• cuop ngan hang lloyds 1

    Nước Anh trong thập niên 1970 đã xảy ra vụ cướp ngân hàng có tình tiết giống với một vụ án trong tiểu thuyết thám tử Sherlock Holmes của nhà văn Arthur Conan Doyle.

    Theo trang Hubpages, vụ cướp chi nhánh ngân hàng Lloyds trên phố Baker ở London dù đã xảy ra hơn 50 năm về trước nhưng vẫn là một trong những vụ án khét tiếng nhất từng xảy ra trong lịch sử nước Anh, khi một nhóm tội phạm đào hầm để đột nhập kho tiền ngân hàng, giống với tình tiết trong truyện “Liên minh tóc đỏ” của nhà văn Arthur Conan Doyle.

    cuop ngan hang lloyds 1
    Mặt trước ngân hàng Lloyds ở phố Baker, Anh. Ảnh: General Coast News

    Nước Anh vào đầu thập niên 1970 đã xảy ra nhiều biến động xã hội, khi chứng kiến sự suy giảm năng suất trong các ngành công nghiệp sản xuất truyền thống, vốn là then chốt của nền kinh tế ‘xứ sở sương mù’ trong nhiều thập kỷ, cũng như sự trỗi dậy của nhiều ngành công nghiệp mới.

    Những thay đổi như vậy làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, cũng như bất ổn xã hội ở Anh. Chính những biến động đó đã khiến tỷ lệ tội phạm gia tăng, nhất là các nhóm đối tượng phạm pháp nhằm vào các kho tiền trong ngân hàng.

    Hubpages cho hay, nhóm tội phạm nhắm mục tiêu vào chi nhánh ngân hàng Lloyds trên phố Baker, London đều là những kẻ có nhiều kinh nghiệm trong việc trộm cắp. Kẻ đứng đầu nhóm cướp trên tên là Valerio Viccei, một tên trộm người Italia, với nhiều "chiến tích" bất hảo.

    Để đột nhập ngân hàng, nhóm tội phạm đã phải dành nhiều tháng để lập kế hoạch cũng như tìm hiểu những kiến thức xoay quanh vấn đề an ninh của ngân hàng, chẳng hạn như làm thế nào để tránh được các hệ thống an ninh tiên tiến ở thời điểm đó và xâm nhập kho tiền một cách an toàn.

    Vào năm 1971, nhóm cướp trên đã thuê cửa hàng ở tầng trệt nằm cạnh chi nhánh ngân hàng Lloyds. Từ cửa hàng được thuê, nhóm cướp đã đào một đường hầm và từ đó để đột nhập kho tiền ngân hàng. Việc đào đường hầm đã được các đối tượng thực hiện hết sức cẩn trọng để tránh bị phát hiện. Chúng sử dụng các công cụ chuyên dụng, không gây ra bất kỳ tiếng động hay rung chấn nào.

    cuop ngan hang lloyds 1
    Hình ảnh minh họa vụ cướp ngân hàng phố Baker, Anh. Ảnh: Daily Mail

    Trong khi một số đối tượng thực hiện việc đào đường hầm, thì các thành viên khác theo dõi và thu thập thông tin về chi nhánh ngân hàng Lloyds, ví dụ như cách bố trí bên trong ngân hàng, vị trí các camera cũng như thói quen của các nhân viên ngân hàng.

    Vào đêm 11/9/1971, nhóm cướp do Viccei cầm đầu đã thực hiện kế hoạch cướp ngân hàng. Với giấy tờ tùy thân giả, một số đối tượng đã thuyết phục nhân viên bảo vệ rằng họ là những công nhân được phái tới để tiến hành bảo trì định kỳ một số hệ thống tại đây. Trong khi đó, một vài thành viên khác có mặt tại lối chui xuống đường hầm nằm dưới kho tiền để hỗ trợ đồng bọn.

    Theo những bằng chứng được cơ quan cảnh sát Anh thu thập, nhóm cướp trên đã ở bên trong kho tiền khoảng 3 tiếng đồng hồ và lấy đi từ 1,25-3 triệu bảng Anh (khoảng 7 triệu USD ở thời điểm đó, tức 51 triệu USD ngày nay).

    cuop ngan hang lloyds 1
    Ảnh: Wikipedia

    Theo Hubpages, vụ cướp chi nhánh ngân hàng Lloyds đã gây ra một cú sốc lớn đối với toàn nước Anh, khiến người dân quốc gia này nhận ra các ngân hàng không ‘miễn nhiễm’ trước những vụ cướp. Bất chấp sự truy đuổi gắt gao từ cảnh sát Anh, chỉ một số đối tượng trong nhóm cướp bị bắt giữ. Toàn bộ số tiền thu hồi từ những đối tượng bị bắt giữ là khoảng 231.000 bảng Anh.

