• Trước đó, người mang hộ chiếu hải ngoại của Anh chỉ có quyền đến Anh trong tối đa sáu tháng và không được phép làm việc hoặc định cư tại nước này.

    Nước Anh đang chuẩn bị chào đón hàng chục nghìn người di cư từ Hong Kong, sau khi nước này khởi động chương trình thị thực mới, cấp hộ chiếu hải ngoại (BNO) cho người dân thuộc địa cũ kể từ ngày 31-1, đài CNN đưa tin.

    Sẽ có hàng triệu người Hong Kong di cư sang Anh?

    Năm ngoái, Trung Quốc đã áp đặt một đạo luật an ninh quốc gia sâu rộng đối với Hong Kong mà các nhà phê bình cho rằng đạo luật này đã tước bỏ quyền tự trị, các quyền tự do dân sự  của thành phố, đồng thời củng cố sự cai trị  của Bắc Kinh đối với vùng lãnh thổ này.

    ho chieu bno
    Anh Reese Tan, 25 tuổi, cầm hộ chiếu BNO được cấp cho mình - Ảnh: GETTY IMAGES

    Luật an ninh cũng nêu rõ những thành phần ly khai, lật đổ và cấu kết với các thế lực nước ngoài sẽ phải nhận bản án tối đa là tù chung thân. Do vậy. kể từ khi luật an ninh quốc gia được ban hành nhiều nhà hoạt động và chính trị gia nổi tiếng đã bỏ trốn hoặc bắt đầu âm thầm thu xếp để chuyển ra nước ngoài.

    Ngay sau đó, chính phủ Anh tuyên bố sẽ mở ra một con đường mới cho người sống ở Hong Kong. Cụ thể, từ ngày 31-1, những người đang sống ở Hong Kong mang quốc tịch Anh (người có hộ chiếu hải ngoại) sẽ có thể nộp đơn xin sống, học tập và làm việc tại Anh trong thời gian tối đa năm năm và 12 tháng sau đó được xin nhập quốc tịch Anh. Trước đó, người mang hộ chiếu hải ngoại của Anh chỉ có quyền đến Anh trong tối đa sáu tháng và không được phép làm việc hoặc định cư tại nước này.

    "Khi thực hiện động thái này, chúng tôi muốn tôn vinh mối quan hệ sâu sắc về lịch sử và tình hữu nghị với người dân Hong Kong. Chúng tôi đã đứng lên đấu tranh cho tự do và tự chủ" - Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu hôm 29-1.

    Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Anh mà đài CNN có được, kể từ tháng 7-2019, khi các cuộc biểu tình chống chính quyền nổ ra khắp Hong Kong, đã có hơn 400.000 người Hong Kong được cấp hộ chiếu BNO. Vào thời điểm luật an ninh quốc gia được đề xuất, số hộ chiếu được cấp mới tăng từ 7.515 vào tháng 6-2020, lên hơn 24.000 vào tháng 7-2020. Thực tế, số người nộp đơn xin hộ chiếu còn nhiều hơn nhiều nhưng dịch COVID-19 đã khiến việc xử lý hộ chiếu bị chậm tiến độ hơn trước đây.

    Trước khi Anh công bố chương trình thị thực mới, đã có khoảng 350.000 người ở Hong Kong có hộ chiếu BNO. Trên thực tế, số người đủ điều kiện để được cấp thị lực - những người sinh trước năm 1997 ở Hong Kong thời điểm Anh cai trị - có thể cao tới 3 triệu người.

    Trung Quốc không công nhận hộ chiếu Anh cấp cho người Hong Kong

    Trung Quốc đã phản ứng giận dữ với kế hoạch mà Anh đưa ra, cho rằng nó vi phạm thỏa thuận mà theo đó Anh đã trao lại quyền cai trị Hong Kong cho Trung Quốc. Trong khi đó, London lập luận rằng chính luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc đặt ra đã phá bỏ thỏa thuận đó.

    Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 29-1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cáo buộc Anh "coi thường thực tế rằng Hong Kong đã trở về đất mẹ trong 24 năm" và vi phạm lời hứa tại thời điểm bàn giao.

    Ông Triệu cho biết nươc Anh đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, can thiệp thô bạo vào các vấn đề của Hong Kong và công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế."

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho biết từ ngày 31-1, Trung Quốc sẽ không còn công nhận hộ chiếu BNO là giấy thông hành hoặc giấy tờ tùy thân và có quyền thực hiện các biện pháp tiếp theo.

    Theo báo South China Morning Post, ở động thái tiếp theo, chính quyền Bắc Kinh đã suy nghĩ về việc tước bỏ quyền nắm giữ các chức vụ công và thậm chí cả quyền bầu cử của những người có hộ chiếu BNO ở Hong Kong.

    Chính quyền Hong Kong cũng đưa ra một thông cáo báo chí nói rằng hộ chiếu BNO sẽ bị xóa khỏi danh sách giấy thông hành được chấp nhận từ ngày 31 -1.

    Tuy nhiên, không rõ những động thái như vậy có ảnh hưởng đến đời sống thực tế người dân Hong Kong hay không. Do bởi, người dân Hong Kong chủ yếu vẫn dùng thẻ nhận dạng do địa phương cấp để ra vào lãnh thổ và các mục đích nhận dạng khác.

    Bất chấp các mối đe dọa, các nhà nghiên cứu ước tính có thể có tới 600.000 người Hong Kong sẽ chuyển đến Anh trong vòng ba năm đầu tiên kể từ khi chính sách mới này của Anh được ban hành, trong bối cảnh nhiều người phải rời đi do lo ngại luật an ninh quốc gia mới.

    Đã có nhiều người Hong Kong nhập quốc tịch nước ngoài

    Ngày càng có nhiều các nhà hoạt động dân chủ ủng hộ và những người biểu tình bắt đầu xin tị nạn ở nước khác dù họ không mang quốc tịch nước ngoài. Những người này lo sợ họ cũng sẽ bị đàn áp như những người tham gia vào các cuộc biểu tình bất ổn ở Hong Kong vào năm 2019.

    Vào tháng 12-2020, cựu nghị sĩ Ted Hui đã đột ngột bỏ trốn khỏi Hong Kong và lợi dụng một hội nghị môi trường giả để xin tiền bảo lãnh. Ông này hiện đang xin tị nạn ở Anh.

    Ông Nathan Law, một cựu nhà lập pháp nổi tiếng và là nhà lãnh đạo của Phong trào ô dù năm 2014, cũng đã xin tị nạn ở Anh, trong khi những người khác tìm kiếm sự bảo vệ ở Đức, Mỹ và Úc.

    Người có hộ chiếu BNO không phải là những người duy nhất rời đi. Vào những năm 1997, khi Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc, nhiều người Hong Kong đã nhập quốc tịch nước ngoài, đặc biệt là ở các nước thuộc Khối thịnh vượng chung như Canada và Úc. Cả hai nước kể trên đều có chính sách nhập cư hào phóng vào thời điểm đó.

    Mặc dù vậy, bỏ trốn ra nước ngoài không phải lúc nào cũng có quyền tự do bình đẳng hoàn toàn. Luật sư và những người lưu vong khác đã phàn nàn về việc họ bị theo dõi và thậm chí bị quấy rối bởi những người mà họ tin là đặc vụ của chính phủ Trung Quốc, một cáo buộc mà đại diện của Bắc Kinh lên tiếng  phủ nhận hoàn toàn. Họ cũng bị hạn chế liên lạc với gia đình và bạn bè ở Hong Kong do sợ gặp rắc rối với chính quyền.

