Người xin tị nạn có thể đóng góp 42 triệu bảng cho nước Anh nếu được cho phép làm việc

Mới đây, liên minh hoạt động yêu cầu chấm dứt lệnh cấm làm việc đối với người xin tị nạn có tên gọi Lift The Ban cho biết nếu các quy định giới hạn được bãi bỏ, người xin tị nạn có thể đóng góp đến 42 triệu bảng cho nền kinh tế Anh.

Người đang xin tị nạn ở Anh chỉ được phép làm việc nếu họ đã nộp đơn xin được ít nhất 12 tháng và có thể làm việc trong các lĩnh vực thiếu hụt lao động, bao gồm các vị trí như vũ công ba-lê hay chuyên viên địa vật lý.

2835

Điều này đồng nghĩa với việc người xin tị nạn hầu như bị cấm làm việc trong thời gian chờ đợi kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm, cho quyết định tị nạn của mình. Họ buộc phải xoay sở với mức trợ cấp vỏn vẹn 5.39 bảng mỗi ngày của chính phủ.

Liên minh Lift The Ban là sự kết hợp của 80 tổ chức bao gồm các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu chính sách, hãng kinh doanh và nhóm tôn giáo. Tổ chức đang tiến hành kêu gọi chính phủ cho phép người xin tị nạn cùng những người phụ thuộc có quyền được làm việc sau sáu tháng nộp hồ sơ và không còn bị giới hạn bởi danh sách các nghề nghiệp thiếu nhân công.

Mục tiêu Bộ Nội vụ đặt ra là có thể xử lý mỗi hồ sơ xin tị nạn trong vòng sáu tháng, nhưng trên thực tế, 48% hồ sơ vượt quá thời hạn này.

Phát ngôn viên của liên minh, ông Stephen Hale, giám đốc điều hành tổ chức Refugee Action, cho biết: “Thật điên rồ khi những con người vừa vật lộn thoát khỏi hiểm nguy, mâu thuẫn và bạo lực lại không được phép làm việc sau khi đến được nước Anh. Quy định này đang hủy hoại họ, khiến quá trình hội nhập của họ trở nên khó khăn hơn và có hại cho cả nền kinh tế lẫn tài chính công của nước Anh. Yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm làm việc đang được công chúng ủng hộ nhiệt tình.

“Nhiều người xin tị nạn tâm sự với chúng tôi họ có cảm giác bản thân thật vô dụng và việc không thể sử dụng năng lực của mình vào bất cứ việc gì trong một thời gian dài khiến họ trở nên lệ thuộc. Họ muốn cống hiến cho đất nước này, đất nước đã và đang bảo vệ họ. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi. Chúng tôi kêu gọi chính phủ hãy hành động nhanh chóng để trao quyền được làm việc cho người xin tị nạn.”

Trong một bản báo cáo được sử dụng làm minh chứng cho lời kêu gọi này, Lift The Ban ước tính nếu một nửa trong tổng số 11,000 người xin tị nạn từ 18 tuổi trở lên được làm việc toàn thời gian với mức lương tối thiểu theo quy định, chính phủ có thể nhận được 31.6 triệu bảng tiền thuế và bảo hiểm NIC mỗi năm. Đồng thời, chính phủ cũng tiết kiệm được 10.8 triệu bảng tiền trợ cấp.

Khoảng 94% người xin tị nạn khi được hỏi đã trả lời rằng họ muốn làm việc nếu được cho phép, 74% có bằng giáo dục phổ thông hoặc cao hơn và 37% có bằng đại học hoặc sau đại học. Trong khi đó, tổng số người dân Anh có bằng đại học hoặc sau đại học chỉ nhỉnh hơn một chút ở mức 42%.

Báo cáo cho biết các nhà nghiên cứu không mấy tin tưởng vào viễn cảnh này, trong đó một nghiên cứu được hỗ trợ bởi Bộ Nội vụ cho thấy không có hoặc có rất ít bằng chứng chứng minh mối liên hệ giữa quyền lợi kinh tế và điểm đến mà người xin tị nạn lựa chọn.

Tuy nhiên, theo khảo sát của viện nghiên cứu British Future, người dân lại vô cùng ủng hộ việc bãi bỏ quy định cấm làm việc với 71% đồng ý rằng người xin tị nạn có thể hòa nhập tốt hơn nếu họ được cho phép làm việc sau sáu tháng kể từ khi nộp hồ sơ.

Các hội nhóm chính trị cũng thể hiện sự đồng tình với đề xuất này, với 63% số người ủng hộ Brexit và 71% số người ủng hộ ở lại EU chấp nhận cho người xin tị nạn làm việc. Mỹ, Canada và các quốc gia EU khác đều không áp dụng quy định tương tự.

Người xin tị nạn ở Tây Ban Nha được phép làm việc sau sáu tháng và họ không phải trải qua bài kiểm tra hay giới hạn nghề nghiệp nào. Canada không đặt ra quy định về thời gian phải chờ đợi cho đến khi được phép gia nhập thị trường lao động. Một khi đã hoàn thành xong cuộc phỏng vấn sơ bộ với chính quyền liên bang, người xin tị nạn có thể nộp đơn xin làm việc. Người xin tị nạn ở Đan Mạch có thể làm việc sau 6 tháng với một số điều kiện nhất định.

Theo ước tính tối thiểu của Lift The Ban, nếu 25% người xin tị nạn đủ điều kiện được cho phép làm việc với mức lương tối thiểu, họ có thể đóng góp 9.2 triệu bảng cho nền kinh tế. Nếu tất cả đều làm việc với mức lương tối thiểu, mức đóng góp sẽ là 124.4 triệu bảng.

Số người phải đợi hơn sáu tháng để nhận quyết định tị nạn đã tăng tới 14,528 người tính đến giữa năm 2018, mức cao nhất từ trước tới nay và tăng 8% so với năm ngoái. Trong số đó, 11,000 người đang ở độ tuổi lao động.

Các thành viên của liên minh Lift The Ban bao gồm Refugee Action, Unision, Ben&Jerry’s và Churches Together. Một chiến dịch kiến nghị đã được khởi động để kêu gọi hỗ trợ.

Tổng thư ký TUC, ông Frances O’Grady, bày tỏ: “Quy định cấm này thật tàn nhẫn và có hại cho chính chúng ta. Chúng ta không nên để phí hoài tài năng và kinh nghiệm của nguồn nhân công này. Người xin tị nạn nên được trao quyền làm việc và cống hiến. Những quy định như vậy chẳng hề có lợi cho bất cứ ai.”

VietHome (Theo Guardian)