• vua charles iii noi gian

    Vua Charles III khó chịu vì bút chảy mực khi ký sổ lưu niệm tại lâu đài Hillsborough ở Bắc Ireland, lần thứ hai ông thể hiện nỗi bực bội trong 4 ngày.

    "Chúa ơi, tôi ghét cái bút này!" Vua Charles III nói, đứng dậy và đưa cây bút cho vợ, Vương hậu Camilla đang đứng bên cạnh, trong lúc ông ký vào sổ lưu niệm dành cho khách tham quan tại lâu đài Hilsborough gần Belfast, Bắc Ireland ngày 13/9.

    "Ồ, mực dây khắp tay này", Vương hậu Camilla nói khi Vua Charles III lau ngón tay. Bà trao chiếc bút chảy mực cho một trợ lý, rồi lấy bút khác để tiếp tục ghi vào sổ lưu niệm.

    "Tôi không chịu nổi mấy cái bút này, cứ làm tôi bực mình suốt", Vua Charles III nói thêm, rồi bước ra ngoài.

    Vua Charles III bực mình vì bút dây mực ra tay. Video: Guardian

    Vua Charles III tới Belfast, Bắc Ireland, trong chuyến công du Vương quốc Anh sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời.

    Tân Quốc vương bận rộn với lịch trình dày đặc. Sau khi Nữ hoàng qua đời tại lâu đài Balmoral, Scotland ngày 8/9, ông đăng quang ở Cung điện St James, London, phát biểu trước các nghị sĩ tại tòa nhà quốc hội Westminster, bay đến Edinburgh ngày 12/9 để dẫn đầu đoàn rước linh cữu Nữ hoàng và lễ cầu nguyện cùng anh chị em ruột, sau đó bay tới Bắc Ireland.

    Đây là lần thứ hai tân vương Anh thể hiện cảm xúc bực bội trong 4 ngày. Trong lễ đăng quang hôm 10/9, Vua Charles III tỏ ra bực mình và ra hiệu cho trợ lý di chuyển ống đựng bút cản trở ông ký tài liệu.

    Vua Charles xua tay ra hiệu cho trợ lý dọn dẹp ống đựng bút và bút khỏi bàn làm việc trong lễ đăng quang ngày 10/9. Video: Twitter/BuckieDim

    Video cử chỉ bực bội của Vua Charles III nhanh chóng lan truyền và gây chú ý trên mạng xã hội. Tracey Trussell, chuyên gia về ngôn ngữ cử chỉ và chữ viết người Anh, nói với tờ Sun rằng nỗi bực dọc này, kết hợp với cách Vua Charles kết nối các ký tự trong chữ ký trong văn bản đầu tiên sau khi đăng quang, cho thấy ông "là người chỉ muốn hoàn thành công việc của mình, bởi ống đựng bút khi đó cản trở dòng suy nghĩ của ông".

    Một cựu trợ lý của Vua Charles III cũng chia sẻ với Reuters rằng ông có thể là người hài hước, nhưng cũng "dễ nổi cáu và đòi hỏi cao".

    Một số người bày tỏ cảm thông với nhà vua, khi ông vừa đau buồn do mất mẹ, vừa bận rộn với hàng loạt sự kiện từ khi bà qua đời.

    "Tôi nghĩ ngoài đau buồn, Vua Charles chắc hẳn đã gần như kiệt sức. Ông đã ngoài 70 tuổi và liên tục bay vòng khắp đất nước những ngày này. Rõ ràng lịch trình ấy gây quá sức. Hy vọng ông có đủ thời gian nghỉ ngơi cần thiết để vượt qua giai đoạn đau buồn này", Marcus Dych, cựu biên tập viên mục chính trị của báo Jewish Chronicle, nói.

    Sau chuyến thăm Bắc Ireland, Vua Charles III quay lại Điện Buckingham vào tối 13/9 để đón linh cữu Nữ hoàng được chuyển bằng máy bay từ Edinburgh tới London.

    Nữ hoàng Anh qua đời sau hơn 70 năm trị vì, hưởng thọ 96 tuổi. Loạt sự kiện trong lễ quốc tang của Nữ hoàng diễn ra trong 10 ngày, kết thúc bằng tang lễ tại Tu viện Westminster ở London ngày 19/9.

    VnExpress (theo Guardian)

  • nen quan chu lap hien anh 1
    Ảnh: PA Media

    Cảnh sát Thames Valley đã thả một người đàn ông 45 tuổi sau khi ông này chặn xe chở Vua Charles III và hô to “Ai bầu ông ta?”.

    Ông Symon Hill đã phản đối ở Oxford, nơi diễn ra một buổi lễ hôm 12/09 mừng tân vương Anh Charles III lên ngôi, theo BBC News hôm 13/09.

    Cùng ngày ở Edinburgh một người phụ nữ 22 tuổi bị buộc tội vi phạm trật tự công cộng ngay ngoài Thánh đường St Giles, và một người đàn ông khác đã hô câu chửi nhắm vào Công tước xứ York, tức Hoàng tử Andrew. Vụ việc xảy ra khi khi Công tước xứ York đi sau quan tài Nữ hoàng Anh Elizabeth II hôm thứ Hai tuần này ở Edinburgh.

    Một số báo Anh nhắc lại dòng chữ trên tấm giấy mà người phụ nữ trẻ giơ ra khi đám rước đi qua, có chữ F*** (văng tục) nhắm vào “chủ nghĩa đế quốc” và lời kêu gọi “bỏ ngay nền quân chủ” (Abolish the monarchy).

    Cả hai người đàn ông và phụ nữ này đã được thả về và sẽ phải ra trình diện trước tòa Edinburgh Sheriff Court sau này. Nhưng các vụ cảnh sát can thiệp, tạm giữ hoặc phạt người phản đối nền quân chủ Anh bị giới vận động phê phán.

    Tại London, khi nhiều người dân xếp hàng để đặt hoa ở công viên Green Park và hàng rào Điện Buckingham từ mấy ngày qua, cảnh sát Đô thành xác nhận “người dân có quyền phản đối”.

    Phó Cảnh sát trưởng Đô thành, ông Stuart Cundy phải ra một tuyên bố nói mọi cảnh sát viên tham gia giữ trật tự cho đám đông viếng Nữ hoàng đều đã nhận được chỉ thị bảo vệ cả việc phản đối hoàng gia.

    Bà Ruth Smeeth, CEO của tổ chức chống kiểm duyệt, Index on Censorship, nói các vụ bắt giữ này “thật đáng quan ngại”.

    "Chúng ta phải chống việc coi sự kiện này (của Hoàng gia) do vô tình hay hữu ý, trở thành thứ làm xói mòn quyền tự do biểu đạt mà công dân đang được hưởng.”

    Giám đốc tổ chức Big Brother Watch, Silkie Carlo, thì nói: "cảnh sát có nghĩa vụ bảo vệ quyền của dân được phản đối, giống như bảo vệ quyền của dân muốn ủng hộ, bày tỏ nỗi đau buồn khi viếng thăm [các điểm để tang Nữ hoàng] ở Anh.”

    Còn bà Jodie Beck, quan chức hội Liberty thì chỉ trích cảnh sát Anh và nói “phản đối không phải là món quà của chính quyền, mà là một quyền căn bản”.

    nen quan chu lap hien anh 1
    Nước Úc bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng Elizabeth II

    Xu hướng phản đối quân chủ hoặc bỏ Hoàng gia Anh

    Dù có ý kiến nói Hoàng gia Anh đứng ngoài (hoặc đứng trên) chính trị, có các ý kiến khác cho rằng sự việc không hẳn thế và công dân có quyền phản đối vua, nữ hoàng.

    Theo nhà báo Brendan O’Neil viết trên trang The Spectator (12/09) về vụ phản đối Hoàng gia ở Edinburgh, thì “Tuyên bố lên ngôi vua là hành động chính trị, là hoạt động mang tính hiến pháp, nên công dân hoàn toàn có quyền bất đồng chính kiến trước sự kiện đó.”

    Theo báo The Guardian ở Anh trong bài hôm thứ Bảy (10/09), một ngày sau khi có tin Nữ hoàng Elizabeth II từ trần, phe Cộng hòa tại Anh tăng cường các cuộc vận động đòi xóa Hoàng gia và nền quân chủ.

    Khẩu hiệu của họ “Make Elizabeth the Last” (Hãy để Elizabeth là quốc vương cuối cùng) đã từng được dán công khai, hợp pháp trên phố từ tháng 6.

    Nhưng từ vài ngày qua, các dòng khẩu hiệu đòi bỏ nền quân chủ nổi lên nhiều hơn trên Twitter, và người ta bàn thảo trong một số giới về chuyện đó, sau khi đám tang Nữ hoàng kết thúc.

    Tờ báo Anh phỏng vấn ông Graham Smith, một nhà vận động từ nhóm Republic vốn muốn Anh bầu ra nguyên thủ quốc gia và bỏ vua, về chuyện này.

    Ông Smith than phiền rằng việc đưa tin quá nhiều về cái chết của Nữ hoàng “sẽ khiến người dân thấy là thừa thãi, đi quá xa và họ sẽ chuyển sang Netflix hoặc các kênh khác”. Theo ông, sau khi kết thúc đám tang của Nữ hoàng, "sẽ là lúc cần thảo luận về tương lai nền quân chủ”.

    Hôm 09/09, Đoàn Thanh niên Cộng sản Anh, một tổ chức nhỏ, ra tuyên bố nhắc lại các yêu sách bỏ chế độ quân chủ ở Anh.

    Tổ chức này, trên trang web có hình cờ đỏ búa liềm, gọi Nữ hoàng bằng tên trống không: Elizabeth Windsor, và cho rằng cái chết của bà là dịp xóa bỏ “tàn tích phong kiến, áp bức” của Hoàng gia Anh.

    Bên ngoài nước Anh, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern xác nhận sợi dây liên kết của nước bà, thành viên Khối Thịnh vượng chung, với Nữ hoàng Elizabeth II là rất bền chặt.

    Chính thức thì Nữ hoàng vừa tạ thế và bây giờ là Vua Charles III giữ chức nguyên thủ quốc gia của New Zealand và 13 nước nữa thuộc Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), không kể Anh.