  • Nhà hoạt động Hong Kong bị biệt giam tại khu vực y tế trong vài ngày, sau khi ảnh chụp X-quang cho thấy "bóng mờ" trong dạ dày của người thanh niên 24 tuổi.

    Theo South China Morning Post, Joshua Wong đã được đưa vào một phòng riêng trong khu vực y tế của trung tâm Lai Chi Kok.

    Nhà hoạt động được áp dụng chế độ biệt giam. Căn phòng luôn sáng đèn 24/24. Wong chỉ được rời phòng khi có người xin gặp.

    Quản lý trang Facebook của Joshua Wong đăng tải thông tin này vào đêm 24/11. Bài viết cho biết Wong bắt đầu chịu biệt giam sau khi ảnh chụp X-quang xuất hiện "ngoại vật trong ổ bụng".

    Joshua Wong
    Joshua Wong cùng 2 nhà hoạt động được tạm giam ở Lai Chi Kok sau khi nhận tội vào ngày 23/11. Phiên tòa tuyên án sẽ diễn ra vào ngày 2/12. Ảnh: SCMP.

    "Chúng tôi không nắm rõ tình hình vì Cục Trừng phạt Cải tạo Hong Kong từ chối cung cấp hình ảnh của Wong", bài đăng trên tài khoản Facebook mô tả. "Nhà chức trách nói quá trình kiểm tra có thể kéo dài 3-5 ngày. Trong thời gian này, Wong phải ở phòng riêng".

    Joshua Wong bắt đầu bị giam tại Lai Chi Kok từ ngày 23/11. Nhà hoạt động 24 tuổi đã thừa nhận trước tòa các tội danh tổ chức và kích động tụ họp trái phép gần trụ sở cảnh sát vào ngày 21/6/2019.

    Một nguồn tin khác tại Lai Chi Kok tiết lộ ảnh chụp X-quang cho thấy "bóng mờ" trong ổ bụng của Joshua Wong. Nguồn tin không rõ phạm nhân gặp vấn đề gì.

    "Có thể anh ta đã nuốt một vật gì đó hoặc chẳng có gì cả. Chúng tôi cần kiểm tra bài tiết và quá trình này mất vài ngày", người này trả lời South China Morning Post.

    Theo Zing

  • Vào hôm 12-11, Anh cho biết, Trung Quốc đã phá vỡ thỏa thuận song phương về Hong Kong bằng việc áp dụng luật an ninh mới để loại bỏ những nhà lập pháp dân chủ và London sẽ cân nhắc biện pháp trừng phạt cho hành động này.

    "Việc Bắc Kinh áp đặt quy định mới để bãi nhiệm các nghị sĩ được bầu tại Hong Kong đang vi phạm Tuyên bố chung Trung Quốc - Anh. Trung Quốc đã phá vỡ lời hứa của họ và đe dọa đến sự tự trị của Hong Kong", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết.

    Vào hôm 12-11, Anh cũng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh để bày tỏ quan ngại sâu sắc của mình.

    bieu tinh hong kong
    Anh cáo buộc Trung Quốc phá vỡ sự tự trị của Hong Kong

    Theo Thứ trưởng Ngoại giao Anh Nigel Adams, chính phủ London đang cân nhắc trừng phạt một số cá nhân liên quan đến động thái của Trung Quốc.

    Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo Tuyên bố chung Trung Quốc - Anh, sự tự trị của Hong Kong sẽ được đảm bảo nhờ quy tắc "một quốc gia, hai chế độ" trong vòng ít nhất 50 năm.

    Vào hôm 11-11, Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc đã thông qua nghị quyết cho phép bãi nhiệm chức vụ của các nghị sĩ Hong Kong được xác định "đe dọa an ninh quốc gia". 4 nghị sĩ Hong Kong đã mất ghế ngay lập tức sau đó.

    Nhiều nhà lập pháp đối lập tại Hong Kong sau đó đã tuyên bố sẽ từ chức để phản đối việc đồng nghiệp bị loại bỏ khỏi nghị viện thành phố.

    Ngày 12-11, EU đã kêu gọi Bắc Kinh lập tức rút lại quy định mới về Hong Kong do cho rằng quyết định của Trung Quốc sẽ giáng một đòn nặng nề lên thành phố này.

    Theo Reuters

  • Bộ Ngoại giao Trung Quốc dọa sẽ không công nhận hộ chiếu hải ngoại của Anh, sau khi London thông báo loại visa mới giúp cư dân Hong Kong có thể trở thành công dân Anh.

    Tờ South China Morning Post đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23-10 dọa sẽ không công nhận hộ chiếu hải ngoại (BNO) của Anh, sau khi Anh hôm 22-10 đưa ra chi tiết về kế hoạch mở cửa đất nước với những người Hong Kong sở hữu hộ chiếu này.

    Chính phủ Anh dự kiến sẽ tạo ra một loại thị thực (visa) đặc biệt dành cho những người Hong Kong sở hữu hộ chiếu BNO nhằm tạo điều kiện cho những người này được sinh sống và hưởng đầy đủ quyền công dân của Anh.

    Theo tuyên bố của Văn phòng Đối ngoại và thịnh vượng chung của Vương quốc Anh (FCDO) hôm 22-10, Anh sẽ không hạn chế về số lượng người giữ hộ chiếu BNO được phép tham gia chương trình thị thực mới và đơn xin sẽ được mở từ ngày 31-1-2021. Thân nhân của người sở hữu hộ chiếu BNO cũng sẽ đủ điều kiện để xin thị thực.

    Chính phủ Anh hôm 22-10 cho biết quyết định trên nhằm phản ứng trước việc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố chung Trung – Anh, sau khi luật an ninh quốc gia làm hạn chế quyền và sự tự do của người Hong Kong, làm xói mòn mức độ tự trị của thành phố này.

    “Việc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong đã đánh dấu sự xói mòn quyền và quyền tự do của người dân thành phố này. Con đường mới dẫn tới nước Anh là một phần trong cam kết của chúng tôi đối với người dân Hong Kong” – ông Andrew Heyn, quan chức lãnh sự Anh tại Hong Kong, cho biết.

    uk visa hongkong rbev thumb
    Anh thông báo loại thị thực đặc biệt giúp những người Hong Kong sở hữu hộ chiếu BNO có thể trở thành công dân Anh. 

    Trong buổi họp báo hôm 23-10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nhận được câu hỏi rằng liệu Bắc Kinh có thực hiện các biện pháp đáp trả với Anh hoặc ngăn chặn những người sở hữu BNO rời khỏi Hong Kong hay không.

    “Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện lập trường vững chắc về vấn đề này, nhưng phía Anh nhất quyết muốn can thiệp vào vấn đề của Hong Kong và vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Họ chỉ đang tự lấy đá ghè lên chân mình” – ông Triệu nói.

    “Do phía Anh đã phá vỡ các cam kết của họ, chính phủ Trung Quốc sẽ cân nhắc về việc không công nhận hộ chiếu BNO như một giấy thông hành hợp lệ và có quyền áp đặt thêm các biện pháp tiếp theo” – ông Triệu nói thêm.

    Tại buổi họp báo, ông Triệu đã nhắc tới một điều khoản mà trước khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Anh đã cam kết sẽ không trao quyền cư trú cho những người sở hữu BNO ở Hong Kong. 

    Trong tuyên bố hôm 23-10, một phát ngôn viên thuộc Văn phòng đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong cho biết ông “kiên quyết phản đối” quyết định của Anh.

