• Từ sân bay Charles de Gaulle đến trung tâm thành phố hết hơn 50 euro nhưng nữ du khách Melissa Hie bị lái xe taxi tính 360 euro.

    Melissa Hie, blogger du lịch từng tới hơn 30 quốc gia, kể về trải nghiệm gặp taxi lừa đảo khi bay từ Singapore một mình sang Paris, Pháp. Khi bắt taxi từ sân bay Charles de Gaulle đến khách sạn, lái xe đã bắt Hie trả 360 euro cho quãng đường 25 km, đắt gấp 6 lần giá thông thường.

    "Khi đang đứng tại nhà ga, một người đàn ông tự nhận là nhân viên sân bay bắt chuyện và hỏi tôi định đi đâu", Hie nói. Sau đó người này giải thích nơi cô đang đứng chỉ bắt được taxi cho các chuyến ra ngoại ô. Hie được hướng dẫn ra đón taxi tại cổng 16 để vào trung tâm Paris.

    du lich phap 1
    Hie chụp ảnh lưu niệm tại Paris. Ảnh: Girl eat world

    Đến cổng cô được một tài xế khác chào đón, cất giúp hành lý vào cốp xe. Rời sân bay, lái xe cho cô xem huy hiệu lái taxi, ứng dụng đo công tơ mét trên điện thoại nhưng Hie nhanh chóng nhận ra "mọi thứ không ổn". Trên xe không có đồng hồ đo công tơ mét cố định khiến nữ du khách tin rằng những thứ vừa được xem phía trên là giả. "Nhưng tôi không thể làm gì vào lúc này", Hie kể lại.

    Đến khách sạn, tài xế đưa cho cô xem đồng hồ đo quãng đường trên ứng dụng điện thoại và báo giá chuyến đi. Hie từ chối trả. Ngay lập tức, kẻ lừa đảo "thay đổi giọng điệu, trở nên hung hăng và thô lỗ". Sau đó, anh ta giảm giá cho Hie từ 360 còn 200 euro nhưng vẫn cố gắng hăm dọa, theo cô vào trong khách sạn. "Tôi nói với anh ta rằng đang gọi cảnh sát để báo sự việc lừa đảo. Người này đi theo la hét và mắng nhiếc tôi là kẻ trộm, tôi nợ tiền anh ta", nữ du khách kể lại. Cuối cùng, Hie trả hắn 80 euro và kẻ lừa đảo mới chịu rời đi.

    Nữ du khách chia sẻ câu chuyện lên trên trang cá nhân với mong muốn những người khác có thể tránh được sự cố hoặc có kinh nghiệm giải quyết. Theo Hie, du khách nên bình tĩnh khi bị lừa đảo và chỉ nên phản ứng khi đã ở trong tình huống an toàn như ở nơi công cộng, nhiều người qua lại. "Tôi nghĩ đây là chìa khóa để có thể kiểm soát được tình hình", Hie nói. Nếu ở trong tình huống không an toàn như nơi vắng vẻ, cô sẽ không phản ứng dữ dội như vậy, có thể gây nguy hiểm.

    du lich phap 1
    Taxi "xịn" ở Paris có biển báo gắn phía trên. Ảnh: Paris je taime

    Đại diện sân bay Charles de Gaulle cho biết cảnh sát nhiều lần can thiệp để xử lý những chiếc taxi lừa đảo, tính giá cao cho khách. Nhân viên sân bay cũng được đào tạo để phát hiện ra những kẻ xấu có ý định lừa khách. Hành khách nên chọn taxi có đèn tín hiệu gắn phía trên nóc, phía sân bay cho biết. Giá một chuyến taxi từ sân bay đến sông Seine, trung tâm thành phố, từ khoảng hơn 50 euro.

    Ngoài ra, giá taxi đến Paris được hiển thị trong khu vực nhận hành lý và các biển báo trên cao, ngang tầm mắt và trên mặt đất để hành khách biết được vị trí đỗ taxi. Mỗi nhà ga có một điểm, các xe taxi sẽ đi qua đón khách theo thứ tự. Hành khách không nên chấp thuận giá của những chiếc xe nằm ngoài làn dành riêng cho taxi.

