• Một trang trại cần sa khổng lồ đã được tìm thấy bên trong một khu nhà kinh doanh sau khi một băng đảng đột nhập vào cơ sở này và thay đổi ổ khóa để chủ sở hữu không thể ra vào.

    Cảnh sát Greater Manchester đã phát hiện ra hang ổ này vào sáng thứ Năm, 7/11, sau khi chủ các doanh nghiệp gọi điện báo rằng họ không thể vào được tòa nhà.

    Khu nhà này đã bị bỏ trống trong vài tháng và rơi vào tầm ngắm của băng đảng tội phạm có tổ chức, những kẻ muốn sử dụng nó phục vụ cho một hoạt động kinh doanh ma túy béo bở.

    Khi cảnh sát tìm cách vào được tòa nhà ở Tyldesley, họ đã tìm thấy tổng cộng 375 cây được trồng trên ba tầng nhà. Những cây non nhất được giữ trong tầng hầm, trong khi hai tầng trên xếp đầy cây trưởng thành.

    Sở cảnh sát Leigh, Atherton & Hindley thuộc GMP đã chia sẻ hình ảnh của các hàng cây cần sa xếp san sát trên trang Facebook của mình.

    Họ viết: “Đây là khu nhà kinh doanh đã bị bỏ trống trong vài tháng. Những kẻ phạm tội đã đột nhập và thay đổi ổ khóa để ngăn các chủ sở hữu hợp pháp vào trong.

    “Khi chủ sở hữu tòa nhà thông báo cho chúng tôi về điều này, chúng tôi nhanh chóng có mặt và tìm thấy một trang trại khổng lồ với tổng số 375 cây.

    “Cây con được ươm dưới tầng hầm và các cây lớn hơn trải rộng trên 2 tầng của tòa nhà.

    “Những trang trại này được điều hành bởi các băng đảng tội phạm có tổ chức, do đó, mỗi trang trại lớn bị thu giữ như thế này dẫn đến kết quả là một nguồn tiền lớn được đưa ra khỏi túi của những kẻ tội phạm - một kết quả tích cực cho cộng đồng của chúng ta.”

    VietHome (Theo Metro)

  • Lucy Stafford đã phải trải qua nhiều cơn đau đớn vật vã và những cuộc phẫu thuật trong quá trình chiến đấu với các tác động của một căn bệnh hiếm gặp.

    Kể từ khi tự trả chi phí 800 bảng mỗi tháng cho cần sa, những cơn đau của cô đã giảm đi rất nhiều, đến mức cô có thể tạm dừng các phương pháp điều trị khác và bắt đầu đi học đại học. Trong bài viết này, cô kể lại câu chuyện cần sa y tế đã thay đổi cuộc sống của cô như thế nào.

    ''Tôi bị rối loạn mô liên kết di truyền, được gọi là hội chứng Ehlers Danlos, về cơ bản có nghĩa là cơ thể không thể sản xuất collagen một cách chính xác theo nhu cầu.

    Các mô liên kết trong khớp, dạ dày và bàng quang của tôi - và tất cả các cơ quan nội tạng – trở nên quá linh hoạt và linh hoạt hơn mức cần thiết, khiến chúng không thể hoạt động tốt và cực kỳ đau đớn.

    Một trong những hậu quả là tôi rất dễ bị trật khớp dù không có chấn thương hay va chạm. Vì vậy, tôi có thể trật khớp vai khi chải tóc, hoặc trật khớp hông khi lăn trên giường – rất đau đớn.

    Lucy Stafford 1

    Từ khi lên 10, tôi đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, tiêm và phương pháp điều trị khác nhau để thử nghiệm và kiểm soát các triệu chứng vì chúng ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể tôi.

    Từ năm 13 tuổi, tôi đã được kê đơn có thuốc phiện (opiates) và về cơ bản tôi đã uống thuốc phiện mỗi ngày vì cơn đau của tôi rất tồi tệ.

    Nhưng thuốc phiện gây ra tác dụng phụ khủng khiếp và khiến cơ thể tôi trở nên phụ thuộc vào chúng. Khi lần đầu tiên được kê đơn thuốc phiện, tôi thậm chí không biết chúng gây nghiện và cơ thể bạn có thể bị phụ thuộc vào chúng như thế nào.

    Nhưng khi tôi ngừng dùng loại thuốc này sau nhiều năm, tôi trở nên rất ốm yếu. Thực tế chúng gần như không thể kiểm soát cơn đau nhưng lại gây ra các tác dụng phụ khủng khiếp.

    Điều này dẫn đến việc tôi phải bỏ học khi 15 tuổi; Tôi thực sự phải vật lộn với việc học hành. Cuối cùng tôi đã phải ăn bằng ống trong ba năm từ 16 tuổi vì tôi quá yếu.

    Tôi đã không còn hy vọng cho tương lai, không được học hành và không thể tận hưởng cuộc sống. Tôi hầu như không thể ra ngoài và gặp bạn bè vì tôi đau đến không thể tưởng tượng được - ngay cả khi uống tất cả các loại thuốc giảm đau.

    Năm ngoái, tôi bị trật khớp hàm. Tôi vẫn bị trật khớp rất thường xuyên, nhưng hàm của tôi, không hiểu vì sao, cũng bị trật khớp và co cứng.

    Tôi đã phẫu thuật, dùng đủ loại thuốc để đưa hàm của tôi trở lại đúng vị trí, nhưng nó vẫn bị lệch. Tôi thậm chí không thể giải thích tôi đã tuyệt vọng đến mức nào. Không có lối thoát nào dành cho tôi cả.

    Sau đó, bác sĩ của tôi đã thử kê cho tôi một sản phẩm thuốc có chứa cần sa. Ông ấy không biết nhiều về dược tính của nó nhưng buộc phải kê vì không thể tăng liều fentanyl của tôi nữa.

    Lucy Stafford 2

    Ông ấy không có nhiều sự lựa chọn. Và vì vậy, ông đã thử nó nhưng loại thuốc này không được bảo hiểm, tương tự như mọi đơn thuốc có cần sa khác của NHS.

    Tôi đã ở tình trạng tồi tệ đến mức cần được chữa trị bằng cần sa bất hợp pháp và thật bất ngờ, nó đã tạo ra một bước ngoặt trong cuộc sống của tôi.

    Tôi gần như ngay lập tức nhận ra rằng tất cả các loại thuốc tôi đã dùng trong nhiều năm về cơ bản không có tác dụng gì - và tôi đã loại bỏ tất cả chúng ngay khi tôi có thể.

    Ngay khi ngừng sử dụng những loại thuốc đó, tôi cảm thấy như bộ não của mình đã hoạt động trở lại. Tôi cảm thấy như mình có thể suy nghĩ và không còn cảm thấy kiệt sức vì tất cả những loại thuốc mà tôi phải uống để kiểm soát cơn đau.

    Cuối cùng tôi đã tìm thấy một thứ gì đó giúp giãn cơ và giảm đau và cũng bổ trợ cho hệ thống tiêu hóa của tôi, giảm co thắt bàng quang và mọi triệu chứng khác, không giống bất cứ loại thuốc nào trước đây.

    Tôi đã dừng tất cả các loại thuốc và không phải dùng đến ống thông từ đầu năm nay. Đó thực sự là một năm đáng kinh ngạc, khó tin và bất ngờ nhất trong cuộc đời tôi.

    Tôi dùng dầu cần sa trong suốt cả ngày và sau đó dùng thêm máy xông tinh dầu để giảm đau cấp tính. Vì vậy, khi tôi bị trật khớp hoặc đau đớn tột cùng, tôi sẽ xông hơi.

    Về cơ bản tôi có thể giảm mức độ đau của mình từ khoảng 10 xuống còn 4 trong vài phút. Trước khi dùng cần sa, cơn đau sẽ đưa tôi đến phòng cấp cứu, nơi tôi sẽ được tiêm morphine liều cao để kiểm soát cơn đau.

    Tôi ghét phải tưởng tượng xem cuộc sống của tôi sẽ như thế nào nếu tôi không tìm thấy cần sa - nó đã thay đổi cuộc sống và cứu mạng tôi.

    Luật đã thay đổi một năm trước, vì vậy bệnh nhân được thông báo họ có thể được cấp thuốc nếu có nhu cầu chữa trị.

    Tuy nhiên một năm sau, NHS tuyên bố không có đủ bằng chứng để hỗ trợ kê đơn cho bệnh đau mãn tính hoặc bất kỳ tình trạng nào khác - vì vậy những bệnh nhân như tôi không biết phải làm gì.

    Hoặc chúng tôi có thể đến các phòng khám tư nhân và nhận đơn thuốc, trị giá hàng trăm bảng mỗi tháng, hoặc thử kiếm thuốc trên thị trường chợ đen và trở thành tội phạm - và không có bệnh nhân nào nên bị đẩy vào tình huống như vậy.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Cảnh sát đầu tháng 10 phát hiện đường hầm dẫn tới trang trại cần sa ngay bên dưới một nhà hát cũ ở đông nam London. 

    Một doanh nhân sống ở phố Deptford, London, Anh hôm 1/10 gọi cảnh sát sau khi nhiều lần phát hiện một nhóm người khả nghi đột nhập vào ngôi nhà cạnh nhà ông. 

    Khi kiểm tra căn nhà, cảnh sát phát hiện một miệng hầm bí mật được đào trong nhà vệ sinh. Từ miệng hầm được ngụy trang bằng cửa sập này, một đường hầm dài 21 mét đã được đào xuyên qua một bãi đậu xe tư nhân phía sau ngôi nhà, thông tới tầng hầm bỏ hoang của nhà hát cũ được xây dưới thời Nữ hoàng Victoria.

    Trong tầng hầm, cảnh sát tìm thấy một trang trại cần sa trị giá tới 40 triệu bảng. Một ống thông thẳng đứng thứ hai được xây dựng trên bãi đỗ xe để thông gió và đóng vai trò như lối thoát trong trường hợp xảy ra bất trắc.

    Lối xuống đường hầm bắt đầu từ nhà vệ sinh tầng trệt căn nhà ở phố Deptford, đông nam London. Ảnh: Cảnh sát London

    Tầng hầm rộng lớn nằm bên dưới nhà hát Broadway 750 chỗ ngồi được xây dựng vào năm 1897. Nhà hát bị phá hủy vào năm 1963, nhưng phần móng sâu bị bỏ lại và sau đó được băng đảng tận dụng để trồng cần sa.

