• Florua có một lịch sử gây tranh cãi. Vậy, florua là gì và chúng ta có nên lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra không?

    nuoc chua florua
    (Nguồn: The Telegraph)

    Florua là một nguyên tố tự nhiên đã được thêm vào nước máy ở một số vùng của Mỹ từ những năm 1940.

    Nguyên tố này được Hiệp hội Nha khoa Mỹ, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ và Hiệp hội Nha khoa Canada ủng hộ vì hiệu quả ngăn ngừa sâu răng.

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ liệt kê việc bổ sung florua vào nước - điều chỉnh mức florua trong nguồn cấp nước máy - là một trong 10 thành tựu y tế công cộng hàng đầu.

    Tuy nhiên, florua có một lịch sử gây tranh cãi. Vậy, florua là gì và chúng ta có nên lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra không?

    Florua là gì?

    Florua là một nguyên tố tự nhiên có trong đất, đá và nước.

    "Mọi nguồn nước đều có một lượng florua nhất định" - Steven Levy, Giáo sư nha khoa dự phòng và cộng đồng tại Đại học Iowa cho biết. Nó thậm chí còn có trong trà.

    Ăn thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế - như bánh mỳ, sữa chua hoặc trái cây - khiến vi khuẩn tạo ra axit làm mất khoáng bề mặt răng, tạo ra các lỗ sâu răng cực nhỏ.

    "Florua giúp đẩy nhanh và tăng cường quá trình tái khoáng hóa, do đó hầu hết mọi người không bao giờ bị sâu răng" - ông nói.

    Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và Brazil, có các khu vực pháp lý địa phương bổ sung florua vào nước để ngăn ngừa sâu răng. Đức đã bổ sung florua vào muối từ năm 1991.

    Bổ sung florua vào nước

    Vào đầu những năm 1900, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng những người ở những khu vực có hàm lượng florua tự nhiên cao trong hệ thống nước [sinh hoạt] có nhiều khả năng bị nhiễm fluor răng hơn. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến trẻ em “dùng” quá nhiều florua khi răng đang phát triển.

    Nhiễm fluor răng là tình trạng “lốm đốm men răng” - theo John Morris, giảng viên cao cấp về sức khỏe cộng đồng nha khoa tại Đại học Birmingham ở Vương quốc Anh.

    Theo Cheryline Pezzullo, Giáo sư tại Cao đẳng Nha khoa-Đại học New York, tình trạng khiến răng bạn có những đốm trắng hoặc vệt trắng.”

    Tuy nhiên, những người bị nhiễm fluor cũng có tỷ lệ sâu răng thấp hơn nhiều do hàm lượng flurua tự nhiên trong nước thấp.

    Các nhà khoa học Mỹ kết luận rằng, ở nồng độ khoảng một phần triệu, fluor trong nước có tác dụng bảo vệ chống sâu răng mà không gây ra tình trạng nhiễm fluor. Ngày nay, nồng độ khuyến nghị ở Mỹ là 0,7 phần triệu vì mọi người cũng “hấp thụ” florua từ kem đánh răng và nước súc miệng.

    Liều lượng an toàn

    Florua là thành phần tự nhiên của xương.

    "Không có động vật có xương sống nào - con người, động vật - không có florua trong hệ xương" - Howard Pollick, nhà khoa học nha khoa tại Đại học California, San Francisco cho biết. Tiếp xúc lâu dài với florua ở nồng độ trên bốn phần triệu có thể gây ra bệnh xương do florua, làm xương yếu đi.

    Con số này vượt quá đáng kể mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 1,5 miligam trên một lít, cũng như mức khuyến nghị của Dịch vụ Y tế Công cộng Mỹ là 0,7 miligam.

    Morris cho biết mức “đủ” để phát triển bệnh xương do florua có thể do "uống một lượng lớn trà hoặc ‘ăn’ nhiều tuýp kem đánh răng mỗi ngày." Bất kỳ chất nào cũng có thể gây độc với nồng độ cao - ngay cả nước. Pollick cho biết "Vấn đề không phải là chất mà là liều lượng."

    Những lo ngại về florua

    Mọi người đã lo lắng về flurua kể từ khi nguyên tố này lần đầu tiên được thêm vào nước. Một số người phản đối lo ngại vì khí fluor gây chết người, trong khi những người ủng hộ bệnh nướu răng "khá lo ngại rằng mọi người giờ đây sẽ chỉ dựa vào florua trong nước và không đánh răng" - Pollick nói.

    Cũng có những lo ngại về nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu năm 1990 cho thấy khối u xương tăng lên ở chuột khi “dùng” nồng độ florua cao.

    Nhưng một báo cáo của Dịch vụ Y tế Công cộng, dựa trên hơn 50 nghiên cứu về dân số, không phát hiện "nguy cơ ung thư có thể phát hiện được đối với con người" với nồng độ florua thấp.

    Gần đây đã có cuộc tranh luận xung quanh mối liên hệ giữa phơi nhiễm florua và IQ (chỉ số thông minh) của trẻ em. Một nghiên cứu năm 2021 liên hệ phơi nhiễm florua cao với IQ thấp hơn ở trẻ em trai, trong khi một phân tích tổng hợp năm 2023 không tìm thấy mối liên hệ nào.

