Cứ 1,000 người ở Anh, lại có 2 người đang sống đời nô lệ

Theo một báo cáo từ năm 2018, hàng chục ngàn nô lệ có thể đang sống ở Anh.

Một nghiên cứu về tình trạng nô lệ thời hiện đại của Tổ chức Walk Free cho biết có thể có hai nô lệ trên mỗi 1.000 người đang sinh sống ở Anh – tổng cộng 136.000 nạn nhân trên khắp đất nước.

Tổ chức cũng cho rằng người tiêu dùng Anh có thể vô tình mua hàng tỷ bảng hàng hóa được sản xuất bởi những người bị mắc kẹt trong tay những kẻ buôn bán nô lệ ở các quốc gia khác.

Vương quốc Anh nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 14 tỷ bảng Anh (18 tỷ đô la) mỗi năm mà Walk Free tin rằng có khả năng cao được tạo ra bởi lao động nô lệ - bao gồm các thiết bị điện tử như máy tính xách tay và điện thoại di động, quần áo, cacao, mía và thậm chí cả cá. Sản xuất cacao là một ngành có tỷ lệ lao động nô lệ đặc biệt cao.

Báo cáo tập trung vào phân tích tình hình ở các nước G20 và đưa ra kết luận rằng các nước G20 cùng nhau nhập khẩu khoảng 271 tỷ bảng (354 tỷ đô la) các sản phẩm có thể được tạo ra bởi nô lệ.

Chỉ có bảy trong số các nước G20, bao gồm Vương quốc Anh, đã ban hành luật thể hiện nỗ lực giảm thiểu tác động của chế độ nô lệ hiện đại lên chuỗi cung ứng.

Báo cáo lưu ý: "Đạo luật Nô lệ Hiện đại của Anh (MSA) đã được mô tả như một 'người thay đổi cuộc chơi' với mục tiêu giải quyết chế độ nô lệ hiện đại và đòi hỏi sự minh bạch về chế độ nô lệ hiện đại trong chuỗi cung ứng."

MSA yêu cầu tất cả các công ty cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ ở Anh mà có doanh thu từ 36 triệu bảng trở lên phải nộp một báo cáo hàng năm, trong đó giải thích cách họ giải quyết chế độ nô lệ trong chuỗi cung ứng của họ.

Kevin Hyland, ủy viên chống nô lệ độc lập của Vương quốc Anh, cho biết đạo luật này đã thành công trong việc nâng cao nhận thức về chế độ nô lệ và đã tăng số lượng nô lệ được phát hiện hàng năm.

Ông nói thêm: "Không thể chấp nhận được rằng chế độ nô lệ hiện đại tiếp tục tồn tại với rủi ro bị phát hiện thấp và lợi nhuận cao, khiến nó trở thành tội ác được những kẻ tội phạm ưa chuộng."

Trong một bài tiểu luận được công bố cùng với báo cáo, Fiona David, giám đốc điều hành nghiên cứu toàn cầu của Walk Free Foundation, nói: "Chỉ số nô lệ toàn cầu năm 2018 xác nhận rằng các chính phủ đang thực hiện nhiều phương án mà chúng tôi yêu cầu để giải quyết chế độ nô lệ hiện đại – bao gồm thắt chặt luật pháp, đào tạo cảnh sát, cung cấp dịch vụ và nơi trú ẩn cho nạn nhân và buộc các doanh nghiệp minh bạch trong chuỗi cung ứng của họ. "

Nhưng cô cũng chỉ ra rằng luật pháp sẽ có ít tác động nếu không được chấp hành và thực thi, trong khi công cuộc đào tạo cảnh sát cũng là vô giá trị nếu quan tòa có thể bị mua chuộc.

Cô David cũng chỉ trích Hoa Kỳ vì đã rút khỏi các cuộc thảo luận tại Liên Hợp Quốc về vấn đề người tị nạn và di cư.

10 quốc gia có số lượng nô lệ hiện đại cao nhất:

1. Triều Tiên

2. Eritrea (châu Phi)

3. Cộng hòa Burundi (châu Phi)

4. Cộng hòa Liên bang Trung Mỹ

5. Afghanistan

6. Cộng hòa Hồi giáo Mauritania (châu Phi)

7. Nam Sudan

8. Pakistan

9. Cam-pu-chia

10. Iran

10 quốc gia có chính sách chống nô lệ hiện đại mạnh mẽ nhất:

1. Hà Lan

2. Hoa Kỳ

3. Vương quốc Anh

4. Thụy Điển

5. Bỉ

6. Croatia

7. Tây Ban Nha

8. Na Uy

9. Bồ Đào Nha

10. Cộng hòa Montenegro (châu Âu)

VietHome (Theo Sky News)