    Ngôi nhà trị giá 430.000 bảng (556.000 USD), nơi đường hầm bắt đầu, hiện bị niêm phong. Cảnh sát tin rằng ít nhất một thành viên băng đảng làm nghề xây dựng vì đường hầm được thiết kế chuyên nghiệp. Chúng còn câu trộm điện từ cáp ngầm dưới lòng đất để thắp bóng đèn cho cây cần sa.

    Đường hầm dẫn tới bên dưới 1 ngôi nhà nơi đã từng là rạp hát Broadway. Ảnh: The Sun

    Các nhà điều tra cho rằng trang trại cần sa bất hợp pháp này có thể đã hoạt động được một thập kỷ, thu về hơn 4 triệu bảng mỗi năm. Họ cũng cho rằng thật bất thường khi một trang trại cần sa quy mô lớn như vậy có thể vận hành bí mật ngay tại con phố tấp nập này.

    Cảnh sát London đã bắt ba người đàn ông 28-47 tuổi cùng một phụ nữ 36 tuổi vì nghi ngờ trồng cần sa, nhưng tất cả đều đã được thả trong lúc cuộc điều tra diễn ra.

    Khung cảnh hiện tại sau khi nhà hát bị phá hủy. Ảnh: Google Maps

    Doanh nhân sống cạnh ngôi nhà cho biết người dân trong khu phố rất ngạc nhiên khi biết trang trại cần sa đã hoạt động ngay bên dưới lòng đất nơi họ sống suốt 10 năm qua. "Tôi đã bị sốc. Đôi khi vợ chồng tôi nghe thấy tiếng gì đó giống như khoan. Nó không bao giờ kéo dài quá lâu nhưng làm rung chuyển các bức tường trên tầng. Chúng tôi không biết đó là gì, chỉ nghĩ là công trình xây dựng gần đó. Đó là con phố luôn ồn ào", doanh nhân này nói.

    Đường hầm nằm phía dưới 1 bãi đỗ xe tư nhân. Ảnh: Google Maps

    Đầu năm nay, cảnh sát phát hiện hàng trăm cây cần sa trong một hầm ngầm bên dưới khu vườn sau ngôi nhà ở thành phố Wolverhampton, miền trung nước Anh.

    Năm 2017, ba người đàn ông bị bỏ tù vì điều hành trang trại cần sa trong hầm ngầm hạt nhân cũ ở hạt Wiltshire, tây nam nước Anh. Lao động trong trang trại này là những thanh niên Việt Nam. Họ phải làm việc trong điều kiện như nô lệ và sản xuất lượng cần sa trị giá 2 triệu bảng (gần 2,6 triệu USD) mỗi năm.

    Theo VnExpress/The Sun

  • Năm 30 tuổi, người đàn ông tại Australia đã nhét gói cần sa vào mũi để trốn tránh quản giáo ở tù. Nó đã kẹt lại đó gần 2 thập kỷ.

    Tù nhân thường có vô số cách để nhận các món “đồ tiếp tế” bất hợp pháp. Chẳng hạn, một người đàn ông ở Australia đã nhét một gói cần sa vào mũi của mình. Tuy nhiên, anh ta thành công đến nỗi gói cần sa bị kẹt ở đó gần 2 thập kỷ.

    Người đàn ông 48 tuổi gần đây bị chứng đau đầu và các bác sĩ phải tiến hành quét để tìm ra nguyên nhân. Sau một vài câu hỏi, anh thừa nhận mình bị nghẹt mũi bên phải trong nhiều năm cũng như nhiễm trùng tái phát.

    Gói cần sa kẹt trong khoang mũi người đàn ông Australia. Ảnh: CNN

    Khi quét vùng mũi, các bác sĩ phát hiện ra “một khối cứng màu xám” trong khoang mũi của người đàn ông. Các chuyên gia tai mũi họng tại Bệnh viện Westmead (Sydney) đã thực hiện nội soi gây mê để loại bỏ nó và lôi ra một “viên nang cao su có chứa rau/cây thoái hóa".

    Cuối cùng, người đàn ông cũng chịu kể lại câu chuyện. Khi bị tống giam năm 30 tuổi, bạn gái của ông ta đã đem đến một món quà nhỏ. Để thoát khỏi quản giáo, người tù nhân này đã nhét gói cần sa lên lỗ mũi bên phải.

    Đưa nó vào rõ ràng là dễ hơn việc lấy ra. Trong khi cố gắng lấy ra, người đàn ông càng đẩy nó lên cao hơn trong mũi. Một số thời điểm, ông tin rằng gói cần sa đã trượt xuống cổ họng và biến mất vĩnh viễn.

    18 năm sau, ông giúp các bác sĩ tạo ra ca mổ đầu tiên trên thế giới để lấy một vật thể dài 1,9 cm từ khoang mũi với tên kỹ thuật là rhinolith (tiếng Hy Lạp nghĩa là đá mũi).

    Việc lôi các vật thể cứng, khoáng hóa từ mũi bệnh nhân không thường gặp đối với các bệnh viện. Từ trước đến nay, chỉ có 1 trường hợp từng được ghi nhận về việc bệnh nhân nhét thuốc phiện, bọc trong túi ni lon vào mũi.

    Thông thường, những vật thể đi lạc vào mũi bệnh nhân có thể là các loại hạt, cục máu đông, thậm chí là răng.

    Điểm khiến các bác sĩ ngạc nhiên là cơ thể của người đàn ông này đã tạo một lớp vỏ bao quanh vật thể nói trên. Có ý kiến cho rằng cơ thể người đang cố gắng vận hành giống với cách tạo ra ngọc trai.

    Theo Zing

  • Theo số liệu năm 2012 của tổ chức bảo vệ quyền trẻ em Ecpat UK, có đến 96% nạn nhân bị lừa bán vào các trang trại cần sa tại Anh là người Việt Nam.

    Tại Anh, những nơi được gọi là "trang trại" cần sa thực chất là những cơ sở nhỏ, nằm trong những ngôi nhà bình thường trong thành phố hoặc các khu nhà bỏ hoang ở vùng ngoại ô. Thông thường, tại những cơ sở nhỏ như ngôi nhà trong bức ảnh trên chỉ có khoảng 1-2 người coi sóc (họ còn được biết đến với biệt danh là "gardener - người làm vườn"). Ảnh: Carl Eve.

    Ví dụ, tại cơ sở từng được sử dụng làm trung tâm giải trí ở Newport, Gwent, trong tấm ảnh trên có thể trồng đến 4.000 cây cần sa. Ảnh: Wales News Service.

    Những hầm trú bom hạt nhân lớn như trong bức ảnh này cũng được các băng đảng tại Anh tận dụng làm trang trại cần sa. Những "người làm vườn" gần như bị giam lỏng trong các cơ sở này (một hình thức nô lệ thời hiện đại), và chỉ được tiếp xúc với thế giới bên ngoài khi nhận đồ ăn hoặc chỉ thị từ các băng đảng sở hữu "trang trại".

    Lối vào một trang trại cần sa nằm trong một hầm trú bom hạt nhân ở Wiltshire, Anh. Ước tính 1.000 cây cần sa có thể tạo ra nguồn lợi nhuận lên đến 622.000 USD. Nhiều người nhập cư trái phép, trong đó có người Việt Nam, đã bị các đường dây buôn người lừa bán vào các trang trại cần sa này. Ảnh: David Levene/The Guardian.

    Theo số liệu năm 2012 của tổ chức bảo vệ quyền trẻ em Ecpat UK, có đến 96% nạn nhân bị lừa bán vào các trang trại cần sa tại Anh là người Việt Nam, trong đó có đến 81% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Ảnh: Solent News.

    "Ngành công nghiệp" cần sa tại Anh sử dụng rất nhiều lao động trẻ em và trẻ vị thành niên. Các em bị chủ đe dọa, đánh đập nhẫn tâm và phải làm việc ngày đêm khi bị "giam lỏng" tại các trang trại cần sa. Ảnh: Shutterstock.

    Những căn nhà bình thường được các băng đảng sửa chữa lại và trang bị các hệ thống chiếu sáng, thông gió và tưới nước. Trong ảnh trên là đường ống thông gió được chủ trang trại cần sa sửa lại từ ống lò sưởi. Ảnh: Penny Cross/Northcliffe Media Ltd/Plymouth Herald.

    Theo một bài viết được đăng tải năm 2017 của Daily Mail, mỗi ngày cảnh sát Anh lại phát hiện thêm 20 trang trại cần sa mới trên toàn quốc, và phần lớn trường hợp có liên quan tới trẻ vị thành niên Việt Nam. Ảnh: Solent News.

    Theo số liệu của Đơn vị Giám sát Ma túy Độc lập năm 2017, có từ 1,7-3,6 triệu người sử dụng cần sa ở Anh. Những người này tiêu thụ từ 620 đến 1.400 tấn mỗi năm, tương đương giá trị thị trường ước tính từ 2,9 tỷ đến 8,6 tỷ bảng Anh. Ảnh: Shutterstock.

    Trong những năm gần đây, các băng nhóm trồng cần sa ở Anh có xu hướng tìm đến những căn nhà bình thường ở vùng ngoại ô, thay vì hoạt động trong các cơ sở lớn như nhà kho. Điều này giúp chúng giảm thiểu thiệt hại sau những cuộc đột kích của cảnh sát, do các cơ sở khác trong cùng đường dây vẫn có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, điều kiện sống ở những nơi này không được đảm bảo. Ảnh: Solent News.

    Philippa Southwell, một luật sư tại London thường xuyên giúp đỡ các trường hợp trẻ vị thành niên bị lừa bán vào các trang trại cần sa ở Anh, cho biết: "Khi những trẻ vị thành niên nhập cư trái phép được đưa tới Anh theo 'đường dây', các em thường trở thành tù nhân của những nhóm buôn người, và bị bắt làm việc ở các trang trại cần sa để trả nợ". Ảnh: GMP.

    Trong ảnh là quần áo của những "người làm vườn" được treo gần những thiết bị điện. "Trong đó rất nguy hiểm. Dây điện được nối trực tiếp từ đường dây chính, và cửa sổ, cửa hậu luôn bị khóa chặt, chặn kín để ngăn những 'người làm vườn' bỏ trốn". Ảnh: GMP.

    Với khoản nợ khổng lồ trên vai, các trẻ vị thành niên bị lừa bán vào những trang trại cần sa cũng không dám bỏ trốn. Theo Asia Correspondent, trước đây từng có trường hợp một nam thiếu niên người Việt được giải cứu và được nhận nuôi, nhưng không lâu sau đó cậu ta đã bỏ trốn khỏi nhà bố mẹ nuôi, để lại lời nhắn: "Chúng đang đe dọa em gái cháu ở nhà, cháu không thể ở lại đây được". Ảnh: David Levene/The Guardian.