    Một báo cáo của Chương trình Độc chất học Quốc gia có "mức độ tin cậy vừa phải" rằng flo trên mức khuyến nghị của WHO có thể ảnh hưởng đến IQ của trẻ em.

    Ngừa sâu răng

    Mức độ sâu răng đã giảm nhưng đây vẫn là "một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến nhất và hãy nhớ rằng [sâu răng] hoàn toàn có thể phòng ngừa được ở trẻ em" - Morris nói. Ông cho biết răng sâu ảnh hưởng đến việc học hành, chế độ ăn uống và khả năng phát triển tổng thể của trẻ em.

    Sau khi thành phố Calgary của Canada loại bỏ florua khỏi nước, tình trạng sâu răng ở trẻ em ngày càng trầm trọng hơn.

    Đối với những người không dễ dàng tiếp cận hoặc không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc răng miệng, sâu răng là một “gánh nặng” rất lớn.

    Pezzullo cho biết "Sâu răng có có thể dẫn đến nhiễm trùng và đau đớn, và tình trạng nhiễm trùng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể."

    Levy cho biết thêm florua vào nước là một phương pháp phòng ngừa hiệu quả về mặt chi phí. "Tất cả những gì bạn phải làm là uống nước."

    Tranh cãi xung quanh florua

    Florua có thể là một chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt là ở Mỹ. Một số người vào những năm 1950 cho rằng đó là một “âm mưu” nhằm đầu độc nước Mỹ, trong khi nhiều người khác nói rằng đó là cách để ngành công nghiệp đường bán được nhiều đồ ngọt hơn.

    Đã có những phản ứng mạnh mẽ đối với florua kể từ khi nồng độ florua trong nước được điều chỉnh lần đầu tiên. Morris cho biết: "Tôi nghĩ rằng việc nói về việc cho thứ gì đó vào nước là một vấn đề khá nhạy cảm đối với một số người.”

    "Mọi người cảm thấy nó giống như một sự xâm phạm quyền tự do cá nhân" - Pezzullo nói.

    Morris cho biết các quyết định khác về sức khỏe cộng đồng - chẳng hạn như vấn đề vaccine và luật thắt dây an toàn - cũng nhận được sự phản đối tương tự. “Việc phát triển nước uống sạch vào thế kỷ 19 cũng từng gây nhiều tranh cãi."

    Ông nói: "Chúng ta không nên phá vỡ [các chương trình y tế cộng đồng] dựa trên ý kiến của thiểu số."

    Pollick đồng tình, cho biết: "Nhìn chung, cộng đồng khoa học có tiếng nói chung về việc ủng hộ sử dụng florua một cách phù hợp và sáng suốt."

    Theo Vietnamplus

  • Giới chức đang điều tra vụ việc một người đàn ông tử vong sau khi nhổ 23 chiếc răng và trồng 12 chiếc khác trong cùng một ngày.

    Bà Shu, cư dân thành phố Vĩnh Khang, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã nộp đơn khiếu nại Bệnh viện Nha khoa Dewei, sau khi cha mình là ông Huang qua đời. Bà cho biết, ông Huang đã thực hiện nhổ 23 chiếc răng và trồng 12 chiếc răng khác vào ngày 14/8. Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật, răng của ông Huang tiếp tục đau nhức trong nhiều ngày. Đến 28/8, ông tử vong vì ngừng tim.

    Đến ngày 3/9, nhân viên y tế Bệnh viện Nha khoa Dewei thông báo chi phí nhổ và trồng răng là 1.500 nhân dân tệ cho mỗi chiếc răng. Theo nhân viên tư vấn tại bệnh viện, số lượng răng nhổ đi được bác sĩ xác định dựa trên tình trạng của bệnh nhân. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định nhổ và trồng răng cửa trong cùng một ngày. Các răng phía trong phải đợi ba đến 4 tháng sau khi nhổ mới trồng được.

    Tuy nhiên, theo giấy đồng ý phẫu thuật của Huang, bác sĩ đã nhổ và trồng tất cả răng đồng thời chỉ trong một ngày. Điều này mâu thuẫn với những gì nhân viên tư vấn tại viện giới thiệu.

    "Vì ca nhổ răng và tử vong cách nhau 13 ngày, chúng tôi vẫn đang điều tra nguyên nhân thực sự khiến ông Huang qua đời", nhân viên Cục Y tế thành phố Vĩnh Khang nói.

    chup x quang
    Film chụp X-quang răng của ông Huang. Ảnh: Paper

    Theo thông tin công khai từ Bệnh viện Nha khoa Dewei, Yuan, bác sĩ chịu trách nhiệm chính cho ca bệnh của ông Huang có 5 năm kinh nghiệm, giỏi điều trị tủy, nhổ răng khôn và làm răng giả. Đến nay, Yuan vẫn làm việc bình thường tại bệnh viện.

    Theo các chuyên gia, trồng răng (implant) là thủ thuật đưa răng giả có phần chân răng nhân tạo bằng titan nguyên chất, đáp ứng tốt với cơ thể con người, khiến hệ miễn dịch không phản ứng dữ dội. Chân răng nhân tạo được cấy vào xương ổ răng, thân răng gắn trên chân răng để thay thế cho phần răng thật đã mất đi.