    "Cuối cùng, đừng tự trách mình khi gặp kẻ lừa đảo và đừng để sự việc làm hỏng chuyến đi. Paris vẫn là một thành phố xinh đẹp với vô số điều thú vị để xem và những món ăn tuyệt vời", Hie nói.

    VnExpress (theo DailyMail)

  • Cô gái 19 tuổi đã rơi vào tình huống "ngàn cân treo sợi tóc" khi xin ngủ nhờ nhà một người lạ trên đảo Santorini, Hy Lạp.

    Mình là Ngọc Hà, du học sinh Việt Nam tại Budapest, Hungary. Được học ở châu Âu là một điều may mắn vì chuyện đi lại trong khối EU khá đơn giản, mình muốn đi du lịch lúc nào cũng được. Song phần khó nhất là tìm bạn đồng hành, mà muốn đi được nhiều và nhanh thì chỉ có cách: Đi du lịch một mình.

    di du lich mot minh 1
    Ngọc Hà có sở thích đi du lịch một mình.

    Thế là mình "đơn thương độc mã" xách balo lên đường, tự nhủ đi tới đâu rồi kết bạn đến đó. Trong những chuyến độc hành như vậy, dân "du lịch chuyên nghiệp" thường tìm đến một mạng xã hội tên là CouchSurfing. Đây là nơi mọi người có thể xin ở nhờ nhà một người dân bản địa tại nơi mình tới du lịch, vừa tiết kiệm tiền lại hiểu thêm về văn hóa địa phương. Không ít bạn bè của mình đã đi du lịch theo cách này.

    Mình tự nhủ an toàn là trên hết nên lần đi du lịch một mình đầu tiên, tới Hy Lạp, mình đã cẩn thận đặt phòng nghỉ giá rẻ cho cả 2 điểm đến – Athens và đảo Santorini.

    Sau 4 ngày mỏi chân ở Athens, mọi thứ diễn ra rất đúng với kế hoạch, mình lại xách balo di chuyển tới Satorini. Lúc chuẩn bị lên máy bay, mình gọi điện lại cho phòng nghỉ đã đặt trước để nhắc họ rằng mình sắp tới nơi. Thế nhưng lúc này mình mới "ngã ngửa" khi được đầu dây bên kia thông báo: Mình đã đặt nhằm. Phòng nghỉ của mình không nằm trên đảo Santorini mà ở một hòn đảo khác cách đó 2 tiếng di chuyển.

    Vừa hoảng loạn, vừa tiếc đứt ruột vì mất hoàn toàn khoản tiền đặt phòng 90 USD cho 3 đêm. Nhìn lại giá phòng ở Santorini 40 USD/đêm, mình lại càng tiếc hơn. Trong lúc ấy trong đầu mình lóe lên một ý tưởng. Đến lúc rồi, mình sẽ dùng CouchSurfing để tìm một người cho ngủ nhờ!

    Thế là mình liên hệ trên CouchSurfing một chủ nhà người châu Âu (nhưng không phải dân Hy Lạp) đang sống trên đảo. Anh này chủ động nhắn tin cho mình trước và mời mình đến ở nhờ khi tới Santorini. Ngay khi mình nhắn lại để hỏi về việc muốn ở nhà, anh chủ nhà đã lập tức đồng ý và còn hẹn tới đón mình tận sân bay.

    45 phút sau mình đáp xuống sân bay, người ra đón mình là một anh trai độ 30 tuổi, cao, hơi gầy và để râu quai nón. Anh chủ nhà bảo mình lên chiếc xe tay côn để dạo một vòng quanh đảo Santorini lúc mặt trời lặn. Dù thấy chiếc xe này khá là oai nhưng đã không ít hơn một lần mình phải hét toáng lên vì anh "liệng" xe tới mức đầu gối mình suýt chạm đất.