    Trước thực trạng bóc lột lao động, đặc biệt là trẻ vị thành niên tại các trang trại cần sa, loại cần sa được trồng tại Anh còn có một tên gọi khác là "cần sa máu". Trong ảnh là nơi phơi khô thành phẩm sau khi thu hoạch. Ảnh: Solent News.

    Số cần sa trị giá đến 850.000 bảng Anh. Với nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng như hiện nay, vấn nạn buôn người và lao động chui tại các trang trại cần sa rất khó giải quyết triệt để. Ảnh: GMP.

    Cuong Nguyen, 41 tuổi, là một người Việt từng vượt biên trái phép sang Anh năm 2008 và chủ động tìm đến các trang trại cần sa để kiếm tiền. Tuy nhiên, có rất nhiều người (cả phụ nữ và trẻ vị thành niên) không chủ động như anh ta, mà bị các đường dây buôn người ép phải làm việc trong những trang trại cần sa này để trả nợ cho số tiền mua chiếc vé đến "miền đất hứa". Ảnh: AFP.

    Bao, một trẻ vị thành niên mồ côi từng bị bắt cóc và bán vào trại cần sa ở Anh năm 15 tuổi, cho biết em thường bị chủ trại dọa "cho nhịn đói" nếu không hoàn thành tốt công việc. Không có tiền, cũng không biết nói tiếng Anh, Bao chưa từng nghĩ tới chuyện chạy trốn. Những năm tháng bị cô lập trong trang trại cần sa đã khiến em bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Ảnh: David Levene/The Guardian.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Bill Turnbull đã lên tiếng kêu gọi thay đổi luật pháp liên quan đến cần sa y tế sau khi ‘phê pha’ trong một bộ phim tài liệu truyền hình đầy nước mắt kể về cuộc chiến chống chọi căn bệnh ung thư.

    Người dẫn chương trình kỳ cựu hy vọng rằng khi Brexit ngã ngũ, các chính trị gia sẽ tiếp tục với những công việc "mang tính xây dựng" như nới lỏng các hạn chế sử dụng chất cấm phục vụ mục đích chữa bệnh.

    Ông Turnbull đã được ghi hình lại cảnh hút cần sa trong một bộ phim tài liệu mới của Channel 4 sau thời gian vật lộn tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cho căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt của mình.

    Người đàn ông 63 tuổi tuyên bố mắc bệnh vào năm 2018 và đã dùng CBD để đối phó với các triệu chứng của mình. Ông đã thử nghiệm hút cần sa thông qua thiết bị vape trong chương trình mới Bill Turnbull: Keep Alive.

    Ông nói trong tiếng cười sau khi hút thuốc: "Tôi không thể nói được một câu hoàn chỉnh nữa, tôi không thể.”

    Mặc dù vẫn còn cái nhìn không thiện cảm với cần sa, ông vẫn kêu gọi nới lỏng quy định sử dụng chất cấm này cho mục đích trị bệnh.

    Ông Turnbull nói: "Thỉnh thoảng tôi dùng một chút và nó giúp tôi thư giãn. Nó làm tôi cười khúc khích và muốn nôn cả lên người đạo diễn.

    "Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có một cuộc thảo luận nghiêm túc ở đất nước này về việc sử dụng cần sa cho mục đích y tế. Hiện nay, nó đã hợp pháp ở 20 quốc gia.

    "Chúng ta nên trở thành một trong số họ, cần sa đã được sử dụng cho mục đích y học trong hàng ngàn năm."

    Staying Alive khắc họa hình ảnh một Turnbull đầy nước mắt khi tiết lộ các tác động của căn bệnh đối với gia đình, công việc, chế độ ăn uống và mối quan hệ với các đồng nghiệp ở BBC.

    Người từng dẫn chương trình Breakfast đã ôm lấy Sian Williams, người cũng bị bệnh ung thư.

    Ông tâm sự về những giọt nước mắt của mình trong chương trình: "Tôi hơi xấu hổ. Có chút bực bội: 'Chúa ơi tôi lại khóc.'

    "Tôi đã rất xúc động, một phần là vì tôi đang điều trị bằng hoóc môn khiến tôi dễ xúc động, nó giúp ức chế testosterone.

    "Nó khiến bạn dễ khóc và khóc là điều nên làm khi bạn đang căng thẳng như vậy."

    Bill Turnbull: Keep Alive được phát sóng trên Channel 4 vào ngày 17/10.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Cảnh sát đã vô cùng kinh ngạc khi bước chân vào một ngôi nhà ở Stoke-on-Trent, Midlands, và mới đây ‘người làm vườn’ Sarjo Gjikola đã bị bỏ tù. Anh ta phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất sau khi cảnh sát phát hiện ra hoạt động trồng chất cấm trong căn nhà.

    Căn nhà nằm trên đường Bycars.

    Các sĩ quan tiến vào ngôi nhà ở Staffordshire vào đầu giờ sáng và đếm được tổng cộng 133 cây cần sa.

    Sarjo Gjikola 23 tuổi, quốc tịch Albania, trở về nhà 8 giờ sau đó và điếng người khi phát hiện cảnh sát vẫn còn ở đó. 

    Y ngay lập tức bị bắt và bị kết án 27 tháng tù tại Tòa án Tối cao Stoke-on-Trent.

    Công tố viên David Bennett cho biết: “Cảnh sát phát hiện ra rằng ba trong số các căn phòng - hai phòng ngủ ở tầng một và phòng phía sau ở tầng trệt - đã được cải tạo để trồng cần sa với hệ thống sưởi và chiếu sáng. Điện bị câu trộm. Tổng cộng, cảnh sát đã thu hồi được 133 cây cần sa.

    “Họ cũng tìm thấy ba giấy tờ nhận dạng mang quốc tịch Rumani với ba cái tên khác nhau và hai giấy phép lái xe Rumani với hai tên khác nhau. Tất cả các giấy tờ trên đều có ảnh của bị cáo. Những giấy tờ này đều được kiểm tra và xác nhận là giả mạo.

    Gjikola, trú tại đường Bycars, Burslem, khai với cảnh sát rằng anh ta đã vào Anh khoảng sáu tháng trước khi bị bắt. Anh ta đã nhận tội sản xuất cần sa và sở hữu giấy tờ tùy thân với ý định không chính đáng.

    Luật sư biện hộ Catherine O’Reilly cho biết bị cáo đã mắc nợ sau khi vay tiền để chi trả các hóa đơn y tế của mẹ mình.

    Cô O’Reilly nói: “Có một thời gian bị cáo phải trả lại số tiền đó. Bị cáo đã chịu áp lực tài chính.

    Sarjo Gjikola

    “Bị cáo đến đất nước này sáu tháng trước khi bị bắt. Lúc đầu, bị cáo làm công việc dọn dẹp ở London. Phần lớn số tiền đó sẽ được chuyển cho những cá nhân đã cho bị cáo mượn tiền ở Albania.

    “Khi bị cáo đến Stoke-on-Trent, bị cáo hoàn toàn nhận thức được hoạt động ở căn nhà này là gì. Bị cáo biết những gì mình đang làm là sai trái. Nhưng bị cáo cần tiền và đã làm những gì có thể để kiếm tiền.”

    Thẩm phán Paul Glenn nói với bị cáo: “Đây là một cơ sở được thiết lập khá chuyên nghiệp. Có hệ thống chiếu sáng và thông gió thích hợp để tối đa hóa sự tăng trưởng, điện bị đấu nối bất hợp pháp.

    “133 cây có khả năng sản xuất một lượng cần sa đáng kể. Nếu tất cả phát triển đến độ trưởng thành thì năng suất và giá trị sẽ rất lớn".

    VietHome (Theo Birmingham Live)

  • Bệnh viện cũ, chuồng chó, nhà kho bỏ hoang, nhà ở ngoại ô và những chiếc container bị chôn vùi – đó là một vài trong số những địa điểm được người Việt sử dụng để gieo trồng ‘vụ mùa’ của mình.

    Một số người được đưa lậu vào Anh một cách tự nguyện, những người khác bị buôn bán trái với ý muốn của họ.

    Dưới đây là một số vụ án cần sa nổi tiếng liên quan đến người di cư Việt Nam.

    Hầm ngầm biến thành xưởng cần sa

    Khi cảnh sát phá nát cánh cửa bị khóa của một hầm ngầm hạt nhân cũ ở Wiltshire năm 2017, họ đã tìm thấy ba người Việt Nam cùng hàng ngàn cây cần sa.

    Hơn 20 phòng trong quần thể hầm trú ẩn từ thời Thế chiến II đã được những người di cư sử dụng để trồng cần sa. Họ có thể là nạn nhân buôn người, gần như không thể nói tiếng Anh và đã bị giam lỏng ở đây.

    Lượng điện năng trị giá hơn 800.000 đô la đã được câu trộm để cung cấp năng lượng cho xưởng ngầm khổng lồ có năng suất ước tính 2,5 triệu đô la cần sa mỗi năm.

    Ba người đàn ông đã bị bỏ tù vì tội trồng cần sa.

    Cảnh sát phát hiện ra trang trại này nhờ những người dắt chó đi dạo trình báo về mùi hương nồng trong khu vực.

    Ba ‘nông dân’ sau đó đã bị trục xuất khỏi Việt Nam và bị từ chối yêu cầu xin tị nạn.

    Chiếc túi du lịch chứa đầy tiền

    Một chiếc túi du lịch được nhồi 75.000 bảng Anh (93.000 đô la) tiền mặt là một trong những tang chứng mà cảnh sát thu hồi được khi triệt phá một tổ chức cần sa của người Việt ở Lancashire năm ngoái.

    Họ cũng tìm thấy một số ngôi nhà được sửa sang thành các trang trại cần sa trị giá 80.000 bảng cùng một số nghi phạm người Việt Nam, bao gồm cả thủ lĩnh Jack Nguyễn, người bị buộc tội âm mưu sản xuất cần sa và rửa tiền.

    Những kẻ đứng đầu băng nhóm đã đóng giả làm những cặp đôi chuẩn bị có em bé để đi thuê nhà, và cảnh sát còn tìm thấy một video điện thoại di động ghi lại cảnh một đứa bé đang bò giữa đống tiền.

    Khi cuộc điều tra kết thúc, cảnh sát đã phát hiện ra các trang trại cần sa ở hơn 21 căn nhà, tịch thu hơn 300.000 đô la tiền mặt và kết án 16 nghi phạm người Việt.

