• Mohammad là 1 trong hơn 100 người nhập cư bị cấm túc để chuẩn bị cho chuyến bay trục xuất Rwanda. 

    25 ngay 1
    Mohammad đã được bảo lãnh sau 25 ngày bị giam giữ. Ảnh: The Independent

    Một người tị nạn Syria suýt bị trục xuất tới Rwanda đã kể về những cơn ác mộng, lo lắng và thất vọng mà anh phải chịu đựng trong suốt 25 ngày bị giam giữ 

    Mohammad Al Kharewsh, 25 tuổi, cho biết anh không ngừng thắc mắc vì sao mình lại bị chọn đi Rwanda. Anh trở nên trầm cảm và tuyệt vọng trong suốt thời gian bị giam ở gần Sân bay Gatwick. 

    Anh đến UK vào năm 2022 và đã đoàn tụ với em trai, người này đã được cấp tị nạn tại UK lúc vẫn còn nhỏ tuổi. Viễn cảnh phải chia cắt với em trai lần nữa khiến anh hoảng sợ tột độ.

    Mohammad là 1 trong hơn 100 người nhập cư bị Bộ Nội Vụ lùa vào trại di dân hồi tháng 5. Hiện tại nhiều người đã được bảo lãnh ra về sau khi ông Rishi Sunak nói các chuyến bay chỉ diễn ra nếu ông thắng cuộc bầu cử vào ngày 4 tháng 7. Trong khi đó, Đảng Lao Động khẳng định họ sẽ hủy kế hoạch Rwanda nếu đắc cử. 

    Sau khi được bảo lãnh, Mohammad đã có cuộc trò chuyện tại văn phòng một quỹ từ thiện. Anh cho biết mình buộc phải rời Syria vào năm 2022 do lo sợ phải gia nhập quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad, hoặc bị ép đi lính cho lực lượng đối nghịch. 

    Chính phủ Anh từng có một lộ trình định cư hữu ích cho những người chạy trốn khỏi nội chiến Syria, nhưng chương trình này đã kết thúc vào năm 2021, do đó không có cách nào an toàn để đến Anh. 

    25 ngay 1
    Người tị nạn được giới thiệu rằng Rwanda có phong cảnh rất đẹp. Ảnh: The Independent

    Bất cứ ai đến Vương quốc Anh bất hợp pháp sau ngày 1/1/2022 đều có nguy cơ bị trục xuất đến Rwanda. Mohammad rơi vào trường hợp này. Anh đã sống với em trai ở Acton. Ngày 1/5/2024, anh đi kí ở văn phòng Bộ Nội Vụ thì bị bắt và đưa đến Gatwick. 

    Anh bị nhốt chung phòng với một người tị nạn Syria khác, người này cũng gặp vấn đề về tinh thần. Nói về thời gian bị giam trong trại di dân, anh cho biết: "Môi trường rất ngột ngạt, tôi thường xuyên bị mất ngủ và gặp ác mộng. Sau khi thoát khỏi chiến tranh ở quê nhà, tình hình của tôi thậm chí còn tệ hơn. Tôi cứ thắc mắc tại sao mình lại bị giam chờ trục xuất".

    "Có một khu vực mua sắm và một phòng gym, nhưng tôi chẳng còn đầu óc để làm bất cứ việc gì. Chúng tôi được cung cấp thức ăn, nhưng tôi chỉ ăn cầm hơi. Tôi luôn mơ về một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng đó là một điều gì rất xa vời".

    Hiện giờ vợ và đứa con nhỏ của anh vẫn sống ở Syria, nhưng anh cho biết họ an toàn hơn lúc anh còn ở nhà. Gia đình anh không còn bị ép phải chọn phe này phe kia trong cuộc nội chiến. Mơ ước của anh là cả nhà cùng đoàn tụ ở Vương quốc Anh.

    Em trai của Mohammad được cấp tị nạn cách đây 4 năm khi vẫn còn nhỏ, hiện cậu em này đang làm trong lĩnh vực xây dựng. Cậu thuê một căn hộ và hỗ trợ Mohammad. Trong nhà còn có một người em trai khác, vừa đến UK cách đây vài tháng. 

    Mohammad nhận được thông báo đơn xin tị nạn của anh không được chấp nhận, và Bộ Nội Vụ muốn trục xuất anh đến Rwanda. Nhưng người em khác của Mohammad thì chưa nhận được phản hồi về hồ sơ xin tị nạn của mình.

    Viethome (theo Independent)

  • cuoc song nt o rwanda 1
    Azhagu và Mayur được đưa đến Rwanda từ đảo Diego Garcia, một lãnh thổ của Anh.

    Cách đây 1 năm, một nhóm người nhập cư đã được đưa đến Rwanda từ một lãnh thổ xa xôi của nước Anh. Họ cho biết họ cảm thấy cô độc và không an toàn. Đối với họ Rwanda giống như một nhà tù mở. 

    Phóng viên BBC đã bay đến Rwanda để nói chuyện với 4 người nhập cư đã sống ở đây một năm. Nhóm người này được đưa về từ đảo Diego Garcia - một lãnh thổ xa xôi của Anh trên Ấn Độ Dương. Họ cho biết những nhu cầu y tế phức tạp của họ (do quá khứ bị tra t.ấn và h.ãm h.iếp) không thể được đáp ứng ở Rwanda. 

    Mỗi người nhận được $50 (£39) mỗi tuần để mua thức ăn và nhu yếu phẩm. Nhưng họ không được phép làm việc. 

    Cả 4 người đều cho biết họ đã bị sỉ nhục và quấy rối t.ình d.ục trên đường phố. Vì không dám ra ngoài nên họ có cảm giác như bị cầm tù. Hiện họ đang chờ chính phủ Anh tìm cho họ một nơi để sống lâu dài. 

    Cả 4 người này đều là người Sri Lankan Tamils, họ được chuyển tới Rwanda để chăm sóc y tế sau những nỗ lực tự tử. Hiện họ đã ra khỏi bệnh viện quân đội và sống trong 2 căn hộ ở ngoại ô thủ đô Kigali. Chi phí do chính quyền Anh chi trả.

    cuoc song nt o rwanda 1
    Chính phủ Anh trả tiền cho người nhập cư sống ở rìa Kigali.

    Cả 4 người này đều không cố công đến UK, mà họ xin tị nạn ở đảo Diego Garcia, đây là một căn cứ quân sự bí mật của quân đội Mỹ-Anh. 

    Họ nằm trong số hàng chục người đến hòn đảo vào tháng 10/2021. Họ cho biết đã trốn chạy khỏi nạn áp bức ở quê nhà và muốn chèo thuyền đến Canada để xin tị nạn. 

    Trên con đường yên tĩnh, trong căn hộ 2 phòng ngủ, Azhagu cho biết anh được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn sau sang chấn, không chắc chắn về tương lai và cuộc sống tách biệt sẽ càng khiến tình hình của anh tệ hơn.

    "Ở đây chúng tôi không được chữa trị đàng hoàng. Chúng tôi có những vấn đề về tâm thần", người đàn ông 23 tuổi nói, "mỗi khi đến bệnh viện chúng tôi kể bệnh tình với bác sĩ nhưng họ không giúp gì được".

    Nhân viên y tế ở Rwanda còn la mắng anh. Do quá tức giận, anh đã tự làm tổn thương mình. Anh bị đe dọa bắt giữ và tống trở lại Diego Garcia. 

    Mayur, 26 tuổi, sống cùng trong căn hộ, nói rằng anh đã từ bỏ quyền được tư vấn. Anh không được cho đúng thuốc uống và không thể giải thích tình trạng bệnh của mình. Đó là lý do anh không đi khám bệnh nữa. 

    Tuy nhiên một quan chức cấp cao của chính phủ Rwanda cho biết bà tin rằng hệ thống y tế của nước bà đủ sức chữa trị cho những người nhập cư. "Ở đây có rất nhiều người nước ngoài sinh sống, họ không gặp vấn đề gì khi đi khám chữa bệnh cả", bà nói. 

    Cả nhóm người đã rất nhiều lần gửi thư cho chính quyền Anh, bao gồm Thủ tướng Rishi Sunak, yêu cầu được rời khỏi đây. "Tôi không biết chúng tôi còn phải sống như tù nhân vô chính phủ trong bao lâu nữa", một người nói. 

    Vì thường xuyên bị quấy rối khiến họ không dám ra khỏi nhà và luôn sống trong sợ hãi. Căn hộ của Lakshani luôn kéo rèm ngăn cách với thế giới bên ngoài. 

    cuoc song nt o rwanda 1
    Họ không dám ra ngoài.

    Cô gái 23 tuổi cho biết: "Tôi không có bất kì người phụ nữ nào quanh đây để làm bạn". Cô sống chung căn hộ với Khartik, 47 tuổi. Nhà của họ thường xuyên bị đột nhập. Một lần đi trên phố, có một đám đàn ông đã tách họ ra và quấy rối Lakshani. Cô từng bị quấy rối cả ở Sri Lanka và Diego Garcia.

    Tuy nhiên điều kiện sống ở Rwanda vẫn tốt hơn trong trại tị nạn ở Diego Garcia. Khi còn ở trên đảo, họ phải sống trong lều có chuột bọ, ít khi được dùng điện thoại và không được nấu ăn. 

    cuoc song nt o rwanda 1
    Ở Rwanda điều kiện sống tương đối tốt hơn.