    Tuy thế, thủ tướng New Zealand cũng nói “về lâu dài, sẽ có một ngày New Zealand thành nước cộng hòa”.

    Tin Nữ hoàng băng hà cũng khiến một số chính trị gia Úc, như lãnh đạo đảng Xanh, nghị sĩ Adam Bandt, yêu cầu có cuộc thảo luận về hiến pháp, nhằm hướng tới chỗ xóa vai trò nguyên thủ quốc gia Úc của vua Anh. Tuy thế, Thủ tướng Úc Anthony Albanese bác bỏ chuyện này và nói “đây không phải là lúc nói chuyện chính trị”.

    Tại Jamaica, theo Will Grant viết trên BBC News hôm 13/09, cái chết của Nữ hoàng và sự kiện vua Charles III lên ngôi đang làm nóng lại cuộc thảo luận về chuyện có nên bỏ Hoàng gia Anh để thành nước cộng hòa hay không.

    Bài 'Will Jamaica now seek to 'move on' from royals as a republic?' nhắc lại lời thủ tướng Jamaica Andrew Holness nói với Hoàng tử William hồi đầu năm nay rằng nước ông "sẽ đi vê ̀phía trước" (We are moving on), tách khỏi quá khứ gắn với di sản thuộc địa Anh.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Tại lễ trao giải Emmy 2022, đạo diễn Jesse Armstrong cho rằng "Succession" nhận được nhiều phiếu bầu hơn Vua Charles III. Bình luận đang nhận phản ứng trái chiều.

    Theo Page Six, đạo diễn phim bộ truyền hình ăn khách Succession (Kế nghiệp), Jesse Armstrong, đã mỉa mai vị vua mới của nước Anh trong bài phát biểu nhận giải Phim chính kịch hay nhất tại Lễ trao giải Emmy 2022 sáng nay (theo giờ Việt Nam).

    "Tuần lễ trọng đại cho những sự kế vị. Vương quốc Anh cũng có một vị vua mới. Thế nhưng rõ ràng là chiến thắng của chúng tôi nhận được nhiều phiếu bầu hơn là của Thái tử Charles", đạo diễn gốc Anh nói với khán giả tại nhà hát Microsoft tại Los Angeles (Mỹ).

    Khi tiếng reo hò đầy bất ngờ của khán giả vang khắp phòng, Amstrong nói thêm: "Tôi không nói rằng chúng tôi đứng ở vị trí của mình một cách hợp pháp hơn là ông ấy. Tuy nhiên việc đó sẽ để cho mọi người đánh giá".

    nam dao dien emmy
    "Chiến thắng của chúng tôi nhận được nhiều phiếu bầu hơn là của Thái tử Charles", Amstrong nói. Ảnh: AFP

    Vị đạo diễn sau đó chuyển chủ đề từ hoàng gia sang chúc mừng và cảm ơn đoàn làm phim. Ông nói: "Chúng tôi rất biết ơn khi nhận được vinh dự này. Đây là nhờ nỗ lực phi thường của thành viên đoàn làm phim".

    Người xem Emmy 2022 có cảm xúc lẫn lộn về bình luận của Amstrong đối với Vua Charles III, một số người cảm thấy khó chịu tuy nhiên cũng có người tỏ ra thích thú.

    Cư dân mạng nói: "Giành giải Phim truyền hình hay nhất rồi pha trò về hoàng gia trên đài truyền hình quốc gia quả là sự lựa chọn thú vị", "Bài phát biểu này khiến tôi thấy khó chịu", "Tại sao ông ấy lại gây thù với hoàng gia khi đang nhận giải cho bộ phim tên Kế nghiệp", "Thật mỉa mai vì tôi biết những điều anh ta nói là sự thật, giải Emmy có nhiều người được tham gia bầu chọn hơn cả Hoàng gia Anh".

    Vào sáng thứ bảy, Thái tử Charles, 73 tuổi, đã chính thức được tuyên bố là Quốc vương của Vương quốc Anh chỉ vài ngày sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà ở tuổi 96.

    Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi lên ngôi, Vua Charles III cam kết sẽ tiếp bước Nữ hoàng Elizabeth II, duy trì Hiến pháp của Anh.

    Ông nói: "Tôi nghĩ tôi có thể nói rằng cả thế giới đồng cảm trước mất mát to lớn của Nữ hoàng. Triều đại của mẹ tôi là độc nhất về thời gian tồn tại, sự cống hiến và sự tận tâm. Ngay cả khi chìm trong đau buồn, chúng tôi rất biết ơn cuộc sống trung thành của bà. Tôi nhận thức sâu sắc sự kế thừa to lớn này và những bổn phận, trách nhiệm nặng nề mà nay đã giao cho tôi”.

    Theo Zing

  • Câu chuyện bắt nguồn từ một quy định bất thành văn từ vua Charles II thế kỷ 17.

    Câu chuyện đổi hình ảnh trên đồng tiền nước Anh đang thu hút sự chú ý của dư luận thời gian gần đây. Theo tờ New York Times (NYT), hiện Anh đang có 29 tỷ đồng xu in hình Nữ hoàng đang được lưu thông. Cục đúc tiền hoàng giá Anh (Royal Mint), nơi chịu trách nhiệm đúc tiền xu đã cho in hình Nữ hoàng lần đầu tiên vào năm 1953 và luôn là bên mặt phải.

    Thế nhưng tờ NYT cho biết theo quy định bất thành văn cũng như tuyên bố trên website hoàng gia Anh, hình ảnh vua Charles III kế vị sẽ là mặt bên trái nếu được in hình lên tiền xu.

    tien xu in hinh nu hoang

    Quy định này bắt nguồn từ vua Charles II thế kỷ 17 khi các đời kế vị thường in hình đối nghịch nhau trên tiền xu để thể hiện một triều đại mới đã bắt đầu. Bởi vậy khi Nữ hoàng in hình mặt phải thì Vua Charles III sẽ là mặt trái.

    Tuy nhiên chỉ có 1 ngoại lệ trong lịch sử là vua Edward VII, người lên ngai vàng chưa đến 1 năm trong năm 1936, cũng in hình mặt trái lên tiền xu tương tự người tiền nhiệm, vua George V. Lý do là vị vua này thích mặt bên trái của mình và yêu cầu như vậy.

    Đến người kế nhiệm tiếp theo là vua George VI, ông đã quay trở lại đúng quy định bất thành văn này khi vẫn để mặt trái.

    Với tiền xu là vậy nhưng tiền giấy lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Năm 1960, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành nhà lãnh đạo hoàng gia đầu tiên tại Anh xuất hiện trên tiền giấy. Bởi vậy chuyện mặt hướng nào hay quy định gì về việc xuất hiện trên tiền giấy là chưa từng có tiền lệ hay tiêu chuẩn trước đây.

    Tờ NYT cho biết hiện có hơn 4,7 tỷ đồng tiền giấy có in hình Nữ hoàng đang lưu thông tại Anh, tương đương tổng giá trị 82 tỷ Bảng hay 95 tỷ USD. Con số này chưa tính đến những đồng tiền lưu thông bên ngoài lãnh thổ Anh, tại những khu vực từng là thuộc địa. Ví dụ hình ảnh Nữ hoàng Elizabeth II cũng được in trên đồng 20 Dollar Canada (CAD) hay đồng 5 Dollar Australia (AUD).

    Hiện vẫn chưa rõ bao giờ thì hình ảnh Nữ hoàng sẽ được thay thế bằng Vua Charles bởi điều này cần thời gian thu hồi, in ấn cũng như phát hành tiền mới. Chúng cũng cần được chính phủ phê duyệt và cần vài năm trước khi tiền mới thay thế được tiền cũ. Phía Cục đúc tiền hoàng gia Anh và Ngân hàng trung ương Anh (BOE-Nơi chịu trách nhiệm in tiền giấy) đều cho biết sẽ hoãn kế hoạch này cho đến sau khi kết thúc lễ tang.

    Điều thú vị là việc thay đổi hình ảnh Nữ hoàng trên đồng tiền diễn ra trong bối cảnh Anh đang đổi tiền mới và điều này có thể gây ảnh hưởng đến kế hoạch thay đổi tiền. Kể từ năm 2016, Anh đã cho phát hành tiền mới bằng đồng Polymer nhằm chống giả mạo. Kể từ sau ngày 30/9/2022, người dân Anh sẽ không thể tiêu đồng 20 và 50 Bảng cũ nữa và chỉ có thể đổi chúng tại ngân hàng để dùng tiền mới.

    Việc phải thu hồi tiền để thay đổi hình ảnh Nữ hoàng có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đổi tiền này và hiện vẫn chưa rõ chính phủ Anh sẽ có kế hoạch như thế nào.

    "Tiến trình đổi tiền sẽ không thể nhanh chóng được đâu", phó giáo sư Ethan Ilzetzki của trường đại học kinh tế London nhận định.

    Cafebiz (Nguồn: New York Times)

  • Quốc vương Charles III sẽ không phải nộp khoản thuế 40% cho công quốc thừa kế từ Nữ hoàng Anh, theo quy định chuyển giao tài sản giữa các đời vua.

    Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Quốc vương Charles III được thừa kế Công quốc Lancaster, nơi cung cấp nguồn thu chính cho nhà vua.

    Theo quy định Thuế Hoàng gia được chính phủ Anh đưa ra năm 1993 nhằm tránh tài sản hoàng gia bị xóa sổ nếu hai quốc vương qua đời trong thời gian ngắn, Vua Charles III sẽ không phải nộp thuế thừa kế đối với bất động sản trị giá hơn 750 triệu USD này.

    King Charles khong phai nop thue
    Quốc vương Anh Charles III vẫy tay với công chúng khi tới Điện Buckingham ở London dày 11/9. Ảnh: AFP.

    Quy định Thuế Hoàng gia ghi rõ các thành viên hoàng gia không phải trả khoản thuế 40% đối với tài sản trị giá hơn 377.000 USD, trong khi người bình thường ở Anh khác sẽ phải nộp khoản tiền này. Điều khoản lần đầu được kích hoạt năm 2002, khi Vương hậu Elizabeth chuyển giao bất động sản trị giá khoảng 80 triệu USD cho Nữ hoàng Elizabeth II, trong đó có bộ sưu tập trứng Faberge.

