• Suốt 12 năm trời, người phụ nữ ở Indonesia và con trai sống trong cảnh bẩn thỉu, không điện và nước dù nhìn bên ngoài căn nhà bề thế, sang trọng.

    12 năm sống không có điện và nước sạch

    Suốt 12 năm, phía sau căn biệt thự từng sang trọng nhất khu phố tại Cakung (Indonesia), người phụ nữ tên là Eny và con trai Tiko trải qua cuộc sống khó khăn ít ai ngờ. Họ sống trong cảnh không có điện nước, điều kiện cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp. 

    Trải qua cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, từ khi chồng rời đi rồi ly hôn, bà Eny mắc chứng trầm cảm. Theo Tiko, có thể sự rời đi của cha anh và công việc kinh doanh khó khăn khiến cho mẹ rơi vào tình trạng như hiện tại.

    12 nam song khong dien nuoc 1
    Căn nhà nhìn bên ngoài bề thế nhưng không ai ngờ sự thật bên trong (Ảnh: Detik).

    Trước đây, bà Eny và chồng làm việc ở cơ quan tài chính Indonesia. Hai người từng có cuộc sống hạnh phúc, kinh doanh phát đạt. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi từ khi buôn bán không thuận buồm xuôi gió. Để có tiền chăm mẹ, Tiko phải đi bán đồ chiên rán ở khắp nơi. Sau này, anh bỏ công việc này để làm bảo vệ. 

    Một năm sau khi người cha rời đi, hai mẹ con Tiko không còn dùng điện. Để có nước sạch, Tiko và mẹ phải hứng nước mưa để sống qua ngày.

    Sau khi hoàn cảnh sống của hai mẹ con được phát hiện, bà Eny được đưa đến bệnh viện để chữa trị. Tuy nhiên, để đưa người phụ nữ này đến bác sĩ cũng là một quá trình vận động vất vả. Ban đầu, người phụ nữ này nhất quyết không chịu mở cửa và đi tới bệnh viện. 

    12 nam song khong dien nuoc 1
    Bên trong, các căn phòng bẩn thỉu, bám bụi nên cơ quan chức năng phải dọn dẹp vất vả (Ảnh: Tribune).

    Mặc dù, hoàn cảnh của Tiko và mẹ vô cùng khó khăn nhưng anh cho biết, không có ý định bán biệt thự do người cha để lại. "Tôi biết mẹ muốn giữ căn nhà nên đến bây giờ vẫn chưa có ý định bán nó", Tiko chia sẻ.

    Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lính cứu hỏa đã giúp đỡ làm sạch, loại bỏ bụi dày bám đầy các căn phòng bên trong. Điều Tiko mong mỏi nhất hiện nay là mẹ sẽ sớm khỏe lại và có cuộc sống bình thường như trước đây. 

    Căn nhà bừa bộn, như không có người ở

    Cách đây nhiều năm, căn nhà mà Tiko và mẹ sống thuộc hàng sang nhất cả khu vực. Tuy nhiên, sau nhiều năm, cây cối và cỏ dại mọc tràn lan phía trước khiến không gian trở nên hoang tàn. Bên trong, các căn phòng bẩn thỉu như chốn không người.

    12 nam song khong dien nuoc 1
    Anh Tiko cùng mẹ trải qua 12 năm sống không điện, nước (Ảnh: Tribune).

    Usman A Latief, người đứng đầu bộ phận xử lý của cơ quan quản lý cơ sở hạ tầng công cộng địa phương bày tỏ, tình trạng căn nhà của bà Eny đáng sợ, có mùi hôi bao trùm khắp nơi.  

    "Có mùi khó chịu như mùi nhà bỏ hoang lâu năm. Trong số các phòng, nhà bếp tồi tàn, ngổn ngang. Trước nhà, cỏ và cây um tùm. Bây giờ, mọi thứ đã sạch sẽ", Usman A Latief nói sau khi giúp dọn dẹp căn nhà của mẹ con Tiko. 