    Theo Vietnamnet

  • Băng cướp ước tính vụ cướp kho tiền sẽ mang về khoảng 3 triệu bảng Anh nhưng khi két mở thấy 6.840 thỏi vàng (nặng 3 tấn) khiến chúng lóa mắt sững sờ, năm 1983.

    cuop 3 tan vang 1

    6h30 ngày 26/11/1983, bên ngoài một nhà kho được bảo vệ nghiêm ngặt tại một khu thương mại gần sân bay Heathrow, London, 5 nhân viên bảo vệ đang đợi cửa chớp an ninh tự động mở ra.

    Trời tối đen như mực và lạnh lẽo, những người đàn ông này nóng lòng được vào bên trong để bắt đầu ca làm việc. Đây là 5 nhân viên của Brink's-Mat, một công ty quốc tế chuyên vận chuyển hàng hóa có giá trị.

    Tại trung tâm của nhà kho, được dán nhãn Unit7, là một khối bê tông cốt thép được bảo vệ bởi 11 ổ khóa và 5 chuông báo động. 5 bảo vệ sau đó ung dung pha trà mời đồng nghiệp ở phòng nhân viên tầng 2. Viên bảo vệ thứ 6 là Tony Black đến muộn nhất, bấm chuông cửa và được đồng nghiệp cầm chìa khóa mở cửa cho vào. Bên ngoài, chiếc xe tải Ford Transit cũ màu xanh xuất hiện.

    Black trông có vẻ mệt mỏi, bối rối xin lỗi vì ngủ quên. Anh ta nói cần đi vệ sinh và trở xuống tầng dưới.

    Chỉ 3 phút sau, 6 người đàn ông bịt mặt xông vào phòng nhân viên, lật tung bàn ghế. Kẻ chỉ huy đội mũ đen trùm kín mặt, chĩa khẩu súng lục Browning vào các bảo vệ rồi hét lên: "Nằm xuống sàn nếu không muốn chế". Mọi người răm rắp làm theo.

    Một người thực hiện chậm, ngay lập tức bị bắn vào chân. Băng cướp lấy băng keo quấn chặt chân, miệng con tin, còng tay ra sau. Không ai trong số các nhân viên bảo vệ có đủ thời gian để bấm nút báo động, dù các nút được bố trí rải rác khắp phòng.

    Theo nhà chức trách, kẻ chỉ huy là Mickey McAvoy, các đồng phạm gồm Tony White và Brian Robinson. Danh tính của ba người còn lại chưa xác định được.

    cuop 3 tan vang 2
    Mickey McAvoy (trái) và Brian Robinson. Ảnh: The Guardian

    McAvoy kinh doanh sơn và nội thất, được biết đến là một trong những tên cướp có vũ trang khét tiếng nhất London. Robinson nổi tiếng là người lên kế hoạch cho những vụ cướp bá đạo. Còn White là kẻ thạo dùng nắm đấm để đạt được điều mình muốn.

    Theo trí nhớ của những nhân viên bảo vệ sau này, băng cướp dường như biết rõ nhân viên nào phụ trách việc gì và vị trí các thiết bị vận hành ở đâu. Chúng xốc nách từng người lôi đi, yêu cầu tắt báo động, kích hoạt tổ hợp khóa. "Vụ cướp chắc chắn xuất phát từ một người nội bộ", cảnh sát đoán.

    Đồng nghiệp của họ, Tony Black, chính là em rể của Robinson. Tony Black không có ý định sống bằng tiền lương của Brink's-Mat trong suốt quãng đời còn lại. Trong khi Tony cũng mắc nợ Robinson khoản tiền mua nhà. Trước đó vài tuần, Tony biết "một chuyến hàng lớn" sắp được chuyển đến nhà kho, đã bắn tin cho anh vợ.

    Tony đưa cho Robinson những bức ảnh và sơ đồ chi tiết về cách bố trí nhà kho, cùng với tên và vai trò của các đồng nghiệp. Băng cướp dự kiến sẽ hốt 3 triệu bảng Anh tiền mặt trong ba két sắt ở hầm dưới tầng hầm.