    Công quốc Lancaster là một trong hai công quốc hoàng gia Anh. Công quốc còn lại là Cornwall, cung cấp thu nhập cho thái tử Anh, người giữ chức Thân vương xứ Wales. Con trai của Quốc vương Charles III là Thái tử William được thừa kế Công quốc Cornwall trị giá hơn một tỷ USD.

    Một đạo luật được thông qua năm 1702 cấm quốc vương Anh bán hai công quốc trên.

    Năm 2021, Công quốc Lancaster mang lại thu nhập 27 triệu USD cho quân vương Anh. Nữ hoàng Elizabeth II đã tự nguyện nộp thuế thu nhập và thuế trên thặng dư vốn cho bất động sản tại Công quốc Lancaster từ năm 1993 và Quốc vương Charles III có thể duy trì điều này.

    Công quốc Lancaster được thành lập vào thế kỷ thứ 13, bao gồm "các tài sản thương mại, nông nghiệp và nhà ở" cùng danh mục đầu tư tài chính. 5 đơn vị hành chính nông thôn thuộc Công quốc Lancaster có diện tích khoảng 18.000 hecta, nằm trên lãnh thổ xứ Anh và xứ Wales.

    Lãnh địa này còn có khoảng 36.000 hecta đất dọc bờ biển, trải dài từ sông Mersey tới Barrow-in-Furness ở phía bắc nước Anh, cũng như các mỏ đá vôi và sa thạch từ miền nam xứ Wales đến bắc Yorkshire.

    Tuy nhiên, phần lớn thu nhập của Công quốc Lancaster đến từ các bất động sản thương mại nổi tiếng ở trung tâm London như khách sạn Savoy.

    Lâu đài Balmoral và dinh thự Sandringham thuộc sở hữu của hoàng gia, phần lớn các tài sản khác họ sử dụng như Điện Buckingham và lâu đài Windsor thuộc quản lý của Cục Tài sản Hoàng gia Anh.

    VnExpress (theo Yahoo News)

  • Antigua và Barbuda - quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung, thuộc địa cũ của Anh, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để trở thành một nước cộng hòa và không còn công nhận Vua Anh Charles III là người đứng đầu nhà nước.

    quoc dao carribbe
    Antigua và Barbuda tuyên bố độc lập vào năm 1981. Ảnh: NDTV

    Hãng tin CNN dẫn lời Thủ tướng của Antigua và Barbuda, ông Gaston Browne nói: "Đó là vấn đề cần trưng cầu dân ý để người dân quyết định. Nó không phải là hành động thù địch giữa Antigua và Barbuda với chế độ quân chủ, song đó là bước cuối cùng để hoàn tất vòng tròn độc lập, để đảm bảo rằng chúng ta thực sự là một quốc gia có chủ quyền". 

    Nhà lãnh đạo này cho biết, cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong ba năm tới. Quốc đảo Caribbe này đã giành độc lập từ Anh vào năm 1981 song vẫn là một trong số 14 quốc gia mà người đứng đầu hoàng gia Anh giữ vai trò nguyên thủ quốc gia của họ. Antigua và Barbuda cũng là thành viên của Khối Thịnh vượng chung, một tổ chức gồm 56 quốc gia, chủ yếu là lãnh thổ cũ của Anh. 

    Antigua và Barbuda đã xác nhận Vua Charles III là Vua của nước này vào cuối tuần trước. Vai trò của Vua Charles hầu như chỉ mang tính biểu tượng song sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth đã làm các cuộc thảo luận sôi nổi trở lại. Đó là các cuộc thảo luận về tác động của chế độ đế quốc Anh và mối quan hệ trong tương lai giữa Vương quốc Anh và một số quốc gia. 

    Theo dữ liệu chính thức, Antigua và Barbuda có số dân chưa tới 100.000 người. Tháng 11/2021, Barbados đã cắt mối ràng buộc với hoàng gia Anh, không còn công nhận Nữ hoàng Elizabeth là người đứng đầu đất nước và tuyên bố trở thành một nước cộng hòa. Tuy nhiên, Barbados vẫn là một quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung. Hiện, đảng cầm quyền ở Jamaica cũng đang cân nhắc tiếp bước Barbados. 

    Phía sau việc nhiều nước khác nhận Vua Charles III là nguyên thủ quốc gia

    Việc Vua Charles III sẽ lãnh đạo khối Thịnh vượng chung ra sao là một trong những vấn đề được quan tâm nhất kể từ khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà.

    Sau khi nữ hoàng qua đời tại Balmoral ở tuổi 96, Thái tử Charles là người kế vị ngai vàng, lấy tên hiệu là Vua Charles III. Ông không chỉ là vua của Vương quốc Anh mà còn là nguyên thủ của 14 chế độ quân chủ đại nghị thuộc khối Thịnh vượng chung.

    Ngay sau lễ tấn phong của Vua Charles III tại Anh, các nước thành viên của khối Thịnh vượng chung đã lần lượt tổ chức lễ công bố Vua Charles III là nguyên thủ quốc gia, với buổi lễ trước tiên được thực hiện vào cuối tuần qua ở Canada, New Zealand và Australia.

    Tuy nhiên, trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II - vị quân vương được yêu mến của khối - nhiều câu hỏi được đặt ra về việc những quốc gia nào trong số các Vương quốc Thịnh vượng chung sẽ quyết định phá vỡ mối quan hệ hoàn toàn với chế độ quân chủ Anh và tiến tới thể chế cộng hòa, theo New York Post.

    Nỗ lực gắn kết

    Thành lập vào năm 1887, khối Thịnh vượng chung vốn là một nhóm gồm 56 quốc gia thành viên, hầu hết trong số đó là thuộc địa cũ của Anh, chủ yếu ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ và Thái Bình Dương. Ba quốc gia châu Âu là một phần của khối chung này gồm Cyrus, Malta và Vương quốc Anh.

    Sau nhiều thập kỷ, 36 quốc gia trong khối đã trở thành các nền Cộng hòa, bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka. Năm nước còn lại - Brunei Darusalam, Lesotho, Malaysia, Eswatini và Tonga - có Quốc vương riêng.

    Tính đến ngày 8/9 - thời điểm Nữ hoàng Elizabeth II băng hà - bà vẫn là nguyên thủ quốc gia của 15 nước thuộc khối Thịnh vượng chung, bao gồm cả Vương quốc Anh, gọi là “Vương quốc Thịnh vượng chung” (Commonwealth realm).

    14 nước còn lại bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Antigua và Barbuda, Bahamas, Belize, Grenada, Jamaica, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon và Tuvalu.

    Nguyên thủ quốc gia trong chế độ quân chủ chỉ thực hiện quyền hành theo nghi lễ. Điều này đồng nghĩa với việc họ không nắm giữ quyền lực chính thức thực sự.

    Do vai trò nguyên thủ quốc gia của Vua Charles III chỉ mang tính biểu tượng, các nhà quan sát cho rằng sẽ có rất ít thay đổi trong Vương quốc Thịnh vượng chung, theo New York Post.

    Mục tiêu của khối Thịnh vượng chung là giúp các quốc gia “hợp tác cùng nhau để theo đuổi các mục tiêu chung nhằm thúc đẩy phát triển, dân chủ và hòa bình”, theo trang web của khối.

    Nếu bất kỳ quốc gia nào trong số 15 quốc gia thuộc Vương quốc Thịnh vượng chung quyết định thay thế Vua Charles III bằng nguyên thủ quốc gia của riêng họ, các nước này vẫn có thể lựa chọn là một phần của khối Thịnh vượng chung.

    Lý giải về vai trò của Vua Charles III trong khối Thịnh vượng chung, người phát ngôn của Hoàng gia Anh cho rằng một trong những cách để củng cố đoàn kết là qua những chuyến thăm thường xuyên tới khối này.

    Các chuyến thăm cấp nhà nước của ông nhiều khả năng tập trung vào Khối Thịnh vượng chung, khi Vua Charles III "dường như rất quan tâm" tới nhóm này, theo một cận thần.

    “Trong thời gian trị vì, Nhà vua sẽ đến thăm mọi quốc gia trong khối Thịnh vượng chung và thường xuyên. Một phần ba tổng số các chuyến công du nước ngoài của Nữ hoàng Elizabeth, trong thời gian trị vì, là đến các nước thuộc khối Thịnh vượng chung”, vị này cho biết.

    Bên cạnh đó, Vua Charles III sẽ được thông tin về diễn biến của khối thông qua kênh liên lạc với Tổng thư ký và Ban thư ký của mình tại khối Thịnh vượng chung. Ngoài ra, quân vương cũng sẽ có các cuộc gặp mặt thường xuyên với những người đứng đầu chính phủ các nước thuộc khối này.

    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán rằng việc Vua Charles III kế vị có thể kích động phong trào ly khai chế độ quân chủ và tiến tới thể chế cộng hòa hiện ở 14 nước thuộc Vương quốc Thịnh vượng chung, theo The Sun.

    Tiến tới thể chế Cộng hòa

    Theo các chuyên gia, một trong những lý do mà Khối thịnh vượng chung vẫn tồn tại đến giờ là tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ dành cho Nữ hoàng Elizabeth II.

    Tuy nhiên, sự kiện nữ hoàng băng hà có thể mở ra những cuộc thảo luận mới ở các nước trong khối.

    “Nếu không vì tình cảm và sự ngưỡng mộ dành cho Nữ hoàng Elizabeth II, bao nhiêu quốc gia trong khối này bây giờ sẽ chọn tách mình khỏi chế độ quân chủ và trở thành nước cộng hoà?”, ông Alastair Bellany, nhà sử học tại Đại học Rutgers chia sẻ với tờ Rutgers Today.

    Tuy nhiên, ngay cả trước khi nữ hoàng qua đời, một số quốc gia bao gồm Jamaica, Belize và Bahamas, đã lên kế hoạch từ bỏ chế độ quân chủ.

    Tháng 11/2021, Barbados là quốc gia đầu tiên tuyên bố xóa bỏ Nữ hoàng Anh Elizabeth khỏi vị trí nguyên thủ quốc gia sau gần 30 năm. Quốc đảo này vẫn ở lại khối Thịnh vượng chung sau khi trở thành nước cộng hòa.