    Một ca trồng răng thường mất nửa giờ đến một giờ. Sau đó, trụ cấy ghép và xương ổ răng phát triển, kết hợp trong một tháng rưỡi đến ba tháng. Tiếp đến, bệnh nhân có thể làm phẫu thuật cấy ghép giai đoạn hai.

    Các ca trồng răng thường để lại một số rủi ro về mặt lâm sàng. Người bệnh đôi khi mắc xơ cứng bì, dị tật ngoại bì bẩm sinh, rối loạn thần kinh, hội chứng suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có thể trồng răng khi đã kiểm soát bệnh, huyết áp trong phạm vi bình thường. Bệnh nhân tiểu đường nên kiểm soát lượng đường trong máu trước khi cấy ghép, giữ mức đường huyết lúc đó thấp hơn 6,0mmol/l.

    VnExpress (theo Paper)

  • Hàm răng chắc khỏe không chỉ tác động tới ngoại hình mà còn đảm bảo chức năng ăn nhai, sức khỏe con người về lâu dài.

    Tiến sĩ Fu Xiaoyun từng làm việc tại Khoa răng hàm mặt, Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan và hiện đang điều hành phòng khám nha khoa Xingcai chi nhánh Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc). Bà nói: “Mặc dù công việc của nha sĩ là chăm sóc sức khỏe răng miệng cho mọi người nhưng triết lý của tôi là mọi người nên cố gắng gặp nha sĩ càng ít càng tốt. Bởi ngoài khám định kỳ, nếu bạn miễn cưỡng tới phòng khám nha tức là sức khỏe răng miệng của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng”.

    Cơ quan Bảo hiểm Y tế Đài Loan (Trung Quốc) từng công bố top 10 bệnh tiêu tốn nhiều chi phí nhất, đứng thứ 3 là viêm nướu và bệnh nha chu, đứng thứ 4 là nội nha (chữa sâu răng). Bà cũng chia sẻ thêm, việc chăm sóc răng miệng quan trọng nhất là ở bản thân mỗi người. Nếu làm đúng, làm sớm thì không chỉ sức khỏe mà ngoại hình của bạn sẽ ở trạng thái tốt lâu hơn. Chưa kể, nó cũng giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, thời gian.

    Hiệp hội Nha khoa Nhật Bản từng thực hiện một cuộc khảo sát và nhận thấy những người cao tuổi có trên 20 chiếc răng có thể tiết kiệm 10 triệu yên chi phí điều trị nha khoa trọn đời so với những người có ít hơn 4 chiếc răng.

    ham rang chac khor
    Ở tuổi 81, ông Xiao Junshen vẫn giữ được hàm răng đáng ghen tỵ với 27 chiếc răng thật

    Với Tiến sĩ Fu, cũng có một khách hàng cao tuổi mà bà rất tự hào vì thói quen chăm sóc răng miệng tốt. Đó là cụ ông Xiao Junshen (Đài Loan, Trung Quốc), năm nay đã 81 tuổi nhưng vẫn giữ được 27 chiếc răng thật. Hơn nữa, ông không gặp vấn đề gì lớn với sức khỏe răng miệng, chức năng ăn nhai tốt hơn rất nhiều so với tuổi thật, trạng thái ngoại quan của răng cũng khiến nhiều người còn trẻ phải ghen tỵ.

    8 bí quyết chăm sóc răng miệng, bảo tồn răng thật tưởng lạ hóa quen

    Bản thân Tiến sĩ Fu khi kiểm tra sức khỏe răng miệng cho ông Xiao Junshen lần đầu cũng phải bất ngờ. Bởi vì xét kinh tế, môi trường sống và quan niệm chăm sóc răng miệng ở thời đại của ông thì có được hàm răng chắc khỏe như vậy nói là “phép màu” cũng không quá.

    Còn ông Xiao Junshen thì chia sẻ: “Thời của tôi bảo hiểm và các dịch vụ chăm sóc khỏe răng miệng không phổ biến, mọi người cũng thường sợ đi nha sĩ. Chúng tôi sẽ chỉ tới nha sĩ khi răng đau tới mức không thể chịu đựng nổi nữa. Cả gia đình phải dùng chung bàn chải đánh răng, tới trung học tôi mới được sở hữu riêng một chiếc bàn chải. May mắn là sau này em trai tôi trở thành nha sĩ và nhờ vậy tôi cũng được giúp đỡ nhiều hơn khi cố gắng chăm sóc răng miệng của mình”.

    Tới ngoài 30 tuổi, ông Xiao Junshen mới phải nhổ một chiếc răng và cũng thực hiện một cầu răng để thay thế chiếc răng đã mất. Nhưng điều này đã diễn ra gần 50 năm trước, hiện tại ông 81 tuổi và vẫn giữ được 27 chiếc răng thật đảm bảo chức năng nhai nuốt, không có bệnh nha chu. Như cách nói của Tiến sĩ Fu: “Dù được bảo dưỡng tốt nhưng vẫn có những khuyết điểm, giống như một chiếc xe cổ được bảo dưỡng cẩn thận vẫn chạy êm ái và đầy đủ chức năng”.