    “Chúng tôi kêu gọi phía Anh sửa sai ngay lập tức, ngừng giả nhân giả nghĩa và thao túng chính trị. Bằng việc đưa ra con đường mới này, Anh đã công khai phá vỡ cam kết của họ, can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và Hong Kong, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế” – phát ngôn viên này nói.

    Theo South China Morning Post, truyền thông Anh ước tính với chương trình thị thực mới, hơn một triệu người đến từ Hong Kong có thể đến Anh trong năm năm tới. Trong đó, chỉ năm đầu tiên có khoảng 500.000 người.

    Hiện có khoảng 350.000 người ở Hong Kong sở hữu hộ chiếu BNO, cho phép họ được miễn thị thực khi đến Anh trong thời gian sáu tháng. Đây là một loại giấy tờ du lịch vốn không tự động trao quyền sinh sống và làm việc ở Anh. Nhiều người Hong Kong sinh ra trước sự kiện Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997 đã được cấp hộ chiếu này. 

  • Người Hong Kong đang tìm hiểu cách mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài do lo ngại luật an ninh Trung Quốc đại lục đề xuất. 

    Các ngân hàng gồm HSBC, Standard Chartered và Citigroup đã chứng kiến sự tăng đột biến câu hỏi của người Hong Kong về mở tài khoản nước ngoài trong bối cảnh lo ngại Trung Quốc đại lục áp luật an ninh mới đối với thành phố, Reuters dẫn 5 nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay. HSBC và Standard Chartered chứng kiến sự tăng vọt câu hỏi lần lượt 25% và 30%, hai nguồn tin nói.

    Các câu hỏi làm tăng thêm mối lo ngại về việc rút vốn khỏi trung tâm tài chính châu Á, vốn đã bị ảnh hưởng bởi biểu tình trong năm qua, và nhấn mạnh những lo ngại về tính thanh khoản của tài sản khi luật an ninh thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung. Tổng thống Donald Trump tuyên bố tước tình trạng đặc biệt của Hong Kong theo luật pháp Mỹ nếu Trung Quốc ban hành luật.

    "Điều tôi lo lắng nhất là có khả năng tôi không thể tự do đổi đôla Hong Kong nữa nếu Mỹ quyết định trừng phạt Hong Kong", May Chan, 39 tuổi, người gần đây đã hỏi HSBC về việc mở tài khoản ở nước ngoài, cho hay.

    citibank
    Chi nhánh Citibank ở Hong Kong.

    Ngân hàng trung tâm của thành phố đã tìm cách xoa dịu lo ngại, nói rằng họ có tất cả biện pháp cần thiết để bảo vệ sự ổn định của đồng đôla Hong Kong so với đôla Mỹ.

    Không ngân hàng bán lẻ hàng đầu toàn cầu nào hoạt động tại thành phố tiếp nhận dòng tiền gửi lớn trong hai tuần qua, hai nguồn tin cho hay, lưu ý rằng có thể mất ít nhất một tháng để mở tài khoản nước ngoài. Việc có quá nhiều câu hỏi cũng làm chậm thời gian trả lời của các ngân hàng, nguồn tin nói, thêm rằng các lựa chọn phổ biến bao gồm Singapore, Anh, Sydney và Đài Loan.

    Chan được HSBC cho biết cô sẽ phải chờ một tháng chỉ để có thông tin về mở tài khoản nước ngoài. Cô đã đổi 70% tiền tiết kiệm của mình thành ngoại tệ, bao gồm đôla Mỹ và bảng Anh.

    "Nếu mọi thứ ở đây trở nên lộn xộn, tôi thậm chí có khả năng không thể rút tiền về trong trường hợp xấu nhất, vì vậy tốt nhất là đa dạng hóa rủi ro", Chan nói.

    Trong khi giới chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong khẳng định luật an ninh mới chỉ nhắm vào một nhóm đối tượng "gây rối" nhỏ, những nhà phê bình nói rằng nó có thể làm xói mòn mức độ tự trị cao của Hong Kong. Nhiều người Hong Kong đang gia hạn hộ chiếu hải ngoại Anh sau khi chính phủ Anh tuyên bố có thể cấp quyền công dân cho gần 3 triệu người đủ điều kiện.

    "Đây là làn sóng mở tài khoản ở nước ngoài thứ hai. Làn sóng đầu tiên diễn ra tháng 6 năm ngoái sau các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ", một nguồn tin cho biết.

    HSBC từ chối bình luận về các câu hỏi mở tài khoản nước ngoài, nhưng một phát ngôn viên cho biết ngân hàng không thấy bất kỳ dấu hiệu rút tiền đáng kể nào. Một phát ngôn viên của Standard Chartered cho biết đã có những thắc mắc về mở tài khoản nước ngoài, nhưng họ cũng không ghi nhận sự rút tiền. Phát ngôn viên của Citigroup cũng phát biểu tương tự, dù thừa nhận ngân hàng gặp bế tắc trong việc mở tài khoản địa phương khi Hong Kong dỡ hạn chế liên quan Covid-19.

    Căng thẳng tại Hong Kong gia tăng sau khi quốc hội Trung Quốc cuối tháng trước thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong. Luật mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố, can thiệp nước ngoài ở Hong Kong và có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo của Trung Quốc đại lục thiết lập cơ sở trong đặc khu.

    Giới chức nhiều nước, gồm Mỹ, Anh, Nhật, Australia, Canada cũng như các nhóm nhân quyền và doanh nghiệp quốc tế bày tỏ quan ngại về luật an ninh Hong Kong, trong khi Trung Quốc khẳng định luật an ninh Hong Kong giúp duy trì vững chắc nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" cùng ổn định lâu dài và thịnh vượng của đặc khu.

    VnExpress (theo Reuters)

  • Một số nghị sĩ thuộc Công Đảng đối lập của Vương quốc Anh đã gửi những cảnh báo tới hai ngân hàng lớn có trụ sở tại Anh là HSBC và Standard Chartered sau khi hai ngân hàng này lên tiếng ủng hộ luật an ninh mới mà chính phủ Trung Quốc dự định áp dụng đối với đặc khu hành chính Hong Kong.

    Trong một bức thư chung gửi cho CEO của hai ngân hàng HSBC và Standard Chartered lần lượt là hai ông Noel Quinn và Bill Winters ngày 5/6, hai nghị sĩ thuộc Công Đảng là bà Lisa Nandy và bà Anneliese Dodds cho biết cả hai ngân hàng này sẽ phải đối mặt với một sự tẩy chay nếu như không rút lại sự ủng hộ đối với luật an ninh mới dành cho Hong Kong được chính quyền Bắc Kinh đưa ra.

    Được biết hai nữ nghị sĩ cho rằng dự luật gây tranh cãi nói trên sẽ đe dọa đến các quyền tự do dân chủ ở Hong Kong.

    “Là một tập đoàn có thâm niên trong ngành ngân hàng tại Anh, tôi tin là bạn hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì các quy định hiện hành dựa trên luật pháp quốc tế. Do đó, chúng tôi cho rằng việc ngân hàng HSBC ủng hộ các hành động đơn phương của chính phủ Trung Quốc đã đi ngược lại với tôn chỉ hoạt động của một tổ chức tài chính nói chung…”, trích thư của hai nữ nghị sĩ gửi tới CEO của HSBC.

    hsbc bi tay chay

    Một số nghị sĩ khác thuộc Công Đảng đối lập cũng cho rằng đa số công chúng Anh hiện nay không còn tin tưởng vào việc chính quyền Bắc Kinh có những hành động dựa trên luật pháp quốc tế và cảnh báo rằng hai ngân hàng nói trên có thể sẽ bị tẩy chay tương tự như những gì các ngân hàng tại Nam Phi đã phải trải qua trong thập niên 80 của thế kỉ trước khi chính phủ nước này duy trì chính sách phân biệt chủng tộc (apartheid).

