• Ngày 3-2, bốn cố vấn thân tín nhất của Thủ tướng Anh Boris Johnson nộp đơn xin nghỉ việc giữa lúc áp lực từ dư luận ngày càng tăng liên quan đến bê bối tiệc tùng tại Phố Downing trong thời gian Anh phong tỏa vì COVID-19.

    co van thu tuong anh tu chuc
    Từ trái sang: bà Munira Mirza, ông Dan Rosenfield, ông Martin Reynolds và ông Jack Doyle - Ảnh: PA

    Theo báo Guardian, bà Munira Mirza - giám đốc chính sách lâu năm của ông Johnson - là người đầu tiên ra đi. Vài giờ sau đó, ba cố vấn cấp cao khác của ông Johnson là chánh văn phòng Dan Rosenfield, thư ký riêng Martin Reynolds và giám đốc truyền thông Jack Doyle cũng từ chức.

    Trong số 4 cố vấn nói trên, ba ông Rosenfield, Reynolds và Doyle đều có liên quan đến các buổi tiệc tùng gây tranh cãi trong thời gian phong tỏa vì COVID-19. Cảnh sát thủ đô London (MET) đang điều tra bê bối này. Ông Reynolds đã gửi một email kêu gọi nhân viên tham dự "tự mang theo rượu" đến buổi tiệc ngày 20-5-2020.

    "Hôm thứ hai (31-1), ông Boris Johnson đã hứa với các nghị sĩ là sẽ có sự thay đổi. Tối nay (3-2), chúng ta thấy sự thay đổi bắt đầu diễn ra và tôi hoan nghênh hành động nhanh chóng này của Thủ tướng", nhà lập pháp Stuart Anderson viết trên twitter.

    Theo Hãng tin Reuters, ông Johnson đã hứa sẽ thay thế nhiều nhân sự cấp cao trong đội ngũ của ông sau khi có nhiều thông tin trên truyền thông về những buổi tiệc tùng tại Dinh Thủ tướng tại số 10 Phố Downing trong thời gian Anh phong tỏa vì COVID-19.

    Theo Đài ITV, một số bữa tiệc tập trung hàng chục người đã diễn ra bên trong Dinh Thủ tướng ở số 10 Phố Downing. 

    Trong ngày sinh nhật của mình vào tháng 6-2020, Thủ tướng Boris Johnson đã dự một bữa tiệc "bất ngờ" có hơn 30 người góp mặt. Thời điểm này nước Anh đang trong đợt phong tỏa đầu tiên và các cuộc tụ tập như vậy bị cấm ở Anh.

    Bữa tiệc được tổ chức trong phòng nội các của Dinh Thủ tướng, nơi các cuộc họp giữa thủ tướng và bộ trưởng diễn ra.

    Hiện không rõ liệu sự ra đi của các cố vấn cấp cao của ông Johnson có đủ để làm dịu cuộc khủng hoảng hiện nay hay không.

    Thông tin về các vụ tiệc tùng tại số 10 Phố Downing đã khiến một số nghị sĩ trong Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson quay lưng với ông. Cho đến nay đã có 17 nghị sĩ gửi yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông Johnson.

    Theo quy định, cần có đủ 54 nghị sĩ gửi yêu cầu mới có thể tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với thủ tướng. Tuy nhiên, những vụ bê bối kể trên đã ít nhiều khiến hình ảnh của ông Johnson bị ảnh hưởng.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Bé Romy - con gái Thủ tướng Anh Boris Johnson - phải chiến đấu với các triệu chứng khá nặng của Covid-19 trong tuần qua.

    Tuần trước, chính quyền của Thủ tướng Anh - Boris Johnson - thông báo một thành viên trong gia đình ông có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Sự việc khiến Boris phải hủy chuyến thăm đến Lancashire hôm 13/1. Một phát ngôn viên của chính phủ sau đó cho biết Thủ tướng sẽ tuân theo các hướng dẫn với người tiếp xúc gần bệnh nhân, bao gồm xét nghiệm hàng ngày và hạn chế tiếp xúc người khác. Ngoài ra, người phát ngôn cũng nói thêm ông Boris vẫn tổ chức các cuộc họp và phần lớn là các cuộc họp trực tuyến.

    con gai ong boris johnson
    Bé Romy chào đời hôm 9/12/2021 ở London. Ảnh: Instagram Boris Johnson

    Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ tên thành viên này. Mặc dù vậy, một nguồn tin cho biết người đó là con gái mới sinh của Boris - Romy. Cô bé dính virus khi mới 5 tuần tuổi, với các dấu hiệu khá nặng song đã được chữa trị tích cực.

    Romy Iris Charlotte Johnson sinh ngày 9/12/2021 tại Bệnh viện University College ở London. Cô bé hiện sống trong căn hộ ở số 11 phố Downing cùng Thủ tướng Boris, mẹ Carrie và anh trai Wilfred (20 tháng tuổi). Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), trẻ em mắc Covid-19 thường ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng so với người lớn. Tuy nhiên, nguy cơ với trẻ sơ sinh cao hơn vì chúng dễ bị tổn thương và hệ miễn dịch chưa phát triển.

    "Trẻ em ít bị bệnh nặng khi nhiễm virus. Nhưng việc giám sát vệ sinh chặt chẽ rất quan trọng, đặc biệt với các thành viên sống chung nhà. Bất kỳ ai vào nhà cũng nên thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu chuẩn, bao gồm rửa tay và thận trọng khi tiếp xúc với con cái, nếu chúng có các triệu chứng bất kỳ nào của bệnh" - hướng dẫn của NHS ghi.

    Nhằm tuân thủ hướng dẫn, trong nhiều ngày liền sau khi phát đi thông báo, ông Boris không xuất hiện trước công chúng. Thủ tướng Anh chỉ làm việc trở lại hôm 18/1 để trả lời phỏng vấn Sky News. Thủ tướng 57 tuổi tỏ ra dễ xúc động và chán nản trong buổi phỏng vấn, với nguyên nhân được lý giải là do căng thẳng trong gia đình.

    Hồi tháng 4/2020, ông Boris cũng từng phải chiến đấu giành giật sự sống sau khi nhiễm Covid-19. Thủ tướng Anh phải nằm vài ngày trong phòng chăm sóc đặc biệt. Cùng lúc ấy, bạn gái ông, Carrie, đang mang bụng bầu to cũng phải nằm liệt giường với các triệu chứng chính của Covid-19. Con trai của họ chào đời cuối tháng đó.

    Năm 2021, Carrie bị sảy thai một lần trước khi mang bầu Romy. Nhân dịp con gái chào đời hồi tháng trước, Carrie viết lời cảm ơn trên Instagram. Cô nói: "Cảm ơn các nhân viên phụ sản tuyệt vời tại UCLH vì đã chăm sóc mẹ con tôi rất tốt. Chúng tôi rất biết ơn các bạn".

    Boris và Carrie kết hôn bí mật tại Nhà thờ Westminster hồi tháng 5 năm ngoái. Sự kiện này khiến ông trở thành Thủ tướng đầu tiên làm đám cưới khi còn đương chức sau gần 200 năm trong lịch sử Anh.

    Theo Dân Việt

  • Tham dự bữa tiệc cho khoảng 30-40 người với ghi chú ai đến tự mang theo đồ uống trong lúc Anh phong tỏa nghiêm ngặt hồi năm 2020 do COVID-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa phải lên tiếng xin lỗi. Đảng đối lập đòi ông từ chức.

    ong boris johnson bi yeu cau tu chuc
    Thủ tướng Anh Boris Johnson - Ảnh: REUTERS

    Ngày 12-1, Thủ tướng Anh Boris Johnson lần đầu thừa nhận ông đã dự bữa tiệc tổ chức trong vườn Dinh Thủ tướng ở số 10 Phố Downing. Bữa tiệc vi phạm quy định cấm tụ tập trong thời gian Anh bị phong tỏa do COVID-19 hồi tháng 5-2020. 

    Ông Johnson "chân thành xin lỗi" và nói ông hiểu cảm giác giận dữ của công chúng khi biết về việc này.

    Hãng tin Reuters ghi lại bài phát biểu của ông Johnson trước Quốc hội:

    "Tôi biết rằng hàng triệu người trên khắp đất nước này đã hy sinh một cách phi thường trong 18 tháng qua. 

    Tôi biết nỗi thống khổ mà họ đã trải qua, không thể để tang người thân, không thể sống cuộc sống như mong muốn hoặc làm những việc mình yêu thích.

    Tôi biết họ cảm thấy tức giận với tôi hoặc với chính phủ mà tôi lãnh đạo khi nghĩ rằng chính ở văn phòng thủ tướng, những người đưa ra quy tắc lại không tuân thủ đúng mức".

    Văn phòng thủ tướng là một không gian lớn, trong đó khu vườn là một phần mở rộng của văn phòng. Khu vườn được sử dụng thường xuyên vì rất thông thoáng và có vai trò trong việc ngăn chặn lây nhiễm virus.

    Ông Johnson cho biết mình đã vào khu vườn trong Dinh Thủ tướng để cảm ơn các nhân viên và quay lại văn phòng 25 phút sau đó. Ông đã nghĩ cuộc gặp là một sự kiện công việc và nói lẽ ra mình nên yêu cầu dừng sự kiện hoặc tìm cách khác để cảm ơn các nhân viên.

    Vào thời điểm bữa tiệc trên được tổ chức, tại Anh hầu hết học sinh phải nghỉ học, các quán rượu và nhà hàng phải đóng cửa. Chỉ hai người từ các hộ gia đình khác nhau được phép gặp nhau ngoài trời nhưng phải giữ khoảng cách 2m. 

    Quy định phong tỏa khi đó còn khiến nhiều người không thể đến thăm người thân đang bị bệnh nặng. Hoàn cảnh đó đối lập với cuộc tụ tập tại Dinh Thủ tướng và do đó dễ khiến dư luận phẫn nộ.

    "Lẽ ra tôi phải nhận ra rằng ngay cả khi có thể nói cuộc họp là đúng thì sẽ có hàng triệu triệu người đơn giản không nhìn nhận nó theo cách đó. Đó là những người đã phải chịu đựng, bị cấm gặp gỡ những người thân yêu, dù trong nhà hay ngoài trời. Tôi xin gửi đến họ và Quốc hội lời xin lỗi chân thành nhất", ông Johnson nói.

    Lãnh đạo Công Đảng đối lập Keir Starmer cho rằng việc ông Johnson nói mình không biết đang có tiệc ở đó là "lố bịch và thực sự gây khó chịu cho người dân Anh", và kêu gọi ông Johnson từ chức.

    Thủ tướng Anh từ chối yêu cầu cầu này. Người viết tiểu sử của ông Johnson, Andrew Gimson nhận định không có khả năng ông từ chức trừ khi bị buộc phải như thế vì đó không phải phong cách của ông. 

    Khi thông tin về buổi tiệc lần đầu được báo chí đưa tin, ông Johnson cho biết sẽ không bình luận gì cho đến khi chính phủ tiến hành điều tra nội bộ và có kết luận chính thức.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Cùng nghe chia sẻ của Caroline Lucas - Cựu đồng lãnh đạo Đảng Xanh, về thủ tướng Boris Johnson:

    Khi Boris Johnson chuyển đến phố Downing, nhiều người trong chính Đảng Bảo Thủ đã cảnh báo ông ấy không đủ khả năng làm Thủ tướng. Họ đã đúng.

