Cựu thẩm phán kêu gọi chính quyền cấp visa cho gia đình 39 nạn nhân vào Anh

Người thân của các nạn nhân nên được tham gia vào tiến trình điều tra, bà Catriona Jarvis nói.

Một cựu thẩm phán đã kêu gọi chính quyền Anh cấp thị thực cho người thân của 39 nạn nhân chết trong xe tải vào ngày 23/10, để họ có thể tham gia vào quá trình điều tra và biết rõ nguyên nhân gây ra cái chết của những người yêu thương.

Bà Catriona Jarvis, một cựu thẩm phán tòa án cấp cao về nhập cư và tị nạn, và là người đồng tổ chức các sự kiện của dự án Last Rights, đây là dự án chuyên bảo vệ quyền lợi của những người nhập cư tử vong hoặc mất tích cùng những gia đình bị mất người thân.

Những cuộc khám nghiệm tử thi đang được tiến hành, Bà Jarvis khen ngợi những nỗ lực của Cơ quan Tội phạm Quốc gia nhằm xác định danh tính 39 người tử vong và tung tích gia đình của họ. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng những gia đình mất người thân cần phải được hỗ trợ để tham gia vào quá trình này.

''Chúng ta nên kết hợp với những người thân này, chứ không nên đặt vật cản đối với họ. Họ nên được cấp visa để đến Anh và họ nên được tiếp cận với các luật sư, các đơn vị tư vấn pháp lý. Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ dành cho những người thân, một khi danh tính của 39 nạn nhân được xác định'', bà nói.

Bà cũng kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel tăng hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ buôn người. 

Bà nói: ''Hình phạt nghiêm khắc nào cũng là không đủ. Tôi thấy cách tiếp cận của bà Priti Patel không thực tế. Chúng ta phải nhìn vào lý do vì sao người ta lại muốn tha hương cầu thực để bị những kẻ buôn người thao túng. Chúng ta phải nhìn ở cả 2 phía''.

Bà Jarvis kêu gọi một cơ chế linh hoạt hơn để những người nhập cư có thể đi lại mà không đẩy bản thân vào nguy hiểm. ''Chúng ta cần một con đường an toàn và chính sách visa nhân đạo để những người di cư không cần phải lựa chọn hành trình rủi ro tới mức này''.


Cựu thẩm phán Catriona Jarvis

Bà Jarvis và các cộng sự cũng muốn viện dẫn Tuyên ngôn Mytilini, vốn được ký kết ở đảo Lesbos vào tháng 5/2018. Tuyên ngôn này thiết lập quyền và trách nhiệm của những bên liên quan đối với những gia đình phải chịu đựng mất mát khi người thân của họ chết hoặc mất tích do hậu quả của hoạt động vượt biên.

''Chúng tôi đang cố gắng tạo ra một khung hành lang pháp lý để hỗ trợ quyền của những người nhập cư đã mất. Chúng tôi phải nhìn sự việc bằng cái nhìn của gia đình họ'', bà Jarvis nói.

Vào tháng 12/2018, Thỏa thuận Toàn cầu về Di trú An toàn, Trật tự và Hợp lệ của Liên Hợp Quốc đã được nhiều quốc gia ký kết. Đây là lời cam kết sẽ có những phương án tốt hơn đối với người nhập cư, bao gồm nhiệm vụ cứu người, ngăn chặn thương vong, nhận dạng người mất tích và người chết, cung cấp sự hỗ trợ cho gia đình nạn nhân. 

Deborah Coles, giám đốc của Tổ chức từ thiện Inquest, phát biểu: ''Đây là một sự cố đau lòng, đáng chê trách và hoàn toàn có thể tránh được. Xét trong toàn cảnh chính trị xã hội, chúng ta cần phải cho phép gia đình người bị nạn được tiếp cận cuộc điều tra một cách sâu rộng hơn''.

Bà Jarvis nói: ''Chúng ta không thể chỉ xem đây là vụ án hình sự rồi để đó. Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta tôn trọng người đã khuất và gia đình của họ giống như những gì chúng ta mong muốn cho gia đình và người thân yêu của mình''.

Viethome (theo The Guardian)