• Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng mối quan hệ Nga - Anh khó có thể đạt đến mức đối đầu trực tiếp.

    Theo hãng tin TASS, tuyên bố trên được Thủ tướng Anh đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên Anh, được kênh truyền hình Sky News phát sóng hôm 28/6.

    "Tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ đến như vậy và rõ ràng là chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để đảm bảo rằng chúng tôi giới hạn rõ ràng điều này với Ukraine", ông Johnson nói khi được hỏi liệu Anh có đang chuẩn bị cho chiến tranh với Nga hay không. Đồng thời, Thủ tướng Anh cũng cho rằng Anh phải tăng chi tiêu quốc phòng khi các mối đe dọa thay đổi.

    boris johnson noi ve ct nga anh

    Hiện nay, Ukraine đang trong tình trạng cạn tiền và phải bán trái phiếu chiến tranh để duy trì hoạt động. Các đồng minh của Ukraina đã gửi vũ khí hạng nặng và đồ bảo hộ để giúp quân đội nước này chống lại các lực lượng Nga đang tiến công. Tuy nhiên, nếu không có tiền để tiếp tế cho quân đội, thì cuộc chiến có thể đã nhanh chóng sụp đổ. Lời kêu gọi quyên góp tiền điện tử đã giúp chính phủ đứng vững. Ngoài ra, theo tờ Washington Post, Kiev cũng dựa trên một công cụ lỗi thời mà các quốc gia thường sử dụng trong thời kỳ nguy khốn: Trái phiếu chiến tranh. 

    Trái phiếu chiến tranh đã giúp duy trì hoạt động của chính phủ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2 khiến nền kinh tế Ukraina rơi tự do. Không thể vay với lãi suất có thể trả được, Bộ Tài chính đã đổi tên trái phiếu trong nước thông thường thành "trái phiếu quân sự" để được bán với giá 1.000 hryvnia (34 USD). 

    Trái phiếu kỳ hạn một năm có lãi suất là 11%. Đối với người mua, bao gồm các ngân hàng địa phương và hơn 70.000 công dân và doanh nghiệp, khoản đầu tư là một bước nhảy vọt về niềm tin. Lạm phát đang diễn ra với tốc độ hàng năm là 16%, nhưng chính phủ vẫn bán được số trái phiếu tương đương 3,1 tỉ USD trong 38 cuộc đấu giá từ tháng 3 đến tháng 5. Kiev cũng cân nhắc việc bán cái gọi là trái phiếu hòa bình để huy động ngoại tệ khi nước này vận động các nhà tài trợ quốc tế cung cấp tới 50 tỉ USD tài trợ khẩn cấp.

    Ngoài việc bán trái phiếu chiến tranh trong nước, Ukraina đã quyên góp được hơn 60 triệu USD tiền mặt và tiền điện tử nước ngoài nhờ các chiến dịch truyền thông xã hội thu hút sự đồng cảm trên toàn thế giới.

    Bằng cách quyên góp Bitcoin, Ether và Tether cùng với tiền thông thường và bằng cách dựa vào các nhà cung cấp thiết bị để chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, Kiev đã có thể nhanh chóng tìm được nguồn cung cấp áo chống đạn, mũ bảo hiểm và thuốc mà không cần dựa vào hệ thống ngân hàng địa phương - vốn hỗn loạn và dễ bị tổn thương bởi các cuộc tấn công mạng. 

    Một nền tảng huy động vốn cộng đồng chuyên dụng cho phép các nhà tài trợ xem số tiền của họ đã được sử dụng như thế nào để làm cho quy trình trở nên minh bạch hơn. Các trang web được thiết lập để bán các NFT (nonfungible token - tạm dịch token không thể thay thế, là một loại tiền mã hoá độc nhất) với số tiền thu được sẽ được chuyển vào ví tiền điện tử của chính phủ.

    Theo Lao Động

  • dan ti nan trung dong

    Ahmad al-Hariri đã chạy khỏi chiến tranh ở quê hương Syria sang nước láng giềng Li-băng cách đây 10 năm. Anh dành một thập kỷ qua để hy vọng một cách vô vọng về một cuộc sống mới ở châu Âu.