    Những khiếm khuyết trong tính cách ông Johnson, cùng sự yếu kém trong lãnh đạo của ông ấy và các luật lệ mà Chính phủ ông ấy đang thông qua Nghị viện đều là mối nguy hiểm cho Anh quốc.

    Ông Johnson phải từ chức. Dưới đây là 10 lý do tại sao:

    11 ly do boris johnson nen tu chuc
    Theo bà Lucas, ông Johnson là "một trong những Thủ tướng tồi tệ nhất Anh từng có"

    1. Mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng

    Phản ứng của Chính phủ đối với đại dịch ngay từ đầu đã lúng túng: phong tỏa được áp dụng quá muộn, thông báo lộn xộn, thời hạn đặt ra không được đáp ứng, hệ thống xét nghiệm và theo dõi vô cùng tốn kém và số người tử vong cao nhất ở Châu Âu.

    Khi Omicron xuất hiện, Thủ tướng Chính phủ tỏ ra xúc động. Sau đó vào tối Chủ nhật, ông ấy đã tuyên bố tăng tốc chương trình tiêm tăng cường, thông báo cho bác sĩ gia đình và các chuyên gia y tế khác rằng từ 12 giờ tiếp theo, họ cần tiêm vắc-xin cho một triệu người mỗi ngày.

    Không có gì ngạc nhiên khi hệ thống đặt lịch tiêm của NHS sụp đổ do lượng người truy cập quá cao và mọi người đã phải xếp hàng hàng giờ bên ngoài các trung tâm tiêm vắc-xin giữa trời lạnh và ẩm ướt.

    2. Đạo đức giả

    Tôi không đếm được có bao nhiêu bữa tiệc đã diễn ra ở Phố Downing vào mùa đông năm ngoái - thời điểm luật cấm tiệc tùng vẫn được áp dụng.

    Những gì chúng ta biết là Boris Johnson tiếp tục tuyên bố không có quy tắc nào bị phá vỡ, bất chấp mọi bằng chứng chỉ về hướng ngược lại, và dường như đang chuẩn bị để nhân viên của mình gánh nạn thay vì tự chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra dưới mái nhà của chính mình.

    Các bữa tiệc ở Phố Downing và phản ứng của ông ấy không chỉ củng cố về thái độ “có quy tắc cho chúng tôi và quy tắc khác cho mọi người”, chúng còn ăn mòn lòng tin của công chúng.

    3. Nói dối

    Thật khó để kể hết những lời nói dối của ông Johnson: ông từng thẳng thừng bác bỏ sự tồn tại của các bữa tiệc ở Phố Downing và luôn răm rắp nhấn mạnh mọi nhân viên chính phủ đều tuần thủ các quy định phòng dịch.

    Cố vấn đạo đức của thủ tướng, Lord Geidt nói rằng ông không biết ai là người thực sự trả tiền cho việc tân trang lại căn hộ ở phủ Thủ tướng. Là ông Johnson tự móc tiền túi trả hay dùng tiền thuế của dân?

    Johnson đã nói dối về các hợp đồng liên quan đến Covid, biên giới thương mại ở Biển Ailen, số liệu trẻ em nghèo đói, lập trường của Keir Starmer về các y tá… cùng nhiều lời nói dối khác.

    Điều nghiêm trọng nhất đối với nền dân chủ của chúng ta là những lời nói dối này không chỉ được đưa ra với giới truyền thông mà còn trước Nghị viện, khiến các nghị sĩ không thể bắt Chính phủ giải trình.

    Thủ tướng đang lách qua Bộ luật Bộ trưởng mà không bị trừng phạt vì người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc duy trì Bộ luật Bộ trưởng là… Thủ tướng.

    4. Ứng xử không phù hợp

    Vụ Owen Paterson không chỉ là việc Thủ tướng cố gắng sửa chữa hệ thống để bảo vệ một nghị sĩ đảng Bảo thủ bị phát hiện vi phạm các quy tắc vận động hành lang - đánh giá lại hệ thống tư pháp để cho phép tội phạm bị kết án lọt lưới. Đó là còn nỗ lực của Johnson để cứu lấy chính mình.

    Ông ấy đang cố gắng làm suy yếu Ủy viên tiêu chuẩn của Nghị viện - cơ quan đã điều tra ông ta ba lần và sắp tiến hành cuộc điều tra thứ tư. Trong bất kỳ bối cảnh nào khác, đây sẽ là một trường hợp cản trở thẩm phán.

    5. Chủ nghĩa thân hữu

    Cung cấp quyền hạn cho các nhà tài trợ của Đảng Bảo Thủ, giao hàng tỷ bảng tiền công cho vợ để thực hiện các thương vụ liên quan đến thiết bị bảo hộ y tế PPE, chấp nhận hàng trăm nghìn bảng quyên góp cho đảng Tory từ các cá nhân có liên quan đến các vụ bê bối tham nhũng ở nước ngoài. Vấn đề của Chính phủ này đang làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta, và Boris Johnson đã nhắm mắt làm ngơ.

    6. Tấn công vào các quyền dân chủ cơ bản

    Quyền biểu tình hòa bình là một trong những nền tảng của nền dân chủ, nhưng ông Johnson đang tấn công nó. 

    Dự luật về Cảnh sát, Tội phạm, Tuyên án và Tòa án sẽ hạn chế quyền biểu tình, giao cho cảnh sát quyền hạn bất thường để cấm biểu tình nếu gây khó chịu hoặc ồn ào quá mức.

    Những người biểu tình dán mình vào người khác hoặc một vật thể phải đối mặt với án tù 51 tuần (chẳng hạn người biểu tình dùng keo dán tay xuống đường để cảnh sát không thể xua đuổi họ).

    Liệu ông Johnson có đang cố gắng biến Vương quốc Anh thành một quốc gia cảnh sát, ông ấy đã từng mặc đồng phục cảnh sát. Trông thì có vẻ hài hước nhưng rất nguy hiểm, báo hiệu sự sụp đổ của việc phân chia quyền lực quan trọng của mọi nền dân chủ, làm suy yếu tính độc lập của cảnh sát và tính liêm chính của văn phòng Thủ tướng.

    7. Tấn công quyền bầu cử

    Dự luật Bầu cử là một cuộc tấn công vào quyền bầu cử. Luật này yêu cầu tất cả cử tri phải có giấy tờ tùy thân có ảnh để bỏ phiếu, nhằm giải quyết vấn đề “mạo danh cử tri”. Ngay cả những thành viên cấp cao của Đảng Bảo thủ cũng nói rằng không có luật này.

    Ủy ban Tài khoản Công của Hạ viện tuần này cho biết Chính phủ đã không đưa ra được bằng chứng phù hợp. Tại sao lại quan tâm tới ID của cử tri?

    Ước tính khoảng 3,5 triệu người không có ID đang trong cảnh nghèo khó, đến từ các nhóm yếu thế trong xã hội hoặc sống ở những nơi không an toàn. Đây không phải là người ủng hộ điển hình của đảng Bảo thủ.

    Đây là hành động đàn áp cử tri trần trụi theo kiểu mà chúng ta thường thấy trong thời kỳ tiền dân quyền ở Hoa Kỳ.

    8. Tấn công vào quyền công dân 

    Theo Dự luật Quốc tịch và Biên giới, Chính phủ của Johnson sẽ trao cho Bộ trưởng Nội vụ quyền tước quốc tịch Vương quốc Anh mà không cần thông báo cũng như đưa ra lý do.

    Ai là người chịu rủi ro cao nhất từ ​​biện pháp hà khắc này: người thuộc các nhóm thiểu số. Điều này mở đường cho một vụ bê bối Windrush khác.

    9. Phản bội ở Afghanistan

    Bằng chứng do một người tố giác ở Văn phòng Ngoại giao đưa ra là bản cáo trạng nhức nhối về cách Chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng Afghanistan và sự kém cỏi của Bộ trưởng Ngoại giao khi đó.

    Ông Johnson cho biết sẽ làm mọi thứ có thể để giúp đỡ hàng trăm người Afghanistan, người đã làm việc cho các lực lượng của Vương quốc Anh và đang bị mắc kẹt sau khi Kabul thất thủ.

    Ông nói với các nghị sĩ "từng email" họ gửi về sẽ được trả lời vào ngày hôm đó. Cả hai đều là những lời hứa suông.

    Một số người Afghanistan làm việc với Vương quốc Anh đã bị bỏ rơi - sự phản bội không thể tha thứ. Điều tồi tệ hơn là, Kế hoạch Tái định cư Công dân Afghanistan vẫn chưa được triển khai, gần 4 tháng sau khi được công bố.

    10. Mang đến một Brexit tệ hại

    Johnson hứa sẽ "hoàn tất Brexit". Ông ấy nói rằng không có biên giới thương mại ở Biển Ailen. Thủ tướng cho biết thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU sẽ giúp Vương quốc Anh có chiếc bánh của mình và ăn nó.

    Thực tế? Kệ hàng siêu thị trống rỗng, khủng hoảng chuỗi cung ứng, lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt cá bị ảnh hưởng và thương mại giảm 12 tỷ bảng trong tháng 10.

    Thêm vào đó, danh tiếng của Vương quốc Anh bị xáo trộn với các mối đe dọa phá vỡ các thỏa thuận quốc tế và gây nguy hiểm cho thỏa thuận hòa bình Thứ Sáu Tuần Thánh ở Bắc Ireland.

    11. Không có hành động thích hợp đối với cuộc khủng hoảng khí hậu

    Đây là mối đe dọa lớn nhất chúng ta phải đối mặt, một mối đe dọa sẽ lấn át tất cả những thách thức khác, và đây là thập kỷ quan trọng để hành động.

    Sau tất cả những gì ông Johnson khoe khoang về khả năng dẫn đầu toàn cầu về khí hậu, thực tế là Chính phủ đã bật đèn xanh cho một mỏ than mới ở Cumbria, mỏ dầu Cambo và 38 dự án dầu khí khác.

    Quy tắc ngoại giao đầu tiên là làm những gì bạn nói và ông ấy đang làm ngược lại.

    Viethome (Theo Metro)

  • Hình ảnh ứng cử viên thị trưởng của đảng Bảo thủ cùng nhiều nhà hoạt động khác tham dự tiệc giữa lúc London phong tỏa đã khiến họ hứng "bão chỉ trích" từ phía dư luận.

    Khoảng 25 nhà hoạt động chính trị đã tập trung trong một tầng hầm sáng choang để dự một bữa tiệc giữa đại dịch, với những chiếc bánh canape, hộp đựng thức ăn nóng và nước sát khuẩn tay được nhìn thấy ở phía sau.

    Đó là cảnh tượng được ghi lại trong bức ảnh chụp tại trụ sở chiến dịch đảng Bảo thủ (CCHQ) vào tháng 12/2020. Bức ảnh được tờ Daily Mirror đăng tải hôm 14/12 đã tạo ra một cơn ác mộng chính trị khác cho Thủ tướng Boris Johnson, theo Guardian.

