• Chị Thủy kể: "Chúng tôi chuyển đổi sang lối sống mà nhiều người thời nay gọi là "cổ hủ". Chúng tôi nấu ăn bằng bếp củi, giặt đồ bằng tay và nước tro, sử dụng nhà vệ sinh khô, dùng nước mưa…".

    bo pho ve rung 1

    Quyết định bất ngờ sau chuyện tình của cặp đôi Việt - Hà Lan

    Sáng cuối tuần, chị Đặng Thị Thanh Thủy đem theo chiếc gùi tre và một vài chiếc hộp đã rửa sạch đi chợ mua thức ăn cho gia đình.

    Bà mẹ hai con lên sẵn trong đầu danh sách những món ăn cần mua để không phải sử dụng túi nilon. Trở về nhà, trong gian bếp nhỏ giữa núi rừng Tây Nguyên, chị Thủy bắc bếp củi, nấu cơm và một vài món ăn cho chồng và 2 con.

    Khoảng 3 năm nay, gia đình nhỏ của chị và người chồng quốc tịch Hà Lan - anh Jack - lựa chọn lối sống tối giản không tivi, bếp điện, không điều hòa, máy giặt, không nước máy, giảm bớt xả rác và các hành vi làm tổn thương môi trường...

    Nhiều người cho rằng, họ là người "cổ hủ, lạc hậu", "làm kìm hãm sự phát triển của xã hội". Tuy nhiên, cặp đôi không bận tâm và tin vào mục tiêu lớn mà mình đang hướng tới.

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1
    Gia đình chị Thủy lựa chọn lối sống tối giản.

    Chị Thanh Thủy (quê Hà Tĩnh) vốn là chuyên gia công tác xã hội của một tổ chức phi Chính phủ ở Hà Nội. Từng chuyển chỗ ở từ Đà Lạt (Lâm Đồng) ra Hà Nội sinh sống để làm việc, chị Thủy nghĩ mình sẽ gắn bó với công việc này mãi mãi.

    Tuy nhiên, mọi dự định của chị thay đổi khi chị quen anh Jack. Anh Jack vốn là một kỹ sư có công việc ổn định với mức lương cao tại Hàn Quốc. Năm 2018, trong một lần đến Việt Nam du lịch, người đàn ông Hà Lan tình cờ quen chị Thủy và cặp đôi nhanh chóng cảm mến nhau. Ít lâu sau, họ về chung một nhà.

    bo pho ve rung 1
    Cặp đôi vợ Việt - chồng Hà Lan.

    "Khi quen và yêu nhau, anh Jack luôn bày tỏ mong ước được nghỉ hưu sớm để có cơ hội tận hưởng cuộc sống khi mình còn khỏe. Vì thế, anh mong muốn gia đình tôi sẽ về một vùng quê nào đó sinh sống, làm nông nghiệp. 

    Dù sinh ra ở nông thôn nhưng chưa khi nào tôi nghĩ mình sẽ trở lại với nghề nông. Song nghe lời đề nghị của chồng, tôi thấy đó không phải là một ý tưởng tồi. Khi tôi đồng ý, anh đã lập tức nghỉ việc ở Hàn Quốc, cùng tôi về Đà Lạt  - nơi tôi từng học tập và làm việc 14 năm", chị Thủy nhớ lại.

    Tin vợ chồng chị Thủy bỏ Thủ đô về một vùng rừng núi sinh sống khiến nhiều người thân, bạn bè bất ngờ và lo lắng. Tuy vậy, chị Thủy vẫn kiên định với lựa chọn của mình.  

    Thời gian đầu, họ thuê mảnh đất khoảng 1.500m2 ở Đà Lạt để làm trang trại và mở dịch vụ lưu trú.

    Lần đầu tiên trong đời, anh Jack được cầm cuốc cuốc đất, bắt sâu hay học cách ủ phân từ rác hữu cơ. Cũng lần đầu trong đời, người đàn ông này được trải nghiệm cảm giác ăn rau củ quả do chính mình trồng ra.

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1
    Ngôi nhà tre của anh Jack và chị Thủy ở Đà Lạt.

