• Theo CNA, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận một ca mắc đậu mùa khỉ là người nhập cảnh, mang quốc tịch Anh.

    Bệnh nhân 42 tuổi, làm tiếp viên hàng không. Ông lưu trú ở Singapore trong thời gian 15-17/6 và 19/6. Một ngày sau, người này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ.

    Người bệnh có triệu chứng đau đầu vào ngày 14/6. Hai ngày sau, ông lên cơn sốt. Các triệu chứng này hết dần và đến ngày 19/6, ông bắt đầu phát ban. Ngay trong đêm, nam bệnh nhân tìm kiếm sự trợ giúp y tế và được chuyển đến NCID vào sáng hôm sau để đánh giá thêm.

    Bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm Singapore (NCID), tình trạng sức khỏe đã ổn định. Bộ Y tế Singapore cho biết họ đang tích cực truy vết những người tiếp xúc gần ca bệnh này.

    dau mua khi den singapore
    Các mụn nước đặc trưng ở người mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: iStock.

    “Chúng tôi đang truy vết với những chuyến bay bị ảnh hưởng và trong suốt thời gian bệnh nhân này ở Singapore. Chủ yếu người đàn ông này ở trong phòng khách sạn, ngoài trừ đến một số cơ sở massage, 3 địa điểm ăn uống vào ngày 16/6. Nhìn chung, nguy cơ lây truyền cho du khách tại những địa điểm này là thấp. Bởi virus đậu mùa khỉ lây truyền qua tiếp xúc gần gũi hoặc tiếp xúc lâu dài. Cả 4 địa điểm xảy ra vụ việc đều đang được làm sạch và khử trùng ”, Bộ Y tế Singapore cho biết.

    Tính đến ngày 21/6, cơ quan này đã xác định được 13 mối liên hệ gần gũi với nam bệnh nhân. Tất cả người tiếp xúc gần sẽ được cách ly trong 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng với nguồn lây.

    Ngoài ra, hai người có nguy cơ thấp được theo dõi qua điện thoại. Họ sẽ được gọi điện hàng ngày trong 21 ngày liên tục nhằm theo dõi bất kỳ triệu chứng nào khởi phát. Nếu nghi ngờ bị nhiễm bệnh, cơ quan chức năng sẽ chuyển ngay họ đến NCID để đánh giá thêm cũng như cách ly nhằm ngăn chặn virus phát tán.

    Tại châu Á, ngày 21/6 (theo giờ địa phương), cơ quan y tế Hàn Quốc cũng đã phát hiện ca nghi mắc đậu mùa khỉ đầu tiên là hai du khách nhập cảnh sân bay quốc tế Incheon. Tại Hàn Quốc, người mắc đậu mùa khỉ sẽ được cách ly cho đến khi hết hẳn triệu chứng. Những người tiếp xúc gần có nguy cơ cao phải cách ly trong 21 ngày.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 17/6, tổ chức này đã nhận được báo cáo về 2.103 trường hợp ở 42 quốc gia ở 5 khu vực WHO quản lý. Đây đều là những quốc gia chưa từng phát hiện người mắc đậu mùa khỉ trước đó.

    Đặc biệt, trong đợt bùng phát này, ca tử vong đầu tiên đã được ghi nhận ở Nigeria.

    Theo Zing

  • Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) hôm 1-6 cho biết bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan từ người này sang người khác ở Anh.

    "Đợt bùng phát hiện tại là lần đầu tiên virus (đậu mùa khỉ) lây lan từ người này sang người khác ở Anh, nơi liên kết đi lại với một quốc gia đặc hữu chưa xác định" - Reuters dẫn xác nhận của UKHSA.

    Cũng theo UKHSA, phần lớn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Anh - 132 trường hợp - đến từ thủ đô London. Trong đó, 111 ca bệnh là người đồng tính nam, song tính hoặc những người đàn ông quan hệ tình dục với đàn ông (GBMSM). Chỉ có 2 ca bệnh là phụ nữ.

    Ngoài ra, 34 trường hợp của Anh gần đây đã tới một số quốc gia châu Âu trong vòng 21 ngày kể từ khi thể hiện triệu chứng, chiếm 18% trong số 190 ca bệnh được Anh xác nhận tính đến hôm 31-5.

    Cho đến nay, UKHSA đã xác định mối liên hệ giữa những ca bệnh đậu mùa khỉ với các quán bar đồng tính, phòng tắm hơi và việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò ở Anh cũng như nước ngoài.

    benh dau mua khi lay lan
    Một mẫu thử được đánh dấu dương tính với virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters

    Giám đốc Cơ quan y tế công cộng khu vực London, Kevin Fenton, cảnh báo đậu mùa khỉ có thể ảnh hưởng tới bất kỳ ai nhưng nhiều nhất vẫn là cộng đồng GBMSM - sống tại hoặc có liên hệ với London.

