• Công đảng đã trở lại nắm quyền sau thắng lợi bầu cử hôm 4/7 vừa qua. Chiến thắng áp đảo của Công đảng cho thấy nguyện vọng lớn của người dân Anh về một sự thay đổi.

    Bối cảnh khó khăn

    Cuộc bầu cử Hạ viện Anh năm 2024 diễn ra trong bối cảnh chính trị và xã hội đầy biến động. Sau nhiều năm tranh cãi và bất ổn liên quan đến Brexit cùng những biến động chính trị xã hội trong nước và quốc tế, cuộc bầu cử này được coi là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất của Anh trong những thập kỷ gần đây. Sau khi chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu vào năm 2020, Anh đã trải qua nhiều khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ thương mại và chính trị mới với EU cũng như các quốc gia khác.

    cong dang danh chien thang vang doi
    Nước Anh háo hức đổi mới sau bầu cử.

    Những vấn đề như quyền tiếp cận thị trường chung, lao động di cư và sự ổn định của biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa được giải quyết hoàn toàn. Nền kinh tế Anh cùng lúc chịu nhiều áp lực từ hậu quả của Brexit cũng như đại dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế chậm lại (từ năm 2022 tới hết quý 1 năm 2024, GDP của Anh chỉ tăng được 1,7%, thấp hơn hầu hết các nền kinh tế G7), tỷ lệ thất nghiệp tăng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thích nghi với các quy định mới. Các vấn đề như lạm phát, giá năng lượng tăng, khủng hoảng nhà ở đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận chính trị.

    Sau khi ông Boris Johnson từ chức thủ tướng vào tháng 9/2022, đảng Bảo thủ đã trải qua biến động lớn khiến Anh phải thay 3 vị thủ tướng trong vòng 50 ngày. Sự thay đổi lãnh đạo và các bê bối chính trị đã làm suy yếu niềm tin của cử tri vào đảng Bảo thủ. Thủ tướng Rishi Sunak đã cố gắng ổn định tình hình nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục niềm tin từ công chúng khi đất nước gặp quá nhiều vấn đề.

    Dưới sự lãnh đạo của ông Keir Starmer, Công đảng Anh đã tái định hình mình như một lực lượng chính trị sẵn sàng thay đổi. Chương trình của họ tập trung vào việc cải thiện các dịch vụ công, tăng cường công bằng xã hội và phát triển kinh tế bền vững thu hút được quần chúng. Trong cuộc bầu cử hôm 4/7, họ đã giành chiến thắng áp đảo với 415/650 ghế, chiếm đa số và đủ để thành lập chính phủ. Trong khi đó đảng Bảo thủ kết thúc 14 năm cầm quyền (quãng thời gian dài nhất trong lịch sử của họ) bằng một kết quả thấp thảm hại với chỉ 121 ghế, tức là mất tới 252 ghế so với cuộc bầu cử 4 năm trước. Đây là số ghế thấp nhất mà một đảng đối lập ở Anh có được kể từ sau Thế chiến 2.

    Thay đổi lớn

    Chiến thắng tuyệt đối của Công đảng cho thấy cử tri Anh đã quá chán nản với sự điều hành của đảng Bảo thủ. Cùng với lời hứa “cải cách”, Chủ tịch Công đảng Keir Starmer đã có được chiến thắng vang dội nhờ sự ủng hộ của hầu hết các tầng lớp dân chúng. Giờ đây, sức ép với ông Keir Starmer sẽ là hiện thực hóa những điều mình đã hứa.

    Công đảng Anh giành chiến thắng vang dội.

    Ngay từ khi tranh cử, ông Starmer đã tuyên bố sẽ thay đổi chính sách thuế với mục tiêu rõ ràng là: tăng thuế đối với người giàu. Nhà lãnh đạo Công đảng đã đề xuất tăng thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao, đặc biệt là những người có thu nhập trên 150.000 bảng mỗi năm. Mục tiêu của ông Starmer là muốn thu thêm ít nhất 8 tỷ bảng/năm từ nguồn này để bổ sung ngân sách nhằm tài trợ lại cho các chương trình xã hội như xây 300 nghìn căn nhà/năm, đầu tư cho hệ thống giáo dục công hay giải quyết vấn đề y tế.

    Nhà lãnh đạo Công đảng cam kết tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng đường sá, cầu cống và mạng lưới giao thông công cộng với khoản ngân sách tối thiểu 50 tỷ bảng trong 5 năm tới. Chính phủ cũng sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này phát triển, từ đó tạo ra nhiều việc làm mới.

    Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán, nếu thành công với gói đầu tư công thì GDP của Anh có thể tăng khoảng 0,5%/năm trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu kinh tế Anh (NIESR) thì các biện pháp tăng thuế có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, tuy nhiên sẽ giúp cải thiện cân đối ngân sách và giảm nợ công về lâu dài.

    Khoản chi đáng chú ý nhất mà ông Keir Starmer đã hứa là tăng ngân sách cho Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) thêm 20 tỷ bảng/năm để giảm thời gian chờ đợi và cải thiện chất lượng dịch vụ. Kế hoạch cụ thể là tuyển dụng thêm 10 ngàn bác sĩ và 20 ngàn y tá trong 5 năm tới. Học phí đại học sẽ được giảm xuống, đồng thời tăng lương giáo viên, cải thiện điều kiện làm việc để thu hút và giữ chân nhân tài. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hoan nghênh cam kết tăng cường đầu tư vào dịch vụ y tế của chính phủ mới trong khi đó Tổ chức Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá cao các biện pháp cải cách giáo dục, dự báo rằng chất lượng giáo dục tại Anh sẽ được cải thiện, giúp tăng cường sự cạnh tranh toàn cầu của hệ thống giáo dục Anh sau giai đoạn sa sút.

    Về chính sách đối ngoại, nhà lãnh đạo Công đảng cam kết xây dựng lại mối quan hệ với EU, bao gồm việc xem xét lại một số điều khoản trong thỏa thuận Brexit. Ông đề xuất thiết lập một liên minh kinh tế chặt chẽ hơn với EU để tăng cường thương mại và hợp tác. Anh cũng sẽ tham gia tích cực vào các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết biến đổi khí hậu, bao gồm cam kết giảm phát thải CO2 xuống mức zero vào năm 2050 với khoản đầu tư bổ sung 27 tỷ bảng.

    Đáng chú ý, ông Starmer hứa sẽ nâng cao ngân sách quốc phòng thêm 0,2% (hiện Chính phủ Anh chỉ chi 2,3% ngân sách hằng năm cho công tác quốc phòng). Các tổ chức quốc tế như Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) và các đồng minh NATO như Mỹ đều hân hoan với những kế hoạch này của chính phủ mới. Tuy nhiên, với quá nhiều những lời hứa, lại ở trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hiện thực hóa của chính phủ Công đảng vẫn còn bỏ ngỏ. Như chính ông Keir Starmer đã phát biểu ngay sau khi có kết quả bầu cử: “Đây là một thời điểm quan trọng cho đất nước. Chúng tôi nhận thức được những thách thức của mình”.

    Triển vọng mới

    Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, phản ứng từ người dân và các tổ chức xã hội được đánh giá rất tích cực. Một cuộc khảo sát của YouGov được thực hiện ngay sau cuộc bầu cử cho thấy 55% cử tri hài lòng với kết quả, trong khi 35% bày tỏ lo ngại. Cuộc khảo sát khác của Ipsos MORI chỉ ra rằng 60% cử tri tin rằng Công đảng sẽ cải thiện các dịch vụ công cộng, đặc biệt là dành cho NHS và lĩnh vực giáo dục.

    Các công đoàn lao động, như TUC (Trades Union Congress), đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chiến thắng của Công đảng. Họ kỳ vọng rằng, các chính sách về tăng lương tối thiểu và cải thiện điều kiện làm việc sẽ mang lại lợi ích lớn cho người lao động. Liên đoàn các ngành công nghiệp Anh (CBI) và Phòng Thương mại Anh (BCC) hoan nghênh các kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng bày tỏ lo ngại về khả năng tăng thuế và chi phí kinh doanh. Trong khi đó, các tổ chức môi trường như Greenpeace và Friends of the Earth hoan nghênh cam kết của Công đảng trong việc giảm phát thải CO2 và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường. Họ coi đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các tổ chức từ thiện và phi chính phủ như Oxfam và Shelter bày tỏ hy vọng rằng, chính phủ mới sẽ thực hiện các chính sách phúc lợi và nhà ở xã hội một cách hiệu quả, nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng và cải thiện điều kiện sống cho những người nghèo khó.

    Phần lớn các ý kiến đánh giá đều khả quan cho chính phủ mới. Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng các chính sách của Công đảng sẽ có tác động tích cực đối với các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng trong dài hạn. Cũng theo dự báo của IMF, GDP của Anh có thể tăng trưởng trung bình 1.5-2% mỗi năm trong giai đoạn 2024-2028, với điều kiện các cải cách được thực hiện hiệu quả.

    Về đối ngoại, việc tăng cường quan hệ với EU và các đối tác chiến lược khác có thể giúp Anh khôi phục một phần vị thế quốc tế và tạo điều kiện hợp tác thuận lợi. Trong khi đó, cam kết về biến đổi khí hậu có thể đặt Anh vào vị trí lãnh đạo trong các nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ môi trường.