    Viethome (theo BBC)

  • du lich rwanda 1

    Rwanda là đất nước xinh đẹp được mệnh danh là xứ sở ngàn đồi. Trái với những lo ngại của du khách quốc tế đối với quốc gia nằm ở phía Đông Châu Phi, Rwanda ngày nay trở thành một vùng lãnh thổ an toàn với cảnh quan thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Hệ sinh thái động thực vật tại Rwanda cũng cực kỳ phong phú, hình thành nên những điểm đến hấp dẫn và gần gũi với thiên nhiên. Nếu bạn đang mong muốn một chuyến đi có trải nghiệm mới lạ, Rwanda chính là sự lựa chọn hoàn hảo nhất.

    du lich rwanda 2
    Rwanda sở hữu hệ sinh thái động thực vật phong phú.

    Hoà mình vào thiên nhiên kỳ thú của Rwanda

    Với địa hình bao phủ bởi đồi núi và rừng rậm, cảnh quan thiên nhiên tại Rwanda mang đến vẻ hoang sơ, hùng vĩ, cùng hệ sinh thái vô cùng trù phú. Đi bộ băng qua những cánh rừng, hay trekking cùng gorilla sẽ là những trải nghiệm độc đáo và khó quên đối với du khách quốc tế. Cùng điểm qua một số địa điểm được phần lớn du khách lựa chọn ghé đến trong chuyến đi Rwanda.

    Công viên núi lửa quốc gia

    Công viên núi lửa quốc gia nằm ở phía Tây Bắc Rwanda, là nơi bảo tồn rặng núi Virungas với những sườn dốc và rừng mưa đầy mê hoặc. Nơi đây là mái nhà chung của những chú khỉ lông vàng và hơn một nửa số Gorilla hoang dã trên trái đất. Cách sân bay quốc tế Kigali 3 giờ lái xe, Công viên quốc gia Volcanoes mang đến cho du khách những trải nghiệm kỳ thú như trekking qua những ngọn núi lửa và gặp gỡ những chú gorilla trên suốt chặng đường.

    du lich rwanda 2
    Du khách đang tham quan Vườn Quốc gia Volcanoes.

    Kigali City - thủ đô Rwanda

    Thủ đô Kigali là thành phố sôi động nhất Rwanda, nơi giao nhau của lịch sử, kiến trúc và văn hóa. Đã từng khiến du khách quốc tế e ngại, nhưng ngày nay Rwanda trở thành một quốc gia đang thu hút đầu tư quốc tế, đặc biệt về các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Kigali là thành phố trung tâm của Rwanda về sự phát triển này. Bên cạnh đó, du khách đến với Kigali có thể tham quan những khu chợ địa phương để hiểu rõ hơn về văn hoá và đời sống của người dân Rwanda.

    du lich rwanda 2
    Thành phố Kigali là thủ đô và trung tâm kinh tế của Rwanda.

    Bảo tàng Quốc gia Rwanda

    Bảo tàng Quốc gia Rwanda nằm tại thành phố Butare, là tổ chức hàng đầu của Viện Bảo tàng Quốc gia Rwanda. Nơi đây trưng bày các bộ sưu tập về kiến trúc, văn hoá, lịch sử, nông nghiệp dưới các định dạng tài liệu ghi chép, hình ảnh, video và hiện vật. Đây sẽ là lựa chọn hoàn hảo đối với những du khách yêu thích khám phá văn hoá và lịch sử của quốc gia Đông Phi này.

    du lich rwanda 2
    Bảo tàng Quốc gia Rwanda là nơi trưng bày những bộ sưu tập lịch sử của Rwanda.

    Gicumbi - những ngọn đồi trà và cafe

    Rwanda sở hữu vô vàn những ngọn đồi trù phú, một vài trong số đó là những ngọn đồi dành cho ngành nông nghiệp trồng trà và cà phê của quốc gia này. Đây có thể xem là ngành mũi nhọn của nền kinh tế Rwanda với sự đầu tư mạnh mẽ vào các trạm chế biến, cho ra sản lượng xuất khẩu quốc tế ổn định. Du khách có chuyến bay đến Rwanda sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những sườn núi được phủ xanh bởi cánh đồng trà và cà phê bao la, rộng lớn.

    du lich rwanda 2
    Mùa gặt tại cánh đồng trà ở Gicumbi, Rwanda.

    Thời điểm lý tưởng để du lịch Rwanda

    Mặc dù có vị trí nằm gần đường xích đạo nhưng khí hậu của Rwanda lại có phần mát mẻ hơn hẳn. Rwanda có hai mùa mưa - một mùa kéo dài từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5, mùa còn lại kéo dài từ tháng 10 đến tháng 11. Vì thế, thời gian khô nhất sẽ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm.

    du lich rwanda 2
    Thời điểm lý tưởng để du lịch Rwanda là từ tháng 6 đến tháng 9.

    Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Rwanda cũng rơi vào mùa khô, từ tháng 6 đến tháng 9. Bởi thời tiết lúc này tương đối dễ chịu, thuận tiện đi lại và tham quan thiên nhiên hoang dã, đặc biệt là những chú khỉ gorilla. Mùa khô cũng là lúc thích hợp cho những hoạt động vui chơi tại Công viên quốc gia. Du khách dự định có chuyến bay đến Rwanda hãy cân nhắc lịch trình phù hợp để có trải nghiệm tốt nhất khi đến với Rwanda - “xứ sở của Gorilla”.

    Theo travelner

  • Vào hôm thứ 2, một luật sư của chính phủ cho biết chuyến bay Rwanda đầu tiên được ấn định vào ngày 24 tháng 7, với điều kiện Thủ tướng Anh tái đắc cử. 

    Ông Rishi Sunak từng nói các chuyến bay sẽ không cất cánh trước ngày bầu cử 4 tháng 7, nhưng hứa rằng chúng chắc chắn sẽ cất cánh nếu ông thắng. 

    Trong các tài liệu trình lên Tòa án tối cao London High Court trong vụ thách thức pháp lý của quỹ từ thiện Asylum Aid, các luật sư của chính phủ cho biết kế hoạch cất cánh là vào ngày 23/7/2024. Tuy nhiên, luật sư Edward Brown lại nói rằng kế hoạch đã được cập nhật. Và theo thông tin từ Bộ Nội Vụ thì chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh vào ngày 24/7.

    ngay cat canh chuyen bay dau
    Người nhập cư trên đường tới Anh vào ngày 4 tháng 5/2024. Ảnh: REUTERS/Chris J. Ratcliffe

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak hứa giới hạn nhập cư nếu tái đắc cử

    Thủ tướng Sunak cho biết ông sẽ thông qua một luật khẩn cấp và cảnh báo rằng Vương quốc Anh có thể rút khỏi Công ước Nhân quyền châu Âu nếu cần thiết để thực hiện chính sách gửi người tị nạn đến Rwanda, mặc dù Tòa án Tối cao Anh đã phán quyết chính sách này là bất hợp pháp

    Ông Sunak nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách này để ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp qua Eo biển Manche từ Pháp, một vấn đề đã gây áp lực lớn lên hệ thống tị nạn của Vương quốc Anh.

    Ông cũng tuyên bố sẽ làm việc với Rwanda để ký một hiệp ước mới và đưa ra các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo quốc gia Đông Phi này được coi là điểm đến an toàn cho người di cư.

    Các chính sách nhập cư của Sunak đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía, bao gồm cả các nhà lập pháp trong Đảng Bảo thủ của ông. Một số thành viên trong đảng cho rằng chính sách này quá khắc nghiệt, trong khi những người khác lại cho rằng nó chưa đủ mạnh để ngăn chặn di cư.

    Ông Sunak cũng phải đối mặt với những thách thức kinh tế và xã hội khi chi phí hỗ trợ cho những người di cư đang tăng cao. Hiện tại, việc cung cấp chỗ ở cho 175,000 người đang chờ quyết định tị nạn tốn khoảng 8 triệu bảng mỗi ngày.

    Các nhóm nhân quyền và nhiều tổ chức quốc tế đã chỉ trích chính sách, cho rằng nó không phù hợp với luật pháp quốc tế về người tị nạn. Tuy nhiên, ông Sunak vẫn kiên định với kế hoạch của mình và khẳng định rằng việc kiểm soát di cư là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông.

    Viethome (theo reuters)

  • Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 23/5 tuyên bố chính phủ nước này sẽ không đưa người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda trước ngày tổng tuyển cử, khẳng định các chuyến bay sẽ cất cánh nếu ông tái đắc cử vào ngày 4/7 tới.

    sau ngay tong tuyen cu
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở Ilkeston, ngày 23/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

    Trước đó, chính phủ của ông Sunak được cho là sẽ cố gắng thực hiện chuyến bay đầu tiên đưa người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda trước ngày bầu cử để thể hiện quyết tâm kiểm soát tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

    Tuy nhiên, tuyên bố của Thủ tướng Sunak là dấu hiệu cho thấy ông muốn biến kế hoạch này thành một đề nghị quan trọng đối với cử tri.

    Phát biểu trên kênh BBC Radio 4, ông Sunak cho hay “Nếu bạn cho rằng việc ngăn chặn các chuyến vượt biển bằng thuyền hơi là quan trọng và cần có biện pháp răn đe để thực hiện … thì tôi là người duy nhất sẽ làm điều đó”. Ông khẳng định đây là lựa chọn của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử.

    Kế hoạch đưa người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda - cho tới nay đã tiêu tốn 240 triệu bảng Anh - được cho là ranh giới quan trọng giữa đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập trong chiến dịch vận động bầu cử kéo dài sáu tuần. Công đảng cam kết hủy bỏ kế hoạch này nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 7 tới.

    Kế hoạch Rwanda đã được cựu Thủ tướng Boris Johnson công bố hơn 2 năm trước khi còn tại nhiệm, song bị trì hoãn do những thách thức pháp lý.