    Hai nữ nghị sĩ Lisa Nandy và Anneliese Dodds cũng đã gửi thư cho Ngoại trưởng Anh Dominic Raab và Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nhằm kêu gọi sự ủng hộ trên cơ sở những phản ứng của hai vị Bộ trưởng sẽ là “bài kiểm tra” đối với chính phủ Anh trong việc giải quyết các vấn đề về nhân quyền, quyền tự do dân sự và đảm bảo duy trì luật pháp quốc tế tại xứ sở sương mù.

    Trước đó, trong một thông cáo báo chí của ngân hàng HSBC đã bày tỏ sự tôn trọng và ủng hộ các dự luật và quy định mới khi họ cho rằng đây sẽ là những chất xúc tác giúp cho Hong Kong phục hồi và phát triển nền kinh tế, đồng thời duy trì an ninh trật tự xã hội và đảm bảo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.

    Bên cạnh đó, ngân hàng Standard Chartered cũng bày tỏ sự lạc quan đối với tình hình chính trị tại Hong Kong và khẳng định đây sẽ vẫn là một trong những trung tâm tài chính quốc tế quan trọng và họ cũng cam kết sẽ tiếp tục có những hỗ trợ về mặt tài chính nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của đặc khu hành chính này.

    Tiền Phong (theo Guardian)

  • Chính phủ Australia tuyên bố sẽ “tiếp tục đón nhận” người dân Hong Kong muốn rời khỏi khu vực này do lo sợ luật an ninh mới được Bắc Kinh ban hành.

    Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã tham dự một cuộc họp trực tuyến để thảo luận về tình hình tại Hong Kong cùng với những người đồng cấp từ Canada, New Zealand, Anh và Mỹ. Bộ Ngoại giao Australia cho biết, cuộc họp nhấn mạnh lại mối quan ngại về Hong Kong trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đưa ra luật an ninh quốc gia.

    Khi được hỏi về khả năng Australia mở cửa đón nhận người dân Hong Kong tới tái định cư, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Australia nói, bên cạnh các hạn chế phòng ngừa đại dịch Covid-19 hiện tại, người Hong Kong có thể nộp đơn xin cấp các loại thị thực liên quan để làm việc và sinh sống tại nước này.

    australia hong kong

    Các nghị sĩ Australia từ khắp các đảng chính trị cũng đang kêu gọi Chính phủ giúp đỡ người dân Hong Kong, khi quan ngại quốc tế ngày càng tăng về tác động từ quyết định của Bắc Kinh đối với các quyền và tự do của Hong Kong cũng như sự ổn định của trung tâm tài chính quốc tế này.

    Lãnh đạo đảng Greens Adam Bandt kêu gọi Chính phủ liên bang làm theo Anh và cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những người lo ngại về nguy cơ tình trạng độc đoán gia tăng ở Hong Kong.

    Bà Concetta Fierraaugei-Wells, Thượng nghị sĩ đảng Tự do cho rằng, Australia cần phải tham gia cùng với các đồng minh để có hành động mạnh mẽ và quyết đoán chống lại Bắc Kinh, trong khi đó, Nghị sĩ Công đảng Peter Khalil nói, nếu Trung Quốc không đáp ứng cam kết bảo đảm các quyền của Hong Kong, hoặc thay đổi tình trạng hiện nay của thành phố, điều này có thể dẫn đến một cuộc di cư. Chính phủ Australia cần phải ứng phó với tình huống mới đang diễn ra nhanh chóng.

    Phát ngôn viên đối ngoại của Công đảng Penny Wong cho rằng, Anh có trách nhiệm đặc biệt về vấn đề này, nhưng Australia nên xem xét “thu xếp các vấn đề thị thực” để đáp ứng bất kỳ nhu cầu mới nào.

    Trước đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tiết lộ, ông đã đề nghị Australia và các đối tác khác xem xét việc chia sẻ gánh nặng nếu xảy ra một cuộc di cư hàng loạt từ Hong Kong.

    Theo Baoquocte

  • Báo The Guardian của Anh nhận định hàng loạt yếu tố gồm chính trị và lịch sử đã dẫn đến quyết định của London mở rộng vòng tay sẵn sàng tiếp nhận gần 3 triệu người Hong Kong.

    anh va hong kong 1
    Dân Hong Kong vẫy cờ Anh trước Lãnh sự quán Anh trong một lần biểu tình chống sự can thiệp của Bắc Kinh hồi năm ngoái - Ảnh: REUTERS

    Thủ tướng Boris Johnson hứa mở ra con đường sẵn sàng cho hàng triệu dân Hong Kong trở thành công dân Anh là một đề nghị đáng chú ý, nhất là khi Chính phủ Anh đã bỏ ra 4 năm ròng để thực hiện Brexit - chặn dòng người di cư tự do từ châu Âu.

    Đóng sầm một cánh cửa để rồi mở toang một cánh cửa khác là điều đáng kinh ngạc, không rõ nội bộ Đảng Bảo thủ Anh hoặc cử tri ủng hộ Brexit nghĩ sao về chủ trương này.

    Các nhân vật trong chính phủ ông Johnson lập luận rằng Brexit chưa bao giờ mang ý nghĩa chặn người di cư, nó chỉ bảo vệ chủ quyền và quyền kiểm soát chính sách nhập cư của Anh, bao gồm việc lựa chọn những ai xứng đáng.

    Nói cho cùng, bốn nhân vật Bảo thủ quyền lực trong Chính phủ Anh đều có nguồn gốc nhập cư. Gia đình Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel từng rời bỏ Uganda. Cha của Ngoại trưởng Dominic Raab rời Tiệp Khắc đến Anh hồi năm 6 tuổi.

    Ông bà của Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak thì rời quê nhà ở Đông Phi đến Anh hồi thập niên 1960. Thậm chí Thủ tướng Boris Johnson cũng có tổ tiên là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Chính sách tị nạn chính trị của Anh đã giúp cả 4 người có được cuộc sống như ngày nay.

    Ngoài lý do trên, trong Đảng Bảo thủ Anh vẫn còn mang chút cảm giác "tội lỗi" về cách đối xử lạnh lùng của vương quốc dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher: Đặt số phận Hong Kong vào tay Trung Quốc năm 1994.

    Sau ngày Hong Kong quy cố hương đại lục (1997), người dân Cảng thơm như sống trong một ngôi nhà xây dở. Họ có tấm hộ chiếu hải ngoại của Anh (BNO), được trợ giúp lãnh sự và bảo vệ bởi các đại diện ngoại giao Anh, nhưng không tự động có quyền sống và làm việc ở Anh. Những ai sinh sau năm 1997 càng không có quyền gì.

    Trong hồi ký của mình, Thống đốc cuối cùng của Hong Kong, ông Chris Patten, viết: "Hồi thập niên 1990, nhiều thành viên Bảo thủ và phần lớn truyền thông Anh phản đối ý tưởng trao quyền công dân cho một bộ phận dân Hong Kong - những người phục vụ trực tiếp cho mẫu quốc, đảm bảo cho họ một con đường di cư đến Anh sau năm 1997 nếu cần thiết.

