường là một trong những trường đại học lớn nhất và đa dạng nhất của Vương quốc Anh: một cộng đồng hơn 30.000 sinh viên, 4.000 nhân viên và hơn 250.000 cựu sinh viên trên toàn cầu. Bên cạnh đó, trường cũng vinh dự nhận nhiều giải thưởng như Trường đại học của năm về chất lượng giảng dạy 2020 theo The Times và The Sunday Times; Người chiến thắng Guardian University Awards 2020; Giải thưởng về Trải nghiệm Sinh viên 2020 của Guardian

    Mức học phí trung bình bậc cử nhân: £14,430 (tương đương 434 triệu đồng)/ năm

    Mức học phí trung bình bậc thạc sĩ: £14,950 (tương đương 450 triệu đồng)/ năm

    Coventry University

    Dù thuộc diện học phí thấp nhất cả nước, Đại học Coventry sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại và đứng số 1 Anh quốc về trải nghiệm học tập của sinh viên. Du học sinh từ khắp nơi trên thế giới đến với Conventry không chỉ bởi học phí khả thi mà còn nhờ quỹ học bổng hào phóng của trường. Coventry cũng là một trong những trường đại học phát triển nhanh nhất Anh quốc với 31.700 sinh viên, trong đó 97% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm. Trường cũng đạt xếp hạng "Vàng"  trong Khung Giảng dạy Xuất sắc vào năm 2021.

    Mức học phí trung bình bậc cử nhân: £14,510 (tương đương 436 triệu đồng)/ năm

    Mức học phí trung bình bậc thạc sĩ: £14,509 (tương đương 436 triệu đồng)/ năm

    University of Lincoln

    Toạ lạc tại trung tâm một thành phố xinh đẹp và cổ kín, trường đại học Lincoln nằm trong số 20 trường đại học hàng đầu ở Vương quốc Anh về mức độ hài lòng của sinh viên theo Complete University Guide 2022 và Guardian University Guide 2022. Bên cạnh đó, trường cũng vinh dự được công nhận là một trong những 10 trường đại học hàng đầu của Vương quốc Anh khuyến khích tính bền vững và tạo ra sự khác biệt trên toàn cầu.

    Đại học Lincoln là ngôi nhà chung của một cộng đồng quốc tế sôi động, với sinh viên đến từ hơn 100 quốc gia khác nhau. Trường cũng có mạng lưới cựu sinh viên bao gồm hơn 90.000 sinh viên tốt nghiệp từ khắp 135 quốc gia.

    Mức học phí trung bình bậc cử nhân: £14,700 (tương đương 442 triệu đồng)/ năm

    Mức học phí trung bình bậc thạc sĩ: £14,900 (tương đương 448 triệu đồng)/ năm

    * Tỉ giá sử dụng trong bài viết là 1 GBP = 30100 VNĐ (tỉ giá cập nhật ngày 11/3/2022) *

    Theo hotcourses