    6h46 khi thực hiện vụ cướp, tên đàn anh McAvoy, giả vờ dí một khẩu súng lục vào lưng Tony, bắt mở cửa vào khoang chất hàng. Chiếc Ford Transit màu xanh lam được lái vào kho.

    Để bảo mật, các nhân viên chỉ được cấp mỗi người một nửa mã khóa. Với sáu khẩu súng dí vào đầu, các đoạn mật khẩu dần được các nhân viên này tiết lộ. Két khổng lồ mở ra. Trước mặt họ là chiếc lồng thép, bên trong là 3 két sắt.

    Băng cướp khi mở két thành công đã dùng dao găm xé toạc những chiếc hộp vuông vắn trong két, tưởng rằng bên trong sẽ là những xấp tiền giấy thơm phức. Nhưng một trong số chúng hốt hoảng kêu lên: "Ối trời, toàn là vàng, bốn con 9".

    Hắn ta giơ một thỏi vàng có kích thước bằng bao thuốc lá với con dấu 9999, chứng nhận vàng nguyên chất, chất lượng tốt nhất.

    Tổng cộng, các hộp chứa 6.840 thỏi vàng nặng gần ba tấn, trị giá tổng cộng hơn 26 triệu bảng Anh (khoảng 100 triệu bảng Anh ngày nay). Ngoài ra còn có 200.000 bảng Anh tiền mặt, kim cương, tổng trị giá hơn 100.000 bảng Anh.

    Khi chiếc xe đã chất đầy chiến lợi phẩm, chúng còng tay 6 nhân viên bảo vệ, bao gồm cả "nội gián" Tony Black, vào cách vị trí cách xa nhau. Chúng sau đó vội vã tẩu thoát mà không bắn ai, cười hỉ hả nói: "Chúc mừng Giáng sinh". Ba tấn vàng khiến khung xe cào vào lốp, ì ạch di chuyển khỏi kho rồi mất hút.

    Gần một giờ sau, nhân viên đầu tiên, bị nhốt vào tủ, mới thoát thân thành công và giải thoát cho 5 đồng nghiệp. Anh ta chộp lấy điện thoại gọi cảnh sát.

    cuop 3 tan vang 2
    Cảnh sát có mặt kho của Brinks Mat tại Hounslow, gần sân bay Heathrow, hiện trường vụ cướp 6.840 thỏi vàng năm 1983. Ảnh: The Guardian

    9h30 đội cảnh sát tinh nhuệ đến nhà kho và thiết lập một đơn vị kiểm soát di động. Một trong những cuộc điều tra lớn nhất trong lịch sử của lực lượng cảnh sát được tiến hành. "Ngay từ đầu chúng tôi đã nghĩ có nội gián. Ai đó đã giúp họ vào trong. Điều này dường như đã được thực hiện bởi một nhóm cướp rất chuyên nghiệp. Các thỏi vàng được đánh dấu riêng nên rất có thể sẽ bị băng nhóm nấu chảy", trưởng nhóm điều tra nói.

    Người chỉ huy điều tra cho hay các thỏi vàng "nếu xếp lại với nhau sẽ tạo thành chiếc hộp vuông vắng cao 3 mét, rộng dài một mét. Không phải là một thứ không thể giấu hay chôn được". Ông kêu gọi các quần chúng thông tin về một chiếc Ford Transit cũ xanh lam được lái qua khu thương mại, treo thưởng 2 triệu bảng Anh cho thông tin hữu ích.

    Thị trường vàng quốc tế phản ứng nhanh chóng với vụ cướp Brink's-Mat. Quá nhiều vàng thỏi đã bị lấy khỏi thị trường, vàng hiện khan hiếm hơn, đẩy giá lên cao, khiến số vàng chiến lợi phẩm đã tăng giá hơn một triệu bảng Anh so với khi bị lấy đi.

    Trong khi đó, băng cướp đã gặp nhau tại một ngôi nhà an toàn ở Nam London, thống nhất không liên lạc với nhau trong ít nhất một tháng. Những tên cướp có thể đã trở nên giàu có nhưng chúng không thể tiêu bất kỳ đồng nào. Thách thức lớn đặt ra với chúng: Làm thế nào để tẩu tán ba tấn vàng và biến nó thành tiền mặt?

