• Siêu bão Dorian đã khiến cả triệu người Mỹ phải đi sơ tán. Và khi ngắm hình ảnh của cơn bão từ ngoài vũ trụ, khoa học còn nhận ra mọi chuyện vẫn chưa hề kết thúc.

    Nếu hỏi đâu là thứ gây chú ý nhất cộng đồng mạng trong những ngày qua, chắc chắn "Dorian" sẽ nhận được một phiếu. Đó là tên của siêu bão mới đổ bộ vào Hoa Kỳ, là một trong những trận báo nhiệt đới mạnh top đầu lịch sử nước Mỹ, với sức gió lên tới 260 km/h và khiến hơn 1 triệu người phải đi sơ tán. 

    Theo NHC, "quái vật" Dorian xứng danh là một cơn bão chạm đến cấp thảm họa. Nó khiến mực nước biển dâng cao 4,5 - 6m, càn quét mọi nơi đi qua, nhổ bật gốc những thân cây cổ thụ như những cọng cỏ. Còn mái nhà thì thôi, cuốn theo chiều gió, chẳng cách nào giữ được. 

    Mới đây chuyên gia khí tượng học Dakota Smith đã công bố một đoạn bức ảnh về hình dạng quanh tâm cơn bão này khi quan sát từ trên vũ trụ. Và chỉ cần nhìn vào đoạn video này thôi,  bạn sẽ hiểu rằng "bão quái vật" không chỉ có hư danh đâu.

    Cụ thể, bức hình cho thấy hàng loạt những trận bão sét khủng khiếp mà bão Dorian đã tạo ra khi di chuyển. Dakota Smith đã tổng hợp chúng từ những ngày cuối tháng 8, nhằm cho thấy cơn bão này kinh khủng đến mức nào. 

    "Tôi tạo ra những hình ảnh này để cho thấy cơn bão kinh khủng đến thế nào," - Smith cho biết.

    "Thế hệ hình ảnh vệ tinh mới thực sự rất đáng kinh ngạc."

    Và đó không phải là những hình ảnh duy nhất liên quan đến bão Dorian. Đoạn video dưới đây không chỉ cho thấy cơn bão đang kinh khủng đến mức nào, mà còn ẩn chứa những rắc rối lớn hơn đến từ cơn bão này. Với việc số lượng sét đánh nhiều khủng khiếp gần tâm bão, có vẻ những gì tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra đâu.

    Bão sét Dorian - xứng danh bão quái vật 

    "Sét trong mắt bão là dấu hiệu cho thấy sự đối lưu sâu. Nói cách khác, điều này cho thấy cơn bão sẽ còn tiếp tục duy trì, thậm chí gia tăng sức mạnh trong những ngày tới."

    Trên thực tế, việc có sấm sét trong một cơn bão nhiệt đới cũng không phải hiện tượng hiếm, nhưng chúng thường xuất hiện rải rác ở phía ngoài, thay vì xung quanh tâm bão. Vậy nên, trường hợp của Dorian là thực sự đáng lo ngại.

    Bão nhiệt đới là dạng bão gây ra nhiều thiệt hại nhất trên Trái đất. Theo như một nghiên cứu mới đây thì với một cơn bão nhiệt đới, mật độ sấm sét thường sẽ tăng lên ngay trước khi cường độ bão được đẩy mạnh. 

    Hiện tượng này đã được quan sát ở rất nhiều trận bão cực mạnh trong những năm gần đây. Theo như NOAA (Cơ quan khí quyển và đại dương Hoa Kỳ) lý giải, nguyên nhân là vì phần tâm bão có không khí ấm hơn, tạo ra luồng gió yếu hơn. Nói cách khác, nước biển tại đây cũng không lạnh, đủ điều kiện để tạo ra điện tích cho bão sét.

    Khi đối lưu đột ngột thay đổi, tâm bão sẽ xuất hiện những vụ bùng nổ nhỏ, tạo điều kiện cho dòng điện xuất hiện. Đó là lý do vì sao người ta có thể sử dụng sấm sét làm công cụ để dự báo bão. Dù không thể cho biết những đợt sấm sét ấy tiết lộ điều gì, nhưng về cơ bản thì nếu chúng xuất hiện giữa tâm bão, đó không phải là dấu hiệu có thể bỏ qua.

    "Về tổng thể, thường thì ở tâm bão không có nhiều sấm sét. Vậy nên nếu thấy điều đó xảy ra, ai cũng hiểu là đang có chuyện." - trích lời Richard Blakeslee, chuyên gia của NASA.