    Cậu bé trong chiếc va-li

    Trường hợp một cậu bé 16 tuổi người Việt Nam được tìm thấy nằm co quắp trong một chiếc vali ở phía sau xe tải ở Dover năm ngoái đã cho thấy những nguy mà người di cư lẻn vào Vương quốc Anh phải đối mặt.

    Phong được phát hiện với nhiều vết thương đe dọa đến tính mạng khi đang nằm trong cốp xe của một người đàn ông Rumani, người sau đó đã bị bỏ tù 18 tháng.

    Thiếu niên tội nghiệp đã được chính quyền Anh giải cứu.

    Kể từ đó, cậu bé được chăm sóc nuôi dưỡng và “lần đầu tiên” có một phòng ngủ của riêng mình. Phong, hiện 17 tuổi, đã viết trong một bức thư gửi tới công chúng Anh. Xem thêm lá thư của Phong ở đây.

    "Giờ đây, tôi có một người mẹ, anh trai, em gái... Cảm ơn tất cả mọi người vì đã giúp đỡ tôi."

    Không rõ khi bị đưa đến Anh, những kẻ buôn người có định ép Phong làm việc trong một trang trại cần sa hay không. Tuy nhiên, trồng cần sa là công việc phổ biến nhất đối với những thanh thiếu niên Việt Nam nhập cư bất hợp pháp vào Anh.

    Xác chết trên sườn núi

    Năm 2016, thi thể của một người trồng cần sa Việt Nam 41 tuổi được tìm thấy trên sườn núi gần sân golf ở Wales với hai túi quần áo và giấy tờ. Người phát hiện ra xác chết là một người đàn ông đang tìm nơi chôn cất con mèo của mình.

    Một trong những chiếc túi có mùi cần sa kèm bản ghi chú chi tiết các loại thiết bị trồng cần sa, truyền thông Anh đưa tin.

    Cảnh sát cho biết người đàn ông được cho là đã chết, có thể là do giật điện, trong một trang trại cần sa nào đó trước khi thi thể anh ta bị vứt bỏ.

    VietHome (Theo France24)

  • Cảnh sát Anh vừa giải cứu 3 thiếu niên người Việt tại một cơ sở trồng cần sa ở ngoại ô thành phố Manchester. Các em phải chịu điều kiện không khác gì "sống trong nhà vệ sinh".

    Theo Manchester Evening News, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy 3 đứa trẻ là nạn nhân của hoạt động buôn người, được đưa từ Việt Nam sang Anh, bị "bóc lột sức lao động" để chăm sóc khu vườn cần sa trị giá hơn 1 triệu USD.

    Các em có độ tuổi từ 15-17, phải sống trong điều kiện được mô tả là "không khác gì nhà vệ sinh". Cảnh sát vùng Manchester cho biết 3 đứa trẻ bị nhốt ở cơ sở này trong nhiều tháng. 

    Số cần sa được phát hiện ở ngoại ô Manchester có giá thị trường hơn 1 triệu USD. Ảnh: Cảnh sát Manchester.

    Vườn cần sa bị phát hiện sau một cuộc khám xét cơ sở công nghiệp bỏ hoang ở Rochdale vào ngày 14/10. Hình ảnh hiện trường cho thấy các em phải ngủ trên đệm mỏng trải dưới sàn đất. Vỏ thùng carton được dùng làm vách ngăn nơi ngủ và khu vực trữ các chất hóa học.

    Theo người phát ngôn cảnh sát Manchester, những đối tượng bóc lột các em đã sử dụng nhiều biện pháp để đảm bảo nạn nhân không thể rời khỏi nơi làm việc. Cảnh sát không tiết lộ danh tính hay giới tính của các thiếu niên người Việt.

    "Chống bóc lột trẻ em là ưu tiên hàng đầu của lực lượng cảnh sát. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp trong quyền hạn để truy lùng và bắt giữ những kẻ chủ mưu", Philip Key, quan chức cảnh sát vùng Rochdale của Manchester, cho biết.

    Cảnh sát cho biết các thiếu niên người Việt phải sống trong điều kiện tồi tệ, không được rời khỏi địa điểm trồng cần sa. Ảnh: Cảnh sát Manchester.

    "Lạm dụng trẻ em để thu lợi bất hợp pháp là hành động kinh tởm. Đội ngũ chúng tôi quyết trừng trị loại tội phạm này và giúp vùng Rochdale cũng như Manchester trở nên an toàn hơn", ông Key nhấn mạnh.

    Cảnh sát địa phương đang kêu gọi người dân hợp tác trình báo nếu có thông tin liên quan đến cơ sở trồng cần sa vừa được phát hiện.

    Chưa có nghi phạm nào bị bắt giữ trong vụ việc. Các thiếu niên người Việt đã được cảnh sát chuyển cho cơ quan phúc lợi xã hội ở Rochdale chăm sóc.

    Theo Zing

  • Một người đàn ông và một phụ nữ Việt Nam đã bị kết án tù tám tháng mỗi người vì dính líu tới một trang trại cần sa hơn 600 cây ở Blackpool.

    Tòa án Tối cao Preston được biết Hu. Nguyen, 28 tuổi và H. Nguyễn, 36 tuổi, đến Anh bất hợp pháp, bị dụ dỗ bởi những lời hứa về một cuộc sống giàu sang.

    Cả hai cuối cùng chọn công việc chăm sóc một trang trại cần sa nằm trong một ngôi nhà tại đường Charnley, Blackpool.

    H.Nguyễn, người từng làm việc ở Birmingham và cũng từng bị bắt vì một hành vi phạm tội tương tự ở Derby, được đưa đến Blackpool trên một chiếc xe tải trong tình trạng bị bịt mắt.

    Khi đến nơi, cô đã bị đe dọa. Cô không được trả bất cứ khoản tiền nào khi chăm sóc trang trại nhưng 'được phép ngủ ở đó' và được cho ăn.

    Còn gia đình của Hu. Nguyen đã đồng ý trả cho những kẻ buôn người số tiền tương đương 30.000 bảng để đưa anh ta tới Anh từ Ukraine - nơi anh ta làm việc trong các nhà hàng Trung Quốc.

    Anh ta được đưa vào thùng xe tải và tin rằng bản thân đang làm việc để trả hết nợ của gia đình.

    Công tố viên Paul Cummings nói: "Cảnh sát tiến hành lệnh khám xét và tìm thấy một số lượng rất lớn cây cần sa, nằm rải trong bảy phòng trên ba tầng nhà.

    "Tổng cộng có 603 cây cần sa ở các giai đoạn tăng trưởng khác nhau.

    "Phía công tố nói rằng giá trị thị trường ước tính là hơn 236.000 bảng - vì sản lượng sẽ là 18,9 kg.”

    Khung cảnh ở Blackpool, nơi trại cần sa bị phát hiện.

    Tòa án được biết H. Nguyễn bị bắt ngay tại hiện trường, còn Hu. Nguyễn bị bắt sau đó ít phút khi đang cố gắng trốn trên gác xép.

    Trong cuộc phỏng vấn, Hu. Nguyễn được hỏi tại sao anh ta lại đến Blackpool và anh ta trả lời: "Để nhìn thăm quan địa điểm tuyệt đẹp này".

    Luật sư biện hộ của cô Nguyễn, Julie Taylor, cho biết cô đã bị lợi dụng và tin tưởng một người đàn ông khác nhưng bị người này lừa.

    Bị cáo hy vọng sẽ thuyết được Bộ Nội vụ cho phép cô ở lại đất nước này vì cô không có gia đình hay tài sản gì ở Việt Nam.

    Luật sư của Hu. Nguyen, Rachel Woods, nói: "Đó là một câu chuyện rất quen thuộc. Anh ấy đã rời quê nhà đến Ukraine vào năm 2015 để cố gắng tìm mẹ của mình.

    "Anh ấy làm nhiều nghề khác nhau ở đó. Anh ấy được hứa hẹn một cuộc sống giàu có hơn ở Anh và do đó, anh ấy đã được đưa bất hợp pháp đến Anh trên một chiếc xe tải.

    "Gia đình anh ấy ở Việt Nam đã trả số tiền tương đương 30.000 bảng với lời hứa đổi đời ở đất nước này."

    Ban đầu, Hu. làm việc trong các nhà hàng ở Birmingham, nhưng "được hứa hẹn một cuộc sống giàu sang" ở Blackpool và được đưa tới đường Charnley cùng nữ đồng phạm.

    Luật sư nói thêm: "Anh ấy bị bỏ lại ở đó với đồng phạm của mình mà không có cách nào để rời đi, không có nơi nào để đi, không có bạn bè hay gia đình nào gần đó để trú thân.

    “Người liên lạc ghé thăm hai tuần một lần để đưa thức ăn và nhu yếu phẩm.

    "Chúng khiến anh ấy tưởng rằng làm như vậy sẽ trả hết khoản nợ của gia đình, nhưng như thường lệ, khoản nợ không bao giờ được trả hết."

    Cả hai bị cáo đều thừa nhận tội danh âm mưu sản xuất cần sa.

    Quan tòa Andrew Nuttall kết án 8 tháng cho mỗi bị cáo.

    VietHome (Theo Blackpool Gazette)

  • Ẩn náu trong một vùng ngoại ô nước Anh cách quê hương hàng ngàn dặm, là một trong hàng ngàn người di cư Việt Nam làm việc trong ngành công nghiệp cần sa trị giá nhiều tỷ đô la ở Anh, người ‘nông dân trồng cần’ Cường Nguyễn đã dành hàng tháng tỉ mỉ chăm chút vụ mùa cần sa của mình.

    Anh Cường - hiện đã 41 tuổi – đến Vương quốc Anh bất hợp pháp bằng cách trốn dưới một chiếc xe tải, rồi kiếm sống bằng cách trồng cần sa trong nhà, khách sạn và thậm chí cả chuồng ngựa.

    Hành trình của anh từ thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam đến các trang trại cần sa bất hợp pháp của Anh ngập tràn hiểm nguy nhưng anh được thúc đẩy bởi những giấc mơ lớn.

    "Tất cả những gì tôi muốn là kiếm tiền... dù hợp pháp hay bất hợp pháp", Cường, hiện đã quay về Việt Nam, bày tỏ với AFP.

    Đằng sau thị trường cần sa thương mại khổng lồ được các nhà nghiên cứu định giá khoảng 2,6 tỷ bảng Anh (3,2 tỷ đô la Mỹ) mỗi năm của Vương quốc Anh là các băng đảng xã hội đen Việt Nam.

