Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi không chia lô bán nền, không làm dự án ảo, không chụp giật, mà càng làm thì càng tạo ra giá trị

pham nhat vuong khong chia lo ban nen 1

Đây là câu trả lời của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong ĐHĐCĐ thường niên của Vingroup, diễn ra sáng 11/5.

Hôm nay, ngày 11/5 đã diễn ra đại hội cổ đông thường niên Tập đoàn Vingroup. Ngoài mảng ô tô điện VinFast, lĩnh vực bất động sản cũng nhận được sự quan tâm của nhiều cổ đông.

Một cổ đông đặt câu hỏi về chính sách đất đai có thể thay đổi trong tương lai. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhận định chính sách càng hoàn thiện, những doanh nghiệp chân chính và tốt càng dễ làm.

Ông khẳng định: "Vinhomes làm ăn chân chính, nghiêm túc, thượng tôn pháp luật thì là cơ hội chứ không phải thách thức. Chúng tôi không chia lô bán nền, không làm dự án ảo, không chụp giật, mà càng làm thì càng tạo ra giá trị".

Ông chủ Vingroup nhấn mạnh Vinhomes phát triển mạnh các giá trị và dịch vụ về sau chứ không phải là đất đai. Theo đó, chi phí về tiền đất trung bình trong một căn nhà của Vinhomes chỉ chiếm cao nhất là 30%, còn 70% là chi phí khác. Để xây dựng một khu đô thị thì 5 nhóm chi phí: tiền đất, tiền đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị; đầu tư hạ tầng dịch vụ và tiện ích; đầu tư xây dựng nhà; chi phí thương hiệu.

pham nhat vuong khong chia lo ban nen 1

Một cổ đông khác đặt câu hỏi liên quan đến việc đầu tư Vành đai 4: "Sắp tới Hà Nội và các tỉnh lân cận có tập trung làm đường vành đai 4, Vingroup có tham gia vào dự án này không?".

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết Vingroup đã được Hà Nội mời tham gia đầu tư dự án đường vành đai 4. Tuy nhiên, Tập đoàn có thể chỉ tham gia ở góc độ xây dựng. Phần vốn sẽ có các ngân hàng, tổ chức tín dụng thu xếp, còn Vingroup chỉ muốn dồn nguồn lực vào các dự án lớn đang theo đuổi.

Ngoài ra, Vingroup hiện chưa có kế hoạch làm các dự án xung quanh đường Vành đai 4, chỉ làm các dự án bất động sản đang thực hiện. Còn về bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm và hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Chúng tôi mời các nhà sản xuất chip về mở nhà máy ở Việt Nam, ưu đãi miễn tiền thuê đất, thuê nhà xưởng 10-15 năm

Tại đại hội, phần lớn câu hỏi của các cổ đông đều liên quan đến câu chuyện của VinFast, như tình hình sản xuất, kinh doanh, nhà máy pin, tái chế pin... Các câu hỏi này đều được đích thân Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trả lời.

Về sản xuất kinh doanh, ông Vượng cho biết, nhà máy ở Mỹ được thiết kế với công suất 150.000 xe/năm. Trong năm 2022, kế hoạch là 17.000 xe và phần đặt hàng tại Mỹ đã là 4.000 xe. Đến năm 2026, kế hoạch bán hàng lên tới 750.000 xe, như vậy khi đó ước tính sẽ có 600.000 xe được sản xuất từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Công nghiệp phụ trợ

Diện tích dự án Vũng Áng của Vingroup hiện nay là 1.500 hecta. Theo Chủ tịch Vingroup, trong tương lai diện tích này còn có thể mở rộng hơn nữa, dành cho VinFast, VinES, nhưng phần lớn sẽ dành cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện cho ô tô. "Chúng tôi muốn phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ cho ô tô", ông Phạm Nhật Vượng khẳng định.

Ngoài ra, không chỉ ở Vũng Áng mà các khu bất động sản công nghiệp khác của Vingroup đều sẽ hướng đến mời gọi nhà đầu tư sản xuất linh kiện, trước tiên là ưu tiên cho xe điện, sau đó mới cho các phần khác.

Hiện nay mức độ nội địa hóa của VinFast đã đạt khoảng 60% và trong tương lai sẽ tiến tới khoảng 80% nội địa hóa theo các tiêu chuẩn công bố bây giờ.

Thiếu hụt nguyên vật liệu

Ông Phạm Nhật Vượng cho biết, hiện nay việc thiếu hụt nguyên vật liệu, nắp vỏ, dung môi... chưa phải là vấn đề khi quy mô sản xuất 100.000-200.000 xe/năm. Tuy nhiên, trong tương lai khi quy mô sản xuất tăng lên thì nguyên vật liệu sẽ trở thành vấn đề lớn.

Ngoài Lithium, là nguyên liệu để sản xuất ra pin, cả nikel, coban và những thứ như graphite cũng rất thiếu. Vingroup đã lập danh sách 6 nhóm linh kiện, nguyên vật liệu cell pin và bắt đầu nghiên cứu để có những dự trữ chiến lược lâu dài.

Chúng tôi sẽ phải tìm các mối, hợp tác liên hệ để giải quyết từ nguồn nguyên vật liệu thô, hợp tác với những công ty khai thác mỏ, đặt mua với số lượng lớn, với kế hoạch dài hạn. Đây là mối quan tâm rât lớn của Vingroup thời điểm hiện tại.

Mời gọi các nhà sản xuất chip về mở nhà máy ở Việt Nam

Chủ tịch Vingroup nhận định, với VinFast, lúc này đang là thời cơ vàng để có thể chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng thương hiệu, tạo dựng vị thế và Vingroup đang rất quyết liệt ngày đêm, giải quyết tìm kiếm từng linh kiện, từng nguồn cung.

"Bây giờ cái gì cũng thiếu, như cái xe VF e34 chỉ thiếu 1 con tem thì cũng ko xuất xưởng được. Một chiếc xe có 4.000 cụm linh kiện, 40.000 linh kiện, chỉ thiếu 1 con ốc 1 con vít là không xuất được xe. Đây là thách thức rất lớn", ông Vượng nói.

Một phần hàng của VinFast phải nhập từ Trung Quốc bởi đây là công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, khi Thượng Hải đóng cửa, và các nhà máy sản xuất chip trên thế giới đóng cửa, đã dẫn tới tình trạng nguồn cung chip bị ngắt.

Để giải quyết vấn đề này, Vingroup đang thúc đẩy rất mạnh mẽ chiến lược nội địa hóa linh kiện. "Chúng tôi đang mời gọi các nhà sản xuất chip về mở nhà máy ở Việt Nam. Vingroup thậm chí có những ưu đãi rất lớn cho họ: miễn thuê đất, miễn tiền thuê nhà xưởng 10-15 năm để họ có thể đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất. Lúc đó chúng ta sẽ giải được bài toán nguồn cung, và khi đảm bảo nguồn cung chúng ta sẽ phát triển rất nhanh. Thế giới bây giờ chỉ thiếu xe, chứ không thừa xe. Nếu chúng ta có xe sẽ bán được rất nhanh, và chúng tôi sẽ rất quyết liệt thúc đẩy câu chuyện này", ông Phạm Nhật Vượng nói.

Theo Cafebiz