    Để làm được điều này, ông Xiao Junshen chia sẻ mình có 8 bí quyết chăm sóc răng miệng:

    - Đánh răng là điều tối quan trọng, phải đảm bảo đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối trước khi đi ngủ. Nếu muốn đánh răng sau bữa ăn, cần chờ khoảng 30 phút để tránh gây hại cho răng.

    - Cách đánh răng cũng rất quan trọng. Góc bàn chải khoảng 45 độ, chải răng theo chiều lên xuống kết hợp chuyển động zic zac thay vì chải ngang sẽ làm mòn răng mà vệ sinh không sạch. Chú ý đến các răng hàm trong và đảm bảo làm sạch tất cả các mặt của răng.

    - Thời gian đánh răng phải là trên 2 phút mỗi lần, nhưng cũng không quá lâu trên 5 phút để tránh tổn thương. Đánh răng xong, dùng “hơi thở” để kiểm tra, nếu ngửi thấy mùi lạ trong hơi thở thoát ra từ miệng thì có nghĩa là một phần răng của bạn chưa được chải sạch.

    - Trước đây, ông thường kết hợp đánh răng với súc miệng bằng nước muối loãng. Sau này, chỉ nha khoa và các loại nước súc miệng ra đời thì chăm chỉ sử dụng đủ cả 3 theo đúng hướng dẫn.

    - Không uống nước hay đồ ăn quá nóng, nhất là trên 60 độ C. Ngay cả khi uống trà, cũng uống trà không pha quá đặc.

    - Hạn chế các đồ ăn có hại cho răng như hoa quả quá chua, có tính axit cao hoặc thức ăn cứng, phải gặm cắn nhiều.

    - Chọn bàn chải lông mềm vừa phải và thay mới định kỳ hoặc thay ngay khi có dấu hiệu nấm mốc, hư hại phần lông chải. Dùng thêm bàn chải kẽ, chải lưỡi khi đánh răng.

    - Sau khi uống trà, rượu bia, trái cây đều có thói quen súc miệng để đảm bảo sức khỏe răng miệng.

    Ngoài ra, ông cũng khuyên rằng nên đi khám nha khoa định kỳ 3 - 6 tháng 1 lần tùy tình trạng răng miệng. Khi thấy có bất thường về răng, không nên chủ quan mà cần tới gặp nha sĩ càng sớm càng tốt.

    Kênh 14 (Nguồn và ảnh: Good Morning Health, Sohu, ETtoday)

  • Theo tờ Daily Mail của Anh, các số liệu thống kê về cuộc khủng hoảng răng miệng ở Anh cho thấy cứ 10 trẻ em 5 tuổi trên khắp đất nước này thì có 3 trẻ bị sâu răng hoặc men răng. Riêng ở Cambridge, con số này thậm chí còn lên tới 63,6% (tương đương 2/3 trẻ em ở đây bị bệnh răng miệng), theo dữ liệu từ Văn phòng Cải thiện Sức khỏe và Chênh lệch (OHID).

    Giải thích cho điều này, ngoài chế độ ăn có quá nhiều đường, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng nguyên nhân chính là do mọi người đang không làm sạch răng và nướu đủ tốt. Các cuộc thăm dò cho thấy có tới 40% người dân ở Anh phạm sai lầm khi đánh răng.

    tre em bi rang mieng
    Ảnh minh họa: The Telegraph

    Và sai lầm mà họ mắc phải ở đây chính là đánh răng sau khi đã ăn sáng. Trên thực tế, các nha sĩ cho rằng đánh răng trước bữa ăn đầu tiên trong ngày thực sự giúp bảo vệ răng tốt nhất. Thật may mắn, tại Việt Nam, hầu hết chúng ta không mắc phải thói quen đánh răng sai này mà mọi người đều đánh răng trước khi ăn sáng.

    Theo Tiến sĩ Sam Jethwa, Phó chủ tịch của Học viện Nha khoa Thẩm mỹ Anh và Tiến sĩ Alan Clarke, nha sĩ trưởng tại Phòng khám Belfast Paste Dental, việc đánh răng trước khi ăn là điều bắt buộc, nó mang lại nhiều lợi ích từ việc bảo vệ răng khỏi vi khuẩn cho đến hơi thở thơm tho...

    Việc đánh răng trước khi ăn sáng giúp cơ thể chống lại vi khuẩn đã phát triển trong đêm. Tiến sĩ Jethwa cho biết khi bạn ngủ, vi khuẩn trong miệng của bạn sẽ nhân lên và chính vi khuẩn này gây ra mảng bám. Khi mảng bám hình thành trên răng của bạn, nó sẽ ăn mòn men răng, gây sâu răng và các bệnh răng miệng, vì vậy việc ngăn ngừa điều này là rất quan trọng.

    "Đánh răng trước khi ăn sáng không chỉ giúp loại bỏ mảng bám tích tụ trên răng mà còn giúp quá trình sản xuất nước bọt của bạn hoạt động hiệu quả. Và nước bọt cũng giúp tiêu diệt vi khuẩn trong miệng của bạn".

    3 lợi ích của việc đánh răng trước khi ăn sáng

    1. Giảm tác động axit của thức ăn lên răng

    Theo Tiến sĩ Clarke, khi bạn ăn, vi khuẩn trong miệng sẽ phân hủy thức ăn và tạo ra axit. Ăn sáng và uống cà phê hoặc nước ép trái cây sẽ cung cấp đường cho vi khuẩn này một cách hiệu quả, tạo thành axit và có thể tấn công men răng.

