• Không những không nhận được mức lương cao như được hứa trước đó, nhóm 16 lao động Việt Nam còn phải sống trong điều kiện tồi tàn, không có nước sinh hoạt tại Canada.

    nguoi viet lua canada
    Nhóm 16 công nhân Việt Nam đến Canada nhận được sự hỗ trợ từ người dân địa phương khi họ phải sống trong điều kiện tồi tệ, không như lời cam kết trước đó - Ảnh: DAVID WIWCHAR

    Theo trang tin địa phương Nanaimo News Now (Canada), một nhóm 16 người đàn ông Việt Nam đã được chuyển đi khỏi thành phố Port Alberni ở đảo Vancouver vào cuối tuần qua, sau khi các cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện họ đang sống trong điều kiện tồi tệ.

    Tin vào lời hứa trả lương 30 đô la Canada/giờ

    Nhóm người này cho biết họ đã trả 30.000 đô la Canada (CAD) để đến Canada làm việc cho một nhà máy thuộc Tập đoàn San.

    Những người này đi qua Canada vì tin vào lời hứa sẽ được trả lương 30 CAD/giờ cùng hỗ trợ chỗ ở. Tuy nhiên, họ chỉ được trả lương 18 CAD/giờ và cũng không được trả tiền làm thêm giờ.

    Họ bị nhồi nhét phải ở chung với hơn hai chục người đàn ông khác trong một trailer xe và không có nước sinh hoạt. Để có chỗ ở, mỗi người phải trả 350 CAD/tháng cho một giường ngủ trong một phòng ngủ chung.

    "Họ không có nước uống. Họ không có những gì cần thiết cho một con người. Đây là điều tệ nhất. Tôi chưa bao giờ thấy người ta sống như thế này ở Việt Nam" - cô Kim Tran, một người dân địa phương gốc Việt, chia sẻ. Cô Kim đang cố gắng giúp đỡ nhóm người Việt này.

    Theo trang tin Nanaimo News Now, các cơ quan dịch vụ xã hội tại địa phương đã nắm thông tin về nhóm công nhân từ Việt Nam.

    Tập đoàn San nói không thỏa thuận về cung cấp chỗ ở

    Ông Michael Ramsay từ nhóm từ thiện Salvation Army mô tả điều kiện sống tại chỗ của nhóm công nhân Việt Nam "thật sự tồi tệ". Ramsay khẳng định tổ chức của ông sẵn sàng cung cấp thực phẩm, chỗ ở, quần áo và các điều kiện an toàn cho những công nhân người Việt Nam.

    Cuối tuần qua, ông Ramsay đã cùng đơn vị chống buôn người của nhóm Salvation Army đến thành phố Port Alberni để đưa nhóm công nhân đến nơi ở an toàn.

    Trong khi đó, Giám đốc kỹ thuật Raz Hanif của Tập đoàn San nói ông không biết nhóm công nhân đã đến Canada bằng cách nào. Vị lãnh đạo của San đổ lỗi cho bên tư vấn lao động nhập cư, đơn vị sắp xếp sự chuyển giao lao động này.

    "Có một người khác phía nhà thầu phụ. Chúng tôi làm việc với anh ta, nhưng tôi không biết hợp đồng chính ở đâu cũng như các thông tin như nhóm công nhân được trả bao nhiêu tiền và những thứ khác", ông Hanif phân bua.

    Theo ông Hanif, Tập đoàn San không có thỏa thuận về cung cấp chỗ ở hay những điều kiện tương tự cho nhóm công nhân.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Mọi thứ Việt kiều có, người ở Việt Nam còn có nhiều hơn thế. Giờ Việt kiều chỉ đơn giản là người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.

    Bài viết của tác giả Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa từ Đại học Waterloo, Ontario, Canada.

    Bạn muốn khởi nghiệp và sau đó làm giàu? Làm điều đó ở Việt Nam dễ hơn. Bạn muốn có một vị trí, chỗ đứng trong xã hội và nhận được sự kính trọng? Làm điều đó ở Việt Nam dễ hơn. Bạn thích cuộc sống sôi động hàng ngày, gần gũi và gắn kết gia đình và người thân? Điều đó bạn tìm thấy ở Việt Nam, không phải ở đây.
     
    Những điều này có thể bạn đã đọc hay nghe qua, và không tin lắm. Nhưng đó chính là sự thật, và nhiều người trong cuộc đã dũng cảm nói lên sự thật ấy.
     