    Được biết, để dọn sạch được căn nhà, cơ quan chức năng địa phương đã phải huy động 9 nhân viên làm việc. Họ dọn dẹp từ tầng trên xuống tầng dưới, sân thượng, các phòng bên trong.

    Hàng xóm tên là Fadly Hariadi (45 tuổi) tiết lộ, từng nhận được một bức thư do bà Eny gửi. Trong thư, người phụ nữ này bày tỏ mong muốn bán một số đồ đạc để lấy tiền.

    12 nam song khong dien nuoc 1
    Những người hàng xóm muốn vào nhà để giúp đỡ nhưng bà Eny từ chối và đuổi về (Ảnh: Detik).

    Người hàng xóm này đã bán hộ chậu rửa và rèm cửa để Tiko và mẹ có tiền mua gạo. Sự việc đã diễn ra cách đây nhiều năm, nhưng điều đó cho thấy điều kiện sống khổ sở của hai mẹ con trong căn nhà nhìn bên ngoài sang trọng.

    Biết hoàn cảnh của bà Eny, hàng xóm ai cũng xót xa. Mọi người từng mang gạo đến hỗ trợ, nhưng không ai được vào nhà. "Chỉ cần mang gạo vào nhà, vừa mở cửa liền bị bà ấy đuổi ra ngoài. Eny không muốn ai vào nhà, không muốn nhận sự giúp đỡ", người hàng xóm tiết lộ.

    Theo Dân Trí

  • Dưới làn sóng "dọn sạch" hàng giả, hàng kém chất lượng ở trong nước và làn sóng kêu gọi "tẩy chay" từ các thương hiệu chính hãng, đế chế sản xuất điện thoại nhái của Trần Kim Lăng cuối cùng cũng sụp đổ.

    Bước sang thế kỷ 21, tốc độ phát triển của truyền thông điện tử ở Trung Quốc thay đổi đến chóng mặt. Dựa vào lợi thế phát triển của Thâm Quyến, hàng nghìn triệu phú đã sinh ra ở Phố điện tử Hoa Cường Bắc. Trần Kim Lăng - "ông hoàng của điện thoại di động giả" Trung Quốc cũng phát tài từ chính "thánh địa khởi nghiệp" này.

    Dẫu vậy, người từng là ông hoàng có tài sản trị giá hơn 100 triệu NDT này cuối cùng lại chịu kết cục thảm hại khi vợ con bỏ đi còn bản thân thì lang thang mưu sinh trên đường phố Thâm Quyến. Rốt cuộc, Trần Kim Lăng đã trải qua những gì?

    tran kim lang dien thoai nhai 1

    1. Nắm bắt cơ hội để làm giàu

    Năm 2001, Trần Kim Lăng 16 tuổi đã bỏ học và đến Thâm Quyến để kiếm sống cùng chú của mình. Sự tươi mới của mảnh đất hiện đại và náo nhiệt này khiến chàng thanh niên khao khát sớm có được một chỗ đứng vững chắc tại đây. Bởi lúc đó, Trần Kim Lăng chỉ làm một con người vô cùng bình thường trong số hàng nghìn người rong ruổi từ sáng đến tối trên con phố trung tâm dài hơn 900m ở Hoa Cường Bắc.

    Không có trình độ học vấn cũng chẳng có kỹ năng, Trần Kim Lăng chỉ có thể là người học việc và làm những công việc đơn giản nhất. Ban ngày, anh làm việc ở quầy hàng của người khác, tối về thì tự học tháo dỡ và sửa chữa máy móc. Chẳng bao lâu, anh đã thành thạo các kỹ năng lắp ráp cơ bản.

    Vào thời điểm đó, thị trường điện thoại di động ở Hoa Cường Bắc là rồng cá lẫn lộn. Ở đây còn nổi tiếng với câu nói: "Miễn là biết cách săn, bạn có thể có được những chiếc điện thoạt tốt nhất trên thị trường với giá rất thấp." Với tư cách là thị trường vàng cho các sản phẩm điện tử, nơi đây trở thành thiên đường sinh ra vô số nhà sản xuất điện thoại giả. Chỉ cần đầu tư một khoản tiền vào thị trường này, ai cũng có thể kiếm đủ lợi nhuận và tích lũy được rất nhiều của cải.