    "Đánh răng trước khi ăn sáng giúp loại bỏ vi khuẩn này và môi trường axit có thể gây hại cho men răng".

    Ông nói nếu bạn uống nước cam vào bữa sáng và đánh răng ngay sau đó, thì bạn thực sự đang đánh răng và dùng chỉ nha khoa loại bỏ axit từ cả vi khuẩn và nước cam ở giữa răng của bạn. Loại axit này có thể làm suy yếu men răng, gây mòn và ê buốt răng, vì vậy các chuyên gia khuyên bạn nên đợi ít nhất 30 phút sau khi ăn mới nên đánh răng.

    Tiến sĩ Jethwa cho biết: "Nếu bạn đánh răng quá sớm sau khi ăn những thứ này, bạn có thể gây tổn hại thêm cho men răng vào thời điểm nó yếu và dễ bị tổn thương".

    2. Hơi thở trong lành

    Hơi thở buổi sáng là một sự thất vọng mà nhiều người sẽ trải qua. Và nó được gây ra bởi vi khuẩn đã nhân lên trong miệng của bạn qua đêm. Nước bọt chịu trách nhiệm loại bỏ các hạt gây mùi nhưng việc sản xuất nước bọt giảm khi bạn đang ngủ và bị khô miệng.

    Điều này khiến bạn tích tụ vi khuẩn tạo ra mùi thơm khó chịu. Tiến sĩ Clarke cho biết: "Đánh răng trước khi ăn sáng có thể giúp loại bỏ hơi thở có mùi do vi khuẩn trong miệng gây ra. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có kế hoạch tương tác với người khác vào đầu ngày, đối tác của bạn sẽ cảm ơn bạn".

    3. Hương vị thức ăn ngon hơn

    Nếu bạn đã từng uống nước cam sau khi đánh răng, bạn có thể không đồng ý với nhận định này. Nhưng một số chuyên gia nói rằng đánh răng trước khi ăn sáng thực sự có thể làm cho thức ăn của bạn ngon hơn. Theo Tiến sĩ Clarke, điều này là do đánh răng giúp loại bỏ mùi vị và vi khuẩn còn sót lại trong miệng, những thứ có thể cản trở hương vị bữa sáng của bạn.

    Nhưng điều này đang bị tranh cãi vì các chuyên gia khác nói rằng chất hoạt động bề mặt (chất tạo bọt) có trong kem đánh răng có thể ức chế vị giác. Một số thông tin cho rằng, những hóa chất này có thể làm cho thức ăn có vị nhạt hơn vì chúng ức chế các thụ thể cảm nhận vị ngọt trong thực phẩm. Chúng cũng có thể làm tăng vị đắng, làm cho thức ăn chua và đồ uống có vị đậm hơn - chẳng hạn như nước cam. Và vì nước cam có sự kết hợp giữa vị ngọt và vị đắng nên chất hoạt động bề mặt sẽ làm mất đi sự cân bằng này.

    Dù vậy, dựa trên những lợi ích nêu trên mà việc đánh răng trước khi ăn sáng mang lại, các nha sĩ vẫn khuyên bạn nên duy trì thói quen tốt này để bảo vệ sức khỏe răng miệng của mình.

    Bạn có thể đánh răng sau khi ăn sáng không?

    Theo Healthline, bạn có thể làm điều đó. Tuy nhiên, nó sẽ không tốt bằng việc đánh răng trước khi ăn sáng và bạn phải nhớ kỹ một số lưu ý.

    Đánh răng ngay sau khi ăn sáng thực sự có thể bao phủ răng của bạn bằng thức ăn có tính axit còn sót lại, làm suy yếu men răng. Những món ăn sáng thực sự tồi tệ cho men răng nếu bạn đánh răng ngay sau khi ăn sáng bao gồm: nước cam, trái cây họ cam quýt, hoa quả sấy khô, bánh mỳ, bánh ngọt...

    Đợi 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn mới đánh răng là cách tốt nhất để bảo đảm rằng bạn đang bảo vệ răng và không làm hỏng men răng.

    Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên đợi 69 phút sau khi ăn trước khi đánh răng, đặc biệt là sau khi ăn thực phẩm có tính axit.

    Uống nước hoặc nhai kẹo cao su sau khi ăn có thể giúp làm sạch răng trước khi đánh răng.

    Theo CafeBiz

  • Khi thuốc tê hết tác dụng, Lisa Martyn từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về nhà với một hàm răng bóng loáng và cơn đau nướu ngày càng dữ dội.

    "Tôi gần như mất trí. Tôi chạm tay xuống miệng và lập tức thấy đau đớn. Cơn đau không hề thuyên giảm, nó chạy quanh miệng, từ chiếc răng này sang chiếc răng khác", người phụ nữ 48 tuổi kể lại.

    Martyn đến Thổ Nhĩ Kỳ sửa răng vào tháng 9/2021. Bà là một trong số hàng trăm nghìn "khách du lịch nha khoa" đổ xô đến các phòng khám nước ngoài mỗi năm, sau khi xem quảng cáo về dịch vụ giá rẻ.