    Căn nhà mình được ở nhờ cách trung tâm đảo khoảng 4km. Anh này sống một mình, căn hộ khá gọn gàng nhưng điều làm mình bất an là xung quanh im ắng chẳng có lấy một người hàng xóm.

    Thấy anh chủ nhà vẫn rất lịch sự và tử tế, mình cũng vào nhà ngồi nói chuyện. Buổi tối anh gọi bánh pizza, rót rượu mời mình để vừa ăn vừa tâm sự. Mình gật gù nghe đủ thứ chuyện về cuộc đời anh, từ lý do anh tới Santorini cho tới công việc bồi bàn hiện tại trên đảo, nhưng mình chỉ dám uống cốc nước lọc chứ không động vào giọt rượu nào.

    Tới 12 giờ đêm, thấy anh chủ nhà ngà ngà say, mình mới nói là muộn rồi chúng ta nên đi ngủ. Mình ra chiếc giường ở phòng ngoài được phân chia từ trước. Thế nhưng lúc này nhiều điều ngoài tầm kiểm soát đã diễn ra

    Anh chủ nhà bắt đầu… mời mình vào phòng trong để "chia sẻ" một cái giường với anh ấy.

    Anh chủ nhà nói: "Anh rất là thích em, anh cũng chưa gặp con gái châu Á nhiều nhưng anh thấy em rất là xinh. Nếu em cũng thích thì chúng ta có thể chia sẻ cái giường này."

    Nghe xong câu đó, mình thấy lạnh sống lưng, hai tay run lẩy bẩy. Mình cố đút tay vào túi quần sau để giấu đi sự căng thẳng tột độ. Dù mình đã nói khéo để tìm cách từ chối nhưng anh ta vẫn chưa từ bỏ ý định thuyết phục. Lúc này mình nhận ra như từ chối vẫn là chưa đủ để "thoát thân". Cách duy nhất là phải khiến cho anh ta mất hứng.

    Mình hắng giọng: "Em rất xin lỗi và em biết là anh quý em. Nhưng mà em không có hứng thú với đàn ông."

    Anh ta tròn mắt nhìn mình, mình lập tức tấn công dồn dập: "Thật sự là từ bé đến giờ không thích con trai. Nghĩ đến chuyện ôm con trai là em thấy sởn da gà luôn. Kỳ cục lắm luôn đấy."

    Mình kể thêm một loạt chuyện tự sáng tác nữa để thuyết phục đối phương, dù tay chân vẫn run cầm cập nhưng may mắn cho mình là anh ta tin thật.

    Chủ nhà gật gù bảo mình vậy thôi đi ngủ đi, còn mình vội vàng ôm gối chạy ra giường ngoài, chân tay mềm nhũn. Tối đó mình đã có một đêm thức trắng. Mình chỉ mong trời sáng thật mau để xách ba lô chạy ra khỏi đó càng sớm càng tốt.

    Ngay buổi sáng hôm sau, mình đã đi theo một chị gái du khách người Trung Quốc và tránh mặt ngay người chủ nhà ác mộng kia.

    Không bao giờ mạo hiểm như vậy nữa

    di du lich mot minh 1

    Nghĩ lại về trải nghiệm ở Santorini, một mặt mình cảm thấy bất ngờ vì bản thân liều hơn mình nghĩ. Mình hoàn toàn có thể bỏ thêm 40 USD một đêm để ở nhà nghỉ, thế nhưng mình muốn trải nghiệm gì đó đặc biệt hơn, và hóa ra giới hạn liều lĩnh của mình lại "đi xa" đến vậy.

    Một mặt khác, mình tự dặn lòng không bao giờ được mạo hiểm như vậy nữa. Có rất nhiều "báo động đỏ" về người chủ nhà ở Santorini, anh ta ở nơi hẻo lánh, lái xe không an toàn, không có bất kỳ bình luận nào trước đó trên CouchSurfing. Thế nhưng mình lại bỏ qua tất cả. Và nếu không phải do mình may mắn thì ai mà biết được tối hôm đó có thể đã đã xảy ra chuyện gì?