    Cường nói anh tự nguyện đến Anh để có thể dễ dàng kiếm tiền ở quốc gia có giá cần sa cao nhất châu Âu.

    Nhưng nhiều người khác, bao gồm cả trẻ em, bị lừa bán để rồi buộc phải làm việc cho các trùm băng đảng Việt Nam, những người đã trở thành vua chúa trong thị trường cần sa Anh.

    Câu chuyện của người ‘nông dân’ này sẽ đem đến một cái nhìn sâu sắc độc đáo về hành trình giông bão của một số người di cư Việt Nam.

    Nhưng đồng thời nó cũng lột tả cuộc sống bên lề của những người nghèo khó ở Việt Nam, nơi những người khó khăn trở thành món hàng trong tay các băng đảng tội phạm.

    Cuong Nguyễn trong buổi phỏng vấn ở một quán cà phê tại Hải Phòng hôm 7/8. Ảnh: AFP.

    Cường, một kẻ tội phạm cấp thấp và từng là người dùng ma túy, mới 29 tuổi khi anh lên đường sang Anh.

    Đó là năm 2008 và việc buôn bán cần sa hứa hẹn đem lại giàu sang, vì vậy anh đã trả 15.000 USD cho những kẻ môi giới để lấy hộ chiếu giả và trà trộn vào một nhóm du lịch tới châu Âu.

    Anh trốn khỏi tour du lịch ở Pháp và đặt chân vào một tuyến đường di cư nổi tiếng dẫn đến một trại tị nạn ở Calais, nơi những kẻ buôn người người Việt sắp xếp cho anh vượt eo biển đến Anh – bằng cách nằm nép dưới bụng của một chiếc xe tải.

    "Nếu bạn ngã, bạn sẽ chết", Cường nói. Anh đã thực hiện hành trình qua đêm đến Dover cùng với ba người di cư Việt Nam khác.

    Đến một đất nước mới và không biết nói tiếng Anh, anh không có nhiều lựa chọn, vì vậy, Cường nhờ đến sự giúp đỡ của một mạng lưới người di cư.

    Cuối cùng, anh đến được Bristol và làm việc cho một người đàn ông điều hành một số trang trại cần sa trong các ngôi nhà ngoại ô.

    Cường nói rằng anh phải tự mình làm việc, bị giam lỏng trong nhà và phụ thuộc vào những lố thức ăn do người liên lạc đem đến hàng tuần.

    "Tôi dậy sớm, ăn cơm và chuẩn bị chăm sóc những cái cây... đặt chúng dưới ánh đèn trong hai giờ và tưới nước cho chúng", Cường nhớ lại, bởi nỗi ám ảnh sẽ bị bắt luôn phủ bóng lên thói quen sinh hoạt giản đơn này.

    Trước khi sang Anh, Cuong từng lừa đảo và nghiện ma túy. Ảnh: AFP.

    Đó là một trang trại với mô hình khá phổ biến: những ngôi nhà được thuê hoặc mua ở vùng ngoại ô và được cải tạo phục vụ hoạt động trồng chất cấm.

    Cảnh sát cũng từng tìm thấy nhiều trang trại cần sa trong trại chó, quán rượu, một bệnh viện bỏ hoang và thậm chí là một hầm ngầm hạt nhân trước đây - nhiều trong số đó do người Việt điều hành.

    Khoảng 12% số người bị kết án cần sa ở Anh là người Đông Nam Á, nhiều hơn bất kỳ quốc tịch ngoài châu Âu nào khác, theo Hội đồng Cảnh sát trưởng Quốc gia.

    Phải sáu tháng sau, cảnh sát mới xuất hiện trong khu phố của Cường.

    Anh vô cùng hoảng sợ và nhét thật nhiều cây vào túi rác và tìm cách di chuyển chúng. Nhưng không lâu sau, anh lại quay trở lại với nghề, lần này là trồng cỏ trong một khách sạn gần Bristol.

    Anh đã kiếm được gần 19.000 USD - một tài sản không nhỏ so với tiền lương ở quê nhà - nhưng anh cũng cáo buộc ông chủ đã lừa lấy của anh hàng ngàn bảng nữa.

    Hầu hết người di cư Việt Nam đến từ các tỉnh miền trung nghèo. Nhiều người tới Vương quốc Anh, gửi tiền mặt về nhà, để rồi số tiền này được chi cho những chiếc ô tô, xe máy mới hay sửa sang nhà cửa.

    Nhưng cái giá phải trả cho hành trình này không hề rẻ.

    Những người môi giới tính phí lên tới 40.000 đô la cho các giấy tờ du lịch và vé máy bay, thường với điểm đến là Đông Âu, nơi người di cư sẽ phải di chuyển bằng đường bộ đến Vương quốc Anh.

    Một số trở thành con mồi của kẻ buôn người; vào thời điểm họ vượt qua được eo biển Anh, họ đã mắc nợ hàng ngàn đô la và bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ, tiệm nail hoặc trang trại cần sa. 

    Cuong phải ngồi tù 10 tháng ở Anh vì trồng cần sa. Ảnh: AFP.

    Theo báo cáo của Anti-Slavery International, ECPAT UK và Pacific Links Foundation, hơn 3.100 người lớn và trẻ em Việt Nam được xác định là nạn nhân buôn người tiềm năng từ năm 2009 đến 2018.

    Cường cuối cùng đã đến London, nơi anh trôi dạt trong vài năm, bán chất cấm và đào tạo lứa nông dân trồng cần sa mới.

    Nhưng vào năm 2014, anh đã bị bắt vì hút cần sa. Dấu vân tay của anh đưa cảnh sát trở lại trang trại ở Bristol năm xưa.

    Hồ sơ của tòa án tối cao cho thấy anh bị kết án vì trồng cần sa với bản án 10 tháng tù. Cuối cùng, anh bị trục xuất.

    Kể từ năm 2014, anh là một trong số hơn 1.600 người được đưa trở về Việt Nam, hoặc tự nguyện hoặc bị ép buộc, trong đó có ít nhất 22 người dưới 14 tuổi, theo dữ liệu của Bộ Nội vụ.

    Hàng trăm trẻ em khác đã được Bộ Nội vụ xác định là nạn nhân buôn người.

    Theo một chuyên gia nghiên cứu về nạn buôn người, Mimi Vu, một số người đã quay trở lại Việt Nam trong tình trạng nợ nần và có nguy cơ tiếp tục bị bán đi, cả đời không thoát nổi vào vòng luẩn quẩn tội ác và đói nghèo.

    Thích nghi trở lại với cuộc sống ở Việt Nam thật khó khăn đối với Cường. Anh đã trắng tay và hiện đang sống trong một ngôi nhà xập xệ ở Hải Phòng.

    Nhưng anh nói anh đã cai nghiện và hy vọng sẽ mở được một salon để nuôi nấng đứa con mà anh sắp có với bạn gái mới của mình.

    "Trong quá khứ, tôi đã phải gồng mình và tỏ ra gai góc," anh nói. "Bây giờ tôi cần dịu dàng và hòa nhã."

    VietHome (Theo Aljazeera)

  • Số chất cấm trị giá 112.000 bảng cùng một “người làm vườn” đang ngủ say đã bị cảnh sát phát hiện tại một xưởng cần sa.

    Nhà máy cần sa ở Midlands này đã bị một người dân phát giác. Người qua đường đã phát hiện một lỗ thủng trên mái của tòa nhà và báo cảnh sát.

    Cảnh sát nhanh chóng tiến hành đột kích vào cơ sở trên đường London Road, Stoke và tìm thấy ba phòng chứa đầy cây cần sa.

    Thông tin cho biết người làm vườn, anh T.D., đang ngủ trưa trên một phiến đá mà anh ta dùng làm giường tạm thời.

    Có vẻ như người này đã trú ngụ trong trang trại khoảng ba tháng sau khi được thuê chăm sóc cây.

    Hiện tại, thanh niên 20 tuổi này đã phải ra hầu tòa tại Tòa án Tối cao Stoke-on-Trent, nơi anh ta nhận tội có liên quan đến việc sản xuất chất cấm loại B.

    D., không có địa chỉ cố định, phải đối mặt với việc bị trục xuất về quê hương Việt Nam sau khi thụ án 12 tháng tù giam tại nhà tù thanh thiếu niên.

    Công tố viên Cathlyn Orchard cho biết cảnh sát đã ập vào khu nhà vào ngày 3 tháng 9 và phát hiện ra ánh sáng cường độ mạnh cùng hơi nóng.

    “Một số cây được xếp ở tầng trệt,” công tố viên trình bày trước tòa. “48 cây trong phòng này đã được thu hoạch trước đó.

    “Trong căn phòng thứ hai, có năm mươi cây đã thu hoạch và sáu cây còn cách ngày thu hoạch khoảng 4-5 tuần. Phòng trên lầu có tổng cộng 100 cây.”

    Tổng sản lượng cần sa kể trên lên tới 11 kg - với giá trị thị trường ước tính là 112.200 bảng Anh.

    D. không tiết lộ với cảnh sát ai đã thuê anh ta, mặc dù anh ta nói rằng họ đã đối xử với anh ta rất tệ.

    “Bị cáo nhận công việc này để kiếm tiền, nhưng người thuê không chịu trả tiền và cũng không cho anh ta rời đi,” bà Orhcard nói.

    “Bị cáo mô tả những người thuê anh ta là người nước ngoài và nói rằng anh ta sẽ không làm công việc đó nếu biết họ là người thế nào.”

    Vai trò của D. được tòa án đánh giá là "hạn chế nhưng quan trọng”.

    D. đến Vương quốc Anh hai năm trước và đã bị bắt vì liên quan đến một cáo buộc tương tự trước khi nhận công việc tại London Road.

    Luật sư biện hộ Saleema Mahmood, cho biết: “Hiện tại anh ấy rất muốn trở về Việt Nam.”

    Khi tuyên án, quan tòa Paul Glenn nói rằng cuối cùng D. sẽ đạt được ước nguyện của mình vì anh ta sẽ ngay lập tức bị trục xuất sau khi mãn hạn tù.

    Ông nói với bị cáo: “Căn nhà bị cáo đang trú ngụ được sử dụng để trồng cần sa ở quy mô thương mại. Đây là một cơ sở chuyên nghiệp, tuy nhiên tôi thừa nhận rằng bị cáo không phải là người xây dựng hay thiết lập cơ sở này, cũng như bị cáo không phải là người sẽ thu được lợi nhuận.”