    Một thời gian sau, họ sang nhượng lại trang trại để mua đất dựng ngôi nhà của riêng mình. Trên mảnh đất ấy, anh Jack hiện thực hóa ước mơ về một ngôi nhà hình chiếc lá thường xuân làm từ 500 cây tre, 300 cây tầm vông. Hai vợ chồng chủ yếu chọn các nguyên liệu thân thiện với môi trường, các đồ dùng trong nhà cũng đa số tự làm bằng tre.

    "Dẫu vậy, chúng tôi vẫn dùng quá nhiều tiện nghi như bếp từ, máy giặt, bình nước nóng, lò nướng, nồi cơm điện… Hàng ngày cuộc sống vẫn quá hiện đại và tiêu thụ nhiều điện năng. Ngôi nhà có khâu xây dựng và chọn nguyên liệu thân thiện với môi trường nhưng khi chúng tôi thực hành lối sống ở trong đó thì vẫn rất lệ thuộc vào tiện nghi", chị Thủy cho hay.

    Sống trong ngôi nhà này được một năm, anh chị nhận ra sâu sắc hơn bao giờ hết rằng "trái đất này đang quá tải vì cách đối xử của con người, con người khai thác tài nguyên một cách vô độ, tiêu thụ quá mức".

    "Tôi rất thích câu nói: "Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới". Khi muốn mọi người hành động thì bản thân mình phải hành động trước. Vì vậy, chúng tôi quyết định rời bỏ ngôi nhà mình mất bao tâm huyết tự tay xây dựng để chuyển về huyện Eah'leo, Đắk Lắk", người vợ Việt chia sẻ.

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1
    Người đàn ông Hà Lan say mê làm nông nghiệp.

    Làm nông nghiệp thuận tự nhiên, sống tối giản, cân nhắc từng gói mỳ tôm

    Để thực hiện mục tiêu tự cung tự cấp, giảm tối đa mức tiêu thụ năng lượng, vợ chồng chị Thủy mua mảnh đất rộng 10.000m2. Lần này họ không sử dụng nguyên liệu mới mà mua nhà gỗ cũ của người địa phương về để dựng nhà.

    Cũng vẫn là bỏ phố về rừng nhưng cuộc sống ở Đắk Lắk của gia đình chị Thủy đã khác rất nhiều so với những ngày còn ở Đà Lạt.

    Chị Thủy kể: "Chúng tôi chuyển đổi sang một lối sống mà nhiều người thời nay gọi là "cổ hủ" hay "thụt lùi". Chúng tôi  nấu ăn bằng bếp củi, giặt đồ bằng tay và nước tro, sử dụng nhà vệ sinh khô, hứng nước mưa để dùng…

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1
    Người dân địa phương phá nhà gỗ đi xây nhà gạch, gia đình chị Thủy đi mua lại về dựng nhà của mình.

    Chị Thủy đánh giá nhu cầu của bản thân và các thành viên để xem những gì cắt giảm được mà vẫn sống hạnh phúc thì sẽ cắt giảm. Những gì cần thiết, gia đình chị vẫn sử dụng chứ không "chối bỏ tiện nghi" như nhiều người vẫn nghĩ.

    "Bằng cách này, chúng tôi "kết nối nhiều hơn với các nhu cầu của bản thân và gia đình.  Tôi nhận ra nhu cầu thì có rất ít, hầu hết những thứ ngày nay con người sở hữu hoặc muốn sở hữu đều chỉ là ham muốn.

    Trong nhà tôi không có tivi, lò vi sóng… Thiết bị điện chỉ có bóng đèn thắp sáng, tủ lạnh và máy tính, điện thoại và các máy móc phục vụ cho việc xây dựng và làm vườn như máy khoan, cưa…

    Tôi dùng tủ lạnh để hạn chế việc phải đi chợ trong điều kiện chưa thể tự cung tự cấp hoàn toàn. Máy tính thì hỗ trợ cho công việc của hai vợ chồng và việc học tập của các con", bà mẹ hai con cho biết.

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1

    Chị Thủy cùng chồng tự trồng rau, nuôi gà, ưu tiên sử dụng thực phẩm bản địa, học cách nhận diện và sử dụng rau dại, thảo dược quanh vườn. Mỗi tuần, họ chỉ đi chợ một vài lần với danh sách đồ cần mua đã lên sẵn.