    “Chúng tôi băn khoăn rằng vì sao người Ukraine được chào đón ở tất cả các nước, còn những người tị nạn từ Syria như chúng tôi vẫn ở trong lều tạm dưới trời tuyết, đối mặt với cái chết và không ai nhìn ngó đến chúng tôi”, al-Hariri nói với Reuters khi đang ở khu tị nạn có 25 gia đình thuộc rìa thành phố Sidon bên bờ Địa Trung Hải.

    Một số người nhớ lại hình ảnh những người tị nạn đi bộ suốt nhiều ngày trong thời tiết khắc nghiệt, thậm chí mất mạng trong những hành trình vượt biển nguy hiểm để cố tìm cách vào châu Âu.

    Ở thế giới Ả-rập, nơi khoảng 12 triệu người Syria phải bỏ nhà đi trốn chạy chiến tranh, những người như Hariri và nhiều nghệ sĩ biếm họa đang so sánh phản ứng của phương Tây với dòng người chạy khỏi xung đột ở Ukraine hiện nay với cách mà châu Âu đã chặn người Syria và những người tị nạn khác hồi năm 2015.

    Ngày 28/2, bốn ngày sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) cho biết ít nhất 400.000 người tị nạn từ Ukraine đã vào các nước châu Âu. Hàng triệu người khác dự kiến sẽ vào và EU đang chuẩn bị cấp giấy cư trú tạm thời cho họ, cùng với việc tạo điều kiện làm việc và hưởng phúc lợi xã hội. Cách phản ứng nhanh chóng này trái ngược với thái độ với cuộc chiến tranh kéo dài ở Syria và những nơi khác.

    Đến đầu năm 2021, tức 10 năm sau khi xung đột nổ ra ở Syria, các nước EU nhận 1 triệu người tị nạn Syria, trong đó Đức nhận hơn một nửa. Hầu hết họ đến trước khi EU ký thoả thuận vào năm 2016 về việc trả hàng tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục giữ lại 3,7 triệu người Syria.

    Lần này châu Âu chào đón ngay lập tức.

    “Chúng tôi có một làn sóng tị nạn ở đây mà chúng tôi chưa quen và chúng tôi không biết phải làm gì, với những người có quá khứ không rõ ràng”, Thủ tướng Bulgary Kiril Petkov nói. Bulgary khẳng định sẽ giúp tất cả mọi người từ Ukraine, nơi có khoảng 250.000 người gốc Bulgary.

    Năm ngoái, khoảng 3.800 người Syria xin bảo vệ ở Bulgary và 1.850 người được cấp quy chế tị nạn hoặc nhân đạo. Người Syria nói rằng hầu hết người tị nạn chỉ đi qua Bulgary để sang các nước châu Âu giàu hơn.

    Chính phủ Ba Lan năm ngoái bị chỉ trích gay gắt vì từ chối cho dòng người di cư từ Belarus đi qua. Họ chủ yếu đến từ Trung Đông và châu Phi. Lần này Ba Lan chào đón những người chạy khỏi xung đột ở Ukraine.

    Tại Hungary, một hàng rào được dựng lên dọc biên giới phía nam để phòng khả năng tái diễn làn sóng di cư từ Trung Đông và châu Á như hồi năm 2015. Nhưng lần này dòng người tị nạn từ Ukraine đã dẫn đến chiến dịch nhân đạo để hỗ trợ phương tiện đi lại, chỗ ở, quần áo và thực phẩm,

    Hungary và Ba Lan đều nói rằng người tị nạn từ Trung Đông đến biên giới của họ đã đi qua những người an toàn khác, mà đáng ra những nước đó phải hỗ trợ.

    Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto phát biểu: “Tôi bác bỏ việc so sánh những người phải chạy khỏi xung đột với những người cố vượt biên trái phép”, ông nói tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc tại Geneva.

    "Văn minh hơn"

    Sự tiếp đón này một phần có thể giải thích bằng thực tế rằng Ukraine là nơi sinh sống của một cộng đồng rất đông người gốc Hungary.

    Quan hệ đó khiến các nhà báo phương Tây cho rằng thảm hoạ nhân đạo ở Ukraine khác với khủng hoảng ở Syria, Iraq hay Afghanistan, vì người châu Âu cảm thấy lần này họ có liên quan hơn.

    Nhận định này gây ra nhiều chỉ trích trên mạng xã hội, cho rằng phương Tây thiên vị.