    Gần 20 năm lăn lộn học tập và làm việc tại Mỹ và Canada cho tôi một cái nhìn công bằng về cuộc sống người Việt tại các quốc gia này, và có sự so sánh với Việt Nam. Trong những bài viết trước, Mỹ, Úc hay Canada đều chẳng phải thiên đường ngay với dân bản xứ, thì điều đó càng xa vời đối với Việt kiều.

     viethome tiem nail

    Nghề chính của các Việt Kiều tại Canada. (Ảnh minh họa: Dailymail)

    Việt kiều tại Canada
     
    Những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước còn nghèo, một cục xà bông thơm còn là món quà có ý nghĩa, Việt kiều ở các nước này hay châu Âu, khi về quê nhà mang theo hình ảnh bảnh bao, vật chất no đủ, thì từ 10 năm trở lại đây, hình ảnh ấy không còn quyến rũ nữa, khi Việt Nam đã phát triển hơn nhiều. Mọi thứ Việt kiều có, người ở Việt Nam còn có nhiều hơn thế. Giờ Việt kiều chỉ đơn giản là người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
     
    Nếu so với các sắc dân châu Á khác tại Canada, cộng đồng người Việt với số dân 300.000 người chỉ thua cộng đồng Trung Quốc, Ấn Độ hay Philippines. Khi mới tới, để mưu sinh, người Việt bắt đầu bằng các công việc của nghề làm móng (nail), làm công nhân trong các hãng xưởng, và muộn hơn ít năm thì làm các công việc dịch vụ trong cộng đồng người Việt như môi giới nhà đất, bán bảo hiểm hay mở quán ăn Việt Nam.
     
    Mỗi sắc dân châu Á nhập cư lại chiếm lĩnh đặc trưng ngành nghề riêng và nhóm khác rất khó chen chân, như người Hoa thì buôn bán, mở hàng ăn, siêu thị thực phẩm, người Ấn Độ thì làm chủ các trạm xăng và cửa hàng tiện lợi, còn người Việt theo đuổi nghề làm nail, người Thái làm massage, người Philippines làm giúp việc và chăm sóc người già, là những nghề nghiệp ở thang bậc thấp trong xã hội, cho dù chúng ta vẫn khẳng định là bất cứ nghề nào kiếm sống chân chính cũng đáng quý.
     
    Thu nhập trung bình của người Việt ở khoảng 25.000 tới 40.000 USD/năm sau thuế trong các nghề này. Mức thu nhập nếu so với Việt Nam thì có vẻ cao, nhưng chỉ ở dạng trung bình thấp ở Canada, và tằn tiện thì cũng đủ chi phí cho cả gia đình tiền nhà (thuê hoặc mua trả góp), thuế đất, tiền xe ô tô, bảo hiểm, ăn uống, điện nước, và các loại hóa đơn khác.
     
    Sau chừng 10-15 năm tiết kiệm, có thể mua được căn nhà nhỏ. Khi đã mua nhà, xe trả góp, hay tiêu bằng thẻ tín dụng, tất cả vướng ngay vào vòng quay của bẫy thu nhập trung bình và áp lực kiếm tiền hàng tháng để trả nợ hiện diện từng giờ từng phút mỗi ngày.
     
    Những dịp đi ăn uống bên ngoài, chỉ một vài lần mỗi tháng, với người Việt Nam thì đơn giản, nhưng với Việt kiều thì phải chắt bóp nhiều khoản khác. Mua đồ hiệu phải cực kỳ cân nhắc và đợi đến khi hàng giảm giá.
     
    Người Việt chi tiêu tằn tiện, vun vén cho gia đình và con cái, hy vọng thế hệ con cái được hưởng nền giáo dục ở đây có thể mang lại nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai như luật sư, kỹ sư, bác sĩ và một vị trí được tôn trọng hơn trong xã hội như nhân viên nhà nước. Nhưng đời không như là mơ. Ba mươi năm sau, thế hệ Việt kiều mới dù có được hưởng nền giáo dục tốt hơn và có nhiều bằng cấp hơn, những ngành nghề chính của người Việt thế hệ sau này vẫn vậy, đó là làm móng, công nhân hãng xưởng, và dịch vụ cho người Việt. 
     