    Các vị khách tại bữa tiệc - do đội ngũ trong chiến dịch tranh cử của Shaun Bailey, ứng cử viên thị trưởng của đảng Bảo thủ tại thời điểm đó, tổ chức - đã vật lộn xử lý hậu quả.

    thu tuong anh tiec tung mua giang sinh 1
    Bức ảnh đã khiến ông Shaun Bailey và các nhà hoạt động chính trị nhận nhiều chỉ trích. Ảnh: Daily Mirror

    Bữa tiệc vấp phải nhiều chỉ trích

    Ông Bailey, người đã từ chức chủ tịch Ủy ban Tội phạm và Cảnh sát của Hội đồng London, đưa ra lời xin lỗi, trước khi cho biết rằng “cuộc tụ họp” là do “một số nhân viên của ông tổ chức”. Đồng thời, ông nói thêm rằng ông rời đi ngay sau khi đưa bài phát biểu cảm ơn.

    Trong khi đó, một số người tham dự dường như đã nhanh chóng xóa hồ sơ trên mạng xã hội của họ.

    Một bản tuyên bố từ nhóm Bảo thủ địa phương đã cho biết rằng một ủy viên hội đồng có mặt trong bữa tiệc đã quyết định không ứng cử một lần nữa. Một người khác đã xóa ảnh hồ sơ WhatsApp của mình sau khi được yêu cầu bình luận.

    Một số người có mặt là nhân viên biệt phái từ CCHQ và đã phải đối mặt với hình thức kỷ luật. Bộ trưởng Nội các Grant Shapps hôm 15/12 đã gọi sự kiện này là "đáng hổ thẹn".

    Sự kiện được tờ Times mô tả là "khủng khiếp" trong một báo cáo tuần trước, đồng thời cho biết nó diễn ra vào ngày 14/12/2020. Vào thời điểm đó, London phải tuân theo các hạn chế cấp độ 2, trong đó cấm sự tập trung trong nhà giữa các hộ gia đình khác nhau.

    Ngay trước khi sự kiện diễn ra, chính phủ đã thông báo rằng London sẽ chuyển sang các quy định hạn chế cấp độ 3 nghiêm ngặt hơn. Thay đổi có hiệu lực hai ngày sau đó.

    Trong khi các nguồn tin đảng Bảo thủ chuyển sang đổ lỗi cho chiến dịch của ông Bailey sau khi bức ảnh lần đầu tiên xuất hiện, có thể thấy rằng Giám đốc điều hành đảng Bảo thủ, Darren Mott, đã biết về sự kiện này và bày tỏ sự không hài lòng.

    Vật lộn xử lý hậu quả

    Nguồn tin của đảng Bảo thủ nói với Guardian rằng bốn nhân viên liên quan đã bị kỷ luật chỉ hơn một tuần sau khi sự kiện diễn ra. Một số thành viên trong chiến dịch của ông Bailey được cho là đã từ chối lời mời của họ.

    Ở ngay bên phải ông Bailey trong bức hình là Nick Candy, nhà phát triển bất động sản và nhà tài trợ nổi tiếng của đảng Bảo thủ. Người phát ngôn của ông Candy nói với Mirror rằng ông đã đến đó cho bài “đánh giá cuối năm” và "phát biểu cảm ơn ngắn gọn” với nhóm trước khi rời đi ngay sau đó.

    Ngay bên cạnh ông Bailey là Adam Wildman, một ủy viên hội đồng đảng Bảo thủ ở quận Bexley, London. Theo hồ sơ trên LinkedIn, Wildman là giám đốc chính trị của đảng Bảo thủ cho đến tháng 5. Hồ sơ Twitter của ông đã không còn tồn tại vào ngày 15/12.

    thu tuong anh tiec tung mua giang sinh 1
    Ông Bailey đã từ chức ở Hội đồng London sau bức ảnh đầy bê bối xuất hiện. Ảnh: Shutterstock.

    Vào chiều 15/12, một tuyên bố thay mặt cho các ủy viên hội đồng đảng Bảo thủ của Bexley bày tỏ sự "sốc và thất vọng" trước bức ảnh. Tuyên bố cho biết thêm: "Sau quá trình lựa chọn vào đầu năm nay, Ủy viên hội đồng Wildman đã quyết định không ứng cử lại đảng Bảo thủ tại cuộc bầu cử vào tháng 5/2022”.

    Alexander Thompson, người được ông Dominic Cummings - cựu trợ lý cấp cao của Thủ tướng Boris Johnson - giao phó nhiệm vụ quảng cáo video Vote Leave, cũng có mặt trong ảnh.

    Trong một bài báo năm 2016 cho Newsweek, ông đã chỉ trích ngành quảng cáo khi cho rằng phần lớn ủng hộ việc Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU). Theo ông, họ đang tận hưởng niềm vui ở London, trong khi mọi người ở phần còn lại của đất nước lo lắng cho sức khỏe của con cái họ.

    Ông Thompson đã dập máy khi được yêu cầu bình luận vào hôm 15/12, trước khi xóa ảnh WhatsApp của mình ngay sau khi nhận được tin nhắn tiếp theo.

    Hồ sơ Twitter của Ben Mallet, Giám đốc chiến dịch của ông Bailey, dường như cũng bị xóa gần đây. Ông đã từ chối bình luận cá nhân, nhưng chia sẻ một lời xin lỗi thay mặt cho chiến dịch.

    Đứng trước ông Bailey trong bức hình là Malin Bogue, một phụ tá cho chiến dịch tranh cử thị trưởng của ông. Bà từng là giám đốc của các dự án đặc biệt trong quá trình đưa ông Boris Johnson trở thành nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ vào năm 2019. Bà từ chối bình luận khi được Guardian tiếp cận, nhưng có cùng nhận xét với ông Mallet.

    Kerry Halfpenny, người có tên xuất hiện trên các tài liệu vận động tranh cử của ông Bailey, cũng có mặt tại buổi tiệc. Bà cũng từ chối bình luận.

    Bốn trợ lý chiến dịch cấp dưới khác và nhân viên chính trị đã không trả lời yêu cầu bình luận. Ba người trong số họ cũng đã xóa hồ sơ Twitter hoặc LinkedIn của họ.

    Theo Zing

  • Những bê bối liên tiếp xuất hiện khiến nhiều người đặt câu hỏi Thủ tướng Anh Boris Johnson còn có thể tại vị bao lâu trước khi bị chính đảng Bảo thủ hạ bệ.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson đang trải qua quãng thời gian sóng gió chưa từng có. Từ đầu tháng 12, mỗi ngày trôi qua Thủ tướng Johnson lại đối mặt một bê bối mới, và danh sách những người chỉ trích chính quyền của ông cứ dài thêm ra.

    Sau khi để Công đảng vượt qua trong thăm dò cử tri, Thủ tướng Johnson giờ đối mặt lời kêu gọi từ chức từ phe đối lập lẫn làn sóng giận dữ trong nội bộ đảng Bảo thủ. Các bê bối đang làm lung lay dữ dội ghế thủ tướng của ông, theo CNN.

    Tiệc Giáng sinh tai tiếng

    Tháng 12 nghiệt ngã của ông Johnson bắt đầu với câu chuyện về bữa tiệc Giáng sinh tổ chức tại số 10 phố Downing năm 2020 do Daily Mirror đăng tải.

    Thời điểm đó, mọi hoạt động tụ tập trong nhà bị cấm trên toàn nước Anh. Ngay trong ngày sau khi bữa tiệc được tổ chức tại văn phòng thủ tướng, ông Johnson thậm chí siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế phòng dịch thi hành trong dịp lễ Giáng sinh, khiến hàng triệu người Anh không thể trở về nhà.

    "Với trái tim nặng trĩu, tôi phải nói với người dân rằng chúng ta không thể tổ chức lễ Giáng sinh như dự định", Thủ tướng Johnson phát biểu trước dịp Giáng sinh 2020.

    thu tuong anh boris johnson bi ha be 1
    Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters

    Trong 1 tuần, văn phòng thủ tướng Anh lặp đi lặp lại yêu cầu không tổ chức tiệc Giáng sinh trên cả nước và người dân phải tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng dịch.

    Thế nhưng, trong thời gian nước Anh bị phong tỏa, văn phòng thủ tướng tổ chức buổi tiệc vào ngày 27/11/2020, đích thân ông Johnson đã có bài phát biểu ngẫu hứng trong bữa tiệc.

    Đến ngày 18/12/2020, thêm một bữa tiệc khác được tổ chức ngay trước Giáng sinh. Các nguồn tin xác nhận những người tham gia bữa tiệc đã trao đổi quà Giáng sinh tại sự kiện này.

    Trong một video mới được công bố, Allegra Stratton - cố vấn của chính quyền Thủ tướng Johnson - cười đùa nói về bữa tiệc tổ chức ngay trước Giáng sinh năm 2020 tại văn phòng thủ tướng. Video đã khiến bà Stratton phải từ chức hôm 8/12.

    Thủ tướng Johnson sau đó công khai xin lỗi, ông nói sẽ có hình phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm quy định, đồng thời cho biết đã mở cuộc điều tra.

    Nhưng lời xin lỗi muộn màng không giúp hạn chế thiệt hại. Thăm dò cử tri hôm 8/12 cho thấy 54% người Anh muốn ông Johnson từ chức.

    Trong vòng 48 giờ sau đó, thêm những thông tin về bữa tiệc Giáng sinh tai tiếng bị rò rỉ. Theo đó Jack Doyle - người hiện là giám đốc báo chí văn phòng thủ tướng Anh - đã có bài phát biểu trước khoảng 50 người tham dự bữa tiệc tháng 12/2020.

    Kế hoạch B

    Những tin tức về bữa tiệc Giáng sinh tai tiếng không phải bê bối duy nhất đang bủa vây số 10 phố Downing.

    Việc Thủ tướng Johnson mới đây tái áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế phòng dịch, hay còn gọi là Kế hoạch B, đã khiến bộ phận lớn đảng Bảo thủ quay lưng với ông.

    Kế hoạch B được công bố hôm 8/12 giữa đỉnh điểm bê bối tiệc Giáng sinh. Một thành viên của đảng Bảo thủ, Nghị sĩ William Wragg, cáo buộc bước đi này là "chiến thuật nghi binh" nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận đối với vai trò của Thủ tướng Johnson ở bữa tiệc.

    Thủ tướng Anh bác bỏ cáo buộc này. Ông Johnson tuyên bố chính phủ phải "hành động bảo vệ sức khỏe cộng đồng" khi có bằng chứng rõ ràng về làn sóng dịch bệnh mới.

    Việc xuất hiện tiếng nói đối lập trong nội bộ là bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của Thủ tướng Johnson trong đảng Bảo thủ đang nhanh chóng sụp đổ.

    Hiện còn quá sớm để đánh giá Kế hoạch B có giúp London ngăn chặn đà lây lan của biến chủng Omicron hay không.

    So sánh với các nước láng giềng ở Tây Âu, Thủ tướng Johnson là một trong số ít kiên quyết không áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc, thái độ này chỉ thay đổi hôm 30/11 sau khi biến chủng Omicron xuất hiện.