    Tuy nhiên, ông Sunak coi việc thực hiện kế hoạch này là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thủ tướng, cho rằng kế hoạch sẽ ngăn chặn người di cư vượt eo biển Manche đến Anh bằng thuyền hơi.

    Bộ Nội vụ Anh đã bắt đầu bắt giữ nhiều người xin cấp quy chế ti nạn song bị từ chối, và ít nhất 60 người trong số này đã thuê luật sư khiếu kiện và các vụ việc có thể phải đưa lên Tòa án tối cao để giải quyết.

    Theo TTXVN

  • Các tài xế Uber ở London sẽ nhận được khoản tài trợ trị giá 5.000 bảng Anh để giúp họ chuyển sang xe điện (EV) mới hoặc đã qua sử dụng. Đây là một phần của nỗ lực nhằm làm 'trong sạch' London mà hãng xe này đã cam kết. Theo đó, hãng vận tải này dự kiến đón khách hoàn toàn bằng xe điện từ năm 2025.

    uber xe dien
    Uber hỗ trợ cho các tài xế London chuyển sang xe điện. Ảnh: Euronews

    Công ty vận tải đa quốc gia này đã hợp tác với bp Pulse để hỗ trợ người lái xe điện sạc miễn phí. Theo một thông cáo báo chí, tất cả các tài xế Uber EV sẽ đủ điều kiện nhận được 3 tháng sạc miễn phí trị giá 750 bảng Anh và sau đó là mức sạc độc quyền thông qua bp Pulse.

    Andrew Brem, Tổng Giám đốc Uber tại Anh, cho biết, hãng vận tải này có thể dẫn đầu quá trình khử carbon trong giao thông ở châu Âu.

    Khi được hỏi liệu các tài xế ở các thủ đô châu Âu khác có thể sớm được hưởng lợi từ các ưu đãi tương tự hay không, Caspar Nixon, người đứng đầu bộ phận truyền thông doanh nghiệp và sản phẩm của Uber, nói với Euronews: “Chúng tôi đang đầu tư 800 triệu USD trên toàn cầu để giảm chi phí cho các tài xế muốn chuyển sang xe điện”.

    Vào tháng 2 năm ngoái, Uber đã công bố sáng kiến sạc xe điện khẩn cấp trị giá 5 triệu euro nhằm giúp các tài xế ở Pháp giảm phụ phí tài chính liên quan đến sạc điện công cộng nhưng cũng để bù đắp cho việc chính phủ ngừng khoản trợ cấp trị giá 3.000 euro cho tài xế chuyên nghiệp.

    Cách đây 6 năm, Uber đã công bố kế hoạch nhằm biến London trở thành một thành phố trong lành, coi đây là nơi thể hiện những nỗ lực xanh của mình. Giám đốc điều hành Dara Khosrowshahi đã thu hút các quan chức thành phố với cam kết sẽ hoàn toàn chuyển sang xe điện ở London từ năm 2025. Tại một sự kiện về phát triển bền vững vào năm ngoái, ông cho biết Uber cũng đã lên kế hoạch sử dụng hoàn toàn xe điện trên toàn thế giới vào năm 2040.

    daibieunhandan (Theo Euronews)

  • Người dân đóng thuế ở Anh sẽ phải "bao thầu" chi phí y tế cho người nhập cư bị trục xuất đến Rwanda nếu họ được chuyển viện sang nước khác để chữa bệnh.

    Một hợp đồng kí kết giữa chính phủ Rwanda và một công ty bảo hiểm sức khỏe cho thấy những người bị trục xuất đến Rwanda, nếu không may mắc bệnh nặng mà không thể chữa được ở quốc gia châu Phi này, thì sẽ được chuyển viện đến các nước Ấn Độ, Bỉ, hay Thổ Nhĩ Kì để điều trị. Và chi phí sẽ do phía Anh chi trả.

    Việc bệnh nhân được chuyển tới nước nào còn phụ thuộc vào bản chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tình. Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán và điều trị riêng biệt với tiêu chuẩn cao mà Rwanda chưa đáp ứng được.

    Một văn bản do Bộ Nội Vụ công bố vào tuần trước cho thấy các loại hình chăm sóc mà người nhập cư có thể nhận được ở Rwanda. Chất lượng dịch vụ phải tương đương với những gì mà người dân Rwanda bản xứ nhận được, bao gồm các "gói dịch vụ cho gia đình", kính mắt y tế, chăm sóc nha khoa và hỗ trợ thính giác. 

    nha kho xuong di cu
    Hình ảnh một nhà kho ở Dover, bên trong là thuyền nhỏ và động cơ được người nhập cư sử dụng để băng qua eo biển Anh

    Bộ trưởng nhập cư Đảng Lao Động, ông Stephen Kinnock, tin rằng đây tiếp tục là một bằng chứng cho thấy chính sách Rwanda rất bất ổn, và làm tăng thêm chi phí cho một quy trình đã quá sức đắt đỏ. 

    Chi phí cho mỗi người nhập cư có thể là rất lớn. Nếu phải chăm sóc "tận răng" như thế này thì phí tổn cho nước Anh có thể lên tới hàng tỉ bảng. Sự hào phóng của chính quyền Sunak là một nỗ lực nhằm đảm bảo các chuyến bay trục xuất được cất cánh, nhằm ngăn ngừa những người nhập cư viện cớ bệnh tật để không tới Rwanda.

    Vào hôm thứ Bảy vừa rồi đã có 103 người vượt biển tới Anh. Số người tới Anh đã tăng kỉ lục kể từ khi Luật Rwanda được thông qua. Các băng đảng buôn người nhồi nhét ngày càng nhiều người nhập cư lên những chiếc xuồng ọp ẹp. 

    Đó là lý do chính phủ Anh kiên quyết với kế hoạch Rwanda. Cùng lúc đó, tình trạng bạo lực cũng gia tăng trên các bờ biển Pháp. Năm ngoái Pháp đã giúp Anh ngăn chặn 26,000 người lên xuồng. 

    Viethome (theo DailyMail)

  • Một nguồn tin cho hay, chỉ có chưa tới 10 người nhập cư bị trục xuất tới Rwanda trên chuyến bay đầu tiên vì các thách thức pháp lý. 

    Các quan chức của Bộ Nội Vụ lo ngại rằng số người bị trục xuất có thể chỉ là một con số đơn, dù hàng trăm người nhập cư đã bị tạm giam trong vòng 2 tuần qua. 

    Ban đầu Bộ Nội Vụ còn muốn giam giữ tới 5,700 người. Nhưng một nguồn tin nội bộ đã nói với The Times rằng: "Số lượng thách thức pháp lý rất nhiều, chúng tôi cảm thấy tỉ lệ bị trục xuất ngày càng thoái lùi".

    chuyen bay 10 nguoi 1
    Những chuyến bay Rwanda đầu tiên từng bị Tòa án Nhân quyền châu Âu hủy bỏ. Ảnh: PA

    Người nhập cư có thể chống lại quyết định trục xuất nếu họ cung cấp được bằng chứng thuyết phục dựa trên Khoản 2 và 3 của Công ước Nhân quyền châu Âu (ECHR). Các điều khoản này bảo vệ quyền có một cuộc sống và quyền chống lại việc bị tra tấn.

    Chuyến bay đầu tiên dự kiến đi Rwanda vào năm 2022 chỉ có 7 người nhập cư, nhưng vẫn bị các thẩm phán châu Âu chặn trong phút chót. 

    Tuy nhiên, một số nguồn tin chính thức khác từ Bộ Nội Vụ cho thấy số người bị trục xuất trên chuyến bay sắp tới không phải chỉ có 10 người. Người phát ngôn Bộ Nội Vụ nói với The Times: "Nội dung răn đe của kế hoạch Rwanda rất đơn giản và đã cho thấy tính hiệu quả. Nếu bạn đến UK bất hợp pháp, và giờ bạn bị bác đơn xin tị nạn, bạn không được quyền sống ở đây thì bạn phải đi. Đó là điều chúng tôi đã nói rất nhiều lần, nó không mới và cũng không đột ngột".

    "Việc ai đó nói chỉ có 10 người trên chuyến bay đầu tiên là sai, con số đó không phản ánh tiến triển hiện tại của kế hoạch. Việc bắt tạm giam vẫn đang tiếp tục và kế hoạch cất cách sẽ diễn ra vào tháng 7".

    chuyen bay 10 nguoi 1
    Cựu Bộ trưởng Nội vụ, bà Suella Braverman, thăm một địa điểm được xây dựng cho người nhập cư ở Kigali, Rwanda. Ảnh: PA

    Hiện châu Âu cũng đang đối mặt với một thách thức lớn khi hơn một nửa số quốc gia thành viên đòi quyền kiểm soát chính sách biên giới của riêng mình. Một số quốc gia cũng muốn triển khai kế hoạch trục xuất theo phong cách Rwanda. Tiêu biểu là Italy và Cộng hòa Séc.

    Thủ tướng Séc, ông Petr Fiala nói: "Cộng hòa Séc và Italy là hai trong số các quốc gia muốn tìm ra giải pháp thực sự đối với nạn nhập cư bất hợp pháp. Điều mà chúng ta chưa từng làm ở châu Âu".

    Viethome (theo GB News)

  • Những người xin tị nạn không thành công sẽ bị trục xuất trở lại Bangladesh theo một thỏa thuận giữa quốc gia này với Anh, trong bối cảnh người mang quốc tịch Bangladesh bị đánh giá là một trong những trường hợp lạm dụng thị thực nghiêm trọng nhất.