    Chiến thắng của Công đảng trong cuộc bầu cử Hạ viện 2024 đang tạo đà cho một làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong cả xã hội lẫn chính trường Anh. Mặc dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với sự hỗ trợ từ các nhóm lợi ích và đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế, chính phủ mới của Anh có nhiều cơ hội để thực hiện thành công các cam kết và mang lại sự thay đổi tích cực cho đất nước. Nước Anh đang bước vào một kỷ nguyên mới với hy vọng về sự cải thiện trong các lĩnh vực quan trọng và vị thế quốc tế được nâng cao.

    Theo cand

  • Bà Rachel Reeves, nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Anh là người thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ một nền tài chính kỷ luật khắt khe như cách Bà đầm thép Magaret Thatcher từng làm.

    Niềm cảm hứng cho phái nữ

    Bà Rachel Reeves, 45 tuổi, được tân Thủ tướng Anh Keir Starmer bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính, sau khi Công đảng theo hướng trung tả giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh ngày 4/7.

    "Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính là vinh dự cả đời tôi. Xin được gửi lời tới tất cả những cô gái trẻ và những người phụ nữ đang đọc dòng trạng thái này, hãy để ngày hôm nay cho thấy sẽ không có giới hạn nào cho tham vọng của bạn", bà Reeves chia sẻ trên tài khoản X.

    Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Reeves cũng cam kết sẽ mang đến một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn cho nữ giới ở nước Anh trong tương lai.

    tan bo truong tai chinh 1
    Nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Anh Rachel Reeves (Ảnh: SkyNews).

    Trong cương lĩnh tranh cử, Công đảng đã đặt kinh tế là trọng tâm trong đó ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển và thịnh vượng.

    "Bước đầu tiên cần làm là mang lại sự ổn định. Trong những năm qua thị trường tài chính và các nhà đầu tư đã phải trải qua tình trạng bất ổn, không có cam kết về cung cấp tài chính. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra khi tôi lên nắm quyền" - nữ Bộ trưởng Tài chính cho biết.

    Dẫu vậy, bà Reeves thận trọng cho rằng: "Di sản của đảng Bảo thủ là khá nặng, khó có thể làm ngay những gì Công đảng mong muốn ngay lập tức".

    "Bà đầm thép" thứ hai

    Trước đó, bà Reeves từng tuyên bố trước lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn của Anh, khẳng định Công đảng có kỷ luật sắt đá trong lĩnh vực tài chính công.

    Với tuyên bố này, bà Reeves nhanh chóng được giới quan sát so sánh với "bà đầm thép" Margaret Thatcher, nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Anh.

    Song trái với quan điểm tư nhân hóa các lĩnh vực công then chốt của bà Margaret Thatcher, tân Bộ trưởng Tài chính lại muốn quốc hữu hóa các ngành này, đặc biệt là năng lượng do được truyền cảm hứng từ những chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

    tan bo truong tai chinh 1
    Bà Reeves là tay chân thân tín của tân Thủ tướng Anh Keir Starmer trong lĩnh vực tài chính (Ảnh: PA).

    Bản thân Công đảng từng cam kết sẽ thành lập Tổng công ty Năng lượng Anh, một doanh nghiệp do nhà nước sở hữu, sẽ đi tiên phong cùng các công ty tư nhân chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng xanh.

    Bà Reeves cũng tìm cách tránh đi vào "vết xe đổ" của cựu Thủ tướng Liz Truss thuộc đảng Bảo thủ.

    Thời điểm đó, chính sách tài chính thất bại của bà Truss đã khiến đồng Bảng Anh mất giá nghiêm trọng, đẩy giá thuê nhà tăng cao, đưa nước Anh rơi vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Cuối cùng bà Truss phải ra đi chỉ sau 45 ngày cầm quyền.

    "Tôi hiểu rõ quy mô của những thách thức mà tôi đang đối mặt. Chúng tôi không còn nhiều tiền để chi tiêu".

    tan bo truong tai chinh 1
    Bộ trưởng Tài chính Reeves

    Dù sẽ đi theo hướng quản lý tài chính mới mẻ và kỷ luật nhưng bà Reeves được cho là sẽ tiếp cận vấn đề thận trọng.

    "Công đảng đã mất rất nhiều công sức để giành lại lòng tin của công chúng về các mục tiêu kinh tế nên nữ Bộ trưởng Tài chính chắc chắn không muốn mạo hiểm", bà Carys Roberts, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chính sách công nhận định.

    Xuất thân trong một gia đình có cả cha và mẹ làm giáo viên, từ nhỏ bà Reeves đã bộc lộ trí thông minh và được trang bị một nền tảng giáo dục căn bản và toàn diện.

    Bà từng là nhà vô địch cờ vua nữ toàn Anh năm 14 tuổi. Sau đó bà theo học Triết học, Chính trị và Kinh tế tại Đại học Oxford và tiếp tục học Thạc sĩ tại Trường Đại học Kinh tế London.

    Sau khi tốt nghiệp, bà là nhà kinh tế học tại Ngân hàng Anh trước khi chuyển sang làm cho ngân hàng bán lẻ HBOS.

    Năm 2010, khi đảng Bảo thủ liên danh với đảng Dân chủ Tự do giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện và lên nắm chính quyền, bà Reeves trúng cử nghị sĩ Công đảng đại diện cho vùng Leeds West, miền Bắc nước Anh.

    Mười một năm sau, ông Keir Starmer chỉ định bà làm người phát ngôn tài chính của Công đảng. Chị gái bà Reeves cũng là một nghị sĩ của Công đảng.

    Theo Baogiaothong

  • Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer cam kết chính phủ của Công đảng sẽ hành động thay vì lời nói để đạt được những thay đổi trên và người dân Anh sẽ được phục vụ với sự tôn trọng.

    Sau khi diện kiến Vua Charles III và được đề nghị thành lập chính phủ mới, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đã bổ nhiệm nội các mới với 27 thành viên, trong đó có nhiều kỷ lục được ghi nhận.

    Nội các mới của nước này gồm con số kỷ lục 11 thành viên nữ, trong đó có Phó Thủ tướng Angela Rayner, Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves, Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper, Bộ trưởng Tư pháp Shabana Mahmood, Bộ trưởng Giáo dục Bridget Phillipson, Bộ trưởng Giao thông Louise Haigh, Bộ trưởng Văn hóa Liz Kendall và Bộ trưởng phụ trách xứ Wales Jo Stevens.

    Bà Rachel Reeves trở thành nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên trong lịch sử nước Anh. Bà Reeves từng tuyên bố trước lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn của Anh, khẳng định Công đảng có kỷ luật sắt đá trong lĩnh vực tài chính công. Với tuyên bố này, bà Reeves nhanh chóng được giới quan sát so sánh với "bà đầm thép" Margaret Thatcher, nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Anh.

    Song trái với quan điểm tư nhân hóa các lĩnh vực công then chốt của bà Margaret Thatcher, tân Bộ trưởng Tài chính lại muốn quốc hữu hóa các ngành này, đặc biệt là năng lượng do được truyền cảm hứng từ những chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

    noi cac moi
    Bà Reeves là tay chân thân tín của tân Thủ tướng Anh Keir Starmer trong lĩnh vực tài chính (Ảnh: PA).

    Ngoài ra, các thành viên nội các quan trọng khác gồm có Bộ trưởng Ngoại giao David Lammy, Bộ trưởng Quốc phòng John Healey, Bộ trưởng Y tế Wes Streeting, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Jonathan Reynolds, Bộ trưởng Năng lượng Ed Miliband và Tổng chưởng lý Richard Hermer.

    Trong bài phát biểu đầu tiên tại Phố Downing, Thủ tướng Keir Starmer nói rõ người dân Anh đã bỏ phiếu cho sự thay đổi, cho sự đổi mới đất nước và đưa chính trị trở lại phục vụ công chúng.

    Ông cam kết chính phủ của Công đảng sẽ hành động thay vì lời nói để đạt được những thay đổi trên và người dân Anh sẽ được phục vụ với sự tôn trọng. Chính phủ sẽ cùng với người dân xây dựng lại nước Anh.

    Theo Vietnamplus

  • Một biến động chính trị có phần kỳ lạ đã xảy ra ở châu Âu trong vài năm qua. Tại Anh, quốc gia từng gây chấn động với sự kiện Brexit, con lắc quyền lực vừa quay trở lại với Công đảng trung tả, chấm dứt 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ. Trong khi tại Tây Âu, bức tranh có phần khác biệt.

    canh ta 1
    Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố tại London. Ảnh: Reuters

    Nhiều quốc gia Tây Âu đang diễn ra xu hướng các đảng theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy và chủ nghĩa hoài nghi châu Âu chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò cử tri và bước vào hành lang quyền lực.

    Trong khi Anh và châu Âu đang đi theo những hướng chính trị khác nhau, các nhà phân tích đánh giá rằng động lực dẫn đến thay đổi về cơ bản là giống nhau: cử tri đang khao khát thay đổi. Cử tri bất mãn với hiện trạng chính trị cũng như các chính khách và đảng phái lâu đời.

    Giáo sư chính trị Dan Stevens tại Đại học Exeter (Anh) phân tích với kênh CNBC (Mỹ): “Tâm trạng bất bình với chính quyền đương nhiệm lại xuất hiện ở châu Âu”. Theo ông Stevens, cử tri không hài lòng và muốn thay đổi, bất kể lãnh đạo đương nhiệm là ai.