    VietHome (Theo Birmingham Live)

  • Dù phần lớn các quốc gia trên toàn cầu đang dần thoải mái hơn với việc trồng và tiêu thụ cần sa, cảnh sát Anh vẫn vô cùng nhiệt tình trong công tác trấn áp những người trồng trọt bất hợp pháp trên khắp đất nước.

    Chủ nhật tuần trước (28/9), cảnh sát vùng Mershireide đã phát hiện ra một lượng lớn hơn 3.000 cây cần sa ở Liverpool. Được mệnh danh là lớn nhất từ ​​trước đến nay, số cần sa bị tịch thu có giá trị thị trường ước tính khoảng 10 triệu bảng Anh.

    Trong khi đó ở Leicester, một cuộc đột kích khác diễn ra tại một ngôi nhà liền kề chứa số cần sa trị giá hơn 250.000 bảng Anh.

    Đầu tháng này, tổ chức Leaf Desk đã báo cáo về cuộc đột kích vào một trang trại cần sa tại hầm ngầm dưới lòng đất ở Devon, trong đó số lượng cần sa trị giá hơn 384.000 bảng đã bị thu giữ và chủ sở hữu số lượng chất cấm này bị kết án năm năm tù.

    Số lượng cần sa bị thu giữ trên khắp nước Anh mỗi ngày là rất lớn, nhưng dường công việc này của cảnh sát không có tác dụng ngăn chặn việc sử dụng chất cấm, loại chất vốn đã được bật đèn xanh tại một số bang ở Mỹ .

    Không chỉ số người sử dụng cần sa ngày càng tăng, mà số lượng người muốn nó được hợp pháp hóa phục vụ giải trí và y tế cũng gia tăng.

    Mặc dù cần sa được quy định là bất hợp pháp ở Anh kể từ năm 1928, số lượng hình phạt cho tội sở hữu cần sa đã giảm mạnh từ năm 2010 đến 2017, với tổng số lần cảnh báo, thông báo, cảnh cáo và truy tố giảm từ khoảng 140.000 trong năm 2010 xuống dưới 60.000 trong năm 2017.

    Sự suy giảm số lượng hình phạt thường được cho là do các tổ chức cảnh sát quyết định ưu tiên các loại tội phạm khác, vì một người mang một lượng nhỏ cần sa trên người thường sẽ được gửi cảnh báo thay vì bị truy tố.

    Ít hình phạt dành cho tội phạm cần sa hơn cũng có thể là kết quả của việc cắt giảm ngân sách cho cảnh sát và giảm số lượng cảnh sát, vì lực lượng còn lại sẽ ưu tiên các tội phạm bạo lực nghiêm trọng hơn như trộm cắp và tội phạm liên quan đến vũ khí.

    Bên cạnh đó, sự ủng hộ chung cho hợp pháp hóa cần sa ngày càng tăng đến mức số người trưởng thành hiện đang ủng hộ hợp pháp hóa nhiều hơn gấp đôi so với người phản đối, cho thấy sự chênh lệch giữa quan điểm của cộng đồng và luật pháp hiện hành.

    Theo một cuộc thăm dò của YouGov được thực hiện vào đầu năm nay, 77% những người tham gia khảo sát muốn cần sa được hợp pháp hóa hoàn toàn, trong khi 48% muốn thấy cần sa được hợp pháp hóa cho mục đích giải trí ở Anh.

    76% người tham gia cho biết họ sẽ cân nhắc dùng thuốc có chứa cần sa nếu có bằng chứng mạnh mẽ về lợi ích của việc điều trị, điều này ngẫu nhiên đưa Vương quốc Anh vào vị trí dẫn đầu ngành nghiên cứu phát triển sản phẩm này, vì Anh hiện đang sản xuất và xuất khẩu số lượng cần sa cấp y tế lớn nhất trên thế giới.

    Ngoài ra, lãnh đạo y tế đứng đầu nước Anh, Giáo sư Dame Sally Davies, gần đây đã kêu gọi nghiên cứu thêm về lợi ích y tế của cây cần sa để cho phép đưa ra thêm hướng dẫn chi tiết về các loại thuốc sử dụng cần sa với các bằng chứng khoa học mạnh mẽ.

    Cảnh sát Anh làm gì với cần sa bị thu giữ?

    Một cuộc đột kích của cảnh sát thường diễn ra vào đầu giờ sáng vì thời điểm này, những kẻ tội phạm thường mất cảnh giác. Hoạt động này cũng thường diễn ra tại một khu dân cư vì đây thường là những nơi thuận tiện nhất để che giấu việc trồng cần sa, mặc dù nhiều trang trại quy mô công nghiệp đã được tìm thấy trong năm qua.

    Khi cuộc đột kích diễn ra, các nghi phạm sẽ bị bắt để thẩm vấn trong khi cảnh sát bắt đầu kiểm tra những cây cần sa đang được trồng.

    Sau khi có bằng chứng, cần sa rất có thể sẽ bị thiêu hủy, trong khi một số thiết bị được tái chế. Đây là một ví dụ điển hình của việc Vương quốc Anh tiêu hủy loại cây trồng đang giúp Mỹ kiếm được hàng tỷ đô la mỗi năm.

    Thay vào đó, hàng tỷ bảng Anh bị lãng phí mỗi năm này lẽ ra có thể được tái đầu tư vào cộng đồng và các dịch vụ đã cạn kiệt nguồn vốn, chẳng hạn như các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần, chương trình chữa trị lạm dụng thuốc, các trường học và các dự án nghiên cứu y khoa.

    Hiện đã có thỏa thuận cho phép tái sử dụng các thiết bị trồng cần sa bị thu giữ, trong đó thiết bị chiếu sáng được cung cấp cho các nhóm phân bổ địa phương và trường học để trồng rau và thảo mộc.

    Năm 2018, cần sa là loại chất cấm bị thu giữ phổ biến nhất ở UK và có liên quan đến 72% tổng số vụ thu giữ chất cấm ở Anh và xứ Wales trong năm 2017/18. Tổng lượng cần sa bị thu giữ đã tăng hơn gấp đôi trong những năm gần đây, tăng 142% lên 28,6 tấn kể từ năm 2017.

    Vì nhiều nhà chức trách không muốn bắt chước Hoa Kỳ trong việc thu lợi từ cần sa, một lựa chọn khác để kiếm tiền từ cần sa bị tịch thu thay vì lãng phí nó sẽ là bán lại cho các quốc gia nơi cần sa là hợp pháp.

    Hành động đạo đức giả của Vương quốc Anh

    Trong khi những kẻ tội phạm vặt vãnh cảm thấy lo lắng khi cần sa của họ bị thu giữ bởi cơ quan thực thi pháp luật, chính phủ Anh lại chính là một trong những nhà xuất khẩu cần sa lớn nhất thế giới.

    Đây có thể là một sự thực gây sốc khi xem xét quy mô và tầm vóc của Vương quốc Anh, nhưng trên thực tế, một số trang trại riêng lẻ ở Anh sản xuất và xuất khẩu khoảng 90 tấn cần sa mỗi năm, mang lại lợi nhuận khổng lồ.

    Một trang trại đặc biệt tạo ra số lượng cần sa khổng lồ thuộc sở hữu của British Sugar và vẫn thi hành đúng luật bằng cách lợi dụng các lỗ hổng để tạo ra doanh thu hàng triệu bảng với sự hỗ trợ đầy đủ của chính phủ Anh.

    Công ty dược phẩm GW, công ty đã tạo ra các loại thuốc từ cần sa thành công nhất là Sativex và Epidiolex, cũng có trụ sở tại Vương quốc Anh và là một trong những nhà sản xuất cần sa y tế lớn nhất thế giới, hiện có giá trị hơn 3 triệu bảng Anh.

    Trong khi đó, những tên tội phạm cần sa nhỏ lẻ lại phải đối mặt với bản án vì tội tàng trữ hoặc sử dụng chất cấm lên đến năm năm tù.

    Dường như mọi chuyện thật vô nghĩa khi các cơ quan thực thi pháp luật địa phương đang đốt cháy số cần sa bị tịch thu trong khi chính phủ phát triển và xuất khẩu nó bằng mọi cách.

    Ngay cả khi nguyên nhân của luật cấm xuất phát từ việc cần sa được trồng trong môi trường không được kiểm soát có thể bị nhiễm bẩn, quy trình thử nghiệm và nghiên cứu đầy đủ vẫn có thể được tài trợ để tạo ra lợi nhuận đáng kể từ việc xuất khẩu chính những cây tịch thu.

    VietHome (Theo Leaf Desk)

  • Hai người đàn ông đã xuất hiện tại tòa án hôm 1/10 với cáo buộc sản xuất cần sa sau khi cảnh sát phát hiện ra trang trại cần sa trị giá 10 triệu bảng tại một khu ga-ra cũ.

    Vilson Kotarja và Florian Sinaj, cùng 24 tuổi và không có địa chỉ cố định, đã bị buộc tội sản xuất cần sa.

    Trang trại cần sa, được giấu trong một ga-ra cũ của Yates trên đường Merton Bank, Islands Brow, được phát hiện vào Chủ nhật, ngày 29 tháng 9 bởi các cảnh sát tuần tra khu vực.

    Sau khi điều tra, trang trại cần sa quy mô công nghiệp có chứa 2.885 cây đã bị triệt phá và hai người đàn ông bị bắt giữ.

    Trước đó, cảnh sát đã phát hiện một xưởng cần sa khổng lồ trị giá gần 500.000 bảng tại một khu dân cư ở Birmingham. Cảnh sát tuần tra khu vực đã xác định hoạt động phi pháp được che giấu đằng sau cánh cửa đóng kín tại một địa chỉ trên đường Imperial, Bordesley Green.

    Khi vào trong nhà, họ phát hiện hơn 450 cây cần sa được trồng trong các căn phòng đã cải tạo. Một thiếu niên 19 tuổi đã bị bắt và hiện đang bị giam giữ. Các cây cần sa đã bị tịch thu và sẽ được tiêu hủy.

    Một phát ngôn viên của Cảnh sát West Midlands cho biết: “Cảnh sát đã thu giữ hơn 450 cây sau khi phát hiện ra xưởng cần sa tại một địa chỉ ở Imperial Road, Bordesley Green, hôm qua (30/9).

    “Một nam giới 19 tuổi đã bị bắt vì nghi ngờ trồng cần sa và vẫn bị cảnh sát giam giữ để thẩm vấn.”