    Chị chuẩn bị gùi, hộp đựng thực phẩm, để không phải dùng túi nilon. Với những tình huống phát sinh bắt buộc phải dùng tới túi đựng, chị sẽ đem về sau đó giặt sạch túi rồi cho những người bán hàng.

    Gia đình chị thậm chí còn hạn chế ăn mỳ gói, bánh kẹo hay các sản phẩm đóng gói khác bởi không muốn sau mỗi bữa ăn lại xả rác khó phân hủy ra môi trường, bên cạnh các lý do về lợi ích sức khỏe. 

    Chị nói: "Tất cả những việc chúng tôi làm đều hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa mức tiêu thụ, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có mà thân thiện với môi trường để phục vụ cho cuộc sống của gia đình".

    Hai ba năm nay, vợ chồng chị Thủy gần như không mua quần áo mới. Họ chủ yếu dùng đồ cũ của bản thân hoặc của những người khác cho. Các con chị học hỏi bố mẹ, cũng rất hợp tác trong việc giảm mua, tăng tái chế.

    Hai đứa trẻ không ngần ngại mặc lại đồ cũ. Tuy nhiên, chị cũng cân bằng các sở thích của con để các con không cảm thấy thiếu thốn hay căng thẳng.

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1

    Với mảnh đất rộng 10.000m2, vợ chồng chị Thủy có cơ hội thực hiện rất nhiều ý tưởng về nông nghiệp thuận tự nhiên mà trước đây chưa thực hiện được.

    Họ theo đuổi phương pháp trồng vườn rừng, tôn trọng sự sắp xếp của tự nhiên, không cày xới đất, không dùng phân bón hay chế phẩm hóa học, không nhổ cỏ mà chỉ phát quang khi cỏ mọc quá cao che mất ánh sáng của cây khác…

    Gia đình chị xây dựng một vòng tròn sinh thái nơi mọi thứ được tái sử dụng, không có nước thải, không có thức ăn thừa, không có cỏ rác... Với họ, tất cả mọi thứ đều là tài sản và đều có giá trị.

    Lần khủng hoảng nước dùng và cuộc tấn công của bọ rừng

    Lựa chọn cuộc sống khác với số đông và cách canh tác thuận tự nhiên, gia đình chị Thủy cũng gặp phải không ít khó khăn. Điều kiện thời tiết nóng và sự hạn chế về thể lực khiến họ không ít lần nhụt chí, đặc biệt với người chồng Hà Lan.

    Tháng 5/2023, cả nhà họ gặp phải "cuộc khủng hoảng về nước". Gia đình chị Thủy vốn tích trữ nước mưa để sử dụng. Lần ấy, khi cả nhà đưa người cô chồng từ Hà Lan sang Việt Nam đi du lịch, ở nhà cơn mưa đầu mùa đổ xuống.

    Vì không kịp quét lá, bụi đất trên mái nên bao nhiêu lá cây, bụi bặm theo máng chảy vào các bồn nước. Toàn bộ nước trong bồn vì thế bị bẩn, không thể dùng để sinh hoạt.

    Vì không biết khi nào mưa trở lại nên chị Thủy không dám xả hết nước để thau rửa. Họ buộc phải làm một hệ thống lọc từ đá dăm, cát và than để lọc nước dùng tạm.

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1
    Bọ rừng tràn vào nhà chị Thủy khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn.

    Đang trong trạng thái mệt mỏi sau những ngày dài di chuyển và cú sốc về nước dùng, bước vào nhà, chị Thủy hoảng hốt khi thấy bọ đậu đen đậu kín trong nhà.

    Họ tìm đủ mọi cách để đuổi bọ, từ quét đến hun lá bạch đàn, vỏ điều nhưng chúng vẫn không chịu rời đi. Cảm giác phải sống chung với hàng nghìn con bọ khiến cặp vợ chồng ngao ngán.

    Họ buộc phải ở tạm trong một căn lều chờ đợi cả tháng nhưng lũ bọ vẫn không chịu rời đi. Sau cùng họ phải dùng tới thuốc muỗi sinh học nhưng lũ bọ cũng chỉ bay từ phòng ngủ sang khu vực phòng kho.