    Một phóng viên truyền hình làm việc cho đài CBS của Mỹ đã mô tả Kiev là thành phố “văn minh hơn, châu Âu hơn” với với những vùng chiến sự khác. Một số nhà báo khác nói rằng Ukraine khác vì những người phải ra đi lần này thuộc tầng lớp trung lưu hoặc xem Netflix.

    Phóng viên CBS Charlie D’Agata đã xin lỗi, nói rằng anh chỉ cố mô tả về quy mô của xung đột.

    Nadim Houry, giám đốc điều hành Sáng kiến đổi mới Ả-rập, nói rằng nhiều thông tin của báo chí phương Tây rất đáng lo ngại, cho thấy “sự thiếu hiểu biết về người tị nạn từ những khu vực khác của thế giới, những người có cùng nguyện vọng với người Ukraine”.

    Bên cạnh đó, Houry và những người chỉ trích khác cho rằng một số chính phủ đang thể hiện tiêu chuẩn kép trong vấn đề tình nguyện đến Ukraine.

    Ngoại trưởng Anh Liz Truss cuối tuần qua lên tiếng ủng hộ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kêu gọi mọi người tham gia lực lượng tình nguyện quốc tế để chống quân Nga. “Chắc chắn rồi, nếu mọi người muốn hỗ trợ, tôi sẽ ủng hộ họ làm điều đó”, bà Truss nói với BBC.

    Ngược lại, cảnh sát Anh cảnh báo công dân nước này chớ sang Syria cách đây 8 năm để tham gia lực lượng của phiến quân, tuyên bố họ có thể bị bắt khi quay về.

    Dù cảm thấy bị bỏ rơi, nhiều người tị nạn từ Syria, Li-băng và Jordan nói với Reuters rằng họ không trách châu Âu, mà trách nhiệm thuộc về những chính phủ gần quê hương của họ.

    “Chúng tôi không trách các nước châu Âu mà trách các nước Ả-rập. Các nước châu Âu chào đón người của họ. Chúng tôi trách những người anh em Ả-rập của mình”, Ali Khlaif, một người tị nạn đang sống trong khu trại gần thị trấn Azaz ở vùng tây bắc Syria, nói với Reuters.

    Theo Reuters

  • Cơ quan tư pháp Iran tuyên bố đại sứ Anh là "persona non grata" (người không được chào đón), kêu gọi trục xuất ông, trong khi những người ủng hộ chính quyền đốt hình ông và cờ Anh.

    Sự việc xảy ra sau khi Đại sứ Anh tại Iran Rob Macaire bị bắt trong một khoảng thời gian ngắn vào cuối tuần trước và bị cáo buộc "điều phối" các cuộc biểu tình chống chính phủ.

    Hình bìa cắt ông Macaire bị đốt cháy ở Tehran hôm 14/1, cùng lúc một phát ngôn viên tư pháp cáo buộc nhà ngoại giao "can thiệp vào các vấn đề nội bộ (của Iran)", vi phạm các công ước về ngoại giao, theo Guardian.

    "Theo luật quốc tế, một người như vậy là 'persona non grata'. Nhân dân muốn người này sẽ bị trục xuất và đó cũng là điều mà luật pháp quốc tế yêu cầu", ông Ghiramhossein Esmaili nói, theo truyền thông nhà nước.

    Hình bìa cắt ông Macaire bị đốt trên đường phố Iran. Ảnh: AFP.

    Việc tuyên bố ông Macaire, 53 tuổi, là "persona non grata" - thuật ngữ chính thức được sử dụng để cấm một nhà ngoại giao ở lại một quốc gia - không được coi là tuyên bố chính thức gắn với hệ quả pháp lý.

    Song việc này có thể sẽ làm xáo trộn thêm quan hệ ngoại giao giữa London và Tehran, vốn đã căng thẳng do tranh cãi về vấn đề công dân Anh trong nhà tù Iran, các khoản nợ mua bán vũ khí tồn đọng hàng thập kỷ và vụ bắt giữ tàu chở dầu.

    Ông Macaire bị bắt trong khoảng 30 phút tối 11/1 sau khi ông nói ông đã cầu nguyện những người thiệt mạng trên chuyến bay của Ukraine International Airlines bị tên lửa Iran bắn nhầm. Vị đại sứ được miễn truy tố ở Iran theo luật quốc tế và được thả không lâu sau đó.

