2/3 bất động sản của các công ty vỏ bọc nước ngoài tại Anh không báo cáo chủ sở hữu

Theo báo cáo, nhiều lỗ hổng pháp lý đã bị lợi dụng nhằm che giấu quyền sở hữu 2/3 bất động sản do các công ty vỏ bọc nước ngoài nắm giữ ở Anh và Xứ Wales.

nha vo boc
Một khu dân cư tại thủ đô London, Anh - Ảnh: AFP

Phân tích từ báo cáo của các nhà nghiên cứu từ Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (LSE), Đại học Warwick và Trung tâm Dữ liệu công cộng chỉ ra những sai sót đáng kể trong luật ngăn chặn các tài phiệt che giấu tài sản/bất động sản.

Tháng 8-2022, ngay sau khi cuộc chiến tại Ukraine được phát động, Chính phủ Anh công bố danh sách đăng ký các tổ chức nước ngoài, cho thấy nỗ lực “loại bỏ việc rửa tiền thông qua tài sản tại Vương quốc Anh của giới tinh hoa tham nhũng”.

Theo báo cáo, các lỗ hổng pháp lý được lợi dụng nhằm che giấu danh tính chủ sở hữu của hơn 87% tài sản nắm giữ bởi các công ty “vỏ bọc” nước ngoài. Trong đó, có 6-9% tài sản được sở hữu bởi các công ty cố tình phớt lờ việc đăng ký danh tính, số tài sản còn lại thuộc diện “hồ sơ cũ hoặc ghi chép kém”.

Nhiều cơ quan giám sát tham nhũng và nghị sĩ cũng đã lên tiếng cảnh báo việc hơn 152.000 tài sản nắm giữ bởi các công ty nước ngoài thiếu thông tin chủ sở hữu sẽ biến nước Anh, nhất là thủ đô London, thành thiên đường cho dòng tiền thu được từ việc phạm tội và tham nhũng.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các quỹ tín thác nắm giữ 63% tài sản loại này đều che giấu danh tính chủ sở hữu. 

“Không có ích gì khi xây một con đập giữa sông. Những lỗ hổng này đang đe dọa tính hiệu quả của toàn bộ hệ thống đăng ký (tài sản - PV), chính phủ nên ‘đóng’ chúng lại ngay khi có cơ hội”, phó giáo sư Andy Summers của LSE cho biết.

Báo Guardian dẫn một lá thư được Chính phủ Anh gửi cho Lord Agnew - một bộ trưởng đã từ chức vào tháng 1-2022 vì thất vọng khi chính phủ thiếu hành động nhằm ngăn chặn gian lận - cho rằng việc xử lý các lỗ hổng trong vấn đề quỹ tín thác sẽ khởi đầu một thách thức pháp lý khi ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người ủy thác.

“Chúng tôi vẫn không thể biết liệu những cá nhân bị trừng phạt, những kẻ rửa tiền hoặc những cá nhân tham nhũng khác có thể được hưởng lợi từ những tài sản/bất động sản này hay không”, Guardian trích phân tích từ báo cáo.

Theo Tuổi Trẻ