• Nữ sinh viên Anh Courtright bị truy tố vì tham gia cuộc bạo loạn và ăn trộm đồ trong tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1.

    Cảnh sát quốc hội Mỹ sau khi xem lại camera giám sát hôm 18/1 đã kết luận Gracyn Dawn Courtright, sinh viên Đại học Kentucky, đã lên tầng hai trong tòa nhà quốc hội, tiến lại gần bậc thang ở văn phòng Thượng viện và trộm tấm biển "chỉ dành cho nhân viên" vào khoảng 15h hôm 6/1. Lực lượng thực thi pháp luật được cho là đã lấy lại tấm biển này trước khi Courtright rời tòa nhà quốc hội.

    Courtright, nữ sinh viên năm cuối, trước đó xuất hiện trên tờ báo Kentucky Kernel của Đại học Kentucky với tựa đề "Nỗi ô nhục cũng như sự tai tiếng: Sinh viên Anh hòa vào đám đông bạo loạn tòa nhà quốc hội". Bài báo này đã trích lại các bài đăng từ chính tài khoảng mạng xã hội của Courtright, trong đó thể hiện cô đã tham gia sự kiện hôm 6/1.

    sinh vien anh capitol
    Gracyn Dawn Courtright (khoanh đỏ) ăn trộm tấm biển "chỉ dành cho nhân viên" trong tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ảnh: FBI.

    FBI cho biết chính bài báo này đã giúp họ tìm tới nhà bố của Courtright ở Tây Virginia.

    Bố của nữ sinh viên cho biết Courtright trước đó đến thủ đô Washington để "dự tiệc" và ở lại cùng bạn bè. Sau đó cô xuất hiện cùng đám đông khi Tổng thống Trump phát biểu. Bố của Courtright, một luật sư, cho biết nếu con gái bị truy tố, ông sẽ đảm bảo giúp cô tự thú với chính quyền.

    Courtright có thể đối mặt với cáo buộc xâm phạm khu vực hạn chế khi không có thẩm quyền hợp pháp và cố ý cản trở hoạt động có trật tự của chính quyền, gây rối trong khu vực hạn chế.

    Nữ sinh viên Anh cũng được cho là đã to tiếng và dùng ngôn từ lăng mạ với ý định cản trở phiên họp xác nhận phiếu đại cử tri của quốc hội. Cô còn phạm tội ăn cắp "thứ có giá trị của Mỹ" là tấm biển "chỉ dành cho nhân viên" trong tòa nhà quốc hội.

    Giới chức liên bang Mỹ đã đưa ra cáo buộc hình sự với hơn 100 người liên quan cuộc bạo loạn Đồi Capitol, khi những người ủng hộ Tổng thống Trump xông vào tòa nhà quốc hội, lục soát các văn phòng, đe dọa nghị sĩ và tấn công cảnh sát.

    Các điều tra viên đang tiếp tục xem lại hơn 140.000 video và hình ảnh trong cuộc bạo loạn để truy tìm các nghi phạm. Cuối tuần qua, hàng chục người đã bị bắt, bao gồm cả quan chức.

    VnExpress (Theo NBC)

  • Tổng thống Mỹ có quyền điều quân đội đàn áp bất ổn dân sự và phóng vũ khí hạt nhân. Sau cuộc bạo động ngày 6/1, nhiều người lo ngại ông Trump sẽ có hành động gây nguy hiểm cho Mỹ.

    Dù chỉ còn hơn một tuần là nhiệm kỳ của ông Trump sẽ hết, người ta ngày càng lo ngại về quyền hạn của ông trong vai trò tổng tư lệnh quân đội Mỹ và tình trạng của hệ thống chỉ huy lực lượng này.

    Bên cạnh đó, người dân phải đọc nhiều tin tức hỗn loạn về vai trò của Phó tổng thống Mike Pence trong việc triển khai Vệ binh Quốc gia ứng phó với cuộc bạo loạn.

    ong trump phong hat nhan 1
    Việc ông Trump sở hữu vali hạt nhân đang khiến nhiều người lo ngại. Ảnh: Getty.

    Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu hệ thống chỉ huy có bị phá vỡ vào ngày 6/1 hay không, mặc dù Lầu Năm Góc khẳng định chuyện này chưa bao giờ xảy ra.

    Trong khi đó, ông Trump vẫn có quyền điều quân đội dập tắt bất ổn dân sự, bên cạnh quyền lực gần như tuyệt đối trong việc phóng vũ khí hạt nhân. Căng thẳng giữa Mỹ với các điểm nóng toàn cầu như Iran vẫn có thể bùng phát trong hai tuần tới.

    Mối lo ngại về an ninh quốc gia đang dẫn đến nhiều lời kêu gọi cách chức ông Trump trước lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1.

    ong trump phong hat nhan 1
    Tổng thống Trump là tổng tư lệnh của quân đội Mỹ. Ảnh: AFP

    Ai là người điều Vệ binh Quốc gia?

    Ngày 8/1, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Dân chủ Nancy Pelosi cho biết bà đã gọi cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley để thảo luận về cách ngăn ông Trump khơi mào chiến tranh hoặc phóng vũ khí hạt nhân.

    “Vị tổng thống rối trí này khiến tình hình không thể nguy hiểm hơn. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân Mỹ khỏi đòn tấn công của ông ấy với đất nước và nền dân chủ”, bà Pelosi viết trong bức thư gửi các đồng nghiệp, tiết lộ chi tiết về cuộc gọi.

    Ông Milley là cố vấn quân sự hàng đầu của tổng thống nhưng nằm ngoài hệ thống chỉ huy. Trong cuộc gọi với bà Pelosi, ông Milley “trả lời các câu hỏi của bà liên quan đến thẩm quyền chỉ huy việc sử dụng vũ khí hạt nhân”, người phát ngôn của tổng tham mưu cho biết. Người này không cung cấp thêm chi tiết của cuộc gọi.

    ong trump phong hat nhan 1
    Tổng tham mưu, tướng Mark Milley (phải), ngồi cạnh tổng thống trong một cuộc họp. Ảnh: Getty

    Tuy vậy, cuộc gọi cho thấy mối quan tâm sâu sắc của các nhà lập pháp trong việc phải làm gì sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.

    Ngày 6/1, ngay sau khi ông Trump kêu gọi những người ủng hộ tuần hành đến tòa nhà quốc hội, một đám đông trong số đó đã tràn vào Điện Capitol, đập vỡ cửa kính, lục lọi văn phòng và trộm cắp tài sản.

    Một sĩ quan cảnh sát Capitol chết vì bị thương trong cuộc bạo loạn và một người biểu tình bị cảnh sát Capitol bắn chết. Ba người khác chết vì “bị thương nặng”.

    Sau cuộc tấn công, các hạ nghị sĩ Dân chủ muốn luận tội ông Trump lần hai hoặc gây sức ép buộc Phó tổng thống Mike Pence và nội các kích hoạt Tu chính án thứ 25 để phế truất tổng thống. Phó tổng thống Pence chưa phản hồi về yêu cầu này, trong khi việc luận tội có thể không diễn ra đủ nhanh để phế truất ông Trump trước ngày 20/1. Tuy vậy, nếu bị kết tội, tổng thống sẽ không thể ra tranh cử lần nữa.

    Để kích hoạt Tu chính án thứ 25, phó tổng thống và đa số thành viên nội các cần phải tuyên bố ông Trump không thể thực hiện các nhiệm vụ của tổng thống, và phế truất ông.

    Trong sự kiện ngày 6/1, vai trò của ông Trump trong việc làm tổng tư lệnh cũng bị đem ra “mổ xẻ”.

    Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller cho biết ông đã thông báo việc triển khai toàn bộ Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Washington D.C. gồm 1.100 quân với các lãnh đạo. Những người này gồm ông Pence, bà Pelosi, lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer.

    Điều đáng chú ý là ông Miller là không đề cập đến Tổng thống Trump.

    Vì Washington D.C. không phải là một tiểu bang, lực lượng Vệ binh Quốc gia của thành phố này do ông Trump chỉ huy. Tuy nhiên, tổng thống có thể giao quyền đó cho bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Quốc phòng có thể ủy quyền cho bộ trưởng Lục quân.

    Tối 6/1, New York Times đưa tin chính ông Pence, chứ không phải Tổng thống Trump, ra lệnh triển khai Vệ binh Quốc gia. Các hãng tin khác cho biết ông Miller hỏi ý phó tổng thống trước khi ra lệnh.

    Tuy nhiên, Lầu Năm Góc bác bỏ tuyên bố đó vào ngày 7/1. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nói ông Miller là người ra lệnh và Phó tổng thống Pence “không nằm trong hệ thống chỉ huy”.

    Thay vào đó, ông Miller báo cho phó tổng thống và các nhà lãnh đạo quốc hội ngay sau khi triển khai quân tiếp viện, ông Hoffman cho biết.

    Tổng thống Trump vào đầu tuần cũng trực tiếp yêu cầu ông Miller nên thực hiện bất kỳ hành động cần thiết nào để hỗ trợ Điện Capitol và các cơ quan thực thi pháp luật địa phương khác, theo người phát ngôn.

    Peter Feaver, chuyên gia về quan hệ dân sự - quân sự tại Đại học Duke, nói với The Hill rằng ông không lo ngại về sự phá vỡ hệ thống chỉ huy vào ngày 6/1. Ông Feaver cũng nhận định “có vẻ” ông Miller trao đổi với phó tổng thống về thẩm quyền đã được ông Trump trao cho.

    "Quyền phóng vũ khí hạt nhân nằm trong tay người kích động bạo loạn"

    Ngay cả trước vụ bạo loạn ngày 6/1, những người chỉ trích lo ngại ông Trump có thể lạm dụng quyền lực và thực hiện một số hành động quân sự hoặc dùng tình trạng bất ổn dân sự như cái cớ để quân đội giúp ông tiếp tục nắm quyền.

    Giờ đây, những người chỉ trích đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.

    “Với quyền lực của tổng thống Mỹ, bao gồm quyền chỉ huy quân đội mạnh nhất thế giới, ông Trump vẫn nắm trong tay khả năng gây thiệt hại lớn hơn nữa cho nước Mỹ và thế giới”, tướng về hưu John Allen, người chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, viết trên Foreign Policy.

    "Sau các sự kiện ngày 6/1, ông Trump phải bị tước quyền lực của vị trí tổng tư lệnh", theo bài viết.

    Vào tuần trước, Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế - chuyên cảnh báo tình trạng bất ổn - viết rằng “tổng thống Mỹ có sức mạnh phi thường, từ quyền dùng lực lượng vũ trang để dập tắt bất ổn dân sự cho đến khả năng phóng vũ khí hạt nhân. Sức mạnh này đang nằm trong tay một tổng thống đã kích động hành động nổi dậy chống lại nhánh lập pháp của chính quyền Mỹ".

    Ngoài cuộc gọi của bà Pelosi với ông Milley, các hạ nghị sĩ Dân chủ của California Ted Lieu, Salud Carbajal và Jimmy Panetta ngày 8/1 đã viết thư cho ông Miller. Họ thúc giục người đứng đầu Lầu Năm Góc thực hiện các bước để kiềm chế khả năng tấn công hạt nhân của ông Trump. Họ nhắc đến tiền lệ khi Tổng thống Nixon chuẩn bị rời nhiệm sở.

    Những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Nixon, bộ trưởng Quốc phòng khi đó, James Schlesinger, đã ra lệnh cho các chỉ huy quân sự trao đổi với ông hoặc Ngoại trưởng Henry Kissinger trước khi thực hiện lệnh phóng hạt nhân.

    “Donald Trump đang xa rời thực tế, giận dữ và có những hành động tồi tệ”, Lieu, Carbajal và Panetta viết.

    "Để bảo vệ đất nước của chúng ta khỏi thảm họa tiềm tàng, cần phải thực hiện các bước tương tự những gì diễn ra vào tháng 8/1974", theo bức thư.

