Thưởng thức đĩa trứng thấm đẫm ''mùi cần'' ở Thái Lan, nước Anh sao cứ mãi dùng dằng?

can sa thai lan 2
Đĩa trứng cần sa tại quán Kiew Ka Kai

Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa và những đồ ăn, thức uống chứa cần sa được bày bán rầm rộ với đa dạng cách chế biến khác nhau.

Cô phục vụ đưa ra đĩa trứng omelette vàng óng, phủ trọn chiếc đĩa tròn. Chúng tôi ồ lên khi thấy giữa đĩa trứng là một lá cần sa non, nhỏ, trông cứ như là một lá phong trên cờ Canada, chỉ có điều chiếc lá đây màu xanh và đã chín tới. Người Việt Nam thoạt nhìn nghĩ ngay đến món trứng ngải cứu thân quen.

Ly cocktail nhiều nước đá hơn là chất màu xanh xanh, hơi giống trà matcha, cũng có một lá cần xa phủ ở trên. Nó đã mềm nhũn và bị bọn đá vùi dập nên chỉ còn èo uột nửa chìm nửa nổi như rong câu.

Quán Kiew Kai Ka đã có tên tuổi như một địa chỉ ẩm thực hấp dẫn từ mấy năm qua, không nằm ở trung tâm Bangkok mà muốn tới phải đi taxi khá xa.

can sa thai lan 2
Phóng viên Nguyễn Giang của BBC tìm hiểu về ẩm thực Thái Lan có chứa cần sa.

Hợp pháp hóa cần sa

Việc đưa thêm món ăn, đồ uống có "tẩm ướp" lá hoặc chất chiết xuất từ cannabis nồng độ thấp, được quán thực hiện gần đây thôi.

Hồi 2018, Thái Lan đã cho dùng cần sa trong điều trị y tế và nay thì đồ ăn thức uống chứa dưới 0,2% chất THC-tetrahydrocannabinol có khả năng làm say, hay "phê", được bán công khai.

Tuy thế, dù hợp pháp hóa cần sa cho tiêu thụ trong ngành ăn uống, nhưng Thái Lan vẫn cấm hút và cấm dùng để giải trí (recreational purpose), và người dưới 20 tuổi không được ăn uống các thứ này.

Tuy chỉ là bước đi nhẹ nhàng, tạm gọi là đổi hạng cây cannabis từ độc dược bị cấm, sang chất gây tê, an thần và có thể trộn vào đồ ăn thức uống, nhưng câu chuyện đã gây bão trên toàn thế giới.

Đầu tiên là vì Thái Lan có vẻ như quay 180 độ, từ quốc gia cấm ma túy hà khắc nhất thế giới - buôn bán các loại ma túy là dính án tử hình - sang thành nước Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa cannabis, marijuana.

Thứ nhì, có vẻ như Thái Lan đi đầu châu Á trong việc bỏ hình sự hóa việc trồng và tiêu thụ cần sa, tiếp bước của một số quốc gia Phương Tây: Hà Lan, Canada và vài bang ở Mỹ.

Không chỉ có vậy, việc tung ra chính sách hợp pháp hóa việc "ăn uống nhưng cấm hút hít" cây ma túy này đã đi kèm với hàng loạt công tác "toàn dân", và toàn thể ngành dịch vụ ẩm thực, du lịch, chứng tỏ họ đã chuẩn bị khá kỹ.

Hỏi chuyện các bạn ở Bangkok, tôi được biết chính phủ Thái Lan còn tặng dân một triệu hạt giống cần sa để khuyến khích trồng.

Sống ở Anh, tôi hiểu nghề "trồng cần" dính đến các vụ án kinh khủng mà không ít người Việt can dự vào, nên thực sự ngạc nhiên trước mức độ táo bạo của Thái Lan.

Chưa hết, một phóng viên người Anh ở Thái Lan khi biết tôi tìm hiểu đề tài này, đã cho hay theo anh, mục đích của Thái Lan là phát triển cả một ngành thương mại phục vụ nông nghiệp và du lịch bằng cây cần sa.

Ngắm ly cocktail và đĩa trứng "thấm đẫm màu cần", tôi và các bạn cùng đi ngước nhìn nội thất quán Kiew Kai Ka.

Từ trên trần, xuống nền, ra ngoài sân là những lẵng cây, bụi cỏ, hoa lá xanh tươi. Không phải cần sa đâu nhé, nhưng quán đẹp như một ngôi vườn trong nhà. Người Thái Lan xem ra vẫn đi trước nhiều quốc gia trong vùng về ngành dịch vụ, ẩm thực. Menu trong quán có ảnh đẹp của các món có "infused cannabis", bên cạnh các món tôm, cá, rau quả bình thường. Giá cả cũng không khác gì. Vài USD là bạn có thể mua một món ăn, loại "trộn cần" hay loại bình thường.

