Kinh nghiệm đi mua xe cũ ở Anh Quốc để không mua nhầm xe dỏm

Hầu hết xe ô tô ở Anh Quốc đều qua tay ít nhất là 1 chủ. Thị trường xe ô tô cũ quá lớn đến nỗi trong vài năm vừa qua, chính phủ Anh phải thực hiện chương trình trợ giúp người tiêu dùng để họ mua xe ô tô mới. Với tất cả những người mới học lái, mua xe ô tô cũ vẫn là giải pháp kinh tế và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những người thiếu kinh nghiệm này lại hay mua phải xe rởm, bị thay đổi bộ phận. Làm thế nào để chọn được loại xe ô tô theo ý mà không bị lừa? Bài viết sau sẽ hướng dẫn cho bạn một số bước và thông tin cần biết khi đi mua xe ở Anh Quốc.

kinh nghiem mua xe cu
Ảnh minh họa: Unsplash

Thay Đổi Đồng Hồ Đo Cây Số ( Clocking)

Đồng hồ đo cây số (odometer) cho biết liệu xe này được sử dụng nhiều hay ít. Số đo càng cao, xe càng mất giá trị. Vì vậy giới trong nghề buôn xe hay lợi dụng điểm này để thay đổi con số bé đi, làm tăng giá trị chiếc xe được bán.

Với các loại xe dùng đồng hồ điện tử, họ có thể kết nối với máy tính và dùng phần mềm chuyên dụng để thay đổi và rất khó để phát hiện ra. Với các dòng xe đời cũ thì họ buộc phải mở khu vực xung quanh đồng hồ để thay đổi. Vì thế bạn hãy kiểm tra kĩ các con ốc, khớp nối. Nếu thấy dấu vết bị cậy, mở thì chắc chắn đồng hồ đo cây số đã bị can thiệp.

Nếu bạn thấy lớp sơn ở trên nắp Ca pô bị tróc do đã nhỏ văng vào(Chip Stone), thì chiếc xe đó được xử dụng để đi trên Motorway rất nhiều. Bàn đạp của phanh hoặc tay lái bị mòn nhưng đồng hồ đo cây số rất thấp thì đây cũng là giấu hiệu cho thấy chiếc xe đã bị thay đổi số liệu trong đồng hồ.

Trung bình, những chiếc xe lưu thông ở Anh Quốc sẽ đi khoảng 10,000 dặm ( miles) mỗi năm. Bạn nên dùng con số này để so sánh với độ tuổi của xe.

Đổi Biển Số Xe

Một cách tiêu thụ xe của đường dây buôn xe lậu là ăn cắp biển số của 1 chiếc xe giống hệt chiếc đang được bán. Với những người bình thường, họ làm giả biển số để tránh bị gửi vé phạt, đóng thuế đường hoặc đi quá tốc độ. Hệ thống tự động gửi giấy phạt ở Anh sẽ chuyển thư đến người chủ của tấm biển, thay vì người chủ của chiếc xe.

Nếu biển số xe của bạn bị mất hoặc tự dưng bạn nhận được giấy phạt xe ở những địa điểm bạn chưa từng đến, hãy liên hệ với cảnh sát ngay lập tức vì có thể xe của bạn đã bị "nhân bản(Clone)" bởi người khác.

Hãy kiểm tra thật kĩ giấy tờ xe(V5C) trước khi mua. Sau khi mua bạn cũng nên lấy giấy biên nhận, chứng minh ngày giờ mua chiếc xe đó.

Xe Lắp Ghép

Một cách làm giả thường thấy ở các garage bán xe ô tô tư nhân đó là họ lấy những chiếc xe đã bị vứt đi do tai nạn, hỏng hóc nặng nề mà người chủ cũ không muốn sửa nữa. Chiếc xe bạn mua có thể được lắp ghép từ 3-4 chiếc khác nhau và gán biển số một cách bất hợp pháp. Những người làm kiểu này thường rất có kinh nghiệm trong việc hàn các bộ phận lại với nhau và rất khó để bạn phát hiện ra.

Lời Khuyên Khi Mua Xe Từ Những Người Bán Cá Nhân ( Private Seller)

Đừng mua xe của những người nói rằng mình là Người Bán Cá Nhân nếu bạn nghi ngờ họ là Dealer ( Đại Lý)

Khi điện thoại hỏi về chiếc xe muốn mua, hãy nói là bạn muốn mua chiếc xe đang được quảng cáo ( you're calling 'about the car you advertised'). Nếu người bán hỏi xe nào, điều đó có nghĩa họ chính là Dealer chứ không phải Private Seller.

Đừng để người bán mang xe đến cho bạn xem hoặc hẹn nhau ở ngoài đường, gần trạm xăng. Hãy đến tận nhà họ và xem vào lúc trời còn sáng.

Nếu có thể, hãy mang theo bạn bè nếu bạn định trả tiền mặt.

Người bán có thực sự là chủ của chiếc xe? khu vực đó có phải là nhà của họ? họ có biết các vị trí điều khiển, chức năng trong chiếc xe?

Một Số Lời Khuyên Khác

Hãy tính toán tình hình tài chính kĩ càng, bao gồm tiền bảo hiểm, thuế đường ( Road Tax) hoặc tiền sửa chữa

Nghiên cứu kĩ loại xe bạn định mua, giá cả trung bình trên thị trường. Nếu xe quá rẻ thì nhiều khả năng có vấn đề với chiếc xe đó.

Hãy nhìn ngắm chiếc xe thật kĩ từ mọi góc độ, tránh xem xe vào trời mưa, trời tối vì bạn sẽ không thể đánh giá chính xác được tình trạng của chiếc xe đó.

Hãy hỏi người bán về những lần sửa chữa gần đây nhất, xem giấy tờ hợp pháp của họ. Nếu họ có Nhật Ký Bảo Dưỡng ( Service Book) thì hãy xem để biết chiếc xe này bị sửa những gì từ trước đến nay

Kiểm tra giấy tờ sở hữu xe ( V5C) thật kỹ. Nếu người bán không phải là người viết trên giấy tờ đó thì hãy hỏi họ lí do, vì sao họ lại bán hộ người khác. Nếu có thể, hãy liên hệ với người chủ ghi trên giấy V5C

Hãy chạy thử chiếc xe để cảm nhận được hoạt động của động cơ và các bộ phận bên trong. Nếu bạn cảm thấy chiếc xe chạy không được nhuần nhuyễn và có chút vấn đề, hãy chuyển sang tìm mua chiếc khác.

Kiểm tra các khớp nối phía ngoài của xe như cửa xe, nắp ca pô...Nếu bạn thấy bị vênh hoặc có dấu hiệu sơn sửa lại. Chiếc xe đó có thể đã từng đâm vào đâu đó và được sửa lại. Kiểm tra khu vực động cơ, nếu thấy có chất lỏng bám vào nhiều thì chiếc xe đó có thể bị rò rỉ ở đường ống.

Nhớ mặc cả. Hầu hết những người bán xe cũ đều cho phép bạn mặc cả, giảm giá.

Đừng bị áp lực phải mua xe ngay lập tức ngay lần xem đầu tiên.

Trước khi đồng ý mua và trả tiền, bạn và người bán nên thống nhất cách trả tiền, số tiền trả và việc đến nhận xe. Sau đó, nhớ lấy giấy hóa đơn ghi rõ ngày giờ, thông tin chiếc xe và giá bán. 

Viethome