    Sau chuyến đi Hy Lạp và rất nhiều chuyến đi khác một mình khác nữa. Mình nhận ra một điều rằng lên kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết không bao giờ là thừa. Phó thác, tặc lưỡi cho qua là một điều cực kỳ nguy hiểm và 90% sẽ dẫn tới những trải nghiệm chẳng vui vẻ gì.

    Theo TAMMY / Cafebiz

  • Khi đến ga tàu ở Paris, một nhân viên thông báo với Việt kiều Áo về việc chị có thể bị phạt 500 Euro do dùng vé hết hạn.

    Chị Lê Hòa, 40 tuổi hiện sống và làm việc tại Áo. Cuối tháng 7, chị cùng chồng, con trai 8 tuổi và vợ chồng người em từ Việt Nam sang, đi du lịch tự túc ba nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Italy. Trong đó, họ dành 5 ngày ở Pháp, từ 20/7 đến 24/7. 

    Trước đó, chị mua vé tàu cho 4 người lớn và một trẻ em (giá vé người lớn là 65,8 Euro, trẻ em giảm 50%), áp dụng với mọi phương tiện công cộng, có hiệu lực trong 5 ngày. Ngày 22/7, cả nhà ra bến Issy-Val de Seine để tới tháp Eiffel, Paris thì gặp sự cố.

    Tấm vé được nữ du khách gốc Việt mua tại sân bay với giá 65,8 Euro. Ảnh: NVCC

    Tại cửa nhà ga, một người đàn ông nước ngoài đeo thẻ nhân viên chủ động tiếp cận gia đình chị, nhiệt tình chỉ đường. Sau đó, người này hỏi xem vé và dẫn đoàn khách Việt Nam vào một góc vắng vẻ. Tại đây, người này nói vé của gia đình chị không còn giá trị.

    Chị Hòa khẳng định điều này là vô lý, vì vé có hiệu lực trong 5 ngày. Khi mua tại sân bay, người bán vé đã giải thích rõ. "Tôi không hiểu sao đồng nghiệp của tôi lại nói với chị như vậy", chị Hoà nhớ lại lời của người đàn ông. "Vé chị mua ở sân bay là vé khác, còn vé dùng ở Paris là vé khác".

    Anh ta còn giải thích rằng thực tế vé đã mua chỉ có giá trị trong ngày đầu tiên. Do đó, chị Hoà phải mua vé cho những ngày tiếp theo. Số tiền vé tương ứng với 4 ngày vé chị bỏ ra mua ở sân bay. Khi nào tới ga St-Michel Norte-Dame, chị sẽ được hoàn lại. "Thủ tục hoàn tiền đơn giản, chỉ cần cầm hộ chiếu ra quầy bán vé", người đàn ông nói thêm. 

    "Bút tích" của kẻ lừa đảo được ghi trên tấm bản đồ mà nữ du khách mang theo. Ảnh: NVCC.

    Lúc này, chị Hòa bắt đầu bối rối. Đây là lần thứ hai chị tới Paris du lịch, nhưng là sự cố đầu tiên chị gặp phải. "Giờ bạn phải mua vé lại ở đây. Nếu cố tình dùng vé này, nhân viên kiểm tra sẽ bị phạt 100 Euro mỗi người", người này nói.

    Tuy nhiên, nữ du khách gốc Việt nhận thấy sự mâu thuẫn. Nếu vé không có hiệu lực, chị không thể mở được cửa nhà ga (tại Paris, hành khách sẽ mở được mọi cửa để vào ga nếu bạn đưa vé). Hơn nữa, người này không mặc đồng phục. Tên của hắn ta được ghi trong bảng tên bằng bút bi, trong khi mọi nhân viên có thẻ in và thậm chí là dán ảnh. Do vậy, chị Hòa kiên quyết không mua thêm vé và cả gia đình chị tiến vào sân ga. 

    Khi chị định đưa vé vào máy để mở cửa nhà ga, chị thấy một người đàn ông khác cũng đeo thẻ giống người thứ nhất, bước về phía mình. Chị liền quay lại thông báo với gia đình, chắc chắn hai kẻ này là lừa đảo. "Nhìn thấy thái độ gay gắt của tôi khi nói chuyện với gia đình, chúng bèn lảng ra rồi đi mất", chị nhớ lại.