    Công đảng đã sử dụng “thay đổi” làm lời kêu gọi tập hợp cử tri trước cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7. Kết quả kiểm phiếu tính chiều 5/7 (theo giờ Việt Nam) cho thấy Công đảng đã giành được 412 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện. Như vậy, Công đảng đã giành được nhiều hơn số ghế tối thiểu (326 ghế) để chiếm đa số tại Hạ viện và lãnh đạo Công đảng Keir Starmer đã trở thành Thủ tướng mới của Anh sau khi diện kiến Vua Charles III. Trong khi đó, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak chịu thất bại lớn nhất trong lịch sử khi chỉ giành được 119 ghế. Số ghế thấp nhất trước đó mà đảng Bảo thủ giành được tại một cuộc tổng tuyển cử là 156 ghế vào năm 1906.

    canh ta 1
    Ông Rishi Sunak cùng vợ sau khi bỏ phiếu tại điểm bầu cử Hạ viện ở London ngày 4/7. Ảnh: Reuters

    Các nhà phân tích đánh giá sự chuyển hướng của cử tri Anh sau 14 năm lãnh đạo của đảng Bảo thủ diễn ra sau một thời kỳ hỗn loạn, từ lo ngại về nhập cư, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu lên đỉnh điểm với Brexit năm 2016, đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt… Theo các nhà phân tích, ở thời điểm bầu cử, người dân Anh đã cảm thấy chán ngấy.

    Cử tri Anh không đơn độc trong việc tìm kiếm thay đổi cục diện chính trị. Diễn biến tương tự được ghi nhận ở phần lớn Tây và Đông Âu trong những năm gần đây, khi các đảng dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực hữu đang trỗi dậy. Các đảng cực hữu như đảng Anh em Italy, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) hay Tập hợp quốc gia (RN) ở Pháp đã nổi lên trong các cuộc thăm dò dư luận hoặc giành chiến thắng bầu cử.

    Những đảng như vậy thường đóng vai phe phản kháng, có quan điểm chống nhập cư hoặc hoài nghi châu Âu, Nhưng họ đã tìm cách thu hút một bộ phận cử tri rộng lớn hơn, những người quan tâm đến các vấn đề như việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế…

    Vấn đề kinh tế đặc biệt tác động đến thay đổi trong bầu cử. Chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao, thu nhập hộ gia đình giảm là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và mang tính quyết định nhất đối với cử tri.

    Ông Christopher Granville tại công ty tư vấn TS Lombard nói: “Nếu hiệu quả kinh tế kém, thì con lắc chính trị sẽ dao động, và khi nó dao động, nó sẽ chuyển sang hướng khác so với hiện tại. Nó dao động bởi mọi người đang khó khăn và bất bình. Chỉ đơn giản như vậy thôi”

    Báo Tin Tức (theo CNBC)

  • Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như vị trí thủ tướng sau khi đảng của ông nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử.

    Ngày 5-7, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như vị trí thủ tướng sau khi đảng của ông thất bại trước Công đảng (đảng đối lập lớn tại Anh) trong cuộc tổng tuyển cử hôm 4-7, theo tờ The Guardian.

    Theo kết quả sơ bộ tổng tuyển cử Anh tính tới 17 giờ ngày 5-7 (giờ VN), Công đảng đã giành được 412 ghế trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện. Trong khi đó, đảng Bảo thủ chỉ giành được 121 ghế - mức thấp nhất trong lịch sử của đảng này.

    rishi sunak tu chuc
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo từ chức hôm 5-7. Ảnh: REUTERS

    Mở đầu bài phát biểu trước số 10 phố Downing (Văn phòng thủ tướng Anh) ngày 5-7, ông Sunak gửi lời xin lỗi tới nước Anh và chịu trách nhiệm về sự thất bại của đảng Bảo thủ.

    “Tôi sẽ sớm gặp Bệ hạ để đề nghị từ chức thủ tướng” - ông Sunak phát biểu.

    Thủ tướng Sunak cho biết ông “tự hào” về những thành tựu của mình và tin rằng nước Anh “thịnh vượng hơn, công bằng hơn và kiên cường hơn so với năm 2010”.

    Bên cạnh đó, ông Sunak ca ngợi ông Keir Starmer - lãnh đạo Công đảng - là một "người tử tế” và sẽ sớm trở thành thủ tướng của chúng ta".

    “Trên cương vị này, thành công của ông ấy cũng sẽ là thành công của chúng ta, tôi cầu chúc mọi điều tốt lành cho ông ấy và gia đình” - ông Sunak cho hay.

    Sau khi kết thúc bài phát biểu, ông Sunak cùng vợ lên xe để đến Cung điện Buckingham nhằm thông báo việc từ chức thủ tướng Anh tới Vua Charles III.

    Ngay sau khi Vua Charles III chấp thuận đơn từ chức của ông Sunak, ông Starmer sẽ được bổ nhiệm làm tân thủ tướng của Anh.

    Theo Plo

  • Đức Vua Charles III đã chính thức chấp thuận ông Keir Starmer làm Thủ tướng Anh sau cuộc diện kiến ở Điện Buckingham.

    Tờ Guardian dẫn thông cáo từ Điện Buckingham xác nhận ông Keir Starmer chính thức trở thành Thủ tướng mới của nước Anh.

    "Đức Vua đã gặp ngài Keir Starmer trong ngày hôm nay và yêu cầu ông thành lập một Chính phủ mới. Ngài Starmer đã chấp thuận lời đề nghị của Đức Vua và thực hiện nghi lễ hôn bàn tay khi được chấp thuận là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngân khố", thông cáo nêu rõ.

    vua charles iii thu tuong 1
    Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) diện kiến Vua Charles (Ảnh: PA).

    Sau đó, ông Starmer cùng phu nhân đến Phố Downing, nơi đặt trụ sở Chính phủ Anh và có bài phát biểu nhậm chức trước toàn thể người dân.

    Trong phần mở đầu diễn văn nhậm chức, Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đã dành sự cảm kích cho người tiền nhiệm Rishi Sunak và ca ngợi những thách thức rất lớn mà ông Sunak phải trải qua với tư cách Thủ tướng gốc Á đầu tiên của nước Anh.

    "Chúng tôi cũng ghi nhận sự tận tụy và nỗ lực của ông khi dẫn dắt nước Anh", ông Starmer bày tỏ.

    Ông Starmer nhấn mạnh, tình trạng thiếu niềm tin vào chính trị tại Anh chỉ có thể được hàn gắn bằng hành động chứ không phải lời nói và theo ông, nước Anh chúng ta có thể khởi đầu nay từ hôm nay với nhận thức đơn giản đó là được phụng sự cộng đồng là một vinh dự và Chính phủ Anh sẽ đối đãi với mọi cá nhân ở nước Anh bằng sự tôn trọng.

    vua charles iii thu tuong 1
    Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu nhậm chức (Ảnh: AFP).

    Tân Thủ tướng Anh cam kết Chính phủ sẽ phục toàn thể người dân dù họ bỏ phiếu cho Công đảng hay không và kể cả những người không đi bỏ phiếu.

    "Chính trị có thể vẫn tốt đẹp và chúng tôi sẽ chứng tỏ điều đó. Chúng tôi đã thay đổi Công đảng đưa đảng trở lại phục vụ nhân dân và đó là cách chúng tôi điều hành đất nước. Quốc gia là hàng đầu, Đảng đứng thứ 2" - ông Starmer nhấn mạnh.

    "Một trong những sức mạnh vĩ đại của nước Anh chính là khả năng lèo lái đất nước đến những vùng nước yên lặng hơn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các chính trị gia, đặc biệt là những người ủng hộ sự ổn định và tiết chế. Tôi nhận ra rằng chúng ta cần phải thay đổi đường lối.

    Đã từ rất lầu rồi chúng ta đã ngoảnh mặt làm ngơ trước tình cảnh hàng triệu người rơi vào vòng xoáy bất ổn lớn hơn. Từ hôm nay, Chính phủ Anh sẽ cởi bỏ gánh nặng đó bằng một học thuyết được dẫn dắt bằng duy nhất quyết tâm phụng sự lợi ích cho các bạn", ông Starmer nhấn mạnh.

    Với chiến thắng vang dội trong cuộc bỏ phiếu bầu Hạ viện, Công đảng giành tới 412 ghế nghị sĩ trong khi Đảng Bảo thủ chỉ giành được 121 ghế, ông Keir Starmer đã trở thành Thủ tướng thứ 7 của Công đảng.

    Ông cũng là Thủ tướng Anh đầu tiên sau ông Tony Blair giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện ở cả Anh, Scotland và Wales.

    Trước đó, tất cả các Bộ trưởng trong Chính phủ tiền nhiệm thuộc đảng Bảo thủ đã trao lại cho Vua Charles ấn tín trước khi rời nhiệm sở để Đức Vua trao cho các Bộ trưởng trong Nội các mới của ông Starmer. Dự kiến nội các sẽ được phê chuẩn trong ngày hôm nay.

    Theo Baogiaothong

  • Cử tri Anh hôm 4-7 tham gia cuộc tổng tuyển cử được dự báo sẽ đưa Đảng Lao động trở lại lãnh đạo đất nước.

    Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử đều dự báo đảng này thắng cử vang dội để chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ.