    Nhiều khu vực của Anh gặp phải tình trạng thiếu bác sĩ nha khoa công lập. Các bệnh nhân được chuyển đến những cơ sở tư nhân. Một gia đình thậm chí tuyệt vọng đến mức phải sang Brazil để khám răng.

    Dịch vụ giá rẻ tại các khu vực như Hungary, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ vì thế trở nên hấp dẫn. Ví dụ, chi phí làm răng sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ là từ 3.700 USD đến 7.500 USD cho cả hàm, song tại Anh có thể lên đến 12.500 USD.

    Đại dịch thúc đẩy nhu cầu về nha khoa thẩm mỹ, đặc biệt là ở những người trên 40 tuổi. Ngành du lịch nha khoa toàn cầu đang bùng nổ. Ước tính, thị trường này sẽ đạt giá trị 5,83 tỷ USD vào năm 2025. Một số khách du lịch nha khoa có trải nghiệm thỏa mãn, nhưng số khác tiền mất, tật mang.

    du lich lam rang o tho nhi ky
    Lisa Martyn từng bọc răng sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ, trở về Anh với tình trạng đau nhức vùng nướu và áp xe một bên má. Ảnh: Telegraph

    Martyn từng dán răng sứ veneer tại một phòng khám ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2011. Lần đầu tiên điều trị tại nước ngoài, bà rất hài lòng với kết quả, không cảm thấy quá đau đớn khi trở về nhà. Tuy nhiên, năm ngoái, Martyn nhận thấy vết nứt ở một chiếc răng sứ và quay lại phòng khám để kiểm tra. Đến nơi, bác sĩ thông báo bà không thể thay thế một chiếc răng, mà phải làm lại cả hàm với chi phí 4.400 USD.

    Đợt điều trị thứ hai, theo Martyn, là một "cơn ác mộng". Sau khi chụp X-quang nhanh chóng và để bà nằm lên ghế, bác sĩ bắt đầu mài 26 chiếc răng thật của bà để bọc sứ.

    "Tôi đã nói 'Trông răng tôi quá nhỏ', nha sĩ đáp 'Chúng ổn mà'. Họ thậm chí không cho tôi lo lắng", Martyn kể lại. Khi thủ thuật kết thúc, Martyn trả tiền với một khuôn mặt sưng tê. Bệnh viện không xuất hóa đơn, cũng không muốn trả sổ y bạ cho bà.

    Nhiều tháng sau đó, Martyn gần như tê liệt ở mặt, thường xuyên đau nhức vùng nướu, hàm và áp xe một bên má. Đi khám, bà nhận ra mình bị nhiễm trùng và phải trả thêm nhiều tiền để triệt tủy răng. "Tôi tới nha sĩ trong tình trạng co giật", bà nói.

    Đến lúc này, Martyn mới biết mình được bọc răng sứ hoàn toàn, không phải dán veneer như yêu cầu với bác sĩ. Dán sứ veneer là phương pháp ít xâm lấn hơn so với các cách khác. Để miếng sứ veneer dính chặt vào bề mặt răng, bác sĩ chỉ cần mài mặt trước răng một ít để tạo độ nhám. Trong khi đó, bọc răng sứ là phương án bắt buộc mài khá nhiều răng để chụp mão sứ lên trên.

    Cơn đau đeo bám Martyn tới 8 tháng sau, khiến bà không thể ăn uống. "Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ làm răng, tôi nặng 117kg. Giờ đây, tôi còn 95kg", bà nói.

    Martyn buộc phải nhổ tất cả răng và trồng răng giả. Bà vẫn đang dùng thuốc giảm đau hàng ngày, cần điều trị sâu hơn về tủy răng. Chi phí khắc phục hậu quả là hơn 1.800 USD.

    Bà đã đăng tải video cảnh báo về dịch vụ du lịch nha khoa giá rẻ trên trang cá nhân và nhận được hàng trăm lượt xem. Martyn cho rằng trường hợp của bản thân chỉ là phần nổi của tảng băng, tồn tại trong ngành công nghiệp tỷ đô toàn cầu.

    Một phụ nữ khác là Chloe cũng có trải nghiệm tương tự sau khi bọc răng sứ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ nhìn bên ngoài, cô sở hữu hàm răng trắng sáng hoàn hảo. Tuy nhiên bên dưới, nướu của Chloe bị sưng viêm, tiềm ẩn các vấn đề có thể kéo dài cả đời.

    Nữ sinh viên 20 tuổi đã sử dụng gần 5.500 USD tiền tiết kiệm để làm răng vào tháng 2. Ban đầu, cô muốn dán sứ veneers ít xâm lấn vì không hài lòng với hàm răng thật của mình. Chloe tìm đến một cơ sở nha khoa ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhìn thấy đoạn quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội.

    Tới phòng khám, cô không khỏi ngạc nhiên vì tính "công nghiệp" tại đây. "Nó giống như một dây chuyền lớn, bệnh nhân cứ đi ra rồi đi vào", cô nói.

    Phòng khám có một quầy đồ uống sang trọng, thức ăn miễn phí, khu vườn rộng lớn trước cửa và dịch vụ đưa đón miễn phí từ khách sạn.