    Năm 2023, gần 11.000 người Bangladesh vào Anh bằng thị thực sinh viên, lao động hoặc du lịch chỉ để nộp đơn xin tị nạn nhằm mục đích ở lại.

    Để ứng phó tình trạng này, Bộ Chống di cư bất hợp pháp Anh đã ký kết một thỏa thuận với Bangladesh, liên quan đến những người không được cấp phép tị nạn và các trường hợp đã hết hạn thị thực.

    Thỏa thuận sẽ hợp lý hóa quy trình trục xuất bằng cách loại bỏ phỏng vấn bắt buộc đối với những trường hợp đã có bằng chứng ủng hộ quyết định trục xuất của nhà chức trách. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình trục xuất sẽ được rút ngắn.

    bangladesh
    Thủ đô Dhaka của Bangladesh

    Bộ trưởng Chống Di cư bất hợp pháp Michael Tomlinson đánh giá, việc đẩy nhanh quy trình trục xuất là một phần quan trọng trong kế hoạch của Anh nhằm ngăn chặn tình trạng cư bất hợp pháp.

    Theo Telegraph, thị thực Anh thường có thời hạn vài tháng nhưng người xin tị nạn có khả năng sẽ ở lại quốc gia này vô thời hạn do Bộ Nội vụ nước này phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc trục xuất, bao gồm cả vấn đề nhân quyền.

    Trong năm tính đến tháng 3-2023, Anh ghi nhận kỷ lục 21.525 đơn xin tị nạn từ những người được cấp thị thực, tương đương mức tăng 154% mỗi năm. Trong thập kỷ qua, hơn 102.000 trường hợp đã nộp đơn xin ở lại sau khi được phép nhập cảnh tạm thời.

    Trong số những quốc gia có số người xin tị nạn ở Anh lớn nhất, Pakistan và Bangladesh dẫn đầu với lần lượt gần 17.400 và 11.000 trường hợp. Tiếp theo là Ấn Độ (7.400), Nigeria (6.600) và Afghanistan (6.000).

    Năm ngoái, 26.000 người không được phép ở Anh đã bị trục xuất về nước, tăng 74% so với năm 2022.

    Những nỗ lực của Bộ Nội vụ Anh nhằm giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp trên toàn quốc đã dẫn đến số vụ bắt giữ tăng hơn gấp đôi. Kế hoạch Rwanda, được Quốc hội Anh thông qua ngày 25-4, sẽ ngăn cản người di cư thực hiện hành trình nguy hiểm qua eo biển Manche và bảo đảm những trường hợp đến quốc gia này theo con đường bất hợp pháp sẽ không thể ở lại.

    Theo Hanoimoi

  • Ngày 15/5, chính phủ Anh ra thông báo khẳng định, người nước ngoài không có quyền cư trú ở nước này sẽ bị trục xuất tới Rwanda trong 7-9 tuần tới.

    Telegraph đưa tin, theo thông báo mới nhất của Bộ Nội vụ Anh, người nước ngoài đến xứ sở sương mù bất hợp pháp từ ngày 1/1/2022 và hồ sơ xin tị nạn không được chấp thuận trước ngày 29/6/2023 cùng với những người xin được bảo vệ vì lý do nhân quyền nhưng hồ sơ bị từ chối và không thể kháng cáo sẽ bị cưỡng chế trục xuất đến Rwanda.

    Những người này sau đó sẽ được chính phủ Anh hỗ trợ xây dựng lại cuộc sống trong tối đa 5 năm, bao gồm hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, việc làm và chỗ ở.

    Thông báo mới cho biết, những người nước ngoài không được cấp quyền tị nạn có thể tự nguyện trở về quê hương hoặc đến Rwanda. Riêng với những người không tự nguyện rời khỏi Anh, họ sẽ bị giam giữ và cưỡng chế trục xuất.

    hinh anh thu do kigali o rwanda
    Hình ảnh thủ đô Kigali ở Rwanda

    Cho đến cuối năm ngoái, Anh đã trả 240 triệu Bảng (304 triệu USD) cho Rwanda để tiếp nhận người xin tị nạn bị từ chối. Tuy nhiên, theo ước tính của Văn phòng Kiểm toán quốc gia Anh, số tiền mà London sẽ phải chi cho quốc gia châu Phi để tiếp nhận người tị nạn đến từ Anh trong 5 năm có thể lên đến 370 triệu Bảng.

    Chính quyền Anh đang quyết tâm thực hiện kế hoạch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda trong bối cảnh số người vượt eo biển Manche đến quốc gia châu Âu này đang không ngừng tăng.

    Từ đầu năm đến ngày 1/5, đã có 8.278 người vượt biển trên những chiếc thuyền nhỏ để vào Anh, nhiều hơn tổng số người vượt biển vào Anh trong cùng kỳ của năm 2023 và 2022.

    Theo Baoquocte

  • Khi Bộ Nội Vụ lần đầu tiên cảnh báo việc đưa người nhập cư vào trại di dân, hầu hết người nhập cư rơi vào trạng thái hoang mang. Họ sợ chẳng biết có nên tiếp tục đi kí hay không.

    Vào tháng 6/2022, Kidus 30 tuổi, người Eritrea, đã đến UK bằng xuồng nhỏ cùng với vài chục người khác. Điện thoại của anh vẫn còn đoạn video quay cảnh tất cả mọi người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, bám chặt vào chiếc xuồng ọp ẹp. Tất cả đều mặc áo cứu hộ màu đỏ giống nhau. 

    Lúc đó, chính phủ Anh đã thông báo kế hoạch đưa người nhập cư tới Rwanda, nhưng Kidus chưa bao giờ nghỉ điều đó lại thành sự thật. Nhưng bây giờ, bản thân anh đã nhận được một lá thư thông báo anh có thể bị đưa vào trại di dân.

    Trước khi anh rời Pháp, một tên buôn người đã trấn an rằng chính phủ Anh chỉ nói suông thôi, kế hoạch Rwanda sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới anh. 

    Nhưng đầu tháng 5, một người bạn đi chung xuồng với anh, đã bị bắt tạm giữ khi đến văn phòng Bộ Nội Vụ ở Liverpool để kí tên như thường lệ. 

    Vì thế, Kidus rất hoang mang liệu anh có nên đi kí hay không, dù rằng việc trình diện Bộ Nội Vụ 2 tuần 1 lần là điều kiện cần để anh được bảo lãnh không phải ở trong trại nhập cư.

    "Nếu tôi không đi kí, họ sẽ bỏ luôn hồ sơ xin tị nạn của tôi. Nhưng nếu tôi đến đó họ có thể bắt tôi. Tôi không biết nên làm gì", anh nói.

    ki hay khong 1
    Kidus sợ sẽ bị trục xuất đến Rwanda.

    Một tài liệu từ Bộ Nội Vụ cho thấy chỉ 2,143 trong tổng số 5,700 người được chỉ định đến Rwanda, là vẫn đi kí tên và có thể xác định được địa chỉ. Nếu những người như Kidus không đi kí nữa, họ sẽ gia nhập vào hội 3,557 người nhập cư mất tích. 

    Căn nhà chung mà Kidus đang sống là do Bộ Nội Vụ trả tiền, địa chỉ là rõ ràng, do đó anh có thể bị bắt bất cứ lúc nào. "Ở đây tôi luôn sợ hãi. Họ có thể đến vào ban ngày hay ban đêm và tôi luôn trong trạng thái họ sẽ ập vào nhà. Tôi không có cảm giác an toàn", anh nói. 

    Kidus đã ngừng đi đến trường học tiếng Anh và anh luôn mang theo số điện thoại của các công ty luật. Bạn anh hiện đang bị giam ở Heathrow, anh từng nói chuyện qua điện thoại với bạn mình.

    Người bạn đó tên Nahom, 26 tuổi, là 1 trong 40 người nhập cư được chỉ định đến Rwanda. "Đó là 1 cơn ác mộng, nơi đây giống như nhà tù. Tôi luôn căng thẳng và hoảng loạn", Nahom nói với phóng viên Sky News qua điện thoại.

    Anh được gặp luật sư nhưng cảm giác tuyệt vọng trong anh vẫn không ngừng tăng lên. "Họ có thể đưa xác tôi đến đó. Tôi đầu hàng rồi", anh nói.

    ki hay khong 1
    Nura cho biết cô vẫn đi đến các cuộc hẹn 2 lần 1 tuần với Bộ Nội Vụ.

    Ở tây London, chúng tôi gặp Nura, ngoài 20 tuổi. Cô gái này vẫn quyết định đi kí tên vì cô không muốn bị đuổi khỏi khách sạn mà Bộ Nội Vụ thuê. Nhưng mỗi khi đi kí cô đều trong trạng thái phập phồng.

    "Đôi khi tôi tự hỏi tại sao lại là tôi", cô nói trong nước mắt, nhìn chăm chăm vào email "notice of intent" do Bộ Nội Vụ gửi. Email này nói rằng cô đang được xem xét đưa đến Rwanda. 

    "Quốc gia đó không an toàn, có khác gì Eritrea đâu? Cũng vậy thôi", cô nói.

    Khi Nura đến Anh bằng xuồng nhỏ, cô tin rằng phụ nữ sẽ không bị đưa đến Rwanda. Cô chắc chắn sẽ không đến Anh nếu biết tương lai lại mịt mù như vậy. 

    Kidus cũng nói tương tự: "Nếu biết thế này tôi đã không đến đây. Tôi thà ở lại Bỉ, Pháp hoặc Đức". 