    Ông phủ nhận việc liên quan đến các cuộc biểu tình nổ ra ở một số khu vực của Tehran và nhiều địa phương khác trên toàn Iran trong những ngày gần đây.

    Vụ bắt giữ đại sứ Anh dường như là nhầm lẫn của cảnh sát Tehran, nhưng chính phủ Iran, vốn đang bị chỉ trích, được cho là đã tranh thủ cơ hội để chuyển hướng chú ý của công chúng đang tức giận sau khi chính phủ thừa nhận bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine.

    Cơ quan tư pháp hôm 14/1 cho biết các lệnh bắt giữ đầu tiên đã được thực hiện sau vụ bắn nhầm hôm 8/1, khiến tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng.

    Máy bay bị bắn sau khi vừa khởi hành đi thủ đô Kiev của Ukraine, chở 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn, bao gồm 82 người Iran, 57 người Canada - bao gồm nhiều người Iran có hai quốc tịch - và 11 người Ukraine, theo các quan chức. Có 15 trẻ em trong số các hành khách, bao gồm một trẻ sơ sinh.

    Iran đã bắn hạ máy bay trong lúc đang đề phòng khả năng bị Mỹ trả đũa sau khi Iran phóng tên lửa vào hai căn cứ quân sự của quân đội Mỹ ở Iraq. Các cuộc tấn công được thực hiện để trả đũa việc Mỹ giết chết một lãnh đạo của Vệ binh Cách mạng, tướng Qassem Soleimani, tại Baghdad, Iraq.

    Iran ban đầu phủ nhận việc bắn rơi máy bay, song sau đó đã thừa nhận và đưa ra lời xin lỗi, động thái được cho là hiếm hoi. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch của chính phủ đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

    Theo Zing

  • Kimia Alizadeh, 21 tuổi, đăng trên truyền thông xã hội hôm 12/1 rằng cô đã rời khỏi đất nước Iran vì không muốn trở thành một phần của thói đạo đức giả, dối trá, bất công và nịnh hót, cô nói rằng mình chỉ là một trong hàng triệu phụ nữ bị áp bức ở Iran.

    Alizadeh giành huy chương đồng môn taekwondo trong Thế vận hội Rio 2016 - Ảnh: Sky Sports

    Alizadeh không cho biết cô đang ở đâu, trong khi có nhiều bài báo ngụ ý cô đã có thời gian được đào tạo ở Hà Lan. Cô gái trẻ này từng làm nên lịch sử cho Iran vào năm 2016 khi giành được huy chương đồng môn taekwondo tại Thế vận hội mùa hè ở Rio de Janeiro, Brazil.

    Tin Alizadeh bỏ trốn khỏi Iran nổi lên khi người biểu tình tràn ngập thủ đô Tehran sau vụ quân đội nước này “bắn nhầm” chiếc máy bay hành khách của Ukraine hôm 8/1, giết chết toàn bộ 176 người trên máy bay. Quan hệ Tehran và Washington căng thẳng đến đỉnh điểm sau khi Mỹ ám sát tướng Iran Soleimani và Tehran bắn tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở Iraq để trả đũa.  

    Trong các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, Alizadeh cho biết chính quyền Iran đã sử dụng thành tích của cô để làm công cụ tuyên truyền. Cô viết rằng các quan chức chính quyền “nhục mạ” cô, cô phải mặc những gì họ yêu cầu và phải nói những điều họ ra lệnh, “họ ra lệnh cho tôi lặp lại từng câu một, không ai trong chúng tôi có ý nghĩa gì, tất cả đều chỉ là công cụ”.  

    Cô nói thêm, mặc dù chính quyền khai thác thành tích thể thao của cô để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, nhưng các quan chức cũng phỉ báng cô bằng những bình luận khiếm nhã: "Thật vô đạo đức khi một phụ nữ soạc cao chân như vậy”.

    Alizadeh bác bỏ tin cô được mời đến châu Âu hoặc nhận được lời đề nghị tị nạn hấp dẫn, và cũng không xác nhận cô đã đến nước nào.

    Người Iran bất ngờ khi hay tin Alizadeh đào tẩu khỏi đất nước. Chính trị gia Abdolkarim Hosseinzadeh cáo buộc "các quan chức bất tài" cho phép "nguồn vốn nhân lực của Iran bỏ trốn".