    Nguyên tắc Civis Romanus sum (đại ý: mọi công dân La Mã đều được bảo vệ trên lãnh thổ đế chế) không được nước Anh áp dụng cho Hong Kong. Úc, Canada - các nước thuộc Khối thịnh vượng chung - rộng rãi hơn nhiều trong việc trao quyền công dân cho người Hong Kong. Họ hào hiệp hơn so với quốc gia tự nhận mình là "mẫu quốc (của Hong Kong)".

    Thời đó "bà đầm thép" Thatcher cũng hứng nhiều chỉ trích.

    anh va hong kong 1
    Thủ tướng Anh David Cameron uống bia với Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2015. Quan hệ Anh - Trung Quốc hiện nay đã xấu hơn nhiều - Ảnh: REUTERS

    Năm 1989, trong dư âm của sự kiện Thiên An Môn, Paddy Ashdown, thủ lĩnh của Đảng Dân chủ xã hội và tự do mới nổi, xác lập quan điểm của đảng này bằng cách kêu gọi trao cho dân Hong Kong quyền về nơi cư trú.

    Quan điểm tự do của Ashdown ảnh hưởng gì đến thỏa hiệp chính trị ngày nay?

    Tương tự nội các ông Johnson, trong chính phủ của hai thủ tướng tiền nhiệm Theresa May và David Cameron đều có các quan chức quyền lực có gốc nhập cư. Có điều khi nhìn vào kinh nghiệm Đức cho người tị nạn Syria tràn vào năm 2015, ông Cameron chỉ dừng lại ở việc kêu gọi Bắc Kinh đừng can thiệp vào bầu cử ở Hong Kong.

    Mỗi thành viên Chính phủ Anh góp một phần vào sự thay đổi, nhưng các xu hướng lớn hơn của thời đại buộc Thủ tướng Johnson phải đưa ra lựa chọn vào lúc này.

    Trong bối cảnh biểu tình gia tăng ở Hong Kong, nhằm đối phó với khả năng Trung Quốc chấm dứt quy chế "Một quốc gia, hai chế độ" tại Hong Kong, London đã thành lập một nhóm kế hoạch dự phòng liên chính phủ về vấn đề Hong Kong từ tháng 9-2019.

    Đây là một bước đi đáng chú ý giữa lúc Đảng Bảo thủ Anh bắt đầu thay đổi cái nhìn về Trung Quốc. Mùa hè năm 2019, một nhóm chính khách có sức ảnh hưởng gồm Iain Duncan Smith, Damian Green và Tom Tugendhat kết luận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình là "mối đe dọa với phương Tây", cần phải ngăn chặn.

    Global Britain (nước Anh toàn cầu) được định nghĩa là cam kết đối với sự cởi mở, dân chủ và trật tự thượng tôn pháp luật. Hong Kong vô tình trở thành điểm hội tụ cho chính sách đối ngoại này. Cách Trung Quốc xử lý dịch COVID-19, và những lùm xùm liên quan đến Huawei, càng đẩy nhanh hơn quá trình này.

    Thủ tướng Johnson đang chơi một canh bạc lớn khi vừa đối đầu với Trung Quốc, vừa đề nghị mở cửa nước Anh cho hàng triệu dân Hong Kong. Kịch bản di dân hàng loạt sẽ chứng kiến "viên ngọc kinh tế" của Trung Quốc vỡ tan nát.

    Liệu ông Johnson có thể lường hết mọi hệ quả?

    Tuổi Trẻ (theo Guardian)

  • Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định ông hoan nghênh Trung Quốc là một quốc gia dẫn dắt thế giới nhưng yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố Anh sẽ không bỏ rơi người dân Hong Kong nếu chính quyền trung ương Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia ở đặc khu này, hãng tin Reuters cho hay.

    Ngày 2-6, trong bài viết đăng trên báo The Times, ông Johnson cho rằng nếu Trung Quốc ban hành luật an ninh cho Hong Kong thì "sẽ trực tiếp mâu thuẫn với các nghĩa vụ của Trung Quốc theo Tuyên bố chung (Trung-Anh năm 1984) - một hiệp định mang tính ràng buộc về mặt pháp lý đã được đăng ký ở Liên Hợp Quốc".

    Ông cũng nhận định rằng "Hong Kong thành công là nhờ người dân của họ được tự do" và nhiều người dân ở đặc khu này đang cảm thấy cuộc sống của mình "đang bị đe dọa".

    Thủ tướng Anh chỉ trích luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh soạn thảo sẽ "giới hạn sự tự do và làm xói mòn nghiêm trọng quyền tự chủ" của Hong Kong.

    Ông khẳng định "với lương tâm của mình, Anh không thể nhún vai và bỏ đi". Thay vào đó, London sẽ tôn trọng các nghĩa vụ của mình và đưa ra một giải pháp thay thế cho vấn đề Hong Kong. 

    boris johnson hong kong
    Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ không bỏ rơi người dân Hong Kong. Ảnh: REUTERS

    Ông Johnson cũng nhắc lại cam kết của London về tạo điều kiện cấp quyền công dân Anh cho người Hong Kong mang hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO).

    Theo đó, chính phủ Anh sẽ thay đổi các quy định nhập cư, cho phép bất kỳ người mang hộ chiếu BNO từ Hong Kong đến Anh trong vòng 12 tháng (có thể gia hạn). Những người này sẽ được trao thêm quyền nhập cư, bao gồm quyền làm việc, để giúp họ dễ dàng định cư và được cấp quyền công dân Anh.

    Tuy nhiên, ông Johnson khẳng định "Anh không hướng tới việc ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc". Trái lại, Anh "hoan nghênh việc Trung Quốc là một thành viên dẫn dắt trong cộng đồng thế giới" nhưng yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ các thỏa thuận quốc tế.

    Ông Johnson cũng bác bỏ cáo buộc nước này đứng sau các cuộc biểu tình. Ông làm rõ rằng "Anh không muốn gì ngoài việc Hong Kong thành công với nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ'" và "hy vọng Trung Quốc cũng muốn như vậy".

    Việc Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hong Kong đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Anh, Mỹ và các nước đồng minh.

    Tương tự Anh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định giới chức Washington đang cân nhắc nới lỏng chính sách nhập cư, tạo điều kiện cho người Hong Kong đến Mỹ.

    Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định luật mới chỉ nhằm ngăn chặn những "kẻ khủng bố" gây bất ổn cho đặc khu hành chính Hong Kong. 

  • 7 cựu ngoại trưởng Anh viết thư kêu gọi London dẫn dắt nỗ lực quốc tế phản ứng với luật an ninh Hong Kong, thay vì trông chờ vào Trump.

    Ba cựu ngoại trưởng thuộc đảng Bảo thủ và 4 cựu ngoại trưởng thuộc Công đảng Anh hôm nay gửi thư cho Ngoại trưởng Dominic Raabcho, cho rằng do Hong Kong từng là thuộc địa của Anh, nước này chịu trách nhiệm đặc biệt để điều phối phản ứng quốc tế đối với Trung Quốc về dự luật an ninh Hong Kong.

    "Khi nói đến quyền tự trị của Hong Kong theo mô hình 'một quốc gia, hai chế độ', nhiều đối tác quốc tế của chúng ta tiếp tục làm theo gợi ý từ chính phủ Anh. Chúng tôi chắc chắn ngài sẽ đồng tình rằng với tư cách là bên đồng ký kết Tuyên bố chung Trung - Anh, Anh phải được xem là đang dẫn dắt và điều phối các phản ứng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng này và đảm bảo tính toàn vẹn của thỏa thuận đã được đăng ký với Liên Hợp Quốc năm 1985 cũng như mô hình 'một quốc gia, hai chế độ'", các cựu ngoại trưởng viết trong thư.