    Trong chuyến công du của Hoàng tử William và Công nương Kate đến các thuộc địa của Anh hồi tháng 3/2021, trùng với kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, Thủ tướng Andrew Holness đã gợi ý rằng đất nước ông đang “tiến lên” và có ý định “hiện thực hóa mong muốn trở thành một quốc gia độc lập, phát triển toàn diện và thịnh vượng”.

    Hoàng tử William khi đó đã nói với đám đông trong chuyến dừng chân ở Bahamas rằng Hoàng gia Anh sẽ ủng hộ bất kỳ quyết định nào mà đảo quốc này đưa ra trong việc từ bỏ chế độ quân chủ.

    Cùng thời điểm, Bộ trưởng Cải cách Hiến pháp và Chính trị của Belize Henry Charles Usher đã phát biểu trước Quốc hội: “Có lẽ đã đến lúc Belize phải thực hiện bước tiếp theo trong việc sở hữu nền độc lập hoàn toàn. Nhưng đó là vấn đề mà người dân Belize phải quyết định”.

    Australia, thành viên của khối Thịnh vượng chung, đã có một số cuộc tranh luận về vấn đề này. Lần gần nhất nước này tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc tiến tới chế độ cộng hòa là vào năm 1999. Tại thời điểm đó, 54,9% người dân Australia đã bỏ phiếu ủng hộ Nữ hoàng Elizabeth II tiếp tục làm nguyên thủ quốc gia.

    Tuy nhiên, nước này đang dần cho thấy những nỗ lực nhằm xa rời chế độ quân chủ sau khi ông Anthony Albanese nhậm chức thủ tướng hồi tháng 5. Ông Albanese, một người ủng hộ nền cộng hòa, đã đề cử một chức vụ mới chuyên về các vấn đề của nền cộng hòa.

    Theo Vietnamnet

  • Các buổi lễ được tổ chức tại Quốc hội Úc và New Zeland ngày 11-9, chỉ một ngày sau khi Hội đồng Đăng cơ chính thức tuyên bố Vua Charles III là quân vương mới của nước Anh, sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà hôm 8-9.

    buc thu bi mat nu hoang anh 1
    Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla trong lễ tấn phong ngày 10-9 - Ảnh: REUTERS

    Trong buổi lễ được tổ chức tại Quốc hội New Zealand ngày 11-9, Thủ tướng Jacinda Ardern mô tả tân vương Charles III là một người dành nhiều sự quan tâm cho New Zealand.

    Bà khẳng định người dân New Zealand vô cùng trân quý tình cảm của Vua Charles III và tin rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng sâu sắc hơn nữa.

    Tại Úc, sau tuyên bố của Toàn quyền David Hurley rằng Vua Charles III là nguyên thủ quốc gia, 21 phát đại bác đã được bắn để đánh dấu một thời đại mới đã bắt đầu.

    Trước đó, Thủ tướng Úc Anthony Albanese tuyên bố ngày 22-9 tới sẽ là ngày quốc tang ở Úc để tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II.

    Nhà lãnh đạo Úc xác nhận sẽ đến London dự lễ tang của Nữ hoàng vào ngày 19-9, sau đó trở về Úc vào ngày 21-9. Theo Hãng tin Reuters, ông Albanese cũng đã đề nghị đưa 10 người đồng cấp của ông ở các quốc đảo Thái Bình Dương và New Zealand đến Anh để dự lễ tang Nữ hoàng.

    Quốc vương Anh là nguyên thủ quốc gia ở Úc, New Zeland và 12 quốc gia khác thuộc Khối thịnh vượng chung.

    Canada, một nước cũng thuộc Khối thịnh vượng chung, đã tuyên bố Vua Charles III là nguyên thủ quốc gia trong một buổi lễ được tổ chức hôm 10-9.

    Mặc dù được xem là người đứng đầu nhà nước, Vua Charles III - cũng giống như mẹ ông - giữ vai trò biểu tượng hạn chế, không thể can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ các nước.

    Trong bài phát biểu hôm 10-9 sau khi được tấn phong, Vua Charles III chia sẻ ông nhận thức sâu sắc "sự kế thừa to lớn cùng những bổn phận và trách nhiệm nặng nề" mà ông đảm trách trên cương vị mới.

    Tân vương của Anh cam kết sẽ noi theo "tấm gương truyền cảm hứng" của thân mẫu trong việc duy trì chính phủ hợp hiến, tìm kiếm hòa bình, đem lại thịnh vượng cho mọi người dân ở Vương quốc Anh cũng như Khối thịnh vượng chung và thế giới.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Ông Mikhail Myagkov, Giám đốc khoa học Hội lịch sử - quân sự Nga, nhận định Vua Charles III có thể trở thành vị vua cuối cùng của Vương quốc Anh và khối Thịnh vượng Chung bởi xã hội Anh sẽ bắt đầu coi thể chế "mang tính nghi thức" của chế độ quân chủ là gánh nặng đắt đỏ trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và khủng hoảng kinh tế.

    vi vua cuoi cung
    Vua Charles III của Vương quốc Anh. Ảnh: AP

    Ông Myagkov nêu rõ: "Với việc châu Âu đang gặp khủng hoảng và cuộc sống người dân Anh thậm chí còn khó khăn hơn trong thời kỳ hậu Brexit, thể chế quân chủ có thể trở nên quá nặng nề và Vua Charles III có thể trở thành vị vua cuối cùng nắm ngai vàng của Vương quốc Anh.

    Nếu tình hình kinh tế xấu đi, trong đó có tình trạng giá cả năng lượng tăng cao, người Anh có thể tự hỏi: 'Tại sao chúng ta phải chi hàng trăm triệu bảng Anh cho một gia đình quý tộc, vốn không có vai trò hữu ích trong việc điều hành đất nước?'".

    Ông Myagkov cho hay, các cuộc thảo luận về sự cần thiết phải duy trì vương triều trị vì đất nước chỉ chính thức diễn ra khi Nữ hoàng Elizabeth II còn sống. Tuy nhiên, ông Myagkov khẳng định, Nữ hoàng đã trở thành một biểu tượng của quốc gia, nhấn mạnh việc bà trị vì đất nước trong suốt 70 năm là biểu tượng cho sự ổn định của Vương quốc Anh.

    Trong khi đó, ông Alexander Zakatov, một người phát ngôn của Vương tộc Romanov ở Nga, bày tỏ quan điểm trái ngược, cho rằng Vua Charles III sẽ bảo vệ thể chế quân chủ và duy trì quyền lực.

    Bài liên quan: 9 thay đổi lớn sau khi Nữ hoàng Anh qua đời

    Hình ảnh và tên của Nữ hoàng Elizabeth II trên tiền, hàng loạt vật dụng và các loại văn bản, nghi lễ, sẽ được thay thế bằng tên và hình ảnh của tân vương.

    nhung thay doi sau khi nu hoang qua doi 1

    Khi vua George VI qua đời trong giấc ngủ tại Sandringham vào rạng sáng 6/2/1952, con gái lớn của ông, Công chúa Elizabeth, khi đó đang thăm Kenya cùng chồng, ngay lập tức trở thành Nữ hoàng Elizabeth II.

    Robert Blackburn, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học King’s College London, nói với quốc hội: “Quá trình tương tự sẽ diễn ra, khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời cũng là lúc Thái tử Charles III lên ngôi vua”.

    Tuy nhiên, sau triều đại dài kỷ lục của Nữ hoàng, việc bóc tách tên, hình ảnh và biểu tượng của bà khỏi cấu trúc đời sống quốc gia ở Anh và trên toàn Khối Thịnh vượng chung sẽ mất nhiều thời gian hơn. Dưới đây là một số điều sẽ cần phải thay đổi.

    1. Cờ

    Từ những lá cờ treo bên ngoài đồn cảnh sát trên khắp nước Anh cho đến cờ hoàng gia được sử dụng trên tàu hải quân, hàng nghìn lá cờ có ký hiệu EIIR (viết tắt của “Nữ hoàng Elizabeth II”) sẽ cần phải được thay thế.

    nhung thay doi sau khi nu hoang qua doi 1
    Cờ hoàng gia Anh. Ảnh: Alamy.

    Các trung đoàn quân sự, một số đội cứu hỏa, và các nước mà Nữ hoàng Elizabeth II được công nhận là nguyên thủ quốc gia, bao gồm Australia, Canada và New Zealand, họ đều có loại cờ mà các chuyên gia gọi “cờ E” - cờ cá nhân dành cho nữ hoàng, được sử dụng khi bà đến thăm. Chúng sẽ được thay thế bằng cờ có ký hiệu của tân vương.

    Theo Guardian, rất có khả năng lá cờ 4 ô được treo bất cứ nơi nào quốc vương Anh có mặt cũng có thể được thay đổi.

    Phiên bản trong triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II bao gồm 1/4 đại diện cho Scotland (sư tử), 1/4 cho Ireland (đàn hạc) và 2/4 đại diện cho Anh (3 con sư tử), nhưng không có phần đại diện cho xứ Wales. Lá cờ này đã được sử dụng từ rất lâu trước khi Wales có cờ riêng, được công nhận vào năm 1959. Quốc vương tiếp theo có thể kết hợp yếu tố Wales vào trong lá cờ mới.

    2. Tiền giấy và tiền xu

    Có 4,5 tỷ đồng bảng Anh đang được lưu hành có khắc hoặc in hình nữ hoàng, trị giá tổng cộng 80 tỷ bảng Anh. Việc thay thế chúng bằng phiên bản khắc hoặc in hình người trị vì mới có thể mất ít nhất 2 năm. Khi tờ 50 bảng Anh mới nhất được phát hành, Ngân hàng Trung ương Anh đã mất 16 tháng để thu hồi và thay thế.

    Khi Nữ hoàng Elizabeth lên ngôi vào năm 1952, quốc vương trước đó không còn được in trên tiền tệ của đất nước. Đến năm 1960, khuôn mặt của Elizabeth II bắt đầu xuất hiện trên tờ 1 bảng Anh.

    nhung thay doi sau khi nu hoang qua doi 1
    Tờ 1 bảng Anh năm 1960 lần đầu tiên có hình Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Alamy.