    Đám đông biểu tình bên ngoài Trường đại học Amir Kabir ở Tehran hôm 11/1 đòi lãnh đạo tối cao Khamenei từ chức sau khi Tehran thừa nhận đã bắn rơi chiếc máy bay của Ukraine - Ảnh: Getty Images

    Ngày 9/1, Isna hãng thông tấn chính thức của Iran đưa tin “Một cú sốc cho môn taekwondo của Iran, Kimia Alizadeh đã di cư sang Hà Lan". Isna cho biết Alizadeh hy vọng thi đấu tại Thế vận hội Tokyo 2020, nhưng không phải dưới màu áo Iran.

    Khi thông báo ý định rời khỏi Iran, nữ vận động viên trẻ không đề cập đến kế hoạch tương lai của mình, cô chỉ nói cho dù ở đâu, cô vẫn luôn là một “người con của Iran”.

    Theo phunuonline

  • Tờ Telegraph của Anh vừa có bài viết nói về quyết định điều chiến hạm tối tân của London tới vịnh Ba Tư để răn đe Iran.

    Quyết định điều động được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết trong thông cáo ngày 4/1:

    "Tôi lệnh cho hộ vệ hạm HMS Montrose và khu trục hạm HMS Defender nối lại nhiệm vụ hộ tống các tàu hàng mang cờ Anh. Chính phủ sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để bảo vệ tàu và công dân Anh tại thời điểm này".

    Anh từng triển khai tàu chiến hộ tống tàu hàng đi qua eo biển Hormuz sau khi tàu chở dầu Stena Impero mang cờ Anh bị Iran bắt hồi tháng 7/2019. Hoạt động hộ tống này chấm dứt từ tháng 11/2019, sau khi Iran thả tàu Stena Impero.

    Phản ứng với quyết định tăng cường HMS Defender đến vùng Vịnh, tờ Telegraph của Anh cho rằng, đây có thể là quyết định sai lầm của Hải quân nước này. Bởi khu trục hạm HMS Defender hiện không có vũ khí để thực hiện nhiệm vụ chống hạm trong khi đòn tấn công diệt hạm của Iran được đánh giá là hàng đầu khu vực.

    Kể từ năm 2018, HMS Defender và đội tàu chiến cùng lớp Daring trong cuộc chiến thực sự chỉ có thể dựa vào mỗi pháo hạm, bởi vì tên lửa chống tàu Harpoon bị loại bỏ khỏi danh mục vũ khí, còn vũ khí thay thế chỉ có thể xuất hiện không sớm hơn năm 2028, tờ Telegraph cho biết.

    Trước thực tế này, một cựu sĩ quan cao cấp của Hải quân Anh nói rằng, quyết định này đã tước đi cơ hội đối đầu bình đẳng của tàu chiến nước này đối với chiến hạm của Iran, Nga hay bất kỳ đối thủ nào.

    Hành động của chính phủ là vô trách nhiệm. Báo Anh cho rằng tàu chiến nước này chỉ "phù hợp cho diễu hành, chứ không thể để chiến đấu". Ngoài thực tế không có tên lửa, dàn chiến hạm lớp Daring còn đang đối mặt với nguy cơ bị chết máy bất cứ lúc nào khi tác chiến tại những vùng biển có nước ấm.

    Nguy cơ này đã được chính người Anh thừa nhận. Mỗi chiếc tàu loại này được trang bị 2 động cơ do tập đoàn Rolls Royce sản xuất, có hệ thống làm mát để thu hồi nhiệt năng và tái tạo năng lượng.

    Nhưng lỗ hổng thiết kế làm động cơ yếu dần trong vùng biển nóng và nó không thể phát đủ năng lượng. Hệ thống điều khiển không nhận ra điều này khiến toàn bộ thiết bị điện tử ngừng hoạt động.

    Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu loạt tàu này đang tác chiến lại bỗng dưng chết máy. Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra khi những chiếc tàu này làm nhiệm vụ gần Iran.

    Theo Báo Đất Việt

  • Giữa làn sóng biểu tình ở thủ đô Tehran, phiến quân Iran Basij đã biểu tình trước đại sứ quán Anh hôm 12/1 yêu cầu cơ quan này đóng cửa.

    Reuters dẫn nguồn tin từ truyền thông nhà nước Iran cho biết cuộc biểu tình hôm 12/1 của phiến quân Basij, tổ chức liên kết với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, diễn ra sau khi Đại sứ Anh tại Iran Robert Macaire bị bắt giữ ở cuộc biểu tình ở Tehran một ngày trước đó.