    Mỗi lần như vậy anh Jack lại tự hỏi: "Tại sao bản thân mình phải tự làm khó mình như vậy?". Nếu như ở thành phố, họ đã có một cuộc sống dễ dàng với một căn chung cư, một chiếc ô tô và những chuyến du lịch với vô số đồ ăn ngon.

    "Khi ấy, chúng tôi lại ngồi nói chuyện cùng nhau. Và sau tất cả những phân tích, chúng tôi vẫn thấy lựa chọn hiện tại là đúng đắn nhất. Đặc biệt, khi nhìn thấy sự thay đổi nhận thức, hành động và ước mong về một môi trường sống trong lành của các con, chúng tôi lại không thể làm ngơ để sống thảnh thơi được", chị Thủy chia sẻ về cách mà họ đã vượt qua những khó khăn. 

    Tại huyện Eah'leo, Đắk Lắk, có nhiều gia đình trẻ cũng lựa chọn bỏ phố về rừng để sinh sống. Chị Thủy vì thế nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người cùng chung chí hướng và thấy bản thân không hề đơn độc trên con đường mình đã chọn. 

    bo pho ve rung 1

    bo pho ve rung 1

    Mục tiêu tự cung tự cấp, sống cơ bản dựa vào vườn

    Nhìn lại hành trình của mình, chị Thủy cho rằng, không nên lãng mạn hóa việc bỏ phố về rừng. Những ai đang có ý định lựa chọn cuộc sống bỏ phố về rừng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý.

    Điều quan trọng nhất với mỗi gia đình là cần có sự đồng thuận, sự thấu hiểu của các thành viên. Ngoài ra, họ cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và một khoản tài chính nhất định.

    Với Jack, anh chia sẻ rằng, bỏ phố về rừng với anh không chỉ đơn thuần là niềm yêu thích. Đó còn là lựa chọn mang tính lý trí. Khi thấy cây cối lớn lên, thấy cả một đời sống đang tồn tại trong mảnh vườn của mình, anh lại có động lực vượt qua những khó khăn và say mê làm vườn, trồng rừng tới mức quên tháng ngày.

    bo pho ve rung 1
    Sống ở Đắk Lắk, gia đình chị Thủy đã có thể dựa vào chính mình nhiều hơn ở mức 80-90% mà không cần lệ thuộc vào bên ngoài.

    Với mục tiêu tự cung tự cấp, hiện cặp đôi vợ Việt - chồng Hà Lan đã hoàn thành các khâu thiết kế và xây dựng hệ thống cơ bản như nhà cửa, điện nước, phân khu trồng cây, tưới tiêu, khu chăn nuôi... Họ kỳ vọng trong khoảng 3-5 năm có thể cơ bản sống dựa vào vườn.

    "Chúng tôi sẽ bắt tay vào một số dự án tự cung năng lượng trong năm nay và năm sau như dự án tự tạo điện cho gia đình, bơm nước tự hành, thùng sấy thực phẩm bằng mặt trời.

    Trong quá trình này, chúng tôi sẽ không ngừng chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm học hỏi được để lan tỏa và tạo động lực cho cộng đồng những người làm vườn rừng.

    Hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người thực hành làm nông nghiệp thuận tự nhiên, dừng sử dụng phân và thuốc hóa học, tạo lập một hệ sinh thái đa dạng và lành mạnh", người phụ nữ Việt bày tỏ về những dự định và mong muốn của gia đình.

    Theo Dân Trí

  • Vợ tôi nói nếu không về quê sống đời hưu trí thì đã được du lịch trong và ngoài nước thoả thích với số tiền đã tiêu mấy năm qua.

    Tôi và vợ hiện nay đã về hưu. Lúc trước tôi làm việc trong ngành xuất nhập khẩu, vợ làm ngành xuất bản. Chúng tôi đều là dân tỉnh lẻ lên Sài Gòn lập nghiệp. Với rất nhiều nỗ lực và cố gắng nên cũng có nhà, cửa tại nơi này.