    Hình ảnh của nữ hoàng cũng xuất hiện trên một số tờ tiền 20 CAD ở Canada, trên tiền xu ở New Zealand và trên tất cả loại tiền xu và tiền giấy do ngân hàng trung ương Eastern Caribbean cũng như các khu vực khác của Khối thịnh vượng chung phát hành.

    Các thiết kế tiền xu có thể được thay đổi chậm hơn. Thông thường việc chuyển đổi tiền xu diễn ra tự nhiên chứ không phải thông qua việc thu hồi.

    3. Quốc ca

    Về lý thuyết, một trong những thay đổi đơn giản nhất sẽ là chuyển lời của bài quốc ca từ " God save our gracious Queen" thành "God save our gracious King". Bài hát với phiên bản “Queen” đã được sử dụng từ năm 1745, chuyển đổi từ phiên bản "God save great George our king, Long live our noble king, God save the king".

    4. Lời cầu nguyện

    Nữ hoàng là "người bảo vệ đức tin và là lãnh đạo tối cao" của Giáo hội Anh, và vì vậy có những lời cầu nguyện cho bà trong Sách Cầu nguyện chung, có từ năm 1662. Một lời cầu nguyện trong số đó cầu xin chúa "cho bà ân điển Thánh Linh của ngài, cho bà có thể nương mình theo ý muốn của ngài và bước đi theo đường lối của ngài”.

    Những điều này dự kiến ​​được sửa đổi để trở thành lời cầu nguyện cho tân vương. Việc này phải được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc lệnh của hoàng gia. Các linh mục cũng có thể điều chỉnh lời cầu nguyện để sử dụng cho phù hợp với người bảo vệ đức tin mới, trong các buổi lễ ngày Chủ nhật và lễ chiều.

    5. Vũ khí hoàng gia

    Trên các khiên của binh sĩ hoàng gia có hình một con sư tử và một con kỳ lân. Hình ảnh này cũng được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan chính phủ và văn phòng phẩm. Bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ rất tốn kém, và dường như không cần thiết.

    Tuy nhiên, những biểu tượng này sẽ cần phải thay đổi nếu quốc vương mới quyết định thêm yếu tố đại diện cho xứ Wales trên tấm khiên để phù hợp với bất kỳ thay đổi nào đối với cờ hoàng gia.

    6. Giấy chứng nhận của hoàng gia

    Giấy chứng nhận hoàng gia của nữ hoàng hiện áp dụng cho hơn 600 doanh nghiệp có lịch sử cung cấp đồ gia dụng hoàng gia. Các thương hiệu thích sử dụng hình chứng nhận của nữ hoàng trên các tài liệu tiếp thị của họ, bao gồm đàn piano Steinway, ngũ cốc Jordans, rượu gin của Gordon, trang sức Swarovski, đến các dịch vụ sửa ống nước, làm vườn,...

    Sau cái chết của nữ hoàng, giấy chứng nhận của họ sẽ mất giá trị, trừ khi họ được người kế vị hoặc một thành viên khác của hoàng gia có quyền hạn ban cho một giấy chứng nhận mới.

    Điều này có thể không xảy ra nhanh chóng. Khi Hoàng thân Philip qua đời, những người có giấy chứng nhận hoàng gia từ ông được ân hạn hai năm. Một quốc vương mới có thể quyết định điều chỉnh các tiêu chí cần đáp ứng để được hoàng gia cấp chứng nhận.

    7. Hòm thư và tem

    Các hòm thư hoàng gia có ký hiệu ER của Nữ hoàng Elizabeth khó có thể bị xóa. Một số hòm thư có in ký hiệu GR của Vua George VI vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, sau 70 năm. Tuy nhiên, bưu điện sẽ thay đổi tem, sử dụng hình ảnh của nhà vua mới.

    nhung thay doi sau khi nu hoang qua doi 1
    Một hòm thư trên phố Regent, London, có ký hiệu của Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Alamy.

    8. Lời cam kết trung thành

    Các nghị sĩ không được phép ngồi trong nghị viện, phát biểu trong các cuộc tranh luận, bỏ phiếu, hoặc nhận lương trừ khi họ cam kết trung thành với quốc vương. Kể từ năm 1952, lời tuyên thệ trung thành là: “Tôi (tên người tuyên thệ) thề trước Chúa toàn năng rằng tôi sẽ tận tâm và hết lòng trung thành với Nữ hoàng Elizabeth, những người thừa kế và người kế vị bà, theo luật pháp. Xin giúp đỡ, thưa Chúa”.

    Các công dân mới của Anh cũng được yêu cầu tuyên thệ “trung thành hết lòng với Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị, những người thừa kế và kế vị của bà”, và Bộ Nội vụ có khả năng sẽ thay đổi lời tuyên thệ đó.

    9. Khối Thịnh vượng chung

    Nữ hoàng từ trần là một thời khắc bấp bênh đối với một số quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung rộng lớn của Anh, 14 quốc gia trong số đó công nhận quốc vương của Anh là nguyên thủ quốc gia của họ.

    Trong nhiều trường hợp, hiến pháp của họ quy định rằng Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia. Ở những nước này, hiến pháp sẽ cần được sửa đổi để đề cập đến người kế nhiệm bà. Tại các quốc gia như Jamaica, những thay đổi hiến pháp này cũng sẽ yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý, theo các chuyên gia của Khối Thịnh vượng chung.

    Ở Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tuvalu, Antigua và Barbuda, Bahamas, Grenada, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia và Saint Vincent và Grenadines, câu hỏi đặt ra xung quanh việc liệu quốc vương mới có thể bổ nhiệm hợp pháp một Toàn quyền hay không, trong trường hợp hiến pháp của quốc gia đó không được thay đổi để công nhận tân vương là nguyên thủ quốc gia thay cho nữ hoàng.

    Rất nhiều điều luật khác có chứa tên của nữ hoàng cũng sẽ cần được soạn thảo lại. Đây được xem là một quá trình phức tạp và tốn kém, đặc biệt là với các quốc gia nhỏ không có soạn giả luật pháp riêng.

    Ở một số quốc gia khác như Australia, Canada và New Zealand, tân vương sẽ tự động trở thành nguyên thủ quốc gia.

    Theo baonghean

  • Vua Charles III lúc còn là thái tử nổi tiếng với tính cách không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình với mọi thứ, nhưng ông có thể phải sửa đổi khi đã trở thành quốc vương.

    Không ít người chế nhạo và chỉ trích vị thái tử này can thiệp vào các vấn đề xã hội chẳng liên quan đến ông. Tuy nhiên Charles luôn tin rằng bản thân nên bày tỏ suy nghĩ trước vấn đề mà ông cảm thấy quan trọng với người Anh.

    Mặc dù vậy ông nhận thức được rằng thái tử và quốc vương là hai vai trò rất khác biệt. Trong một bộ phim tài liệu nhân dịp sinh nhật 70 tuổi của mình, ông Charles bác bỏ lo ngại khi đăng quang sẽ dựa vào quyền lực tuyên truyền quan điểm bản thân: “Ý nghĩ cho rằng tôi sẽ hành động như cũ thật ngu ngơ vì hai tình huống (hai vị trí quyền lực) hoàn toàn khác nhau”.

    skynews king charles st james palace 5893871
    Vua Charles trong buổi lễ tấn phong vào ngày 10-9.

    Trước câu hỏi liệu có tiếp tục hoạt động vận động công khai sau khi trở thành quốc vương hay không, ông trả lời: “Không. Tôi không ngu ngốc như vậy”.

    Nhiều năm qua Charles trung lập giữa phong cách quân chủ truyền thống mà mẹ ông tuân theo với phong cách hiện đại dễ gần hơn của người con trai William. Vì vậy, trong vị vua mới tồn tại mâu thuẫn giữa theo đuổi các quan điểm tự do xã hội với bản chất bảo thủ.

    Nhà báo Catharine Meyer trong cuốn sách viết năm 2015 tiết lộ các cận thần hoàng gia lo ngại Charles sẽ theo đuổi phong cách quân chủ cấp tiến, và đam mê của ông với vài vấn đề, đặc biệt là vấn đề môi trường, khiến Nữ hoàng Elizabeth II lẫn Điện Buckingham thấy bất an.

    “Vài cận thần, thậm chí cả Nữ hoàng lo lắng Hoàng gia Anh cùng thần dân không chịu được cú sốc từ cái mới. Họ cảm thấy Charles đặt đam mê lên trên nhiệm vụ hoàng gia”, theo nhà báo Meyer.

    Theo hiến pháp bất thành văn của Anh, gia đình hoàng gia không dính đến chính trị. Nữ hoàng Elizabeth II hiếm khi bày tỏ quan điểm cá nhân trong 70 năm trị vì.

    Người đi trước thời đại?

    Charles suốt 5 thập niên qua tích cực vận động cho những vấn đề ông quan tâm, nhận về cả lời khen ngợi lẫn sự phản đối.

    Phe ủng hộ tân vương nói rằng ông đi trước thời đại, suy nghĩ thấu đáo và muốn tận dụng vị thế của mình thu hút chú ý cho những vấn đề quan trọng. Phe chỉ trích lập luận ông dùng quan điểm bản thân ép buộc người khác dù họ không có cùng quan điểm.

    Bản thân ông Charles thừa nhận việc nêu ra ý tưởng không hợp thời, chẳng hạn như biến đổi khí hậu vào nhiều thập niên trước khi các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm đúng mức với vấn đề này khiến nhiều người lúc ấy chế giễu ông là “kẻ ngốc”.

    Ông nói với đài BBC về vấn đề môi trường: “Tôi quan tâm đến sự cân bằng và hài hòa. Chỉ bởi vì tôi gợi ý có cách tốt hơn, cách cân bằng và toàn diện hơn để giải quyết vấn đề mà tôi bị buộc tội can thiệp”.

    Một trong những thành tựu cá nhân lớn nhất của ông là lập ra tổ chức từ thiện Prince's Trust đào tạo kỹ năng cho thanh niên Anh để họ tìm được việc làm hoặc tự đứng ra kinh doanh. Được lập ra vào khoảng thời gian Anh chìm trong khủng hoảng thất nghiệp, Prince's Trust đã giúp đỡ được hơn 1 triệu người. Ông Charles nói rằng bỏ qua những vấn đề như vậy, đối với ông, là tội ác.