    7 ngày sau vụ cướp, sáu nhân viên bảo vệ quay lại nhà kho Brink's-Mat, diễn lại các chuyển động của họ vào sáng diễn ra vụ cướp để cơ quan điều tra ghi hình. Từng người mô tả những gì đã xảy ra với họ và những gì bọn cướp đã nói và làm.

    Lúc này, cảnh sát biết rằng Tony Black là em rể Brian Robinson nên đã liệt vào nghi phạm chính. Thái độ và lời khai của anh ta tỏ ra vô cùng lúng túng. Tại cuộc thẩm vấn ngày hôm sau, các sĩ quan quyết định dùng bài ngửa với Tony.

    "Chúng tôi không hài lòng với câu chuyện của anh. Brian Robinson là anh vợ anh nhỉ? Anh ta nghĩ gì về vụ cướp?", cảnh sát tra hỏi. Tony lắp bắp: "Tôi chưa nói chuyện với anh ấy. Tôi không biết anh ấy nghĩ gì".

    Tony hoảng sợ và bị bỏ mặc trong phòng giam của cảnh sát trong vài giờ. Khi các sĩ quan trở lại, Tony xin 21 trang giấy, viết lời thú tội. Một thám tử cho anh ta xem ảnh của 3 kẻ cầm đầu. Tony gật đầu xác nhận: Chính là họ.

    Ngày 7/12, các đội đặc nhiệm đồng loạt đến nhà của Mickey McAvoy, Brian Robinson và Tony White. Tại ba căn nhà lụp xụp cách nhau vài km, ba gã ngái ngủ mở cửa cho hàng chục sĩ quan cảnh sát vào nhà, lục lọi từng cm bên trong nhưng tất nhiên, họ chẳng tìm được gì.

    Tháng 2/1984, Tony Black bị kết án sáu năm tù và tiếp tục hầu tòa 8 tháng sau đó trong vai trò nhân chứng chống lại ba kẻ đồng lõa. Bồi thẩm đoàn đã cân nhắc trong bốn ngày. McAvoy và Robinson bị kết án 25 năm tù. White được trắng án do thiếu bằng chứng nhưng sớm quay lại con đường tù tội. Năm 1997, anh ta bị kết án 9 năm tù vì tham gia vào một đường dây buôn lậu trị giá 65 triệu bảng Anh không liên quan vụ cướp vàng ở Brink's-Mat.

    Còn Tony Black, sau khi mãn hạn tù, được cấp danh tính mới, cùng vợ chuyển nhà đi nơi khác, theo chính sách bảo vệ nhân chứng.

    Số vàng đi đâu?

    Khi nhận ra vận may chấm dứt, kẻ cầm đầu McAvoy luôn hy vọng sẽ có thể dùng vàng ăn cướp được để thương lượng bản án nhẹ hơn. Vì vậy anh ta giao phần vàng mình được chia cho nhiều người bạn, bao gồm một người tên là Brian Perry.

    Sau phiên tòa, khi bị kết án 25 năm, McAvoy tìm cách đòi lại tài sản của mình để thương lượng giảm án nhưng không được ông bạn hồi đáp.

    Perry đã chiêu mộ đồng bọn để luyện vàng và tuồn ra ngoài thị trường trở thành vàng hợp pháp. Năm 1986, Perry và gần chục đồng bọn lần lượt bị phát giác, xét xử. Perry bị kết án 9 năm tù và bị một tay súng không rõ danh tính bắn chết ngay trước cổng nhà tù năm 2001, khi được thả tự do. Nhiều giả thiết cho rằng, tay súng được McAvoy thuê để trả mối thù bị Perry phản bội.

    Sau khi mãn hạn tù, Robinson qua đời không một xu dính túi trong viện dưỡng lão ở London vào năm 2021. McAvoy ra tù năm 2000, qua đời vào đêm giao thừa năm 2022.

    Cảnh sát ước tính rằng 20 người liên quan đến vụ cướp Brink's Mat đã bị sát hại hoặc biến mất trong quá trình quy vàng ra tiền mặt.

    Chưa đến một nửa số vàng của vụ cướp được tìm lại. Cảnh sát tin rằng phần lớn đã được nấu chảy và bán lại cho các đại lý hợp pháp, tiền được chuyển đến các khoản tiền gửi an toàn ở nước ngoài hoặc đơn giản là được tái chế thành ngành buôn bán đồ trang sức rộng lớn hơn ở London, cung cấp cho tuổi già an nhàn của một số tên tội phạm vẫn còn nhởn nhơ.