    Họ kêu gọi thành lập nhóm liên lạc quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng Hong Kong, tương tự mô hình nhóm liên lạc Balkan. Nhóm liên lạc Balkan được thành lập năm 1994 và được coi là một cách thành công để duy trì sự thống nhất của cộng đồng quốc tế trong các cuộc thảo luận về tương lai của Bosnia và Kosovo.

    Sáng kiến này của các cựu ngoại trưởng Anh phản ánh nỗi lo ngại ngày càng tăng rằng London không thể trông cậy vào Tổng thống Mỹ Donald Trump để đưa ra phản ứng với Trung Quốc liên quan đến luật an ninh Hong Kong.

    ung pho hong kong
    Cảnh sát chống bạo động Hong Kong được triển khai để giải tán người biểu tình phản đối dự luật an ninh hôm 24/5. Ảnh: AFP.

    Trump cuối tuần qua đề xuất tổ chức một "hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng" vào tháng 9, có thể mời thêm lãnh đạo Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ, để thảo luận về cách ứng phó với Trung Quốc.

    Tuy nhiên, giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang tồn tại nhiều bất đồng về cách đối phó với Trung Quốc. Thụy Điển là quốc gia châu Âu duy nhất đề xuất các biện pháp trừng phạt Trung Quốc tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU hôm 29/5. Cùng ngày, Trump cũng đưa ra những kế hoạch cho loạt biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Trung Quốc.

    Một số ngoại trưởng EU lo ngại phản ứng do Trump dẫn đầu đối với Trung Quốc về Hong Kong, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ kế hoạch tái tranh cử của ông, sẽ chỉ gây ra thêm chia rẽ giữa các nước phương Tây.

    Theo các cựu ngoại trưởng Anh, London tiếp tục có nghĩa vụ đạo đức và pháp lý đối với người dân Hong Kong, bất chấp Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ điều này.

    Ngoại trưởng Raab cho đến nay đã phối hợp phản ứng toàn cầu, cùng các nước Mỹ, Canada, Australia ra tuyên bố chung chỉ trích luật an ninh Hong Kong của Trung Quốc. Mỹ và Anh cũng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về dự luật an ninh Hong Kong, song đã bị Trung Quốc từ chối với lý do "can thiệp các vấn đề nội bộ" của nước này.

    Raab cũng cam kết cấp quyền công dân cho những người dân Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại nếu Bắc Kinh không rút dự luật an ninh, đồng thời khẳng định Anh sẽ không rũ bỏ trách nhiệm với Hong Kong.

    Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức quốc hội Trung Quốc, hôm 28/5 bỏ phiếu thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong. Chính phủ Anh nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc về luật an ninh Hong Kong, cho biết điều này có nguy cơ làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".

    Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định luật an ninh Hong Kong được xây dựng để duy trì vững chắc nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" cũng như sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của đặc khu.

    VnExpress (theo Guardian)

  • Giống như ngày càng nhiều người Hồng Kông vỡ mộng vì Trung Quốc siết chặt thành phố, giờ đây Lam cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi.

    hong kong bo xu ra di
    Một người biểu tình vẫy cờ Hồng Kông thời thuộc địa trong cuộc biểu tình tại trung tâm mua sắm IFC ở Hồng Kông vào ngày 29 tháng 5. Nhiếp ảnh gia: Lam Yik / Bloomberg

    Phyllis Lam đã sống ở Hồng Kông được 42 năm. Đó là nơi cô sinh ra, đi học, gặp gỡ chồng mình và lên kế hoạch nuôi hai đứa con.

    Nhưng giống như ngày càng nhiều người Hồng Kông vỡ mộng vì Trung Quốc siết chặt thành phố, giờ đây Lam cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi.

    "Tôi không tin tưởng vào tương lai của Hồng Kông", cô nói trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi có hai con nhỏ, vì vậy tôi phải lên kế hoạch cho chúng".

    Đối với nhiều người ở Hồng Kông, những người từ lâu đã lo sợ sự xói mòn các quyền tự do của họ dưới sự cai trị của Trung Quốc, tuần trước đã đánh dấu một điểm bùng phát.

    Được thúc đẩy bởi hành động của Bắc Kinh quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia gây tranh cãi đối với thuộc địa cũ của Anh, cư dân đã đổ xô đến các chuyên gia tư vấn di cư với các câu hỏi về cách chuyển gia đình ra nước ngoài.

    "Chúng tôi nhận được yêu cầu tư vấn cứ sau 2 đến 3 phút", theo Gary Leung, giám đốc điều hành của Global Home, một công ty chuyên tư vấn về di cư và tài sản. Leung cho biết các yêu cầu khách hàng của công ty đã tăng lên khoảng 20 lần so với mức bình thường, với Đài Loan và châu Âu trong số các điểm đến được hỏi nhiều nhất.

    Với nhiều quốc gia vẫn thi hành các hạn chế du lịch để chống lại coronavirus, vẫn quá sớm để đánh giá xem có bao nhiêu người Hồng Kông cuối cùng sẽ rời đi. Nhưng các chuyên gia tư vấn nói rằng tỷ lệ của một cuộc di cư đang gia tăng khi các nhà lập pháp từ Anh, Hoa Kỳ và Đài Loan báo hiệu họ có thể giảm bớt yêu cầu nhập cảnh đối với một số công dân Hồng Kông.

    Làn sóng di cư có thể làm xói mòn sức hấp dẫn của Hồng Kông đối với các công ty đa quốc gia, hàng trăm người dựa vào tài năng địa phương để thúc đẩy sự phát triển của họ trên khắp khu vực Trung Quốc và phần còn lại của châu Á. Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông đã cảnh báo rằng việc giữ chân các nhân viên hàng đầu trong thành phố có thể trở nên khó khăn hơn.

    Dấu hiệu cho thấy nhiều người Hồng Kông đang lên kế hoạch rời đi đã tăng lên từ năm ngoái, khi một dự luật dẫn độ (hiện nay bị hủy bỏ) đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ và đụng độ dữ dội với cảnh sát ở trung tâm khu thương mại trung tâm thành phố.

    Đây không phải là lần đầu tiên thành phố phải đối mặt với viễn cảnh chảy máu chất xám. Ước tính có khoảng 300.000 người đã rời đi từ năm 1990 đến 1994, vì sợ việc Hồng Kông bàn giao cho Trung Quốc từ Anh sẽ phá hủy hệ thống tự do dân sự và hệ thống tư bản. Tuy nhiên, những dự đoán về sự sụp đổ của Hồng Kông cuối cùng đã được chứng minh là không có cơ sở, với vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á chỉ trở nên cố thủ hơn trong hai thập kỷ sau đó.

    Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam cho biết hôm thứ Sáu 29-5 rằng luật an ninh sẽ chỉ nhắm vào một nhóm thiểu số rất nhỏ các hành vi bất hợp pháp và hình sự, cuộc sống và tài sản, quyền và quyền tự do của đa số công dân sẽ được bảo vệ. Chính phủ trung ương Trung Quốc đã đưa ra nhận xét tương tự trong tuần qua.

    Jolie Lo, một giám đốc hành chính, nằm trong số những người Hồng Kông có kế hoạch ở lại. Cô muốn gần gũi với cha mẹ già của mình và cảnh giác với những thách thức mà cô có thể phải đối mặt ở nước ngoài.