    2 ngày trước khi xuất hiện, Dorian đã đạt đến cấp 5, tiến vào đảo Bahamas với tốc độ 260km/h, sau đó xuống cấp 4 với vận tốc gió lên tới 233km/h, đủ sức để quật đổ mọi thứ trên đường nó đi qua.

    Ở thời điểm hiện tại, Dorian đang là cơn bão mạnh thứ 2 lịch sử Đại Tây Dương.

    Viethome (theo Helino)

  • Hình ảnh ban đầu cho thấy mức độ tàn phá kinh hoàng của bão Dorian tại quần đảo Bahamas, trong khi giới chức vẫn chưa thể tiếp cận toàn bộ hiện trường.

    Thị trấn Bahamas hoang tàn sau khi siêu bão Dorian quét qua. 

    Hình ảnh ban đầu cho thấy mức độ tàn phá kinh hoàng của siêu bão Dorian tại quần đảo Bahamas, trong khi giới chức vẫn chưa thể tiếp cận toàn bộ hiện trường.

    Quần đảo Bahamas đã bị tàn phá nặng nề bởi siêu bão Dorian. Tính đến nay, mưa lũ và sức gió kinh hoàng lên tới 290 km/h khiến ít nhất 5 người chết và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, theo New York Times. Trong ảnh, thiệt hại do bão Dorian gây ra cho các ngôi nhà ven biển trên đảo Abaco, thuộc quần đảo Bahamas ngày 3/9. Ảnh: Our News Bahamas.

    Thiệt hại trên đảo Abaco nhìn từ trên cao, sau bão Dorian. Toàn bộ thiệt hại vẫn chưa thể xác định, vì điện thoại, Internet và đường điện vẫn bị cắt trên nhiều hòn đảo. Ảnh: LSM.

    Thiệt hại nhìn từ trên cao tại một điểm không rõ vị trí ở quần đảo Bahamas, trong tấm ảnh do Tuần duyên Mỹ chụp được ngày 2/9. Ảnh: Tuần duyên Mỹ/Reuters.

    Các tình nguyện viên đang ứng cứu một số gia đình khỏi dòng nước lũ từ bão Dorian ngày 3/9. Các quan chức cứu hộ nói họ chưa thể cử các đội cứu hộ tới đảo Abaco và Grand Bahama cho tới ngày 4/9, khi thời tiết bớt nguy hiểm. Ảnh: AP.

    Một số tình nguyện viên đang lội nước ngập tới đùi giữa mưa lớn và gió giật ở Freeport. Các video cho thấy người dân của quần đảo kinh ngạc trước xe và nhà cửa bị phá hủy, đổ nát chất thành đống và cây cối bị bẻ gãy. Cơ quan cứu hộ nhận được ít nhất 200 cuộc gọi từ những người bị kẹt trên mái nhà, New York Times đưa tin ngày 4/9. Đài radio địa phương đã nhận được hơn 2.000 cuộc điện thoại cầu cứu, theo hãng tin AP ngày 3/9. Ảnh: AP.

    Một phụ nữ được các tình nguyện viên giải cứu ở Freeport ngày 3/9. “Chúng ta đang ở giữa một bi kịch lịch sử ở một số nơi trên quần đảo Bahamas”, Thủ tướng Hubert A. Minnis nói trong buổi họp báo tối 2/9. Ảnh: AP.

    Một con đường bị ngập hoàn toàn ở Bahamas ngày 3/9. “Chúng ta đang chứng kiến mực nước chưa từng có”, Kevin Harris, giám đốc Trung tâm Thông tin Bahamas nói. “Chúng tôi đã nghe tin từ người dân rằng có những thị trấn bị xóa sổ hoàn toàn và phá hủy... Tôi không nghĩ chúng ta đã thấy điều gì tệ thế này. Thiệt hại sẽ đi vào sách lịch sử”. Ảnh: Our News Bahamas.

    Xe cộ bị ngập gần như hoàn toàn ở Freeport, Grand Bahama, ngày 3/9. Số nhà bị phá hủy có thể lên tới 13.000, và nguồn nước ở đảo Abaco có thể đã bị nhiễm nước mặn, theo hội Chữ Thập đỏ Quốc tế. Ảnh: AP.

