UK có chủ quan, không đeo khẩu trang dù 5 người đã tử vong vì Covid-19?

Các bộ trưởng Anh nói chưa cần hủy các sự kiện tập trung đông người.

Dịch Covid-19 đang lan nhanh ở châu Âu, với số ca nhiễm và ca tử vong tăng chóng mặt, đặc biệt là ở Ý nơi hơn 60 triệu người đang sống trong điều kiện phong tỏa.

Nhiều người Việt ở sinh sống và học tập ở Anh ngạc nhiên và có phần bức xúc trước cách đối phó với dịch bệnh của chính phủ cũng như người dân Anh.

"Anh toang rồi", "Bọn Tây chủ quan quá, không biết sợ" ... là quan sát của không ít người Việt đang sống tại Anh.

Vậy cách nhìn nhận về dịch bệnh của chính phủ Anh và người dân Anh ra sao? Có gì khác với Việt Nam?

Chính phủ Anh đưa ra kế hoạch phòng chống dịch virus corona gồm bốn giai đoạn - contain, delay, research and mitigate:

- Kiểm soát: phát hiện sớm các ca nhiễm, tìm những người có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh và ngăn chặn dịch lan tràn rộng trong cả đất nước trong thời gian dài nhất có thể.

- Làm chậm: làm chậm sự lây lan của dịch ở Anh, nếu dịch lan rộng, làm dịu ảnh hưởng của đỉnh điểm dịch và đẩy đỉnh xa khỏi mùa đông

- Nghiên cứu: hiểu rõ hơn về virus và các biện pháp làm giảm tác động lên người dân Anh; cải tiến phản ứng với dịch bao gồm chẩn đoán, thuốc điều trị và vaccine; dùng bằng chứng để cung cấp thông tin cho việc phát triển các hình thức chăm sóc người bệnh hiệu quả nhất

- Giảm nhẹ, chữa trị: chăm sóc những người bị bệnh tốt nhất có thể, hỗ trợ các bệnh viện nhằm duy trì các dịch vụ then chốt và đảm bảo hỗ trợ lâu dài cho những người ốm trong cộng đồng để giảm tác động chung của dịch bệnh lên toàn xã hội, các dịch vụ công và nền kinh tế. 

Biển điện tử khuyến cáo người dân rửa tay trong 20 giây của NHS tại một ga tàu điện ngầm ở London.

Virus sẽ lây lan nhưng chưa đến lúc sang giai đoạn hai

Sáng ngày 9/3, Ủy ban Cobra, cơ chế họp liên ngành cao cấp nhất do thủ tướng chủ trì chuyên đối phó với các tình huống khẩn cấp của chính phủ Anh, vừa họp.

Đây là cuộc họp lần hai, và trong ngày, chính phủ Anh vẫn tiếp tục các biện pháp trong giai đoạn một - tức là containment - ngăn chặn lây lan.

Các biện pháp 'giữ khoảng cách trong giao tiếp' của công chúng làm chậm lây lan của dịch đã được bàn tới, nhưng chưa được thực hiện ngay, các bộ trưởng quyết định.

Tuy nhiên, Phủ Thủ tướng - Số 10 Phố Downing chấp nhận rằng virus 'sẽ lan ra một cách đáng kể'.

Họ nói thủ tướng Anh "sẽ được hướng dẫn bởi nhứng lời khuyên khoa học tốt nhất" nhưng hiện giờ chưa cần hủy các sự kiện thể thao lớn hay đóng cửa trường học.

Chính phủ Anh tuần trước tuyên bố chi 46 triệu bảng Anh để nghiên cứu và phát triển vaccine và cách xét nghiệm nhanh.

Thời điểm cuối mùa đông, đầu xuân ở Anh là khi có nhiều người ốm vì cúm mùa và các bệnh theo mùa khác.

Trì hoãn thời điểm dịch lên đỉnh điểm (peak) là mục tiêu của giai đoạn I. Anh Quốc hy vọng nếu làm tốt công tác này thì sẽ giảm được áp lực lên hệ thống y tế vốn đã gần như quá tải. Nếu trì hoãn đỉnh của dịch tới mùa hè, tỷ lệ lây nhiễm có thể sẽ giảm nhiều.

Trong giai đoạn II, chính phủ Anh sẽ khuyến cáo người dân giữ khoảng cách trong giao tiếp, và có thể thực hiện các biện pháp sau:

- Đóng cửa trường học. Áp dụng luật mới cho phép tăng số lượng học sinh cho mỗi lớp trong tình huống thiếu giáo viên xảy ra.

- Hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

- Tăng cường làm việc từ xa

- Ngừng các hoạt động có tụ tập đông người.

- Quân đội hỗ trợ các dịch vụ khẩn cấp.

- Cảnh sát tập trung vào kiểm soát trật tự công cộng và những trường hợp phạm tội nghiêm trọng nhất.

- Luật mới cho phép chính phủ có quyền bắt người dân đi cách ly

Dân Anh không 'đồng lòng'

Ở một xã hội dân chủ với nhiều sắc dân, người dân Anh có quan điểm đa chiều và rất khác nhau về dịch bệnh.

