• Cựu chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã nhận hối lộ 350 triệu đồng của một Việt kiều Mỹ để giao quyết định giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh.

    Ngày 30-10, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố Kim Thanh Hạnh về tội "Nhận hối lộ".

    Bà Kim Thanh Hạnh là Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự TP HCM, được phân công tổ chức thi hành án vụ việc bà Nguyễn Thị Bích Ngân phải trả ông Nguyễn Quốc Vương (ngụ quận Bình Thạnh) số tiền 2 tỉ 559 triệu đồng và lãi suất chậm thi hành án, án phí là 83 triệu đồng.

    Ngày 27 và 28-11-2022, vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích Ngân và ông Chu Steven Le, từ Mỹ về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Khi làm thủ tục nhập cảnh thì bà Ngân được cán bộ hải quan thông báo bà đang bị tạm hoãn xuất cảnh theo Quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Cục Thi hành án dân sự TP HCM. 

    tham nhung
    Cơ quan chức năng khám xét nơi làm việc của bà Hạnh lúc xảy ra vụ việc.

    Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã xác định bà Ngân là người phải thi hành án trả ông Nguyễn Quốc Vương số tiền 2 tỉ 559 triệu đồng và tiền lãi phát sinh. Do chưa thi hành án nên ông Vương đã đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP HCM ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Ngân.

    Chiều 12-12-2022, bà Ngân đến Cục Thi hành án dân sự TP HCM gặp Kim Thanh Hạnh. Tại đây, bà Ngân trình bày về việc mình đang mang thai, việc tạm hoãn xuất cảnh làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe nên sẽ nộp tiền thi hành án xong sớm và nhờ Hạnh giúp đỡ làm nhanh thủ tục giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh để trở về Mỹ sinh con. Bà Hạnh đồng ý và lập biên bản ghi nhận ý kiến của bà Ngân.

    Sáng 14-12-2022, tại quán cà phê ở quận Gò Vấp vợ chồng bà Ngân gặp Kim Thanh Hạnh để trao đổi công việc. Hạnh nói với vợ chồng bà Ngân việc giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh sẽ mất nhiều thời gian, công sức, muốn làm nhanh phải lo "chi phí" để đưa cho nhiều người. 

    Ông Chu Steven Le hỏi đưa bao nhiêu, Hạnh ghi số tiền là 500 triệu đồng ra giấy rồi giơ lên cho vợ chồng bà Ngân xem. Thấy số tiền yêu cầu quá lớn, ông Chu Steven Le đề nghị giảm bớt. 

    Hạnh đồng ý với giá 350 triệu đồng. Do muốn trở về Mỹ sớm nên vợ chồng bà Ngân đã đồng ý đưa số tiền là 350 triệu đồng theo yêu cầu của Hạnh trước ngày 26-12-2022.

    Khi vợ chồng bà Ngân thi hành án cho ông Vương, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã ký quyết định giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Ngân. Tuy nhiên, Hạnh không giao quyết định giải tỏa hoãn xuất cảnh cho bà Ngân mà giữ lại với mục đích ép bà Ngân đưa 350 triệu cho mình.

    Hạnh hẹn vợ chồng bà Ngân ra quán cà phê đưa quyết định cho bà Ngân xem trước và yêu cầu phải đưa 350 triệu đồng như thỏa thuận.

    Sau khi hẹn nhau tại một địa điểm ở quận Phú Nhuận, Hạnh giao quyết định và nhận tiền thì bị Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao bắt quả tang.

    Theo Người Lao Động

  • Hơn 600 cái tên, từ các nhà lãnh đạo thế giới, đến hoàng gia và các nhà tài phiệt đã được liệt kê trong Hồ sơ Pandora vì sở hữu hàng loạt tài sản không minh bạch ở Anh quốc.

    ho so pandora o anh 2

    Thông qua Hồ sơ Pandora, Guardian xác định được hơn 600 cá nhân đã sử dụng các công ty vỏ bọc hoặc công ty dịch vụ tài chính để bí mật mua tài sản ở Anh. Nhiều tài sản nằm trong các mã bưu chính đắt đỏ nhất của London như Mayfair, Knightsbridge, Kensington và Belgravia.