    "Tôi chưa từng thấy phòng khám nha khoa nào tương tự trước đây. Nó thật đẹp. Nhưng ở đó, họ không hề quan tâm đến răng của bạn", cô nói.

    Dù Chloe đã yêu cầu thực hiện các thủ thuật không xâm lấn, không cần mài răng gốc, bác sĩ vẫn dũa tới chân răng và bọc sứ cho cô. Khi nhìn vào gương và thấy răng thật được mài nhỏ xíu, cô bật khóc.

    "Tôi đã bị sốc, khóc rất nhiều. Ngay lập tức, tôi nói rằng mình không muốn răng sứt mẻ nhiều như vậy. Họ bảo rằng răng tôi không đủ khỏe để dán veneers. Chẳng ai thông báo cho tôi điều đó ngay từ đầu", cô kể lại.

    Giống như Martyn, Chloe không được ký bất cứ giấy tờ, hợp đồng nào trước khi làm thủ tục, cũng không được nhận biên lai sau khi hoàn thành.

    Cô trở về nhà với hàm răng nhức buốt, cơn đau lan ra khắp người. Đến nay, cảm giác khó chịu đã giảm bớt, nhưng nướu của Chloe vẫn còn nhạy cảm. Cô lo ngại về các vấn đề sẽ phải gặp trong tương lai. "Tôi đang thấy thực sự tồi tệ về mặt tinh thần", cô nói.

    Chloe cho rằng "hiệu ứng Instagram" là động lực thúc đẩy những khách du lịch nha khoa trẻ tuổi. Các ngôi sao, người có tầm ảnh hưởng thường xuyên đăng tải hình ảnh với nụ cười hoàn mỹ, khiến họ di chuyển hàng nghìn cây số để làm răng tại nước ngoài.

    Tiến sĩ Emi Mawson, nha sĩ tại Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), cho biết ngày càng nhiều thanh thiếu niên tìm kiếm dịch vụ nha khoa giá rẻ, song không hiểu được sự khác biệt của dán sứ veneers và làm răng sứ.

    "Khi chụp mão sứ, bác sĩ sẽ mài răng của bạn xuống tận phần chân. Điều này có thể gây ra vấn đề trong tương lai. Theo thống kê, khi mài răng khỏe mạnh xuống tận phần chân, một phần tư trong đó sẽ thành răng chết, gây ra các triệu chứng như áp xe", bà nói.

    Bên cạnh đó, khi ra nước ngoài làm răng và gặp các vấn đề phát sinh, bệnh nhân khó lòng tìm được bác sĩ tại Anh đồng ý điều trị khắc phục cho họ. Theo quy định của NHS, bác sĩ sẽ bị phạt nếu thủ thuật không thành công.

    "Là một nha sĩ, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm với các phương pháp mình chỉ định cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu một người đã bọc răng sứ ở nước khác, giờ bị áp xe và đến khám, tôi không sẵn lòng triệt tủy răng cho họ, bởi tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn. Tôi có thể bị phạt nếu điều trị không thành công. Điều duy nhất tôi có thể làm là nhổ chiếc răng đó đi", tiến sĩ Mawson nói.

    Để làm răng giá rẻ, một số bệnh viện tại nước ngoài sẽ cắt xén vật tư, mua mão răng với số lượng lớn, được sản xuất theo lô, thay vì phù hợp với cấu trúc răng của từng bệnh nhân. Trong khi đó, dán sứ veneers đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ thuật hơn.

    Tiến sĩ Mawson thừa nhận có các nha sĩ lành nghề đang làm việc tại những điểm nóng về du lịch nha khoa, nhưng cũng cảnh báo người trẻ cần tìm hiểu kỹ trước khi đồng ý thực hiện các thủ thuật xâm lấn.

    Nha sĩ, tiến sĩ Len D'Cruz, người đứng đầu Hiệp hội Nha khoa Anh, đồng ý với quan điểm này. Ông cho rằng nhiều bệnh nhân bọc răng sứ ở nước ngoài không được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết. Theo tiến sĩ D'Cruz, các quy trình phức tạp phổ biến ở điểm nóng về du lịch nha khoa, nhưng lại là biện pháp cuối cùng các nha sĩ ở Anh dùng đến.

    "Ở Anh, chúng tôi rất tin tưởng và nguyên tắc MID, gọi là nha khoa xâm lấn tối thiểu. Chúng tôi rất tránh sử dụng mão răng, cầu răng nếu không cần thiết", ông nói.

    VnExpress (theo Telegraph)

  • Dù có răng khểnh duyên dáng, cô kế toán 9X vẫn quyết niềng răng và kết quả sau 2 năm khiến nhiều người ngỡ ngàng.

    Hình ảnh sau và trước khi niềng răng của cô kế toán 9X đang công tác tại Úc.

    Câu chuyện niềng răng thay đổi ngoại hình của cô gái sinh năm 1993, tên Trang (biệt danh Kelly Nguyễn) đang gây nhiều chú ý trên mạng xã hội. Kelly hiện đang là kế toán trưởng của tập đoàn khách sạn Hilton, sinh sống tại Úc tính đến nay đã 9 năm. 

