Mauritius đòi Anh giao trả quần đảo Chagos

Quyền sở hữu của Anh đối với quần đảo Chagos chính thức bị thách thức vào ngày 14/2, khi đại sứ Mauritius tại Liên Hợp Quốc dựng cờ nước này trên rạn san hô vòng Peros Banhos.

Tại buổi lễ vào 10h30 sáng 14/2 (giờ địa phương), lá cờ đỏ, xanh dương, xanh lá và vàng được Đại sứ Jagdish Koonjul kéo lên cột cờ trên rạn san hô vòng Peros Banhos, thuộc quần đảo Chagos, trong lúc giới chức Mauritius hát vang quốc ca, Guardian đưa tin.

“Chúng tôi thực hiện hành động kéo cờ mang tính biểu tượng này, như hành động mà người Anh đã thực hiện nhiều lần khi thiết lập thuộc địa. Nhưng lúc này, chúng tôi đang lấy lại thứ luôn thuộc về mình”, Đại sứ Koonjul nói.

Trả lời Guardian ít lâu sau khi lá cờ được dựng, Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth nói đây là thời khắc “cảm động” và “lịch sử” vì “chúng tôi có thể dựng cờ trên lãnh thổ của mình”.

“Cộng đồng và thể chế quốc tế đã quyết định đây là lãnh thổ của chúng tôi. Điều chúng tôi làm là chính đáng”, ông nói. Khi được hỏi liệu quan chức Anh sau đó có kéo cờ Mauritius xuống hay không, ông Jugnauth nói không biết. “Nếu họ tháo cờ, đó sẽ bằng với việc khiêu khích. Vương quốc Anh đang không tuân thủ phán quyết tòa quốc tế”, ông nói.

quan dao Chagos

Quần đảo Chagos có 7 rạn san hô vòng với tổng cộng 60 đảo, cách Maldives 500 km về phía nam. Đây là vùng tranh chấp lãnh thổ giữa Vương quốc Anh và Mauritius - quốc đảo từng là thuộc địa Anh tại trung tâm biển Ấn Độ Dương.

Cuối tháng 1/2021, tuyên bố chủ quyền của Vương quốc Anh đối với quần đảo Chagos đã bị tòa quốc tế về luật biển của Liên Hợp Quốc ở Hamburg bác bỏ toàn diện, theo Guardian. Tuy nhiên, Anh luôn bác bỏ phán quyết.

Khi còn là thuộc địa Anh, lãnh thổ Mauritius bao gồm quần đảo Chagos. Năm 1965, Anh tách quần đảo Chagos ra khỏi Mauritius để lập ra vùng lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh (BIOT), theo hồ sơ tòa án. Ba năm sau, khi Mauritius giành độc lập, Anh vẫn giữ quần đảo Chagos.

Trong đầu thập niên 1970, khoảng 1.500-2.000 người dân quần đảo Chagos bị trục xuất để Anh có thể cho Mỹ thuê hòn đảo lớn nhất Diego Garcia làm căn cứ không quân, theo Guardian. Những người này chưa từng được phép hồi hương. Mauritius đã hứa sẽ để binh sĩ Mỹ đóng tại đây theo hợp đồng cho thuê dài hạn.

Theo Zing