• Tài liệu hải quân Mỹ mới được công bố đã tiết lộ sự thật đằng sau vụ nổ đồng loạt đầy bí ẩn của nhiều thủy lôi Mỹ ngoài khơi bờ biển Việt Nam, cụ thể tại vịnh Hòn La (Quảng Bình) vào năm 1972.

    Đêm 4.8.1972, một loạt các vụ nổ liên hoàn làm rúng động khu vực vịnh Hòn La trong suốt 30 giây. Phi hành đoàn trên một chiến đấu cơ thuộc Hạm đội 7 đang bay gần đó vô cùng ngỡ ngàng vì không rõ chuyện gì đang xảy ra.

    Từ trên cao, họ có thể thấy khoảng 30 đốm bùn loang bên dưới mặt nước, dấu hiệu cho thấy thủy lôi đã phát nổ trong lòng vịnh, theo tạp chí Smithsonian.

    Trên thực tế, một lượng lớn thủy lôi đã được cài dọc theo khu vực này từ đầu năm 1972 trong chiến dịch mang tên Pocket Money. Tuy nhiên, khi đó vẫn chưa đến thời điểm kích nổ.

    Hải quân Mỹ bắt đầu vào cuộc điều tra để tìm hiểu lý do đằng sau sự cố tại vịnh Hòn La. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Bernard Clarey khi đó đã cho rằng nguyên nhân có thể đến từ hoạt động của mặt trời và giả thuyết này đã được xác nhận trong báo cáo mật của hải quân.

    bao mat troi chien tranh viet nam

    Nhiều thủy lôi được thiết kế để phát nổ khi “cảm nhận” được những thay đổi trong áp suất, âm thanh hoặc từ trường bắt nguồn từ những con tàu đi ngang qua.

    Trong khi đó, tháng 8.1972 là giai đoạn bức xạ mặt trời hoạt động với cường độ mạnh. Vùng MR 11976 trên bề mặt mặt trời đã phun trào các vết lóa và vật chất vành nhật hoa, tống ra các luồng bức xạ gây nên bão mặt trời lao về hướng Trái đất.

    Bão mặt trời có thể tác động đến tín hiệu vô tuyến và đã vô tình kích nổ thủy lôi ở vịnh Hòn La.

    Sau khi báo cáo của hải quân được giải mật, các chuyên gia thuộc Đại học Colorado (Mỹ) đã tiến hành kiểm tra và cũng xác nhận kết quả nói trên , theo trang Phys.org.

    Theo Thanh Niên

  • Mặt trời đang hoạt động ở tần suất nhanh hơn dự kiến của giới khoa học, dẫn đến khả năng bão mặt trời có thể ập đến địa cầu trong năm 2025, và kéo theo đó là nguy cơ cho mạng internet của trái đất.

    Một số người luôn lo ngại ngày tận thế đang đến gần. Tuy nhiên, thay vì viễn cảnh các tòa nhà bốc cháy và tình trạng hỗn loạn khủng khiếp, ngày tận thế ở đây lại là tình trạng sập mạng internet có thể kéo dài nhiều tháng. Tất cả do ảnh hưởng từ bão mặt trời, theo đài CBS News hôm 28.6.

    Nếu internet bị sập trên diện rộng, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp. Chỉ tính riêng tại Mỹ, nền kinh tế có thể tổn thất đến 11 tỉ USD/ngày, theo tờ The Washington Post dẫn thông tin từ công cụ theo dõi internet NetBlocks. Việc mất kết nối sẽ gây gián đoạn hoạt động sản xuất và làm trì trệ các chuỗi cung ứng liên quan đến hàng hóa thiết yếu và thực phẩm, dược phẩm trên toàn nước Mỹ.

    bao mat troi tan the 1
    Mặt trời đang trong chu kỳ 25. Ảnh: NASA

    Hiện các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang tìm cách ngăn chặn thảm họa trên phát sinh, với việc phóng tàu vũ trụ nghiên cứu mặt trời. Dữ liệu thu được từ sứ mệnh này có thể cho phép họ nghiên cứu và chuẩn bị ứng phó trong trường hợp bão mặt trời phát sinh, từ đó chặn đứng nguy cơ "ngày tận thế của internet".

    Sau đây là những thông tin về bão mặt trời sắp tới và sự chuẩn bị của phía khoa học gia.

    bao mat troi tan the 1
    Mô phỏng hình ảnh tàu thăm dò Parker tiến vào khu vực vành nhật hoa của mặt trời. Ảnh: NASA

    'Ngày tận thế của internet' là gì?