    Một hình ảnh trên mạng xã hội trong đó người đăng chú thích “Đây là xe tải”, nhưng xe tải đã bị ngập hoàn toàn. Thiệt hại do bão Dorian gây ra ở mức thảm họa không chỉ vì bão đạt cấp 5 (theo thang 1-5 được sử dụng ở Mỹ) khi đổ bộ vào đảo Grand Bahama tôi ngày 1/9, mà còn vì siêu bão này di chuyển với tốc độ rất chậm, gần như đứng yên khi qua quần đảo này. Ảnh: Gina Albury.

    Hình ảnh do người dân đăng tải cho thấy xe bị ngập trong dòng nước cuốn theo nhiều mảnh vụn. Trong những giờ tới, bão Dorian sẽ tới gần bờ biển đông nam ở Mỹ, và giới chức từ Florida đến đông nam Virginia đang đưa ra nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm chết người của Dorian, theo BBC. Ảnh: CBS News.

    Một ngôi nhà bị ngập sâu trong nước giữa lúc gió mạnh vẫn đang khiến cây cối chao đảo. Đường đi của Dorian đang chếch về hướng đông, chưa đổ bộ vào Mỹ, nhưng cơ quan dự báo đã cảnh báo chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng khiến bão chuyển hướng vào đánh vào đất liền. Ảnh: AP.

    Bão Dorian nhìn thấy được từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cách Trái Đất 320 km ngày 2/9. Ảnh: Reuters.

    Viethome (theo Zing)

     

  • Thống đốc 3 bang Nam Carolinia, Georgia, Florida ở Mỹ đã ra lệnh sơ tán hơn 1 triệu người từ ngày 2-9 để tránh siêu bão Dorian đang hướng về Bờ Đông sau khi tàn phá miền Tây Bắc Bahamas.

    Siêu bão Dorian đã đổ bộ vào miền Bắc Bahamas hôm 1-9 (giờ địa phương) khi là bão mạnh cấp 5 với sức gió lên đến 297 km/giờ.

    Bão này dự báo gây ra mưa lớn đe dọa dẫn đến lũ quét nguy hiểm tại một số khu vực.

    Thủ tướng Bahamas Hubert Minnis không kiềm nổi nước mắt tại một cuộc họp báo khi ông bày tỏ hy vọng những người không chịu sơ tán sẽ sống sót được qua cơn bão.

    Đây được xem là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào Bahamas kể từ năm 1935.

    Siêu bão Dorian được xem là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào Bahamas kể từ năm 1935. Ảnh: Daily Mail
    Ảnh: AP

    Tại Mỹ, cơn bão được dự báo sẽ đổ bộ vào vùng ven biển tại 1 trong 3 bang Florida, Georgia hoặc Nam Carolinia nhưng hiện chưa rõ địa điểm chính xác.

    Hiểm họa này buộc 4 bang Florida, Georgia, Nam Carolina, Bắc Carolina ban bố tình trạng khẩn cấp. 

    Tại bang Nam Carolina, lệnh sơ tán được áp dụng với toàn bộ hai hạt Beaufort, Charleston và một số khu vực tại các hạt ven biển của bang. Nhà chức trách ước tính khoảng 830.000 người sẽ buộc phải rời bỏ nhà cửa.

    Thống đốc bang Nam Carolina, ông Henry McMaster, thừa nhận việc sơ tán nhiều người cùng lúc không phải nhiệm vụ dễ dàng nhưng nói thêm ông không thể liều lĩnh cho sơ tán theo nhiều giai đoạn.

    Bão Dorian gây nhiều thiệt hại khi đi qua cảng Marsh ở Bahamas hôm 1-9. Ảnh: Reuters
    Ảnh: Reuters

    Trong khi đó, người dân sống tại các hạt dọc bờ biển Đại Tây Dương ở bang Georgia cũng được lệnh sơ tán. Lệnh sơ tán bắt buộc cũng được đưa ra tại một số khu vực của 2 hạt Palm Beach, Martin ở bang Florida.

    Theo dự báo, bão Dorian sẽ tiến sát bờ biển bang Florida trong đêm 2-9 hoặc rạng sáng ngày 3-9 (giờ địa phương).

    Một số chuyên gia khí tượng học cảnh báo rằng ngay cả khi Dorian có thể không đổ bộ dọc bờ biển bang Florida, siêu bão này vẫn gây ra gió mạnh, mưa to, sóng lớn đe dọa đến tính mạng người dân.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy chuyến thăm Ba Lan vào cuối tuần rồi để ở nhà giám sát nỗ lực đối phó cơn bão. "Đây dường như là một trong những cơn bão lớn nhất chúng ta từng chứng kiến" - ông Trump nói với giới truyền thông hôm 1-9.