    Dù vậy, một số khảo sát cũng cho thấy nhiều cử tri chỉ đơn giản là muốn thay đổi chứ không hẳn ủng hộ Đảng Lao động. Điều này có nghĩa ông Keir Starmer, lãnh đạo Đảng Lao động, nhiều khả năng lên làm thủ tướng với danh sách nhiều việc cần làm nhưng lại không có sự hậu thuẫn mạnh mẽ hoặc nguồn lực tài chính để hoàn thành nó.

    Theo đài Al Jazeera, tổng tuyển cử ở Anh phải được tổ chức không quá 5 năm một lần. Thủ tướng Anh Rishi Sunak, lãnh đạo Đảng Bảo thủ, hôm 22-5 gây bất ngờ khi kêu gọi bầu cử trước thời hạn vài tháng. Cuộc tổng tuyển cử trước đó diễn ra vào tháng 12-2019.

    sunak biet se thua
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak cùng vợ, bà Akshata Murty, đến phòng bỏ phiếu ở Northallerton – Anh hôm 4-7. Ảnh: REUTERS

    Đã xuất hiện câu hỏi tại sao ông Sunak lại có bước đi mà gần như chắc chắn ông sẽ thua? Theo đài CNN, câu trả lời là rất khó có thời điểm nào bỏ phiếu tốt hơn lúc này, khi mà không loại trừ khả năng mức độ ủng hộ dành cho ông Sunak sẽ còn sụt giảm trước cuối năm nay.

    Một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ cho rằng điều kiện kinh tế có thể xấu đi trước cuối năm nên tiến hành bầu cử lúc này là đúng đắn. Ngoài ra, đảng này không tin họ ngăn chặn được dòng người nhập cư trái phép như cam kết. Đáng chú ý, kế hoạch gây tranh cãi về việc đưa người xin tị nạn đến Rwanda có thể sụp đổ do gặp thách thức pháp lý.

    Chưa hết, Thủ tướng Sunak nhiều khả năng nhận ra rằng chính phủ ông sẽ khó thực hiện thêm bất kỳ đợt cắt giảm thuế nào như đã hứa.

    Vì thế, theo Reuters, ông Sunak dường như đi đến quyết định rằng với một số thành tựu kinh tế như lạm phát giảm và kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 3 năm qua, bây giờ là lúc chấp nhận rủi ro và chính thức đưa ra chương trình nghị sự cho một nhiệm kỳ mới trước cử tri.

    Theo NLĐ

  • Đảng Lao Động đã giành được 326 ghế hạ viện, giành quyền đa số trong quốc hội và đảm bảo ông Keir Starmer sẽ trở thành thủ tướng Anh nhiệm kỳ tới.

    cong dang gianh chien thang lich su
    Lãnh đạo đảng Lao Động, Sir Keir Starmer phát động chiến dịch tranh cử của đảng Lao Động tại Manchester, ngày 13/6/2024. Ảnh: Getty Images

    Theo kết quả kiểm phiếu được cập nhật liên tục trên trang điện tử của tờ Guardian, đảng Lao Động đối lập đã "cán đích" với 326 ghế, mốc quan trọng giúp họ giành được đa số trong quốc hội và đảm bảo ông Keir Starmer sẽ trở thành Thủ tướng Anh trong nhiệm kỳ tới, chấm dứt giai đoạn lãnh đạo kéo dài 14 năm của đảng Bảo thủ.

    Thủ tướng sắp mãn nhiệm và lãnh đạo đảng Bảo thủ Rishi Sunak cũng đã thừa nhận thất bại với lời xin lỗi.

    “Đảng Lao Động đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử này", ông Sunak thừa nhận và nói thêm rằng ông đã gọi điện cho ông Starmer để chúc mừng và thừa nhận kết quả bầu cử.

    Chiến thắng của đảng Lao Động được cho là một cột mốc đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và bắt đầu một kỷ nguyên khác sau khi đảng Bảo thủ đã dẫn dắt nước Anh trong 14 năm.

    5 năm trước, khi Đảng Bảo thủ giành được đa số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử gần nhất, khoảnh khắc này dường như là điều không thể tưởng tượng được. Nhưng ông Starmer đã lật ngược tình thế đảng của mình trong bối cảnh uy tín của đảng Bảo thủ sa sút sau nhiều vụ bê bối.

    Năm 2019, ông Boris Johnson dẫn dắt đảng Bảo thủ giành được chiến thắng vang dội và các chính trị gia dự đoán đảng sẽ cầm quyền ít nhất trong 10 năm. Tuy nhiên, hàng loạt bê bối nội bộ đảng, cộng với việc không đáp ứng mong muốn của cử tri đã khiến hình ảnh của đảng Bảo thủ bị ảnh hưởng nặng.

    Nhà lãnh đạo hiện tại của đảng Bảo thủ Rishi Sunak nhậm chức thủ tướng cách đây chưa đầy 2 năm. Ông Sunak đã nhiều lần cố gắng xoay chuyển vận mệnh của đảng bằng cách khẳng định mình là một nhà cải cách táo bạo, một nhà kỹ trị hiệu quả và người bám sát kế hoạch để cải thiện cuộc sống, khi hàng triệu người Anh vẫn đang vật lộn với khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, những nỗ lực đó là chưa đủ và không được đánh giá cao.

    Chiến thắng của đảng Lao Động đánh dấu khoảnh khắc lịch sử trong nền chính trị hiện đại của Anh và cũng là chiến thắng cá nhân to lớn của ông Starmer. Nhiều ý kiến cho rằng chiến thắng của ông Starmer một phần là do sự chán ghét của dư luận đối với đảng Bảo thủ sau 14 năm nắm quyền. Nói cách khác, chiến thắng của ông Starmer có thể không phải là sự ủng hộ quá lớn của công chúng đối với cá nhân ông hay chương trình hành động của đảng Lao Động. Khó khăn có thể đến sau khi ông bắt đầu lãnh đạo đất nước. Từ lâu, rõ ràng người dân Anh muốn thấy sự thay đổi hơn bất cứ điều gì khác.

    Trong cuộc mít tinh trước những người ủng hộ ở trung tâm London, lãnh đạo đảng Lao Động Keir Starmer đã cam kết “đổi mới quốc gia” sau 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ.

    “Các bạn đã vận động cho nó, các bạn đấu tranh cho nó, các bạn đã bỏ phiếu cho nó và bây giờ nó đã đến. Sự thay đổi bắt đầu ngay bây giờ", ông Starmer nói. “Cảm giác thật tuyệt, tôi phải thành thật mà nói… Đây là mục đích. Một đảng Lao Động đã thay đổi, sẵn sàng phục vụ đất nước chúng ta".

    Tuy nhiên, ông Starmer cảnh báo rằng “nhiệm vụ này đi kèm với trách nhiệm lớn lao”.

    “Nhiệm vụ của chúng ta không gì khác hơn là đổi mới những ý tưởng đã gắn kết đất nước này lại với nhau. Đổi mới quốc gia. Nếu các bạn làm việc chăm chỉ, nếu bạn chơi đúng luật, đất nước này sẽ cho bạn một cơ hội công bằng để vươn lên… Chúng ta phải khôi phục lại điều đó".

    Ông Starmer nói tiếp: “Chúng ta phải đưa chính trị trở lại phục vụ công cộng, chứng tỏ rằng chính trị có thể là một động lực tốt. Đừng nhầm lẫn, đó là thử thách lớn cho chính trị trong thời đại này. Cuộc chiến vì niềm tin là cuộc chiến quyết định thời đại của chúng ta".

    Báo Tin tức (Theo Guardian, CNN)

  • Cử tri Anh hôm nay (4/7) đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU) năm 2020. Đây là kỳ bầu cử cử quan trọng đối với tương lai nước Anh sau 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ.

    Cuộc bầu cử tại Anh sẽ diễn ra trong 1 vòng duy nhất để bầu ra 650 ghế tại Hạ viện. Đảng nào chiếm đa số trong Hạ viện sẽ đứng ra thành lập chính phủ và lãnh đạo đảng đó sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của nước Anh.

    Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận cuối cùng trước bỏ phiếu, đảng Bảo thủ cầm quyền vẫn bị Công đảng đối lập dẫn trước với khoảng cách khá xa. Trong đó đáng chú ý, cuộc thăm dò của YouGov cho thấy, Công đảng có thể giành được 431 ghế (tăng 229 ghế so với cuộc bầu cử năm 2019), trong khi đảng Bảo thủ chỉ giành được 102 ghế (giảm 263 ghế).

    anh bau cu hau brexit
    Người dân Anh trên đường phố London. Ảnh: AP

    Theo Sky News, nếu kết quả này trở thành hiện thực, thì đây sẽ là đa số lớn nhất của một đảng kể từ cuộc bầu cử năm 1832. Thủ tướng Rishi Sunak hôm qua (3/7) đã tranh thủ những giờ cuối cùng trước bỏ phiếu để chứng minh đảng Bảo thủ vẫn là lựa chọn tốt nhất của cử tri.

    Theo Nhà lãnh đạo Anh, vẫn còn rất nhiều người chưa đưa ra quyết định và việc không có câu hỏi gần đây nào về chi phí sinh hoạt có nghĩa là mọi thứ đang được cải thiện:

    "Mỗi lá phiếu đều quan trọng. Những phân tích mới nhất cho thấy, chỉ cần 130.000 người cũng có thể thay đổi kết quả của cuộc bầu cử này. Vì vậy, nếu mọi người muốn giảm thuế, muốn bảo vệ lương hưu của mình và muốn ngăn chặn Công đảng chiếm đa số tuyệt đối, thì điều duy nhất cần làm là bỏ phiếu cho Đảng Bảo thủ".