    Tổng thống là người duy nhất có quyền ra lệnh tấn công hạt nhân. Các chỉ huy quân đội có thể không tuân theo mệnh lệnh bất hợp pháp. Tuy nhiên, một số người nói rằng như vậy vẫn chưa đủ.

    “Không có kiểm tra và cân bằng quyền lực, không có cách nào để quốc hội hoặc bất kỳ quan chức chính phủ nào can thiệp (vào lệnh phóng hạt nhân)”, ông Derek Johnson, Giám đốc của Global Zero, phong trào đấu tranh cho việc loại bỏ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, tuyên bố sau cuộc bạo động ở Điện Capitol.

    Ngày 5/1, một ngày trước khi xảy ra bạo loạn, người giám sát lực lượng hạt nhân của Mỹ được hỏi ông sẽ làm gì nếu Tổng thống Trump ra lệnh tấn công hạt nhân vào Iran.

    Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến lược, trả lời ông sẽ "tuân theo bất kỳ mệnh lệnh đúng luật nào ông nhận được" và "không tuân theo bất kỳ mệnh lệnh bất hợp pháp nào".

    Tuy nhiên, ông Richard nói thêm rằng ông đang kêu gọi “dân quản quân”, tức giao quyền quyết định tối cao các vấn đề chiến lược, trật tự xã hội và an ninh quốc gia trong tay của các chuyên gia chính trị dân sự mà không phải là các tướng quân đội chuyên nghiệp.

    Ông Feaver, người cũng là cố vấn Nhà Trắng cho cựu Tổng thống George W. Bush, nhấn mạnh quân đội "sẽ không thực hiện các mệnh lệnh bất hợp pháp".

    “Nếu tổng thống, bất kỳ tổng thống nào, mất kiểm soát và đưa ra những mệnh lệnh điên rồ, quân đội sẽ phải kiểm tra nhiều thứ để đảm bảo rằng những mệnh lệnh đó là hợp pháp”, ông nói với The Hill.

    “Một hành động trong số đó là thảo luận với các thành viên còn lại trong đội ngũ cấp cao của tổng thống. Đó là lý do những người có vai trò quan trọng trong hệ thống chỉ huy nên tiếp tục ở lại vị trí chứ không phải từ chức vào thời điểm này", ông Feaver nói thêm.

  • Trong khi Tổng thống Donald Trump đang bận rộn tìm cách ở lại Nhà Trắng, Đệ nhất phu nhân Melania Trump được cho là "chỉ muốn về nhà".  

    Hồi giữa tháng 11, khi Tổng thống Donald Trump phản đối kết quả bầu cử, Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã công khai đồng ý với quan điểm của ông. Nhưng vài ngày sau cuộc kiểm phiếu cuối cùng, Đệ nhất phu nhân đã giao nhiệm vụ cho một phái viên kín đáo tìm hiểu những gì bà được hưởng về ngân sách và phân bổ nhân viên cho thời kỳ hậu Nhà Trắng.

    chi muon ve nha 1
    Đệ nhất phu nhân Melania Trump được cho là đang chuẩn bị cuộc sống hậu Nhà Trắng. Ảnh: AFP

    Trong khi Tổng thống đang bận rộn tìm cách ở lại Nhà Trắng, Đệ nhất phu nhân đang xác định những gì cần cất vào kho, những gì đưa đến thành phố New York và những gì nên chuyển đến dinh thự Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida - một nguồn tin của CNN cho hay.

    "Bà ấy chỉ muốn về nhà" - CNN dẫn một nguồn tin quen thuộc khác với suy nghĩ của bà Melania Trump cho biết, và nói thêm rằng mọi chuyện có thể sẽ không "suôn sẻ" nếu ông Donald Trump có kế hoạch tuyên bố ý định tái tranh cử tổng thống năm 2024.

    Đệ nhất phu nhân lặng lẽ đưa bà Marcia Lee Kelly vào đội ngũ nhân viên ít ỏi của Cánh Đông hồi tháng 4 với tư cách là một nhân viên chính phủ đặc biệt.

    Marcia Lee Kelly không được trả lương và làm việc như một tình nguyện viên, nhưng công việc với tư cách là cố vấn đặc biệt của bà Melania Trump đã tỏ ra hữu ích.

    Kelly trước đây đã điều hành Văn phòng Quản lý Nhà Trắng, và khi bà Melania Trump cần chuẩn bị cho cuộc sống hậu Nhà Trắng, bà nói với Kelly hãy kín đáo hỏi những người quen thuộc Cánh Tây về ngân sách cho các cựu đệ nhất phu nhân.

    Tuy nhiên, mặc dù các tổng thống sắp mãn nhiệm và các cựu tổng thống có một số đặc quyền như có ngân sách để thành lập văn phòng chính thức, có nhân viên và được hưởng một số chi phí đi lại, song không có gì từ chính phủ cho bất kỳ đệ nhất phu nhân nào, ngoài một khoản trợ cấp nhỏ 20.000 USD/năm - chỉ được trả khi người chồng qua đời.

    Theo các nguồn tin, bà Melania Trump tập trung vào di sản của mình và đang xem xét viết một cuốn sách mặc dù nó sẽ không phải là một cuốn hồi ký, mà có thể là một cuốn sách ảnh.

    chi muon ve nha 1
    Đệ nhất phu nhân Melania tiết lộ chủ đề trang trí Nhà Trắng Giáng sinh 2020 là “Nước Mỹ tươi đẹp“. Ảnh: Twitter.

    "Bà Melania Trump đang tập trung vào vai trò của mình với tư cách là Đệ nhất phu nhân. Hôm 7.12, bà đã tiết lộ nỗ lực mới nhất của mình ở Nhà Trắng bằng cách thông báo hoàn thành gian hàng quần vợt. Bà cũng vừa tiết lộ một tác phẩm nghệ thuật mới trong Vườn Hồng mới được cải tạo. Văn phòng của bà vừa công bố kiểu trang trí Giáng sinh năm nay. Lịch trình của bà vẫn đầy đủ các nhiệm vụ với tư cách là một người mẹ, người vợ và Đệ nhất phu nhân Mỹ" - Chánh văn phòng của Đệ nhất phu nhân, Stephanie Grisham, nói với CNN.

    Một nguồn tin cho biết bà Melania Trump hiện đang tập trung vào Mar-a-Lago để "đảm bảo quá trình chuyển giao suôn sẻ ra khỏi Washington cho bà và cậu con trai 14 tuổi Barron". Nguồn tin cho biết thêm rằng, Đệ nhất phu nhân "đã giám sát những chuyến hàng chở các vật dụng cá nhân đến Mar-a-Lago từ cả Nhà Trắng và căn hộ áp mái ở Tháp Trump của bà ở thành phố New York".

    Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, ông Joe Biden đang được dự đoán là người chiến thắng với 303 phiếu đại cử tri, trong khi ông Donald Trump được 232 phiếu.

  • Không biết có phải là “định mệnh” hay không mà Tổng thống Trump đã gặp con số 306 cả trong kỳ bầu cử năm 2016 lẫn 2020. Nhưng hoàn cảnh mà ông gặp con số đó đã đảo ngược. Và cách ông gọi con số đó cũng trái ngược hoàn toàn.

    Cuộc đời có nhiều chuyện trùng hợp lạ kỳ tưởng như không thể tin được. Mà Tổng thống Trump vốn cũng hay tin vào những điều “siêu nhiên”, không biết lần này ông cảm thấy thế nào về con số 306 lạ lùng.

    Nhiều hãng tin lớn nói rằng ông Joe Biden giành 306 phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đó là do ông được coi là đã chiến thắng ở bang Georgia, dẫn trước ông Trump tới hơn 14.000 phiếu. Hãng AP vẫn chưa chính thức tuyên bố về bang này vì bang Georgia có thể còn đếm phiếu lại, tuy nhiên, dù có đếm lại thì việc đó được cho là sẽ không làm thay đổi kết quả.

    306 1
    Kênh CNN nửa dự báo, nửa khẳng định rằng ông Biden giành 306 phiếu đại cử tri.

    Và con số 306 phiếu đại cử tri mà ông Biden giành được cũng chính là số phiếu đại cử tri mà Tổng thống Donald Trump giành được trong kỳ bầu cử 2016.

    Đây đúng là sự trùng hợp khó tin, và nó khiến nhiều cư dân mạng cũng hơi… buồn cười. Bởi trong kỳ bầu cử 2016, ông Trump có lòng tin rất lớn đối với quá trình kiểm phiếu, khi mà ông giành 306 phiếu đại cử tri. Trong khi ở kỳ bầu cử 2020, khi “đối thủ” Joe Biden giành cùng số phiếu, ông Trump lại không tin việc kiểm phiếu một chút nào, nhất là ở những bang mình bị thua. Mặc dù hồi năm 2016, ông Trump cũng giành chiến thắng với khoảng cách rất sít sao ở nhiều bang.

    306 1
    Bản đồ bầu cử và số phiếu đại cử tri trong kỳ bầu cử 2016: Ông Trump giành được 306 phiếu. Ảnh: New York Times.

    Và các hãng tin cũng nhắc lại rằng, sau kỳ bầu cử 2016 cũng như trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump gọi số phiếu đại cử tri mà ông giành được (306) là “chiến thắng long trời lở đất” trước bà Hillary Clinton.

    Để rồi năm nay, khi ông Joe Biden cũng giành 306 phiếu, thì ông Trump một mực tuyên bố rằng có gian lận bầu cử, dù chưa có bằng chứng xác đáng nào. Thậm chí, đã có người mà ông nêu tên là “đã chết nhưng vẫn bỏ phiếu” lại đã lên tiếng phản đối rằng họ không hề “đã chết”, mà vẫn đang sống sờ sờ.

    Người sử dụng Twitter cũng không quên rằng cựu cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway đã đăng tweet vào năm 2016 sau khi Tổng thống Trump chiến thắng: “306. Long trời lở đất. Đại thắng. Lịch sử”.

    306 1
    Đơn giản là con số 306.

    Đó có lẽ là lý do mà Thượng nghị sĩ Chuck Schumer vừa “thả nhẹ” một dòng tweet với đúng một con số: “306”.

  • Tại Anh, nơi cá cược chính trị là hoạt động hợp pháp, hàng triệu bảng đang đặt cược vào việc TT Trump sẽ lật ngược lại kết quả bầu cử bằng những thách thức pháp lý của mình ở các bang dao động, The Sun tiết lộ.

    ca cuoc trump thang
    Ông Donald Trump đang có các vụ kiện vì cho rằng có gian lận trong bầu cử tổng thống.

    Theo đó, công ty Betfair có trụ sở tại Mỹ đã chứng kiến các khoản cá cược trị giá 100 triệu bảng Anh được đưa vào cuộc bầu cử Mỹ kể từ 3/11. Mặc dù các hãng truyền thông lớn ở Mỹ đều cho rằng ông Joe Biden rõ ràng sẽ có được tất cả số phiếu đại cử tri cần thiết để trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, những người cá cược vẫn đặt tiền tại công ty Betfair cho rằng kết quả bầu cử của tháng 11 có thể bị đảo ngược một cách đáng kinh ngạc.

    Người ta cho rằng các khoản cược vào việc tái đắc cử của TT Trump đã giảm xuống gần bằng 0 và sau đó lại tăng lên đáng kể trong 2 ngày qua. Betfair hiện giao dịch khoảng 587.036.554 bảng Anh về kết quả bầu cử tổng thống, một lượng tiền chưa có tiền lệ nếu xét đến thực tế đã hơn một tuần đã trôi qua kể từ ngày bầu cử.

    Tuy nhiên, công ty Betfair dường như từ chối đặt cược rằng ông Joe Biden sẽ trở thành người chiến thắng cuối cùng của cuộc đua. Trang web cá cược Predictit có trụ sở tại Mỹ cũng tiếp tục nhận đặt cược vào khả năng đảo ngược kết quả bầu cử của ông Trump.