    Những người đứng đầu chính phủ, các nhà tài phiệt, ông trùm kinh doanh, các gia đình cầm quyền và một vị vua ở Trung Đông nằm trong số những chủ sở hữu không minh bạch hàng loạt tài sản ở Anh trị giá ít nhất 4 tỷ bảng Anh (5,45 tỷ USD).

    Theo Guardian, các chủ sở hữu nước ngoài đang nắm giữ lượng tài sản ở Anh tương đương 170 tỷ bảng (231,47 USD), phần lớn trong số đó được sở hữu không minh bạch.

    Bằng cách cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về quyền sở hữu thực sự của một phần đáng kể trong số đó, Hồ sơ Pandora có khả năng gia tăng áp lực lên chính phủ Anh để họ thực hiện những cam kết trước đây trong việc minh bạch tài sản tại Anh của chủ sở hữu nước ngoài, và buộc các chủ sở hữu này phải đăng ký công khai tài sản của họ ở Anh.

    Mua tài sản thông qua các công ty offshore - công ty đăng ký thành lập và được bảo hộ bởi một địa chỉ ngoài biên giới quốc gia mà nó đang hoạt động - là hợp pháp, và một số người có những lo ngại về quyền riêng tư hoặc bảo mật thường chọn cách làm này.

    Công ty offshore thường được thành lập ra không phải để kinh doanh trực tiếp mà để thực hiện các mục đích như đầu tư vào một công ty ở nước nào đó, hay chỉ là một pháp nhân được bảo hộ bởi quốc gia nó đăng ký thành lập để cất giữ tài sản.

    Tuy nhiên, sự bí mật của các công ty này có thể làm tăng nguy cơ thị trường bất động sản ở Anh bị lạm dụng để tránh thuế và rửa tiền.

    ho so pandora o anh 2
    Ông trùm bán lẻ người Anh Philip Green và vợ Tina Green có tên trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: Rex.

    Những bất động sản xa xỉ ẩn danh

    Guardian - làm việc với BBC, Finance Uncovered và các hãng truyền thông khác - qua nhiều tháng nghiên cứu đã xác định được hàng trăm chủ sở hữu ẩn danh, bằng cách tham chiếu chéo dữ liệu của Cơ quan đăng ký đất đai của Anh về các bất động sản có chủ sở hữu ở nước ngoài với các tài liệu trong Hồ sơ Pandora.

    Hồ sơ Pandora nêu chi tiết hơn 1.500 tài sản ở Anh được 716 công ty nước ngoài nắm giữ, phần lớn tập trung ở London.

    Đa số công ty này được đăng ký ở Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI), một lãnh thổ hải ngoại của Anh. Thiên đường thuế này nắm giữ 678 công ty trong số 716 công ty được Hồ sơ Pandora tiết lộ.

    Hơn 60 khối tài sản thuộc sở hữu bí mật có giá trị trên 10 triệu bảng Anh (13,62 triệu USD) mỗi khối được nêu chi tiết trong Hồ sơ Pandora.

    Dữ liệu chứa tên của những chủ sở hữu có lợi cuối cùng (UBO), hay nói cách khác là những người nắm quyền kiểm soát thực tế, của hàng trăm công ty nước ngoài này.

    Việc sở hữu như vậy không phải là bất hợp pháp, nhưng cho thấy sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình xung quanh các giao dịch và tài sản.

    Vua Jordan là một trong những nhân vật nổi cộm nhất trong danh sách người nước ngoài sở hữu không minh bạch tài sản ở Anh. Ông thậm chí có bất động sản ở quận Belgravia đắt đỏ và khó sở hữu nhất của London, và đó chỉ là một phần trong đế chế bất động sản quốc tế xa xỉ trị giá hơn 100 triệu USD của ông.

    Đình đám trong danh sách còn có tên của gia tộc cầm quyền của Azerbaijan và các thân tín của họ - những người đã nhiều lần bị châu Âu cáo buộc tham nhũng.

    Những người nổi bật khác trong hồ sơ là các thành viên của gia đình Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, người đã sử dụng một công ty ở BVI để mua một căn hộ ở Westminster.

    ho so pandora o anh 2
    Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. Ảnh: ICIJ.