    Không đủ can đảm hay năng lực theo đuổi tới cùng giấc mơ học thức, khó tìm việc làm, sự kỳ thị thiểu số và cạnh tranh đáng kể từ sắc dân da trắng là những lực cản khiến cho thế hệ Việt kiều mới lại quay về những nền tảng đã cũ mà cha mẹ họ gây dựng nên.
     viethome tiem nail 2

    Nail vẫn là nghề chính của thế hệ Việt Kiều F2. (Ảnh minh họa: kcet)

    Với những người khác, tìm được một công việc và giữ được công việc cũng đã là một giấc mơ đáng kể rồi. Canada công khai những người thu nhập trên 100.000 USD/năm trên Sunshine List như ở Ontario, nên một số rất ít người Việt có thu nhập cao thì không khoe, vì thuế rất cao, những người khoe thì lại là giả.
     
    Rất rất ít những cái tên người Việt nổi lên ở Canada trong một vị trí đại loại như quan chức, một nhà khoa học, một nghệ sĩ tài năng hay chủ một doanh nghiệp lớn. Người Việt ở Canada không có nhiều tiếng nói, không hẳn chỉ vì thiểu số, cũng không đủ tiềm lực để tạo nên một dấu ấn cộng đồng như Little Saigon ở quận Cam, California hay một trung tâm Eden ở Virginia.
     
    Đằng sau những giấc mơ
     
    Phải có một thần kinh thép để sống tại một quốc gia chậm chạp, kiên nhẫn, và bảo thủ như Canada này. Cho dù chính phủ Canada cố gắng xây dựng một xã hội đa văn hóa, sự kỳ thị (tiếng Anh và người châu Á) và tính cách lạnh lẽo của người Canada bản xứ, cùng với mặc cảm thiểu số khiến cho một số sắc dân, trở nên co cụm trong cộng đồng của riêng họ như một cách phòng vệ tự nhiên.
     
    Người Việt cũng vậy, hầu hết đều sống rất hiền lành, an phận, và cố gắng tránh xa mọi rắc rối với luật pháp. Các mâu thuẫn trong cộng đồng Việt rất nhỏ, không khi nào có bạo lực nhưng cũng rất khó giải quyết. Ví dụ là sự kỳ thị Nam Bắc, kỳ thị của những người Việt cùng hãng hay cùng tiệm nail chỉ vì làm thêm giờ, hay giành khách. Những hội nhóm sinh hoạt chung thì thường dành cho người cao tuổi và dưới màu sắc tôn giáo tồn tại được lâu hơn cả, còn các quan hệ khác thường là hời hợt. Gia đình là hạt nhân quan trọng nhất, và thành lũy cuối cùng để bảo vệ và che chở người Việt, nhưng cũng rất mỏng manh dễ vỡ dưới tác động của cuộc sống sòng phẳng đến tàn nhẫn, ít cảm xúc nơi này.
     
    Người già Việt kiều hay nói “cái xứ này nó không có tình người”, còn người trẻ thì không quan tâm bởi rào cản ngôn ngữ với tiếng mẹ đẻ và bởi họ được dạy rằng “đời ai người nấy lo”. Những mâu thuẫn trong gia đình và giữa các thế hệ cũng rất khó giải quyết bởi không có những can thiệp, chia sẻ, an ủi hay tư vấn từ họ hàng bà con, hàng xóm, hay hội đoàn, cái mà tưởng như rất phiền phức tại Việt Nam, nhưng lại hữu dụng mà chẳng có ở đây.
     
    Mùa đông thì lạnh ngắt, ngày thì dài lê thê. Không khí gia đình bà con ấm cúng, chào hỏi thân quen là những giấc mơ bình dị mà hiếm hoi có được. Văn hóa Việt phai mờ ở phần lớn người Việt trẻ ở thế hệ thứ hai, không được duy trì tốt như người Nhật, Hàn hay Trung Hoa.
     
    Việt kiều nữ, với tính cách nhỏ nhẹ, nấu ăn ngon, chăm sóc gia đình, hơn hẳn gái Tây nên nhiều trai theo đuổi và dễ chọn bạn đời, ngay cả khi họ đã từng đổ vỡ. Việt kiều nam không có vị thế như ở Việt Nam, một phần vì văn hóa và bình đẳng giới tại đây, một phần nữa là rất khó tìm vợ. Gái Tây không thích trai Việt, điều đó chắc chắn rồi. Gái Hàn, Nhật thì quá cao, với không tới. Hy vọng vào gái Việt Nam, hay Trung Hoa thì họ cũng luôn được trai Tây hay các sắc tộc khác để ý. Việt kiều nam trông có vẻ bảnh bao nhưng thực trong lòng héo hon vì công ăn việc làm, nợ nần hay cô đơn.
     