    UKHSA đang làm việc với các nhóm bao gồm Hiệp hội Sức khỏe tình dục và HIV của Anh và ứng dụng hẹn hò Grindr để kết nối với các dịch vụ sức khỏe tình dục và cộng đồng GBMSM.

    Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra các triệu chứng giống như cúm và tổn thương da chứa đầy mủ. Bệnh thường biến mất trong vòng vài tuần song có thể gây tử vong.

    Cơ quan y tế Anh đang cung cấp vắc-xin đậu mùa Imvanex cho những người tiếp xúc ca bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.

    Các trường hợp mắc đậu mùa khỉ tiếp tục gia tăng bên ngoài châu Phi, chủ yếu ở châu Âu. Giới khoa học đang cố gắng xác định nguyên nhân đằng sau sự lây lan này.

    Hôm 1-6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã nhận được báo cáo về hơn 550 trường hợp mắc đậu mùa khỉ từ 30 quốc gia ngoài châu Phi.

    Cafef (theo Người Lao Động)

  • Theo trang tin Politico.eu ngày 24/5, các quốc gia trên khắp châu Âu đã bắt đầu tăng cường tiêm chủng cho người dân chống lại bệnh đậu mùa khỉ khi các ca bệnh gia tăng.

    Anh đã tiêm 1.000 liều vaccine cho những người tiếp xúc gần với ca bệnh có nguy cơ cao và nhân viên y tế chăm sóc những người nhiễm virus đậu mùa khỉ, trong khi dự trữ 3.500 liều khác để sẵn sàng sử dụng. Hôm 24/5, Pháp đã thông báo rằng họ đang tiêm chủng cho những nhóm người dễ lây nhiễm để ngăn chặn sự bùng phát.

    Với đại dịch COVID-19 đang bùng phát và cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh truyền nhiễm, các nước châu Âu càng chú ý đến bệnh đậu mùa khỉ và lo ngại về việc liệu có đủ liều vaccine cho những người cần chúng hay không. Ở châu Âu chỉ có một loại vaccine để bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ và các quốc gia đang tranh giành nhau để mua dự trữ.

    vaccine dau mua khi
    Ống xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters

    Rolf Sass Sørensen, người đứng đầu bộ phận truyền thông và quan hệ đầu tư tại Bavarian Nordic, nhà sản xuất vaccine của Đan Mạch, Imvanex, cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận với nhiều quốc gia đang đưa ra yêu cầu mua vaccine. Loại vaccine này hiện đã được chấp thuận cho bệnh đậu mùa ở EU, cũng như bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ và Canada".

    Ông Sørensen thông báo thêm Cơ quan Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp về Y tế của Ủy ban Châu Âu (HERA) và Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang đàm phán với công ty. HERA chịu trách nhiệm cùng mua sắm vật tư y tế cho EU trong trường hợp khẩn cấp về y tế.

    Tổ chức Y tế Thế giới, trong khi kêu gọi các quốc gia tăng cường giám sát và quản lý các ca bệnh, đã ám chỉ đến tác động tiêu cực của việc "hốt hoảng" mua thuốc và vaccine khi các ca bệnh vẫn còn tương đối thấp ở châu Âu. Trong số liệu mới nhất, Anh đã xác định được 70 trường hợp nhiễm ngày 24/5, trong khi có 67 trường hợp ở EU được ghi nhận ngày 23/5.

    Theo Sylvie Briand, Giám đốc phòng chống dịch bệnh và đại dịch tại WHO, hiện đã có loại vaccine và phương pháp điều trị bệnh đậu khỉ đã được phê duyệt. Tuy nhiên, tin xấu là “số lượng cực kỳ hạn chế và một số chưa được cấp phép đầy đủ để đưa ra thị trường”.

    Bà Briand cũng kêu gọi các quốc gia “phối hợp cùng nhau” để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng đối với vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán, dựa trên nhu cầu sức khỏe cộng đồng.

    Các nhà khoa học hiện đang lạc quan rằng các quốc gia sẽ không cần đến các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt mà họ đã thực hiện như trong đại dịch COVID-19, bởi vì các loại virus rất khác nhau.