    Cuối cùng, Đại sứ Macaire đã được thả tự do sau hơn một giờ. "Việc bắt giữ đại sứ chúng tôi tại Tehran mà không có căn cứ hoặc giải thích là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế", Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab tuyên bố hôm 11/1.

    Người biểu tình tập trung trước cổng trường đại học ở Tehran hôm 11/1. Ảnh: Getty.

    "Chính phủ Iran đang ở ngã tư đường. Iran có thể tiếp tục biểu tình và bị cô lập chính trị và kinh tế, hoặc thực hiện tiến trình giảm căng thẳng và thực hiện các biện pháp ngoại giao", ông Raab nói thêm.

    Biểu tình đã nổ ra ở Tehran sau khi nước này thừa nhận bắn nhầm máy bay của hãng hàng không Ukraine International khiến 176 người chết. Người dân Iran ban đầu tổ chức những buổi tụ tập để cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số, tuy nhiên đám đông sau đó đã chuyển thành các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Tehran.

    Lời xin lỗi và cam kết trừng trị những người có trách nhiệm của chính quyền Tehran được cho là không đủ để xoa dịu người dân, khi người sử dụng mạng xã hội Iran giận dữ cáo buộc đã bị chính quyền lừa dối.

    Theo Zing

  • Bộ Ngoại giao Anh ngày 11-1 xác nhận đại sứ Anh tại Iran đã bị chính quyền sở tại bắt trong vòng vài giờ và chỉ trích đây là động thái "vi phạm luật pháp quốc tế".


    Ngoại trưởng Anh Dominic Raab - Ảnh: REUTERS

    Trước đó, Hãng tin Tasnim của Iran đưa tin đại sứ Anh tại Iran Rob Macaire đã bị bắt trước Đại học Amir Kabir (Tehran) vì kích động biểu tình chống chính quyền. Những người biểu tình tỏ ra giận dữ vì cho rằng Tehran muốn lấp liếm vụ bắn nhầm máy bay Ukraine.

    Hôm 11-1, Tehran đã thừa nhận quân đội bắn nhầm chiếc Boeing 737-800 mang số hiệu PS752 của Hãng hàng không Ukraine International Airlines (UIA) làm 176 người thiệt mạng. Trước đó, Iran đã bác bỏ các cáo buộc về việc bắn rơi chiếc máy bay này.

    Theo Jerusalem Post, nhiều video được chia sẻ trên Twitter ngày 11-1 ghi lại hàng trăm người biểu tình Iran đã kêu gọi "Tổng tư lệnh (ông Khamenei) từ chức" trước ĐH Amir. Đây là cuộc biểu tình phản đối chính quyền Iran đầu tiên kể từ khi Mỹ không kích, giết tướng Qasem Soleimani.

    Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã lên tiếng ngay sau đó, cho rằng vụ bắt giữ "không có căn cứ hay lý do đã vi phạm luật pháp quốc tế". 

    "Chính phủ Iran đang ở thời điểm giao thoa. Họ có thể tiếp tục ngang ngược và nhận lấy sự cô lập về cả chính trị và kinh tế hoặc thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng, cũng như tiến đến con đường ngoại giao mới", ông Raab tuyên bố.

    Phía Mỹ sau đó cũng kêu gọi Iran xin lỗi vì bắt giữ đại sứ Anh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đăng tải trên Twitter: "Đây là động thái vi phạm Công ước Vienna, điều quốc gia này từng vi phạm. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Iran chính thức xin lỗi Anh vì xâm phạm quyền của họ, cũng như tôn trọng quyền của tất cả các nhà ngoại giao".

    Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố ủng hộ người biểu tình Iran trên Twitter và Facebook. "Chúng tôi đang theo dõi các cuộc biểu tình sát sao và được truyền cảm hứng từ lòng can đảm của các bạn", ông nói.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Iran tối 19/7 bắt tàu dầu Stena Impero ở eo biển Hormuz với cáo buộc không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế.