    Một cựu giám đốc ngân hàng người Anh thậm chí còn đánh cược 5 triệu USD vào việc ông Trump tái đắc cử thông qua một nhà cái cá nhân. Các chuyên gia trong ngày tin rằng đây là vụ đặt cược “lớn nhất từ trước đến nay” trong lĩnh vực chính trị.

    Chiến dịch của ông Trump hiện đã đệ đơn kiện ở các bang có nhiều phiếu bầu cử như Pennsylvania, Georgia, Michigan và Nevada để thách thức kết quả bỏ phiếu với lý do thiếu minh bạch và các lá phiếu “bất hợp pháp” vẫn được kiểm sau thời hạn. TT Trump tin rằng ông có cơ hội lật ngược lại kết quả của cuộc bỏ phiếu và nói rằng cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp”.

    Theo Sputnik

  • Thông điệp chúc mừng của Downing Street gửi tới ông Joe Biden chiến thắng bầu cử Mỹ chứa những chữ mờ có nội dung chúc mừng ông Trump giành được nhiệm kỳ thứ hai.

    Thông điệp chúc mừng của Downing Street gửi tới ông Joe Biden và bà Kamala Harris chiến thắng bầu cử Mỹ chứa một thông điệp ẩn chúc mừng ông Trump giành được nhiệm kỳ thứ hai.

    Thông điệp nói trên - được đăng tải trên Twitter của Thủ tướng Anh Boris Johnson dưới dạng một bức ảnh, ít giờ sau khi các mạng lưới truyền hình Mỹ tuyên bố ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ - có nội dung chúc mừng tổng thống tân cử và bà Harris “đạt thành tựu lịch sử”.

    thong diep chuc mung 1
    Thông điệp của Thủ tướng Anh Boris Johnson chúc mừng tổng thống đắc cử và phó tổng thống đắc cử của Mỹ. Ảnh:Chụp màn hình.

    Tuy nhiên, bức ảnh với những dòng chữ trắng trên nền đen dường như không chỉ có nội dung đó.

    Với một thao tác điều chỉnh màu sắc đơn giản có thể để lộ một thông điệp thứ hai ẩn giấu trên nền bức ảnh chúc mừng.

    Phía trên và ngay sau những chữ “Joe Biden on his election” (tạm dịch: ông Joe Biden thắng cuộc bầu cử), bóng của những chữ “Trump on” (tạm dịch: ông Trump) hiện lên lờ mờ. Ở chỗ nội dung chính của thông điệp ghi “nước Mỹ là đối tác quan trọng nhất của chúng tôi và tôi mong mỏi được hợp tác chặt chẽ cùng nhau”, những chữ “nhiệm kỳ thứ hai” cũng xuất hiện mờ mờ.

    Và bên dưới những chữ “những ưu tiên chung” là cụm từ “trong tương lai”.

    thong diep chuc mung 1
    Với một thao tác điều chỉnh màu sắc đơn giản có thể để lộ một thông điệp thứ hai ẩn giấu trên nền bức ảnh chúc mừng.

    Thông điệp này do blog Guido Fawkes đăng tải đầu tiên, cho thấy chính phủ Anh đang chuẩn bị cho khả năng chúc mừng ông Donald Trump tái đắc cử. Sự chuẩn bị này vẫn duy trì khá lâu sau khi mọi thứ trở nên rõ ràng về việc ông Joe Biden đang chiến thắng ở các bang chiến trường chủ chốt.

    Tuy nhiên, việc quyết định chỉnh sửa bức ảnh thông điệp đã chuẩn bị trước, thay vì tạo ra một thông điệp hoàn toàn mới, đó là chưa nói tới việc không xóa toàn bộ thông điệp gốc, có vẻ sẽ tạo ra nhiều rạn nứt hơn giữa chính phủ Anh và chính quyền sắp tới ở Mỹ, theo Guardian.

    Một người phát ngôn chính phủ Anh cho biết: “Hai tuyên bố được chuẩn bị trước cho kết quả của cuộc bầu cử đầy tranh cãi này. Một lỗi kỹ thuật đã xảy ra làm cho các phần của thông điệp thay thế bị dính vào nền của bức ảnh”.

    thong diep chuc mung 1
    Phía Anh gọi đây là "lỗi kỹ thuật".

    Chi tiết trên lộ ra giữa lúc mối quan hệ đôi bên vốn đã khó đoán định khi trong mắt ông Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng để lại ấn tượng là một “bản sao về thể chất và cảm xúc” của Tổng thống Trump.

    Thậm chí ngay cả trước khi phần chìm của bức thông điệp trên được tiết lộ, ông Tommy Vietor - người từng chuẩn bị các bài phát biểu cho cựu Tổng thống Barack Obama và hiện là người đại diện chiến dịch tranh cử của ông Biden – đã phản ứng thiếu thiện cảm với thông điệp chúc mừng từ Số 10 Downing Street.

    Những chữ chìm trong thông điệp cũng phần nào cho thấy chính phủ Anh không chắc chắn cho tới phút chót về ứng viên thắng cuộc, thậm chí ngay cả khi ông Biden dẫn trước ở những bang chiến trường chủ chốt và chiến dịch của Tổng thống Trump bắt đầu những nỗ lực pháp lý ngày càng điên cuồng để lật ngược kết quả kiểm phiếu.

  • Truyền thông Mỹ hôm 7/11 đưa tin Paris đã rung chuông và London bắn pháo hoa để chúc mừng ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ thứ 46.

    Sau khi các hãng thông tấn lớn ở Mỹ khẳng định kết quả bầu cử Mỹ nghiêng về phe Dân chủ vào ngày 7/7 (giờ Mỹ), tờ The Hill đăng tải bài viết Fireworks in London, Edinburgh as Biden win celebrated abroad (tạm dịch: Pháo hoa ở London và Edinburgh chúc mừng chiến thắng của ông Biden).

    Cùng ngày, người dẫn chương trình Collin Jost của Saturday Night Live bình luận đầy ngụ ý trong chuyên mục Weekend Update: "Thử nghĩ xem một người hẳn phải rất tệ thì Paris mới rung chuông ăn mừng khi người đó thua chứ nhỉ?".

    Tuy nhiên, trang kiểm chứng thông tin Libération của Pháp cho biết tiếng chuông nghe được ở Paris không liên quan đến kết quả bầu cử Mỹ.

    Người dùng Internet tại Anh nhanh chóng chỉ ra rằng hai sự kiện vốn không liên quan đến nhau. ABC News sau đó đã xóa tweet nói trên.ABC News cũng viết trên Twitter: "Pháo hoa được bắn lên bầu trời ở London, Anh, sau khi Joe Biden được khẳng định là người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống".

    ban phao hoa bau cu
    Hội pháo hoa Guy Fawkes ở Anh. Ảnh: Getty.

    Vào đầu tháng 11 hàng năm, người Anh đối pháo hoa để đánh dấu kỷ niệm âm mưu cho nổ tung tòa nhà Quốc hội bằng thuốc súng bất thành của Guy Fawkes vào năm 1605.

    Ngày kỷ niệm chính thức là 5/11. Tuy nhiên, các đợt bắn pháo hoa thường xảy ra trước hoặc sau dịp này, đặc biệt khi năm nay ngày 5/11 rơi vào giữa tuần.

    Người dẫn chương trình Piers Morgan đã chiếu dòng tweet của ABC News trên sóng truyền hình Anh và nói đùa: "Chúng tôi đã ăn mừng chiến thắng của Joe Biden trong 500 năm qua, kể từ khi Guy Fawkes thất bại trong việc làm nổ tung tòa nhà Quốc hội".

  • Tuyên bố của giới truyền thông không quyết định ai là người chính thức sẽ trở thành tổng thống Mỹ, nhưng nó thường đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực và ít khi sai sót.

    Theo PolitiFact, lời "tuyên bố" của giới truyền thông không có giá trị pháp lý. Nó đơn giản là kết quả tốt nhất dựa trên tính toán số liệu mà các hãng tin có. Các hãng tin công bố người thắng cuộc khi số liệu cho thấy không còn cửa thắng cho ứng viên bị dẫn trước nữa.

    Vấn đề ở đây là nếu đợi kết quả chính thức của từng bang, ngày bầu cử sẽ biến thành tháng bầu cử.

    Luật liên bang cho các bang hơn một tháng sau bầu cử để chốt kết quả chính thức, để các quan chức bầu cử từng bang có đủ thời gian để kiểm tra các lá phiếu được bỏ với điều kiện trước đó. Hạn chót năm nay là ngày 8/12 để các bang tổng kết kết quả bầu cử của bang họ. Đến ngày 14/12, các đại cử tri mới chính thức bỏ phiếu để chọn ra tổng thống.

    Dù không có giá trị pháp lý, tuyên bố của giới truyền thông sẽ tạo nên nhận thức của công chúng rằng ai đã thắng, áp lực từ truyền thông và công chúng cũng thường thúc đẩy các ứng viên tuyên bố chiến thắng hoặc nhận thua, đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực, theo PolitiFact.

    ket qua bau cu 2
    Biên tập viên Steven Sloan, biên tập viên Ashley Thomas và trưởng văn phòng Washington Julie Pace của AP theo dõi kết quả bầu cử ngày 3/3. Ảnh: AP/ Jon Elswick.

    Vào cuộc bầu cử năm 2016, ông Donald Trump được các hãng tin công bố là người chiến thắng vào lúc 2h ngày 9/11, tức chỉ 2 tiếng sau khi ngày bầu cử kết thúc. Đến ngày 10/11, ông Trump - lúc đó đã được gọi là tổng thống tân cử - gặp tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama trong Nhà Trắng, cả hai cam kết một quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Tất cả quá trình đó diễn ra hàng tháng trời dù đến ngày 19/12, các đại cử tri mới chính thức bỏ phiếu.

    Tính toán của các hãng tin có thể sai, như vào năm 2000, khi các hãng thông tấn lớn đồng loạt dự báo rằng Al Gore sẽ thắng Florida (kết quả sau đó là George W. Bush thắng chỉ với 537 phiếu). Tuy nhiên, trong lịch sử hơn một thế kỷ "nói trước" kết quả bầu cử, các hãng tin ít khi sai.

    "Tổ quyết định" của AP

    Hãng tin Associated Press (AP) sẽ không dự đoán người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, hay thậm chí sẽ không gọi tên người có khả năng chiến thắng. AP chỉ đưa tin khi mọi chuyện đã chắc chắn - giống như mọi cuộc bầu cử Mỹ khác từ năm 1848, khi Zachary Taylor giành chiến thắng tại Nhà Trắng.

    Sally Buzbee, tổng biên tập AP, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: "Khi ứng cử viên xếp sau không có cách nào để bắt kịp, thì kết quả cuộc đua sẽ được quyết định. Và nếu có bất kỳ điều gì không chắc chắn hoặc có đủ khả năng thay đổi kết quả, chúng tôi sẽ không tuyên bố kết quả".

    Khi AP theo dõi cuộc cạnh tranh giữa Tổng thống Trump và ông Joseph R. Biden Jr., các quyết định của hãng sẽ không bị lung lay bởi các thế lực bên ngoài.

    "Các tuyên bố do các tổ chức khác thực hiện sẽ không ảnh hưởng gì việc AP tuyên bố một ứng cử viên là người chiến thắng", hãng tin này cho biết. "Chúng tôi không tham gia tranh luận với bất kỳ chiến dịch hoặc ứng cử viên nào".

    Lập trường này rất quan trọng trong một cuộc bầu cử hỗn loạn, trong đó hơn 90 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu trước Ngày bầu cử 3/11 vì đại dịch virus corona. Cuộc bầu cử trở nên phức tạp hơn nữa bởi những thông tin sai lệch được lan rộng và những tuyên bố sai lầm của ông Trump rằng cuộc bỏ phiếu đã bị "gian lận".

    Hãng AP đưa ra quyết định dựa trên báo cáo của hơn 4.000 phóng viên địa phương tự do, những người thu thập số phiếu bầu từ các thư ký ở mỗi quận của 50 bang.