    Nhiều chuyên gia bầu cử dự đoán tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ thấp, dưới mức 67% được ghi nhận vào năm 2019. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này có thể mang lại mức độ thay đổi mà nước Anh chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ nếu đảng Bảo thủ bị suy yếu và Công đảng đối lập giành được đa số ghế tại Hạ viện.

    Theo VOV

  • Cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn lần này có thể đánh dấu sự chuyển giao quyền lực quan trọng giữa hai chính đảng hàng đầu tại nước Anh.

    Ngày 4/7, xứ sở sương mù sẽ bước vào kỳ bầu cử toàn quốc đầu tiên trong gần 5 năm qua. Trong thời gian này, London đã chứng kiến hàng loạt thay đổi lớn: Vua Charles III đăng quang, ba đời thủ tướng lên nắm quyền, lèo lái nước Anh qua nhiều biến động, dù đó là Brexit, dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas, cạnh tranh Mỹ-Trung và sự nổi lên của hàng loạt thách thức an ninh mới.

    Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử lần này có thể đánh dấu một sự thay đổi quan trọng khác: Công đảng đối lập đang đứng trước cơ hội giành lại quyền lực từ đảng Bảo thủ sau 14 năm.

    Xác suất nào cho kịch bản này?

    ngay 4 thang 7
    Đương kim Thủ tướng Rishi Sunak (trái) và Lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer. (Nguồn:Independent)

    Thách thức cho người cũ

    Kịch bản Công đảng trở lại là có cơ sở khi nhìn vào những gì nước Anh đang đối mặt. Tờ Financial Times (Anh) nhận định, tăng trưởng kinh tế của nước này kể từ năm 2010 đã tụt lại so với xu hướng của lịch sử từ sau Thế chiến II. Gánh nặng kinh tế đạt kỷ lục trong 80 năm, nợ chính phủ ở mức cao nhất trong 6 thập kỷ qua. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, từ hệ thống y tế, giao thông công cộng tới hệ thống quản lý nước thải có dấu hiệu quá tải, trong khi năng lực quốc phòng lại chưa đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình quốc tế.

    Bên cạnh đó là nhiều vụ bê bối liên quan đến lãnh đạo đảng Bảo thủ thời gian qua, nổi bật trong đó là cựu Thủ tướng Boris Johnson. Người kế nhiệm ông, bà Liz Truss, cũng chỉ tại nhiệm 45 ngày trước khi phải nhường lại vị trí này cho ông Rishi Sunak. Tuy nhiên, liệu ông Sunak có thể ngồi lại trên chiếc ghế nóng sau ngày 4/7 hay không, vẫn là một điều khó nói. Thất bại nặng nề của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử địa phương đầu tháng Năm là minh chứng rõ nét cho khả năng ấy.

    Thế nhưng, sẽ là thiếu khách quan khi phủ nhận những gì ông Sunak đã làm được. Cuối năm 2022, lạm phát ở Anh là 11% - giờ đây, con số này đã tụt xuống mức 2,3%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây và đúng với điều ông từng cam kết. Song những lời hứa khác của đương kim Thủ tướng Anh như tăng trưởng kinh tế, giảm nợ, cải thiện dịch vụ khám chữa bệnh và ngăn dòng người di cư lại chưa đạt được kết quả như vậy.

    Cơ hội cho người mới

    Ở chiều ngược lại, cũng theo tờ Financial Times, Công đảng dưới thời ông Keir Starmer hiện đang có lợi thế trở lại lãnh đạo nước Anh. Năm năm trước, dưới thời ông Jeremy Corbyn, một chính trị gia có xu hướng cực tả, kịch bản này được coi là viển vông. Song giờ đây, với sự lãnh đạo của ông Starmer, Công đảng đã dần thoát ra khỏi chủ nghĩa can thiệp lỗi thời và chuyển mình thành một chính đảng lãnh đạo đáng tin cậy, cùng lập trường trung dung hơn.

    Ông Starmer và người phụ trách Tài chính đã làm việc miệt mài để hợp tác, lấy lại lòng tin của giới doanh nghiệp và Khu Tài chính London. Cách tiếp cận này ít mang tính “ý thức hệ” hơn so với chính phủ của đảng Bảo thủ và được giới doanh nghiệp hoan nghênh. Công đảng cũng đưa vấn đề khôi phục tăng trưởng vào tâm điểm chương trình nghị sự.

    Sự ổn định, tính dễ dự đoán và năng lực mà đảng này hứa hẹn là những điều còn thiếu trong nền quản trị nước Anh nhiều năm qua. Đây là những nhân tố cần thiết để giúp London thu hút đầu tư. Các cam kết cải cách hệ thống quy hoạch và trao nhiều quyền hơn cho các khu vực nhằm tháo gỡ hạn chế đối với tăng trưởng, năng lực xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng là những điều kinh tế Anh đang cần.

    Tuy nhiên, bức tranh không phải toàn là màu hồng cho Công đảng. Việc đảng này miễn cưỡng nói về việc xây dựng quan hệ thương mại với EU sẽ “chặn đứng” một con đường khác để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, nếu cầm quyền, Công đảng sẽ sớm phải đối mặt với bài toán khó về cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu công, thay đổi các quy định tài chính hoặc đòn bẩy thuế. Viện Nghiên cứu tài chính có trụ sở tại London (Anh) cảnh báo rằng các cam kết của Công đảng về tăng chi tiêu thực tế dành cho lĩnh vực y tế, giáo dục và quốc phòng sẽ đồng nghĩa với việc cắt giảm các dịch vụ công khác với tổng trị giá 9 tỷ Bảng Anh (11,41 tỷ USD)/năm vào năm 2028.

    Thay đổi để tồn tại

    Cuối cùng, không khó để thấy xu thế tìm kiếm sự thay đổi tại ở châu Âu đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong bầu cử Quốc hội Pháp ngày 30/6, đảng Mặt trận Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen đã giành tới 34% số phiếu, theo sau là đảng cánh tả Mặt trận Bình dân Mới với 28%. Liên minh trung dung cầm quyền của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron chỉ giành vỏn vẹn 20% số phiếu.

    Dường như quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội sớm đã không mang lại kết quả như nhà lãnh đạo Pháp tính toán. Quan trọng hơn, việc thay đổi cán cân quyền lực ở một trong những nước “đầu tàu” Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động không nhỏ tới lập trường của khối trong nhiều vấn đề then chốt như xung đột Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas, quan hệ với Mỹ và Trung Quốc hay các vấn đề an ninh phi truyền thống như chống người di cư bất hợp pháp hay chống biến đổi khí hậu, v.v.

    Ông Sunak, với quyết định tổ chức bầu cử toàn quốc sớm hơn gần 6 tháng so với dự kiến, rõ ràng không muốn đi vào “vết xe đổ” của Tổng thống Pháp. Song xét cho cùng, trong bối cảnh Công đảng có ưu thế, câu chuyện “đi hay ở” của đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh giờ sẽ nằm cả ở lá phiếu của gần 4 triệu cử tri xứ sở sương mù.

    Ngày 4/7, cử tri Anh sẽ bỏ phiếu lựa chọn 650 nghị sĩ cho Hạ viện trong một vòng duy nhất - ứng viên nào đạt kết quả bỏ phiếu cao nhất sẽ giành chiến thắng, ngay cả khi không đạt quá bán. Đảng nào có đủ số phiếu vượt mức quá bán sẽ được Vua Charles III đề nghị thành lập chính phủ. Nếu không có đảng nào đạt được mức này, Thủ tướng đương nhiệm sẽ tiếp tục nắm quyền đến khi nào các bên đạt được thỏa thuận thành lập liên minh, hoặc thành lập chính phủ thiểu số, hoặc từ chức.

    Theo baoquocte

  • Đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh đang chứng kiến chuỗi thành tích tồi tệ khi liên tục bị đảng Lao Động đối lập bỏ xa trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 4/7 tới.

    Theo dự đoán mới nhất của Viện thăm dò Survation, đảng Lao Động có thể giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vào ngày 4/7 tới với 470 trên tổng số 650 ghế tại Hạ viện Anh, thậm chí vượt qua chiến thắng lịch sử của đảng này năm 1997 (418 ghế). Ngược lại, Đảng Bảo thủ chỉ nhận được 85 ghế.

    Nếu kết quả thăm dò này trở thành hiện thực, Thủ tướng Rishi Sunak sẽ trở thành Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên mất ghế trong một cuộc tổng tuyển cử, đồng thời đảng Bảo thủ sẽ trở thành đảng đối lập chính thức lần đầu tiên sau 14 năm. Vì thế, ông Rishi Sunak đang tranh thủ những giờ cuối cùng trước bầu cử để kêu gọi cử tri Anh tiếp tục tin tưởng và bỏ phiếu cho đảng cầm quyền.

    cong dang gianh chien thang
    Lãnh đạo đảng Lao Động, Sir Keir Starmer.