    Giờ thì họ đã ở đây, hy vọng duy nhất là họ không bị đưa vào trại di dân. Chính phủ Anh vẫn rất kiên quyết tiến hành chuyến bay trục xuất đầu tiên vào tháng 6 hoặc 7. 

    Viethome (theo Sky News)

  • Một số điều khoản của Luật Nhập cư Bất hợp pháp (Illegal Migration Act) sẽ không được áp dụng ở Bắc Ailen.

    Đạo luật nhập cư gây tranh cãi của chính phủ Anh bị cho là trái pháp luật và không được áp dụng ở Bắc Ailen. Một số điều khoản trong luật này cho phép việc trục xuất người xin tị nạn đến Rwanda.

    Một thẩm phán ở Belfast nhận thấy đạo luật Illegal Migration Act làm xói mòn nghĩa vụ bảo vệ quyền con người ở Bắc Ailen theo những cam kết hậu Brexit.

    Thẩm phám Humphreys cũng cho biết một số khía cạnh của đạo luật không tuân thủ Công ước Nhân quyền châu Âu (European Convention on Human Rights (ECHR)).

    Các liên đoàn cảnh báo, nếu chính phủ Anh tiếp tục phớt lờ công ước này thì một biên giới nhập cư có thể được hình thành trên Biển Ailen. 

    toa an belfast high court
    Tòa án Belfast High Court

    Thỏa thuận Windsor Framework kí kết giữa Vương quốc Anh và EU bao gồm một quy định, đó là không được giảm các "quyền" trong Hiệp ước hòa bình Good Friday năm 1998 ở Northern Ireland.

    Vào ngày 13/5/2024 tại Tòa án Belfast High Court, Thẩm phán Humphreys đã ra phán quyết về 2 vụ thách thức pháp lý chống lại Đạo luật Illegal Migration Act. Nội dung tập trung vào việc bảo vệ nhân quyền được đảm bảo bởi Thỏa thuận Windsor Framework. 

    Thẩm phán nhận thấy rằng một số nội dung trong Đạo luật Illegal Migration Act sẽ làm giảm đáng kể quyền của người xin tị nạn ở Bắc Ailen theo Hiệp ước hòa bình Good Friday.

    Vì thế, thẩm phán phán quyết rằng một số điều khoản thuộc Đạo luật Illegal Migration Act (liệt kê trong thánh thức pháp lý) sẽ không được áp dụng ở Bắc Ailen. Ông cũng tuyên bố rằng đạo luật này không tuân thủ ECHR. 

    Trên thực tế, Ủy ban Nhân quyền Bắc Ailen đã xử một vụ việc đáng lưu ý như sau. Một bé trai xin tị nạn 16 tuổi gốc Iran đã đến Anh theo dạng trẻ em không có người lớn đi kèm.

    Em từ Pháp đến Anh bằng xuồng nhỏ và xin tị nạn vào tháng 7/2023 trên cơ sở em sẽ bị giết hoặc bị bỏ tù nếu quay lại Iran. Tòa án Bắc Ailen đã quyết định không làm theo Đạo luật Illegal Migration Act, và đồng ý cấp một chỗ ở tạm thời cho bé trai này trong thời gian chờ đến phiên tòa kế tiếp vào cuối tháng 5. 

    Bên ngoài tòa án, luật sư của bé trai là Sinead Marmion, cho rằng phán quyết này của tòa là cực kì quan trọng, bởi vì nó sẽ giúp ngăn chặn việc triển khai kế hoạch Rwanda ở Bắc Ailen. "Phán quyết này là một vật cản lớn đối với kế hoạch Rwanda của chính phủ ở Bắc Ailen, chúng tôi phát hiện ra rằng các điều khoản về vấn đề Rwanda trong Đạo luật Illegal Migration Act không tuân thủ Thỏa thuận Windsor Framework. 

    Lãnh đạo lâm thời của Đảng Liên minh Dân chủ, ông Gavin Robinson, kêu gọi chính phủ không nên tạo tiền đề cho việc hình thành "biên giới nhập cư" trên biển Ailen, khi mà luật áp dụng ở Bắc Ailen lại khác với luật áp dụng ở phần còn lại của Vương quốc Anh.

    Ông Robinson nói rằng đảng của ông đã liên tục cảnh báo đạo luật nhập cư mới không tuân thủ Thỏa thuận Windsor Framework ở Bắc Ailen. Và nếu chính sách Rwanda không được áp dụng ở Bắc Ailen, thì người nhập cư sẽ ồ ạt đổ về đây để tránh bị trục xuất. Từ lúc dự luật Safety of Rwanda Bill được thảo luận ở Quốc hội, phía Bắc Ailen đã yêu cầu các nghị sĩ phải đảm bảo rằng luật này được triển khai như nhau trên khắp cả nước, nhưng họ đã không làm được. Và hậu quả ngay tại thời điểm này cho thấy, Bắc Ailen có thể sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút người nhập cư.

    Trong khi đó lãnh đạo Đảng đối lập Traditional Unionist Voice lại cho rằng việc áp dụng luật nhập cư ở Bắc Ailen sẽ không bị chi phối bởi các thỏa thuận hậu Brexit với Brussels. Việc Bắc Ailen khăng khăng không áp dụng luật Illegal Migration Act càng chứng tỏ địa phương này muốn tiếp tục làm thuộc địa cho châu Âu, thay vì đồng hành cùng London. 

    Viethome (theo ITV News)

  • Thông tin từ tòa án cho thấy những chuyến bay đầu tiên có thể cất cánh vào ngày 24/6 thay vì tháng 7.

    Một tài liệu tòa án mà Guardian được xem chỉ ra rằng, những chuyến bay trục xuất đến Rwanda có thể cất cánh sớm nhất là vào ngày 24/6 tới. 

    Các nguồn tin từ chính phủ từng tuyên bố rằng những chuyến bay đầu tiên có thể cất cánh vào tháng 7, nhưng một phán quyết của tòa án được công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước đã làm lộ rằng thời điểm cất cánh mà chính phủ đang nói tới thực tế là tháng 6.

    Thay đổi này đã được Thẩm phán Chamberlain tiết lộ trước tòa. Ông này đang xử một vụ kiện thánh thức pháp lý với nguyên đơn là Liên đoàn FDA kiện chính phủ tội vi phạm luật nhân quyền quốc tế.

    Hồi tháng 5, các luật sư của chính phủ đã nói trước tòa rằng "chuyến bay sớm nhất được dự kiến cất cánh từ ngày 1 - 15/7. Nhưng mới đây, các luật sư đã đính chính thông tin này và nói rằng: "Trong buổi họp báo của Thủ tướng diễn ra vào ngày 22/4, ông ấy nói chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh trong 10-12 tuần tới. Tuần thứ 10 sau ngày 22/4 rơi vào ngày 24/6. Đó là ngày sớm nhất có thể, và ngày chính xác sẽ được quyết định dựa vào tiến trình thực thi kế hoạch Rwanda".

    Trong vòng 12 ngày qua, hàng trăm người đã bị bắt đưa vào trại di dân. Dựa vào thời gian bay gấp gáp, cho thấy các bộ trưởng muốn tránh bị thách thức pháp lý, cũng không muốn bị những người biểu tình chặn giao thông, chặn sân bay. 

    chuyen bay thang 6
    Những người phản đối kế hoạch Rwanda biểu tình gần cổng số 10 Downing Street. Ảnh: Benjamin Cremel/AFP/Getty Images

    Bộ Nội Vụ chủ yếu nhắm vào nam giới không gia đình để dễ bề trục xuất

    Những người đàn ông nhập cư không gia đình sẽ là mục tiêu cho các chuyến bay đầu tiên đến Rwanda. Mục đích của Bộ Nội Vụ là nhằm hạn chế hết sức khả năng xảy ra thách thức pháp lý. 

    Hơn 100 người đã bị đưa đến các trại di dân chờ trục xuất. Bộ Nội Vụ ưu tiên chọn nam giới, không gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, không có ràng buộc gia đình ở Anh. 

    Chính phủ hy vọng những người này sẽ thất bại nếu họ kháng cáo dựa trên cơ cở Công ước Nhân quyền châu Âu. Nhưng các bộ trưởng tin rằng, dù họ có kháng cáo thì các chuyến bay vẫn sẽ diễn ra. 

    Một nguồn tin chính phủ nói với Daily Mail: "Bộ Nội Vụ vô cùng tàn nhẫn trong việc chọn nhóm người đầu tiên cho đợt trục xuất. Nam giới, sức khỏe ổn định, không bệnh tâm thần, không gia đình... những người này hoàn toàn rất khó cãi rằng việc đến Rwanda sẽ khiến họ bị chia cắt với gia đình. Cho dù có ai đó kháng cáo thì các công ty luật cũng không thể ngăn cản chuyến bay trục xuất".

    Người nhập cư phải cung cấp được bằng chứng thuyết phục rằng họ sẽ "bị tổn hại nghiêm trọng và không thể phục hồi" nếu bị trục xuất đến Rwanda.

    Viethome (theo Guardian)

  • Vào ngày 1/5/2024, một người xin tị nạn thất bại ở UK đã tự nguyện lên chuyến bay đi Rwanda. Anh này không bị trục xuất, mà anh đi Rwanda theo chính sách trao trả tự nguyện "assisted voluntary returns".

    Chính sách này ra đời vào năm 1999 và đã có hàng chục ngàn người tự nguyện rời khỏi UK theo cách này khi họ không được cấp visa ở lại. Những người này sẽ được tặng tiền hỗ trợ trước khi rời khỏi UK. Khoản tiền 3,000 bảng này nằm trong một chiếc thẻ thanh toán và họ chỉ có thể sử dụng ở đất nước mà họ sẽ tới/quay về.