    Cụm từ trên không liên hệ gì với NASA mà trên thực tế xuất phát từ một báo cáo về bão mặt trời của Đại học California tại Irvine (Mỹ) công bố năm 2021. Báo cáo đề cập đến nguy cơ có thể xảy ra tình trạng sập mạng internet trên toàn cầu và kéo dài vài tháng do bão mặt trời.

    Theo tác giả báo cáo, những cơn bão mặt trời như trên là một trong những mối đe dọa khủng khiếp nhất mà mạng internet phải đối mặt. Đó là do các vụ phun trào vật chất ở vành nhật hoa có thể tạo ra những dòng điện từ đầy uy lực, đủ sức xâm nhập và làm hư hại những hệ thống cáp quang đường dài vốn là xương sống của internet.

    Dẫn báo cáo của các nhà khoa học trong quá khứ, báo cáo của Đại học California dự đoán xác suất xảy ra sự kiện thời tiết cực đoan có tác động trực tiếp đối với trái đất dao động từ 1,6 đến 12% trong mỗi thập niên. Tuy nhiên, do các chu kỳ mặt trời gần đây luôn trong trạng thái hoạt động thấp, báo cáo cho rằng tình hình sắp tới sẽ thay đổi.

    Chuyện gì đang xảy ra cho mặt trời?

    Từ tháng 12.2019, mặt trời đang ở chu kỳ 25, có nghĩa là chu kỳ thứ 25 kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu ghi chép dữ liệu từ năm 1755. Mỗi chu kỳ kéo dài 11 năm. Vào thời điểm bắt đầu chu kỳ hiện tại, Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ dự báo hoạt động mặt trời sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, trong khi các giai đoạn còn lại đều khá yếu ớt, theo Đài CBS News.

    Tuy nhiên, vào đầu tháng 6, các nhà nghiên cứu phát hiện chu kỳ hiện tại đang tăng tốc nhanh hơn dự kiến ban đầu, với nhiều vết lóa và sự phun trào xuất hiện trên bề mặt sao trung tâm của chúng ta.

    Dù phát hiện mặt trời đang hoạt động tăng tốc, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng chu kỳ hiện tại sẽ diễn ra bình thường nếu so với những chu kỳ mặt trời trong thế kỷ trước đó.

    Thế nhưng, điều này không có nghĩa chu kỳ 25 sẽ miễn trừ nguy cơ xảy ra biến cố. Hồi tháng 4, một cơn bão địa từ nghiêm trọng đã hình thành, cũng là cơn bão mặt trời thứ ba kể từ khi bước vào chu kỳ hiện tại.

    bao mat troi tan the 1
    NASA phóng tàu thăm dò mặt trời Parker hồi tháng 8.2018. Ảnh: NASA

    Tàu vũ trụ của NASA

    Năm 2018, NASA phóng tàu thăm dò mặt trời Parker. Đến năm 2021, con tàu tiếp cận bề mặt mặt trời, tiến vào vùng khí quyển bên trên, tức vành nhật hoa, và cũng là nơi gió mặt trời hoạt động.

    Tại đây, con tàu thu thập được nhiều thông tin liên quan đến gió mặt trời và ảnh hưởng của nó đến hệ thống khí quyển không gian trên diện rộng.

    Nhờ sứ mệnh trên, NASA phát hiện được gió mặt trời được tiếp năng lượng từ đáy của vành nhật hoa, cho phép giải thích cơ chế gió mặt trời tăng tốc và tăng nhiệt, theo chuyên gia Craig DeForest của Viện Nghiên cứu Tây Nam (trụ sở thành phố Boulder, bang Colorado, Mỹ).

    Trong lúc nhóm của ông DeForest đang tiếp tục theo đuổi nỗ lực nghiên cứu nhằm khám phá bí mật về mặt trời, gần đây NASA xây dựng mô hình máy tính có thể cảnh báo trước nguy cơ xuất hiện bão mặt trời.

    Với công nghệ này, giới hữu trách có được 30 phút cảnh báo sớm trước khi bão mặt trời ập đến địa cầu. Đây là khoảng thời gian vàng để chuẩn bị và bảo vệ các lưới điện và những cơ sở hạ tầng thiết yếu khác.

    Bên cạnh đó, bão mặt trời đủ mạnh để làm sập mạng internet toàn cầu được tính toán chỉ xảy ra mỗi 500 năm/lần, và lần gần nhất là cách đây 164 năm. Vì thế, dù chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, giới chuyên gia cho rằng không nên quá lo lắng về nguy cơ bão mặt trời trong 2 năm nữa.

    Theo Thanh Niên