    Hôm 10/12, London cho biết sẽ nhóm họp khẩn cấp với 4 quốc gia để thảo luận về sự lây lan của biến chủng Omicron.

    thu tuong anh boris johnson bi ha be 1
    Thủ tướng Johnson bị đảng Bảo thủ quay lưng vì tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch. Ảnh: Reuters

    Tân trang nhà ở sai quy định

    Một bê bối khác đã âm ỉ suốt nhiều tháng là việc đảng Bảo thủ chi tiền tân trang căn hộ của Thủ tướng Johnson ở phố Downing. Vụ việc này một lần nữa nổi lên hôm 9/12 khi đảng Bảo thủ bị xử phạt vì "không báo cáo chính xác các khoản quyên góp và không ghi chép sổ sách kế toán đúng quy định".

    Cuộc điều tra khởi động từ 28/4, sau khi truyền thông Anh đăng tải thông tin ông Johnson chi 280.000 USD để sửa sang căn hộ.

    Công đảng đối lập tuyên bố bằng chứng mà cuộc điều tra thu được cho thấy Thủ tướng Johnson có thể đã lừa dối về nguồn gốc số tiền chi cho việc cải tạo căn hộ.

    Angela Rayner, lãnh đạo số 2 của Công đảng, tuyên bố Thủ tướng Johnson "phải giải trình vì sao ông lừa dối công chúng Anh" khi nói rằng không biết ai đã trả tiền sửa sang nhà ở.

    Trả lời báo giới, người phát ngôn của ông Johnson nói thủ tướng không nói dối, đồng thời khẳng định nhà lãnh đạo nước Anh luôn chấp hành mọi quy định pháp luật.

    Di tản động vật khỏi Kabul

    Raphael Marshall, một quan chức Bộ Ngoại giao Anh, tiết lộ đích thân Thủ tướng Johnson đã can thiệp để di tản nhân viên và một số động vật của tổ chức phi chính phủ Nowzad khỏi Kabul sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan.

    Phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 7/12, ông Marshall nói việc di tản động vật của Nowzad đồng nghĩa có những người Afghanistan từng cộng tác với binh lính Anh mất đi cơ hội được giải cứu khỏi Kabul.

    Lời khai của ông Marshall làm xấu đi thêm hình ảnh của chính quyền Thủ tướng Johnson trong cuộc di tản. Ông Marshall nói cựu Ngoại trưởng Dominic Raab mất đến hàng giờ để giải quyết những đề nghị khẩn cấp. Nhiều thư điện tử đề nghị di tản chưa bao giờ được giới chức Anh đọc.

    "Rõ ràng một số người mắc kẹt tại Afghanistan đã bị Taliban sát hại", ông Marshall nói.

    thu tuong anh boris johnson bi ha be 1
    Binh sĩ Anh được di tản khỏi Kabul. Ảnh: Reuters

    Cáo buộc tham nhũng

    Đầu tháng 11, Hạ nghị sĩ Owen Paterson bị Quốc hội Anh đình chỉ chức vụ trong 30 ngày vì vi phạm "nghiêm trọng" quy định về vận động hành lang.

    Trước đó, Paterson đã thay mặt hai công ty gửi nhiều thư điện tử tới các quan chức chính phủ. Hai doanh nghiệp này trả 136.000 USD tiền phí cố vấn cho Paterson.

    Kathryn Stone, ủy viên Ủy ban Tiêu chuẩn Hạ viện, cho rằng hành vi của Paterson đã vượt quá giới hạn và quyết định đình chỉ chức vụ của nghị sĩ này.

    Paterson sau đó thuyết phục chính quyền Thủ tướng Johnson sửa đổi quy định, đảo ngược quyết định đình chỉ chức vụ nói trên, đồng thời chuyển vụ việc sang một ủy ban khác do Hạ nghị sĩ Bảo thủ John Whittingdale phụ trách.

    Ông Johnson quyết định ủng hộ Hạ nghị sĩ Paterson. Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, số 10 phố Downing đã phải đảo ngược quyết định khi vấp phải phán ứng dữ dội từ cử tri.

    Trong những tuần sau đó, công luận Anh liên tiếp đặt câu hỏi về sự liêm chính của các nghị sĩ quốc hội.

    Keir Starmer, một lãnh đạo đảng Bảo thủ, thậm chí cáo buộc chính quyền Thủ tướng Johnson là "suy thoái, thân hữu và tham nhũng".

    Những bê bối liên tiếp xuất hiện khiến nhiều người đặt câu hỏi đảng Bảo thủ có hạ bệ Thủ tướng Johnson để bảo vệ uy tính trước thềm tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024. Đảng Bảo thủ trước đó không ít lần thẳng tay loại bỏ các lãnh đạo đã mất đi sự ủng hộ của cử tri.

    Theo Zing

  • Tổng thống Pháp đã gọi Thủ tướng Anh Boris Johnson là “một tên hề” và nói rằng thật hổ thẹn khi một đất nước vĩ đại lại được vận hành bởi người như vậy.

    Hãng thông tấn RT của Nga dẫn lại tạp chí trào phúng Le Canard Enchaine cho hay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra những phát ngôn cực kỳ gây tranh cãi và phi ngoại giao về Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một cuộc gặp ở Zagreb vào tháng 11 vừa qua.

    Ngày 1/12, tờ Le Canard Enchaine đưa tin, Tổng thống Macron nói rằng ông Johnson tỏ ra hối lỗi về cách mà ông hành xử trước công chúng và quan điểm của ông về quyền đánh bắt cá của ngư dân Pháp, và cả thỏa thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm nguyên tử cho Australia (AUKUS) khiến Pháp mất hợp đồng 40 tỉ USD với Australia.

    “Ông ấy nói riêng với tôi rằng ông ấy rất xin lỗi vì những điều mà ông ấy đã làm, thú nhận rằng ông cần phải làm hài lòng dư luận” – Tổng thống Macron nói, thêm rằng ông Johnson nhận thức được rằng Brexit là một mớ hỗn độn lớn.

    Theo tờ báo Pháp, ông Macron chỉ ra tình trạng thiếu nhiên liệu và hàng hóa như bằng chứng, nhưng nhiều người lại không cho rằng Brexit là nguyên nhân của các vấn đề chuỗi cung ứng.

    tong thong phap goi thu tuong anh la ten he
    Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Reuters)

    Tổng thống Macron còn mô tả thỏa thuận giữa ông với ông Johnson là “một rạp xiếc”, nhấn mạnh rằng họ sẽ có cuộc nói chuyện riêng, và mọi thứ đều ổn, nhưng sau đó ông Johnson lại làm một hành động theo cách “thiếu nhã nhặn”.

    Bình luận của ông Macron có khả năng ám chỉ tới việc ông Johnson công khai bức thư gửi ông Macron vào ngày 25/11, trong đó ông đưa ra kế hoạch đối phó với khủng hoảng nhập cư chỉ một ngày sau khi 27 người thiệt mạng khi băng qua eo biển Manche.

    Ông Macron kết luận rằng “rất buồn khi chứng kiến một đất nước vĩ đại được dẫn dắt bởi một tên hề. Một tên hề hay một gã ngốc đáng tự hào? Hoặc cả hai?”.

    Mối quan hệ giữa Anh và Pháp đã giảm mạnh đến mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ do bất đồng về Brexit, quyền đánh bắt cá và thỏa thuận tàu ngầm nguyên tử AUKUS.

    Pháp đã phản ứng trước việc ông Johnson công bố bức thư hồi tuần trước, bằng việc chính quyền Paris rút lại lời mời Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel – sắp có cuộc gặp với người đồng cấp pháp ở Calais để thảo luận về cuộc khủng hoảng nhập cư. Động thái của Pháp cũng bị chỉ trích là mang lại tác động xấu.

    Viettimes (theo Reuters)

     

  • Khi thảo luận với trẻ em về làm thế nào để "đưa thiên nhiên quay lại", Thủ tướng Anh Borish Johnson nói đùa có thể cho "thú ăn thịt người".

    Thủ tướng Anh Borish Johnson hôm 25/10 tham gia cùng Tanya Steele, giám đốc điều hành Quỹ bảo tồn động vật hoang dã Liên Hợp Quốc (WWF) tại Anh, tọa đàm với một nhóm trẻ em tại phòng họp ở phố Downing, London về các giải pháp bảo vệ môi trường, cứu Trái Đất.

    Boris Johnson cho dong vat an thit nguoi
    Thủ tướng Anh nói đùa "cho thú ăn thịt người" để tái cân bằng tự nhiên khi trao đổi với trẻ em tại London, ngày 25/10. Video: Global Times

    Steele nói về sự mất cân bằng của tự nhiên trên Trái Đất, nhu cầu "đưa thiên nhiên quay lại", bởi hiện nay 97% động vật có vú trên Trái Đất là con người và vật nuôi, chỉ 3% là động vật hoang dã.

    "Đúng vậy, thật đáng buồn", Thủ tướng Johnson nói. "Chúng ta cũng có thể cho thú ăn thịt người", ông nói tiếp, khiến đám trẻ cười khúc khích.

    Steele sững lại, không thốt nên lời trước câu nói đùa của Thủ tướng, sau đó trả lời: "Chúng ta có thể mở cuộc bỏ phiếu và hỏi xem có ai muốn làm thức ăn cho thú không".

    Thủ tướng Anh cho rằng trong tương lai, con người sẽ sử dụng các sản phẩm thay thế thịt và "chúng ta không thể phân biệt đâu là bánh hamburger làm từ công nghệ sinh học và đâu là bánh thật. Đó sẽ là tương lai gần thôi, mà tôi nghĩ nó đã có rồi".

    Johnson thừa nhận hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn về biến đổi khí hậu COP26 mà ông chủ trì diễn ra từ cuối tháng này có thể không đạt được những tiến bộ cần thiết. Thủ tướng Anh sẽ chào đón các lãnh đạo thế giới đến Glasgow dự hội nghị COP26 của Liên Hợp Quốc từ 31/10 đến 12/11.

    Ông cũng nói với các em nhỏ về cuộc khủng hoảng khí hậu, về các tập đoàn lớn đang sản xuất và thải ra lượng rác nhựa lớn trên thế giới. Johson khẳng định tái chế nhựa "không hiệu quả", không giải quyết được vấn đề. "Câu trả lời duy nhất là chúng ta phải cắt giảm sử dụng nhựa", ông nói.

    VnExpress (theo Daily Mail)

  • Thủ tướng Boris Johnson được hưởng mức lương hàng năm là 161,401 bảng. Thu nhập của ông Johnson bao gồm 79,496 bảng lương thủ tướng và thêm 81,932 bảng lương nghị sĩ. 

    Ông Johnson và vợ là Carrie Johnson, cũng có quyền sống trong căn hộ phía trên văn phòng số 10 phố Downing, và tận hưởng dinh thự chính thức ở vùng nông thôn Checkers, Buckinghamshire.

    So sánh lương của ông Johnson

    Thủ tướng nằm trong top 1% những người có thu nhập cao nhất ở Anh. Tuy nhiên, mức lương của Thủ tướng không bằng một phần hai mươi lương trung bình của các giám đốc điều hành 100 công ty FTSE (ước tính khoảng 3.61 triệu bảng mỗi năm).