    Các phóng viên địa phương đó sẽ gọi điện báo cáo kết quả cho các trung tâm tiếp nhận tin tức của AP. Sau đó hơn 800 nhân viên sẽ đánh giá dữ liệu, kiểm tra lại với các phóng viên nếu có bất kỳ sự bất thường nào trước khi nhập chúng vào hệ thống AP.

    Bà Buzbee cho biết sẽ có hai biên tập viên ký tên chấp thuận trong tuyên bố. Trưởng văn phòng của AP tại Washington Julie Pace sẽ phải ký tên khi gọi tên người chiến thắng trong cuộc đua tổng thống.Người theo dõi cuộc đua ở mỗi bang sẽ kiểm tra số lượng phiếu với một nhà phân tích tại nhóm của AP ở Washington để xác định khi nào người chiến thắng có thể được tuyên bố.

    Sức ảnh hưởng

    Với 250 văn phòng tại 99 quốc gia, AP cung cấp khoảng 730.000 bài báo, 70.000 video và một triệu bức ảnh mỗi năm cho hơn 15.000 trang báo và doanh nghiệp theo dõi trang.

    Vào thời điểm bầu cử, hãng tin trở thành tâm điểm chú ý khi các tổ chức tin tức lớn bao gồm NPR, PBS và hai tờ báo lớn Gannett, McClatchy đều đợi AP xác nhận trước khi đưa tin kết quả.

    Các trang báo khác, bao gồm New York Times, Wall Street Journal, Washington Post và Fox đều sử dụng dữ liệu từ AP để đưa ra quyết định. Google cũng sử dụng báo cáo kết quả bầu cử của AP để có kết quả theo thời gian thực trên trang tìm kiếm của mình cũng như bảng theo dõi trên Youtube.

    Những hãng tin khác như ABC, CBS, CNN và NBC có số liệu riêng, song sẽ chia sẻ thông tin với tư cách là thành viên của Nhóm Bầu cử Quốc gia - một nhóm sử dụng dữ liệu từ Edison Research.

    Arnie Seipel, chủ mục chính trị của NPR, cho biết: "AP đã cẩn thận và thận trọng khi kiểm phiếu và đưa tin về bầu cử trong hơn một thế kỷ. Họ cũng có một đội ngũ với nhiều nguồn lực để thực hiện thu thập và phân tích dữ liệu".

    "Vì vậy, bằng cách dựa vào AP, chúng tôi có thể đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào các báo cáo ban đầu, thay vì cố gắng sao chép những gì họ đã làm", Seipel nói thêm.

    Tại Mỹ - khác với các quốc gia khác khi không có uỷ ban bầu cử quốc gia - các kênh tin tức đóng vai trò là người tường thuật lại diễn biến cuộc đua.

    "Nếu chúng tôi muốn biết tổng thống tiếp theo là ai, chúng tôi phải tự mình tính toán số phiếu tại từng quận trên toàn quốc", David Scott, phó tổng biên tập của AP, cho biết trong một bài báo.

    Bà Buzbee, người đã làm việc tại thông tấn AP từ năm 1988 và trở thành biên tập viên hàng đầu của hãng vào năm 2017, cho biết các nhân viên nhận thức rõ về vai trò của hãng trong các cuộc bầu cử.

    "Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này", bà cho biết. "Chúng tôi biết ảnh hưởng toàn cầu của mình khi đưa tin về cuộc chạy đua tổng thống".

    AP là tổ chức tin tức đầu tiên tuyên bố Donald J. Trump là người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Hãng tin này đã đăng một thông báo đơn giản lúc 2:29 giờ sáng theo giờ miền Đông vào ngày sau Ngày bầu cử: "WASHINGTON (AP) - Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ".

    Vì đại dịch, hầu hết nhân viên của AP đã làm việc từ xa kể từ tháng 3. Ngày 3/11, khoảng 50 nhân viên cốt cán sẽ làm việc trong văn phòng Washington, thay vì 200 người như bình thường, theo bà Buzbee. Đồng thời, bữa tối sẽ được đóng thành từng hộp riêng thay vì ăn chung pizza như mọi khi.

    Sau khi tuyên bố người chiến thắng, AP sẽ công bố cách thu thập dữ liệu của mình. Theo bà Buzbee, điều này giúp làm sáng tỏ quy trình và không ai nghi ngờ sẽ có bí mật gì xảy ra.

  • Từ cuộc chiến pháp lý đến tranh cử một lần nữa, các kế hoạch thời hậu Nhà Trắng của ông Trump được dự đoán cũng bất thường như tính cách của ông.

    AFP cho rằng những điều có thể đoán biết chắc chắn về ông Trump sau nhiệm kỳ là không nhiều. Một là, Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ không yên vị với vai trò của một chính khách lớn tuổi hoặc dành nhiều thời gian để làm việc trong thư viện tổng thống truyền thống.

    Hai là, không giống như nhiều người tiền nhiệm của mình, ông Trump gần như là một chính khách “ngoại đạo” và vì thế, có thể ông không bận tâm và sẵn sàng rời khỏi Washington.

    “Tôi đã có một cuộc sống tươi đẹp trước đây”, ông Trump thường nói một cách tiếc nuối.

    Còn những kịch bản khác, AFP nhận định là không thể đoán trước.

    Ra mắt kênh truyền hình Trump

    Là một doanh nhân, sẽ không ngạc nhiên khi ông Trump có khuynh hướng tận dụng sự nổi tiếng khác thường của mình để kiếm tiền.

    Thương hiệu “Trump” là thành quả chính của ông trong nhiều năm. Theo lời luật sư lâu năm của ông Trump, Michael Cohen, người bị ông sa thải, cuộc tranh cử tổng thống 2016 vốn được xem là “cơ hội xây dựng thương hiệu” cho đến khi ông bất ngờ chiến thắng.

    Nhưng thay vì đầu tư nhiều vào các giao dịch bất động sản hơn, động thái tiếp theo có thể là truyền thông.

    tuong lai ong trump 1
    Tổng thống Trump là ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế The Apprentice trước khi đắc cử năm 2016. Ảnh: Getty

    Không ai có thể phủ nhận tổng thống có tài ăn nói. Tại vô số cuộc vận động, ông Trump gần như mê hoặc được đám đông khi biến những triết lý thành lời nói đùa.

    Nghe rất giống một người dẫn chương trình trò chuyện trên đài phát thanh cánh hữu của Mỹ. Ông ấy cũng trở thành ngôi sao, MC nổi tiếng trong serie truyền hình thực tế The Apprentice.

    Liệu ông ấy có thể vận dụng những kỹ năng đó để ra mắt kênh truyền hình Trump không? Ông Trump đã ám chỉ điều này khi liên tục phàn nàn về việc Fox News không đủ tầm là một kênh truyền hình cánh hữu.

    “Khán giả muốn cái gì đó mới lạ hơn. Tôi cũng thế!”, ông Trump nói, theo AFP.

    Cuộc chiến pháp lý

    Không kém phần hợp lý là kịch bản cựu Tổng thống Trump vướng vào các vấn đề pháp lý nghiêm trọng.

    Các công tố viên New York đang điều tra việc ông Trump giấu giếm trả tiền cho một ngôi sao khiêu dâm, cũng như các giao dịch kinh doanh rối rắm và những hoạt động kế toán khó hiểu của ông. Cùng với đó là các cáo buộc tấn công tình dục cũ.

    Là tổng thống, ông Trump gần như được bảo vệ khỏi việc truy tố. Nhưng một khi ra khỏi Nhà Trắng, ông sẽ dễ dàng bị sờ gáy. Trừ khi ông được tổng thống đắc cử Joe Biden miễn trừ như những gì Tổng thống Gerald Ford đã ban cho Richard Nixon sắp mãn nhiệm một lệnh ân xá năm 1974.

    Tám cộng sự thân cận của ông Trump, bao gồm những người từng là quản lý chiến dịch tranh cử năm 2016, luật sư và cố vấn an ninh quốc gia, đã bị truy tố hoặc bỏ tù vì các tội danh nghiêm trọng kể từ khi ông tiếp quản Nhà Trắng.

    tuong lai ong trump 1
    Roger Stone, cựu cố vấn an ninh quốc gia, đồng minh lâu năm của ông Trump thoát án tù hồi tháng 7 nhờ quyết định của tổng thống. Ảnh: Reuters.

    Lệnh ân xá

    Sau thất bại trong cuộc bầu cử, Tổng thống Trump vẫn còn 77 ngày tại vị. Việc ân xá cho tổng thống là không phức tạp về mặt pháp lý. “Như những gì ông ấy hình dung trong nhiệm kỳ tổng thống, ông ấy chỉ cần vẫy tay và thế là xong”, Quinta Jurecic, quản lý của blog Lawfare nói với Politico.

    Đó là quyền lực mà ông Trump đã sử dụng 28 lần trước đây, bao gồm việc giảm nhẹ bản án của Roger Stone - cựu chiến lược gia đảng Cộng hòa kiêm cộng sự thân cận của ông - vào tháng 7.

    Việc giảm án cho ông Stone cho thấy khả năng ân xá có ý nghĩa như nào trong việc xây dựng các mối quan hệ thời hậu tổng thống. Điều này sẽ đặc biệt hữu ích cho các vụ kiện mà ông Trump có thể phải đối mặt khi hết nhiệm kỳ.

    Tranh cử một lần nữa

    Trong thế giới lệch chuẩn của Tổng thống Trump, một lựa chọn có thể xảy ra là ông sẽ tái tranh cử vào năm 2024.

    Hiến pháp Mỹ không cho phép một người nắm giữ hơn hai nhiệm kỳ tổng thống, nhưng không quy định hai nhiệm kỳ phải liền nhau.

    Hầu như các tổng thống Mỹ đương nhiệm thường giành chiến thắng thêm 4 năm nữa như cựu Tổng thống Barack Obama, hoặc rút lui êm ái sau khi thua thuộc như cựu Tổng thống George H.W. Bush.

    Tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ phục vụ hai nhiệm kỳ không liên tục là Grover Cleveland (tổng thống thứ 22 và 24). Ông thất bại trong cuộc tái tranh cử năm 1888 nhưng đã giành lại chiến thắng năm 1892, đánh bại người khiến ông thua trước đó - cựu Tổng thống Benjamin Harrison.

    Những chuyến đi

    Có thể vị cựu tổng thống 74 tuổi đơn giản là muốn thoát khỏi mọi chuyện. Tuy điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng ông Trump đã vài lần bóng gió.

    Vào tháng 6 tại Nhà Trắng, ông ấy đã trầm ngâm về một chuyến đi trên chiếc RV với bà Melania. “Có lẽ tôi sẽ lái xe trở lại New York với đệ nhất phu nhân. Tôi nghĩ là tôi sẽ mua một chiếc RV và đi du lịch khắp nơi với đệ nhất phu nhân của chúng ta”.

    Ông Trump sẽ đi đâu?

    Tất nhiên, ông Trump có thể đi thẳng đến một trong các sân golf hoặc tòa tháp của mình. Hay như khi vận động trong cộng đồng hưu trí nổi tiếng The Villages ở Florida, ông nói đùa rằng có thể gia nhập hàng ngũ những người cao niên.

    “Tôi sẽ chuyển đến The Villages. Đó không phải ý tưởng tồi nhất. Tôi thích ý tưởng đó”, ông Trump nói.

    “Tôi sẽ không cảm thấy tốt lắm”, ông nói về nỗi nhục nhã nếu thua ông Biden. “Có lẽ tôi sẽ phải rời khỏi đất nước”.

    Hoặc cũng có thể tổng thống sẽ biến mất. Trong buổi vận động ở North Carolina hôm 19/9, ông nói đùa: “Nếu tôi thua ông ta, tôi không biết mình sẽ làm gì… Tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với mọi người nữa. Các bạn cũng sẽ không bao giờ gặp lại tôi nữa”.

