• Phan Thị Kim Phúc được điều trị da lần cuối tại một bệnh viện ở Miami tuần này, 50 năm sau khi bà bị bỏng trong vụ đánh bom napalm.

    em be napalm 1
    Em bé Kim Phúc không một mảnh quần áo, chạy bom napalm trong bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh của nhà báo Nick Út. Ảnh: Nick Út

    Trải qua nhiều đau đớn do vết thương chiến tranh để lại, Kim Phúc (hiện 59 tuổi) tìm đến một số phương pháp điều trị và ghép da vài năm qua. Biết về câu chuyện của "em bé Napalm", bác sĩ Jill Zwaibel ở Miami đồng ý chữa miễn phí cho bà từ năm 2015 đến nay. Kim Phúc nhận đợt điều trị da cuối cùng hôm 28/6 tại Viện Da liễu & Laser Miami.

    Kim Phúc nổi tiếng sau khi được nhà báo Nick Út chụp ảnh ngày 8/6/1972, khi đang vừa chạy vừa khóc vì bị bỏng sau cuộc đánh bom napalm ở Trảng Bàng. Lúc đó, Kim Phúc mới 9 tuổi, quần áo của bà bị thiêu rụi và bị bỏng độ ba khắp cơ thể.

    em be napalm 1
    Nhà báo Nick Út (trái) chụp lại quá trình điều trị da của Kim Phúc hôm 28/6. Ảnh: AP

    em be napalm 1
    Kim Phúc được điều trị da miễn phí ở Viện Da liễu & Laser Miami. Ảnh: AP

    Sau khi chụp ảnh, Nick Út cùng một số nhà báo có mặt ở hiện trường đã đưa Kim Phúc và các trẻ em bị thương khác đến bệnh viện tại Sài Gòn. Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng Kim Phúc không thể qua khỏi. "Ngay cả bác sĩ cũng bảo cô bé sẽ chết, không thể nào sống được", Nick Út kể với CBS. "Tôi xin họ ba lần, họ đều nói không. Sau cùng, tôi phải cầm thẻ truyền thông của mình và nói 'Nếu con bé chết, bức ảnh của tôi sẽ ở trên trang nhất của mọi tờ báo'. Lời tôi nói làm họ lo lắng và lập tức đưa cô bé vào trong".

    Sau hơn một năm nằm viện và gần 20 cuộc phẫu thuật, Kim Phúc mới được xuất viện. Nhưng phải mất thêm gần 10 năm và vài cuộc phẫu thuật nữa, bà mới có thể đi lại bình thường. Nỗi đau tột cùng về cả thể xác lẫn tinh thần khiến Kim Phúc từng suýt tự tử.

    Đến nay, Kim Phúc vẫn giữ liên lạc với nhiếp ảnh gia Nick Út - người mà bà coi như ân nhân cứu mạng. Họ thường xuyên gọi điện thoại cho nhau. "Em bé Napalm" gọi Nick Út là "chú Út", và ông cũng coi bà như con gái.

    Kim Phúc nói trên tờ New York Times: "Song, có đôi lúc tôi cũng thấy ghét ông ấy. Ở tuổi mới lớn, tôi rất ghét bức ảnh đó. Tôi nghĩ 'Mình là một cô bé, lại còn đang khỏa thân. Tại sao chú ta lại đi chụp? Tại sao bố mẹ không bảo vệ mình? Tại sao chú ta lại in bức ảnh đó ra? Tại sao mình là đứa trẻ duy nhất không mặc gì trong khi các anh chị em trong ảnh đều mặc quần áo?'. Tôi đã cảm thấy vô cùng xấu hổ".

    em be napalm 1
    Nick Út và Kim Phúc vẫn giữ mối liên hệ thân thiết trong 50 năm qua. Ảnh: AP

    Nhưng 50 năm trôi qua từ khi xuất hiện với bộ dạng trần truồng vì trúng bom napalm trong bức ảnh của Nick Út, Kim Phúc hiện lại thấy biết ơn vô cùng và nhận ra mình không còn là nạn nhân chiến tranh. "Rồi tôi nhận ra: 'Bức ảnh đó đã trở thành một món quà mạnh mẽ và tôi có thể sử dụng nó làm việc vì hòa bình, bởi tôi không thể thoát khỏi nó. Bây giờ, tôi có thể nhìn lại và đón nhận nó... Tôi rất biết ơn vì chú Út có thể ghi lại khoảnh khắc lịch sử này cũng như nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Điều có thể thay đổi cả thế giới. Và khoảnh khắc đó đã thay đổi thái độ, niềm tin trong tôi, rằng tôi có thể tiếp tục nuôi ước mơ của mình để giúp đỡ người khác", bà nói.

    Bài liên quan: Bức ảnh lịch sử chấn động thế giới “Em bé Napalm” sau 50 năm

    50 năm là hành trình chữa lành những vết thương chằng chịt của cô bé Kim Phúc, và cũng là 50 năm để nguôi ngoai nỗi ám ảnh của tác giả Nick Út.

    em be napalm 5
    Nick Út và bức ảnh "Em bé Napalm". Ảnh: AFP

    Nick Út, tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951 là phóng viên ảnh cho hãng thông tấn Associated Press (AP) của Mỹ. Ở độ tuổi 20, Nick Út là phóng viên ảnh chiến trường của AP tác nghiệp tại chiến tranh Việt Nam.

    Năm 1972, Nick Út chụp bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc (thường được biết đến với tên gọi "Vietnam Napalm Girl" - bé gái Việt Nam bị bom napalm) và những em bé khác gào khóc chạy ra đường dưới trận bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh. Ngay hôm sau, bức ảnh được đăng tải trên trang nhất khắp các báo Mỹ, gây chấn động thế giới.

