Ngậm ngùi buổi lễ tiễn đưa 39 nạn nhân của người Việt ở Anh

"Đằng sau những con người này, là câu chuyện vô cùng cảm động. Mỗi người khi ra đi, họ đều có ước nguyện."

Đông đảo bà con kiều bào London tham dự lễ tiễn đưa 39 nạn nhân trong thảm nạn tại Essex. Ảnh: Nguyễn Đình

Đồng loạt các cơ sở sinh hoạt tôn giáo của người Việt tại London, Birmingham thực hiện nghi thức nguyện cầu, tiễn đưa 39 nạn nhân trước ngày thi thể họ được hồi hương. Lại hơn một lần, nước mắt lăn dài trên gương mặt cộng đồng người Việt.

Sau 18 ngày làm việc đầy căng thẳng, nỗ lực của cảnh sát Essex (Anh) để xác minh chính xác danh tính các nạn nhân Việt, công tác điều tra đã hoàn tất. Nhưng công việc của cảnh sát Essex vẫn chưa dừng lại, họ đang tiếp tục không mệt mỏi thực hiện ý nguyện còn lại của thân nhân, phối hợp giới chức liên quan của Việt Nam nhằm chuyển các thi thể về lại Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể.

Mong sớm trở về đất mẹ

Lịch chính xác ngày về của các nạn nhân Việt Nam chưa được công bố, nhưng cộng đồng người Việt thuộc các tôn giáo khác nhau tại Anh quyết định thực hiện nghi thức tiễn đưa, mong các nạn nhân sớm hồi hương.

Di ảnh các nạn nhân được gia đình cho phép công bố trong lễ tiễn đưa tại nhà thờ Thánh danh Chúa và Đức Mẹ Thánh Tâm. Ảnh: Nguyễn Đình

Linh mục Simon Nguyễn Đức Thắng, phụng vụ tại nhà thờ Thánh danh Chúa và Đức Mẹ Thánh Tâm chia sẻ với phóng viên Thanh Niên: “Tôi có thỉnh cầu được làm nghi thức tiễn đưa 39 nạn nhân tại bệnh viện (Broomfields - nơi đang quàn thi hài 39 nạn nhân Việt - PV), hoặc trước khi các thi hài lên máy bay về nước, nhưng đang chờ sự đồng thuận của cảnh sát Essex. Trong lúc chờ đợi, cộng đoàn công giáo chúng tôi tại London quyết định tổ chức một lễ cầu nguyện chung cho các nạn nhân, những người đã chết đau thương nơi đất khách, mong họ được sớm trở về yên nghỉ trong bình an của đất mẹ”.

[VIDEO] Ngậm ngùi lễ tiễn đưa 39 nạn nhân trong xe container

Ước tính khoảng 300 kiều bào Việt cùng những người bạn bản xứ đã tụ họp lại thánh đường Thánh danh Chúa và Đức Mẹ Thánh Tâm ở Bow Common Lane cùng hợp lời khấn nguyện dành cho 39 nạn nhân.

Trong lúc cử hành nghi thức, linh mục Nguyễn Đức Thắng kể lại với cộng đoàn câu chuyện những ngày ông đến bệnh viện giúp nhận diện thi thể: “Thứ 2 (4.11), khi tôi đến các thi thể vẫn trong tình trạng bảo quản tốt, khuôn mặt các em tươi tỉnh như đang ngủ. Nhưng sang đến ngày thứ 4 (6.11), đã thấy dấu hiệu thay đổi, thi thể xuống màu, sang thứ 5 (7.11) bắt đầu có mùi nên cũng từ ngày đó, cảnh sát chấm dứt việc đến nhận diện, đưa các thi thể lưu trữ đặc biệt ở nhà xác để đảm bảo vấn đề vệ sinh, sức khỏe”.

39 bạn trẻ cùng quê hương với nạn nhân đại diện cộng đoàn thắp nén nhang tiễn biệt. Ảnh: Nguyễn Đình

Buổi lễ có hình ảnh của 8 nạn nhân đã được gia đình từ Việt Nam đồng thuận chia sẻ đến cộng đồng, và đằng sau hình ảnh ấy, không chỉ là câu chuyện đau buồn của hành trình gian khổ trên đường vào Anh, câu chuyện tử nạn thương tâm, mà còn nhiều nỗi đau khác. Đó là sự ra đi của người mẹ, để lại chồng và đứa con thơ, đó là cặp vợ chồng cùng cảnh ngộ trong container, để lại hai đứa con 4 tuổi và 2 tuổi nơi quê nhà.