    Nắm bắt cơ hội, sau một thời gian vật lộn ở Hoa Cường Bắc, Trần Kim Lăng đã vay tiền từ người thân và bạn bè để thuê một cửa hàng nhỏ rộng 5m2. Được sự giới thiệu của người quen, anh đã mua một lô máy nhái cấp thấp để kinh doanh. Dù thu về lợi nhuận thấp nhưng có ưu thế bán nhanh và tích lũy thị phần, chẳng mấy chốc, Trần Kim Lăng không chỉ trả được khoản vay mặt tiền và tiết kiệm được hũ vàng đầu tiên trong đời mà còn gặp gỡ nhiều ông chủ lớn có nguồn hàng tận tay trong ngành thiết bị điện tử.

    2. Nắm trong tay cả tiền bạc lẫn danh tiếng

    Lúc đó, Thâm Quyến được kết nối với cả thị trường quốc tế và nội địa, có cả công nghệ cao cấp và nguồn cung cấp thấp. Những người bán điện thoại giả như Trần Kim lăng kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ khoảng cách lớn về mức độ tiêu thụ. Cũng từ đó, cuộc sống của chàng trai trẻ ngày càng sung túc hơn. Từ một kẻ tha hương cầu thực nghèo nàn, Trần Kim Lăng trở thành triệu phú với cuộc sống xa hoa, có nhà đẹp xe sang chỉ sau vài năm bước chân vào kinh doanh.

    Dù giàu có, Trần Kim Lăng vẫn phải chịu sự quản lý của một đại lý và mua hàng thường xuyên theo doanh số bán hàng và điều kiện thị trường. Dần dần, anh nhận ra rằng mình đang ở thế bị động. Do nguồn hàng dồi dào nên về cơ bản một số đại lý đứng đầu đã nắm được quyền định giá điện thoại nhái ở Hoa Cường Bắc. Sau khi thay đổi một số nhà cung cấp  và đối tác lắp ráp chuyên dụng, Trần Kim Lăng bắt đầu tính đến việc mở rộng địa bàn kinh doanh của mình.

    Ban đầu, khách hàng chính của anh chủ yếu là những khách hàng lẻ tẻ và một số người bán buôn nhỏ lẻ ở các thành phố cấp hai và cấp ba. Doanh số bán hàng của họ không mấy khả quan. Sau khi mở rộng quy mô, cửa hàng của Trần Kim Lăng bắt đầu kinh doanh và cung cấp sản phẩm cho nhiều gian hàng ở Hoa Cường Bắc. Để thu hút nhiều đối tác lâu dài hơn, anh đã trực tiếp giành được quyền đại lý duy nhất của nhà cung cấp vào thời điểm đó và tập trung vào việc sản xuất các thương hiệu điện thoại phổ biến nhất lúc bấy giờ.

    Sau đó, anh ấy đã liên hệ với một số người bạn tốt trong kinh doanh và cùng hùn vốn thành lập một công ty. Hoạt động kinh doanh chính của công ty này là cung cấp nhiều loại điện thoại nhái với khẩu hiệu: bạn muốn bất cứ mẫu điện thoại nào, chúng tôi đều có thể cung cấp loại máy đấy với giá rẻ.

    Do ưu điểm là giá rẻ hơn một nửa so với thị trường, hơn nữa trong thời đại 2G, thao tác của điện thoại di động màn hình cảm ứng không phức tạp như điện thoại thông minh ngày nay. Vì vậy, ngoại trừ một số nhà sản xuất điện thoại chính hãng hàng đầu, hầu hết điện thoại di động tràn ngập thị trường là điện thoại được làm giả với chi phí rẻ hơn. Cũng nhờ đó mà Trần Kim Lăng càng ngày càng giàu với gia tài hàng trăm triệu NDT và trở thành một trong những người nổi tiếng hàng đầu trong thị trường điện thoại di động giả ở Hoa Cường Bắc.