    “Em bé Napalm” đã cho cả thế giới thấy sự thật về cuộc chiến mà Mỹ đang thực hiện tại Việt Nam vào thời điểm đó, chiến tranh đã tấn công phụ nữ và trẻ em như thế nào.

    “Em bé Napalm” đã mang về cho Nick Út giải Pulitzer. Năm 2010, bức ảnh “Em bé napalm” của ông được tờ New Statesman bình chọn là bức ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.

    Năm 2019, "Em bé Napalm" tiếp tục được bình chọn là bức ảnh có sức lay động nhất thế giới. Cuộc bình chọn được thực hiện bởi kênh truyền hình Anh quốc History để ra mắt loạt phim "Những bức ảnh thay đổi thế giới".

    Đằng sau một bức ảnh lịch sử

    50 năm sau bức ảnh lịch sử (1972-2022), những câu chuyện phía sau vẫn đầy ám ảnh.

    Khi người viết đặt câu hỏi, “Làm thế nào ông vẫn giữ được cái đầu lạnh, chắc tay máy để chụp những bức ảnh giữa bối cảnh tang thương như thế? Khi phụ nữ và trẻ em gào thét vì bỏng do bom Napalm?”.

    Nick Út gần như lặng đi, và vẫn nhớ từng chi tiết của khoảnh khắc ấy. “Trước khi em bé Kim Phúc không quần áo gào thét chạy ra đường quốc lộ, bà ngoại của Kim Phúc chạy ra trước đó, trên tay bà bế một em bé khoảng một tuổi, khắp người bị bỏng, da em bé trốc từng mảng.

    Nhìn thấy cảnh tượng ghê gớm ấy, tất cả các phóng viên ảnh đều bấm máy lia lịa. Em bé ấy đã chết ngay sau những bức ảnh đầu tiên chụp được. Vì chụp nhiều, nên một số phóng viên đã hết phim, phải gỡ máy thay phim. Vào thời điểm đó, trên người tôi là 4 chiếc máy ảnh.

    Tôi vẫn còn phim. Khoảnh khắc Kim Phúc không còn quần áo chạy ra đường quốc lộ cùng một số trẻ em khác, tôi đã may mắn ghi lại được. Tôi phải ghi lại vì đó là khoảnh khắc cả thế giới có thể mường tượng được rõ rệt nhất về sự tàn độc, thảm khốc của cuộc chiến tranh Mỹ thực hiện tại Việt Nam”.

    Nick Út cho biết, ông đã khóc khi chụp bức ảnh đó và “ngay cả bây giờ, khi mỗi lần nhìn lại những bức ảnh, tôi vẫn thấy đau đớn”.

    Nick Út kể lại, ngay sau khi chụp xong bức hình, ông và một phóng viên ảnh khác đã lấy nước dội lên người Kim Phúc cho em đỡ bỏng.

    “Tôi mượn một chiếc áo mưa của một người lính, khoác lên người cho Kim Phúc, rồi tôi bồng em vào xe, đưa đi bệnh viện Củ Chi...”.

    50 năm sau bức ảnh lịch sử, ký ức kinh hoàng về cuộc chiến dường như vẫn còn nguyên vẹn với Nick Út.

    Nhìn lại bức ảnh lịch sử giữa bối cảnh năm 1972 khi cuộc chiến đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, ném bom dữ dội ở nhiều chiến trường, Nick Út nhớ lại: “Tôi đã có mặt ở rất nhiều nơi, từ Quảng Trị đến Tây Ninh. Tôi bị thương 3 lần, đã đau đớn cùng chiến tranh cho đến tận bây giờ”.

    50 năm chữa lành vết thương chiến tranh

    Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, em bé Kim Phúc của bức ảnh “Em bé Napalm” lịch sử, bây giờ đã là một phụ nữ trưởng thành kể lại rằng, chiến tranh đã hủy hoại tuổi trẻ và đeo đẳng bà nhiều năm về sau.

    em be napalm 5
    Nick Út sau 50 năm.

    Những vết bỏng khắp cơ thể đã khiến Kim Phúc đau đớn trên da thịt, đau đớn khi bị xa lánh, đau đớn dưới ánh nhìn của bạn bè, trong suốt thời gian dài. Trận bom năm 1972 còn cướp đi sinh mạng của 2 người em Kim Phúc (lúc đó chỉ 3 tháng tuổi và 9 tháng tuổi).

    Những cuộc điều trị phẫu thuật, cấy ghép da kéo dài triền miên đã giúp cơ thể Kim Phúc dần lành lặn trở lại. Nick Út cũng đã dõi theo, đồng hành cùng “Em bé Napalm” trong nhiều cuộc phẫu thuật, như cách để chính ông và nhân vật của mình cùng nhau chữa lành những vết thương chiến tranh.

    50 năm đã trôi qua, Kim Phúc bây giờ đã gần 60 tuổi, có gia đình hạnh phúc với 2 con trai. Chiến tranh chỉ còn trong ký ức rất xa, nhưng vẫn hiện hữu trong vết thương nhức đau khi trái gió.

    Với Nick Út, sau 50 năm, ông trở lại Việt Nam, mở triển lãm ảnh. Ông lại đứng bên bức “Em bé Napalm” để nói về hành trình dài sau chiến tranh của mình.

    Đi qua một cuộc chiến khốc liệt, tất cả đều vĩnh viễn thay đổi. Trở về sau cuộc chiến, mỗi người sẽ mang theo những ký ức, những vết thương, những ám ảnh, vỡ vụn riêng về cuộc chiến.

    Để thấy, sự khốc liệt của một cuộc chiến không chỉ nằm ở chiến trường, còn nằm trong số phận của những người đã vô tình bị cuốn vào cuộc chiến.

    Ngôi Sao (Theo People)