    Khả dĩ nhất là về Việt Nam lấy vợ qua mai mối, nhưng sau khi mang được vợ qua, những rắc rối mới lại bắt đầu. Những năm đầu, do không quen lắm và tiếng Anh chưa thạo, người vợ thường ở nhà, làm việc gia đình. Khi vững hơn, họ bắt đầu tìm việc ở ngoài và lại là mục tiêu để ý của nam giới ở đây, bao gồm cả Việt kiều nam khác, và điều đó là khởi đầu những bi kịch đều cùng kịch bản.
     
    Niềm vui sáng nhất của phần lớn Việt kiều có lẽ là thỉnh thoảng ngóng đợi ngày về Việt Nam chơi, sau một thời gian tích cóp. Ở cái xứ sở mà từ đó họ đã ra đi, thực ra lại có mọi thứ và lại là nơi giữ mảnh hồn cuối cùng của họ. Lật đật ra đi, để rồi quay trở lại ngắm mình trong gương tự thấy đã già.
     
    Nếu bạn không là ai, không có gì ở Việt Nam, Canada sẽ cho bạn một cuộc sống tạm đủ, nhưng nếu bạn đã có một cương vị, một cuộc sống tốt, hãy cân nhắc cho thật kỹ. Lớp lớp những người khác, lại tiếp tục đến Canada, bằng mọi giá, bằng nhiều con đường, bỏ lại cả những gì tốt nhất để làm lại từ đầu, và sau nhiều năm những giấc mơ nhỏ dần lại, và thay vào đó là những nuối tiếc.
     
    “Anh tưởng nước giếng sâu, anh nối sợi dây dài
    Ai ngờ giếng cạn, anh tiếc hoài sợi dây…”
    (Ca dao Việt nam) 

    Theo Soha

  • Bài viết của tác giả Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa từ Đại học Waterloo, Ontario, Canada..

    Chiếc xe buýt màu vàng đặc trưng để chở học sinh phổ thông đừng lại trước một tòa nhà cao tầng trên đường Alexandria, thành phố Kitchener, Canada, mỗi buổi sáng lúc 8 giờ 55 phút.

    Vài chục học sinh, hộ tống bởi chừng đó phụ huynh, lần lượt lên xe để tới trường. Sau khi đưa con ra xe, giơ tay chào vẫy, những phụ huynh lại lặng lẽ trở về căn hộ thuê của họ. Đúng 15 giờ 10 phút, chiếc xe ấy trở lại tòa cao ốc, trả những đứa bé về với cha mẹ đang đợi chúng ở nhà.

    Tại trường cũng thế, lúc vào học cũng như lúc tan trường, hàng trăm phụ huynh đỗ xe đưa đón. Cảnh tượng thường gặp ở mọi nơi trên đất Canada đủ để bạn mường tượng công việc thường ngày của rất nhiều người lớn trong độ tuổi lao động ở đất nước này. Họ thất nghiệp.

    viethome cuoc song o canada 6Đời sống ở Canada đã được tô hồng quá mức. (Ảnh: maclean's)

    Tỉ lệ thất nghiệp "ảo", thị trường việc làm khốc liệt

    Thống kê và báo cáo chính thức của cơ quan nhà nước luôn đưa ra một con số sạch sẽ rằng tỷ lệ thất nghiệp ở các vùng, các thành phố ở Canada dao động quanh mức 5% - 8%, và với người trẻ là 13%.

    Con số này được nói dối theo một cách khác, bởi định nghĩa thất nghiệp là trong vòng 4 tuần trước điều tra, người được hỏi muốn đi làm nhưng không thể tìm được việc làm dù chỉ một giờ, có trả lương.