    “Tôi biết nhiều người trong số các bạn đã ủng hộ chúng tôi trong quá khứ có đôi chút do dự về việc làm lại điều đó. Vài năm qua không phải là dễ dàng đối với bất kỳ ai. Tôi hiểu tất cả những điều đó. Tôi trân trọng và lắng nghe sự thất vọng của các bạn, nhưng khi các bạn đi bỏ phiếu vào thứ năm, các bạn phải nhớ rằng đây không phải là cuộc bầu cử bổ sung. Đây là sự lựa chọn về người sẽ lãnh đạo đất nước chúng ta trong nhiều năm. Và tôi muốn các bạn hãy nghĩ về ý nghĩa của điều đó đối với bạn và gia đình bạn”, ông Sunak cho biết.

    Việc ông Rishi Sunak quyết định tổ chức bầu cử sớm hồi cuối tháng 5 vừa qua được đánh giá là một bước đi mạo hiểm khi được đưa ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi.

    Đảng Bảo thủ trung hữu lên nắm quyền trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2010 và đã giành chiến thắng trong 3 cuộc bầu cử nữa kể từ thời điểm đó. Tuy nhiên đây cũng là những năm khó khăn đối với nước Anh khi nền kinh tế trì trệ, dịch vụ công suy giảm và một loạt vụ bê bối khiến đảng Bảo thủ trở thành mục tiêu bị chỉ trích ở cả cánh tả và cánh hữu.

    Đối thủ chính của ông Rishi Sunak – người giữ chức Thủ tướng Anh từ tháng 10/2022 tới nay, là lãnh đạo đảng Lao Động Keir Starmer. Tuy nhiên, không chỉ đảng Lao Động, các đảng khác có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập chính phủ liên minh nếu không có đảng nào giành được đa số phiếu.

    Đảng Dân tộc Scotland, vận động cho nền độc lập của Scotland, Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Hợp nhất Dân chủ tìm cách duy trì mối quan hệ giữa Anh và Bắc Ireland, hiện là ba đảng lớn nhất tại Hạ viện sau Đảng Bảo thủ và đảng Lao Động. Nhiều nhà quan sát cho rằng Đảng Cải cách mới, do nhà vận động Brexit Nigel Farage đứng đầu, cũng có thể hút bớt phiếu bầu của Đảng Bảo thủ.

    Cuộc bầu cử tại Anh sẽ diễn ra trong 1 vòng duy nhất vào ngày 4/7 tới. Đảng nào chiếm đa số trong Hạ viện, dù là đảng đơn lẻ hay có sự hỗ trợ của một đảng khác, sẽ thành lập chính phủ tiếp theo và lãnh đạo đảng đó sẽ trở thành thủ tướng. Điều đó đồng nghĩa với việc kết quả cuộc tổng tuyển cử sẽ quyết định hướng đi chính trị của chính phủ Anh, vốn do đảng Bảo thủ trung hữu lãnh đạo trong suốt 14 năm qua.

    Theo VOV1

  • Một trong những vệ sĩ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak vừa bị bắt với cáo buộc tham gia cá cược về ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử, sau khi thông báo chính thức được đưa ra.

    ca cuoc london
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: CNN)

    Cảnh sát London cho biết, một sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Hoàng gia và đặc biệt bị bắt đầu tuần này vì nghi ngờ có hành vi sai trái trong cơ quan công quyền.

    Sĩ quan này bị bắt sau khi ủy ban giám sát hoạt động cờ bạc liên lạc với cảnh sát.

    Ngày 22/5, Thủ tướng Sunak thông báo cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 4/7. Ngày bầu cử trước đó được giữ bí mật khiến rất nhiều người trong đảng Bảo thủ của ông Sunak ngỡ ngàng, vì họ nghĩ cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào mùa thu.

    Cá cược là việc diễn ra phổ biến ở Anh, và các nhà cái nhận cược mọi thứ, từ thể thao đến bầu cử hay người sắp được trao giải thưởng văn học. Nhưng cá cược dựa trên thông tin nội bộ là hành vi phạm tội hình sự.

    Sĩ quan bị bắt đang tại ngoại để chờ điều tra thêm, nhưng bị đình chỉ công tác.

    Tuần trước, trợ lý của ông Sunak và cũng là ứng viên tái cử vào Quốc hội Anh Craig Williams thừa nhận ông đang bị Ủy ban cờ bạc điều tra vì cá cược 100 bảng (128 USD), trước khi ngày bầu cử được thông báo.

    Ứng viên Laura Saunders của đảng Bảo thủ cũng đang bị điều tra với cáo buộc cá cược ngày bầu cử, BBC đưa tin.

    Trước khi trở thành ứng viên nghị sĩ, bà Saunders làm việc cho đảng Bảo thủ. Theo báo chí Anh, bà là vợ của ông Tony Lee, giám đốc chiến dịch tranh cử của đảng Bảo thủ.

    Ông Lee cũng đang bị điều tra cáo buộc cá cược liên quan đến ngày bầu cử. Ông phải tạm nghỉ công việc, dù chỉ còn hai tuần nữa là sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử.

    Những bê bối này càng khiến Thủ tướng Sunak rơi vào thế bất lợi.

    Công đảng đối lập nói rằng đây là ví dụ mới nhất cho thấy chủ nghĩa thân hữu trong đảng Bảo thủ, sau khi xảy ra những vụ trao hợp đồng chính phủ cho người có quan hệ với đảng cầm quyền trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

    Tienphong (theo CNN)

  • Kết quả cuộc thăm dò do Savanta và Electoral Calculus thực hiện cho tờ Telepgraph cho thấy Thủ tướng Anh Rishi Sunak có khả năng sẽ mất ghế vào tay Công đảng tại khu vực bầu cử Richmond.

    thu tuong duong nhiem mat ghe
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại thủ đô London. (Ảnh: THX/TTXVN)

    Theo cuộc thăm dò công bố ngày 19/6, đảng Bảo thủ cầm quyền có khả năng chỉ giành được 53 ghế tại Hạ viện Anh trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/7 sắp tới.

    Theo phóng viên TTXVN tại London, kết quả cuộc thăm dò do Savanta và Electoral Calculus thực hiện cho tờ Telepgraph cho thấy Thủ tướng Anh Rishi Sunak có khả năng sẽ mất ghế vào tay Công đảng tại khu vực bầu cử Richmond.

    Theo dự báo, 3/4 thành viên nội các cũng sẽ bị loại khỏi Hạ viện, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly và Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps.

    Theo kết quả thăm dò, Công đảng sẽ giành được 516 ghế, và Đảng dân chủ tự do, 50 ghế, trở thành đối thủ cạnh tranh của đảng Bảo thủ để giành vị trí đảng đối lập. Đây là cuộc thăm dò đầu tiên dự báo Công đảng sẽ giành được hơn 500 ghế trong khi đảng Bảo thủ chiếm số ghế thấp kỷ lục.

    Nếu kết quả thăm dò trên trở thành hiện thực, ông Sunak sẽ trở thành Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên mất ghế trong một cuộc tổng tuyển cử, đồng thời đảng Bảo thủ sẽ trở thành đảng đối lập chính thức.

    Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 7-18/6 với khoảng 18.000 người, dự đoán kết quả ở từng khu vực bầu cử dựa trên thông tin về nhân khẩu học của người trả lời và khu vực bầu cử.

    Kết quả thăm dò được công bố khi chỉ còn 2 tuần nữa cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu, đặt ra nguy cơ thất bại lịch sử cho đảng Bảo thủ.

    Trong lịch sử hiện đại, số ghế thấp nhất mà đảng Bảo thủ giành được là 131 ghế vào năm 1906. Tại cuộc tổng tuyển cử năm 2019, ông Boris Johnson dẫn dắt đảng Bảo thủ giành chiến thắng vang dội với 365 ghế.

    Theo TTXVN

  • Ba cuộc thăm dò dư luận ở Anh vừa công bố cho thấy đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak đối mặt với thực tế nghiệt ngã. Một hãng thăm dò cảnh báo đảng này sẽ phải đối mặt với 'sự tuyệt chủng' trong cuộc bầu cử ngày 4/7.

    bao thu nguy to
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: Reuters)

    Những cuộc thăm dò này được thực hiện sau 1 tuần đảng Bảo thủ và Công đảng đưa ra tuyên ngôn của mình và ngay trước khi cử tri bắt đầu nhận phiếu qua đường bưu điện.

    Ông Sunak gây ngạc nhiên trong chính đảng của mình khi đưa ra tuyên bố vào ngày 22/5 về việc bầu cử sớm, trái ngược với kỳ vọng rằng ông sẽ đợi đến cuối năm để có thêm thời gian cho đất nước phục hồi sau đợt lạm phát cao nhất trong 40 năm.

    Hãng nghiên cứu thị trường Savanta xác định tỷ lệ ủng hộ Công đảng của ông Keir Starmer là 46%, tăng 2 điểm so với cuộc thăm dò trước đó 5 ngày; trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng Bảo thủ giảm 4 điểm, xuống còn 21%. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 12/6 - 14/6, Sunday Telegraph công bố.

    Khoảng cách 25 điểm giữa hai đảng là mức chênh lớn nhất từ thời của bà Liz Truss, người tiền nhiệm của ông Sunak. Bà Truss có thời gian lãnh đạo cực kỳ ngắn sau khi kế hoạch cắt giảm thuế của bà dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu chính phủ, đẩy lãi suất lên cao và buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp.