    Nếu nhận số tiền này, đồng nghĩa người nhập cư chỉ được phép quay trở lại Anh và tái xin tị nạn sau 5 năm. Những ai tự nguyện rời khỏi UK mà không lấy tiền thì sẽ được quay trở lại sau 2 năm.

    Assisted Voluntary Returns
    Sau 2 - 5 năm, bạn có thể quay trở lại Anh.

    Sự khác biệt giữa tự nguyện và bị ép buộc

    Chính sách tự nguyện

    - Người xin tị nạn chỉ được cấp hỗ trợ tài chính nếu họ tự nguyện rời khỏi UK. 

    - Họ sẽ được cho 3,000 bảng nếu đi tới một nước "đang phát triển". Hỗ trợ này được cấp cho người có vấn đề y tế, nạn nhân nô lệ hiện đại, người vô gia cư, người dưới 18 tuổi và đi một mình, hoặc gia đình đi chung với nhau...

    - Nếu họ được cấp tiền hoặc chuyến bay của họ được chính phủ Anh trả tiền, thì họ có thể quay trở lại UK sau 5 năm.

    - Nếu quốc gia bạn tới không thuộc diện nước đang phát triển, thì bạn sẽ hiếm khi được cấp hỗ trợ tài chính. Nhưng kể cả như vậy, bạn vẫn có thể nộp đơn xin £1,500 nếu có lý do chính đáng. Kể cả khi đó là quốc gia thuộc khối EEA hay các nước bị gạch tên khỏi chính sách "assisted returns scheme", thì bạn vẫn có thể nộp hồ sơ xin đến đó và xin tiền.

    - Nếu bạn nhận tiền để tự nguyện rời khỏi UK, thì sau này khi quay lại UK (và lại tình nguyện rời đi) bạn sẽ không được nhận khoản hỗ trợ tài chính này nữa, nhưng chính phủ Anh vẫn sẽ trả tiền vé máy bay và các chi phí khác.

    Bị buộc trục xuất

    - Người bị buộc trục xuất thường là các đối tượng phạm tội, đối tượng lừa đảo hoặc người ở quá hạn visa.

    - Bạn sẽ không được hỗ trợ tài chính.

    - Chỉ được quay trở lại UK sau 10 năm, và phải nộp hồ sơ cho Bộ Nội Vụ để xét duyệt visa.

    - Lệnh cấm quay trở lại UK có thể được dở bỏ nếu bạn bị tù dưới 4 năm, hay bạn kháng cáo thành công theo Điều 8 Công ước Nhân quyền châu Âu. Điều này nói rằng một người "có quyền được tôn trọng cuộc sống riêng, cuộc sống gia đình, mái ấm gia đình và thư tín".

    - Chính phủ Anh thường phải chi ra 150,000 bảng để trục xuất 1 người.

    Phóng viên Yahoo News đã trao đổi với Bộ Nội Vụ, và được xác nhận rằng chính sách trao trả tự nguyện "assisted voluntary returns" cũng sẽ được áp dụng trong trường hợp tự nguyện đến Rwanda. 

    Tìm hiểu thêm tại đây https://www.gov.uk/return-home-voluntarily

    Viethome (theo Yahoo News)

  • tuyet thuc cho truc xuat
    Những tấm áp phích thể hiện sự ủng hộ đối với người xin tị nạn. Ảnh: Cal Ford/Zuma/RexShutterstock

    Những người tị nạn đã tổ chức biểu tình và tuyệt thực trong các trại di dân chờ trục xuất. Guardian cho biết những hoạt động này ngày càng gia tăng. 

    Khoảng 55 người nhập cư, bao gồm người Afghanistan, Iran và Kurd, đã tổ chức biểu tình hòa bình trong 10 tiếng tại sân chơi thể thao ở Trại di dân Brook House. Trại này nằm gần sân bay Gatwick. Hoạt động biểu tình diễn ra từ 6h chiều thứ Ba đến 4h sáng thứ Tư. 

    Những người này từ chối quay trở lại phòng, họ sợ bị đưa đến Rwanda và không hiểu tại sao Bộ Nội Vụ lại chọn họ. "Những ai nhận được thông báo đi Rwanda đều cảm thấy sợ hãi. Chúng tôi liên tục hỏi Bộ Nội Vụ tại sao lại là chúng tôi, nhưng họ không có câu trả lời", một người tham gia biểu tình cho biết.

    "Bộ Nội Vụ bảo chúng tôi nói chuyện với luật sư hoặc đến gặp chuyên viên xử lý hồ sơ, nhưng chúng tôi vẫn không nhận được câu trả lời. Họ đùn đẩy trách nhiệm, đá chúng tôi như những quả bóng. Chúng tôi tổ chức biểu tình vì sợ hãi, vì mong muốn câu trả lời".

    Khoảng 30% người tham gia biểu tình là người Afghanistan. "Tại sao Bộ Nội Vụ lại gửi người Afghan đến Rwanda? Rất nhiều người Afghan chúng tôi đã giúp đỡ người Anh khi họ ở Afghanistan. Tôi không hiểu vì sao chuyện này lại xảy đến với chúng tôi", người này nói. 

    Mọi người trong trại di dân đều rất căng thẳng, họ không thể ăn hay ngủ. "Tôi đã ở đây suốt 8 ngày và không hề nhận được sự giúp đỡ từ bác sĩ hay nhân viên Bộ. Cứ vài phút tôi lại nghe tiếng máy bay cất cánh ở Gatwick và tôi nghĩ đến bản thân mình", người này nói.

    Các tổ chức phi chính phủ và luật sư cho biết họ đã nhận được báo cáo về việc hàng chục người ở Trại di dân Colnbrook gần Heathrow đồng loạt tuyệt thực.

    Những sắc tộc tại trại di dân này bao gồm người Afghan, Iran, Kurd, Syria, Eritrea, Ai Cập, Sudan, Turk và Bidoon (một chủng tộc vô chính phủ ở Kuwait).

    Anna Pincus, giám đốc quỹ từ thiện Gatwick Detainees Welfare Group, cho biết về tình hình ở Brook House: “Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe của những người bị đe dọa trục xuất đến Rwanda. Họ hoảng loạn tột độ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đến thăm và hỗ trợ họ nhưng chúng tôi vẫn rất lo lắng cho sức khỏe của họ". 

    Viethome (theo Guardian)

  • Những người đàn ông nhập cư không gia đình sẽ là mục tiêu cho các chuyến bay đầu tiên đến Rwanda. Mục đích của Bộ Nội Vụ là nhằm hạn chế hết sức khả năng xảy ra thách thức pháp lý. 

    Hơn 100 người đã bị đưa đến các trại di dân chờ trục xuất. Bộ Nội Vụ ưu tiên chọn nam giới, không gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, không có ràng buộc gia đình ở Anh. 

    Chính phủ hy vọng những người này sẽ thất bại nếu họ kháng cáo dựa trên cơ cở Công ước Nhân quyền châu Âu. Nhưng các bộ trưởng tin rằng, dù họ có kháng cáo thì các chuyến bay vẫn sẽ diễn ra. 

    Một nguồn tin chính phủ nói với Daily Mail: "Bộ Nội Vụ vô cùng tàn nhẫn trong việc chọn nhóm người đầu tiên cho đợt trục xuất. Nam giới, sức khỏe ổn định, không bệnh tâm thần, không gia đình... những người này hoàn toàn rất khó cãi rằng việc đến Rwanda sẽ khiến họ bị chia cắt với gia đình. Cho dù có ai đó kháng cáo thì các công ty luật cũng không thể ngăn cản chuyến bay trục xuất".

    Người nhập cư phải cung cấp được bằng chứng thuyết phục rằng họ sẽ "bị tổn hại nghiêm trọng và không thể phục hồi" nếu bị trục xuất đến Rwanda.

    chuyen bay truc xuat cc
    Một chuyến bay trục xuất tại Sân bay quân sự Boscombe Down Air Base vào năm 2022.

    "Tôi sắp được chuyển đến Rwanda. Điều đó có ý nghĩa gì đối với tôi?"

    Sau khi bị bắt đến trại di dân chờ trục xuất, những người nhập cư được đưa cho 1 cuốn cẩm nang dày 8 trang bao gồm một bản đồ châu Phi, hình ảnh thủ đô Kigali của Rwanda, các thống kê về đất nước này, một danh sách các quyền lợi y tế và pháp lý, hình ảnh nơi lưu trú.

    Cuốn cẩm nang có tựa đề 'I'm being relocated to Rwanda. What does this mean for me?', được trao cho hơn 100 người xin tị nạn trong trại giam giữ. 

    Cuốn cảm nang in hình bản đồ châu Phi và mô tả về vị trí của Rwanda. Bên trong mô tả sự an toàn của đất nước này, các kỉ lục về thành tích hỗ trợ người xin tị nạn, đồng thời trấn an rằng hồ sơ xin tị nạn sẽ được xử lý tuân theo hướng dẫn của Công ước Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc, luật quốc gia Rwanda và luật quốc tế. Nếu không tin rằng Rwanda là quốc gia an toàn, người xin tị nạn phải báo ngay với Bộ Nội Vụ. 

    Cuốn cẩm nang được viết theo phong cách quảng cáo du lịch, mô tả phong cảnh đẹp của quốc gia châu Phi, ca ngợi sự đa dạng sinh học và động vật hoang dã, cuối cùng kết luận đây là nơi thân thiện với du khách.

    Cẩm nang cho biết người nhập cư sẽ được ăn, ở, chăm sóc y tế miễn phí. Ngoài ra bạn còn được hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng, bao gồm việc tìm hiểu các luật của Rwanda.