    Định nghĩa này loại bỏ ít nhất 20% những người không muốn tìm việc do thích nhận phúc lợi xã hội, hoặc không muốn làm các công việc không tương xứng. Định nghĩa này, theo chiều ngược lại, lại bao gồm tất cả những người làm việc bán thời gian, từ vài giờ, cho tới dưới 35 giờ mỗi tuần. Phần lớn người Canada, dù làm rất ít, cũng được xác định là không thất nghiệp. Khi tính đúng, tỷ lệ thất nghiệp hoặc thời gian làm việc không đáng kể của người Canada vào khoảng 35-40%.

    Dù nằm trong nhóm G8 (những nước phát triển công nghiệp hàng đầu), nhưng 75% người lao động Canada đang làm việc trong nghành công nghiệp dịch vụ, và số còn lại trong ngành sản xuất và khai thác tài nguyên. 55% doanh nghiệp Canada có quy mô nhỏ, từ 1-4 người làm. 

    Có được một công việc toàn thời gian ở Canada được coi như trúng số. Hầu hết các doanh nghiệp đều chỉ muốn thuê nhân công bán thời gian để giảm chi phí cho các quyền lợi ngày nghỉ, bảo hiểm, và hưu trí của nhân viên. Khi lương tối thiểu tăng lên 14 dollar/giờ từ ngày 1/1/2018, được dự đoán rằng một đợt sa thải nhân công lớn sẽ bắt đầu do các doanh nghiệp không thể gánh được chi phí.

    viethome viec lam o canadaViệc làm ở Canada quý như tờ vé số độc đắc. (Ảnh: Reuters)

    Năm 2015, sau 2 năm hoạt động, tập đoàn bán lẻ lớn Target của Mỹ đã đóng toàn bộ các cửa hàng trên Canada và sa thải 17,000 nhân viên. Năm 2017, tập đoàn Sears tại Canada tuyên bố phá sản sau 65 năm hoạt động, đóng cửa tất cả 130 cửa hàng và 12,000 nhân viên mất việc. Nhiều thành phố như Hamilton, cảng biển huy hoàng một thuở với trên 500 ngàn dân, nay hoang tàn với số người thất nghiệp hơn một nửa. 

    Chỉ có các công việc ít kỹ năng, cần sức khỏe, không cần bằng cấp tại các hãng xưởng, nhà máy thì còn tương đối dễ kiếm.

    Mọi công việc mang tính văn phòng hơn, có thể bạn chưa biết rằng, có tới 80% thị trường việc làm tại Canada là không được công khai (hidden job), kể cả nhà nước hay tư nhân, dịch vụ hay học thuật (Fred Coon, CEO của công ty Stewart Cooper & Coon). Những công việc này dành cho những người đã rình rập sẵn tại đó nhiều năm trời thông qua các công việc thời vụ nhỏ, hay được giới thiệu bởi chính những người trong cơ sở ấy.

    David M. có hai bằng thạc sĩ về môi trường và phát triển quốc tế đã làm không lương tại một công ty điện ở Cambridge trong hơn 3 năm trời, với hy vọng sẽ được vào một vị trí chính thức. Nhiều giáo viên phổ thông ở Ontario đã làm vị trí giáo viên thay thế (subtitute teacher) trong 10 năm để hy vọng thế chân ai đó về hưu.

    20% việc làm còn lại được thông báo tuyển dụng công khai thì mức độ cạnh tranh là không tưởng tượng nổi. Năm 2012, khi tuyển 03 vị trí bác sĩ nội trú (residency) cho 01 bệnh viện ở Ontario, người ta nhận được 1.400 hồ sơ. Hồ sơ xin việc cho một vị trí bất kỳ nhiều đến mức những người quản trị nhân sự không thể đọc hết, và họ phải sử dụng máy quét, Linkedn, hay Google + để lọc bỏ sơ bộ tới 90%. Chưa tính đến nội dung, bất cứ lỗi chính tả nào trong thư, đều bị loại tức khắc.
     
    Di cư vì việc làm, bằng cấp không nhiều ý nghĩa

    Với sự hỗ trợ của Chính phủ khi đi học sau phổ thông, người Canada thường bước vào tuổi trưởng thành với rất ít sự hỗ trợ của cha mẹ. Sau tốt nghiệp đại học, nỗi lo lắng lớn nhất là việc làm và thanh toán các khoản nợ từ thời sinh viên.

    viethome viec lam o canada 2Muốn có 1 công việc văn phòng, người ta phải chầu chực hàng năm. (Ảnh: mygazeta)

    Holly H., vô cùng sung sướng khi lần đầu nhận được một vị trí nhân viên hành chính hợp đồng, sau 5 năm tốt nghiệp đại học làm đủ nghề từ chạy bàn đến bán hàng thức ăn vật nuôi. Không còn lựa chọn ở những thành phố lớn, bất cứ nơi nào có việc làm, dù tạm thời một hay vài năm, người Canada cũng sẵn sàng di chuyển.