Cộng đồng chung tay 

Linh mục Simon Nguyễn Đức Thắng nói trong xúc động: “Anh chị em luôn nhớ, đằng sau những con người này, là câu chuyện vô cùng cảm động. Mỗi người khi ra đi, họ đều có ước nguyện. Tôi được biết hai vợ chồng này có mong ước sau này sẽ bảo lãnh hai đứa con sang Anh để chúng có điều kiện ăn học tốt hơn. Nhưng ước mơ ấy không thành. Cộng đoàn chúng ta ở đây có thể thay mặt cho hai em ấy để giúp họ hoàn thiện ước mơ. Mỗi người chung tay, đóng góp, lập quỹ, nhờ các nhà chuyên môn về tài chính tư vấn, tính cách thu chi, giúp cho các cháu nhỏ khi lớn lên có điều kiện ăn học đầy đủ”.

Linh mục Simon Nguyễn Đức Thắng và các bạn trẻ đến từ Quảng Bình, Hà Tĩnh trong nghi lễ tiễn biệt. Ảnh: Nguyễn Đình

Có mặt trong buổi lễ hôm ấy, có rất đông các bạn trẻ đến từ quê hương của những người bị nạn. Nhiều trong số họ qua Anh bằng con đường tương tự, nhưng may mắn hơn khi chuyến đi được cập bến bình an. Đứng rất lâu trước bàn thờ lập nên, đặt ngay gian cung thánh, một bạn nam hai tay bưng mặt, giàn giụa nước mắt.

Câu chuyện vào Anh được bạn kể: “Em vào Anh cách đây 2 năm, cũng ngồi container. Chuyến đi ấy suôn sẻ, khi đi không có hình dung nhiều về sự nguy hiểm. Khi biết tin các bạn đi chuyến này tử nạn, từ hôm ấy đến giờ, những giờ phút ngồi container cứ ám ảnh em. Nhắm mắt lại em có thể hình dung rõ trong đầu vị trí mình ngồi container ngày ấy, và mỗi lần nghĩ vậy em lại đặt bản thân vào không gian bít bùng, thấy rõ cảm giác chật người, ngột ngạt, tưởng tượng sự chết dần mòn của các bạn, thật khủng khiếp”.

Nhà thờ Thánh danh Chúa và Đức Mẹ Thánh Tâm, nơi sinh hoạt của cộng đồng công giáo Việt ở London. Ảnh: Nguyễn Đình

Trong nghi thức nguyện cầu, tiễn đưa, 39 bạn trẻ có cùng quê hương với các nạn nhân ở Quảng Bình, Hà Tĩnh... đại diện cho cộng đoàn dâng nén hương lên bàn thờ tưởng niệm với ý nguyện: “39 người chúng tôi, cũng cùng tuổi các bạn, cùng quê hương như các bạn, nhiều người trong số chúng tôi cũng vào Anh bằng con đường như các bạn, chúng tôi có mặt nơi đây hôm nay vì may mắn hơn. Xin thắp nén hương tiễn biệt, mong ngày về của các bạn được suôn sẻ, bình an”.

Cùng ngày, các cơ sở tôn giáo khác như chùa Linh Sơn ở London, chùa Từ Đàm ở Birmingham… đồng loạt tổ chức lễ cầu siêu dành cho 39 nạn nhân trong thảm kịch Essex. Cảnh sát Essex cũng sẽ làm buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân với sự tham gia của kiều bào London vào 14.11 sắp tới. 

Cộng đồng Việt cũng bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ những vất vả và mong muốn gửi lời cảm ơn đến cảnh sát Essex, những người đã làm việc không mệt mỏi để giúp đỡ, liên lạc, hỗ trợ và kết hợp cùng Chính phủ Việt Nam trong việc xác định danh tính cho các nạn nhân từ ngay sau khi vụ việc được phát hiện ở khu công nghiệp Waterglade, Essex. Chính phủ hai nước vẫn tiếp tục làm việc, xúc tiến thủ tục nhằm giúp các nạn nhân hồi hương nhanh nhất có thể theo nguyện vọng thân nhân.

Theo Thanh Niên