    Chris Hopkins, giám đốc nghiên cứu chính trị của hãng thăm dò Savanta, đánh giá: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cuộc bầu cử này có thể dẫn đến 'sự tuyệt chủng' đối với đảng Bảo thủ”.

    Một cuộc thăm dò khác của Survation, do Sunday Times công bố, dự đoán đảng Bảo thủ có thể chỉ giành được 72 ghế trong Hạ viện gồm 650 thành viên - mức thấp nhất trong lịch sử gần 200 năm của họ, còn Công đảng sẽ giành được 456 ghế. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 31/5 - 13/6.

    Về tỷ lệ, cuộc thăm dò Survation cho thấy Công đảng chiếm 40% và đảng Bảo thủ chiếm 24%, còn đảng Cải cách Vương quốc Anh của ông Nigel Farage được 12%.

    Cuộc thăm dò thứ 3, do hãng Opinium thực hiện cho tờ Sunday's Observer, từ ngày 12/6 – 14/6, cũng cho thấy Công đảng chiếm 40%, đảng Bảo thủ chiếm 23% và đảng Cải cách chiếm 14%.

    Theo Tiền Phong

  • Đảng Cải cách Vương quốc Anh (Reform UK) do ông Nigel Farage lãnh đạo đã vượt qua Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak trong một cuộc thăm dò dư luận lần đầu tiên hôm 13-6 trước cuộc tổng tuyển cử Anh vào ngày 4-7.

    dang cai cach anh
    Lãnh đạo Đảng Cải cách Vương quốc Anh Nigel Farage phát biểu trong chiến dịch tranh cử ở London, Anh, ngày 10-6. Ảnh: Reuters

    Cuộc thăm dò của YouGov đăng trên tờ Times cho thấy đảng Cải cách Vương quốc Anh đạt 19%, tăng so với 17% trước đó và Đảng Bảo thủ không thay đổi ở mức 18%. Đảng Lao động đối lập đứng đầu cuộc thăm dò với 37%.

    Cuộc khảo sát với 2.211 người được thực hiện từ ngày 12 đến ngày 13-6, sau khi ông Sunak cam kết cắt giảm 17 tỷ bảng Anh (21,7 tỷ USD) thuế cho người lao động trong tuyên ngôn bầu cử . Xếp hạng cuộc thăm dò ý kiến của đảng Cải cách đã tăng lên kể từ khi Farage, người nổi tiếng với chiến dịch thành công để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), cho biết ông sẽ quay trở lại chính trường, nắm quyền lãnh đạo đảng và ứng cử vào quốc hội.

    Cải cách Vương quốc Anh là một đảng chính trị mới được thành lập vào năm 2021 bởi cựu lãnh đạo Đảng Brexit Nigel Farage. Mục tiêu chính của đảng là mang lại những cải cách và thay đổi cần thiết ở Anh, đặc biệt là để giải quyết những gì họ cho là sự thiếu lãnh đạo và hoạch định chính sách hiệu quả từ chính phủ hiện tại.

    Ông Nigel Farage cho biết Cải cách Vương quốc Anh đã có một "khởi đầu phi thường" và hy vọng đảng có thể "vượt qua ngưỡng bầu cử", nhưng ông từ chối đặt mục tiêu về số ghế quốc hội mà đảng này có thể giành được. Mặc dù đã vượt qua đảng Bảo thủ của Thủ tướng Sunak trong cuộc thăm dò hôm 13-6 - phản ánh tỷ lệ phiếu bầu trên toàn quốc nhưng nhiều dự báo cho thấy, đảng Cải cách không thể giành được nhiều ghế trong quốc hội.

    Phản ứng về kết quả trên, Thủ tướng Anh cho biết vẫn đang đấu tranh cho mọi phiếu bầu sau khi cuộc thăm dò của YouGov đưa Đảng Bảo thủ xuống vị trí thứ ba sau Đảng Lao động và Cải cách Vương quốc Anh, giáng một đòn mới vào chiến dịch tranh cử đang gặp khó khăn của ông.

    Phát biểu với các nhà báo ở Puglia, Italia, khi đang tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7, ông Sunak nói: “Chúng ta chỉ mới đi được nửa chặng đường của cuộc bầu cử này phải không? Vì vậy, tôi vẫn đang chiến đấu hết mình cho mỗi lá phiếu”.

    Chiến dịch tranh cử của Thủ tướng Sunak cũng vấp phải sự chỉ trích gay gắt sau khi ông rời các sự kiện tưởng niệm Ngày D ở Pháp sớm hơn các nhà lãnh đạo thế giới khác.

    Theo Hanoimoi

  • Thủ tướng Rishi Sunak cam kết giảm hơn 17 tỷ bảng tiền thuế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà nếu đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/7 tới.

    huy thue truoc ban
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 11/6, Thủ tướng Rishi Sunak cam kết giảm hơn 17 tỷ bảng (khoảng 22 tỷ USD) tiền thuế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà nếu đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/7 tới.

    Phát biểu tại lễ công bố cương lĩnh tranh cử của đảng cầm quyền tại Silverstone, hạt Northamptonshire, miền Đông Trung du vùng England, Thủ tướng Sunak cam kết chính phủ mới sẽ hủy bỏ nghĩa vụ đóng bảo hiểm quốc gia đối với những cá nhân tự kinh doanh, đồng thời giảm thêm 2% mức phí đóng bảo hiểm quốc gia cho người lao động, xuống còn 6% bắt đầu từ tháng 4/2027.

    Trước đó, chính phủ đã giảm mức đóng bảo hiểm quốc gia từ 12% xuống 8% vào năm ngoái.

    Thủ tướng Sunak cũng khẳng định sẽ giải quyết vấn đề nhà ở, một trọng tâm tranh cử của các đảng tại Anh, với cam kết cung cấp 1,6 triệu ngôi nhà ở vùng England, thông qua việc bãi bỏ các quy định hiện hành để phát triển nhà ở tại các khu đô thị và đảm bảo cơ sở hạ tầng như phòng khám đa khoa và đường sá ở các khu dân cư.

    Đặc biệt, chính phủ sẽ hủy bỏ khoản thuế trước bạ cho những người lần đầu mua nhà với giá trị dưới 425.000 bảng, đồng thời cấp khoản vay tương đương 20% giá trị căn nhà cho những người mua lần đầu.

    Cương lĩnh của đảng cầm quyền cũng cam kết đảm bảo lương hưu nhà nước và trợ cấp luôn tăng cùng mức lạm phát cao nhất, cũng như tăng chi cho Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) cao hơn mức tăng lạm phát hàng năm, tuyển dụng thêm y tá, bác sỹ và tăng năng suất, hiệu quả của NHS.

    Chính phủ mới cũng cam kết giảm tỷ lệ nhập cư giảm hằng năm, áp mức trần nhập cư hợp pháp, giới hạn số lượng thị thực việc làm và thị thực người phụ thuộc, đồng thời thực hiện các chuyến bay đưa người xin tị nạn tới Rwanda.

    Theo cương lĩnh tranh cử, chính phủ sẽ tăng chi quốc phòng lên mức 2,5% vào năm 2030, và áp dụng nghĩa vụ quân sự hoặc dân sự đối với tất cả học sinh tốt nghiệp phổ thông đủ 18 tuổi.

    Về chuyển đổi xanh, chính phủ mới sẽ không áp các khoản thuế, phí xanh mới đồng thời giảm chi phí chuyển đổi xanh cho người tiêu dùng.

    Lễ công bố cương lĩnh tranh cử là một trong những cơ hội lớn cuối cùng để Thủ tướng Sunak xoay chuyển tình thế khi đảng cầm quyền đang bị Công đảng đối lập dẫn trước 20 điểm trong các cuộc thăm dò.

    Cá nhân Thủ tướng Sunak cũng đang vấp phải chỉ trích sau khi ông quyết định sớm rời lễ kỷ niệm 80 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandie trong Thế chiến thứ Hai tại Pháp.

    Theo dự báo mới nhất về kết quả bầu cử của công ty nghiên cứu thị trường YouGov dựa trên các cuộc thăm dò, đảng Bảo thủ sẽ mất 223 ghế và chỉ giữ được 140 ghế tại Hạ viện trong khi Công đảng sẽ giành chiến thắng lịch sử với 422 ghế.

    Theo Vietnamplus

  • Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố sẽ chiến đấu cho ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử, sau khi ông bị chỉ trích việc bỏ một phần lễ kỷ niệm sự kiện Normandy.

    sunak khong tu chuc
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak. (Ảnh: Reuters)

    Tại điểm vận động tranh cử ở West Sussex ngày 10/6, Thủ tướng Sunak thể hiện tự tin rằng ông có thể lấy lại sự ủng hộ của cử tri và ông không chấp nhận kết quả bầu cử là điều đã được định trước.

    Sau đó khi được hỏi liệu có cân nhắc việc từ chức hay không, Thủ tướng Sunak nói “tất nhiên là không”, và cho biết ông rất hào hứng với chiến dịch này. Cuối tuần qua, các bộ trưởng nội các khẳng định ông Sunak sẽ không bị thay thế vai trò lãnh đạo trong suốt chiến dịch bầu cử.

    Đây là lần xuất hiện đầu tiên của ông trên báo chí từ khi ông đưa ra lời xin lỗi vào tuần trước vì không dự một phần lễ tưởng niệm cuộc đổ bộ Normandy.