    Tàu dầu Stena Impero. Ảnh: RFE

    Tàu dầu Stena Impero mang cờ Anh, do Thụy Điển vận hành "bị Vệ binh Cách mạng tịch thu theo yêu cầu của Tổ chức Hàng hải và Cảng Hormozgan khi đi qua eo biển Hormuz, vì không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế", Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 19/7 ra thông cáo. Dịch vụ theo dõi tàu dầu Marine Traffic cho thấy Stena Impero lần cuối báo hiệu vị trí của nó là gần đảo Larak lúc 21h ngày 19/7 (23h30 giờ Hà Nội).

    Tàu dầu "đã bị dẫn vào bờ và bàn giao cho tổ chức để làm thủ tục pháp lý và chờ điều tra", IRGC cho biết.

    Công ty Thụy Điển sở hữu Stena Impero cho biết con tàu đang đi qua eo biển Hormuz và ở "vùng biển quốc tế" khi nó bị "tấn công bởi các xuồng nhỏ không xác định và một máy bay trực thăng".

    IRGC sau đó được cho là bắt thêm tàu dầu Mesdar mang cờ Liberia do Anh điều hành ở Vùng Vịnh khi dữ liệu theo dõi tàu cho thấy Mesdar đã tiến về phía bờ biển Iran vào chiều 19/7 và mất liên lạc với công ty vận hành.

    Tuy nhiên, chủ sở hữu của tàu là công ty Anh Norbulk Shipping sau đó nói rằng liên lạc đã được thiết lập lại và con tàu được tự do tiếp tục hành trình. Công ty cho biết các lính vũ trang đã lên Mesdar vào khoảng 16h30 GMT ngày 19/7 (23h giờ Hà Nội) nhưng những người này đã rời đi trước 20h00 GMT ngày 19/7 (3h ngày 20/7 giờ Hà Nội). Hãng thông tấn nhà nước Iran cũng bác tin tàu Mesdar bị bắt, nhấn mạnh rằng họ chỉ bắt tàu Stena Impero.

    "Chúng tôi sẽ phản ứng theo cách thận trọng nhưng mạnh mẽ. Nếu tình trạng này không được giải quyết nhanh chóng, sẽ có hậu quả nghiêm trọng", Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói với các phóng viên. Ông cho biết Anh "không cân nhắc các lựa chọn quân sự mà xem xét biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình".

    Căng thẳng ở Vùng Vịnh leo thang từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký giữa Iran với 6 cường quốc, đồng thời tăng cường trừng phạt Tehran. Tình hình ngày càng trầm trọng sau các vụ tấn công tàu thương mại trên vịnh Oman hồi tháng 5 và tháng 6, cũng như vụ Iran bắn rơi trinh sát cơ không người lái của Mỹ gần eo biển Hormuz hôm 20/6.

    Thủy quân lục chiến Anh hôm 4/7 bắt tàu dầu MT Grace 1 chở hàng cho Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar với cáo buộc Grace 1 chuyển dầu thô tới nhà máy lọc dầu tại Syria, quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Iran bác cáo buộc này, khẳng định đích đến của tàu là cảng Basra của Iraq.

    Iran hôm 14/7 bắt tàu dầu Riah treo cờ Panama ở eo biển Hormuz. Ngày 18/7, Mỹ cho biết một máy bay không người lái Iran tiếp cận tàu đổ bộ USS Boxer ở phạm vi nguy hiểm và tàu chiến Mỹ đã bắn hạ nó để tự vệ. Tuy nhiên, Iran bác thông tin này, nói rằng họ không mất máy bay không người lái nào trên eo biển Hormuz.

    Vị trí của eo biển Hormuz. Đồ họa: NYimes

    Viethome (theo VnExpress)

  • Bộ Ngoại giao cảnh báo những người mang hai quốc tịch Anh và Iran không nên đến Iran.

    Bộ Ngoại giao đã thay đổi khuyến nghị của mình vì chính phủ Iran "tiếp tục giam giữ tùy tiện và ngược đãi những công dân mang hai quốc tịch".

    Lời khuyên cũng đã thay đổi vì mối quan hệ của các công dân Iran với các tổ chức của Vương quốc Anh.

    Các công dân Anh, đặc biệt là những người mang quốc tịch kép, đang đối mặt với "nguy cơ cao hơn" sẽ bị giam giữ và ngược đãi tùy tiện so với công dân của các quốc gia khác, Bộ Ngoại giao cho biết thêm.

    Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt nói: "Những người có quốc tịch kép phải đối mặt với nguy cơ bị ngược đãi nếu họ đến Iran. Mặc dù Vương quốc Anh cung cấp nhiều cơ hội để giải quyết vấn đề này, nhưng động thái của Iran ngày càng trở nên tồi tệ.

    "Chẳng còn lựa chọn nào khác, giờ đây tôi buộc phải khuyên tất cả các công dân hai nước Anh-Iran không đi du lịch đến Iran.

    "Những nguy hiểm mà họ phải đối mặt bao gồm giam giữ tùy tiện và không tiếp cận được các quyền pháp lý cơ bản, như chúng ta đã thấy trong trường hợp của Nazanin Zaghari-Ratcliffe, người đã bị tách khỏi gia đình từ năm 2016.

    "Đáng tiếc, tôi cũng phải đưa ra một thông điệp cảnh báo cho cư dân Iran ở Anh – những người muốn trở về thăm gia đình và bạn bè - đặc biệt là trong các trường hợp khi chính phủ Iran nhận thấy họ có liên kết cá nhân với các tổ chức của Anh hoặc chính phủ Anh."

    Chính phủ Iran không công nhận quốc tịch kép và Bộ Ngoại giao bị hạn chế khả năng cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho các công dân Anh-Iran bị bỏ tù.

    Lời khuyên đầy đủ của FCO chỉ rõ người mang hai quốc tịch nên tránh di chuyển trong phạm vi 100km quanh toàn bộ biên giới Iran / Afghanistan và trong phạm vi 10km quanh toàn bộ biên giới Iran / Iraq.

    Những người có quốc tịch kép cũng nên tránh tỉnh Sistan-Baluchistan và khu vực phía đông của tuyến đường chạy dài từ Bam đến Jask, bao gồm khu vực Bam.

    Đầu tuần này, thông tin tiết lộ Bộ Ngoại giao đang ở "chế độ khủng hoảng" vì căng thẳng gia tăng ở vùng Vịnh giữa Hoa Kỳ và Iran.

    Chế độ khủng hoảng là một trạng thái chính thức tại Bộ ngoại giao và Văn phòng Khối thịnh vượng chung để đối phó với các sự kiện. Có một trung tâm khủng hoảng được đặt tại bộ, với màn hình, máy tính và đường dây điện thoại an toàn để cho phép nhân viên giữ liên lạc với các điệp vụ và nhà ngoại giao trong khu vực bị ảnh hưởng.

    Thông tin được đưa ra ngay sau khi một công dân Iran bị bỏ tù 10 năm vì làm gián điệp cho Vương quốc Anh. Người chưa được xác định danh tính này đã làm việc cho Hội đồng Anh và được cho là đã thú nhận vai trò của mình.

    Bà Zaghari-Ratcliffe đã bị giam giữ tại nước này kể từ khi bị bắt tại sân bay Tehran vào năm 2016 vì những cáo buộc cho biết bà có liên quan đến kế hoạch "lật đổ chế độ".

    Một cuộc biểu tình ủng hộ bà Nazanin Zaghari-Ratcliffe ở London.

    Những nỗ lực để đảm bảo sự tự do của bà đến từ người chồng Richard và Bộ Ngoại giao Anh đã tỏ ra vô tác dụng.

    Vào cuối tháng trước, có ý kiến ​​cho rằng bà có thể được thả trong khuôn khổ một cuộc trao đổi tù nhân.

    Trên thực tế, bà Zaghari-Ratcliffe vẫn còn nhiều thời gian mới mãn hạn án tù năm năm mà bà đang thụ án tại Tehran. Phiên tòa xét xử của một tòa án cách mạng ở thủ đô đã bị lên án là không công bằng và bà phủ nhận mọi cáo buộc chống lại bà, trong đó ông Hunt đã trao quyền bảo vệ ngoại giao cho bà.

    Nhưng Tehran từ chối thừa nhận quốc tịch kép của bà và nói rằng động thái của bộ trưởng ngoại giao là bất hợp pháp.

    Bà Zaghari-Ratcliffe đã bị bắt ngay khi trở về sau kỳ nghỉ gia đình với cô con gái mới 22 tuổi lúc đó là cô bé Gabriella.

    Kể từ khi bị bỏ tù, người mẹ đã đã tuyệt thực vì cách bà bị đối xử và được cho là đã bị khủng bố sau khi từ chối làm gián điệp ở Anh cho Iran.

    VietHome (Theo Sky News)