    3. Sóng gió ập đến và ngày tàn của một "vị vua"

    Năm 2010, Steve Jobs ra mắt thế hệ thứ tư của Apple. Chiếc điện thoại thông minh đã gây chấn động thế giới, đánh dấu sự thay đổi trong sự phát triển của thời đại công nghệ. Ngành công nghiệp làm giả điện thoại tại Hoa Cường Bắc trong khi đối mặt với sự đổi mới tinh vi của công nghệ thế giới cũng gặp phải sự kiểm soát của chính sách trong nước.

    Để "dọn sạch" hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường, các cơ quan chức năng đã tăng cường điều tra và trừng phạt những trường hợp vi phạm. Thị trường Thâm Quyến chính là nơi đầu tiên bị kiểm tra nghiêm ngặt. Là người sở hữu cả kho điện thoại được làm nhái, Trần Kim Lăng tìm mọi cách né tránh sự trừng phạt của cơ quan quản lý đối với cửa hàng.

    Tuy nhiên, anh và những "doanh nhân" khác tại Hoa Cường Bắc càng lâm vào hoàn cảnh oái oăm khi kỷ nguyên 3G ra đời. Trong nước, các thương hiệu điện thoại được tạo ra dưới đội ngũ vận hành và mô hình kinh doanh chuyên nghiệp được nhân rộng khiến việc làm ăn của vô số nhà sản xuất nhỏ lẻ ở khu phố điện tử bậc nhất Trung Quốc này chao đảo.

    Với sự giúp đỡ của bạn bè, Trần Kim Lăng đã bán số điện thoại làm giả tích trữ được cho một số nhà sản xuất linh kiện điện tử với giá rẻ. Cửa hàng của anh cũng đã được chuyển nhượng. Nhiều nhà máy nhỏ đã đồng loạt đóng cửa, chưa kể những thương nhân sống nhờ vào những nguồn hàng này. Khu phố Hoa Cường Bắc từ "cỗ máy sản xuất dành cho các triệu phú" đã dần đánh mất vị thế của mình.

    Cùng với các chính sách quản lý được đưa ra để trấn áp các sản phẩm nhái và hàng nhái kém chất lượng, nhiều đợt tẩy chay khác nhau của các nhà sản xuất điện thoại di động chính hãng đối với điện thoại giả cũng đã diễn ra. Do đó, thị trường điện thoại di động giả nhanh chóng bị xóa sổ, ngay cả những nhà sản xuất điện thoại giả cũng bị bắt và tịch thu toàn tài sản. Về phía Trần Kim Lăng, không chỉ công việc kinh doanh bị phá sản, anh còn mang trên mình khoản nợ khổng lồ từ những thương vụ làm ăn thua lỗ trước đó.

    Sau khi kết hôn, vì tin tưởng vợ nên anh đã chuyển nhượng mặt tiền và phần lớn tài sản cố định sang tên vợ. Tuy nhiên vì không muốn cùng chồng vượt qua khó khăn nên vợ anh đã chọn cách ly hôn. Từ một triệu phú giàu có, Trần Kim Lăng bỗng mất trắng và trở thành con nợ.

    Người từng được mệnh danh là "ông hoàng điện thoại nhái" ngày nào giờ đây trở thành người vô gia cư, phải sống lang thang trên những con phố gần Hoa Cường Bắc với tinh thần không còn tỉnh táo. Có người qua đường từng quen biết cho anh tiền và hỗ trợ đi khám sức khỏe. Còn những người không biết đến người đàn ông này thì tỏ ra ghê sợ và xa lánh.

    Cuộc đời huy hoàng một thời của Trần Kim Lăng giờ đây chỉ còn trong trí nhớ của những người bạn năm xưa.

    CafeBiz (theo Sohu)