    Người dân TP Stuart, bang Florida - Mỹ gia cố nhà cửa trước mối đe dọa của bão Dorian. Ảnh: Daily Mail
    Tổng thống Mỹ Donald Trump dự một cuộc họp về bão Dorian hôm 1-9. Ảnh: AP

    Viethome (theo Helino)

  • Bão Dorian đang hướng về đông nam nước Mỹ với sức gió 137 km/h và sẽ tăng cấp khi đổ bộ Florida vào 2/9.

    Bão Dorian đang di chuyển về hướng tây bắc, cách đảo quốc Bahamas trên biển Caribe khoảng 535 km về phía đông. Bão có thể quét qua Bahamas vào hôm nay và có nguy cơ "tàn phá dọc bờ biển phía đông Florida vào cuối tuần và đầu tuần tới", theo thông báo của Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) hôm 29/8.

    Dorian dự kiến mạnh lên thành bão cấp 4 với sức gió 210 km/h, hướng về miền trung Florida, bao gồm trung tâm vũ trụ Space Coast nổi tiếng. Nó sẽ đổ bộ đất liền hôm 2/9, ngày nghỉ lễ Lao động ở Mỹ. Cơn bão có thể quét qua hàng chục bệ phóng vệ tinh của NASA, không quân Mỹ và các công ty như Space X của Elon Musk và Blue Origin của Jeff Bezos.

    Hướng di chuyển của bão Dorian trên biển Đại Tây Dương hôm 29/8. Ảnh: The Weather Channel

    Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hôm 29/8 mở rộng phạm vi ban bố tình trạng khẩn cấp sang toàn bang Florida, thay vì chỉ với 26 quận ở bờ biển phía đông. "Người dân Florida cần nghiêm túc đối phó cơn bão này. Bão Dorian đang di chuyển chậm và mạnh dần", DeSantis viết trên Twitter. "Bây giờ là lúc để chuẩn bị và lên kế hoạch ứng phó".

    Tại bang Georgia, nơi có thể nằm trên đường đi của bão Dorian, Thống đốc Brian Kemp tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 12 quận để sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ và khắc phục hậu quả bão. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/8 hủy chuyến thăm Ba Lan và để Phó tổng thống Mike Pence đi thay.

    Ông Trump ở lại Mỹ để đảm bảo các nguồn lực liên bang sẵn sàng đối phó bão Dorian. "Cơn bão lúc này giống như một con quái vật", Trump nói trong video đăng trên Twitter hôm 29/8, cho biết nước và thực phẩm đang được vận chuyển tới Florida, "Có vẻ gần như chắc chắn rằng nó sẽ tấn công vào trung tâm và điều này không hay chút nào. Gió đang hình thành với tốc độ lớn và có vẻ sẽ tạo ra những cơn gió cao khó tin".

    Người dân Florida đang tích cực dự trữ thực phẩm, nước uống, xăng dầu, trong khi một số người khác lại đóng gói đồ đạc, dời đi trước khi bão tới. Tại một siêu thị Walmart ở St.Augustine, Florida, nước đóng chai và đóng can hết sạch. Nhân viên bận rộn chất đầy các kệ hàng, trong lúc khách tìm mua nhu yếu phẩm.

    Tommy Ligorie và con gái đang ở Lake Worth, thành phố duyên hải đông nam bang Florida. Họ đang cố quay về New York vì không muốn ở lại chờ bão tan, theo CBS. "Tôi gọi điện đặt vé cả sáng nay nhưng không có, nếu có thì giá vé quá cao, tôi không mua nổi, vì vậy chúng tôi quyết định lái xe về New York", ông bố một con cho hay.

    Công ty điện Florida kích hoạt đội phản ứng khẩn cấp, đảm bảo gần 13.000 công nhân luôn sẵn sàng để khôi phục điện. Công ty điện lực lớn nhất bang Florida này cũng kêu gọi khách hàng chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng cắt điện.

    "Chúng tôi đang rất lo lắng", Angela Johnson, 39 tuổi, quản lý một quán bar kiêm nhà hàng ở bãi biển thị trấn Cocoa Beach, bang Florida cho hay. "Mỗi ngày thức dậy, chúng tôi lại lo sợ hơn. Tin tức cũng không khả quan hơn". Nhiều trường cho học sinh nghỉ để ứng phó bão.

    Viethome (theo VnExpress)