Sách giáo khoa mới tuyên bố Hong Kong chưa từng là thuộc địa của Anh

Trung Quốc lâu nay nói rằng sự cai trị của Anh với Hong Kong không tước đoạt được chủ quyền của họ với vùng lãnh thổ này

Sách giáo khoa mới cho các trường học ở Hong Kong sẽ tuyên bố lãnh thổ này chưa bao giờ từng là thuộc địa của Anh, truyền thông địa phương đưa tin.

Thay vào đó, các sách tuyên bố người Anh "chỉ thực hiện quyền cai trị thực dân" ở Hong Kong - một sự khác biệt được đưa ra để làm nổi bật các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền liên tục.

Trung Quốc luôn khẳng định họ không bao giờ từ bỏ chủ quyền và việc họ đầu hàng trao Hong Kong cho Anh là do các hiệp ước bất bình đẳng của cuộc Chiến tranh Nha phiến vào những năm 1800.

Vương quốc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997 sau hơn 150 năm cai trị. Trong suốt thời gian cai trị, Anh nhắc đến Hong Kong - một cảng biển sâu đã trở thành một thành phố phát triển vượt bậc, và là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới - như một thuộc địa, cũng như một lãnh thổ phụ thuộc.

Vương quốc Anh quản lý khu vực này từ năm 1841 đến 1941, và từ năm 1945 đến 1997, sau đó thành phố được trao trả cho Trung Quốc.

hong kong trao tra cho trung quoc
Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, thời điểm được chỉ định theo các yêu cầu của hiệp ước

Khuyến khích 'bản sắc Trung Quốc'

Phân tích của nhà báo Jeff Li, BBC Tiếng Trung: Trung Quốc duy trì quan điểm rằng Hong Kong luôn là lãnh thổ của họ - mà người Anh chỉ chiếm đóng sau năm 1842.

Và trong khi chính phủ nhà Thanh vào thời điểm đó đã ký các hiệp ước liên tiếp nhượng và cho thuê các phần của lãnh thổ cho Anh, Trung Quốc lập luận rằng những hiệp ước đó được ký kết "dưới sự ép buộc" và họ không bao giờ chấp nhận chúng.

Chính quyền Hong Kong đã tuân theo lời lẽ hoa mỹ của Bắc Kinh kể từ khi được bàn giao vào năm 1997. Họ không bao giờ nói rằng chủ quyền đã được "chuyển giao" cho Trung Quốc, mà chỉ nói là Hong Kong đã "trở về với đất mẹ".

Các bảo tàng của chính phủ từng mô tả Hong Kong là "thuộc địa của Anh", nhưng những từ đó đã bị xóa vào năm 2020 - một động thái mà người dân địa phương cho rằng là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng cường sự kiểm soát tại thành phố bán tự trị này.

Động thái mới nhất này thống nhất với nỗ lực của Bắc Kinh trong những năm gần đây để khơi dậy "bản sắc Trung Quốc" trong giới sinh viên Hong Kong - nhằm gieo rắc ý tưởng rằng Hong Kong luôn là một phần của Trung Quốc, nhưng đã bị tước đoạt trong một thời gian dưới sự cai trị của Anh.

Sách giáo khoa mới dành nhiều phần để giải thích sự khác biệt giữa thuộc địa và cai trị thực dân - với các nội dung tuyên bố rằng để một quốc gia gọi một lãnh thổ bên ngoài là thuộc địa thì quốc gia đó cần có chủ quyền cũng như quyền quản lý đối với lãnh thổ đó.

Trong trường hợp của Hong Kong, người Anh "chỉ thực hiện sự cai trị thực dân... vì vậy Hong Kong không phải là thuộc địa của Anh", theo như nội dung trong sách giáo khoa mới được truyền thông địa phương đưa tin.

Các cuốn sách được biên soạn cho một khóa học cụ thể để được sử dụng cho giảng dạy trong các trường học ở Hong Kong, tập trung vào lý tưởng công dân, luật pháp và lòng yêu nước.

Môn học này thay thế cho một khóa học nghiên cứu về chủ nghĩa tự do nhằm dạy cho học sinh sinh viên kỹ năng tư duy phản biện tốt hơn và các ý tưởng về sự tham gia của công dân.

Trung Quốc đã chỉ trích trực tiếp khóa học này trong thời gian xảy ra các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt của thành phố này vào năm 2019, và nói rằng giáo dục như vậy đã "cực đoan hóa" giới trẻ và cho họ những ý tưởng sai lầm.

Truyền thông địa phương cho biết, sách giáo khoa mới - chưa được in, và đang chờ chính quyền Trung Quốc phê duyệt lần cuối - cũng phản ánh việc xây dựng quan điểm của Bắc Kinh về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt vào năm 2019 như một mối đe dọa an ninh.

Tờ South China Morning Post đưa tin một trích đoạn về các cuộc biểu tình có nội dung: "Ly khai và lật đổ chính phủ được cổ vũ trong một số hoạt động đe dọa chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia."

Trong khi các vụ bạo lực đã xảy ra trong các cuộc biểu tình năm 2019, phần lớn các cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra trong hòa bình. Các nhóm nhân quyền cũng đưa ra cáo buộc về sự tàn bạo và ngược đãi của cảnh sát với những người biểu tình ôn hòa trong thời gian này.

Timothy Lee, một nhà cựu lập pháp ủng hộ dân chủ ở Hong Kong hiện đang sống lưu vong, nằm trong số các nhà phê bình bày tỏ lo ngại về việc "viết lại" lịch sử.

Điều gì đã xảy ra kể từ khi trao trả Hong Kong?

Sau khi trao trả Hong Kong vào năm 1997, nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đã phân loại thành phố là một đặc khu hành chính với hệ thống quản lý và kinh tế riêng, cho phép các cá nhân có nhiều quyền tự do hơn so với trong đại lục.

Sau các cuộc biểu tình lớn năm 2019, Trung Quốc đã đàn áp các quyền tự do dân sự vốn được cho phép trước đây ở Hong Kong. Năm 2020, Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mà đã có hiệu lực cấm hầu hết các hình thức chỉ trích chính trị.

Theo BBC Tiếng Việt