    Ban đầu, cảnh sát nghĩ rằng có khoảng 140 cây, nhưng con số này đã tăng vọt lên hơn 450 sau khi lực lượng triệt phá cần sa có mặt tại cơ sở.

    Sở cảnh sát Bordesley Green đã đăng lên Twitter bốn hình ảnh từ hiện trường cho thấy các căn phòng chứa đầy cây trồng trong chậu, tấm chắn, hệ thống thông gió, dây cáp, đèn và nhiệt kế.

    Trang trại cần sa vẫn được phát hiện mỗi ngày ở các khu vực dân cư, nhà kho và cơ sở kinh doanh.

    Lực lượng cảnh sát kêu gọi mọi người liên lạc nếu họ nghi ngờ bất cứ ai xung quanh.

    Dấu hiệu nhận biết một xưởng cần sa bao gồm mùi hương nồng, ngọt tỏa ra từ một căn nhà nào đấy. Tiếng ồn nhỏ nhưng rền rĩ cả ngày. Cửa sổ luôn được đóng chặt và kéo rèm kín bưng. Có nhiều đường ống lớn màu bạc dẫn từ trong nhà ra ngoài, đèn sáng vào ban đêm và người cư trú thường thoắt ẩn thoắt hiện.

    Để báo cáo về tình trạng tội phạm cần sa, hãy liên hệ với cảnh sát theo đường dây 101 hoặc gọi ẩn danh đến Crimestoppers theo số 0800 555111.

    VietHome (Theo The Helen Star)

  • Cảnh sát đã phong tỏa một con đường sau khi một nhà máy cần sa được phát cùng với báo cáo về tiếng súng nổ.

    Cảnh sát đã được thông báo về các vụ nổ súng trên đường Deakins vào lúc 10h20 tối thứ ba, ngày 1 tháng 10.

    Họ nhanh chóng có mặt tại một căn nhà trên phố và phát hiện 80 cây cần sa với giá trị khoảng 50.000 bảng Anh. Cảnh sát West Midlands cho biết ba người đàn ông đã bị bắt vì nghi ngờ trồng cần sa.

    Đường phố vẫn được niêm phong vào sáng thứ Tư  trong khoảng 100 mét giữa Gladys Road và Flora Road khi các công tác điều tra đang tiếp diễn.

    Cảnh sát cho biết một chiếc xe bị hỏng đã được thu giữ để kiểm tra pháp y.

    Một phát ngôn viên của Cảnh sát West Midlands cho biết: "Cảnh sát đã được gọi để báo cáo về các vụ nổ súng trên đường Deakins, Birmingham vào lúc 10h20 ngày hôm qua (1/10).

    "Khi đến nơi, 80 cây cần sa đã được phát hiện tại một địa chỉ và ba người đàn ông đã bị bắt vì nghi ngờ trồng cần sa.

    "Một chiếc xe bị hư hại đã được thu giữ để kiểm tra pháp y, tuy nhiên chưa có bằng chứng nào về vụ xả súng ở thời điểm này. Con đường quanh hiện trường vẫn đang được phong tỏa.

    "Các cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và bất kỳ ai có bất kỳ ai có thông tin đều có thể liên hệ với chúng tôi qua Live Chat tại west-midlands.police.uk trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến nửa đêm, gọi 101 bất cứ lúc nào hoặc liên hệ nặc danh với Crimestoppers theo số 0800 555 111."

    Chủ sở hữu của công ty rượu vang Raj Bragash nói: "Có rất nhiều cảnh sát xuất hiện trong đêm qua tại một ngôi nhà cách cửa hàng của tôi vài căn nhà nhưng tôi không chắc chuyện gì đã xảy ra."

    Một người dân khác cho hay các hộ gia đình không được phép lái xe từ nhà đến nơi làm việc hoặc đưa trẻ đến trường.

    Ông nói: "Con trai tôi phải đi bộ đến trường và rác không được thu gom vì vụ việc này."

    VietHome (Theo Birmingham Live)

  • Cảnh sát đã phát hiện một xưởng cần sa khổng lồ trị giá gần 500.000 bảng tại một khu dân cư.

    Cảnh sát tuần tra khu vực đã xác định hoạt động phi pháp được che giấu đằng sau cánh cửa đóng kín tại một địa chỉ trên đường Imperial, Bordesley Green thuộc Birmingham.

    Khi vào trong nhà, họ phát hiện hơn 450 cây cần sa được trồng trong các căn phòng đã cải tạo. Một thiếu niên đã bị bắt và hiện đang bị giam giữ. Các cây cần sa đã bị tịch thu và sẽ được tiêu hủy.

    Một phát ngôn viên của Cảnh sát West Midlands cho biết: “Cảnh sát đã thu giữ hơn 450 cây sau khi phát hiện ra xưởng cần sa tại một địa chỉ ở Imperial Road, Bordesley Green, hôm qua (30/9).

    “Một nam giới 19 tuổi đã bị bắt vì nghi ngờ trồng cần sa và vẫn bị cảnh sát giam giữ để thẩm vấn.”

    Ban đầu, cảnh sát nghĩ rằng có khoảng 140 cây, nhưng con số này đã tăng vọt lên hơn 450 sau khi lực lượng triệt phá cần sa có mặt tại cơ sở.

    Sở cảnh sát Bordesley Green đã đăng lên Twitter bốn hình ảnh từ hiện trường cho thấy các căn phòng chứa đầy cây trồng trong chậu, tấm chắn, hệ thống thông gió, dây cáp, đèn và nhiệt kế.

    Trang trại cần sa vẫn được phát hiện mỗi ngày ở các khu vực dân cư, nhà kho và cơ sở kinh doanh.

    Lực lượng cảnh sát kêu gọi mọi người liên lạc nếu họ nghi ngờ bất cứ ai xung quanh.

    Dấu hiệu nhận biết một xưởng cần sa bao gồm mùi hương nồng, ngọt tỏa ra từ một căn nhà nào đấy. Tiếng ồn nhỏ nhưng rền rĩ cả ngày. Cửa sổ luôn được đóng chặt và kéo rèm kín bưng. Có nhiều đường ống lớn màu bạc dẫn từ trong nhà ra ngoài, đèn sáng vào ban đêm và người cư trú thường thoắt ẩn thoắt hiện.

    Để báo cáo về tình trạng tội phạm cần sa, hãy liên hệ với cảnh sát theo đường dây 101 hoặc gọi ẩn danh đến Crimestoppers theo số 0800 555111.

    VietHome (Theo Birmingham Live)

  • Cảnh sát Anh đã bắt giữ các đối tượng cầm đầu nhóm tội phạm người Việt sau khi tịch thu 2,5 tấn cần sa trị giá 6 triệu bảng Anh tại South Wales.

    Các đối tượng bị bắt trong đường dây sản xuất cần sa tại Anh. (Ảnh: Southwales Argus)

    Theo BBC, tổng cộng 21 đối tượng người Việt đã bị kết án trong vụ bắt giữ vào năm 2017, sau khi hàng chục nhà máy sản xuất cần sa bị phát hiện tại khu vực South Wales, Vương quốc Anh. Những người cầm đầu đã bị tuyên án tại tòa Merthyr Tydfil hôm 27/9.

    B. X. Luong, 44 tuổi, bị kết án 8 năm tù. Vợ của Bang, Vu T. T. T, 42 tuổi, bị kết án 6 năm tù. T. A. Pham, 20 tuổi, nhận án 5 năm tù.

    Trước đó, một cuộc điều tra nhằm vào nhà máy cần sa tại Cynon Valley đã mở đường cho cảnh sát tại Đơn vị Tội phạm có tổ chức và tình báo thuộc Cảnh sát South Wales phát hiện thêm một đường dây gồm các nhà máy cần sa khác trong khu vực.

    Đối tượng B. X. Luong và hình ảnh cảnh sát đột kích cơ sở trồng cần sa (Ảnh: Southwales Argus)

    Ngoài 15 nhà máy cần sa bị triệt phá, cuộc điều tra của cảnh sát South Wales còn phát hiện thêm 30 nhà máy khác và các cơ sở lưu trữ tại Wales và vùng lân cận Coventry, tất cả đều có liên quan tới nhóm đối tượng người Việt.

    Chiến dịch vây bắt của cảnh sát ước tính nhóm tội phạm đã thu được 25 triệu bảng Anh (khoảng 30 triệu USD), trong đó phần lớn được chuyển về Việt Nam. Phần lớn các đối tượng đều nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh và làm giả giấy tờ.

    Cáo trạng của tòa cho biết, B. X. Luong là người giám sát quá trình vận hành đường dây sản xuất cần sa từ căn hộ 5 phòng ngủ của tên này ở Aberdare. Trong khi đó, T. A. Pham chịu trách nhiệm thuê các cơ sở để sản xuất cần sa và bảo quản các cơ sở này.  

    Viethome (theo BBC)

  • Tại Tòa án Tối cao Teesside, một người đàn ông Việt Nam bị bắt cùng số cần sa trị giá tới 200.000 bảng Anh đã thú nhận rằng ông làm công việc phạm pháp này trong suốt 16 năm.

    Bị cáo Ha T.

    Cảnh sát tìm thấy 253 cây cần sa khi đột kích vào một ngôi nhà trên đường Kings, North Ormesby, Middlesbrough, vào ngày 17 tháng 7.

    Công tố viên Rachel Masters nói: "Họ đã phát hiện ra một trang trại cần sa. Ngôi nhà đã được sửa chữa để phục vụ mục đích đó.

    "Có năm khu vực trồng trọt và tổng số 253 cây cần sa. Rất nhiều thiết bị được sử dụng để trồng cần sa."

    Ngay sau khi cảnh sát ập tới, ông Ha T., 54 tuổi, trở về nhà và ngay lập tức bị bắt giữ.

    Tòa án Tối cao Teesside

    Ông thú nhận mình là người trồng cần sa, chịu trách nhiệm chăm sóc tưới tắm số cây cần sa kể trên trong khoảng ba tháng.

    Ông nói rằng ông đến Anh từ năm 2003 và bị "những người phương Tây không rõ danh tính buộc trồng cần sa".

    Ông nói một người đàn ông Hungary mà ông không biết tên đã sống cùng ông và chỉ cho ông phải làm gì.

    Số cần sa có giá trị ước tính từ 70.840 bảng đến 212.520 bảng sau khi thu hoạch. Ba ounce cần sa khô trị giá £8 cũng được tìm thấy trong nhà.

    Ông T., không có địa chỉ cố định và được một thông dịch viên tiếng Việt hỗ trợ tại tòa án, thừa nhận sản xuất chất cấm loại B.

