Cảnh sát đối xử với trẻ em Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn người như tội phạm

vietnamese children

Rất nhiều trẻ em bị bắt được chính quyền địa phương tìm thấy tại các trang trại cần sa hoặc tiệm nail

Theo một cuộc điều tra, hơn 1,100 trẻ em người Việt, nghi ngờ được đưa vào Anh bất hợp pháp, đã bị bắt giữ như tội phạm thay vì được nhìn nhận là nạn nhân của tội phạm nô lệ.

Số liệu tờ The Times thu thập được nhờ quyền tự do yêu cầu thông tin cho thấy một vài đứa trẻ đã bị nhốt trong các trang trại trồng cần sa.

Từ năm 2012 đến 2017, cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 1,133 trẻ em người Việt. Tuy nhiên, chính quyền từ chối tiết lộ chuyện gì đã xả ra đối với các em sau khi các em bị tạm giữ và Dịch vụ Công tố Hoàng gia không nắm được số liệu về việc có bao nhiêu trong số đó đã bị xét xử hoặc kết tội.

Nghị sĩ Vernon Coaker thuộc Đảng Lao động, đồng chủ tịch của một nhóm trong quốc hội về nạn buôn người và nô lệ hiện đại, đã yêu cầu chính phủ phải giải trình chuyện gì đã xảy ra đối với những đứa trẻ bị bắt, kể cả khi thông tin này có thể làm xấu mặt các bộ trưởng, những người vẫn thường kêu gọi chống lại nạn nô lệ hiện đại. Ông cho biết Whitehall thường xuyên chặn các câu hỏi của quốc hội.

“Rất nhiều trẻ em bị đối xử như tội phạm thay vì nạn nhân khi được đưa tới trước mặt cảnh sát,” ông nói thêm. “Nếu số liệu đáng xấu hổ đến vậy, hãy công khai nó ra, hãy làm điều gì đó để giải quyết vấn đề. Bọn trẻ đã được đưa về nhà chưa? Hay chúng bị bỏ tù? Hay chúng đang ở trong tay chính quyền địa phương? Chúng đã mất tích? Chúng ta không hề biết. Điều này quả là không thể chấp nhận được.”

Hồi tháng Mười năm 2017, tờ The Times đã tiết lộ hơn 150 trẻ em Việt Nam được giao cho hội đồng địa phương quản lý kể từ năm 2015 đã hoàn toàn biến mất. Người ta lo ngại rằng lũ trẻ đã rơi lại vào bàn tay của những ông chủ nô lệ. Con số này đã tăng lên tới 173 sau khi chính quyền địa phương vào cuộc tìm hiểu. Thêm 90 trẻ em người Việt khác đang tạm thời mất tích.

Khi đối chiếu với số liệu bắt giữ, Bà Butler-Sloss, đồng chủ tịch với ông Coaker, đã nói: “Chúng ta gán tội cho những trẻ em dưới 18 tuổi, phạm tội khi thực tế đang nằm trong tay bọn buôn người. Nếu thực sự có tới hơn 1,000 trẻ em người Việt bị xét xử và hoặc bắt giữ thay vì được bảo vệ, đó quả là một sự thất bại đáng lo ngại của chúng ta trong việc thực thi Điều luật Nô lệ Hiện Đại.”

Một vài trong số 1,133 trẻ em bị bắt giữ phạm nhiều tội danh, hơn 535 liên quan đến việc nhập cư và 226 liên quan đến tội phạm ma túy. 115 em trực tiếp tham gia quá trình sản xuất cần sa và 22 phạm tội câu trộm điện liên quan đến trồng cần sa, và 24 em mắc tội trộm cắp hoặc cướp giật. Một đứa trẻ bị bắt vì có ý định giết người.

Bà Butler-Sloss nói thêm: “Nếu bọn trẻ bị bắt vì trồng cần sa, đó chính là ví dụ điển hình chứng minh sự thực rằng chúng được mang từ Việt Nam đến đây cho chính mục đích đó, và chúng hoàn toàn không thể kiểm soát việc chúng làm, chúng không có quyền rời đi vì cửa đã khóa, và các em bị khóa trong nhà cả 7 ngày trong tuần. Nếu chúng bị khóa, cảnh sát nên hiểu rằng chúng không thể là tội phạm, mà phải là nạn nhân. Tất nhiên việc bắt các thanh thiếu niên dễ dàng cho cảnh sát hơn hẳn việc cố chờ đợi để tóm lấy bọn buôn người.”

Điều 45 của luật 2015 cho phép nạn nhân trẻ em bị buộc một vài tội danh và trẻ em bị bắt ép phạm tội được phép nhận bào chữa. Tuy nhiên, theo đơn vị Thanh tra Cảnh sát Hoàng gia, các nhà điều tra hầu như không hề có ý thức về điều này.

Các trẻ em Việt nam và gia đình các em phải trả cho bọn buôn người một khoản lên đến 40,000 bảng để đến được Anh. Một vài em được hứa hẹn sẽ có cuộc sống tươi sáng hơn, một vài em khác bị bắt cóc. Tuy nhiên, khoản tiền trên có thể ràng buộc các em nhiều năm. Rất nhiều em được chính quyền phát hiện ra trong các trang trại hoặc tiệm nail.

Shaun Sawer, cảnh sát trưởng sở cảnh sát Devon và Cornwall chịu trách nhiệm thực thi luật nô lệ hiện đại, đã bác bỏ cáo buộc rằng cảnh sát thiếu ý thức về vấn đề này. Ông cho rằng các đội cảnh sát đều được tập huấn và chia sẻ các bằng chứng và rằng trẻ em nên được bảo vệ an toàn bất chấp chúng có phạm tội nghiêm trọng đến thế nào. Ông cho biết những chỉ trích cho rằng quá dễ để nhận diện các nạn nhân đã không hề thấu hiểu cho những khó khăn mà cảnh sát đang phải đối mặt.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ nói nạn nô lệ hiện đại hiện đang là “ưu tiên hàng đầu” và chính phủ Anh đã tiên phong đưa ra điều luật, cung cấp cho những người thực thi luật pháp công cụ để giải quyết vấn nạn này. Phát ngôn viên cũng nói thêm, việc cải tổ quy trình xác định nạn nhân sẽ bao gồm một hệ thống điện tử mới để cải tạo việc thu thập và phân tích dữ liệu.

VietHome (Theo The Times)