    Vụ cướp Brink's-Mat tiếp tục mê hoặc mọi người do tính chất táo bạo, số tiền khổng lồ liên quan và danh tính bí ẩn của những tên cướp. Vụ án đã trở thành chủ đề của nhiều cuốn sách, phim và phim tài liệu, và là một trong những vụ trộm gây chấn động nhất nước Anh .

    VnExpress (theo Independent, Dailymail, History Hit, Crime and Investigation)

  • Người đàn ông 65 tuổi ở bang Utah xông vào ngân hàng Wells Fargo ở thành phố Salt Lake (Mỹ), tự xưng là cướp, yêu cầu giao dịch viên đưa 1 USD rồi ngồi đợi cảnh sát đến bắt.

    Cảnh sát liên bang khẳng định đây là một trong những vụ cướp kỳ quặc nhất nước Mỹ.

    Hồ sơ cho biết, sáng 6/3, ông Donald Santacroce vào ngân hàng, tiến đến quầy giao dịch và đưa cho nhân viên một mảnh giấy trong đó ghi "Xin lỗi vì việc này nhưng đây là một vụ cướp. Hãy đưa cho tôi 1 USD. Cảm ơn". Các nhân viên còn cho rằng đó là một trò đùa nên đã đưa tiền và đề nghị ông đi ra, nhường chỗ cho người khác. Tuy nhiên, ông Donald khẳng định mình đến đây cướp và yêu cầu họ gọi cảnh sát.

    cuop 1 usd

    Giám đốc ngân hàng đã lập tức yêu cầu nhân viên rút vào phòng an toàn phía trong và gọi 911. Người đàn ông ra ghế ngồi chờ, thậm chí còn phàn nàn sao cảnh sát chậm chạp thế.

    Sau khi bị bắt, ông Donald khai nhận đây là kế hoạch đã được chuẩn bị từ lâu nhưng nhất định không tiết lộ lý do vì sao đi cướp. Ông ta chỉ nói đi cướp là để được ngồi tù và ngay khi được thả ra sẽ đi cướp vụ khác để đi tù tiếp.

    Dẫu vậy, cảnh sát thành phố Salt Lake chỉ tạm giữ người này trong hai ngày và gửi cảnh báo đến các ngân hàng trên địa bàn về một vụ cướp tiếp theo có thể xảy ra.

    Đây không phải là lần đầu tiên nước Mỹ gặp trường hợp một công dân cố tình phạm pháp để được đi tù. Tháng 9/2016, một người đàn ông đi cướp ngân hàng để bị bắt với lý do "tránh xa vợ càng lâu càng tốt vì không thể chịu đựng nổi". Tháng 8/2022, một người khác cũng đi cướp để được đi tù vì "không thể xoay xở được với cuộc sống tự do".

    VnExpress (Theo Oddity Central)

  • cuop ngan hang Securitas depot 1

    Trong vài giờ, băng cướp xông vào ngân hàng Securitas, lấy đi 53 triệu bảng Anh. Đây là vụ cướp tiền mặt lớn nhất lịch sử xứ sở sương mù.

    Tối 21/2/2006, Colin Dixon (quản lý ngân hàng Securitas Depot) bị dừng xe bên ngoài Stockbury, một ngôi làng phía đông bắc Maidstone ở Kent, bởi một chiếc xe không biển hiệu và có ánh đèn xanh nhấp nháy. Từ trong xe, một người đàn ông mặc đồ phản quang bước ra và dẫn Dixon lên một chiếc xe khác.

    Tối cùng ngày, vợ và con trai 8 tuổi của Dixon cũng bị những người đàn ông mặc sắc phục cảnh sát bắt giữ tại nhà. Họ nói rằng Dixon liên quan tới một vụ tai nạn xe hơi trước khi bắt cóc và đưa những người này tới trang trại Staplehurst. Tại đây, Dixon bị chĩa súng vào đầu và đe dọa nếu không hợp tác, gia đình anh sẽ gặp nguy hiểm.

    Sau đó, nhóm này đem theo súng AK cùng một khẩu súng tiểu liên tới kho chứa của ngân hàng Securitas ở Tonbridge. Khi đó, tất cả nhận ra rằng đây thực ra là những tên cướp, không phải cảnh sát.

    cuop ngan hang Securitas depot 1
    Băng cướp đột nhập ngân hàng Securitas, lấy đi số tiền 53 triệu bảng Anh. Ảnh: The Mirror.