    Mặc dù sợ đau nhưng Kelly vẫn quyết định niềng răng vì một lý do đặc biệt. Đó là để trở thành cô dâu xinh đẹp tuyệt trần, có hàm răng đều như hạt bắp mà mình mơ ước bấy lâu. Cụ thể, Kelly chia sẻ: "Chất xúc tác lớn nhất dẫn tôi đến con đường hao tài tốn của này là do tôi muốn cưới chồng cuối năm 2017 nhưng đi xem thầy bảo cuối năm 2019 mới được. Tôi thiết nghĩ đã mất công đợi thì thôi đầu tư để làm cô dâu đẹp nhất vịnh Bắc Bộ. Thế nên tôi quyết định niềng răng". Điều thú vị là cả Kelly và người yêu đều đi niềng răng vì một đám cưới mỹ mãn nhất có thể. 

    Kelly Nguyễn không hài lòng với hàm răng cũ của mình.

    Trong quá khứ, Kelly Nguyễn ý thức được răng của mình không đẹp nên khi chụp hình thường canh góc ảnh kỹ càng để mặt đỡ xấu, răng đỡ lởm khởm. Hiện tại, sau 2 năm niềng răng, cô nàng thoải mái chụp chính diện, cười tỏa nắng mà không phải lo lắng gì. 

    Nói về hàm răng cũ, Kelly Nguyễn nhận định: "Răng của tôi là dạng 9630 chứ không được khểnh duyên như ca sĩ Hồng Nhung. Hơn thế, tôi còn bị lệch khớp cắn dẫn đến môi lệch và hàm không đều. Tôi lúc nào cũng mong có được 1 hàm răng đều vì gia đình tôi ai cũng như vậy, chỉ mình tôi là khấp khểnh. Trong khi đó, tôi muốn giữ lại răng thật nên bác sĩ khuyên niềng răng thay vì bọc sứ. Răng của tôi cái đưa ra, cái thụt vào, nếu làm răng sứ sẽ bị cái dày cái mỏng, trông mất tự nhiên."

    Tuy nhiên, có khá nhiều người cho rằng hàm răng cũ của Kelly Nguyễn giúp cô trông duyên hơn. Chính vì thế, cô nàng gặp khủng hoảng tinh thần trong suốt khoảng thời gian đeo niềng. Kelly kể rằng: "Gặp ai cũng bị nói là răng có hô hay móm gì đâu mà niềng, niềng răng nhìn xấu thế, niềng răng nhìn mặt già chát, răng khểnh xinh mà... Không chỉ vậy, gia đình còn phản đối dữ dội. Mẹ tôi bảo phí tiền, chê cái răng sắt kinh quá, tự dưng rước đau vào người. Song, tự bản thân tôi cũng nhìn lại ảnh răng khểnh cute hột me ngày trước mà thấy hối hận. Lúc ấy tôi buồn bã vô cùng."

    Đây là hình ảnh sau 6 tháng niềng răng của Kelly Nguyễn. Cô nàng bị chê già hơn bình thường.

    Để có được hàm răng hiện tại, Kelly Nguyễn đã tiêu tốn tổng cộng 9.000 đô la Úc (khoảng 147 triệu đồng) và chịu không ít đau đớn về thể xác. Nữ kế toán trưởng chia sẻ: "Sau niềng 2 tuần, tôi bị ngất ở trạm tàu điện vì chảy máu dạ dày. Nguyên nhân là mới đeo niềng, răng ê nhức không nhai được, cộng thêm lười ăn nên bị loét dạ dày, chảy máu. 1 năm sau niềng, mặt tôi bắt đầu hóp lại, má hóp, thái dương hóp, nhìn như bà cô 50 tuổi cằn cỗi. Hơn thế, mỗi lần siết răng về là đau ê ẩm. Nhiều lúc tôi không há được miệng vì ê răng."

    Còn về khâu vệ sinh, ăn uống cũng gặp nhiều khó khăn. Kelly Nguyễn nói: "Niềng răng nhiều vấn đề lắm, ăn uống tất nhiên không được thoải mái như trước. Đồ ăn dính vào niềng rất nhiều. Lúc nào ăn xong cũng phải vào nhà vệ sinh để soi gương, lấy hết đồ ăn ra. Với lại đeo niềng rất dễ gây nhiệt miệng vì mắc cài làm xước miệng. Khi niềng răng thì răng di chuyển nên răng khá yếu so với bình thường. Nếu không cẩn thận và chăm sóc kỹ sẽ bị mắc các bệnh về răng miệng như viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng..."

    Cuối cùng trải qua 2 năm niềng răng khổ sở, Kelly Nguyễn cũng đạt được kết quả như ý. Cô cho rằng: "Niềng răng là cả một quá trình nhiều cung bậc cảm xúc và cái tôi đạt được hôm nay là thành quả, đúng kiểu có công mài sắt có ngày nên kim. Hôm tháo niềng, tôi còn phải giật mình khi nhìn thấy răng. Tôi mừng chảy nước mắt."

    Kelly Nguyễn rất hài lòng với kết quả niềng răng hiện tại của mình. Quả thật giờ đây cô thực sự xinh đẹp và thanh tú.
    Hình ảnh sau khi niềng răng của Kelly Nguyễn được nhiều người khen ngợi.

    Viethome (theo Dân Việt)