    Ông còn lên tiếng về kiến trúc, thẳng thắn tỏ ý không thích nhiều tòa nhà và thiết kế hiện đại. Charles từng nhận xét phần mở rộng của Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia ở London là “mụn nhọt quái dị trên mặt người bạn thanh lịch được nhiều người quý mến”.

    Ông Charles hiện thực hóa ý tưởng bản thân bằng khu dân cư Poundbury trên địa bàn thị trấn Dorchester. Khu dân cư được khởi công xây dựng vào năm 1987, dự kiến hoàn thành năm 2025. Người không thích thì đánh giá Poundbury là khu dân cư kiểu cổ giả tưởng. Người ủng hộ và cư dân Poundbury thì khẳng định đây là dự án cấp tiến, thành công.

    Ngoài Prince's Trust, ông Charles còn sáng lập thương hiệu Duchy Originals thúc đẩy sử dụng thực phẩm hữu cơ, bảo trợ cho Hiệp hội Đất trồng, cùng đội ngũ cố vấn viết sách Harmony: A New Way of Looking at Our World (tạm dịch: Hài hòa: Cách nhìn mới về thế giới chúng ta).

    Ông ủng hộ sự bền vững và nhiều lần cảnh báo loạt vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra đang thúc đẩy chiến tranh, khủng bố, di cư hàng loạt.

    Can thiệp chính trị

    Không chỉ về quan điểm, cách Charles nêu vấn đề với chính phủ Anh cũng gây tranh cãi. Năm 2013 xuất hiện thông tin tiết lộ trong vòng 3 năm trước đó ông họp với các bộ trưởng đến 36 lần.

    2 năm sau, một tòa án tối cao cho phép công khai hơn 40 lá thư mà Charles cùng đội ngũ cố vấn trao đổi với các bộ trưởng. Chủ đề trao đổi trải rộng từ giá nhà ở nông thôn, chất lượng thực phẩm trong bệnh viện, bảo tồn công trình lịch sử cho đến nguồn lực cho quân Anh đóng tại Iraq, số phận cá răng Patagonian...

    Năm 2014, ông Charles tạo ra sóng gió ngoại giao khi ví Tổng thống Nga Vladimir Putin với Adolf Hitler sau khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea.

    Gần đây nhất là vào tháng 6 năm nay ông hứng chịu phản ứng dữ dội do chỉ trích chính sách đưa người tị nạn đến Anh sang Rwanda định cư của chính phủ.

    Cây bút Tom Bower chuyên viết sách về Hoàng gia Anh nhận xét: “Ông ấy có quan điểm về thế giới và muốn áp đặt quan điểm này. Ông làm vậy theo mọi cách không phù hợp nên bị xem như kẻ nổi loạn. Nếu Charles là vị vua nổi loạn thì chế độ quân chủ sẽ lâm nguy”.

    Trong vai trò mới, Vua Charles III hằng tuần sẽ gặp Thủ tướng Anh bàn luận các vấn đề của chính phủ. Các phụ tá hoàng gia đang chờ xem tân vương liệu có can thiệp sâu hơn vào chính trị hay không.

    William Nye - cựu thư ký riêng của Charles, cho rằng tân vương sẽ noi gương mẹ và ông (Vua George VI) đồng thời dựa vào kinh nghiệm bản thân để trị vì.

    Tuy nhiên, tân vương từng tỏ ý có một số vấn đề ông sẽ không giữ im lặng. “Bạn bị buộc tội gây tranh cãi chỉ vì đang cố gắng thu hút sự chú ý vào thứ không cần phải nghĩ theo quan điểm truyền thống. Nhưng có quá nhiều việc cần phải đấu tranh”, ông Charles trả lời phỏng vấn nhân dịp sinh nhật 70 tuổi.

    Theo Một Thế Giới

  • Hội đồng Đăng quang họp tấn phong người kế vị ngai vàng Vương quốc Anh, Vua Charles III, tại cung điện St. James hôm nay theo nghi lễ truyền thống.

    "Thưa quý vị, tôi có nhiệm vụ đáng buồn là phải thông báo Nữ hoàng Elizabeth II đã qua đời ngày 8/9 tại lâu đài Balmoral", Chủ tịch Hội đồng Cơ mật, nghị sĩ Penny Mordaunt, phát biểu tại buổi lễ ở Cung điện St. James, London lúc 10h hôm nay (16h giờ Hà Nội). Hội đồng Đăng quang là cơ quan nghi lễ triệu tập trong vòng 24 giờ sau khi một vị vua qua đời, bao gồm các thành viên Hội đồng Cơ mật.

    vua charles iii duoc tan phong 1
    Vua Charles III trong lễ tấn phong ngày 10/9. Ảnh: AFP.

    Những người tham dự bao gồm Thái tử William, Vương hậu Camilla, Thủ tướng Liz Truss, Tổng giám mục Canterbury Justin Welby và 6 cựu thủ tướng Anh. Tất cả người tham dự đều mặc trang phục màu đen.

    Thái tử và Vương hậu đứng sau nghị sĩ Mordaunt khi bà đọc tuyên bố. Bản quốc ca "Chúa phù hộ Nữ hoàng" vang lên trong buổi lễ.

    Thư ký hội đồng sau đó thông báo chính thức tấn phong Vua Charles III.

    "Vương miện của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland được trao duy nhất và đúng đắn cho Thái tử Charles Philip Arthur George", thư ký hội đồng cho hay. "Do đó, chúng tôi tuyên bố Thái tử Charles Philip Arthur George trở thành Vua hợp pháp duy nhất của chúng ta".

    Thư ký kết thúc bằng câu "Chúa phù hộ Nhà vua" và các thành viên có mặt hô theo hưởng ứng.

    Các thành viên sau đó được mời ký vào bản tuyên bố và người đầu tiên ký là Thái tử William, sau đó là Vương hậu Camilla.

    Chủ tịch Hội đồng Mordaunt đưa ra 8 mệnh lệnh theo truyền thống, nhằm đảm bảo tin tức sẽ được truyền đi khắp vương quốc. Các mệnh lệnh bao gồm bắn đại bác và tuyên ngôn phải được xuất bản trên các công báo lịch sử ở London, Edinburgh và Belfast.

    Sang phần thứ hai của buổi lễ, những người tham gia bước sang căn phòng bên cạnh và chờ đợi Vua Charles III xuất hiện. Ngai vàng được đặt giữa phòng.

    "Nhiệm vụ đau buồn nhất của tôi là phải thông báo Nữ hoàng, người mẹ kính yêu của tôi, đã qua đời", Vua Charles phát biểu sau khi bước vào phòng.

    "Tôi biết mọi người và toàn thể quốc gia đau buồn đến thế nào. Tôi có thể nói rằng cả thế giới đồng cảm với tôi trước những mất mát không thể bù đắp mà tất cả chúng ta phải gánh chịu. Đó là niềm an ủi lớn nhất đối với tôi khi biết được sự đồng cảm của rất nhiều người dành cho gia đình tôi", ông nói thêm.

    Theo Vua Charles, Nữ hoàng Elizabeth đã nêu tấm gương về tình yêu và phụng sự quên mình. Triều đại của bà "vô song về thời gian, sự cống hiến và tận tụy".

    "Tôi nhận thức sâu sắc sự kế thừa to lớn này và những bổn phận, trách nhiệm nặng nề về chủ quyền đã được trao cho tôi hôm nay. Khi đảm nhận những trách nhiệm này, tôi sẽ cố gắng noi theo tấm gương đầy cảm hứng trong việc duy trì chính phủ hợp hiến và tìm kiếm hòa bình, hòa hợp, thịnh vượng của các dân tộc trên những hòn đảo này, cũng như của các lãnh thổ và lãnh thổ thịnh vượng chung trên toàn thế giới", ông tiếp tục. "Với mục đích này, tôi biết sẽ được ủng hộ bởi tình cảm và lòng trung thành của các dân tộc. Và khi thực hiện các nhiệm vụ này, tôi sẽ được chỉ dẫn bởi hội đồng nghị viện được bầu của họ".

    Tân vương cũng gửi lời cảm ơn vợ, Vương hậu Camilla và thông báo bàn giao các tài sản cho chính phủ.

    "Tôi nhân cơ hội này xác nhận thiện chí và ý định tiếp tục truyền thống bàn giao tài sản thừa kế, bao gồm cả tài sản quân vương, cho chính phủ vì lợi ích của tất cả để đổi lại khoản trợ cấp hỗ trợ nhiệm vụ chính thức của tôi với tư cách nguyên thủ quốc gia. Khi thực hiện trọng trách đã được giao, tôi sẽ cống hiến trong phần còn lại của cuộc đời. Tôi cầu mong sự chỉ dẫn và giúp đỡ của Chúa toàn năng", Vua Charles III nói khi kết thúc bài phát biểu.

    Vua Charles cho phép lưu hành bản tuyên ngôn tới Vương quốc và tuyên thệ duy trì an ninh của Giáo hội Scotland. Ông ngồi xuống ký và xác nhận đã tuyên thệ. Vương hậu Camilla và Thái tử William ký sau đó.

    Nhà vua chuẩn y sắc lệnh rằng lễ tang của cố nữ hoàng sẽ là ngày nghỉ làm việc tại Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland. Ngày tổ chức lễ tang vẫn chưa được ấn định.