    Cuốn cẩm nang cũng giải thích người nhập cư sẽ được hỗ trợ như thế nào nếu muốn hồi hương. Hồi hương là quyết định tự nguyện của người xin tị nạn, không ai được ép buộc.

    Mỗi người nhập cư sẽ được cho 30 phút để trao đổi với một chuyên viên xử lý hồ sơ của Bộ Nội Vụ, để giải thích vì sao họ xin tị nạn tại UK. Sau buổi gặp, người chuyên viên này sẽ phải đưa ra quyết định về từng hồ sơ. 

    Người xin tị nạn sẽ có 8 ngày để gửi đơn kháng cáo và cung cấp lý do pháp lý vì sao họ không thể bị trục xuất đến Rwanda. Sau khi nhận đơn, Bộ Nội Vụ phải phản hồi trong vòng 2 ngày. 

    Để chống lại lệnh trục xuất, người xin tị nạn có thể nhờ luật sư khởi kiện. Việc khởi kiện phải diễn ra trong vòng 23 ngày. Tòa án Upper Tribunal hoặc tòa High Court sẽ xử. 

    Nếu thách thức pháp lý không thành công, người xin tị nạn có thể tiếp tục kiện ra Tòa án Nhân quyền châu Âu ở Strasbourg. Đây là bước cuối cùng trong quy trình pháp lý. 

    Các tổ chức từ thiện hiện đang tiến hành thu thập ý kiến từ người nhập cư, nhờ họ điền các khảo sát về những chuyện đã xảy ra, đây sẽ là một phần tài liệu được sử dụng để chống lại Bộ Nội Vụ. 

    Dù bị đe dọa, Bộ Nội Vụ vẫn tin rằng sẽ không có thách thức pháp lý nào thành công, bởi vì Bộ đã chọn những ca khó bào chữa nhất để trục xuất. 

    Viethome (theo DailyMail)

  • Tổng thống Rwanda nói là không. "Tôi nghe người ta bảo chính phủ Anh trả chúng tôi tiền để vứt người sang đây. Không, chúng tôi không làm điều đó. Chúng tôi không liên quan tới việc mua bán người. Chúng tôi có giá trị cốt lõi của riêng mình", ông này nói. 

    Vậy tại sao một quốc gia có dân số dày đặc như Rwanda lại muốn nhận "tất cả người tị nạn" mà nước Anh muốn gửi tới?

    Rwanda nằm trong Vùng Hồ Lớn (Great Lakes) ở châu Phi. Quốc gia này hoàn toàn nằm trong đất liền với dân số hơn 13 triệu người, và là một trong những nước có mật độ dân số lớn nhất thế giới.

    Những năm gần đây Rwanda ghi nhận những tiến bộ đáng kể trong việc tái xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế kể từ sau nạn diệt chủng năm 1994. Nhưng nơi đây vẫn nằm trong số những đất nước kém phát triển nhất thế giới. Nghèo đói là một vấn nạn lớn. 

    Chính phủ Rwanda bị cáo buộc là bất đồng chính kiến, kiểm soát truyền thông, phe phái đối lập, hỗ trợ các nhóm nổi loạn ở Cộng hòa Congo. 

    Trong các trại giam giữ chính thức và không chính thức, thường xuyên xảy ra tình trạng đối xử tệ bạc, tra tấn, giam cầm tùy tiện. Các tiêu chuẩn xét xử công bằng thường xuyên bị xem nhẹ trong những trường hợp được coi là nhạy cảm.

    Đã có những báo cáo về hiện tượng giam cầm tùy tiện và ngược đãi những người bị cáo buộc là "có hành vi lệch lạc", bao gồm cả những trẻ em đường phố, gái bán d.âm và những người buôn bán nhỏ lẻ.

    Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã nhấn mạnh rằng chính phủ Rwanda liên tục tăng áp lực lên người tị nạn. "Những người lên tiếng phê bình chính phủ sẽ bị đe dọa và quấy nhiễu. Human Rights Watch ghi nhận có những người tị nạn và xin tị nạn ở Rwanda đã biến mất, xuất hiện trở lại hoặc bị giết".

    Tòa án Tối cao Anh cũng từng nêu rằng Rwanda có luật nhân quyền yếu kém và người tị nạn có nguy cơ bị ngược đãi.

    Tính tới tháng 9/2023, có khoảng 135,000 người tị nạn và xin tị nạn được đăng ký tại quốc gia này. Phần lớn là được đưa từ Congo và Burundi tới đây. Khoảng 90% người tị nạn sống trong 5 trại tập trung lớn khắp đất nước. 80% dân số tị nạn có hoàn cảnh lay lắt và phụ thuộc hoàn toàn vào hỗ trợ nhân đạo (theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn).

    trai ti nan mahama o rwanda
    Trại tị nạn Mahama ở Rwanda.

    Thay vì tập trung giải quyết những vấn đề trong nước và nâng cao cuộc sống cho người dân, chính phủ Rwanda lại đồng ý mở cửa biên giới để đón nhận hơn 50,000 tị nạn trong những năm tới.  

    "Cho dù là bao nhiêu người tới đây vào ngày mai hay ngày kia...chúng tôi đều có thể tiếp nhận hết", phó phát ngôn viên chính phủ Rwanda nói với Reuters.

    Nhiều người cho rằng chính sách tị nạn chính là "con bò sữa" cứu cánh cho Rwanda. Nước Anh đã đồng ý sẽ cung cấp tiền cho Rwanda phát triển hạ tầng và kinh tế, đồng thời sẽ chi tiền để hỗ trợ chi phí sống và hòa nhập cho từng người tị nạn. 

    Nước Anh cũng đã trả 220 triệu bảng cho Rwanda, chi phí tổng sẽ lên tới 600 triệu bảng cho 300 người tị nạn đầu tiên đến đây. 

    Dù vấp phải nhiều chỉ trích, tổng thống Rwanda, ông Paul Kagame, vẫn duy trì quyết định trở thành một phần trong kế hoạch định cư của Anh. Người ta cho rằng việc này sẽ khiến nền kinh tế đi xuống, và Rwanda giống một quốc gia buôn người. Nhưng ông Kagame khẳng định ông đang tạo ra một cơ hội sống tốt đẹp hơn. Ông cho rằng mình đang thực hiện nghĩa vụ quốc tế, góp phần giải quyết 1 trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất thế giới. 

    Phát ngôn viên chính phủ nói rằng số tiền từ UK sẽ được dùng để đầu tư vào xã hội, giúp tạo ra việc làm, cải thiện dịch vụ công, nâng cao hạ tầng cơ sở...

    Các chuyên gia tin rằng thỏa thuận giữa Rwanda và Anh là một nỗ lực của đất nước này nhằm trở thành một đồng minh của phương Tây. "Tôi nghe người ta bảo chính phủ Anh trả chúng tôi tiền để vứt người sang đây. Không, chúng tôi không làm điều đó. Chúng tôi không liên quan tới việc mua bán người. Chúng tôi có giá trị cốt lõi của riêng mình", tổng thống Rwanda nói.

    Viethome (theo thehindu)

  • Bằng chứng cho thấy một thỏa thuận trao trả người nhập cư đã được yêu cầu "triển khai lặng lẽ" và "không công bố".

    Điều tra của Sky News cho thấy, chính phủ Anh từng xem xét Iraq là nơi để tổ chức xử lý hồ sơ tị nạn theo phong cách Rwanda. Người nhập cư ở UK có thể bị trục xuất tới quốc gia mà chính phủ Anh đã khuyên du khách là không được đi tới đó.

    Hai quốc gia đã đồng ý một thỏa thuận trao trả, nhưng chỉ áp dụng cho những người nhập cư từ Iraq. Theo thông tin rò rỉ từ các đoạn đối thoại giữa những quan chức cấp cao, thỏa thuận Iraq được hai quốc gia yêu cầu triển khai lặng lẽ và không công bố. 

    Hiện tại trên website của Văn phòng Bộ Ngoại Giao chỉ ghi rằng người dân không nên đi du lịch tới bất kì nơi nào ở Iraq. Tuy nhiên, thỏa thuận trao trả người nhập cư về Iraq thực tế vẫn đang được triển khai. 

    thanh pho basra iraq
    Thành phố Basra ở miền nam Iraq. Ảnh: AP

    Ngoài ra, chính phủ Anh còn làm việc với Đại sứ quán Iran để tiến tới các thỏa thuận trao trả người nhập cư, cũng như tổ chức đưa người xin tị nạn đến đây. 

    Các quốc gia châu Phi như Eritrea và Ethiopia cũng đang được Bộ Nội Vụ thương thảo. Đây đều là những quốc gia có lượng người nhập cư bất hợp pháp đến Anh khá cao. 

    Thậm chí Anh còn kí thỏa thuận với chính phủ Úc về việc đưa người nhập cư tới đây. Vấn đề nhập cư ở Úc không quá nghiêm trọng như ở Anh, nhưng chính phủ Anh cũng đã tốn hàng tỉ đô-la Úc để các thỏa thuận trục xuất này có thể được tiến hành đầy đủ. 

    Viethome (theo Sky News)

  • Đảng Lao Động sẽ cho phép hàng ngàn người nhập cư bằng xuồng nhỏ xin tị nạn tại Anh, nếu đảng này lên nắm quyền. 