    Nhưng những người khác xem di cư là lựa chọn tốt nhất của họ. David Hui, giám đốc điều hành tại Centaline Immigration Consulting (HK) Ltd., cho biết công ty của ông hiện đang nhận được tới 100 câu hỏi mỗi ngày từ những người Hồng Kông quan tâm đến việc chuyển đến các quốc gia bao gồm Úc, Hoa Kỳ và Canada. Đài Loan, Malaysia và Bồ Đào Nha cũng đang ngày càng trở nên phổ biến.

    "Luật an ninh quốc gia chắc chắn là một yếu tố thúc đẩy", ông Hui nói.

    Phyllis Lam và chồng cô, cả hai đều là người mang hộ chiếu quốc gia Anh hải ngoại - BN(O), thiên đường nơi họ quyết định sẽ chuyển đến. Canada nằm trong danh sách cao, nhưng lựa chọn hàng đầu của họ là Vương quốc Anh, nơi cho biết có thể mở đường đến quyền công dân cho gần 3 triệu cư dân Hồng Kông có tình trạng BN(O).

    "Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ gửi những đứa trẻ đi. Chúng tôi nghĩ rằng môi trường hiện tại ở Hồng Kông không thể tốt cho chúng", Lam nói.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Bộ Nội vụ Anh đang lên kế hoạch mở rộng các diện công dân Hong Kong có thể nộp đơn xin cấp quốc tịch Anh với số người đủ điều kiện có thể lên đến 3 triệu người, nếu như Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng luật an ninh mới cho đặc khu hành chính này.

    3 trieu nguoi hong kong 1
    Người dân Hong Kong theo dõi cuộc họp báo của Thủ tướng Lý Khắc Cường về dự luật an ninh mới. Ảnh: EPA.

    Trong một phát ngôn gần đây, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết Vương quốc Anh sẽ gia hạn thị thực cho khoảng 350.000 người nước ngoài mang quốc tịch Anh (BNO) nếu chính quyền Bắc Kinh triển khai thực hiện luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu hành chính Hong Kong.

    Ông Raab cũng cho biết thêm những quyền thị thực này sẽ được kéo dài từ 6 đến 12 tháng và có thể gia hạn, qua đó tạo ra “tiền đề” cho một số người nước ngoài có nguyện vọng trở thành công dân Anh trong tương lai gần.

    Tuy nhiên, trong ngày hôm qua (29/5), Bộ Nội vụ Anh đã làm rõ vấn đề này khi thông báo các quyền lợi trên vẫn dựa trên các quy định xuất nhập cảnh hiện hành ở xứ sương mù và sẽ chỉ dành cho những người đủ điều kiện cấp BNO hiện đang sinh sống tại Hong Kong với con số lên đến 2,9 triệu người, trong đó có khoảng 2,55 triệu người dân đặc khu này đã có BNO nhưng không làm thủ tục gia hạn.

    Được biết những người dân Hong Kong sinh trước năm 1997 khi chính phủ Anh dưới thời “Bà đầm thép” Margaret Thatcher trao trả đặc khu hành chính này cho phía chính phủ CHND Trung Hoa đều đủ điều kiện để Bộ Nội vụ Anh cấp BNO.

    3 trieu nguoi hong kong 1
    Thời khắc Hong Kong "trở về" với Trung quốc năm 1997. Ảnh: EPA.

    Dự định trên của phía chính phủ Anh đã làm chính phủ Trung Quốc phẫn nộ, cùng với đó là sự phản ứng mạnh mẽ đến từ các cử tri truyền thống của đảng Bảo thủ trong các cuộc Tổng tuyển cử có quan điểm phản đối việc nhập tịch số lượng lớn cho người nước ngoài.

    Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Zhao Lijian cho rằng chính quyền London đã vi phạm luật pháp quốc và cảnh báo sẽ có các biện pháp trả đũa nếu cần thiết và khẳng định Bắc Kinh coi các cư dân Trung Quốc sinh sống tại Hong Kong là công dân Trung Quốc và việc di dân số lượng lớn khỏi Hong Kong sau đề nghị của chính phủ Anh sẽ tạo ra những sự “bất ổn lớn” cho đặc khu hành chính này.

    Mặc dù vậy, chính phủ Anh được cho là cũng chưa sẵn sàng cho viễn cảnh hàng trăm nghìn người dân Hong Kong nhập cư vào nước Anh sau khi họ đã phải rất vất vả trong vấn đề kiểm soát xuất nhập cảnh sau khi Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit)

    Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh mới cho đặc khu hành chính Hong Kong trong phiên họp diễn ra vào ngày thứ 5 (28/5), trong đó dự luật mới nếu như có hiệu lực sẽ nghiêm cấm các hành động được coi là nhằm lật đổ chính quyền ở Hong Kong sau khi đã xảy ra tình trạng biểu tình chống chính phủ trong vòng nhiều tháng hồi năm ngoái.

    Dự luật này đã bị chính phủ một số nước phương Tây lên án mạnh mẽ, cùng với đó Mỹ cùng với đồng minh lâu năm của mình là Vương quốc Anh đang nỗ lực đưa sự kiện này ra bàn luận tại HĐBA Liên Hiệp Quốc (UNSC), tuy nhiên đã vấp phải sự phản đối của 2 thành viên khác là Nga và chính Trung Quốc.

    Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel cũng đã bày tỏ những sự quan ngại sâu sắc đối với hành động này từ phía chính quyền Bắc Kinh và cho biết Vương quốc Anh sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp và tự do của người dân Hong Kong.

    Tiền Phong (theo Guardian)

  • Ngoại trưởng Anh cho biết Anh có thể cấp quốc tịch cho những người ở Hong Kong có “hộ chiếu Anh ở nước ngoài” (BNO), nếu Trung Quốc thực thi luật an ninh cho đặc khu này.

    Hiện có 300.000 người có “hộ chiếu Anh ở nước ngoài” (British National Overseas) ở Hong Kong, tức hộ chiếu cho họ quyền đến Anh 6 tháng mà không cần visa. Hộ chiếu BNO được Anh cấp cho người dân ở Hong Kong trước khi đặc khu được trả về cho Trung Quốc năm 1997.

    Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết có thể sẽ bỏ giới hạn 6 tháng nói trên, kéo dài thành 12 tháng và sẽ tạo ra lộ trình hướng tới quyền công dân, “nếu Trung Quốc không hủy áp dụng luật an ninh quốc gia”.

    Phóng viên James Landale của BBC cho biết Bắc Kinh sẽ coi tuyên bố của ông Raab là một sự đe dọa, leo thang và dọa sẽ đáp trả mạnh mẽ. Ông Raab đề cập khả năng trên sau khi Anh, Mỹ, Australia và Canada đưa ra tuyên bố chung lên án kế hoạch của Bắc Kinh.

    ho chieu anh o nuoc ngoai
    Một cuộc biểu tình phản đối luật an ninh tại Hong Kong. Ảnh: AFP.

    Bốn nước này nói việc áp đặt luật an ninh sẽ phá hỏng cam kết “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc đã hứa khi nhận lại Hong Kong từ Anh năm 1997. Cam kết này đảm bảo cho Hong Kong một sự tự trị nhất định và trao một số quyền tự do khác so với Trung Quốc trong thời gian 50 năm.

    Ngày 28/5, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tại một buổi họp ở Westminster: “Chúng tôi rất lo ngại về dự luật của Trung Quốc liên quan đến an ninh ở Hong Kong... Chúng tôi nói rất rõ rằng dự luật này có nguy cơ phá hỏng nguyên tắc một nhà nước, hai chế độ”.