    Vợ chồng Minaker đều có bằng thạc sĩ đã chuyển đến Timiskaming xa xôi cho một chân quản lý tại một nhà máy nhỏ. Nhiều người cùng gia đình chấp nhận đến sống tại Shibogama sát cực bắc, nơi chỉ là vùng bảo tồn vài trăm người dân tộc trong hàng trăm dặm vuông, và mất tới 5 chuyến bay từ Toronto để tới được đó, để được hưởng đãi ngộ chuyên gia trong vài năm trước khi tìm thấy một công việc nào đó ở thành phố.

    Việc làm, nỗi sợ hãi nhức nhối nhất khiến cho mọi giấc mơ ngày càng nhỏ lại.

    Khái niệm công việc gắn bó cả đời là cực kỳ xa xỉ. Cơ quan thống kê Canada báo cáo rằng, trung bình mỗi người Canada thay đổi công việc của họ 13-17 lần trong đời. Bằng cấp cũng không đem lại nhiều tác dụng, nhất là các chuyên ngành không mang lại lợi nhuận.

    Sarah K. có bằng tiến sĩ tâm lý, làm việc lay lắt bán thời gian tại một trung tâm nghiên cứu nhỏ tại Kitchener có dưới 10 nhân viên với đồng lương chỉ gấp rưỡi lương tối thiểu. Làm cùng trung tâm với Sarah, Kimie G., một thạc sĩ xã hội học, di chuyển 200 km mỗi ngày từ Toronto cho công việc bán thời gian của cô.

    Những người tốt nghiệp với tấm bằng kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh cũng khốn khổ không kém. Daniel S. không thể tìm việc với tấm bằng đại học kinh tế của mình và trở thành thợ lò sưởi. Aruz M., thạc sĩ có bằng MBA, hài lòng chấp nhận vị trí giao dịch viên (teller) ở một ngân hàng.

    Không mơ ước quá xa xôi, mọi cố gắng chỉ tập trung vào việc giữ công việc bằng mọi giá. Bởi cho dù có bằng cấp hay kinh nghiệm, khi bị mất việc do công ty phá sản hay thua lỗ, người lao động cũng ngay lập tức rơi xuống vực thẳm bởi tìm lại một công việc tương tự là quá cạnh tranh.

     viethome thu tuong canadaChính sách khuyến khích nhập cư của thủ tướng Canada đã gây ra quá nhiều hậu họa cho mọi tầng lớp. (Ảnh: Dailystar)

    Cuộc sống của người nhập cư tại Canada không hào nhoáng như quảng cáo

    Tìm việc với người Canada khó khăn đến vậy, thì với người nhập cưsinh viên du học, còn khó gấp bội lần. Gần như không có sự điều hòa nào giữa hệ thống nhập cư của Chính phủ Canada (CICC) và tình hình việc làm thực tại. CICC cho tăng nhập cư liên tục, và số người nhập cư mắc kẹt với cuộc sống cũng tăng liên tục.

    Trên những diễn đàn của những người nhập cư Canada (có cả những diễn đàn của người Việt), việc làm là chủ đề chính và bế tắc.

    Khi tìm việc, người nhập cư vấp phải rào cản về ngôn ngữ, kỳ thị bằng cấp, yêu cầu kinh nghiệm làm việc tại Canada... Sau này, khi người nhập cư thông qua việc đào tạo lại trong môi trường giáo dục Canada cũng không có gì đảm bảo họ có thể kiếm được một công việc, cho dù chỉ là công việc tạm thời, bán thời gian.

    Tỷ lệ người làm tình nguyện ở Canada thuộc hàng cao nhất thế giới, bởi hy vọng mỏng manh về cơ hội chuyển hóa thành việc làm thực. Ở Việt nam, các trung tâm môi giới du học ngày càng leo thang quảng bá về khả năng định cư và làm việc sau khi học, dù chỉ là cao đẳng, với các mức lương tầm chuyên gia. Chỉ đến khi mắc kẹt, nhận ra sự lừa dối của quảng cáo, thì có thể đã quá muộn.