    Đảng này nói rằng họ sẽ xem xét hồ sơ của tất cả những người cập bến Anh bất hợp pháp từ tháng 3/2023. Tuyên bố này của Đảng Lao Động chính là trận chiến sống còn của cuộc bầu cử năm nay, khi mà đảng này thề rằng họ sẽ xô ngã Luật Nhập cư Bất hợp pháp hiện tại. Luật này cấm người nhập cư bất hợp pháp quyền xin tị nạn.

    Tuy nhiên, để đủ sức thuyết phục thì Đảng Lao Động cần có một chính sách răn đe đủ cứng rắn để thay thế chính sách Rwanda. Đảng này cho rằng Rwanda là một chính sách không đáng tin và lãnh đạo đảng này là Sir Keir Stearmer nói rằng ông sẽ không đổ công sức vào một thứ không có kết quả.

    lanh dao dang lao dong
    Lãnh đạo Đảng Lao Động, Sir Keir Starmer. 

    Đảng Lao Động sẽ tập trung vào việc giải quyết núi hồ sơ xin tị nạn tồn đọng, bao gồm thành lập một đơn vị mới gồm 1,000 nhân viên chuyên xử lý hồ sơ, nhằm mục đích nhanh chóng đưa người bị bác đơn tới một quốc gia khác an toàn. 

    Một nguồn tin của Đảng Lao Động nói với The Times: "Cách duy nhất để cứu vớt hệ thống tị nạn là xử lý nhanh núi hồ sơ tồn đọng, loại bỏ những người không được quyền ở lại UK, cứu giúp những người đã chạy trốn áp bức để tới UK, tạo điều kiện cho họ làm lại cuộc đời và đóng góp cho nền kinh tế - xã hội". 

    Đảng Lao Động đã luôn phản đối chính sách Rwanda, nhưng một số nhân vật cấp cao của đảng này lại tỏ ra lo lắng rằng những đề xuất của chính họ có thể bị vạch trần nếu chính sách này tỏ ra là một biện pháp răn đe hiệu quả. 

    Một nghị sĩ của Đảng Lao Động nói với DailyMail: "Tôi không nghĩ Rwanda là một chính sách hiệu quả, tốt hơn hết là chúng ta nên có những thỏa thuận trao trả người nhập cư về các nước châu Âu. Nhưng chúng tôi cũng chẳng bao giờ đạt được những thỏa thuận đó".

    "Bạn không thể giải quyết được vấn đề chỉ bằng cách xử lý đám buôn người, bạn cần phải có biện pháp để răn đe những người muốn tới Anh. Và trong tư tưởng của chúng tôi, Rwanda thật ra đúng là một cách răn đe hiệu quả". 

    Một nhân vật cấp cao khác của Đảng Lao Động cho rằng vẫn nên giữ nguyên kế hoạch Rwanda cho đến khi đảng này thương lượng được những thỏa thuận trao trả người nhập cư với các quốc gia khác. "Chúng ta không thể cứ nhào vào phá nát kế hoạch này mà không có gì thay thế", người này nói. 

    Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Lao Động là Sir Keir Starmer lại cương quyết khẳng định ông sẽ xóa bỏ hoàn toàn kế hoạch Rwanda "dù nó có tỏ ra hiệu quả". 

    Ông này nói: "Tôi không tin vào kế hoạch này. Chúng tôi có kế hoạch riêng của mình. Chúng tôi sẽ dập tắt các đường dây buôn người, kết hợp với lực lượng biên phòng để đảm bảo người nhập cư từ bỏ ý định lên xuồng ngay từ đầu".

    Viethome (theo DailyMail)

  • Những người xin tị nạn đã được Bộ Nội Vụ cấp một cuốn cẩm nang với tiêu đề "Tôi sắp được chuyển đến Rwanda. Điều đó có ý nghĩa gì đối với tôi?". Cuốn cẩm nang này mô tả Rwanda là một đất nước an ninh - an toàn.

    Hơn 100 nam nữ ở miền nam England đã bị đưa đến trại giam chờ trục xuất. Khi tới nơi, họ được đưa cho 1 cuốn cẩm nang dày 8 trang bao gồm một bản đồ châu Phi, hình ảnh thủ đô Kigali của Rwanda, các thống kê về đất nước này, một danh sách các quyền lợi y tế và pháp lý, hình ảnh nơi lưu trú.

    Dù Rwanda nghe có vẻ rất triển vọng, nhưng hơn 20 người xin tị nạn đã yêu cầu luật sư tiến hành các thách thức pháp lý để chống lại lệnh trục xuất. 

    hon 100 nguoi toi rwanda 1
    Cuốn cẩm nang về Rwanda.

    hon 100 nguoi toi rwanda 1
    Cuốn cẩm nang khẳng định Rwanda là quốc gia an toàn.

    hon 100 nguoi toi rwanda 1
    Người xin tị nạn sẽ ở tại một khách sạn giá £19/đêm tại thủ đô Kigali. Ở đây có sân bóng và phòng cầu nguyện.

    Cuốn cẩm nang có tựa đề 'I'm being relocated to Rwanda. What does this mean for me?', được trao cho hơn 100 người xin tị nạn trong trại giam giữ. 

    Khoảng 50 nam giới đang bị giam ở trung tâm di dân Colnbrook tại sân bay Heathrow. Những người khác bị đưa đến Brook House ở sân bay Gatwick. Một số phụ nữ bị giam giữ ở Yarl's Wood ở Bedfordshire.

    Cuốn cảm nang in hình bản đồ châu Phi và mô tả về vị trí của Rwanda. Bên trong mô tả sự an toàn của đất nước này, các kỉ lục về thành tích hỗ trợ người xin tị nạn, đồng thời trấn an rằng hồ sơ xin tị nạn sẽ được xử lý tuân theo hướng dẫn của Công ước Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc, luật quốc gia Rwanda và luật quốc tế. Nếu không tin rằng Rwanda là quốc gia an toàn, người xin tị nạn phải báo ngay với Bộ Nội Vụ. 

    Cuốn cẩm nang được viết theo phong cách quảng cáo du lịch, mô tả phong cảnh đẹp của quốc gia châu Phi, ca ngợi sự đa dạng sinh học và động vật hoang dã, cuối cùng kết luận đây là nơi thân thiện với du khách.

    Cẩm nang cho biết người nhập cư sẽ được ăn, ở, chăm sóc y tế miễn phí. Ngoài ra bạn còn được hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng, bao gồm việc tìm hiểu các luật của Rwanda.

    hon 100 nguoi toi rwanda 1
    Hope Hostel ở quận Nyabugogo (thủ đô Kigali) là nơi lưu trú của người xin tị nạn. 

    hon 100 nguoi toi rwanda 1
    Nơi đây có 50 phòng với sức chứa 100 khách, phòng tắm và nhà vệ sinh chung.

    Cuốn cẩm nang cũng giải thích người nhập cư sẽ được hỗ trợ như thế nào nếu muốn hồi hương. Hồi hương là quyết định tự nguyện của người xin tị nạn, không ai được ép buộc.

    Mỗi người nhập cư sẽ được cho 30 phút để trao đổi với một chuyên viên xử lý hồ sơ của Bộ Nội Vụ, để giải thích vì sao họ xin tị nạn tại UK. Sau buổi gặp, người chuyên viên này sẽ phải đưa ra quyết định về từng hồ sơ. 

    Người xin tị nạn sẽ có 8 ngày để gửi đơn kháng cáo và cung cấp lý do pháp lý vì sao họ không thể bị trục xuất đến Rwanda. Sau khi nhận đơn, Bộ Nội Vụ phải phản hồi trong vòng 2 ngày. 

    Để chống lại lệnh trục xuất, người xin tị nạn có thể nhờ luật sư khởi kiện. Việc khởi kiện phải diễn ra trong vòng 23 ngày. Tòa án Upper Tribunal hoặc tòa High Court sẽ xử. 

    Nếu thách thức pháp lý không thành công, người xin tị nạn có thể tiếp tục kiện ra Tòa án Nhân quyền châu Âu ở Strasbourg. Đây là bước cuối cùng trong quy trình pháp lý. Vào tháng 6/2022, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã ra phán quyết hủy tất cả các chuyến bay đi Rwanda cho đến khi các tòa án ở Anh đưa ra quyết định về chính sách trục xuất này.

    hon 100 nguoi toi rwanda 1
    Khách sạn Hope Hostel đang lên kế hoạch xây thêm vài tòa nhà để tăng số phòng lên 150, đủ chỗ ở cho 300 người.

    Tổ chức từ thiện vì người tị nạn Asylum Aid đang chuẩn bị thủ tục pháp lý để kiện Bộ Nội Vụ và các nghị sĩ. Công đoàn FDA đại diện cho giới công chức cũng đã kiện chính phủ ra tòa. Lý do kiện là vì các nhân viên Bộ Nội Vụ buộc phải đưa ra các quyết định về hồ sợ của người tị nạn, điều này có thể trái với đạo đức nghề nghiệp của họ.

    hon 100 nguoi toi rwanda 1
    Trung tâm di dân ở Heathrow nơi 50 nam giới đang bị giam chờ trục xuất.

    hon 100 nguoi toi rwanda 1
    Chiếc xe khách chở người xin tị nạn bị những người biểu tình chặn ở south London.

    Các tổ chức từ thiện hiện đang tiến hành thu thập ý kiến từ người nhập cư, nhờ họ điền các khảo sát về những chuyện đã xảy ra, đây sẽ là một phần tài liệu được sử dụng để chống lại Bộ Nội Vụ. 

    Dù bị đe dọa, Bộ Nội Vụ vẫn tin rằng sẽ không có thách thức pháp lý nào thành công, bởi vì Bộ đã chọn những ca khó bào chữa nhất để trục xuất. 

    Viethome (theo DailyMail)