    Thủ tướng có thể là một nhân vật nổi tiếng, nhưng thu nhập nhỏ hơn rất nhiều khi so sánh với những người nổi tiếng khác. Ví dụ: tiền lương của ông Johnson ít hơn một phần 70 thu nhập của Marcus Rashford - cầu thủ bóng đá và nhà vận động chính trị của Manchester United (10.4 triệu bảng).

    luong ong boris johnson
    Phải trợ cấp cho vợ cũ và 6 đứa con khiến tài sản của ông Johnson giảm đáng kể.

    Mức lương của Thủ tướng Anh cũng thấp hơn so với các đồng nghiệp. Quy đổi thành đô la Mỹ, tổng lương của ông Johnson vào khoảng 217,000 USD. Con số này thấp hơn lương của Thủ tướng Canada (267,041 USD) và 369,727 USD của thủ tướng Đức.

    Hơn nữa, thu nhập của người lãnh đạo nước Anh chỉ bằng một nửa số tiền trả cho Tổng thống Hoa Kỳ (400,000 đô la) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (405,000USD).

    Ai quy định mức lương của Thủ tướng?

    Mức lương của ông Boris Johnson do Cơ quan Tiêu chuẩn Nghị viện Độc lập (IPSA) quy định. Tuy nhiên, ông Johnson không nhận toàn bộ số tiền lương được hưởng trong năm.

    Vào năm 2020-21, ông Johnson đã chọn nhận 75,440 bảng trong tổng số 79,936 bảng lương Thủ tướng, ngoài tiền lương của nghị sĩ.

    Trước cuộc khủng hoảng Covid năm 2020, Boris Johnson khẳng định ông không ủng hộ tăng lương cho nghị sĩ hoặc Bộ trưởng Chính phủ.

    Ông Boris Johnson lo ngại về thu nhập của mình?

    Một số tờ báo cho rằng Thủ tướng Anh không hài lòng với mức lương hiện tại. Ông Boris Johnson gần đây đã ly hôn với vợ cũ là bà Marina Wheeler. Có ý kiến ​​cho rằng việc dàn xếp ly hôn đã khiến tài sản của ông Johnson giảm đáng kể.

    Theo các suy đoán, ông Johnson đang lo lắng về chi tiêu trong gia đình tại số 10 Downing và phải hỗ trợ tài chính liên tục cho các con, bao gồm chi phí liên quan đến chăm sóc và học hành của cậu con trai nhỏ Wilfred. 

    Hơn nữa, thủ tướng rõ ràng đã chấp nhận bị giảm lương đáng kể. Trước khi chuyển đến phố Downing và sau thời gian làm Ngoại trưởng, hồ sơ Quốc hội cho thấy Boris Johnson là một trong những nghị sĩ có thu nhập cao nhất.

    Thật vậy, tờ Evening Standard đã suy đoán ông Johnson trước đây đã kiếm được khoảng 275,000 bảng từ chuyên mục báo của mình với Daily Telegraph.

    23borisDiinh thự ở Buckinghamshire

    So sánh với thu nhập của các cựu Thủ tướng Anh

    Ông Boris Johnson khá may mắn khi mọi sự sụt giảm trong thu nhập có thể chỉ là tạm thời. Tất cả những người tiền nhiệm gần đây của ông đều có thể nhận được những khoản tiền đáng kể trong những lần phát biểu trước công chúng.

    Trên thực tế, chi phí cho một bài giảng của một cựu Thủ tướng gần đây đã vượt quá 100,000 bảng.

    Kể từ khi rời nhiệm sở, bà Theresa May được cho là đã kiếm được nhiều tiền từ một số hoạt động, bao gồm cả phát biểu tại đại học Ivy League, Brown, ở Rhode Island, Mỹ.

    Ngoài những lần phát biểu này, một cựu Thủ tướng có thể ký được hợp đồng sách hấp dẫn và làm việc với vai trò cố vấn.

    Thu nhập của một cựu Thủ tướng cũng có thể tăng hay giảm theo tầm ảnh hưởng quốc tế và kinh nghiệm làm việc. Là một nhân vật nổi tiếng khắp thế giới, ông Boris Johnson có thể tận dụng điều này.

    Nếu cần nguồn cảm hứng, ông Boris Johnson có thể theo chân cựu Thủ tướng đảng Lao động Tony Blair. Có ý kiến ​​cho rằng ông Tony Blair là cựu Thủ tướng có thu nhập cao nhất trong lịch sử Anh. Trước đây, ông được coi là diễn giả có thu nhập cao nhất trên thế giới.

    Sau khi rời phố Downing, ông Blair làm cố vấn với mức lương cao tại  Zurich Financial Services và JP Morgan Chase. Năm 2014, ông Blair đã phải nhấn mạnh rằng vào thời điểm đó, giá trị tài sản ròng của mình chỉ chưa đến 20 triệu bảng.

    Viethome (Theo Politics)

  • Đám cưới bí mật được tổ chức bất ngờ vào thời điểm này làm dấy lên câu hỏi về khả năng trì hoãn dỡ bỏ các hạn chế xã hội còn lại vào ngày 21/6 tại Anh. 

    Vợ chồng thủ tướng Anh Boris Johnson đã chọn không đi hưởng tuần trăng mật ngay lập tức sau đám cưới bất ngờ hôm 29/5.

    Thay vào đó, cặp đôi dự kiến ​​dành thời gian nghỉ ngơi và cử hành hôn lễ khác với thêm sự tham dự của khách mời vào mùa hè tới, sau một buổi lễ bất ngờ tại nhà thờ Westminster, Guardian đưa tin.

    Trong bức ảnh mới được công bố vào hôm 30/5, Thủ tướng Johnson xuất hiện trong bộ vest với cà vạt màu xanh sáng cùng bông hồng trắng cài trước ngực áo. Sau đám cưới, bà Carrie sẽ lấy họ của ông và được gọi là Carrie Johnson.

    dam cuoi
    Thủ tướng Anh Boris Johnson và bà Carrie Johnson. Ảnh: AP.

    Trước đó, The Sun đưa tin cặp đôi đã gửi lời mời "ăn mừng đám cưới" vào hôm 30/7/2022, làm dấy lên suy đoán rằng thủ tướng Anh sẽ đợi đến năm sau để tổ chức đám cưới.Ông Johnson, 56 tuổi, là thủ tướng Anh đầu tiên kết hôn khi đang đương nhiệm trong 199 năm qua. Ông cùng vợ đã đính hôn trên đảo Mustique vào cuối năm 2019. Họ có một con trai, Wilfred, sinh vào tháng 4/2020 - chỉ vài tuần sau khi thủ tướng rời bệnh viện điều trị Covid-19.

    Tuy nhiên, các báo cáo hôm 29/5 cho biết họ đã bí mật kết hôn sớm hơn tại nhà thờ Công giáo La Mã, chỉ cách nhà của họ hơn 1,5 km.

    Ngay sau 13h30 (theo giờ địa phương), nhà thờ diễn ra đám cưới đã bị khóa. Nửa giờ sau, cô dâu đến trong một chiếc xe limousine. Trước đó, cha của Thủ tướng Anh Johnson, ông Stanley, đã được nhìn thấy trong trang phục lịch sự tại số 10 phố Downing.

    Thời gian diễn ra đám cưới sớm đã đặt ra câu hỏi về khả năng trì hoãn lệnh dỡ bỏ các hạn chế xã hội còn lại vào ngày 21/6, trong bối cảnh các nhà khoa học lo ngại về sự gia tăng các ca mắc mới và khả năng lan rộng của biến thể từ Ấn Độ.

    Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng vaccine Nadhim Zahawi cho biết đám cưới diễn ra sớm vì có khả năng lệnh dỡ bỏ giới hạn số lượng khách mời vào tháng tới sẽ không diễn ra như kế hoạch.

    Đám cưới hôm 29/5 của thủ tướng Anh diễn ra trước sự chứng kiến ​​của chỉ một số ít bạn bè và người thân gia đình. Điều này đảm bảo tuân thủ các quy định chỉ cho phép tối đa 30 người tham dự đám cưới ở Anh.

    Đây là lần thứ ba ông Johnson kết hôn. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông với bà Allegra Mostyn-Owen - bắt đầu vào năm 1987 - đã kết thúc năm 1993. Cuộc hôn nhân thứ hai bắt đầu chỉ 12 ngày sau đó, ông kết hôn với luật sư Marina Wheeler. Hai người có tổng cộng 4 người con, trong đó bé đầu tiên chào đời 5 tuần sau lễ cưới. Và họ đã li dị vào tháng 9/2018.

  • Thủ tướng Johnson được cho có sở thích chia sẻ số điện thoại cá nhân, do đó thông tin liên lạc của nhà lãnh đạo Anh có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng. 

    Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho đã sử dụng một số điện thoại di động được 15 năm và số điện thoại cá nhân của nhà lãnh đạo Anh có thể dễ dàng được tìm thấy qua Google. Dù văn phòng Tổng thống Anh chưa lên tiếng về sự việc, nhưng số điện thoại được cho của Thủ tướng Anh đã bị xóa khỏi internet.

    sdt johnson

    Theo truyền thông, Thủ tướng Johnson có thói quen chia sẻ số điện thoại cá nhân cho bất cứ ai mà ông gặp. Ông cũng được cho đã sử dụng số điện thoại này ít nhất là từ năm 2006, 2 năm trước khi trở thành Thị trưởng London và 13 năm trước khi đảm nhận chức vụ Thủ tướng Anh. Do đó, thông qua Google, số điện thoại của ông Johnson dễ dàng bị phát hiện.

    Phố Downing vẫn chưa lên tiếng về sự việc Thủ tướng Anh bị lộ số điện thoại cá nhân và cũng chưa đưa ra câu trả lời cho câu hỏi của truyền thông về việc liệu ông Johnson sẽ cho thay đổi số điện thoại hay không.

    Nhiều tờ báo đã cố gọi vào số điện thoại được cho là của Thủ tướng Anh nhưng đều không liên lạc được. Nhưng tới chiều ngày 30/4, điện thoại đã tái hoạt động và tiếng chuông điện thoại reo 3 lần khi có người gọi tới. Song hiện không rõ số điện thoại này Thủ tướng Johnson còn dùng hay không.

    Thủ tướng Johnson được biết là người từng nhận vô số cuộc gọi từ người dân Anh để xin hỗ trợ. Do đó, không rõ liệu sau khi báo chí đưa tin về việc bị lộ số điện thoại cá nhân, công việc của nhà lãnh đạo có bị ảnh hưởng hay không.

    “Vấn đề của Thủ tướng Johnson là ông trả lời tất cả mọi người”, một nguồn tin trong chính phủ Anh chia sẻ với Telegraph hồi đầu tháng Tư.

    Rất ít nhà lãnh đạo trên thế giới cho công khai số điện thoại liên hệ, nhưng ông Johnson lại là ngoại lệ. Các đối thủ của ông Johnson cũng từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích thói quen của nhà lãnh đạo Anh.