    Sau khi lo cho hai đứa con đầy đủ gia thất, nhà cửa, vợ chồng tôi cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống ồn ào và áp lực tại thành phố sau hàng chục năm sinh sống, chúng tôi quyết định quay về quê để sống cuộc đời hưu trí an nhàn.

    Vợ chồng tôi đã dành một năm để lên kế hoạch và tích cóp tiền để có thể về quê và sống thoải mái. Hai con đã có chỗ ở riêng nên ngôi nhà hiện tại cho thuê, 8 triệu đồng một tháng.

    Với 800 triệu đồng số tiền tích luỹ của hai vợ chồng, tôi về ở căn nhà cũ của ba mẹ tôi ở quê. Căn nhà này là thừa kế của tôi, nhà ngói ba gian đã xây gần 40 năm. Những năm trước đây, ngôi nhà đóng sửa suốt ngày, chiều đến chỉ có đứa cháu họ ở gần đó qua thắp nhang cho các cụ. Dịp lễ, Tết gia đình tôi mới về ở vài ngày, rồi đi thành phố.

    Vậy nên hương hỏa là một lý do để tôi về quê sống. Lý do khác, cũng quan trọng hơn là tôi muốn trải qua quãng thời gian hưu trí của mình ở quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn.

    bo pho ve que 22
    Ảnh minh họa

    Do kiến trúc ngôi nhà theo lối xưa nên không tiện sinh hoạt, tôi chi 300 triệu xây một nhà cấp bốn kề bên để ở, nội thất cơ bản như giường, tủ, bàn ghế, bếp, máy lạnh... cũng ngốn hết khoản tiền.

    Cùng lúc đó, đứa cháu là con của anh tôi xây nhà, tôi cho mượn thêm khoản tiền 150 triệu đồng để giúp cháu. Tôi đầu tư trồng trọt, chăn nuôi nhỏ, chủ yếu tạo công việc để làm cho giãn cơ, đổ mồ hôi. Tiền giống, thức ăn, phân bón đổ vào đó cũng ngoài 100 triệu.

    Ở quê, tiền sinh hoạt cũng không đắt đỏ như thành phố nhưng cũng tốn kém, không thể ăn rau vườn cá nhà mãi được. Chưa kể, tiền hiếu hỷ đám tiệc liên miên cũng kha khá.

    Nói về ở quê hiện tại, tôi không thấy có nhiều hoạt động vui chơi giải trí mang tính cá nhân hay gia đình. Nhậu nhẹt, đám tiệc liên miên nhiều lúc khiến tôi phát hoảng. Hầu như ngày nào cũng có giỗ chạp, đám tiệc nào đó, người trong xóm luôn đụng mặt nhau hàng ngày. Sau hai năm về quê sống, vợ chồng tôi chỉ còn khoảng hơn 90 triệu đồng, chưa tính khoản tiền cho cháu mượn làm nhà.

    Hiện tại cuộc sống vợ chồng tôi cũng ổn, dần quen nhịp với cuộc sống ở quê. Khoản tiền đã mất cũng không khiến chúng tôi bận tâm lắm vì có tiền con gửi về, tiền cho thuê nhà và một khoản tiền tiết kiệm khác. Nhưng thỉnh thoảng vợ tôi cũng cằn nhằn, tiếc nuối: Nếu không về quê sống thì số tiền đó dư sức để hai vợ chồng đi du lịch khắp nơi trong nước và nước ngoài mấy năm qua.

    Hiện tại, tôi thấy trên mạng nhiều người cổ suý cho việc về quê sống, có rau ăn rau, có cá ăn cá. Tôi xin nhấn mạnh là nếu chịu cực, chịu khổ thì ở đâu cũng sống được. Còn về quê sống với tư tưởng đó thì sẽ phải trả giá. Rau phải trồng, cá phải nuôi, cũng là tốn tiền rồi.

    Lúc xưa ba mẹ tôi cả tháng mới đi chợ một lần, còn bây giờ hầu như nhà nào cũng đi chợ mua thức ăn mỗi ngày, nhà tôi cũng không ngoại lệ. Chưa kể, về quê nuôi cá trồng rau bán kiếm tiền cũng cần một khoản vốn đầu tư lớn, như vợ chồng tôi bỏ ra ngoài trăm triệu mà thu về chẳng thấy đâu. Cũng may, tôi đã có tuổi và tích lũy tài chính đủ mạnh, cũng như không phải nuôi con cái nữa nên không gánh nặng tiền bạc.