  • Truyền thông châu Âu dường như vui mừng trước việc Biden đắc cử, nhưng cảnh báo ông đối mặt những thách thức to lớn trong việc hàn gắn nước Mỹ.

    Báo chí quốc tế cũng tập trung vào kỳ tích của Kamala Harris khi bà trở thành nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ. "Bình minh mới cho nước Mỹ", tiêu đề trên tờ Independent ở Anh, kèm theo bức ảnh Biden đứng cạnh Harris, và ca ngợi thành tích lịch sử của bà.

    Tờ Sunday Times đăng ảnh một phụ nữ da màu khoác lá cờ Mỹ đang ăn mừng, với dòng tiêu đề: "Joe gật gù đánh thức nước Mỹ", hàm ý chế nhạo Tổng thống Donald Trump bằng cách sử dụng biệt danh ông đặt cho Biden.

    Tờ Sunday People in hoa tiêu đề "CHÚA PHÙ HỘ NƯỚC MỸ".

    Tờ Bild của Đức đăng ảnh của Trump với tiêu đề: "Ra đi không phẩm giá", trong khi tờ Suddeutsche Zeitung thuộc phe cánh tả Đức đăng "Một sự giải phóng, một sự nhẹ nhõm". Tuy nhiên tờ này lưu ý Biden "thừa hưởng gánh nặng" và cảnh báo rằng việc Trump chấp nhận thất bại là "không thể tưởng tượng được".

    truyen thong chau au
    Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu chiến thắng tại trung tâm Chase ở Wilmington, Delaware hôm 7/11. Ảnh: AFP.

    Tờ báo trung hữu El Mundo của Tây Ban Nha cho rằng chiến thắng của Biden là lời tạm biệt với chủ nghĩa dân túy của Trump và mô tả Harris là "biểu tượng của sự đổi mới".

    Nhật báo lớn nhất Thụy Điển Dagens Nyheter đăng bài xã luận "Chiến thắng buồn vui lẫn lộn - Biden sẽ vật lộn để hàn gắn nước Mỹ". Bài báo mô tả cam kết đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường của Biden là "nhiệm vụ bất khả thi".

    "Kết quả bầu cử cho thấy một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc, và Biden sẽ khó thực hiện chương trình cải cách mà ông đã hứa với các cử tri nòng cốt của mình", tờ báo nhận định.

    Nhật báo bảo thủ Svenska Dagbladet của Thụy Điển cảnh báo về nguy cơ từ hàng triệu người Mỹ, những người tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp khỏi tay Trump, bằng bài báo với tiêu đề "Bầu cử đã kết thúc nhưng xung đột vẫn tiếp tục".

    "Một nửa đất nước, hoặc ít nhất một nửa những người đã bỏ phiếu, có thể vẫn còn cảm giác kéo dài rằng có điều gì đó rất sai sau nhiều tháng chiến đấu và đặt nghi vấn về cuộc bầu cử. Họ cho rằng bản thân hệ thống bầu cử bị gian lận và không thể tin cậy được", bài báo nêu vấn đề.

    Tại Australia, tờ Daily Telegraph thuộc sở hữu của đế chế truyền thông Rupert Murdoch cũng tập trung vào thách thức pháp lý của Trump và mô tả ông là "quả cầu nóng giận". "Trump đơn giản là sẽ không chấp nhận sự bẽ mặt của việc ông đại bại trước đối thủ mà ông luôn cho là yếu ớt và không đáng để đấu", theo bài báo.

    Các hãng truyền thông hàng đầu của Brazil cũng đưa tin Trump thất cử trong bối cảnh tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của họ Jair Bolsonaro cũng tìm cách giảm thiểu các thể chế dân chủ và bác bỏ các sự kiện dựa trên khoa học. Theo tờ Folha de Sao Paulo, thất bại của Trump là bài học cho Bolsonaro.

    Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Trump thực hiện nhiều chính sách theo chủ nghĩa dân tộc "Nước Mỹ trước tiên", đồng thời tấn công không ngừng vào chủ nghĩa đa phương và thỏa thuận quốc tế. Ông có quan điểm và chính sách bất đồng với nhiều nước châu Âu trong các vấn đề như Hiệp định Khí hậu Paris, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông nhiều lần cho rằng Mỹ phải gánh vác chi phí quốc phòng cho các đồng minh châu Âu và yêu cầu họ tăng ngân sách để chia sẻ với Washington.

    Mối quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) càng trở nên xa cách sau khi ông Trump sa thải đại sứ Mỹ ở EU Gordon Sondland, quan chức làm chứng chống lại ông trong bê bối xem xét bãi nhiệm. Nhiều người cho rằng dưới thời Trump, quan hệ Mỹ - châu Âu thấp kỷ lục.

  • CNN, Reuters, NBC, CBS, Fox News vừa đồng loạt đưa tin ông Joe Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sau khi chiến thắng tại bang Pennsylvania. Hãng tin AP, Edison Research cũng vừa thông báo ông Joe Biden chiến thắng ở Pennsylvania.

    ong biden thang cu 1
    Các hãng tin đồng loạt xướng tên ông Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ - Ảnh: REUTERS

    Khuya 7-11 (giờ Việt Nam), đồng loạt các hãng tin lớn thông báo ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 46 với tỉ lệ phiếu: 284 - 214.

    Bất chấp nhiều khiếu nại về gian lận phiếu bầu và cuộc chiến pháp lý mà nhóm tranh cử của ông Trump đưa ra, ông Joe Biden đã được các hãng tin xướng tên là tổng thống mới của Mỹ.

    Ông Joseph R. Biden Jr., 77 tuổi, là ứng viên lớn tuổi nhất được bầu vào Nhà Trắng.

    Ông Joe Biden từng dành 8 năm làm phó tướng cho Tổng thống Barack Obama và chiến thắng đến với ông trong lần thứ 3 ra tranh cử chức vụ quyền lực nhất nước Mỹ.

    ong biden thang cu 1

    The Guardian nói "Người dân Mỹ đã thay một nhà kinh doanh bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế không có kinh nghiệm chính trị bằng một người đã có gần 50 năm trong sự nghiệp chính trị và hai lần tranh cử không thành công. 

    Không lâu sau thông tin về việc ông Biden giành chiến thắng ở bang Pennsylvania, và đủ điều kiện để đắc cử tổng thống Mỹ, các tổ chức truyền thông như hãng tin AP, Đài CNN, báo New York Times,... đồng loạt tô xanh bang Nevada, tuyên bố ông Biden giành thêm 6 phiếu đại cử tri của bang này, nâng tổng số phiếu hiện tại của ông lên 279.

    Với tỉ lệ cử tri đi bầu dự kiến đạt mức cao nhất trong lịch sử. Nước Mỹ vốn đang chia rẽ đã bầu ra người hứa sẽ cầm quyền không phải với tư cách đảng viên Dân chủ mà là "Tổng thống Mỹ" - thề sẽ thống nhất 4 năm biến động dưới quyền ông Trump".

    Tổng thống đắc cử Joe Biden vừa có phát biểu cảm ơn sự ủng hộ của người dân Mỹ. "Tôi rất vinh dự và khiêm nhường trước sự tin tưởng mà người dân Mỹ đã trao cho tôi và Phó tổng thống Harris", ông Biden nói.

    "Trước những trở ngại chưa từng có, một số lượng cử tri cao kỷ lục đã đi bỏ phiếu. Điều này lần nữa minh chứng rằng nền dân chủ nằm sâu trong trái tim nước Mỹ". 

    Ông Biden lên tiếng kêu gọi đoàn kết trong thời điểm nhiều khủng hoảng này. 

    "Khi chiến dịch kết thúc, đã đến lúc trút bỏ sự tức giận và những lời lẽ gay gắt và xích lại gần nhau như một quốc gia", ông Biden nói. "Chúng ta là Hoa Kỳ. Không có gì chúng ta không thể làm nếu chúng ta làm cùng nhau".

    Bà Kamala Harris cũng có lời kêu gọi đoàn kết trên Twitter. "Cuộc bầu cử này có ý nghĩa hơn cả Biden hay tôi. Đó là linh hồn của nước Mỹ và việc sẵn sàng chiến đấu cho nó", bà Harris nói. "Chúng ta còn rất nhiều việc ở phía trước. Hãy bắt đầu".

    ong biden thang cu 1
    Bà Kamala Harris

    Như vậy, bà Kamala Harris sẽ là phó tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.

    Bà Harris cũng sẽ là phó tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

    Bà Harris là thượng nghị sĩ bang California từ năm 2017. Bà là con gái một người nhập cư gốc Jamaica và Ấn Độ. Bà cũng là người Mỹ gốc Ấn đầu tiên và là người phụ nữ da màu thứ hai trong lịch sử giữ chức thượng nghị sĩ.

  • Đài CBS cho biết ông Trump xem truyền hình nhiều, bày tỏ giận dữ và thất vọng bên trong Nhà Trắng khi nhiều đồng minh không đứng về phía ông, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chưa ngã ngũ.

    nha trang hau bau cu
    Quang cảnh bên ngoài Nhà Trắng ở thủ đô Washington vào ngày bầu cử 3-11-2020 - Ảnh: AP

    Bên ngoài Nhà Trắng ngay lúc này, có thể nói hàng triệu con mắt, không chỉ tại Mỹ mà còn tại nhiều nước khác, đang đổ dồn về các bản đồ bầu cử được các hãng cập nhật. Từ Đài Fox News, CNN cho tới Hãng tin AP, Hãng tin Reuters... đa số đang chững lại, chưa cho thấy ứng viên nào đạt đủ tối thiểu 270/538 phiếu đại cử tri để thắng.

    Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào các bản đồ bầu cử lúc 12h ngày 7-11 (giờ Việt Nam), lợi thế đang nghiêng về ông Biden khi ông đã đạt 264 phiếu đại cử tri (theo Đài Fox News) hay 253 phiếu đại cử tri (theo Hãng tin Reuters, Đài CNN), còn ông Trump chỉ mới 214 phiếu. Hai ứng viên đang theo sát nhau tại các bang chiến trường cuối cùng như Pensylvania, Georgia...

    Trong lúc đó, không khí bên trong Nhà Trắng ra sao? Theo Đài CBS (Mỹ) và Đài BBC (Anh), các quan chức Nhà Trắng nói rằng hiện Tổng thống Trump giận dữ và thất vọng khi có nhiều đồng minh không đứng về phía ông trên truyền hình hoặc trên trên đường phố.

    "Ông xem truyền hình nhiều, thực hiện nhiều cuộc gọi và phân chia thời gian của mình qua lại giữa Phòng Bầu dục (khu làm việc của tổng thống ở cánh Tây của Nhà Trắng) và khu dinh thự Nhà Trắng" - Đài CBS cho biết.

    Trước đó, tạp chí Vanity Fair tiết lộ vào đêm 3-11, ông Trump đã gọi điện cho ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, người đứng sau công ty Fox (kiểm soát Fox News), "để la hét về việc Fox News (vốn thân ông Trump) dự đoán Arizona nghiêng về Biden và yêu cầu rút lại dự đoán". Tuy nhiên ông Murdoch đã từ chối.

    Còn Đài CNN cho biết các nguồn tin thân Nhà Trắng nói rằng một số quan chức cấp cao bên trong Nhà Trắng và chiến dịch tranh cử của ông Trump đang bắt đầu lặng lẽ rời bỏ Tổng thống Trump nhằm tự bảo vệ bản thân khi tình hình kiểm phiếu tại Pennsylvania và Georgia cho thấy ông Trump có khả năng sẽ không đắc cử.

    "Kết thúc rồi" - một cố vấn quan trọng trong chính quyền ông Trump - nói. Theo CNN, ngoài câu hỏi liệu ông Trump sẽ thừa nhận thất bại hay không, người này nói rằng hiện có những lo ngại về việc ông Trump sẽ làm gì tiếp.

    Theo BBC, một số trợ lý đã không đến làm việc hôm 6-11 và Nhà Trắng được mô tả là "rất trống" trong một tâm trạng u ám.

