Đại gia thà "chết" trên đống đất chứ không chịu cắt lỗ

Từ chỗ kinh doanh nông nghiệp, vợ chồng bạn tôi quay sang đầu tư bất động sản và đang lặn ngụp trong đống nợ nần.

Tối qua vợ chồng bạn tôi mãi gần 12 giờ đêm mới rời khỏi nhà tôi, làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Vợ chồng bạn đến nhờ tôi giúp tìm cách trả bớt một vài khoản nợ quá hạn ngân hàng mà bạn đã vay đầu tư bất động sản. Nhưng tôi bất lực vì đã không còn dòng tiền quay vòng.

Vợ chồng bạn tôi hiện rất bế tắc dù là một đại gia thực thụ nắm trong tay một số tài sản khổng lồ gấp nhiều lần nhà tôi, chỉ khác là phần lớn là bất động sản. Thực sự không muốn chia sẻ nhưng tôi thấy đây cũng là một trường hợp mà nhiều người vướng phải nên kể ra để các bạn tham khảo.

20 năm nay bạn kinh doanh nông nghiệp và rất phát triển, có bảy trang trại lớn làm ăn ngày một phát đạt. Gần 10 năm nay bạn quay sang bất động sản. Càng mua bán, càng lời, càng ham, vậy nên cứ có tiền là mua đất.

ngup lan trong dong tai san

Đặc biệt là khoảng 5 năm nay chỉ riêng từ năm 2019 đến 2021 đã mua tại Phú Quốc gần 200 tỷ đồng, chưa kể nhiều nơi khác từ Sài Gòn, Vũng Tàu cũng hơn con số đó và số nợ ngân hàng cũng tăng chóng mặt.

Nhưng từ giữa năm 2022 tới nay tình hình thay đổi, như các bạn đã biết: bất động sản đi xuống ngân hàng siết tín dụng, lãi suất tăng. Chủ đầu tư các khách sạn tại Phú Quốc, quận 7 (TP HCM) không trả phần lợi tức và hỗ trợ lãi suất theo cam kết, trong khi hai năm nay vì mãi chạy theo bất động sản mà bỏ rơi mảng kinh doanh truyền thống nên nguồn thu không còn.

Đòn bẩy tài chính thực sự đẩy bạn vào vết trượt, nhưng tôi nghĩ lòng tham mới là mối đe dọa lớn nhất của bạn. Nhiều bất động sản có tính thanh khoản cao nhưng bạn kỳ vọng còn cao hơn, lúc nào cũng lấy giá khi đỉnh chóp cơn sốt làm căn cứ trong khi giá thực sụt giảm từng ngày.

Có căn nhà mua 12 tỷ cách đây bốn năm, nay người mua trả gấp ba lần không bán, cứ khăng khăng gấp 5 lần, đến khi muốn bán họ lại không mua, nên không thể giải quyết công nợ được.

Hậu quả là bây giờ ngân hàng ngừng giải ngân, vì nhiều món đã quá hạn. Tôi khuyên bạn khoản nào bán được thì cứ bán, lấy giá người trả cao nhất làm chuẩn. Nếu thấy tiếc thì bán đủ trả tiền vay là dừng. Nhưng vợ chồng bạn không chịu, cứ lục đục với nhau, không ai chịu ai, nhiều lúc chẳng nói chuyện được với nhau.

Mỗi người sống một tầng riêng, trong lúc tài sản cứ mất giá từng ngày, nếu kéo dài quá lâu để ngân hàng phát mãi thì nguy cơ tài sản thu về chỉ còn 1/3, quan trọng hơn là hôn nhân hạnh phúc gia đình bất ổn.

Việc rất nhiều người trình độ chỉ tầm trung trung kinh doanh bất động sản thành công, tài sản tăng lên nhanh chóng nhiều lúc làm ta ước ao, khát khao nhưng không may như bạn tôi thấy cũng tôi nghiệp.

Đúng thật là "chết" trên đống tài sản.

Theo VnExpress