    Dù hiện tại chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc và tự do hơn khi sống đơn giản và yên tĩnh tại quê hương của mình, được bồi đắp lại tình nghĩa xóm làng, thân tộc đã mất đi, nhưng tôi dự tính vài năm nữa sẽ lại "di cư" lên thành phố, vì vợ chồng đã có tuổi, sức khoẻ ngày một kém, ở quê lại có nhiều bất tiện về các dịch vụ y tế.

    Theo VnExpress

  • Thông thường, những món đồ từ các thương hiệu thời trang cao cấp như Dior, Gucci hay Prada sẽ dẫn đầu bảng xếp hạng "Sản phẩm hot nhất", nhưng không phải mùa này.

    Gần đây, công ty công nghệ về thời trang Lyst công bố The Lyst Index, bao gồm danh sách thương hiệu và sản phẩm thời trang nổi bật nhất trong quý I của năm 2023.

    Các chuyên gia đã phân tích lượt tìm kiếm sản phẩm này trên web, lượt xem sản phẩm và doanh số bán hàng cũng như dữ liệu mạng xã hội để cho ra thứ hạng sản phẩm hot. Họ khai thác hành vi của 200 triệu người dùng để theo dõi sức nóng của thương hiệu cũng như sản phẩm.

    chiec tui uniqlo 1
    Túi xách chưa đến 300.000 đồng hot hơn đồ hàng hiệu. Ảnh: Uniqlo.

    Túi xách bình dân vượt mặt hàng hiệu

    Chiếc túi mini đeo chéo của hãng bình dân Uniqlo gây bất ngờ khi xuất hiện ở vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng. Hiện ở Việt Nam, mẫu túi này được bán với mức giá 299.000 đồng, đây là món đồ rẻ nhất từng lọt vào bảng xếp hạng của Lyst.

    Nhờ tốc độ lan truyền mạnh mẽ, món phụ kiện này nhanh chóng được bán hết. Bên cạnh giá thành rẻ, chiếc túi có vẻ ngoài bán nguyệt đơn giản, gợi sự liên tưởng đến dòng túi Nylon của Prada trị giá 1.950 USD (gần 46 triệu đồng) hay mẫu túi thắt lưng Everywhere của Lululemon có giá 38 USD (gần 900.000 đồng).

    "Túi trông phẳng lỳ nhưng có thể đựng được nhiều đồ", "Kích thước vừa phải chứa được những món đồ cơ bản", "Chiếc túi vừa vặn với cơ thể và có thể điều chỉnh độ dài là điểm cộng"... là những đánh giá nổi bật của người tiêu dùng.

    chiec tui uniqlo 1
    Bảng xếp hạng các sản phẩm hot nhất quý I/2023. Ảnh: Lyst.

    Trên một nền tảng mạng xã hội, chiếc túi này có hơn 63,3 triệu lượt xem, vượt qua các đối thủ cạnh tranh "nặng ký" như kính râm Rick Owens Kriester trị giá 625 USD (hơn 14,6 triệu đồng) đứng thứ 2. Bồ đồ ôm sát của SKIMS (thứ 3), giày thể thao adidas Gazelle (thứ 7).

    Hay đôi giày đỏ MSCHF Big Red Boots thu hút không ít quan tâm của các tín đồ giày nói riêng và thời trang nói chung chỉ đứng ở bậc thứ 4 trong danh sách. Được lấy ý tưởng từ nhân vật hoạt hình Astro Boy, đôi boots đỏ được làm bằng cao su TPU và đế ngoài bằng EVA.

    Dù có vẻ ngoài "cồng kềnh", không ít người sẵn sàng chi 350 USD (hơn 8 triệu đồng) để sở hữu đôi giày thời thượng. Sau khi chính thức lên kệ ngày 16/2, đôi giày nhanh chóng được thông báo cháy hàng. Theo ghi nhận của Highsnobiety, Big Red Boots từng được bán với giá gần 1.400 USD (gần 33 triệu đồng) trên thị trường bán lại StockX.

    chiec tui uniqlo 1
    Đôi boots có kích thước lớn, "khoác" thêm màu áo đỏ nổi bật. Ảnh: Highsnobiety, Vogue.