    Thani Abdulla TJ al-Thani của gia đình cầm quyền Qatar đã mua 16 bất động sản ở London từ năm 2010 đến 2018 với tổng giá trị 640 triệu bảng Anh (873,3 triệu USD).

    Gia đình của nhà tài phiệt người Nga Mikhail Gutseriev - người bị Anh, EU và Mỹ trừng phạt vào tháng 6 do có liên hệ với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko - sở hữu tài sản trị giá hơn 50 triệu bảng Anh (gần 68,3 triệu USD) ở trung tâm London.

    Alexei Chepa, một chính trị gia Nga khác, đã sử dụng một công ty ở BVI để mua lại một dinh thự 10 phòng ngủ ở Công viên Holland, London, vào năm 2011. Bất động sản - có rạp chiếu phim và bể bơi - đã được bán trong năm nay với giá 25 triệu bảng Anh (34,1 triệu USD).

    Hồ sơ Pandora tiết lộ danh sách 47 công ty ở BVI trong đó bà Tina Green - vợ của ông trùm bán lẻ người Anh Philip Green - là chủ sở hữu thụ hưởng. Bà từng mua nhiều bất động sản ở Anh thông qua các công ty này.

    Bà cũng từng tham gia mua không trực tiếp một bất động sản thương mại ở phía tây London vào năm 2011. Bất động sản được bán 4 năm sau đó, tạo ra lợi nhuận 37,5 triệu bảng Anh (gần 51,2 triệu USD). Không có gì bất hợp pháp về điều này, nhưng bà là một trong những nhà đầu tư không được biết đến công khai trước khi Hồ sơ Pandora được công bố.

    Cách đây hơn một thập kỷ, Nirupama Rajapaksa - cháu gái của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa - và người chồng doanh nhân của cô, Thirukumaran Nadesan, đã mua hai bất động sản ở London trị giá hơn 3 triệu bảng Anh (gần 4,1 triệu USD).

    Gia đình Rajapaksa đã thống trị nền chính trị Sri Lanka trong nhiều thập kỷ và Nirupama là một chính trị gia cho đến năm 2015. Năm 2016, Nadesan bị cáo buộc tham nhũng ở Sri Lanka. Ông phủ nhận các cáo buộc.

    Cái giá của việc không hành động

    Chính phủ Anh đã nhiều lần đưa ra các lập luận về lợi ích công cộng đối với luật cứng rắn hơn về quyền sở hữu tài sản ở Anh của các cá nhân nước ngoài mua dưới dạng núp bóng các công ty.

    Năm 2015, thủ tướng lúc bấy giờ, David Cameron, đã hứa sẽ tiếp tục chống lại thứ mà ông gọi là “tiền bẩn” trên thị trường bất động sản ở Anh. Ông cho biết một số tài sản ở London đã “được người nước ngoài mua thông qua các công ty ẩn danh, một số sử dụng tiền cướp bóc hoặc có dấu hiệu rửa tiền”.

    ho so pandora o anh 2
    Ông Alexei Chepa, một chính trị gia Nga. Ảnh: TASS.

    Tại một hội nghị về vấn đề tham nhũng vào năm 2016, chính phủ của ông Cameron đã cam kết giới thiệu một sổ đăng ký chủ sở hữu tài sản ở Anh. Dự thảo luật đã được đưa ra vào năm 2018. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn không thể lọt vào tuyên ngôn của đảng Bảo thủ tại cuộc bầu cử năm 2019.

    Đến hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay ở Cornwall, ý tưởng này đã được nêu lên lần nữa. Anh cam kết sẽ hành động “ngay khi thời gian cho phép”. Cho đến nay, vẫn chưa có hành động nào được đưa ra.

    Trong khi đó, những lo ngại về tác động của việc không hành động đang gia tăng. Một báo cáo của Bộ Nội vụ và Kho bạc vào tháng 12/2020 đã nâng đánh giá của chính phủ về rủi ro rửa tiền đối với thị trường bất động sản từ mức “trung bình” lên mức “cao”.