    Cụ thể, nhà lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer cho rằng, “đây là một tình huống nghiêm trọng dẫn tới rủi ro an ninh”. Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Kevan Jones từng nói với Politico rằng, “chuyện công khai số điện thoại sẽ khiến Thủ tướng rất dễ bị tổn thương”.

    Song phát biểu trước các phóng viên vào ngày 30/4, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak lại lên tiếng bênh vực Thủ tướng Anh, “Tất cả các quy định an ninh đã được triển khai. Chuyện công khai số điện thoại cho thấy, Thủ tướng là một người đặc biệt bởi ông ấy luôn muốn tiếp cận theo phương thức cá nhân”.

    Theo Infonet

  • thu tuong anh tung thieu 1
    Từ ngày dọn vào số 10 Downing Street, cặp đôi Boris-Johnson và Carrie Symonds có vẻ còn túng thiếu hơn trước

    Ông Boris Johnson luôn thiếu tiền vì lương thấp, chi phí cho gia đình cao và phải tự trả tiền ăn trong Dinh Thủ tướng, theo các báo Anh.

    Tình cảnh của thủ tướng đương quyền, Boris Johnson thật "tội nghiệp", theo bài của Tom Newton Dunn đăng trên The Sunday Times hôm 07/03/2021.

    Nhưng vấn đề đồng lương 'eo hẹp' của người điều hành nội các tại Anh đã được nhiều cơ quan truyền thông nêu ra lâu nay mà chưa có cách giải quyết.

    Thấp hơn thời chưa nhậm chức

    Theo bài báo của Newton Dunn, khi thắng cử và lên làm thủ tướng năm 2019, ông Boris Johnson phải chịu thiệt về thu nhập (pay cut) 670 nghìn bảng Anh.

    Trước đó, trong một năm ông thu về 830 nghìn tiền diễn thuyết, và viết báo.

    Tờ Daily Telegraph trả cho ông 275 nghìn/năm cho cột bình luận hàng tuần trên báo này.

    Nhưng làm thủ tướng Anh, ông Johnson chỉ được "lương cứng" trước khi khai thuế là 157.372 bảng Anh/năm.

    Vì ông còn là nghị sĩ Hạ viện, nên có thu nhập 82.921 bảng/năm.

    Chỉ có điều luật Anh không cho nhận hai lương nên trên thực tế ông chỉ còn 75.440 bảng, cộng với lương nghị sĩ để ra con số ban đầu: 157.372 bảng, gần được 220 nghìn USD.

    So với tổng thống Mỹ thì thủ tướng Anh kém cả về tiền lương và các bổng lộc.

    Tổng thống Hoa Kỳ nhận 400 nghìn USD/năm, cộng 50 nghìn chi tiêu, 100 nghìn tiền đi lại không cần khai thuế và 19 nghìn cho giải trí.

    Còn ở Anh, sau khi trừ đi 60 nghìn tiền thuế thu nhập, ông Boris Johnson còn tiền "cầm tay" chưa tới 100 nghìn/năm.

    Hoàn cảnh cá nhân của ông Johnson, sau ly hôn vẫn phải trả tiền cho bốn con ăn học, khiến ông thiếu tiền.

    Bài báo trích lời bạn bè của Boris Johnson nói vụ ly hôn của ông với vợ cũ, luật sư nhân quyền Maria Wheeler "rất tốn kém" và ông còn phải trả tiền nuôi một con gái ngoài giá thú, năm nay 11 tuổi.

    Với hôn thê chưa cưới Carrie Symonds, ông lại có thêm một con trai sắp đầy năm, bé Wilfred.

    Tiền trông trẻ cho vợ chồng thủ tướng là một khoản không nhỏ họ phải chi.

    Họ sống trên lầu một của địa chỉ nổi tiếng: số 10 Downing Street, London.

    Nhà nước Anh đảm bảo có đội vệ sĩ túc trực, và ban thứ ký làm việc tại tầng trệt căn nhà, còn gia đình Boris Johnson ở tầng trên không phải trả 'rent' (tiền thuê nhà).

    Tuy thế, luật Anh không có câu nào nói chính phủ phải nuôi không gia đình thủ tướng nên họ phải tự lo ăn uống.

    thu tuong anh tung thieu 1
    Hòm thư ở số 10 Downing Street ghi chức danh chính thức của Thủ tướng Anh: Đệ nhất Đại thần phụ trách Ngân khố

    Nếu cặp đôi Boris và Carrie đặt đồ ăn từ bếp của Phủ thủ tướng thì sẽ có người bưng tới nhưng tiền ăn bị trừ vào lương.

    Tiệc tùng tiếp khách của riêng họ cũng được tính thành tiền để họ trả riêng.

    Boris Johnson có xe riêng do an ninh lái, còn xe cá nhân của ông vẫn là Toyota Previa có tuổi từ năm 1994, theo Tom Newton Dunn.

    Từ hai năm qua, ông Johnson nghỉ hè ở villa của cha ông, Stanley Johnson bên Hy Lạp... cho rẻ.

    Vì sao thủ tướng Anh lương thấp, nhà nhỏ?

    Lương thủ tướng Anh theo truyền thống vốn luôn thấp và Dinh Thủ tướng (số 10 Downing Street), chỉ là căn hộ hạng sang chung một dãy với Văn phòng Bộ trưởng Tài chính (số 11) và một căn nữa.

    Trên thực tế Anh Quốc xưa không có chức danh thủ tướng và đến nay, 'Prime Minister' chỉ là cách gọi của báo chí.

    Theo luật của Hoàng gia, người đứng đầu nội các Anh có hai chức danh: Bộ trưởng phụ trách hành chính (Minister of the Civil Service) kiêm Đệ nhất Đại thần Ngân khố (First Lord of Treasury).

    Họ chỉ là người được vị quân vương chỉ định thay mình điều hành việc nước và hàng tháng vẫn phải báo cáo.

    Thời quý tộc, các vương hầu được vua hoặc nữ hoàng mời tới London làm tể tướng, thượng thư đều là những người đã giàu sẵn nên chỉ cần chi phí đi lại và chỗ trọ ở thủ đô.

    Hàng tuần họ làm việc tại văn phòng trong Điện Westminster - trụ sở Quốc hội, và cuối tuần về điền trang thái ấp ở vùng quê.

    Chẳng hạn Quận công John Churchill làm Bộ trưởng Chiến tranh thời Nữ hoàng Anne có dinh thự Blenheim và đất 850 hectare.

    Đồng lương thấp không quá quan trọng vì có vị như William Pitt trẻ tuổi (William Pitt the Younger) được vua George III hồi năm 1792 tặng cho lâu đài Walmer ở Kent làm trụ sở.

    Số 10 Downing Street chỉ là nơi thủ tướng và gia đình đến sinh sống từ 1997, theo BBC News.

    Trụ sở 10 Downing Street của thủ tướng Anh cũng rất khiêm tốn và các thủ tướng như Lord Wellesley, Lord Melbourne không thèm đến đó ở.

    Lord Melbourne trao căn nhà ở Downing Street cho đội phụ tá ở.

    Cuối thế kỷ 19, Thủ tướng, Lord Salisbury sống ở Arlington Street và làm việc trong Văn phòng sang trọng, rộng rãi của Bộ Ngoại giao, và trao số 10 Downing Street cho một cận thần.

    Sir Winston Churchill chỉ ăn trưa tại 10 Downing Street còn vợ con ông thì ở điền trang riêng tại vùng Kent.

    Khu dinh thự Chequers mới là 'tổng hành dinh vùng quê' của thủ tướng Anh

    Vẫn theo truyền thống quý tộc thì dinh thự vùng quê mà thủ tướng đương nhiệm ở, nghỉ ngơi cuối tuần và tiếp khách quốc tế là Dinh Chequers, toạ lạc trên vùng đồng cỏ và rừng rộng 600 hectare ở Buckinghamshire. Tại đó thì họ có quyền ăn cơm miễn phí.

    Nhưng vấn đề của các chính trị gia thời nay là họ không còn là quý tộc.

    Có cần cải cách đồng lương thủ tướng?

    Từ lâu nay luôn có gợi ý rằng chính phủ Anh cần trả lương cao hơn cho thủ tướng.

    Denise Winterman và Megan Lane viết trên BBC News hơn 10 năm trước, trích sử liệu cho hay trong một thế kỷ liền, từ 1830 đến 1930 lương thủ tướng Anh là 5000 bảng một năm, không thay đổi.

    Vào năm 1930, khoản tiền đó bằng chừng 30.000 bảng bây giờ, thấp hơn lương người lái xe điện ngầm London, theo bài của BBC hồi 2010 có tựa đề "Đã có khi nào các thủ tướng nhận lương cao?" (Have prime ministers ever been well paid?)

    Tình hình từ 2010 đến nay có vẻ không thay đổi gì.

    Cũng năm 2019, trang CityWire nói lương nói lương thủ tướng Anh là 142 nghìn bảng, không chỉ thấp hơn tổng thống Pháp, thủ tướng Đức mà còn thấp hơn 170 quan chức cấp bộ ở Anh.

    Bài báo cho rằng đây là một điều bất hợp lý rất lớn.

    Chẳng hạn, giám đốc Cục Cạnh tranh Bình đẳng (Office of Fair Trading) vào lúc đó có lương năm là 280 nghìn.

    Một chủ nhiệm ban phụ trách IT trong Bộ Lao động và Hưu trí (Department of Work and Pensions) có lương 250 nghìn.

    Nay, lương hàng năm của thủ tướng Anh đã đạt con số 157 nghìn bảng nhưng vẫn còn thua xa cấp dưới.

    Lý do là ở Anh người ta rất ngại trả lương cao cho chính trị gia và mọi lời kêu gọi tăng lương đều cần Nghị viện chuẩn thuận.

    Chưa kể, để thu phiếu của cử tri, một thủ tướng là David Cameron đã đóng băng lương của chính mình và các bộ trưởng trong nhiều năm.

    Người ta quan niệm làm chính trị là tự nguyện, vì nhu cầu danh tiếng, và vì muốn "thay đổi quốc gia, xã hội", chứ không phải để kiếm tiền.

    Bởi vậy, ở Anh các công chức chuyên nghiệp, nhất là các chánh văn phòng bộ (permanent secretary) mới cần và được lương cao - có người lương nửa triệu bảng/năm.

    Họ mới là 'boss', điều hành bộ máy các bộ, còn chính trị gia sau khi thắng cử lên nắm quyền bộ trưởng, thứ trưởng chỉ lo "lãnh đạo chính sách", thất cử thì dọn đi.

    Trong năm tài khóa 2019/20, lương bộ trưởng Anh là 104.360 bảng/năm, quốc vụ khanh được 81 nghìn, thứ trưởng 71 nghìn/năm.

    Để so sánh thì lương bác sĩ đa khoa (GP) là từ 58.000, tăng lên đến 88.000 hoặc trên 100.000 sau khoảng 10 năm hành nghề.