    Một cái tên giữ ngôi vương là thương hiệu hot nhất

    Ở danh sách thương hiệu nổi bật nhất quý I/2023, Prada khẳng định vị thế là đế chế thời trang. Nhà mốt này dẫn đầu với các sự kiện: Công bố doanh số bán lẻ 3,252 triệu euro (hơn 84,1 tỷ đồng) vào năm 2022, ra mắt hội nghị chuyên đề Prada Frames 2023 tại Hong Kong (Trung Quốc) và trình bày buổi trình diễn nam FW23 tại Milan (Italy) với sự tham gia của nhóm nhạc nam Enhypen của Hàn Quốc.

    Đây là quý thứ 2 liên tiếp mà nhà mốt Italy đứng đầu vị trí thương hiệu hot nhất thế giới, với lượt tìm kiếm tăng 22%. Ngay sau đó là Miu Miu, "người em" của Prada, đây là thứ hạng cao nhất mà thương hiệu đạt được kể từ khi có The Lyst Index. Ở quý IV/2022, thương hiệu này giữ vị trí số 4.

    Một phần lý do cho bước tiến này là nhờ vào nhu cầu vững chắc đối với mẫu túi xách Pocket của hãng, sự hợp tác lần 2 với nhãn giày New Balance, chương trình Tuần lễ thời trang Paris (Pháp) sôi nổi có sự góp mặt của diễn viên Emma Corrin, Mia Goth, ca sĩ Ethel Cain, người mẫu Zaya Wade.

    chiec tui uniqlo 1
    2 quý liên tiếp, Prada là thương hiệu nổi bật nhất. Ảnh: Forbes.

    Trong khi đó, các nhà mốt xa xỉ như Dolce & Gabbana, Versace, Dior và Louis Vuitton lần lượt được gọi tên ở các thứ hạng 7, 8, 11 và 13.

    Trong khi đó, hai thương hiệu Gucci và Balenciaga của tập đoàn Kering, vốn có lịch sử thống trị các vị trí hàng đầu của The Lyst Index, đã tụt hạng trong mùa này. Gucci rơi 7 bậc, từ thứ 2 (quý IV/2022) xuống thứ 9 (quý I/2023), thứ hạng thấp nhất kể từ khi Index bắt đầu vào năm 2017. Balenciaga tụt 7 bậc, từ 11 (quý IV/2022) xuống 18 (quý I/2023).

    Kênh 14 (theo CNA Lifestyle)

  • Những tưởng bỏ nghiệp về quê là hy sinh, không ngờ Mimi Thorisson lại nổi tiếng thế giới với danh hiệu "người phụ nữ nông thôn đẹp nhất nước Pháp".

    Đối với Mimi Thorisson, 48 tuổi, mang hai dòng máu Trung Quốc và Pháp, sự nổi tiếng thế giới bắt đầu một cách đơn giản và ngọt ngào - với một chiếc bánh kem vani. Một tối mùa xuân, Mini vào trang trại hàng trăm tuổi của mình ở vùng Medoc, Fontet, nước Pháp để tìm một điều bất ngờ. Sau mùa đông lạnh giá, những bông hoa trắng li li nở rộ trong vườn. Mini tràn đầy hứng khởi. Cô vội vã vào bếp, làm một chiếc bánh kem, trang trí lên đó đầy hoa, lá và quả mọng trong vườn.

    Nửa đêm, cô đăng bức ảnh "garden cake" lên mạng. Chiếc bánh của cô được lan truyền trên mạng. Từ con số 69 người theo dõi, Twitter của cô đã tăng lên hàng trăm nghìn người. Một tạp chí muốn phỏng vấn cô, một nhà xuất bản đề nghị ra sách. Người phụ nữ nông thôn, mẹ của 8 con trở nên nổi tiếng và được mệnh danh người phụ nữ nông thôn đẹp nhất nước Pháp.