    "Đây là một tình huống khác với COVID-19", Stathis Giotis, giảng viên về virus học tại Đại học Essex và nghiên cứu sinh cao cấp về virus học tại Đại học Imperial ở London cho biết, lưu ý rằng không giống như COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ không lây lan bởi những bệnh nhân không có triệu chứng, nên “giúp việc kiểm soát bệnh dễ dàng hơn”.

    Nhiều quốc gia từng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang khuyến cáo người dân nên cách ly trong 21 ngày; Anh cũng khuyên rằng nên cách ly những người tiếp xúc gần có nguy cơ cao trong cùng một khoảng thời gian.

    Ông Giotis nói: “Mặc dù các nhà chức trách cần phải cảnh giác, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy chúng ta cần một chương trình tiêm chủng quy mô lớn để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương ở giai đoạn này".

    Đánh giá về việc một số nước châu Âu tăng cường tiêm chủng dịch đậu mùa khỉ, Hugh Adler, thành viên nghiên cứu danh dự tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, cho biết “đây không phải là sự hoảng sợ, mà là phản ứng tiêu chuẩn về sức khỏe cộng đồng đối với bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, đó là một điều rất hợp lý".

    Theo Báo Tin Tức

  • Bỉ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới yêu cầu cách ly với những người mắc đậu mùa khỉ, sau khi nước này ghi nhận 3 ca lây nhiễm trong đợt lễ hội vừa qua.

    Đậu mùa khỉ đang lan rộng khắp châu Âu. Một bác sĩ tuyến đầu ở Anh đã cảnh báo khách du lịch nên cảnh giác với virus này, đồng thời trẻ em sẽ dễ tiến triển nặng nếu mắc virus đậu mùa khỉ.

    Chỉ vài giờ sau khi Tiến sĩ Susan Hopkins thuộc Cơ quan Y tế Công cộng England cảnh báo dịch bệnh gia tăng, Bỉ đã thông báo về chính sách cách ly 21 ngày đối với những người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

    Susan Hopkins
    Tiến sĩ Susan Hopkins cảnh báo về bệnh đậu mùa khỉ.

    Nước này hiện có 3 ca nhiễm bệnh, được ghi nhận vào hôm thứ Sáu ngày 20/5. Những trường hợp này có liên quan tới Lễ hội Darklands kéo dài 4 ngày ở thành phố cảng Antwerp. Những nhà tổ chức cho biết: ''Có thể virus do các du khách nước ngoài mang đến lễ hội''.

    Virus đậu mùa khỉ đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Một trẻ em ở Anh đang phải giành giật sự sống trong phòng chăm sóc đặc biệt sau khi nhiễm căn bệnh này. 

    Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC vào sáng nay, Tiến sĩ Hopkins nói: ''Từ những báo cáo ở Châu Phi, nơi bùng phát dịch bệnh suốt nhiều năm qua, có thể thấy những người có hệ miễn dịch yếu hoặc trẻ em sẽ dễ bị tiến triển nặng nếu mắc đậu mùa khỉ. Ở người trưởng thành khỏe mạnh thì bệnh phát tương đối nhẹ''.

    Nhưng các chuyên gia y tế ngày càng phát hiện ra nhiều điều khác lạ về căn bệnh này. ''Rõ ràng, đây là một căn bệnh truyền nhiễm mới mà chúng ta chưa từng thấy trong cộng đồng trước đây. Những tuần tới chúng ta sẽ biết được nhiều hơn về căn bệnh này'', bà nói.

    Tính đến thứ Sáu, đã có 20 trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở UK, và con số này vẫn không ngừng gia tăng mỗi ngày. ''Hiểm họa đối với công chúng nhìn chung vẫn còn rất thấp, nhưng mọi người vẫn nên cảnh giác'', bà nói. 

    Bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi lây lan ra ngoài châu Phi, nên loạt ca nhiễm ở châu Âu và Mỹ gần đây đã gây ra lo ngại. Tuy nhiên, các nhà khoa học không đánh giá bệnh đậu mùa khỉ có thể tiến triển như đại dịch Covid-19, do loại virus này không dễ lây lan như nCoV.

    Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tính đến 21/5, 92 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận ở các quốc gia không coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu.

    Hầu hết những người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đều hồi phục sau vài tuần và bệnh chỉ gây tử vong trong một số trường hợp hiếm hoi. WHO cho biết chưa có vaccine đặc hiệu cho căn bệnh. Dù vậy, các nghiên cứu chỉ ra rằng vaccine của bệnh đậu mùa thông thường có thể hiệu quả tới 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ.

    Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?

    Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật qua dịch cơ thể, bao gồm các giọt nước bọt hoặc đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết vết thương. Bệnh đậu mùa khỉ có lây truyền từ người sang người không? Sự lây truyền từ người sang người xảy ra không hiệu quả và được cho là xảy ra chủ yếu qua các giọt đường hô hấp lớn khi tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài. Ở những người sống chung với người mắc bệnh đậu khỉ thì khả năng lây bệnh 50%. Hầu hết bệnh nhân là trẻ em.

    Ai dễ bị đậu mùa khỉ?

    TS Susan Hopkins (Cố vấn Y tế của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh) cho biết: “Các bằng chứng cho thấy có thể virus đậu mùa khỉ đang lây lan trong cộng đồng qua những tiếp xúc gần gũi. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi những người đồng tính nam, lưỡng tính lưu ý về bất kỳ vết phát ban hoặc tổn thương bất thường nào và liên hệ ngay với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục".

    Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ

    Về lâm sàng, bệnh đậu khỉ tương tự như đậu mùa; tuy nhiên hay gặp tổn thương da xảy ra toàn thân hơn và hạch to có thể gặp trong đậu khỉ nhưng không gặp trong đậu mùa. Nhiễm trùng thứ phát có thể xảy ra ở da, phổi và xương. Phân biệt về mặt lâm sàng giữa đậu khỉ (bệnh đậu mùa) và thủy đậu (một loại vi rút herpes, không phải vi rút pox) đôi khi khó khăn. Chẩn đoán bệnh đậu khỉ bằng nuôi cấy, PCR, hóa mô miễn dịch, hoặc hiển vi điện tử, tùy thuộc vào sự sẵn có của xét nghiệm.

    Điều trị bệnh đậu mùa khỉ

    Điều trị bệnh đậu mùa khỉ là hỗ trợ. Các loại thuốc hữu ích tiềm năng bao gồm: Thuốc kháng vi rút mới tecovirimat (gần đây đã được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa) Thuốc kháng vi rút cidofovir Các thuốc nghiên cứu brincidofovir (CMX001) Tất cả các loại thuốc này đều có hoạt tính chống lại vi rút đậu khỉ trên in vitro và trong các mô hình thử nghiệm. Tuy nhiên, không có loại thuốc nào đã được nghiên cứu hoặc sử dụng trong các vùng dịch lưu hành để điều trị bệnh đậu khỉ.

    Bệnh đậu mùa khỉ có nguồn gốc từ đâu?

    Vi rút đậu khỉ, tương tự như đậu mùa, thuộc chi Orthopoxvirus. Vi rút này có cấu trúc và tính chất gây bệnh tương tự như thủy đậu nhưng bệnh canh thường nhẹ hơn. Dù có tên là bệnh đậu mùa khỉ nhưng không phải do vi rút của khỉ. Hiện nay, vật chủ lây vi rút này chưa được xác định rõ, nhưng các sinh vật nghĩ tới hàng đầu là loài gặm nhấm và sóc nhỏ trong rừng nhiệt đới sống ở châu Phi, chủ yếu ở phía tây và trung tâm châu Phi. Các trường hợp mắc bệnh đậu mùa trên khỉ ở châu Phi ngày càng gia tăng do con người ngày càng xâm phạm môi trường sống của các loài động vật mang vi rút. Bệnh đậu mùa khỉ ở người xảy ra đầu tiên ở Châu Phi, xảy ra rải rác ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Nhưng từ năm 2016, các trường hợp bệnh cũng được xác nhận và báo cáo tại Sierra Leone, Liberia, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Congo và Nigeria.

    Viethome (theo The Sun)

  • Một người đàn ông ở bang Massachusetts (Mỹ) đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ sau khi đi du lịch ở Canada, cơ quan y tế địa phương thông báo hôm 18/5.

    Theo RT, người đàn ông nói trên được cho là đã nhập viện trong tình trạng ổn định. Cơ quan y tế địa phương đang xác định những người từng tiếp xúc với bệnh nhân, nhưng khẳng định rằng trường hợp này không gây nguy hiểm cho cộng đồng.

    Đây là ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở Mỹ trong năm nay. Trước khi mắc bệnh, người đàn ông nói trên từng đến Canada du lịch. Năm ngoái, Mỹ đã ghi nhận 2 ca mắc đậu mùa khỉ. Cả 2 đều từng đi du lịch ở Nigeria.

    benh dau mua khi lan rong khap the gioi 1

    Bệnh đậu mùa ở khỉ có những điểm tương đồng với bệnh đậu mùa và thủy đậu – một căn bệnh phổ biến ở trẻ em. Bệnh có các triệu chứng giống cúm bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ và sung hạch bạch huyết. Sau đó, các nốt ban sẽ nổi trên mặt và lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Dù không có thuốc đặc trị, nhưng bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra những triệu chứng nhẹ và người bệnh sẽ hồi phục trong vài tuần. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là khoảng 10%, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

    Có 2 chủng đậu mùa khỉ, một chủng ở Tây Phi và một chủng ở Trung Phi. Đợt bùng phát đậu mùa mới đây được cho là gây ra bởi chủng Tây Phi nhẹ hơn.