    Báo cáo cho biết ngày càng có nhiều vụ việc có dấu hiệu rửa tiền và “những giao dịch mua do các công ty hoặc quỹ tín thác thực hiện ở các khu vực pháp lý bí mật đã gây ra mức độ rủi ro lớn nhất, do những khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu có lợi cuối cùng”.

    Tài liệu cho biết thêm: “Giới tinh hoa tham nhũng ở nước ngoài tiếp tục bị thu hút vào thị trường bất động sản ở Anh, đặc biệt là ở London, để che đậy số tiền tham nhũng của họ”.

    Chuyển tiền ra nước ngoài không phải là bất hợp pháp. Bên cạnh đó, cũng có những lý do chính đáng để các cá nhân ở nước ngoài, bao gồm chính trị gia và nguyên thủ quốc gia, thành lập công ty vỏ bọc ở Anh. Ví dụ, các chính trị gia đối lập với các đảng cầm quyền đôi khi yêu cầu hình thức ẩn danh như vậy để cất giữ tài sản của họ.

    Tuy nhiên, các thiên đường thuế nói chung được ước tính đã khiến Anh thiệt hại từ 400 tỷ USD đến 800 tỷ USD hàng năm do thất thu thuế.

    Ben Cowdock, người đứng đầu nhóm điều tra chống tham nhũng Transparency International, cho biết: “Kể từ năm 2015, chính phủ Anh đã cam kết đưa ra các biện pháp nhằm minh bạch hóa những công ty nước ngoài đang bí mật nắm giữ tài sản ở Anh, tiết lộ chủ sở hữu thực sự của các tài sản, giúp xác định hành vi tham nhũng dễ dàng hơn".

    "Dù dự thảo luật nhận được sự ủng hộ của nhiều đảng, nhưng các biện pháp này vẫn chưa được đưa ra quốc hội”, ông nói thêm.

    Theo Zing

  • Theo nguồn tin của VietNamNet, ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, đã tử vong sau hơn 7 tháng bị khởi tố, bắt tạm giam.

    Nguyên nhân ông Hà tử vong được cho là do bệnh gan và ung thư.

    Khi bị tạm giam để điều tra, ông Trần Bắc Hà thuộc diện được lưu ý chăm sóc y tế, dùng thuốc thường xuyên vì có nhiều bệnh nan y. Những ngày qua, ông Hà hay mệt vì bệnh tái phát.

    Nguồn tin cho biết, sáng nay, ông Hà sức khỏe yếu được cán bộ quản giáo, y tế trại giam chuyển vào cấp cứu tại bệnh viện Quân y 105 ở Sơn Tây, Hà Nội nhưng chưa kịp đến bệnh viện thì ông đã tử vong.

    Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956 tại Bình Định, từng là Chủ tịch HĐQT BIDV trong hơn 8 năm.

    Tháng 6/2018, ông Hà bị kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng do có nhiều vi phạm được UB Kiểm tra trung ương xác định "rất nghiêm trọng", trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ liên quan vụ án tại ngân hàng Xây dựng (VNCB).

    Ủy ban Kiểm tra TƯ nêu rõ ông Trần Bắc Hà với tư cách nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch HĐQT BIDV phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. 

    Trong số đó, nổi lên là việc ông Hà phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB.

    Những vi phạm của ông Trần Bắc Hà, Ủy ban Kiểm tra TƯ nhấn mạnh là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

    Vào tháng 7/2018, tại phiên xử sơ thẩm Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh) và Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Trần Bắc Hà bị triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.

    Tuy nhiên, ông Hà có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do đang chữa bệnh tại Singapore. Chủ tọa phiên tòa thông báo, ông Hà nhập cảnh vào Singapore ngày 15/7/2018, sau đó phẫu thuật gan.

    Một nguồn tin cho biết, lúc này ông Hà đang bị bệnh ung thư gan rất nặng, được nhân viên y tế của bệnh viện chăm sóc ở chế độ đặc biệt, bản thân ông gần như không đi lại được.

    Trong đợt điều trị bệnh ung thư gan đầu tiên ở Singapore, một phần gan của ông Hà đã được các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ.

    Viethome (theo Vietnamnet)