    Luật sư biện hộ Paul Abrahams cho biết T. đã sống ở Anh với tư cách một người nhập cư bất hợp pháp không có giấy tờ trong 16 năm.

    Luật sư nói T. cũng phải "làm việc ở chợ đen" và đồng ý sản xuất cần sa với mức thù lao 600 bảng.

    Ông khẳng định T. không có vai trò đặc biệt nào đối với những người ở trên ông trong tổ chức và thực hiện vai trò của mình dưới sự chỉ đạo của người khác.

    Ông nói thêm: "Thân chủ tôi nhận thức được rằng có khả năng ông ấy sẽ bị trục xuất ngay khi mãn hạn tù."

    Khi kết án, quan tòa Howard Crowson nói với T.: "Bị cáo đã thừa nhận làm việc trong một trang trại cần sa trong ba tháng qua. Bị cáo thừa nhận đã làm công việc trồng cần sa lâu hơn thế.

    "Bị cáo đã tham gia vào việc thiết lập sửa sang ngôi nhà để phục vụ việc trồng cần sa và từng có một vụ mùa thành công trước đó. Kỹ năng của bị cáo cho phép bị cáo thiết lập trang trại và bị cáo đã trồng thành công hơn một mùa vụ vì lợi ích tài chính.

    "Bị cáo rõ ràng đã hành động chủ yếu dưới sự chỉ đạo của người khác. Việc bị cáo không bị kết án trước đó là một tình tiết giảm nhẹ, nhưng tình tiết này không còn nhiều hiệu quả do lời thú nhận đã vi phạm từ năm 2003."

    Quan tòa tuyên án 16 tháng tù cho ông T..

    Ông nói thêm: "Trường hợp của bị cáo phức tạp hơn vì có khả năng Cơ quan Biên giới sẽ tham gia vào việc quyết định tình trạng của bị cáo.

    "Mặc dù có vẻ như bị cáo có thể bị trục xuất khỏi Vương quốc Anh, đó không phải là quyết định mà tôi có thể đưa ra."

    VietHome (Theo Teesside Live)

  • Một tu viện ở California (Mỹ) hiện đang kiếm được khoảng 1.000.000 đô la (850.000 bảng Anh) mỗi năm nhờ việc bán cần sa.

    Một bộ phim tài liệu vừa được phát hành ngày 28/9 để đánh dấu ngày lễ 420 - ngày kỷ niệm đặc biệt của những người hút cần.

    Nữ tu Kate Meeusen thành lập nhóm Sisters of the Valley vào năm 2011, khởi đầu chỉ với mười hai cây. Nhưng giờ đây, nó đã trở thành một tổ chức quốc tế hỗ trợ điều trị cho những người có vấn đề về sức khỏe hoặc bị nghiện.

    Bộ phim ‘Breaking Habits,’ do nhà làm phim người Anh Rob Ryan đạo diễn, đã khám phá lịch sử và sự tồn tại bền vững của nhóm các nữ tu trồng cần sa.

    "Tôi đã xem bộ phim rất nhiều lần đến mức phát ốm vì nó, tôi không thích nó nhưng mọi người đều thích vì vậy tôi rất vui", nữ tu Kate, 60 tuổi, cư trú tại Quận Merced, California, phát biểu với cộng đồng nữ tu của mình.

    Bộ phim lột tả chặng đường sơ Kate và nhóm của bà đã chiến đấu ngoan cường chống lại ‘luật lệ của người da trắng,’ bao gồm cả vị cảnh sát trưởng mang tư tưởng chính trị cực đoan và những tên trộm ở chợ đen.


    Sơ Kate Meeusen thành lập Sisters of the Valley vào năm 2011 với chỉ 12 cây.

    “Chúng tôi không ủng hộ quy tắc của người da trắng,” Sơ Kate, người sản xuất và bán các sản phẩm CBD dạng hạt và dầu, bày tỏ.

    "Những người làm trang trại rất chậm thích nghi với những ý tưởng mới, mọi người bị mắc kẹt trong những năm 1950 với ý tưởng cần sa có thể dùng làm thuốc chữa bệnh."

    Cho đến nay, Sơ Kate đã cố gắng chữa trị cho tám người mắc nghiện bằng cách sử dụng các sản phẩm CBD của mình. Bà cho biết họ đã hồi phục hoàn toàn

    “Chúng tôi có tỷ lệ chữa nghiện thành công 100%, dù rằng chúng tôi mới chỉ thực hiện trên quy mô nhỏ. Chúng tôi đã làm việc với tám người nghiện rượu, thuốc lá hoặc ma túy, tất cả đều khá hơn,” Sơ Kate nói.

    Các nữ tu cũng sử dụng CBD để điều trị nhiều bệnh khác, từ động kinh đến ung thư.


    Các sơ sử dụng cần sa với mục đích chữa bệnh.

    “Nó là một loại cây chữa bệnh tuyệt vời, dần dần thế giới bắt đầu cởi mở hơn với ý tưởng cần sa là thuốc, thay vì coi nó như một loại chất nguy hiểm,” Sơ Kate nói.

    Đạo diễn của phim Breaking Habits, Rob Ryan, cho hay cuộc đấu tranh biến ngành công nghiệp trồng cần sa thành ngành nghề mang lại lợi ích của Sơ Kate là độc đáo và rất chân thành. Kế hoạch của các nữ tu là mở rộng đế chế dược liệu cần sa của họ.

    Sơ Kate nói: “Chúng tôi dự định sẽ lập cơ sở ở mọi thị trấn và tỉnh thành trong 20 năm tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc nhiều hơn với Hollywood, bởi vì đó là cách truyền tin ra với thế giới. Chúng tôi cũng có kế hoạch làm một se-ri phim hoạt hình mang chủ đề chính trị và tuyên truyền.”


    Các sơ phải đấu tranh chống lại các luật lệ trong vùng.


    Các sơ thu được 850,000 bảng mỗi năm. 


    Các sơ thành công 100% trong việc chữa trị cho những người bị nghiện.


    Sơ Kate bên vườn cần sa xum xuê.

    Vào thứ Hai tới, các nữ tu sẽ có hoạt động phản đối đặc quyền giáo hội, cho phép che giấu một số hành vi lạm dụng.

    “Chúng tôi đã quen với việc đấu tranh cho quyền của những người thiệt thòi,” Sơ Kate nói.

    “Đó là một dự luật quan trọng cho phép California gia nhập với 20 tiểu bang khác và Canada trong việc từ chối đặc quyền này như một lý do để không báo cáo hành vi lạm dụng.

    “Nếu một giáo sĩ, linh mục, mục sư chứng kiến hành vi lạm dụng, họ phải báo cáo. Giống như cách cảnh sát và y tá và giáo viên được yêu cầu phải làm.

    “Họ không được phép che giấu cho nhau bằng cách núp sau bộ luật thiêng liêng nào nữa. Đây là thời đại của nữ quyền thiêng liêng và không có gì thiêng liêng trong việc làm hại trẻ em.

    “Không có gì là thiêng liêng trong việc trao cho đàn ông quyền tiếp cận trẻ em vì mục đích xấu xa, hủy hoại cuộc sống của các em.

    “Tuy nhiên, các tổ chức do nam điều hành, do nam sáng lập, do nam bảo trợ này không muốn chúng tôi động chạm tới các đặc quyền của họ.”

    VietHome (Theo Metro)

  • Một trang trại cần sa có giá trị thị trường ước tính khoảng 1 triệu bảng đã bị cảnh sát phát hiện.

    Vào ngày thứ Hai, 23/9, cảnh sát đã đột kích vào một tòa nhà ở Factory Lane, Blackley, và phát hiện ra hàng trăm cây cần sa bên trong.

    Kể từ đó, cảnh sát vẫn có mặt bên ngoài tòa nhà, vốn là một căn nhà thuê nằm trên một ga-ra.

    Chưa có vụ bắt giữ nào được thực hiện và Cảnh sát Greater Manchester cho biết hiện trường sẽ vẫn được phong tỏa trong khi các cuộc điều tra diễn ra.

    Hình ảnh được chia sẻ bởi GMP cho thấy số lượng lớn cần sa được xếp dọc theo bờ tường. Nhiều quạt gió được lắp trên tường để giữ cho căn phòng thông thoáng.

    Dịch vụ cứu hỏa và điện lực cũng được gọi đến hiện trường để hỗ trợ cảnh sát.

    Thanh tra Helen Rutter, thành viên đội City of Machester Challenger thuộc GMP, cho biết: “Việc phát hiện và triệt phá trang trại cần sa này là một trong những nỗ lực liên tục của chúng tôi nhằm giải quyết và phá vỡ các băng đảng tội phạm có tổ chức ở Manchester.

    “Chúng tôi tin rằng giá trị thị trường của trang trại này xấp xỉ một triệu bảng, vì vậy, chúng tôi không chỉ ngăn chặn một lượng lớn chất cấm bị tung ra đường phố, mà còn giáng một đòn mạnh mẽ vào những kẻ chịu trách nhiệm.

    “Đội ngũ của chúng tôi cam kết đưa những kẻ nằm trong đường dây tội phạm có tổ chức ra trước công lý, nhưng để làm được điều đó, chúng tôi cần tin tức từ cộng đồng địa phương, thông báo về hoạt động của các cá nhân liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

    “Rất may, chúng tôi có mối quan hệ tốt với nhiều cộng đồng địa phương, những người ủng hộ công việc chúng tôi làm và chúng tôi hy vọng điều đó có thể tiếp tục. Chúng tôi kêu gọi bất kỳ ai có thông tin về trang trại cần sa này, hoặc bất kỳ ai có liên quan đến nó, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi."

    Một nhân chứng tận mắt chứng kiến cuộc đột kích cho biết: "Hôm qua tôi đã đi qua và có hai chiếc xe cảnh sát. Tám cảnh sát chạy ra.

    "Thật bất thường khi thấy hai chiếc BMW và sau đó tám cảnh sát xuất hiện. Đó là vào lúc 9h45 sáng thứ Hai, họ vẫn ở đó lúc 9 giờ tối hôm qua."

    Một phát ngôn viên của dịch vụ cứu hỏa cho biết: "Chúng tôi được gọi vào lúc 10 giờ 8 phút sáng đến Factory Lane. Một chiếc xe cứu hỏa từ Blackley đã được huy động.

    "Chúng tôi được gọi để hỗ trợ cảnh sát và rời đi lúc 1.19pm ngày thứ Hai."

    VietHome (Theo Manchester Evening News)