    VnExpress (Theo Telegraph, Guardian)

  • Trước khi kết hôn với Thái tử Charles, bà Camilla có 2 con với người chồng đầu tiên. Họ có mối quan hệ thân thiết với anh em Hoàng tử William và Harry.

    con rieng cua ba camilla 1

    Tom Parker Bowles (47 tuổi) là con cả của tân Hoàng hậu Camilla từ cuộc hôn nhân đầu tiên. Anh là nhà phê bình ẩm thực, tác giả của nhiều cuốn sách dạy nấu ăn và giám khảo cho các chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực của Vương quốc Anh. Theo Town & Country, Thái tử Charles vừa là bố dượng, vừa là cha đỡ đầu của anh. “Ông ấy là người đàn ông ấm áp, thông minh, nhân văn và sẽ trở thành vị vua tuyệt vời”, Tom Parker Bowles từng nói với Express về Thái tử Charles.

    con rieng cua ba camilla 1

    Tom Parker Bowles có 2 con với vợ cũ - biên tập viên thời trang Sara Buys. Con gái của anh là Lola (sinh năm 2007) và con trai Freddy (sinh năm 2010). Trong lần phỏng vấn năm 2019, con trai tân Hoàng hậu Camilla từng nói về lễ Giáng sinh của gia đình. “Đến giờ, chúng tôi đều lái xe tới thăm mẹ và cha dượng vào dịp này. Họ cũng đến vào ngày Giáng sinh, ngay sau bài phát biểu của Nữ hoàng. Đó là truyền thống gia đình”.

    con rieng cua ba camilla 1

    Laura Lopes (44 tuổi) là con út và là con gái duy nhất của tân Hoàng hậu Camilla. Cô từng theo học trường nội trú Công giáo và Đại học Oxford Brookes trước khi bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật. Sau khi quản lý Phòng trưng bày Không gian ở London, Laura Lopes đồng sáng lập Eleven, phòng trưng bày mỹ thuật ở Belgravia, vào năm 2005. Một năm sau, cô kết hôn với Harry Lopes - cựu người mẫu Calvin Klein chuyển sang làm kế toán. Hoàng tử William và Harry đều có mặt trong đám cưới của họ.

    con rieng cua ba camilla 1

    Laura và Harry Lopes có 3 người con: Eliza (sinh năm 2008) cùng cặp song sinh Gus và Louis (sinh năm 2009). Con gái bà Camilla được cho là rất hòa thuận với những người anh em kế của mình. Bé Eliza Lopes từng là phù dâu trong đám cưới của Hoàng tử William và Công nương Kate vào năm 2011.

    con rieng cua ba camilla 1

    Nữ Công tước xứ Cornwall được cho là rất gần gũi với các con của mình. Bà thường nói về họ và những đứa cháu yêu quý tại các cuộc họp mặt hoàng gia trong những năm qua. Tuy nhiên, Tom Parker Bowles và Laura Lopes không hoàn toàn là thành viên của gia đình hoàng gia Anh. Không giống như các con trai của Thái tử Charles là Hoàng tử William và Harry, Tom Parker Bowles và Laura Lopes không có chỗ đứng trong hàng ngũ kế vị ngai vàng.

    con rieng cua ba camilla 1

    Sau khi Thái tử Charles nối ngôi cố Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người trị vì Vương quốc Anh và bà Camilla lên làm hoàng hậu, việc các con riêng của bà có nhận được danh hiệu hoàng gia nào không khiến nhiều người tò mò. Tuy nhiên, câu trả lời là không, theo Women’s Health Magazine. Tước vị của bà Camilla phụ thuộc vào Vua Charles III nên bà sẽ không truyền lại bất kỳ danh hiệu hoàng gia nào cho con cái.

    Theo Zing

  • Ngày làm việc trọn vẹn đầu tiên trên cương vị mới của Vua Anh Charles III đã bắt đầu với việc ông đến London để gặp thủ tướng và chuẩn bị cho bài phát biểu trước quốc gia vào tối nay (9/9).

    Theo báo Guardian, sau khi lưu lại lâu đài Balmoral qua đêm 8/9, Vua Charles sẽ cùng Hoàng hậu Camilla lên đường tới thủ đô. Ông đã có mặt ở Balmoral khi Điện Buckingham thông báo Nữ hoàng Elizabeth II băng hà tại đây chiều 8/9, thọ 96 tuổi. 

    ngay lam viec dau tien cua vua charles iii
    Tân Quốc Vương Anh Charles III. Ảnh: Mirror

    Đối với tân quốc vương, ông sẽ có rất ít thời gian dành cho việc để tang riêng tư. Khi đến London, nhà vua dự kiến sẽ gặp Bá tước thống chế Edward Fitzalan-Howard, Công tước xứ Norfolk để phê duyệt các kế hoạch hoạt động được lên lịch cẩn thận cho những ngày và tuần tới. 

    Vua Charles III dự kiến sẽ ghi âm sẵn một bài phát biểu trước quốc gia để phát sóng trên truyền hình vào đầu buổi tối 9/9 (theo giờ địa phương). Thủ tướng Liz Truss, người mới chỉ nhậm chức được 4 ngày, sẽ được mời đến Cung điện Buckingham để diện kiến nhà vua trong cùng ngày.

    Vua Charles III, 73 tuổi sẽ chính thức được công bố là quốc vương mới của Anh vào ngày 10/9, khi Hội đồng kế vị nhóm họp tại Cung điện St. James. Theo truyền thống, sự kiện sẽ diễn ra lúc 10h sáng và thông cáo sẽ do một quan chức giữ cương vị Vua vũ khí Garter, Hiệu trưởng trường Đại học vũ khí, đọc ngoài trời, từ trên ban công của cung điện.

    Sau đó sẽ có một cuộc họp hiếm hoi vào thứ Bảy của Quốc hội Anh, nơi các nghị sĩ cấp cao tuyên thệ trung thành với nhà vua từ lúc 14h chiều cùng ngày. Tiếp đến là các thủ tục gửi lời chia buồn, dự kiến sẽ kéo dài đến 22h tối.

    Phiên họp sẽ kết thúc bằng một "bài diễn văn trang trọng" gửi tới tân quốc vương, "bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của cơ quan lập pháp", theo một tuyên bố của Hạ viện. Mọi nghị sĩ sẽ được quyền lựa chọn tuyên thệ trung thành với nhà vua nhưng không bắt buộc phải làm việc đó.

    Trong một tuyên bố hôm 8/9, Vua Charles III bày tỏ: “Cái chết của người mẹ yêu dấu của tôi, Nữ hoàng, là thời điểm đau buồn lớn nhất đối với tôi và tất cả các thành viên trong Hoàng gia. Chúng tôi vô cùng thương tiếc sự ra đi của một vị quốc vương đáng kính, một người mẹ rất mực yêu thương. Trong giai đoạn tang tóc và thay đổi này, tôi và gia đình sẽ được an ủi bởi sự tôn trọng và tình cảm sâu sắc dành cho Nữ hoàng từ khắp đất nước, các địa hạt và Khối thịnh vượng chung, của rất nhiều người trên khắp thế giới”.

    Theo Vietnamnet

  • Charles AFP

    Sau khi Nữ hoàng Elizabeth băng hà, Thái tử Charles sẽ ngay lập tức trở thành nhà vua, điện Clarence House xác nhận tước vị chính thức của ông là Vua Charles III.

    “Hôm nay, vương miện được truyền cho quốc vương mới, như truyền thống trong hàng ngàn năm qua. Nguyên thủ mới của chúng ta: Đức Vua Charles III”, Thủ tướng Anh Liz Truss thông báo.

    “Cùng với Hoàng gia, chúng ta tiếc thương sự ra đi của Nữ hoàng. Trong khi tiếc thương, chúng ta cần đoàn kết lại để hỗ trợ ông ấy, để giúp nhà vua gánh vác trách nhiệm nặng nề mà ông ấy phải gánh vác cho tất cả chúng ta”, Thủ tướng Truss phát biểu.

    Kế thừa ngôi vị từ mẹ, Vua Charles cũng sẽ kế thừa những trách nhiệm và đặc ân, ngoại trừ việc không được đội vương miện trước lễ đăng cơ.

    Sẽ có nhiều thủ tục được thực hiện sau khi ông Charles kế vị. Bước đầu tiên là gặp Hội đồng kế vị, gồm các quan chức từ Hội đồng cơ mật, trong đó có các bộ trưởng cấp cao của nội các, các thẩm phán và lãnh đạo nhà thờ. Đó là khi ông Charles chính thức được tuyên bố là nhà vua mới.

    Nhà vua sẽ tuyên thệ trước Hội đồng cơ mật về bảo vệ Nhà thờ Scotland. Tiếp theo là lễ tuyên bố công khai tại Cung điện St James ở London và nhiều địa điểm khác ở Edinburgh, Scotland, Cardiff, Wales, và Belfast, Ireland.

    Lễ đăng cơ chính thức của Vua Charles sẽ không diễn ra ngay. Lễ lên ngôi của Nữ hoàng Elizabeth diễn ra 16 tháng sau khi cha bà là Vua George VI băng hà.

    “Lễ đăng cơ thường kéo dài cả năm vì còn để thời gian để tang”, Kate Williams, một giáo sư sử học tại ĐH Reading, cho biết.

    Lễ đăng cơ chính thức sẽ diễn ra tại Tu viện Westminster, theo truyền thống suốt 900 năm qua.

    Hoàng hậu và các con

    Sau khi ông Charles trở thành vua, bà Camilla – phu nhân của ông, cũng sẽ có tước hiệu mới: Hoàng hậu Camilla.

    Sau khi Anh có vua mới, hàng kế vị của Hoàng gia Anh sẽ ngắn lại, đứng đầu là Hoàng tử William, sau đó là 3 con, gồm Hoàng tử George, Công chúa Charlotte, và Hoàng tử Louis.

    Con trai thứ hai của Vua Charles là Hoàng tử Harry đứng thứ 5 trong hàng kế vị, tiếp nối là hai con Archie Harrison Mountbatten-Windsor và Lilibet Diana Mountbatten-Windsor.

    Charles AFP
    Thứ bậc kế vị ngai vàng sau khi Nữ hoàng Anh qua đời.

    5 trong số 7 người kế vị gần nhất là những đứa trẻ, ngoại trừ Hoàng tử William và Hoàng tử Harry. Người thừa kế sau ông William là người con cả - Hoàng tử George, 9 tuổi.

    Quy định không giới hạn độ tuổi đăng quang, nhưng trẻ em sẽ không được làm các nhiệm vụ của một quốc vương cho đến khi 18 tuổi. Do đó, nếu Hoàng tử George đăng quang trước 18 tuổi, việc nhiếp chính sẽ được giao lại cho người kế vị gần nhất trong hàng chờ đủ tuổi quy định.

    George đang học tại Trường Lambrook gần Windsor, cùng hai người em, cũng là hai người kế vị sau George, là Công chúa Charlotte (7 tuổi) và Hoàng tử Louis (4 tuổi) - người đã tạo dấu ấn trong Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II với nhiều biểu cảm đáng yêu.