    Trước khi về quê, Mimi Thorisson là phóng viên, biên tập viên, MC của CNN. Năm 2007, Mimi gặp nhiếp ảnh gia người Iceland Oddur. Cả hai có khiếu thẩm mỹ giống nhau và đều thích chó. Sau khi kết hôn, Mimi với một con riêng và Oddur với hai con riêng hợp về một nhà. Gia đình 5 người cùng 3 chú chó sống trong một căn hộ ở Paris.

    Sau đó Mimi sinh thêm 2 con, những chú chó cũng tăng lên. Không gian chật hẹp trong căn hộ ở Paris khiến gia đình bức bối. Họ nghĩ đến việc chuyển về vùng ngoại ô. 

    Sau nhiều ngày tìm kiếm, họ thấy một lâu đài cổ bằng đá ở Medoc, cách Paris 6 giờ lái xe. Khu vực này nổi tiếng về sản xuất rượu vang, được bao quanh bởi các lâu đài, vườn nho, bãi biển cát trắng và rừng. 

    "Vào một ngày chúng tôi thức dậy và quyết định thực hiện một cuộc phiêu lưu. Chúng tôi không ngờ rằng đây là khởi đầu của một câu chuyện cổ tích", Mimi nói.

    Ban đầu Mimi không dễ thích nghi với cuộc sống nông thôn, bởi cô vốn sinh ra và lớn lên ở hai đô thị lớn là Hong Kong và Paris. Nhưng qua một vài tuần, cô phát hiện những điều tuyệt vời ở quê. Mimi thậm chí còn theo chân những người nông dân học cách làm vườn.

    Sau đó tự cô và các con đã ​làm một khu vườn rộng lớn. Vào mùa xuân, tất cả những đứa trẻ đều theo chân mẹ ra vườn. "Miễn là trời nắng, tôi đều đưa bọn trẻ ra ngoài. Ngoài hoạt động vui chơi trên các đồng cỏ, chúng tôi lựa trái cây trong trang trại để có nguyên liệu nấu ăn cho gia đình đông người", cô nói.

    Mimi thức dậy sớm để dắt chó đi dạo và đưa các con đến trường. Sau đó, cô đi vòng quanh chợ, mua các sản phẩm đánh bắt trong ngày từ người dân địa phương, ra vườn hái lê, nho, cà chua... "Tôi không có kế hoạch. Tôi lấy cảm hứng từ những gì tôi tìm thấy", cô nói.

    Mimi cũng nhanh chóng tìm thấy đam mê của mình là nấu ăn. "Tôi sinh ra trong một gia đình mê ẩm thực. Thức ăn thường xuất hiện trong đầu tôi. Thậm chí tôi có thể phân biệt mùi từng nguyên liệu trong món ăn một cách rõ ràng, sống động như một bảng màu", cô chia sẻ.

    Ban đầu cô chỉ đơn giản nấu ăn cho cả gia đình 10 người và 20 chú chó. Mỗi cuối tuần, cả gia đình đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất để đi ăn cùng nhau. Vợ chồng cô dạy các con nghi thức, cách cư xử tao nhã trên bàn ăn.

    Khi màn đêm buông xuống, cô bật máy tính lên để viết công thức cho từng món ăn đã nghiên cứu, đăng nó lên blog của mình và chia sẻ với những người khác. Đến nay, Mimi đã xuất bản hai cuốn sách. Các hình ảnh trong sách đều do chồng cô, Oddur chụp.

    Ngay cả ở nông thôn, Mimi chưa bao giờ cho phép bản thân mình xa rời sự thanh lịch và lãng mạn tự nhiên của người Pháp. Dù bước vào vườn rau hay đầu tắt mặt tối trong bếp, cô luôn ý thức mình phụ nữ, với trang phục đẹp, giày dép ăn ý.

    Những tưởng bỏ sự nghiệp về quê sống là một sự hy sinh, nhưng quyết định đó đã đưa Mimi đến đam mê và thành công hơn. Sau 9 năm ở quê, giờ cô nổi tiếng với sự nghiệp blogger ẩm thực, viết sách và tổ chức các hội thảo ẩm thực. Các con cô có tuổi thơ hòa nhập với thiên nhiên và những con chó có đất đai rộng lớn để chạy nhảy...

    Theo Báo Tin Tức