    Hai đài này cho biết ông Trump đã bắn tín hiệu với các cố vấn cấp cao rằng ông sẽ tiếp tục đưa ra các thách thức pháp lý với kết quả bầu cử, mặc dù vẫn không có chiến lược cho việc kiện tụng như vậy. Các trợ lý cho rằng đây là điều lẽ ra nên được nghĩ đến cách đây nhiều tháng.

    Theo Đài BBC, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump mô tả tâm trạng của ông hôm 6-11 là "ở nơi đâu đó giữa buồn rầu và hi vọng". Nguồn tin này nói rằng ông Trump từng "là người cuối cùng nghĩ ông có thể chiến thắng hồi năm 2016".

    Hôm 5-11, Tổng thống Trump đã có bài phát biểu tại Nhà Trắng. Ông tuyên bố nếu các phiếu bầu "hợp pháp" được kiểm đếm, ông sẽ chiến thắng cuộc bầu cử năm nay. Hãng tin Reuters đánh giá đây là một tín hiệu cho thấy ông Trump không muốn nhượng bộ ông Biden.

  • Sau khi truyền thông Mỹ gọi tên ông Joe Biden là tổng thống đắc cử năm 2020, Tổng thống Donald Trump từ chối chấp nhận kết quả này.

    CNBC News đưa tin Tổng thống Donald Trump từ chối nhượng bộ cuộc bầu cử sau khi NBC News và các trang tin khác dự đoán rằng ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã đánh bại ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020.

    “Thực tế đơn giản là cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc”, ông Trump nói trong một tuyên bố được đưa ra chỉ vài phút sau khi NBC dự đoán rằng ông Joe Biden sẽ trở thành tổng thống đắc cử.

    “Joe Biden đã không được chứng nhận là người chiến thắng ở bất kỳ bang nào, chưa nói đến bất kỳ bang nào trong số các bang có tranh chấp cao hướng đến việc kiểm phiếu bắt buộc hoặc các bang mà chiến dịch của chúng tôi có những thách thức pháp lý hợp lệ và hợp pháp có thể xác định người chiến thắng cuối cùng”, ông Trump nói trong tuyên bố.

    Ông Trump nói rằng đến hôm 9/11, đội ngũ của ông sẽ bắt đầu “khởi tố vụ việc tại tòa án để đảm bảo luật bầu cử được tuân thủ đầy đủ”.

    ong trump khong nhan thua
    Tổng thống Donald Trump đến phát biểu trong phòng họp báo Brady tại Nhà Trắng ở Washington, DC hôm 5/11. Ảnh: Getty.

    Vào hôm 7/11 (giờ địa phương), NBC và loạt các trang tin Mỹ khác đã dự đoán rằng ông Biden sẽ trở thành tổng thống đắc cử kỳ thứ 46.

    Được biết, ông Trump đã đến câu lạc bộ gôn tư nhân của mình ở Sterling, bang Virginia, chưa đầy 2 giờ trước khi đối thủ của mình được xướng tên.

    Tổng thống Trump và những người đại diện của ông trước đó đã khởi động các vụ kiện ở nhiều bang quan trọng, bao gồm cả Pennsylvania và Michigan, và đã báo hiệu rằng họ có kế hoạch thúc giục kiểm phiếu lại tại các bang này.

    Ông Trump đã đưa ra những cáo buộc về gian lận bầu cử ở các bang quan trọng, bất chấp sự phản đối liên tục từ các quan chức bầu cử và thẩm phán trong nhiều phiên tòa. Khi phiếu bầu ở các bang quan trọng dường như đang ủng hộ Biden trong những ngày sau hôm 3/11, ông Trump thậm chí còn yêu cầu các bang ngừng kiểm phiếu.

    “Rõ ràng là ông ấy sẽ không nhượng bộ khi có ít nhất 600.000 lá phiếu đang trong diện nghi vấn", luật sư của Tổng thống Trump, cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani, cho biết trong một cuộc họp báo ở Philadelphia vào 7/11.

    Nguồn: CNBC News

  • Ông Joe Biden vừa đắc cử trong lần thứ 3 tham gia cuộc đua tổng thống Mỹ và lần đầu ở vị trí một triệu phú USD. Ông Biden hiện sở hữu khối tài sản 9 triệu USD, theo Forbes.

    Joe Biden (20/11/1942), sinh ra tại thành phố Scranton, bang Pennsylvania, mảnh đất sinh sống của đa số dân lao động tay chân. Cha ông là Joseph Biden Sr., kiếm tiền nuôi gia đình bằng công việc vệ sinh ống khói và bán xe cũ. 

    Năm Biden lên 13 tuổi, gia đình ông chuyển đến sống ở bang Delaware. Đây được xem là mảnh đất đánh dấu cho sự nghiệp chính trị sau này của ông. Trong hai năm theo học tại Đại học Delaware, Joe Biden đã phát triển niềm đam mê với chính trị, một phần do được truyền cảm hứng từ lễ nhậm chức của tổng thống John F. Kennedy vào năm 1961. 

    biden gianh chien thang

    Năm 1972, với sự khích lệ mạnh mẽ từ đảng Dân chủ, chàng trai 29 tuổi đã đại diện bang Delaware tham gia tranh cử thượng nghị sĩ với chính khách Cộng hòa J. Caleb Boggs. Tháng 11 năm đó, ông bất ngờ giành chiến thắng và trở thành thượng nghị sĩ trẻ thứ 5 trong lịch sử Mỹ. 

    Đây được xem là bước tiến quan trọng trong sự nghiệp chính trị của thượng nghị sĩ xứ Delaware. Thời gian sau đó, với cương vị là một trong những nhà lập pháp Dân chủ nổi bật nhất Washington, Joe Biden quyết định ra tranh cử tổng thống vào các năm 1988 và 2008, và cuối cùng giữ chức phó tổng thống trong 2 nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

    Dù không giàu có như Donald Trump, ông cũng là một triệu phú nổi bật trong giới chính trị Mỹ. Forbes ước tính tính đến tháng 7/2019, ông Biden và vợ sở hữu khối tài sản trị giá 9 triệu USD. Một phần trong số đó đến từ lương thượng nghị sĩ của ông. .

    Tính tới năm 2009, năm cuối cùng tại Thượng viện, ông Biden có mức lương vào khoảng 169.000 USD. Con số này tăng khoảng 30%, lên mức 225.000 USD mỗi năm. Ngoài ra, vợ chồng ông cũng được hưởng gần 500.000 USD tiền lương hưu và trợ cấp xã hội trong suốt 8 năm ông giữ cương vị phó tổng thống. 

    Gia đình nhà ông Biden cũng đầu tư nhiều vào bất động sản nhờ tiền bản quyền béo bở 15 triệu USD đến từ 2 cuốn sách "Promises to Keep" phát hành năm 2008 và cuốn "Promise me, Dad” phát hành năm 2017. Ngoài ra, ông còn có vị trí tại Đại học Pennsylvania danh tiếng với mức lương 400.000 USD mỗi năm. 

    Dù vậy, khối tài sản của vợ chồng nhà Biden chủ yếu có được trong khoảng thời gian ông rời nhiệm sở. Theo Forbes, ông kiếm được 11 triệu USD ngay sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2017. Năm 2018, ông có thêm 4,5 triệu USD và con số này vào năm 2019 là 1 triệu USD, trước khi ông chính thức tuyên bố ứng cử tổng thống. 

    Vào cuối năm 2019, Joe Biden trở thành ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng với đổi thủ đảng Cộng Hòa là ông Donald Trump. 

    Đây là lần thứ 3 ông Biden đặt mục tiêu bước chân vào Nhà Trắng, cũng là cuộc đua tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo New York Times, kỳ tổng tuyển cử năm nay có thể tiêu tốn tới 14 triệu USD, tỷ trọng lớn đến từ chiến dịch của ứng viên Dân chủ Joe Biden nhằm đánh bại ông Donald Trump. 

    Chiến dịch tranh cử của ông Biden nhận được sự ủng hộ của giới giàu có hơn cả. Theo Forbes, tính đến tháng 9/2020, 150 tỷ phú đã quyên góp trực tiếp cho chiến dịch của ông Biden hoặc cho các ủy ban gây quỹ liên kết với ông, với tổng số tiền lên tới 568,9 triệu USD. 

    Trong khi đó, con số tương ứng với ông Trump là 107 tỷ phú và 248,6 triệu USD. Ứng viên Dân chủ theo đó bước vào tháng 10 với ngân sách tranh cử nhiều hơn ông Trump đến 180 triệu USD. 

    Vào trưa ngày 7/11 (giờ Mỹ), trong lúc đang ở nhà với gia đình tại nhà riêng ở bang Delaware, ông Joe Biden nhận được thông báo các hãng tin dự đoán ông là người chiến thắng ở Pennsylvania và sẽ đánh bại ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, theo CNN. Các hãng thông tấn cũng đã chính thức xướng tên ông Joe Biden là tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Theo tính toán của AP, ông Biden giành được 284 phiếu đại cử tri.

     

  • Trước khi các hãng tin công bố người đắc cử, Tổng thống Trump đã đến sân golf ở Sterling, bang Virginia. Sau đó, ông quay về Nhà Trắng với vẻ mặt cau có.

    Trước khi các hãng tin công bố người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, Tổng thống Donald Trump đã rời Nhà Trắng để đi đánh golf. Đây là lần đầu tiên ông rời khỏi tòa nhà kể từ sau đêm bầu cử.

    Ông Trump - mặc quần đánh golf, áo gió và một mũ lưỡi trai màu trắng với dòng chữ "Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại" - rời Nhà Trắng vào khoảng 10h ngày 7/11. Ông dùng xe SUV bọc thép đậu bên ngoài Nhà Trắng.

    trump cau co 1
    Ông Trump quay lại Nhà Trắng sau khi bị tuyên bố thua cuộc. Ảnh: Reuters

    Không lâu sau đó, nhiều hãng tin và báo đài Mỹ đồng loạt tuyên bố đối thủ của ông Trump, cựu Phó tổng thống Joe Biden, là người đắc cử trong cuộc đua Nhà Trắng năm nay.Vào gần 11h ngày 7/11, Tổng thống Trump đến sân golf ở Sterling, bang Virginia.

    Các phóng viên Nhà Trắng cho biết cả người ủng hộ và phản đối tổng thống đã tập trung bên ngoài câu lạc bộ golf ở Virginia vào lúc đó. Một số người cầm bảng ghi "You're fired" ("Bạn đã bị sa thải").

    trump cau co 1
    Tổng thống Trump không công nhận chiến thắng của đối thủ. Ảnh: Reuters

    Ông Trump trở về Nhà Trắng lúc 15h13 ngày 7/11. Các bức ảnh hãng tin Reuters chụp được cho thấy vẻ mặt của tổng thống Mỹ rất khó chịu.

    "Quan sát viên không được phép vào phòng đếm. Tôi thắng bầu cử, với 71 triệu phiếu bầu hợp lệ. Những điều tồi tệ đã xảy ra mà các quan sát viên không được thấy. Những điều chưa từng xảy ra. Hàng triệu phiếu bầu qua thư được gửi đến những người chưa từng yêu cầu chúng!", tổng thống viết trên Twitter sau khi quay về Nhà Trắng.

    Tuyên bố này không đưa ra bằng chứng gì, và Twitter đã dán nhãn "thông tin bị tranh cãi", điều mà nền tảng này làm với nhiều tweet khác của ông Trump những ngày gần đây.

    trump cau co 1
    Ông Trump khá cau có khi quay lại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

    Ông Trump vẫn không công nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden và tuyên bố cuộc bầu cử vẫn chưa kết thúc. Các luật sư của ông Trump nói họ sẽ khởi kiện hành vi "gian lận bầu cử", mặc dù không đưa ra bằng chứng.