    Việc áp dụng luật an ninh cho Hong Kong vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua, các chi tiết của luật đang được soạn thảo và có thể có hiệu lực vào cuối tháng 6.

    Trung Quốc đã bác bỏ các lời chỉ trích về luật. Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cho biết luật này “tương đồng với các lợi ích căn bản của người Trung Quốc, bao gồm đồng bào ở Hong Kong”.

    Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội Trung Quốc, hôm qua thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong, cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc cũng có thể thiết lập cơ sở trong thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc được ủy quyền soạn thảo điều luật chi tiết. Luật có thể được ban hành trong vài tuần tới mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp của Hong Kong. 

    Theo Zing

  • Những diễn biến mới nhất tại Hong Kong đã khiến nhiều người tỏ ra quan ngại về tương lai của khu vực này.

    Bạo lực bùng phát

    Theo SCMP, công ty phát triển bất động sản lớn nhất Hong Kong Sun Hung Kai Properties (SHKP) đang bị những người biểu tình phản đối chính phủ "tẩy chay" vì cho rằng SHKP đã hỗ trợ cảnh sát trong cuộc đụng độ ở một trung tâm thương mại ở Sha Tin trong 2 ngày 14-15/7.

    Ngày hôm qua (15/7), công ty SHKP khẳng định không gọi cảnh sát và nói không biết trước về hoạt động của cảnh sát tại trung tâm thương mại New Town Plaza - nơi những người biểu tình tập trung sau khi rời khỏi các con phố. Các nguồn tin cho hay, cảnh sát đã bất ngờ tiến vào với một lệnh khám xét giữa lúc những người biểu tình đang nghỉ ngơi.

    Theo thống kê, ít nhất 22 người đã bị thương, trong đó 6 người bị thương nặng, 2 cảnh sát "bị gãy ngón tay".

    Cảnh sát trưởng Hong Kong Stephen Lo Wai-chung nói: "Tôi đã tới bệnh viện thăm 7 cảnh sát bị thương trong cuộc đụng độ ở Sha Tin. Cảnh sát bị thương nặng nhất đã bị người biểu tình cắn đứt một phần ngón đeo nhẫn bên tay phải".

    Chính quyền Hong Kong cho biết những người biểu tình trẻ đã tập trung và tấn công cảnh sát bằng chai nhựa và ô. Trong khi đó, người biểu tình cũng bị cưỡng chế bằng vũ lực và xịt hơi cay. Nguồn tin của chính quyền khẳng định đã bắt giữ được 37 người, trong đó có 20 nam và 17 nữ, tại trung tâm thương mại.


    Vụ đụng độ bạo lực chưa từng có tại trung tâm thương mại ở Hong Kong. Nguồn: SCMP

    Phát ngôn viên của SHKP cho biết văn phòng điều hành của New Town Plaza đã nhận được thông báo từ cảnh sát rằng họ muốn có các dữ liệu ghi hình CCTV tại trung tâm thương mại vào ngày 14/7. Văn phòng luật sư của công ty cho rằng nên tuân thủ theo yêu cầu của cảnh sát. 

    Đặc khu trưởng nói gì?

    Mặc dù người biểu tình cáo buộc SHKP đã "phản bội" họ, nhưng một nguồn tin hành pháp cho biết quản lí của trung tâm thương mại đã "tỏ ra không hợp tác" trong cuộc gặp đánh giá rủi ro trước khi cuộc biểu tình xảy ra.

    "Họ [SHKP] dường như không muốn hợp tác với cảnh sát. Chúng tôi hỏi họ có cần hỗ trợ không và họ nói không cần. Chúng tôi yêu cầu bản đồ tầng trệt và họ không cung cấp. Chúng tôi hỏi liệu có cần đóng cửa một số cửa hiệu không và họ im lặng," đại diện cảnh sát nói.

    Tối muộn ngày 15/7, phía trung tâm thương mại khẳng định "rất lấy làm tiếc vì vụ việc đã gây ra nhiều thương vong, ảnh hưởng tới khách hàng, du khách và các cửa hàng".

    Bình luận về vụ việc, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói những người biểu tình tham gia cuộc đụng độ với cảnh sát có thể được gọi là "những kẻ nổi loạn" và bà ủng hộ cảnh sát trong việc duy trì luật pháp và bắt giữ những người "có tội".

    "Chúng tôi cảm ơn các chiến sĩ cảnh sát vì đã duy trì trật tự xã hội một cách trung thành và chuyên nghiệp, nhưng họ đã phải chịu nhiều thiệt hại vì các cuộc tấn công từ những kẻ nổi loạn," bà nói.

    Cuộc sống thường ngày ở Hong Kong đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các cuộc biểu tình trong hơn 1 tháng qua để phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Hong Kong đã được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 dưới mô hình "một quốc gia, hai chế độ".

    Bắc Kinh phủ nhận việc tham gia vào các sự kiện ở Hong Kong, nhưng nhiều người dân tỏ ra lo ngại rằng nếu luật dẫn độ được thông qua, họ sẽ mất tự do và do đó đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn để phản đối sự kiểm soát từ đại lục.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Bắc Kinh cho rằng London không còn trách nhiệm ở Hong Kong, khẳng định vấn đề với đặc khu này là công việc nội bộ của Trung Quốc.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: Xinhua

    "Nước Anh không có bất kỳ trách nhiệm nào với Hong Kong. Đây là công việc nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết phản đối, yêu cầu Anh ngừng mọi động thái can thiệp vào Hong Kong và hành động nhiều hơn vì sự thịnh vượng và ổn định của đặc khu này, thay vì làm điều ngược lại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay cho biết trong một cuộc họp báo.

    Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người biểu tình sáng nay tràn ra đường, phong tỏa các con phố chính của thành phố để phản đối chính quyền nhân dịp 22 năm ngày Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc. Người biểu tình đã bao vây trụ sở Hội đồng Lập pháp, yêu cầu chính quyền hủy bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi và trưởng đặc khu Carrie Lam phải từ chức. Cảnh sát đã sử dụng bình xịt hơi cay và dùi cui để trấn áp những người biểu tình quá khích.

    Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc đại lục từ ngày 1/7/1997, nhưng vẫn được phép duy trì hệ thống luật pháp, tư pháp riêng theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ". Trung Quốc hồi năm 2017 khẳng định Tuyên bố chung Trung - Anh về phương án quản lý Hong Kong sau khi đặc khu này được trao trả là "tài liệu lịch sử" và không còn nhiều giá trị thực tế.

    Người biểu tình trên đường phố Hong Kong sáng 1/7. Ảnh: AFP

    Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cho rằng tuyên bố chung vẫn còn hiệu lực và là tài liệu pháp lý cần được tôn trọng, đồng thời tái khẳng định cam kết của London với thỏa thuận này sau hàng loạt cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ do chính quyền Hong Kong đề xuất.

    Hong Kong trong hơn một tháng qua chứng kiến nhiều cuộc biểu tình lớn với hàng triệu người tham gia nhằm phản đối dự luật dẫn độ cho phép chính quyền đặc khu bàn giao nghi phạm cho các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc đại lục.

    Những cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát đã khiến hàng chục người bị thương, hơn 30 người bị bắt. Nhiều người Hong Kong lo ngại dự luật này có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh với Hong Kong, đồng thời khiến họ bị điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật khác.

    Viethome (theo VnExpress)