    Ông cũng đáp trả chỉ trích từ đối thủ Nigel Farage rằng sự vắng mặt của ông cho thấy ông “không yêu nước”, cho rằng lời nói bóng gió đó “không tốt cho chính trị hoặc đất nước của chúng ta”.

    Ông Sunak cho biết vẫn tiếp tục nỗ lực dù các cuộc thăm dò liên tục cho thấy ông kém đối thủ 20 điểm.

    Phát biểu được đưa ra sau khi cựu Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman nói rằng đảng Bảo thủ nên “đoàn kết với cánh hữu” và tìm cách hợp tác với đảng Cải cách của ông Farage

    Khi được hỏi có lo ngại việc đảng Cải cách vượt qua đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò hay không, ông Sunak liên tục bác bỏ khả năng liên kết với đảng của ông Farage.

    “Tôi thực sự không quan tâm đến Cải cách, thành thật mà nói, tôi quan tâm đến việc mang đến cho người dân Anh chương trình nghị sự mà tôi đề ra”, ông Sunak cho biết.

    Tienphong (theo Guardian)

  • Thủ tướng Rishi Sunak nói ông hiểu cuộc sống khó khăn chật vật là như thế nào, vì hồi nhỏ bố mẹ cũng không bắt truyền hình Sky cho ông xem. Phát biểu này của thủ tướng hiện đang vấp phải chỉ trích rất dữ dội, người ta cho rằng ông giàu từ tấm bé và ông không hiểu gì về tầng lớp trung lưu bình thường chứ chưa nói tới những người dưới đáy xã hội. Ông không có sự cảm thông hợp lý.

    thu tuong anh qua giau
    Ông Sunak trả lời phỏng vấn trong show Tonight của ITV.

    Trong một cuộc phỏng vấn phát trên kênh ITV, Thủ tướng Anh cười một cách ngờ nghệch khi ông cố gắng liên tưởng về cuộc sống vật lộn mỗi ngày của người bình thường. 

    Ông nói rằng gia đình ông đã hy sinh nhiều thứ để bố mẹ có đủ tiền gửi ông đi học trường tư Winchester College. Đó là một ngôi trường đắt đỏ với học phí hơn £36,000/năm (chưa kể tiền nội trú).

    Khi được yêu cầu cho ví dụ về một điều thiệt thòi ở thời thơ ấu, ông Sunak nói rằng: "Rất nhiều thứ tôi không có, cũng giống như hầu hết mọi người. Lúc nhỏ tôi thích rất nhiều thứ nhưng tôi không có được. Chẳng hạn như truyền hình Sky, lúc nhỏ chẳng nhà ai có tiền mua thuê bao Sky".

    Sunak và vợ ông là những chủ nhân giàu có nhất trong lịch sử Phủ Thủ tướng. Tài sản gộp của họ là 651 triệu bảng (831 triệu USD), giàu hơn cả Vua. Phần lớn số tài sản này đến từ cổ phần của vợ ông trong tập đoàn Infosys do cha bà sáng lập. 

    Bà Murty là con gái của tỷ phú Narayana Murthy, người đã xây dựng đế chế phần mềm Infosys lớn nhất Ấn Độ. Bà cũng sở hữu công ty đầu tư Catamanran Ventures và nhiều cổ phần trong các công ty khác.

    Vợ chồng ông Sunak sở hữu ít nhất 3 căn nhà ở Anh và bất động sản trị giá khoảng 6 triệu USD ở Santa Monica, bang California, Mỹ.

    Vợ chồng ông Sunak cùng hai con gái Krishna và Anoushka sống tại dinh thự 5 phòng ngủ trị giá gần 8 triệu USD ở phía tây thủ đô London. Vào cuối tuần, gia đình ông thường tới nghỉ ngơi ở biệt thự hơn 2,2 triệu USD tại làng Kirby Sigston, nơi có bể bơi trong nhà, phòng gym, phòng tập yoga, sân tennis. Với tình trạng giá năng lượng leo thang tại Anh, bể bơi tại biệt thự nghỉ dưỡng của gia đình ông Sunak có thể tốn gần 16.000 USD để làm ấm nước, gần gấp 6 lần hóa đơn năng lượng trung bình của một hộ gia đình. 

    Tổng tài sản của vợ chồng ông Sunak cao hơn gấp đôi tài sản của Vua Charles III và Vương hậu Camila, ước tính khoảng 340-395 triệu USD. Đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh có thủ tướng giàu hơn cả Nhà Vua.

    Ông Sunak trở thành chính trị gia cấp cao đầu tiên từng lọt vào danh sách những người giàu nhất nước Anh, theo bảng xếp hạng tỷ phú của Sunday Timesnăm 2022.

    Theo Guardian, nhiều người Anh đặt câu hỏi liệu ông có quá giàu để hiểu nỗi khó khăn thường ngày của các cử tri khi đảm nhận chức thủ tướng hay không.

    Viethome (theo Metro)

  • Thủ tướng Anh Rishi Sunak có phần thắng thế trước đối thủ Keir Starmer trong cuộc tranh luận bầu cử đầu tiên được trực tiếp trên truyền hình, theo một cuộc thăm dò nhanh của YouGov vào hôm 4/6.

    Cuộc thăm dò cho thấy 51% số người cho rằng Thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak từ Đảng Bảo thủ thể hiện tốt hơn trong cuộc tranh luận, so với 49% của lãnh đạo Đảng Lao động đối lập Keir Starmer.

    thang diem tranh cu
    Cuộc tranh luận giữa lãnh đạo Đảng Lao động Keir Starmer (trái) và Thủ tướng Rishi Sunak vào ngày 4 tháng 6 năm 2024. Ảnh: Jonathan Hordle/ITV

    Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào ngày 4/6, ông Sunak khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm thuế cho người dân như hiện tại, trong khi các chính sách của Đảng Lao động sẽ dẫn đến mức tăng thuế 2.000 bảng Anh đối với "mọi gia đình lao động", dựa trên phân tích của các cơ quan tài chính độc lập.

    Cả hai nhà lãnh đạo đều cho biết họ sẽ không tăng thuế thu nhập hoặc bảo hiểm quốc gia trong quốc hội tới.

    Đảng Bảo thủ cam kết thực hiện nghĩa vụ quốc gia đối với những sinh viên mới ra trường, thúc đẩy kế hoạch gây tranh cãi của họ là gửi người xin tị nạn đến Rwanda và tăng trợ cấp lương hưu miễn thuế hiện có.

    Các cam kết của Đảng Lao động bao gồm thành lập một công ty năng lượng mới thuộc sở hữu công của Vương quốc Anh, đưa các nhà khai thác tàu hỏa thuộc sở hữu công và tăng mức lương tối thiểu.

    Cả hai bên cam kết cắt giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia đang gặp khó khăn của Vương quốc Anh.

    Cuối tháng trước, ông Sunak đã khiến các chính trị gia cũng như công chúng bất ngờ khi kêu gọi tổ chức bầu cử vào ngày 4/7 thay vì cuối năm nay. 

    Kể từ đó, các đảng đã bắt đầu bước vào chế độ vận động tranh cử, cùng với các đối thủ nhỏ hơn bao gồm Đảng Xanh, Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Quốc gia Scotland và Đảng Cải cách.

    Congluan (theo Reuters, CNBC)

  • Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cam kết sẽ đưa ra giới hạn nhập cư nếu tái đắc cử, trong bối cảnh chính quyền của ông đang đối mặt với các thách thức lớn liên quan đến chính sách nhập cư và tị nạn.

    Thủ tướng Sunak cho biết ông sẽ thông qua một luật khẩn cấp và cảnh báo rằng Vương quốc Anh có thể rút khỏi Công ước Nhân quyền châu Âu nếu cần thiết để thực hiện chính sách gửi người tị nạn đến Rwanda, mặc dù Tòa án Tối cao Anh đã phán quyết chính sách này là bất hợp pháp.

    cat giam tiep tuc rwanda
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Henley-on-Thames, Vương quốc Anh hôm thứ Hai. Ảnh: Reuters. Ảnh: Reuters

    Ông Sunak nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách này để ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp qua Eo biển Manche từ Pháp, một vấn đề đã gây áp lực lớn lên hệ thống tị nạn của Vương quốc Anh.

    Ông cũng tuyên bố sẽ làm việc với Rwanda để ký một hiệp ước mới và đưa ra các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo quốc gia Đông Phi này được coi là điểm đến an toàn cho người di cư.

    Các chính sách nhập cư của Sunak đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía, bao gồm cả các nhà lập pháp trong Đảng Bảo thủ của ông. Một số thành viên trong đảng cho rằng chính sách này quá khắc nghiệt, trong khi những người khác lại cho rằng nó chưa đủ mạnh để ngăn chặn di cư.

    Ông Sunak cũng phải đối mặt với những thách thức kinh tế và xã hội khi chi phí hỗ trợ cho những người di cư đang tăng cao. Hiện tại, việc cung cấp chỗ ở cho 175,000 người đang chờ quyết định tị nạn tốn khoảng 8 triệu bảng mỗi ngày.

    Các nhóm nhân quyền và nhiều tổ chức quốc tế đã chỉ trích chính sách, cho rằng nó không phù hợp với luật pháp quốc tế về người tị nạn. Tuy nhiên, ông Sunak vẫn kiên định với kế hoạch của mình và khẳng định rằng việc kiểm soát di cư là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông.

    Congluan (theo AFP, Reuters, SCMP)