  • Trong lúc cuộc đua giữa ông Donald Trump và Joe Biden đang căng thẳng, một số cư dân mạng đang lan truyền tin đồn rằng bút dạ có thể đã làm hỏng phiếu bầu cho ông Trump tại bang Arizona.

    but da
    Bút dạ Sharpie bị đồn có thể làm hỏng phiếu bầu (Ảnh minh họa: Getty)

    Theo AP, mạng xã hội tại Mỹ đang lan truyền thuyết âm mưu rằng phiếu bầu của những người sử dụng bút dạ Sharpie có thể đã bị hỏng và không được tính tại bang Arizona. Tuy nhiên, giới chức bang này đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này.

    Theo những người lan truyền tin đồn, các quan chức bầu cử ở hạt Maricopa đã cung cấp cho các cử tri bút dạ Sharpie để điền vào phiếu bầu. Họ nghi ngờ đây là hành động can thiệp bầu cử nhằm làm hỏng những lá phiếu dành cho Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

    Theo tin đồn này, những lá phiếu điền bằng bút dạ Sharpie sẽ khiến cho máy quét loại bỏ, không đếm.  

    Phía cơ quan bầu cử Arizona xác nhận bút dạ Sharpie đã được sử dụng trong quá trình bỏ phiếu, nhưng nhấn mạnh loại bút này sẽ không làm phiếu bầu bất hợp lệ. Trước đó, hạt Maricopa vào ngày 3/11 còn thông báo trên Twitter rằng các cơ sở bỏ phiếu dùng bút Sharpie để mực không bị nhòe khi kiểm đếm.  

    Ngoài ra, Sophia Solis, nhân viên truyền thông của bang Arizona, khẳng định dù phiếu bầu có vấn đề thì nó cũng sẽ không bị hủy bỏ. Bà Solis nói trường hợp phiếu bầu bị liệt kê là hủy bỏ thường xảy ra khi cử tri muốn bỏ phiếu mới và thay phiếu ban đầu.

    Clint Hickman, Chủ tịch của Hội đồng Giám sát Quận Maricopa - một người theo đảng Cộng hòa, cho biết các quan chức bầu cử đã thử nghiệm nhiều loại bút với máy kiểm phiếu và “Sharpie được khuyến nghị sử dụng bởi nhà sản xuất vì nó có loại mực nhanh khô nhất”.

    Ngoài ra, theo hướng dẫn thủ tục bầu cử của Arizona, các quan chức bầu cử sẽ sao chép các lá phiếu mà máy không thể đọc được trong trường hợp phiếu bị hỏng hoặc nhòe mực.

    Các đoạn video lan truyền tin đồn về bút Sharpie được chia sẻ rộng rãi trên TikTok. Ứng dụng video này sau đó tuyên bố những tin đồn về Sharpie đã vi phạm chính sách của TikTok về lan truyền thông tin gây hiểu lầm về bầu cử và sẽ bị gỡ xuống. Facebook cũng tuyên bố chặn hashtag #Sharpiegate.

    Tuy nhiên, một số chính trị gia ở Arizona vẫn bày tỏ sự hoài nghi về tin đồn liên quan tới bút Sharpie. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Paul Gosar hôm 4/11 tuyên bố ông đã liên hệ với văn phòng Tổng chưởng lý bang Arizona Mark Brnovich.

    Văn phòng ông Brnovich sau đó đã gửi thư tới các quan chức bầu cử hạt Maricopa vào cùng ngày để yêu cầu câu trả lời liên quan tới những câu hỏi như: cơ sở bầu cử nào dùng bút Sharpie và bao nhiêu phiếu bầu bị hủy liên quan tới loại bút này.

    Một phụ nữ tên là Laurie Aguilera ở Phoenix đã đệ đơn kiện cáo buộc máy kiểm phiếu không ghi nhận phiếu bầu của bà vì bà dùng bút Sharpie do hạt cung cấp. Đơn kiện nói rằng Aguilera đã yêu cầu nhân viên bầu cử cho bà một tờ phiếu mới, nhưng họ từ chối.

    Aguilera mong muốn tòa án ban hành lệnh cho phép toàn bộ cử tri hạt Maricopa có phiếu bầu bị hủy bỏ do dùng bút Sharpie được phép sửa lại phiếu bầu. Aguilera cũng yêu cầu tòa án cho phép những cử tri trên có mặt khi các quan chức bầu cử kiểm đếm phiếu của họ.

    Cuộc cạnh tranh giữa ông Trump và đối thủ Biden tại bang Arizona đang gây chú ý. Ban đầu, ông Biden được tuyên bố chiến thắng tại bang này sau khi hơn 98% số phiếu được kiểm. Tuy nhiên, một sai sót về số liệu đã được phát hiện và sau đó giới chức bang cho biết trên thực tế mới 84% số phiếu được kiểm. 

    Kết quả kiểm phiếu mới nhất cho thấy ông Biden vẫn đang dẫn ở Arizona, nhưng khoảng cách đã bị thu hẹp lại. Với 11 phiếu đại cử tri, ai chiến thắng ở bang này sẽ cộng cửa hơn để vào Nhà Trắng.

  • Cử tri Mỹ có thể phải chứng kiến một cuộc chiến pháp lý kéo dài và căng thẳng giữa 2 ứng viên Donald Trump và Joe Biden nếu ông Biden giành đủ 270 phiếu cử tri để đắc cử tổng thống.

    kien tung trump biden
    Hai ứng viên tổng thống Mỹ (Ảnh: Getty)

    Bầu cử tổng thống Mỹ chưa thể khép lại khi kết quả chưa ngã ngũ, thậm chí phía trước còn là một cuộc chiến pháp lý dai dẳng với việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố đề nghị Tòa án Tối cao can thiệp và đã đâm đơn kiện các bang chiến trường nhằm ngăn chặn việc kiểm phiếu sau bầu cử.

    Theo các hãng tin Aljazeera và Guardian, dưới đây là những kịch bản nếu xảy ra một cuộc chiến pháp lý liên quan đến kết quả bầu cử.

    Đệ đơn lên Tòa án Tối cao

    Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy cuộc chạy đua sít sao giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Joe Biden. Ông Biden hiện giành 264 phiếu đại cử tri, ông Trump giành 214 phiếu. Cuộc đua tiếp tục gay cấn khi 3 bang chiến trường và 2 bang khác tiếp tục kiểm phiếu.

    Chiến dịch của Tổng thống Trump đã đâm đơn kiện lên tòa án tại các bang Michigan, Pennsylvania và Georgia vì cho rằng việc các bang này tiếp tục kiểm phiếu bầu qua thư sau ngày bầu cử là phạm luật. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ đề nghị Tòa án Tối cao can thiệp để ngăn các bang tiếp tục kiểm phiếu sau bầu cử.

    Một kết quả sít sao có thể kéo theo các vụ kiện liên quan đến việc bỏ phiếu hoặc kiểm phiếu ở các bang chiến trường. Các vụ kiện này ban đầu sẽ đệ trình ở tòa án cấp địa phương trước khi có thể đưa lên Tòa án Tối cao. Điều này từng xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2000 khi kết quả bầu cử giữa ứng viên Cộng hòa George W. Bush và ứng viên Dân chủ Al Gore gây tranh cãi ở Florida.

    Chỉ vài ngày trước bầu cử, ông Trump đã bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao, giúp tăng số thẩm phán bảo thủ trong Tòa án Tối cao lên 6 trong tổng số 9 thẩm phán. Động thái này được cho là sẽ mang lại lợi thế cho ông Trump trong trường hợp xảy ra các tranh cãi về kết quả bầu cử.

    Mặc dù theo luật bầu cử Mỹ, tất cả các lá phiếu hợp lệ phải được kiểm đếm và thực tế nhiều bang mất nhiều ngày để hoàn tất quy trình này, song ông Trump hôm 4/11 tuyên bố: "Chúng tôi muốn luật pháp phải được tuân thủ. Vì vậy, chúng tôi sẽ khiếu nại lên Tòa án Tối cao. Chúng tôi muốn ngừng toàn bộ việc kiểm phiếu".

    Giới chuyên gia cho rằng, Tòa án Tối cao có thể không giúp được ông Trump trong trường hợp này. Để khởi động cuộc chiến pháp lý, chiến dịch của ông Trump trước hết phải đệ đơn lên tòa án địa phương, và tiếp đó là tòa án liên bang trước khi đưa lên Tòa án Tối cao. Vụ kiện chỉ được tiếp nhận trong trường hợp phiếu bầu không hợp lệ và điều quan trọng là ông Trump có đưa ra được cơ sở, bằng chứng để khởi động phiên tòa hay không.

    Quốc hội giải quyết tranh chấp liên quan đến Đại cử tri đoàn

    Theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống không được bầu ra trực tiếp bằng phiếu phổ thông (phiếu do cử tri bỏ) mà dựa vào lá phiếu của đại cử tri. Một ứng viên nếu giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri trong tổng số 538 phiếu đại cử tri sẽ trở thành tổng thống. 538 đại cử tri hay còn gọi là Đại cử tri đoàn này đại diện cho 50 tiểu bang và Đặc khu Columbia. Số đại cử tri của mỗi bang được phân bổ theo số nghị sĩ tại quốc hội Mỹ của từng bang (vốn được phân theo dân số của mỗi bang).

    Năm nay, Đại cử tri đoàn sẽ nhóm họp và bỏ phiếu vào ngày 14/12. Thông thường, các thống đốc sẽ xác nhận kết quả bỏ phiếu ở bang của mình và chia sẻ thông tin với Quốc hội. Quốc hội sẽ họp vào ngày 6/1 để kiểm phiếu và xướng tên người chiến thắng.

    Một số học giả đưa ra kịch bản mà thống đốc và cơ quan lập pháp bang đệ trình quốc hội hai kết quả khác nhau. Trong trường hợp này không rõ quốc hội sẽ chấp nhận kết quả của thống đốc bang hay không tính đại cử tri của bang đó nữa.
    Theo các chuyên gia, kịch bản này khó xảy ra nhưng không phải không có tiền lệ. Ở các bang chiến trường Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và North Carolina, thống đốc là người của đảng Dân chủ trong khi cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát.

    Năm 1887, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật về đại cử tri. Theo đạo luật, nếu thống đốc và cơ quan lập pháp bang xác nhận 2 đại cử tri khác nhau, Hạ viện và Thượng viện sẽ biểu quyết riêng rẽ chọn đại cử tri nào. Nếu cả hai viện không thể tìm được tiếng nói chung, các chính đảng có thể đề nghị Tòa án Tối cao can thiệp.

    “Bầu cử ngẫu nhiên”

    Trong trường hợp cả hai ứng viên đều không giành tối thiểu 270 phiếu đại cử tri để đắc cử, Tu chính án 12 của Hiến pháp Mỹ sẽ được kích hoạt. Hạ viện sẽ bầu ra tổng thống trong số 3 ứng viên có nhiều phiếu đại cử tri nhất. Khi đó mỗi bang sẽ có một lá phiếu trong Hạ viện, ứng viên nào giành được ít nhất 26 phiếu trong số 50 phiếu của 50 bang sẽ được coi là đắc cử.

    Tuy nhiên, nếu trước ngày 20/1/2021 (ngày diễn ra lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống và phó tổng thống), phó tổng thống vừa đắc cử sẽ làm quyền tổng thống. Trong trường hợp cũng chưa chọn được phó tổng thống đắc cử, Chủ tịch Hạ viện sẽ là quyền tổng thống. Hạ viện được quyền bỏ phiếu lại cho đến thời hạn 4/3/2021.

  • Trong khi ông Joe Biden giành 264 phiếu đại cử tri, cơ hội để ông Donald Trump tái đắc cử hẹp dần, nhưng không phải không còn.

    Theo kết quả bầu cử Mỹ tính đến 8h ngày 5.11 theo giờ Việt Nam, ông Joe Biden có 264 phiếu đại cử tri, chỉ thiếu 6 phiếu để đạt mốc 270 phiếu cần thiết, trong khi ông Donald Trump mới có 214 phiếu - theo số liệu của Fox News.