Chúng tôi mang sẵn một chai nước Cannabis Water mua ở tiệm 7-Eleven mà người ta cũng chẳng nói. Tóm lại là dịch vụ gọn đẹp, nhẹ nhàng, lịch lãm, chứ không hề có màu sắc hội đen, xó xỉnh hút sách gì.

can sa thai lan 2
Thực đơn các món ăn được chế biến có tẩm ướp cần sa tại quán Kiew Kai Ka.

can sa thai lan 2
Không gian quán Kiew Kai Ka ở thủ đô Bangkok, Thái Lan

Câu chuyện ở Anh Quốc

Nhưng ở Anh, nước gặp nhiều vấn đề về nạn trồng cần sa bất hợp pháp thì tình hình ra sao? Hơi giống vụ Brexit, Anh Quốc vẫn dùng dằng không dám quyết có hợp pháp hóa cần sa hay còn chờ.

Ở Anh, chính thức mà nói, cannabis vẫn là độc dược bảng B, với tội danh tù giam tới 5 năm cho người buôn bán, sở hữu. Trên thực tế, Anh đã hạ cannabis xuống độc dược bảng C hồi hơn 10 năm trước nhưng bị kéo lại bảng B vì dư luận phản đối.

Cùng lúc, việc nghiên cứu cách hợp pháp hóa cần sa như Mỹ đã được thành phố London triển khai ngay tháng trước. Một ủy ban có tên là London Drugs Commission do cựu bộ trưởng tư pháp Lord Charlie Falconer làm chủ tịch đã bắt tay vào nghiên cứu mô hình của Mỹ. Đại học University College London (UCL) được đặt hàng làm một nghiên cứu khoa học về tác động của việc thay đổi chính sách cây ma tuý với London.

can sa thai lan 2
Thị trưởng London có chuyến thăm California, Mỹ để tìm hiểu cách trồng cần sa hợp pháp

Thị trưởng London, ông Sadiq Khan đã thăm Los Angeles và một số 'farms' trồng cần sa. Ông đánh giá hoạt động đó là rất hay. Chả gì thì California đã hợp pháp hóa cần sa có kiểm soát từ 1996.

Không rõ thành phố London và chính phủ Anh có tìm hiểu ví dụ của Thái Lan hay không nhưng đài BBC kênh tiếng Anh và tiếng Thái đều đã có bài về câu chuyện cannabis ở Thái Lan nay ra sao.

Điều gần như chắc chắn là cho đến khi Anh tự do hóa khoản này, du khách Anh sang Thái Lan sẽ có cơ hội thử cannabis hợp pháp.

Mà Anh có một thị trường người dùng cannabis không nhỏ: 2,6 triệu người, và các nghiên cứu tôi xem được đánh giá thị trường cannabis của Anh trị giá chừng 900 triệu bảng (1,1 tỷ USD) một năm.

Tuy nhiên, lập luận của bên chống cây cannabis nói chung là nó gây ra nhiều vấn đề xã hội, hình sự. Bên phản biện thì nói hợp pháp hóa có kiểm soát chính là cách đưa việc trồng cần sa ra ánh sáng, tước đi quyền lực của các băng đảng, và còn tạo ra một ngành kinh tế tuyển dụng chỉ riêng ở England đã lên tới khoảng 10 nghìn người.

Tôi hình dung khi đó, trồng cần sa cũng như trồng cần tây, rau cải, rau muống trong các nhà kính ở Anh mà thôi. Nhưng liệu hợp pháp hóa rồi thì sẽ còn có các băng đảng mafia chiết xuất chất THC nồng độ cao hơn để bán lậu nữa không? Điều đó thì còn phải chờ xem.

Vào thăm quán ăn có bán các món trộn cần sa nồng độ nhẹ, dưới mức "bay bổng" ở Bangkok, chúng tôi chi mất dăm ba USD để quay video, chụp hình và thực ra không đóng góp bao nhiêu cho du lịch Thái Lan.

Nhưng điều đọng lại là ấn tượng về cách chuẩn bị chính sách, cách thực hiện và tạo trải nghiệm cho người tiêu dùng, cho du khách mà chính phủ và doanh nghiệp Thái Lan đã làm được. Rất đáng nể.

Nguyễn Giang (từ Bangkok) / Theo BBC Tiếng Việt