    Siddartha J., một bác sĩ nhi khoa từ Nepal, có bằng tiến sĩ y tế công cộng tại Hàn Quốc, sau nhiều năm không thể tìm việc đã chấp nhận một công việc chân tay tại hãng sản xuất đồ uống.

    Chiangpu M., bác sĩ gây mê hồi sức từ Srilanka đã nhanh chóng nhận ra sự khó khăn, liền chấp nhận học lại 2 năm lấy bằng y tá để được nhận vào làm việc tại phòng cấp cứu bệnh viện.

    Không thiếu những người có bằng cấp, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư tại quốc gia của họ ở châu Âu, Á hay Trung Đông sau nhiều vật vã đã trở thành những tài xế Uber, nhân viên quét dọn, chủ cửa hàng tạp hóa bất đắc dĩ. Nhiều trí tuệ bị hoang phí, và nhiều giấc mơ vụn vỡ theo nhiều cách khác nhau.

    viethome bang cap o canada

    Bằng cấp quả thật là một sự uổng phí. (Ảnh: diplomaoutlet)

    Canada mất dần sự quyến rũ

    Lỗi đến không chỉ từ các con số thống kê quan liêu và không chính xác về nhu cầu việc làm và khả năng đáp ứng của thị trường, mà còn từ vô số các tổ chức ăn theo chính sách nhập cư, người nhập cư, và nhận tiền từ chính phủ.

    Trong một thành phố dù không lớn, cũng có đến hàng chục tổ chức hoạt động dưới danh nghĩa trợ giúp người nhập cư ổn định hòa nhập cuộc sống và tìm việc làm thông qua dạy tiếng Anh miễn phí và sửa lý lịch để xin việc, mà kết quả thì cực kỳ khiêm tốn.

    Nhưng người nhập cư cũng sớm nhận ra tình trạng thực tế và lên phương án đối phó theo các tiêu chí riêng cá nhân. Chính phủ kỳ vọng người nhập cư đến các khu vực xa xôi, thì ngược lại, hầu hết họ đổ về những khu vực đã phát triển, khí hậu tốt, công ăn việc làm có thể dễ kiếm hơn, giáo dục và y tế cũng thuận lợi hơn.

    Sự quyến rũ của Canada mất đi dần dần, để lại sự buồn chán sau vài năm không tìm được việc hay công việc bấp bênh, hoặc sau các công việc tình nguyện vô vọng, nhất là những người nhập cư ở diện tay nghề. Họ lùi về tư thế phòng thủ, cố gắng nhận tối đa phúc lợi có thể và để dành số tiền thực của mình. Họ sống ở Canada, nhận phúc lợi, và hồn thì để ở quê nhà.

    Connor P., một người nhập cư gốc Ireland đã trên 20 năm nhưng không nhập quốc tịch Canada, và vẫn ngóng một ngày tuổi già về quê cũ. Ferhad F., một kỹ sư người Kurd và vợ không có việc làm và nguồn thu nhập chính của gia đình đến từ phúc lợi của 6 đứa con mà họ sinh liên tục kể từ khi đặt chân đến Canada.

    Có những làn sóng phản đối nhập cư của người Canada bản xứ. Họ cho rằng chính sách nhập cư bị đẩy đi quá xa, nhằm các mục đích chính trị hơn là lo lắng cho người dân. Người nhập cư thì chỉ trích chính phủ vì đã thổi phồng quá mức về cơ hội việc làm, và chính sách mang con bỏ chợ.

    Việc cho phép nhập cư đa dạng với đủ mọi thành phần đang khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa người bản xứ và người nhập cư, giữa các sắc tộc nhập cư, và ngay trong bản thân các cá nhân nhập cư của sắc tộc đó vì họ cho rằng có quá nhiều sự không công bằng.

    Tuy vậy, những người nhập cư không phải là những người khốn khổ, bởi nhập cư là con đường họ lựa chọn. Chính những công dân Canada mới là những người khốn khổ hơn, đối diện với những khó khăn hiện tại và sự bấp bênh của tương lai, bởi vấn đề nan giải nhất: Việc làm.

    (Còn tiếp)
    * Mọi nhân vật trong bài là người thực, với tên thật, và đồng ý được đưa lên báo.

    Viethome (theo Soha)