    Tiền Phong (theo People)

  • Vua Charles III, người vừa trở thành vị vua mới của vương quốc Anh khi mẹ ông là Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, sẽ có thời gian dài chuẩn bị cho lễ đăng quang.

    Truyền thông Anh cho hay, sẽ mất một thời gian trước khi Vua Charles III chính thức đội vương miện. Theo Daily Mail, lễ đăng quang có thể sẽ diễn ra trong năm tới, trước mùa thu năm 2023.

    Theo AP, một số thủ tục diễn ra trước lễ đăng quang. Bước đầu tiên là cuộc họp hội đồng gồm các quan chức cố vấn của nhà vua, các bộ trưởng cấp cao của nội các, thẩm phán và nhà lãnh đạo của Giáo hội Anh. Hội đồng sẽ chủ trì nghi lễ chính thức tuyên bố ông Charles là vua mới.

    Lễ đăng quang của ông Charles có thể diễn ra tại Tu viện Westminster, nơi các lễ đăng quang khác được tổ chức trong 900 năm qua.

    Vua Charles III dang quang

    Tổng giám mục Canterbury Justin Welby sẽ tiến hành nghi lễ. Vua Charles III sau đó tuyên thệ đăng quang, được xức dầu thánh, đội vương miện và chính thức lên ngôi. Vương miện của hoàng gia đã được điều chỉnh để phù hợp với Nữ hoàng Elizabeth II năm 1953 và có thể cần phải trải qua một lần chỉnh sửa khác cho lễ đăng quang của ông Charles.

    Ngoài ra, tân quốc vương sẽ tuyên thệ trước hội đồng về việc bảo vệ Nhà thờ Scotland. Tiếp theo là tuyên bố công khai thẩm quyền mới, sẽ được đọc tại cung điện St James ở London cũng như các địa điểm khác nhau ở Edinburgh, Scotland, Cardiff, Wales và Belfast, Ireland.

    Trên thực tế, lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II diễn ra 16 tháng sau khi bà lên ngôi ngày 6/2/1952.

    Lễ đăng quang của Elizabeth năm 1953 là sự kiện lớn, được đài BBC truyền hình trực tiếp trên truyền hình, thu hút khoảng 20 triệu khán giả cả nước. Buổi lễ của Vua Charles III sẽ là chương trình phát sóng trực tiếp thứ ba về lễ đăng quang và được chiếu trên toàn thế giới. Dự kiến nhiều chức sắc và nguyên thủ quốc gia tham dự sự kiện này. Tuy nhiên, vua Charles cũng thể hiện mong muốn tổ chức lễ đăng quang gọn gàng, mang hơi hướng hiện đại hơn. 

    Khi Vua Charles III nhận danh hiệu mới, vợ của ông, Camilla, Nữ công tước xứ Cornwall, cũng sẽ nhận danh hiệu mới là vương hậu. 

    Theo VTC

  • Bà Camilla - nữ công tước xứ Cornwall - sẽ trở thành hoàng hậu khi Thái tử Charles chính thức nối ngôi Nữ hoàng Anh dựa trên “mong muốn chân thành” trước đó của bà Elizabeth II.

    Hồi tháng 2, trong thông điệp công bố trước lễ kỷ niệm 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II thể hiện “mong muốn chân thành” rằng vợ của Thái tử Charles sẽ trở thành hoàng hậu khi ông lên ngôi.

    “Mong ước chân thành của tôi là khi con trai tôi Charles trở thành quốc vương, Camilla sẽ được biết đến là hoàng hậu trong lúc cô ấy tiếp tục phụng sự cho hoàng gia”, Guardian trích thông điệp của Nữ hoàng Anh trong thư.

    ba camillia len ngoi hoang hau
    Về lý thuyết, bà Camilla sẽ mang tước hiệu hoàng hậu khi phu quân bà, Thái tử Charles, lên ngôi vua, trừ khi có luật ngăn cản. Ảnh: AP.

    Sau khi Nữ hoàng Anh đăng tải thông điệp của mình, Thái tử Charles cũng có phản hồi chính thức. Theo đó, ông bày tỏ: "Trong khi chúng tôi cùng nhau nỗ lực để phụng sự và hỗ trợ Nữ hoàng cùng mọi người trong cộng đồng, thì người vợ yêu quý của tôi đã luôn luôn là chỗ dựa vững chắc của riêng tôi".

    Bên cạnh việc tỏ rõ thái độ sau khi Nữ hoàng Anh khẳng định việc bà Camilla sẽ có tước hiệu Hoàng hậu, đây cũng là lần hiếm hoi mà Thái tử Charles công khia thể hiện tình cảm với vợ khi gọi bà là "vợ yêu của tôi - my darling wife". Đây được coi là thông điệp chính thức, cho thấy tình cảm và sự coi trọng mà ông dành cho vợ suốt nhiều năm. 

    Trong thông báo nữ hoàng qua đời, website của Điện Buckingham dùng danh hiệu "hoàng hậu" khi nhắc tới bà Camila, theo CNN ngày 9/9.

    Từ lâu, Thái tử Charles đã hy vọng phu nhân Camilla sẽ có tước hiệu hoàng hậu. Về lý thuyết, bà Camilla sẽ mang tước hiệu này khi phu quân bà, Thái tử Charles, lên ngôi vua, trừ khi có luật ngăn cản.

    Tuy nhiên, khi bà kết hôn với Thái tử Charles vào năm 2005, các cố vấn hoàng gia khẳng định bà không muốn trở thành hoàng hậu và chỉ muốn được gọi là vương phi - danh hiệu không mấy rõ ràng.

    Nguyên nhân của động thái này được cho là thái độ không mấy thiện cảm của người dân tại thời điểm ấy đối với bà Camilla. Trước khi lấy bà Camilla, Thái tử Charles từng kết hôn với Công nương Diana.

    Trong cuộc phỏng vấn với BBC hồi năm 1995, công nương xứ Wales từng nói rằng “có tới 3 người chúng tôi trong cuộc hôn nhân này”, đề cập tới thái tử và bà Camilla.

    Sau cái chết của Công nương Diana vào năm 1997, phải mất hai năm để người thừa kế ngai vàng và bạn đời của ông lần đầu xuất hiện trước công chúng, tham gia bữa tiệc sinh nhật em gái bà Camilla tại khách sạn Ritz ở London.

    Một năm sau đó, Nữ hoàng Elizabeth II báo hiệu sự chấp thuận mối quan hệ này khi đồng tình đi ăn trưa cùng hai người. Cặp đôi kết hôn vào ngày 9/4/2005.

    Hồi năm 2005, Hoàng tử Harry cũng ngỏ ý chấp nhận bà Camilla khi mô tả bà là “người phụ nữ tuyệt vời. Bà ấy đã làm cho cha chúng tôi rất, rất hạnh phúc. Đó là điều quan trọng nhất”.

    Zing (theo Guardian)

  • Thái tử Charles đã chính thức trở thành Quốc vương của Vương quốc Anh vào ngày buồn nhất trong cuộc đời ông, khi Nữ hoàng Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 96.

    Điện Clarence House ngày 8-9 xác nhận Thái tử Charles, 73 tuổi và là trưởng nam của Nữ hoàng Elizabeth II - trở thành vua mới của Vương quốc Anh, gọi là Vua Charles III. Nhà vua cũng sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia của 14 nước khác trong khối Thịnh vượng chung. Tuy nhiên thông báo không công bố thời điểm tổ chức lễ đăng quang cho nhà vua.

    Thai tu Charles thanh Vua nuoc Anh
    Thái tử Charles đã chính thức trở thành Quốc vương của Vương quốc Anh. Ảnh: Dan Kitwood/POOL

    Thông báo trên đưa ra ngay sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 tại lâu đài Balmoral ở Scotland. Trong thông báo trước đó của Điện Buckingham về sự qua đời của Nữ hoàng cũng đề cập danh hiệu Nhà vua và Hoàng hậu dành cho tân vương Charles và phu nhân Camilla - Nữ Công tước xứ Cornwall.

    “Nữ hoàng đã ra đi yên bình tại Balmoral vào chiều nay. Nhà vua và Hoàng hậu sẽ ở lại Balmoral trong tối nay và sẽ quay về London vào ngày mai” - thông báo cho hay.

    Sau đó không lâu, Hoàng gia Anh đăng tải tuyên bố đầu tiên của Quốc vương Charles III về sự ra đi của Nữ hoàng. Vị tân vương chia sẻ: “Sự ra đi của Người mẹ kính yêu, Nữ hoàng điện hạ, là một khoảnh khắc đau buồn nhất với tôi và tất cả thành viên gia đình".

    “Chúng tôi vô cùng thương tiếc về sự ra đi của một vị Quân chủ đáng kính và Người mẹ được nhiều người yêu mến. Tôi biết sự ra đi của bà ấy sẽ được cảm nhận sâu sắc trên khắp đất nước, các vùng lãnh thổ và Khối Thịnh vượng cũng như vô số người dân trên khắp thế giới” - ông cho hay.

    Thái tử Charles là người kế thừa ngai vàng lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Anh.

    Trong bài phát biểu về sự ra đi của Nữ hoàng, Thủ tướng Anh Liz Truss, người được Nữ hoàng bổ nhiệm hôm 6-9, kêu gọi người dân ủng hộ tân vương.

    “Trong lúc chúng ta thương tiếc [về sự ra đi của Nữ hoàng], chúng ta cần phải đoàn kết cùng nhau để ủng hộ nhà vua, giúp ngài gánh vác trách nhiệm tuyệt vời mà ngài hiện đang nắm giữ. Chúng ta cống hiến lòng trung thành và sự tận tâm đối với ngài ấy giống như mẹ của ngài đã cống hiến trong một quãng thời gian dài" - bà Truss phát biểu.

    Nhà vua Charles III sinh vào ngày 14-11-1948 tại Cung điện Buckingham vào năm trị vì thứ 12 của Vua George VI, cha của Nữ hoàng Elizabeth II. Vào năm ba tuổi, ông đã trở thành người thừa kế ngai vàng sau khi mẹ của ông trở thành Nữ hoàng vào năm 1952.

    Theo Plo