    Nơi gia đình chị Hòa gặp hai kẻ lừa đảo tại Paris.

    Chị Hòa chia sẻ câu chuyện của mình để các du khách cảnh giác hơn khi đi du lịch tự túc. Nếu ra nước ngoài, bạn chỉ nên tin tưởng vào những người mặc đồng phục, có thẻ nhân viên dán ảnh và được in rõ nét. Bạn không nên đi theo người lạ đến những góc vắng vẻ, không đưa cho họ xem giấy tờ tùy thân khi không biết rõ họ là ai.

    Theo kinh nghiệm của chị Hoà, trong trường hợp nhân viên đột xuất kiểm tra vé tàu xe, họ sẽ chặn và kiểm tra mọi hành khách chứ không giữ một vài người đơn lẻ. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu số điện thoại cảnh sát của nước định đi du lịch, phòng trường hợp khẩn cấp. Khi gặp tình huống phát sinh, du khách nên bình tĩnh, cân nhắc để không bị lợi dụng, lừa đảo.

    Chi phí du lịch Pháp 5 ngày 4 đêm của gia đình chị Hòa (4 người lớn, một trẻ em):

    - Vé máy bay từ Áo sang Pháp (một chiều): 500 Euro

    - Khách sạn (2 phòng): 460 Euro

    - Vé đi các phương tiện công cộng: 300 Euro

    - Ăn uống: 700 Euro

    - Tổng chi phí: 1.960 Euro

    Viethome (theo VnExpress)

  • Thái Lan đã kết án tử hình một người nhặt rác vì tội hãm hiếp và giết hại du khách người Đức cô khi đi nghỉ tại nước này.

    Ronnakorn Romruen bị kết án tử hình. Nạn nhân Miriam Beelte (phải). Ảnh: ViralPress

    Ronnakorn Romruen, 24 tuổi bị bắt vào tháng 4, chỉ vài giờ sau khi thi thể của người phụ nữ Đức 27 tuổi được tìm thấy chôn vùi dưới đám lá khô và sỏi đá trên đảo Koh Sichang. Ngày 10/7, tên này đã bị tòa tuyên án tử hình.

    Tòa cho biết tại thời điểm gây án, Ronnakorn đang phê ma túy đá. Khi nạn nhân cố bỏ trốn, tên này đã dùng đá đập liên tục lên đầu và mặt cô. Điều này "gây ra những vết thương nghiêm trọng khiến cô tử vong", tòa tuyên bố. Ronnakorn đã thừa nhận mọi cáo buộc, bao gồm hiếp dâm, giết người, giấu xác và sử dụng ma túy đá.

    Năm ngoái, Thái Lan đã thi hành án tử hình đầu tiên kể từ năm 2009. Một bị cáo 26 tuổi đã bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Các nhóm nhân quyền đã lên án quyết định thi hành án này sau gần một thập kỷ Thái Lan không có vụ hành quyết nào. Nước này có tỷ lệ giam giữ cao nhất thế giới và có hơn 500 người bị tử hình.

    Là một địa điểm du lịch nổi tiếng, Thái Lan dự kiến sẽ đón 40 triệu khách trong năm nay. Nói chung, đất nước này thường được coi là an toàn cho du khách. Nhưng một số sự cố chấn động đã ảnh hưởng danh tiếng của Thái Lan trong những năm gần đây.

    Vào năm 2014, những thi thể bị đánh đập của hai du khách người Anh được tìm thấy trên đảo Koh Tao. Một năm sau đó, hai công nhân nhập cư Myanmar đã bị kết án tử hình vì tội giết người sau một cuộc điều tra bị các nhà quan sát chỉ trích. Đến nay, hai người này vẫn bị giam giữ.

    Bài liên quan: Cô gái xinh đẹp bị cưỡng hiếp, sát hại dã man khi du lịch Thái Lan

    Viethome (tinnhanhonline)