    Niềm an ủy duy nhất cho họ là sau khi rời chức vụ có thể viết hồi ký với các hợp đồng xuất bản có thể lên tới cả triệu bảng... nếu biết viết cho hay.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Báo chí Anh dẫn các nguồn tin giấu tên thân cận với trợ lý Dominic Cummings của ông Boris Johnson nói rằng bạn gái Thủ tướng đã đưa ra lời khuyên cho người đứng đầu chính phủ Anh trong nhiều vấn đề, trong đó có Brexit.

    ban gai thu tuong anh
    Thủ tướng Anh Boris Johnson và bạn gái Carrie Symonds. (Ảnh: Sky)

    Ben Harris-Quinney, chủ tịch Bow Group, một tổ chức nghiên cứu có tư tưởng bảo thủ, vừa thúc giục tiến hành một cuộc điều tra độc lập để làm rõ nghi vấn cô Carrie Symonds gây ảnh hưởng từ sau hậu trường lên số 10 Phố Downing. 

    Theo báo Daily Mail, Bow Group kêu gọi phải “tiến hành xem xét về tư pháp và điều tra của chính phủ” về vai trò “không qua bầu cử và không phải giải trình” của cô Symonds.

    Harris Quinney nhấn mạnh rằng cần tiến hành điều tra khẩn vì bạn gái của Thủ tướng Johnson “không có vai trò chính thức nào trong đảng Bảo thủ hay chính phủ, nhưng có nhiều bài báo gợi ý rằng cô Symonds đang đóng vai trò trung tâm trong điều hành đất nước dù không có quyền hạn hay trách nhiệm giải trình”. 

    Bow Group cũng dẫn ra cáo buộc rằng cô Symonds có vai trò trong việc bổ nhiệm bạn của cô là Nimco Ali, một nhà hoạt động chuyên đấu tranh nhằm xoá bỏ tình trạng cắt bộ phận sinh dục nữ, vào một vị trí chính thức trong Bộ Nội vụ và buộc một số trợ lý trong chính phủ như Dominic Cummings, Lee Cain và Oliver Lewis phải ra đi trong những tháng gần đây. 

    Có nhiều suy đoán trên báo chí rằng việc ông Lewis từ chức là ví dụ mới nhất của tình trạng cô Symonds đang mở rộng quyền lực, bằng cách đưa nhiều người bạn của cô vào các vị trí gần gũi với ông Johnson. 

    Báo Daily Mail dẫn lời một cựu bộ trưởng nói rằng Bow Group đang tìm kiếm câu trả lời mà nhiều thành viên của đảng Bảo thủ đang tìm kiếm, rằng điều gì đang xảy ra tại Phố Downing. 

    Tuy nhiên, các đồng minh của ông Johnson phản bác Bow Group, nói rằng thủ tướng hỏi ý kiến bạn gái là chuyện bình thường, đặc biệt khi cô Symonds là giám đốc truyền thông của đảng Bảo thủ. 

    Một cuộc đấu đá nội bộ xảy ra trong số 10 Phố Downing trong nhiều tháng qua, dẫn đến việc cố vấn nổi bật nhất của ông Johnson là Dominic Cummings từ chức vào tháng 11/2020, sau khi giám đốc truyền thông Lee Cain ra đi. 

    Việc hàng loạt quan chức ra đi được cho là do cô Symonds ngăn cản việc bổ nhiệm một chánh văn phòng. 

    Theo Telegraph

  • Izvestia TV đưa tin, vị hôn thê của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Carrie Symonds, sẽ đứng đầu bộ phận Quan hệ công chúng (PR) của Quỹ từ thiện Aspinall.

    Quỹ này đang giúp hỗ trợ các quần thể động vật hoang dã, cụ thể là vào năm ngoái, các chuyên gia của Quỹ này đã vận chuyển những con báo gêpa bị nuôi nhốt đến Nam Phi.

    hon the thu tuong anh
    Hé lộ công việc vị hôn thê của Thủ tướng Anh Boris Johnson sau khi sinh con. (Ảnh: Twitter)

    Trước đó, vào tháng 4/2020, bà Carrie Symonds, vị hôn thê của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hạ sinh một bé trai tại một bệnh viện London.Theo đó, có hai vườn thú ở Anh đặt dưới sự bảo trợ của tổ chức này. Tổ chức đã gọi bà Symonds là một nhà hoạt động vì môi trường và động vật. Trong lĩnh vực sinh thái, bà Symonds cũng là người có kinh nghiệm, trước đó bà là một chuyên gia làm việc trong tổ chức phi lợi nhuận Oceana của Anh, tổ chức chuyên chống ô nhiễm đại dương.

    Con trai mới sinh của Thủ tướng Johnson và bà Symonds là em bé đầu tiên của một thủ tướng Anh đương nhiệm chào đời kể từ năm 2010, khi vợ chồng cựu Thủ tướng David Cameron sinh con gái Florence. Trước đó, vợ của cựu Thủ tướng Tony Blair cũng sinh con trai Leo vào năm 2006 khi ông Blair đang đương chức.

    Thủ tướng Johnson và bạn gái Symonds đã công bố đính hôn và sống cùng nhau tại phố Downing kể từ khi ông Johnson trở thành thủ tướng Anh vào tháng 7/2019. Bà Symonds từng là một thành viên trong nhóm chiến dịch tranh cử giúp ông Johnson tái đắc cử thị trưởng London vào năm 2012.

    Thủ tướng Johnson từng kết hôn với người vợ trước, bà Marina Wheeler, và có 4 người con chung. Tháng 9/2018, cả hai thông báo đã chia tay và ly hôn sau đó.

    Được biết, bà Symonds là người có xuất xứ “trâm anh thế phiệt” trong giới truyền thông Anh, khi cha bà là người sáng lập tờ báo nổi tiếng Independent. Dù còn trẻ nhưng bà Symonds đã có sự nghiệp chính trị và truyền thông khá thành công. Bà Symonds cũng từng là giám đốc truyền thông của đảng Bảo thủ khi mới chỉ 29 tuổi. Năm 2018, bà từng được bầu là nhân vật có ảnh hưởng thứ 2 trong lĩnh vực truyền thông chính trị tại Anh.

    Ngoài ra, bà Symonds từng làm PR cho Bộ trưởng Tài chính hiện nay là Sajid Javid. Bà cũng từng là thư ký báo chí cho Bộ trưởng Văn hóa John Whittingdale. Từng làm việc với cựu Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd và Michael Gove (hiện nay ông là Bộ trưởng không bộ, chịu trách nhiệm về “Brexit” của nước Anh).

    Năm 2018, mấy tháng trước khi báo chí đồn đoán về mối quan hệ tình cảm của bà với ông Johnson, Carrie Symonds rời đảng Bảo thủ và phụ trách các chương trình từ thiện về bảo vệ đại dương thế giới.

  • Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể mất ghế và cả 2 chính đảng ở Anh đều khó lòng chiến thắng áp đảo trong đợt bầu cử tiếp theo, theo một khảo sát mới nhất.

    Theo Hãng tin Reuters, khảo sát của hãng nghiên cứu Focaldata là cuộc thăm dò ý kiến người dân chi tiết đầu tiên về cách ông Johnson xử lý COVID-19 và cuộc chia tay Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

    Hơn 22.000 người đã tham gia cuộc khảo sát được giám sát nghiêm ngặt trong vòng 4 tuần của tháng 12.

    Theo đó, Đảng Bảo thủ cầm quyền bị dự đoán sẽ mất 81 ghế. Điều này sẽ khiến Đảng Bảo thủ chỉ còn 284 ghế, trong khi Đảng Lao động đối thủ sẽ thắng 282 ghế.

    Giữa tình hình đó, Đảng Quốc gia Scotland được dự đoán sẽ thắng 57-59 ghế tại Scotland, giúp họ có khả năng quyết định trong việc thành lập chính phủ tiếp theo. Đảng Quốc gia Scotland vốn muốn tách hẳn so với phần còn lại của Vương quốc Anh.

    thu tuong anh mat ghe

    Theo khảo sát mới, Thủ tướng Anh có thể sẽ mất đi sự ủng hộ của Uxbridge, phía tây thủ đô London.

    Hồi năm ngoái, ông Johnson đã chiến thắng vang dội trong đợt bầu cử và trở thành người lèo lái Brexit sau gần nửa thế kỷ gắn bó.

    Anh và EU ngày 24-12 thông báo đã đạt thỏa thuận Brexit kèm theo các cam kết đảm bảo lợi ích tối đa có thể. Thỏa thuận thương mại mới có ý nghĩa tích cực cho đôi bên vì tránh được một kịch bản chia tay thẳng thừng.

    Dù vậy, vị trí của ông Johnson được cho là đã bị ảnh hưởng bởi các chính phủ Anh phản ứng với COVID-19. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 74.000 người tại Anh và nghiền nát nền kinh tế nước này.

    Thủ tướng Johnson hôm 19-12 đột ngột đổi ý và áp lệnh phong tỏa thủ đô London cùng phần lớn khu vực đông nam nước Anh trước tình hình dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng. Trước đó, ông tuyên bố hủy lễ Giáng sinh là "thiếu nhân đạo" và ảnh hưởng đến toàn quốc gia.

  • Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là có ý định từ chức vào mùa xuân tới vì...lương thấp. Thông tin này đang gây xôn xao dư luận và có lẽ không ít người tò mò về mức lương của các nhà lãnh đạo thế giới.

    Truyền thông Anh gần đây đưa tin, theo các nghị sĩ Đảng Bảo thủ cầm quyền, Thủ tướng Boris Johnson từng than phiền với các đồng nghiệp rằng ông không thể sống với mức lương 150.402 bảng Anh/năm (chưa đến 200.000 USD) và ông từng kiếm được nhiều hơn trước khi nhậm chức. 

    cb64aa1f515cb802e14d

    Một nghị sĩ nói rằng ông Johnson rất lo lắng về việc nuôi dạy 6 đứa con của mình và đang cho con trai út Wilfred theo học tại trường Eton, nơi có học phí lên tới 42.500 bảng/năm (55.200 USD).

    Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ cho hay Thủ tướng Anh muốn đợi thêm 6 tháng nữa mới nộp đơn từ chức để ông có thể hoàn thành Brexit và đưa Anh vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. 

    Được biết, Văn phòng Thủ tướng Anh đã bác thông tin trên, nhưng từ chối bình luận thêm. Tuy chưa rõ có chính xác hay không, nhưng thông tin này đang khiến dư luận xôn xao và có lẽ không ít người tò mò về mức thu nhập của các nguyên thủ thế giới. 

    65aa1ad1e19208cc5183

    Theo 24/7 Wall Street hồi tháng 4/2019, người đứng đầu chính phủ Singapore hiện tại, Thủ tướng Lý Hiển Long, có mức lương 1,6 triệu USD/năm. Ảnh: Reuters.

    aacfd4b42ff7c6a99fe6

    Tổng thống Mỹ Donald Trump có mức lương 400.000 USD/năm. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã cam kết sẽ quyên góp toàn bộ số lương của ông cho các quỹ từ thiện. Ảnh: Fortune.

    8c35f14e0a0de353ba1c

    Thủ tướng Australia Scott Morrison có mức lương hàng năm là 378.415 USD. Ảnh: Time.

    e13c9d4766048f5ad615

    Mức lương mà Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận được là 369.727 USD/năm. Ảnh: Getty.

    a53bd6402d03c45d9d12

    Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern có mức lương 339.862 USD/năm. Hồi tháng 4/2020, Thủ tướng Jacinda Ardern quyết định tự giảm 20% lương trong bối cảnh dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước. Ảnh: ABC.