    Virus đậu mùa khỉ rất khó lây lan, chủ yếu do tiếp xúc với chất lỏng và vết loét của cơ thể, quần áo bị nhiễm virus hoặc tiếp xúc trực tiếp thời gian dài dẫn đến lây nhiễm qua giọt bắn đường hô hấp.

    Cũng trong ngày 18/5, cơ quan y tế Tây Ban Nha đã gửi cảnh báo về khả năng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở thành phố Madrid sau khi phát hiện 8 ca nghi nhiễm.

    benh dau mua khi lan rong khap the gioi 1

    “Nhìn chung bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua đường hô hấp. Nhưng 8 ca nghi nhiễm ở Madrid được cho là lây lan qua tiếp xúc với dịch tiết cơ thể. Họ đều là đồng tính nam. Tình trạng của họ ổn định, nhưng căn bệnh này có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện”, người phát ngôn cơ quan y tế Madrid nói.

    Cảnh báo được đưa ra sau các đợt bùng phát tương tự ở Anh và Bồ Đào Nha.

    Khoảng 20 trường hợp nghi mắc đậu mùa ở khỉ đã được phát hiện ở những nam thanh niên gần Lisbon (Bồ Đào Nha), trong khi một đợt bùng phát tương tự ở Anh đã được ghi nhận hồi đầu tháng.

    Tính đến 17/5, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) đã xác nhận 7 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, với 4 trường hợp gần đây nhất đều liên quan đến nam giới đồng tính hoặc lưỡng tính.

    Theo Tiền Phong

  • Cơ quan y tế ghi nhận thêm 4 người mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát gần đây lên 7 người.

    Tất cả 4 bệnh nhân mới đều là người đồng tính hoặc lưỡng tính, mắc bệnh tại London, chưa từng du lịch đến châu Phi - khu vực virus hoạt động mạnh. Hai trong số 4 bệnh nhân quen biết nhau, nhưng không liên quan đến bất kỳ trường hợp nào trước đó. Đây là dấu hiệu cho thấy virus đang lây lan trong cộng đồng lần đầu tiên. Các bệnh viện khuyến cáo nhân viên y tế cảnh giác với các bệnh nhân có biểu hiện phát ban mới.

    benh dau mua khi bung phat o anh
    Virus đậu mùa khỉ trong mụn nước ở người bệnh. Ảnh: BSIP

    Tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn y tế chính tại Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), nhận định đây là hiện tượng hiếm gặp và bất thường.

    "'UKHSA đang nhanh chóng điều tra nguồn gốc của những ca nhiễm này. Một số bằng chứng cho thấy virus có thể đã lây lan trong cộng đồng, khi tiếp xúc gần. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi người đồng tính nam và lưỡng tính theo dõi các triệu chứng như phát ban hoặc dấu hiệu bất thường trên cơ thể, liên hệ với trung tâm y tế về sức khỏe tình dục ngay lập tức", tiến sĩ Hopkins nói.

    Tất cả các ca nhiễm ở Anh đều dương tính với virus đậu mùa khỉ Tây Phi, được cho là nhẹ hơn các phiên bản khác. Trong đó, 6 người đang được điều trị tại bệnh viện chuyên khoa ở Newcastle.

    Đậu mùa khỉ là virus hiếm gặp, thường lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Tỷ lệ tử vong của bệnh là khoảng 10%. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể.

    Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi. Biểu hiện rõ ràng nhất là phát ban, thường xuất hiện trên mặt trước khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể, sau đó hình thành các tổn thương da, đóng vảy và bong ra.

    Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị, song vẫn có thể gây tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh không có thuốc chữa và vaccine ngăn ngừa.

    Trường hợp đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận vào những năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, kể từ đó đã xuất hiện ở các nước Trung và Tây Phi. Hầu hết các ca nhiễm hiện được báo cáo tại Congo và Nigeria.

    Năm 2003, virus đã xuất hiện ở Mỹ. Anh bắt đầu ghi nhận ca nhiễm vào năm 2018, sau khi một bệnh nhân nhập cảnh Nigeria.

    VnExpress (theo DailyMail)