    Khoảng 1h ngày 22/2/2006, băng cướp đưa gia đình Dixon lên xe tải và di chuyển tới kho chứa Securitas. Khi được Dixon cho vào, một tên cướp đã dùng súng đe dọa nhân viên và buộc họ mở cổng để chiếc xe tải cùng các phương tiện khác vào trong.

    Chúng bịt kín mặt, mang theo súng ngắn, súng AK và một khẩu súng tiểu liên Škorpion. Gia đình Dixon và 14 nhân viên bị trói và nhốt trong lồng đựng tiền.

    Trong hơn một giờ, băng cướp chất lên chiếc xe tải hơn 53 triệu bảng Anh bằng giấy bạc đã qua sử dụng và chưa sử dụng của Ngân hàng Trung ương Anh. 154 triệu bảng khác bị bỏ lại vì không đủ chỗ chứa.

    Khoảng 3h15 cùng ngày, con trai Dixon làm gãy thanh sắt của lồng đựng tiền và giải phóng các con tin. Họ sau đó kích hoạt chuông báo động để gọi cảnh sát, buộc nhóm cướp phải nhanh chóng rời đi.

    Vụ việc không gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho con tin nhưng khiến tất cả đều sốc và hoảng sợ. Ngân hàng Trung ương Anh đã được Securitas Depot hoàn trả 25 triệu bảng Anh cùng ngày và đảm bảo rằng Securitas sẽ bù đắp thêm bất kỳ khoản lỗ nào.

    Một tuần sau khi vào cuộc, cảnh sát tìm thấy các phương tiện giao thông liên quan tới vụ án, bao gồm một xe tải mini, 2 ôtô con được cải tạo giống xe cảnh sát cùng một chiếc xe tải trắng sử dụng để đựng tiền. Bên trong xe tải trắng, cảnh sát phát hiện số tiền 1,3 triệu bảng bị đánh cắp.

    8 triệu bảng khác được phát hiện ở thành phố Welling và vài năm sau, cảnh sát cho biết đã thu hồi được số tiền hơn 21 triệu bảng. Tuy nhiên, gần 32 triệu bảng còn lại trong vụ án chưa được thu hồi và vẫn mãi là một bí ẩn.

    Liên quan tới vụ án, Stuart Royle, Roger Coutts, Lea Rusha cùng Jetmir Bucpapa là những kẻ được xác định trực tiếp cướp ngân hàng và bị tuyên án tù chung thân. Emir Hysenaj cùng Lee Murray là những người liên quan, có vai trò giúp sức và lần lượt bị tuyên phạt 20, 25 năm tù.

    Riêng với Murray bỏ trốn khỏi Anh sau khi vụ cướp diễn ra nhưng bị phát hiện nhân thân khi liên quan tới một vụ tai nạn giao thông. Cảnh sát phát hiện trong chiếc điện thoại của Murray có đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa hắn và Lea Rusha về kế hoạch thực hiện vụ cướp nên bắt giữ tên này. Sau đó, Murray không bị dẫn độ về Anh mà chấp hành án phạt tù tại Morocco do có cha là người nước này.

    Bên cạnh đó, cảnh sát cũng thực hiện ít nhất 36 vụ bắt giữ trong quá trình điều tra mở rộng vụ án.

    cuop ngan hang Securitas depot 1
    Trụ sở ngân hàng Securitas, nơi xảy ra vụ cướp. Ảnh: KentOnline.

    Sau khi vụ cướp xảy ra, cơ quan chủ quản của Securitas quyết định thay đổi lĩnh vực hoạt động. Thay vì hoạt động giữ và quản lý tiền, họ chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ tư vấn, an ninh và công nghệ.

    Trụ sở Securitas vẫn còn, song được nhượng lại cho Vaultex, một công ty thuộc sở hữu của 2 ngân hàng khổng lồ là Barclays và HSBC. Việc giữ và quản lý tiền cũng được giao lại cho Loomis, một công ty chuyên về lĩnh vực này.

    Tính đến nay, số tiền gần 32 triệu bảng vẫn là một bí ẩn. Đây là vụ cướp tiền mặt lớn nhất trong lịch sử nước Anh và có quy mô lớn thứ hai trong lịch sử thế giới.

    Theo Zing