    Các bang chưa công bố kết quả tính đến thời điểm này là Pennsylvania (20 phiếu), Bắc Carolina (15 phiếu), Georgia (16 phiếu), Alaska (3 phiếu) và Nevada (6 phiếu).

    Như vậy, để có thể giành được nhiệm kỳ 2, ông Donald Trump buộc phải thắng tất cả các bang còn lại nói trên (khi đó sẽ được 274 phiếu), hoặc tất cả các bang trừ Alaska (khi đó có 271 phiếu).

    co hoi nao cho trump

    Trên bản đồ phiếu đại cử tri hiện tại của Fox News, các bang Pennsylvania, Bắc Carolina, Georgia và Alaska đang màu hồng, tức là ông Donald Trump đang tạm dẫn trước ông Joe Biden về số phiếu bầu. Duy chỉ có bang Nevada đang xanh nhạt, tức là ứng viên đảng Dân chủ đang dẫn trước.

    Với 75% số phiếu đã được kiểm ở Nevada, ông Joe Biden được 49,3%, ông Donald Trump được 48,7%.

    Như vậy, bang Nevada có thể là bang quyết định kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Thắng bang này, ông Joe Biden đạt đủ 270 phiếu cần thiết để trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, đồng nghĩa với việc dập tắt cơ hội tái đắc cử của ông Donald Trump.

    Vậy khi nào Nevada công bố kết quả kiểm phiếu? Quan chức bầu cử hàng đầu ở quận lớn nhất của Nevada cho biết, sẽ không cập nhật kết quả mới nào cho đến 9 giờ sáng ngày 5.11 theo giờ địa phương (22 giờ ngày 5.11 theo giờ Hà Nội).

    “Chúng tôi biết rằng mọi người đều muốn có kết quả càng nhanh càng tốt, nhưng điều quan trọng hơn là phải tỉ mỉ trong việc xác minh các lá phiếu và thực hiện một bảng thống kê rõ ràng” - Deanna Spikula, công ty đăng ký cử tri, cho biết. “Chúng tôi sẽ cập nhật bảng kết quả thường xuyên nhất có thể và phối hợp với văn phòng Ngoại trưởng để đảm bảo sự rõ ràng và minh bạch”.

    Tính đến thời điểm hiện tại, ông Joe Biden chỉ dẫn trước ông Donald Trump 7.647 phiếu bầu, trong bối cảnh các hạt thành trì của đảng Cộng hòa ở vùng nông thôn của bang đang kiểm phiếu, và các lá phiếu gửi bằng thư ở hạt Clark nghiêng về đảng Dân chủ vẫn đang được đếm.

  • Chiến dịch của Trump đang yêu cầu bang chiến trường Wisconsin kiểm phiếu lại, nhưng cách biệt 20.000 phiếu bầu khó giúp ông lật ngược kết quả.

    Người quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump cho biết họ sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại ở bang chiến trường Wisconsin (10 phiếu đại cử tri), nói rằng cuộc đua ở bang này "quá sít sao", sau khi AP và một số hãng truyền thông khác xác định ứng viên Joe Biden thắng ở bang này.

    kiem phieu bau cu
    Kho chứa phiếu bầu tại Kenosha, Wisconsin ngày 4/11. Ảnh: Reuters.

    Một ứng viên có thể yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin nếu cách biệt giữa hai ứng viên là 1% trở xuống và Trump ở trong biên độ đó, khi bang này đã kiểm được 99% số phiếu.

    Cách biệt số phiếu của Biden với Trump là hơn 20.000 phiếu, tương đương 0,7%. AP xác định Biden là người chiến thắng ở bang này sau khi các quan chức bầu cử bang cho biết chỉ còn vài trăm lá phiếu ở một thị trấn và một lượng nhỏ phiếu "hờ" (cử tri cần chứng minh mình có tư cách bầu cử hợp lệ trước khi phiếu được tính) chưa được kiểm đếm.

    Theo Ủy ban Bầu cử Wisconsin, ứng viên yêu cầu kiểm phiếu lại phải trang trải chi phí nếu cách biệt giữa hai ứng viên cao hơn 0,25%. Giới chức bầu cử địa phương sẽ kiểm tra tất cả lá phiếu để tìm hiểu xem có sai sót gì không. Các phiếu bầu sau đó được đếm lại.

    Giới chức bầu cử địa phương có thể đếm tay hoặc sử dụng thiết bị để đếm phiếu. Bất kỳ người nào cũng có thể quan sát cuộc kiểm phiếu lại, bao gồm người dân bình thường, giới truyền thông hoặc nhân viên chiến dịch tranh cử.

    Chiến dịch tranh cử của Trump phải đợi đến khi hạt Wisconsin cuối cùng đệ trình kết quả lên ủy ban bầu cử bang thì mới được chính thức yêu cầu kiểm phiếu lại. Hạn chót để các hạt báo cáo kết quả là ngày 17/11, mặc dù nó có thể xảy ra sớm hơn. Việc kiểm phiếu lại phải được hoàn thành trong vòng 13 ngày sau khi được các quan chức bầu cử ra lệnh.

    Các cuộc kiểm phiếu lại từng làm thay đổi số liệu, nhưng nhìn chung không tạo ra khác biệt lớn.

    Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ứng viên đảng Xanh Jill Stein đã yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin, dẫn đến việc ông Trump giành được thêm 131 phiếu.

    Scott Walker, cựu thống đốc bang Wisconsin, người thuộc đảng Cộng hòa, cho biết chiến dịch tranh cử của Trump phải đối mặt với "rào cản lớn" vì cách biệt giữa hai ứng viên là hơn 20.000 phiếu. Ông nhắc đến kết quả kiểm phiếu lại trong cuộc đua vào Tòa án Tối cao Wisconsin năm 2011 chỉ "lật ngược được 300 phiếu".

    "Lịch sử cho thấy rất khó có thể lật ngược kết quả trong một cuộc bỏ phiếu trên toàn bang mà hai ứng viên cách nhau trên một 1.000 phiếu", Edward Foley, giáo sư luật bầu cử tại Đại học Luật Moritz thuộc Đại học bang Ohio, cho biết. "Nó có thể xảy ra, nhưng rất hiếm".

    Theo WSJ

  • Sự thiếu vắng khán giả do dịch Covid-19 đã khiến hai ứng viên tổng thống Mỹ tập trung chỉ trích và ngắt lời nhau suốt phiên tranh luận ở Ohio hôm 29/9.

    Politico nhận định trong bối cảnh buổi tranh luận vắng bóng người xem để đảm bảo nguyên tắc giãn cách xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Joe Biden đã chuyển trọng tâm sang công kích phần phát biểu của đối phương thay vì tương tác với khán giả.

    Phiên tranh biện tổng thống đầu tiên chứng kiến Tổng thống Trump liên tục ngắt lời cả điều phối viên lẫn đối thủ, biểu cảm cười trừ ngao ngán của ông Biden, những màn cãi tay đôi không dứt và sự chế giễu bao trùm buổi đối thoại.

    can phong vang khan gia 1
    Khán phòng nơi diễn ra sự kiện được bố trí nhằm đảm bảo tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội. Ảnh: AP.

    Đáp lại hai ứng viên đứng trên bục tranh luận không phải là sự hò reo hưởng ứng từ đám đông khán giả, mà là sự im lặng của những người xem được bố trí ngồi rời rạc nhằm tuân thủ quy định cách ly xã hội.

    Sự thiếu vắng của hiệu ứng khán giả đã mở màn cho một sự kiện kỳ lạ trong một năm 2020 vốn đã nhiều biến động.

    Tập trung vào phát biểu của đối thủ

    Khi ông Trump dẫn thông tin sai rằng Hunter Biden, con trai cựu phó tổng thống, đã sử dụng họ Biden để trục lợi bất chính, không có bất kỳ tiếng hò reo hay chế nhạo nào phát ra từ phía khán giả.

    Hoặc khi ông Biden cáo buộc Tổng thống Trump là người hay nói dối, khán phòng đã không rộ lên tràng vỗ tay tán thưởng nào.

    Trong phần lớn thời gian phiên tranh luận, âm thanh duy nhất vang lên trong khán phòng - bên cạnh màn cắt lời nhau không dứt giữa hai ứng viên và người điều phối Chris Wallace - là tiếng máy ảnh của các phóng viên và vài tiếng ho ngẫu nhiên.

    can phong vang khan gia 1
    Buổi tranh luận tổng thống Mỹ đầu tiên chứng kiến những màn "ăn miếng trả miếng" liên tục từ cả hai ứng viên. Ảnh: AP.

    “Tình thế không có khán giả buộc hai ứng viên tổng thống phải chọn cách tiếp cận và lối diễn đạt khác”, nhà sử học Jon Meacham nhận xét.

    Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã không cung cấp thông tin về tầm nhìn và chính sách mà nhiều cử tri trông đợi. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ việc Tổng thống Trump liên tục nâng tông giọng để chế nhạo, ngắt lời, chất vấn và thúc ép đối thủ.

    Khi ông Biden lập luận rằng tổng thống cần phải “thông minh hơn” trong cách ứng phó với đại dịch Covid-19, ông Trump lập tức vặn lại: “Đừng bao giờ dùng từ ‘thông minh’ với tôi. Ông chẳng thông minh tí nào cả”.

    Cựu phó tổng thống Mỹ cũng ngắt lời đối thủ tại một số thời điểm song không thường xuyên bằng ông Trump. Ông Biden có lúc lẩm bẩm: “Anh bạn, anh có im đi không?”. Ứng viên đảng Dân chủ thậm chí gọi tổng thống đương nhiệm là “gã hề” và mô tả ông Trump là “tổng thống tồi tệ nhất nước Mỹ từng có”.

    Sự thay đổi động lực của màn đối đáp

    Khán giả có mặt trực tiếp chỉ vài chục người - bao gồm vợ của hai ứng viên, thành viên chiến dịch tranh cử, quan chức y tế, lực lượng an ninh và giới báo chí. Tuy nhiên, buổi tranh luận đã thu hút hàng chục triệu người theo dõi thông qua truyền hình và trực tuyến.

    “Sự hiện diện của khán giả đóng vai trò quan trọng trong các buổi tranh luận giữa những ứng viên tổng thống. Việc thiếu vắng khán giả thực sự đã thay đổi động lực của các màn đối đáp”, cựu phóng viên Nhà Trắng John Donvan nhận xét.

    can phong vang khan gia 1
    Đáp lại những lời chỉ trích gay gắt hay chế giễu đối thủ không phải là tiếng hò reo hưởng ứng hay vỗ tay rầm rộ. Thay vào đó, lượng khán giả ít ỏi giữ im lặng trong phần lớn thời gian buổi tranh luận. Ảnh: Getty.

    Trong ba cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Hillary Clinton hồi năm 2016, khán giả được các điều phối viên yêu cầu giữ trật tự. Tuy nhiên, họ vẫn phá ra cười, vỗ tay và thậm chí là cổ vũ khi ông Trump và bà Clinton thay nhau cáo buộc đối thủ.

    Tại màn tranh luận thứ hai, ông Trump thậm chí còn đi vòng ra sau lưng bà Clinton khi ứng viên đảng Dân chủ phát biểu. Những lời pha trò, châm chọc, chế giễu đối thủ được cho là hướng tới khán giả nhiều hơn thay vì củng cố các quan điểm trình bày trong màn tranh luận của mỗi người.

    Ở phiên tranh luận hôm 30/9, Tổng thống Trump và ông Biden đã không bắt tay nhau theo thỏa thuận định sẵn, chủ yếu là để đảm bảo tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

    Sau khi cuộc tranh luận dài 90 phút kết thúc, lượng khán giả ít ỏi trong khán phòng có cơ hội thoải mái bày tỏ sự cổ vũ đối với ứng viên mà mình ủng hộ. Họ đứng dậy vỗ tay và hai trong số đó đã hét to: “Tổng thống Trump, chúng tôi yêu quý ông!”.