    0551772a8c6965373c78

    Tổng thống Mauritania Mohamed Ould Abdel Aziz nhận mức lương hàng năm là 330.000 USD.

     

  • Nữ doanh nhân người Mỹ Jennifer Arcuri cho biết cô từng ngoại tình với Boris Johnson trong 4 năm, khi ông còn là thị trưởng London.

    Arcuri, 35 tuổi, thừa nhận có quan hệ tình cảm 4 năm với Johnson khi ông chưa ly hôn người vợ thứ hai Marina Wheeler.

    "Tôi nghĩ đó là điều không cần phải nói ra", Arcuri cho biết khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn rằng có phải cô đã từng ngoại tình với Thủ tướng Anh hay không. "Còn nhiều chuyện nữa nhưng tôi không muốn nói".

    Nữ doanh nhân ngành công nghệ người Mỹ tiết lộ "quan tâm tới Johnson rất nhiều" sau khi hai người gặp nhau năm 2012, nhưng mối quan hệ lãng mạn của họ tan vỡ vào năm 2016 khi Johnson rời Tòa Thị chính London.

    "Chỉ có kẻ ngốc mới không ngã gục trước cơn bão cuồng nhiệt ấy, nhất là khi bạn là một phụ nữ trẻ độc thân tại London", Arcuri nói.

    boris johnson ngoai tinh
    Boris Johson và Jennifer Arcuri tại một hội nghị về công nghệ ở London năm 2014. Ảnh: Rex

    Cô sau đó kết hôn với một doanh nhân người Anh, có một con gái ba tuổi và mắc kẹt ở Mỹ vì Covid-19 sau khi về nước dự đám tang bố. Arcuri hy vọng sẽ quay lại Anh khi lệnh hạn chế được dỡ bỏ.

    Vụ ngoại tình khiến Johnson bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để ưu đãi nữ doanh nhân. Thủ tướng Anh tránh được cuộc điều tra hình sự sau khi cảnh sát không tìm thấy chứng cứ cho thấy ông đã tác động tới khoản thanh toán hàng nghìn bảng sử dụng ngân sách công cho Arcuri, hay đảm bảo cho cô tham gia các chuyến công tác nước ngoài mà ông dẫn đầu.

    Tòa Thị chính London tiếp tục điều tra về hành vi của Johnson sau khi Văn phòng Độc lập về Hạnh kiểm Cảnh sát (IOPC) đóng hồ sơ sự việc hồi tháng 5. IOPC nhận định đáng lẽ Johnson nên công bố mối quan hệ với Arcuri và cho biết họ đã tìm được bằng chứng cho thấy hai người có thể đã có "mối quan hệ thân mật".

    Thủ tướng Johnson, người làm thị trưởng London giai đoạn 2008-2016, trước đó đã hoan nghênh quyết định ngừng điều tra của IPOC và chỉ trích "những cáo buộc khó chịu" nhằm vào ông.

    (Theo Guardian)

  • Chuyên cơ RAF Voyager của Thủ tướng Boris Johnson đang được sơn mới tại Cambridgeshire với tổng kinh phí 1 triệu USD.

    Hôm 16/6, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng xác nhận chuyên cơ này đang được sơn mới ở một nhà ga chuyên dụng do công ty Marshall Aerospace quản lý.

    “Chuyên cơ RAF Voyager, từng được các thành viên hoàng gia và thủ tướng Anh sử dụng, đang được tân trang tại Cambridgeshire”, The Guardian dẫn thông tin từ người phát ngôn của thủ tướng Boris Johnson.

    chuyen co johnson 1
    Máy bay Voyager đang tiếp nhiên liệu trên không cho một chiếc máy bay Tornado. Ảnh: RAF

    Chiếc máy bay sẽ được sơn lại với màu đỏ, trắng và xanh da trời, vốn là các màu có trong quốc kỳ của Anh. “Giống như chuyên cơ của nhiều vị lãnh đạo khác trên thế giới, RAF Voyager sẽ góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia sau khi được sơn mới”.

    Người phát ngôn của thủ tướng cũng cho biết việc sơn mới máy bay tốn khoảng 1 triệu USD. Nhiều đảng đối lập đang phản đối kế hoạch này vì không muốn lãng phí ngân sách công.

    Louise Haigh, một thành viên của đảng Lao động, cho biết: “Nhiều hộ gia đình Anh vẫn đang chật vật để lo chuyện cơm áo gạo tiền và chống dịch. Họ sẽ chất vấn chính phủ nếu như phải nộp thuế để chi trả cho việc sơn máy bay”.

    chuyen co johnson 1
    Voyager A330 có màu xám và được tu sửa lại để làm chuyên cơ cho thủ tướng từ năm 2015. Ảnh: RAF

    Dù vậy, Bộ trưởng Văn hoá Oliver Dowden khẳng định đây là một khoản chi tiêu hợp lý vì chiếc máy bay có thể quảng bá hình ảnh nước Anh sau khi được sơn mới.

    “Chúng ta thường chi tiền để quảng bá hình ảnh nước Anh với bạn bè quốc tế. Chúng ta là siêu cường với nhiều ngành công nghiệp sáng tạo, chúng ta nên làm điều này”, ông Dowden chia sẻ trong một cuộc họp báo hôm 17/6.

    Phát ngôn viên của thủ tướng lưu ý rằng kinh phí 1 triệu USD đã bao gồm “phí thiết kế mà không làm ảnh hưởng đến vai trò tiếp nhiên liệu quân sự của máy bay này”. Ông cũng khẳng định một doanh nghiệp Anh sẽ chịu trách nhiệm cho dự án.

    Trong một chuyến đi đến Nam Mỹ vào năm 2018, Thủ tướng Johnson từng phàn nàn về cách phối màu buồn tẻ của chiếc RAF Voyager.

    Từng là một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu của Không quân Hoàng gia Anh (RAF), Voyager A330 có màu xám và đã được tu sửa lại để làm chuyên cơ cho thủ tướng từ năm 2015.

    Một lý do giải thích cho màu xám "buồn tẻ" của chiếc máy bay là ở mục đích sử dụng kép trong tiếp liệu trên không khiến nó cần được ngụy trang. Tuy nhiên, theo một nguồn tin, với màu sơn mới nhiều màu sắc, trông chiếc máy bay có phần giống một phi cơ của British Airways, nhưng sẽ khiến các chỉ huy không quân đau đầu, khi chiếc Voyager nay sẽ bắt mắt hơn với không quân kẻ thù cũng như được nhận dạng là máy bay của nhân vật quan trọng.

    Zing (theo Guardian)

  • Xe chở ông Boris Johnson chiều 17/6 phanh gấp khi một người biểu tình lao ra đằng trước ở Westminster, khiến chiếc xe hộ tống đi phía sau húc vào đuôi.

    Một người biểu tình bên ngoài cổng tòa nhà quốc hội Anh ở Westminster chạy ra phía trước chiếc xe Jaguar chở ông Johnson, khi đoàn xe của ông ra về sau phiên chấn vất Thủ tướng. Xe chở ông Johnson phanh gấp để tránh người đàn ông.

    Chiếc xe Range Rover chở vệ sĩ đi phía sau không kịp dừng nên đã húc vào đuôi chiếc Jaguar, để lại một vết móp. Hai chiếc xe sau đó nhanh chóng rời đi. Một số cảnh sát khống chế người biểu tình. Cảnh sát sau đó xác nhận họ đã bắt một người đàn ông vì cản trở đường cao tốc.

    Số 10 phố Downing xác nhận Johnson ngồi trong xe và cho biết không ai bị thương. Sự cố xảy ra gần nơi kẻ khủng bố Khalid Masood lao xe vào cổng tòa nhà quốc hội vào tháng 3/2017, khiến 5 người thiệt mạng. Người biểu tình bị bắt thuộc một nhóm phản đối hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại phiến quân người Kurd ở bắc Iraq.

    xe cho thu tuong anh 1
    Xe chở Thủ tướng Anh bị móp sau vụ va chạm. Ảnh: PA.

    xe cho thu tuong anh 1
    Kẻ quấy rối bị bắt. Ảnh: PA.

    Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson đã đăng trên Twitter: "Những kẻ côn đồ phân biệt chủng tộc không được phép tồn tại trong xã hội của chúng ta. Bất kỳ ai tấn công cảnh sát sẽ bị luật pháp trừng trị. Những cuộc tuần hành và biểu tình này đã bị phá hoại bởi những hành vi bạo lực và vi phạm quy định hiện hành. Vương quốc Anh không dung túng cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chúng ta phải đoàn kết để biến điều đó thành hiện thực".

    Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel cũng nói: "Về cơ bản, những kẻ đe dọa sự an toàn của các nhân viên cảnh sát và sự an toàn của công chúng sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật."

    Theo Reuters

  • Hạn mức tín nhiệm của Thủ tướng Anh đã giảm tới 40 điểm chỉ trong vòng 2 tháng do tỉ lệ người già tử vong trong trại dưỡng lão quá cao, cộng thêm scandal của cố vấn thân cận Dominic Cummings.

    Sự ủng hộ của công chúng dành cho ông suy giảm từ giữa tháng Tư, khi người dân tưởng chừng đã quay sang cổ vũ khi ông xuất viện sau trận chiến với coronavirus.

    Nhưng từ đó, chính phủ đã bị chỉ trích vì cố gắng tìm cách dỡ bỏ phong tỏa quá sớm, chật vật không tìm được đồ bảo hộ chất lượng cho nhân viên y tế tuyến đầu và sự lây nhiễm virus trầm trọng trong các nhà dưỡng lão. 

    Ông Johnson cũng nhất mực không chịu sa thải cố vấn Cummings khi ông này vi phạm luật phong tỏa và lái xe về nhà ở Durham.

    ti le ung ho ong johnson
    Tỷ lệ ủng hộ ông Johnson đã giảm mạnh chỉ trong 2 tháng. Ảnh: EPA

    Tuy nhiên, ngài Thủ tướng cũng không phải chỉ nhận tin xấu. Một cuộc khảo sát cho thấy người dân ủng hộ quy định cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh vào UK, và chỉ một số ít người được miễn trừ, chẳng hạn nhân viên giúp chống đại dịch.

    Bất cứ ai đến UK đều phải cung cấp địa chỉ mà họ sẽ tự cách ly trong 14 ngày. 

    40% người tham gia khảo sát cảm thấy hài lòng với biện pháp này, dù 35% người khác nói rằng cách này chưa đủ cứng rắn. Họ cũng sợ người dân bị ám ảnh nặng nề bởi đại dịch. 75% người cho biết họ cảm thấy không an toàn khi phải lên máy bay trong thời gian tới. 

    Hiện tại chính phủ đang tìm hướng thiết lập lại chặng bay với các quốc gia khi mức lây nhiễm đã cơ bản giảm, cho phép người dân được đi du lịch hè mà không phải cách ly 2 tuần ở quốc gia điểm đến. 42% ủng hộ phương hướng này của chính phủ, trong khi 39% phản đối.

    Viethome (theo Metro)