Người nhập cư lựa chọn giữa việc tiếp tục đi kí hay đi trốn

Khi Bộ Nội Vụ lần đầu tiên cảnh báo việc đưa người nhập cư vào trại di dân, hầu hết người nhập cư rơi vào trạng thái hoang mang. Họ sợ chẳng biết có nên tiếp tục đi kí hay không.

Vào tháng 6/2022, Kidus 30 tuổi, người Eritrea, đã đến UK bằng xuồng nhỏ cùng với vài chục người khác. Điện thoại của anh vẫn còn đoạn video quay cảnh tất cả mọi người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, bám chặt vào chiếc xuồng ọp ẹp. Tất cả đều mặc áo cứu hộ màu đỏ giống nhau. 

Lúc đó, chính phủ Anh đã thông báo kế hoạch đưa người nhập cư tới Rwanda, nhưng Kidus chưa bao giờ nghỉ điều đó lại thành sự thật. Nhưng bây giờ, bản thân anh đã nhận được một lá thư thông báo anh có thể bị đưa vào trại di dân.

Trước khi anh rời Pháp, một tên buôn người đã trấn an rằng chính phủ Anh chỉ nói suông thôi, kế hoạch Rwanda sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới anh. 

Nhưng đầu tháng 5, một người bạn đi chung xuồng với anh, đã bị bắt tạm giữ khi đến văn phòng Bộ Nội Vụ ở Liverpool để kí tên như thường lệ. 

Vì thế, Kidus rất hoang mang liệu anh có nên đi kí hay không, dù rằng việc trình diện Bộ Nội Vụ 2 tuần 1 lần là điều kiện cần để anh được bảo lãnh không phải ở trong trại nhập cư.

"Nếu tôi không đi kí, họ sẽ bỏ luôn hồ sơ xin tị nạn của tôi. Nhưng nếu tôi đến đó họ có thể bắt tôi. Tôi không biết nên làm gì", anh nói.

ki hay khong 1
Kidus sợ sẽ bị trục xuất đến Rwanda.

Một tài liệu từ Bộ Nội Vụ cho thấy chỉ 2,143 trong tổng số 5,700 người được chỉ định đến Rwanda, là vẫn đi kí tên và có thể xác định được địa chỉ. Nếu những người như Kidus không đi kí nữa, họ sẽ gia nhập vào hội 3,557 người nhập cư mất tích. 

Căn nhà chung mà Kidus đang sống là do Bộ Nội Vụ trả tiền, địa chỉ là rõ ràng, do đó anh có thể bị bắt bất cứ lúc nào. "Ở đây tôi luôn sợ hãi. Họ có thể đến vào ban ngày hay ban đêm và tôi luôn trong trạng thái họ sẽ ập vào nhà. Tôi không có cảm giác an toàn", anh nói. 

Kidus đã ngừng đi đến trường học tiếng Anh và anh luôn mang theo số điện thoại của các công ty luật. Bạn anh hiện đang bị giam ở Heathrow, anh từng nói chuyện qua điện thoại với bạn mình.

Người bạn đó tên Nahom, 26 tuổi, là 1 trong 40 người nhập cư được chỉ định đến Rwanda. "Đó là 1 cơn ác mộng, nơi đây giống như nhà tù. Tôi luôn căng thẳng và hoảng loạn", Nahom nói với phóng viên Sky News qua điện thoại.

Anh được gặp luật sư nhưng cảm giác tuyệt vọng trong anh vẫn không ngừng tăng lên. "Họ có thể đưa xác tôi đến đó. Tôi đầu hàng rồi", anh nói.

ki hay khong 1
Nura cho biết cô vẫn đi đến các cuộc hẹn 2 lần 1 tuần với Bộ Nội Vụ.

Ở tây London, chúng tôi gặp Nura, ngoài 20 tuổi. Cô gái này vẫn quyết định đi kí tên vì cô không muốn bị đuổi khỏi khách sạn mà Bộ Nội Vụ thuê. Nhưng mỗi khi đi kí cô đều trong trạng thái phập phồng.

"Đôi khi tôi tự hỏi tại sao lại là tôi", cô nói trong nước mắt, nhìn chăm chăm vào email "notice of intent" do Bộ Nội Vụ gửi. Email này nói rằng cô đang được xem xét đưa đến Rwanda. 

"Quốc gia đó không an toàn, có khác gì Eritrea đâu? Cũng vậy thôi", cô nói.

Khi Nura đến Anh bằng xuồng nhỏ, cô tin rằng phụ nữ sẽ không bị đưa đến Rwanda. Cô chắc chắn sẽ không đến Anh nếu biết tương lai lại mịt mù như vậy. 

Kidus cũng nói tương tự: "Nếu biết thế này tôi đã không đến đây. Tôi thà ở lại Bỉ, Pháp hoặc Đức". 

Giờ thì họ đã ở đây, hy vọng duy nhất là họ không bị đưa vào trại di dân. Chính phủ Anh vẫn rất kiên quyết tiến hành chuyến bay trục xuất đầu tiên vào tháng 6 hoặc 7. 

Viethome (theo Sky News)