Đơn cử như chuyện đóng cửa trường học. Trong khi ở Việt Nam, số đông ủng hộ chuyện đóng cửa trường trên diện rộng sau Tết Nguyên Đán, thì ở Anh cho tới thời điểm này, khi số ca nhiễm đã khoảng 321, nhiều người vẫn chưa thấy cần thiết phải làm như vậy.

Một thực tế là khi trường học đóng cửa, nhiều cha mẹ, trong đó có nhân viên y tế, sẽ phải ở nhà trông con. Nếu vậy, các phòng khám và bệnh viện ở Anh, vốn đang phải đối mặt với áp lực rất lớn vì đông bệnh nhân và thiếu nhân viên, sẽ lại càng khó khăn trong việc đối phó với dịch bệnh.

Nhiều phụ huynh không muốn nghỉ ở nhà trông con khi chưa thật cần thiết vì lo mất thu nhập hay mất ngày nghỉ phép quý giá.

Hay như chuyện đưa tin về dịch bệnh. Trong vài tuần qua, những bài viết về corona virus trên trang BBC News tiếng Anh luôn đứng đầu trong những bài được nhiều người đọc nhất.

Nhưng cũng có không ít người chỉ trích truyền thông Anh đã 'reo giắc nỗi sợ' (scaremongering). Họ cho rằng hàng năm ở Anh có hàng ngàn người chết vì cúm mùa, thì tại sao lại phải quan tâm lo lắng nhiều về dịch Covid-19 đến thế.

Hãy thử xem các bình luận trong một bài báo về cuộc họp của chính phủ bàn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Tony Goode: Ý đã phong tỏa vùng Lombardy, thế nhưng các chuyến bay từ khu vực này lại được phép hạ cánh xuống sân bay Heathrow mà không có kiểm soát gì. Chính phủ này không biết gì hết.

Gemma Dowling: Đóng cửa trường sẽ không giúp ích gì, bạn không thể nhốt trẻ con trong nhà ba tuần được. Chỉ còn ba tuần nữa là đến kỳ nghỉ Lễ Phục sinh rồi. Còn những phụ huynh làm việc cho NHS thì sao? Con họ ở nhà và họ không thể đi làm được. Chắc chắn là chúng ta cần họ ở bệnh viện để chữa bệnh cho người khác. Hãy tạm ngưng cho mọi người bay ra hay bay vào nước Anh sẽ là một biện pháp xuất phát điểm tốt để kiểm soát virus.

Gill Maddock: Dường như BBC chỉ nhăm nhăm làm cho dân tình phát hoảng. Đặt câu hỏi 'Nếu như'? Cứ ném các câu hỏi cho chính trị gia và các chuyên gia mỗi khi họ được phỏng vấn. Hãy thôi đi.

Thực trạng phòng chống dịch

Ở Anh, người dân cho đến thời điểm viết bài là ngày 9/3 vẫn đi lại, sinh hoạt khá bình thường. Gần như không ai đeo khẩu trang, các trường học vẫn mở và đa số người dân vẫn "keep calm and carry on" (bình tĩnh mà sống).

Người dân Anh được khuyên nếu cảm thấy không khỏe và nghi mình có triệu chứng Covid-19, hãy gọi điện cho đường dây nóng 111 nhưng đừng tự ý đến các phòng khám, hiệu thuốc hay bệnh viện.

Một số siêu thị có quầy dược phẩm như Tesco, Asda chỉ bán hạn chế thuốc cảm cúm, giảm đau - loại không cần đơn của bác sĩ - cho mỗi người mua để tránh tình trạng đầu cơ, gây khan hiếm.

Tổng đài 111 không đủ người trực trong tuần đầu mới có dịch ở Anh, và có không ít trường hợp phàn nàn khi họ gọi đến xin xét nghiệm Covid-19 mà không được, hoặc phải mất rất lâu mới được chỉ dẫn.

Sau khi xét nghiệm, cũng có trường hợp phải chờ tới cả tuần mới được biết kết quả trong khi vẫn tự cách ly ở nhà.

Nếu muốn đến gặp nhân viên y tế để khám, người ta không vào bệnh viện mà đến các quầy đóng kín (NHS virus pod) gần đó, tự liên lạc rồi sẽ có người ra tiếp xúc qua quần áo bảo hộ và hướng dẫn làm xét nghiệm virus.

700 nhân viên đã được thuê thêm để trực đường dây nóng này, sau khi số cuộc gọi tăng hơn 30% hồi tuần cuối tháng hai, so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ cũng xem xét việc đưa các nhân viên y tế đã nghỉ hưu quay lại làm việc trong trường hợp dịch bùng phát mạnh.

Dịch Covid-19 đưa ra thách thức chưa có tiền lệ về y tế cho tất cả các quốc gia, trong đó có Anh quốc.

Đưa ra biện pháp nào vào lúc nào để tiết kiệm nguồn lực, giảm thiểu thiệt hại đến sức khỏe người dân, giảm tác động kinh tế xã hội là bài toán không dễ cho các chính phủ.

Theo BBC News Tiếng Việt