Ông Boris Johnson thay máu nội các, cách chức hơn 10 bộ trưởng

Ông Sajid Javid đã được trao chức vụ Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của tân thủ tướng Boris Johnson.

Cựu Bộ trưởng nội vụ là quan chức đầu tiên được ông Johnson bổ nhiệm khi bắt tay vào một cuộc cải tổ nội các đầy gay cấn, trong đó các nhân vật ủng hộ Brexit đang chiếm nhiều ưu thế.

Người thay thế ông Javid tại Bộ Nội vụ là bà Priti Patel, người theo trường phái Brexit cứng rắn. Như vậy, bà Patel đã được đưa trở lại nội các sau khi bị buộc từ chức vào năm 2017 vì tiến hành những cuộc gặp gỡ không chính thức và không công khai với các nhân vật chính trị cấp cao của Israel.

Ông Javid được nhiều người ủng hộ cho chức vụ Bộ trưởng Tài chính, nhưng vị trí dành cho bà Patel, một đồng minh lâu năm của ông Johnson, hẳn sẽ gây nhiều tranh cãi hơn do trước đây bà này từng bày tỏ những quan điểm cực hữu như ủng hộ án tử hình.

Một người ủng hộ Brexit khác là ông Dominic Raab được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng để thay thế Jeremy Hunt, người đã quyết định nghỉ việc sau khi được đề nghị một chức không tương xứng.

Ông Raab cũng được trao danh hiệu đứng đầu các bộ trưởng, có nghĩa là ông sẽ thay mặt cho ông Johnson trong các phiên chất vấn thủ tướng khi thủ tướng đi nghỉ, hoặc đi xa.

Ông Michael Gove, đối tác cũ trong chiến dịch Vote Leave của ông Johnson, và là đối thủ trong cuộc chạy đua năm 2016, được bổ nhiệm chức Bộ trưởng phụ trách Công quốc Lancaster, trước đây do ông David Lidington nắm giữ.

Ông Gavin Williamson trở lại làm Bộ trưởng Giáo dục chỉ vài tuần sau khi bị chính phủ sa thải vì cáo buộc làm rò rỉ thông tin từ cuộc họp của Hội đồng Bảo an Quốc gia về vai trò của Huawei trong kế hoạch cơ sở hạ tầng 5G của Anh.

Trong quyết định bổ nhiệm ấn tượng nhất của một ngày đầy kịch tính, nhân vật tiên phong trong chiến dịch Brexit, ông Jacob Rees-Mogg đã gia nhập chính phủ với tư cách lãnh đạo Hạ viện.

Một trong những người ủng hộ lâu năm nhất của Johnson, ông Ben Wallace, đã được thăng chức từ Bộ trưởng An ninh lên Bộ trưởng Quốc phòng để thay thế bà Penny Mordaunt, người bị sa thải một cách bất ngờ khỏi nội các sau khi bà ra mặt ủng hộ ông Hunt trong cuộc đua lãnh đạo đảng Tory.

Bộ trưởng Brexit Stephen Barclay, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock và Bộ trưởng Lao động và Lương hưu Amber Rudd may mắn giữ được công việc của mình vào một buổi tối căng thẳng khi 17 đồng nghiệp của họ, bao gồm Hunt, Mordaunt, và cựu Bộ trưởng Thương mại Liam Fox đều bị sa thải hoặc tự rời khỏi nội các.

Những nhân vật cấp cao khác rời nhiệm sở bao gồm cựu Bộ trưởng Giao thông Chris Grayling và cựu Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark, người phản đối Brexit không thỏa thuận.

Bà Liz Truss, một người ủng hộ ông Johnson từ những ngày đầu đã được chỉ định thay thế ông Fox làm Bộ trưởng Thương mại Quốc tế.

Những người quay lại chính phủ bao gồm Nicky Morgan - Bộ trưởng Văn hóa, và Andrea Leadsom - Bộ trưởng Kinh doanh.

Ông Robert Buckland, Bộ trưởng Tư pháp, và Robert Jenrick, Bộ trưởng Nhà ở và Chính quyền địa phương, là hai trong số những người được thăng chức trong hàng ngũ bộ trưởng.

Dân biểu Rishi Sunak được chỉ định là Bộ trưởng phụ trách Ngân khố.

Grant Shapps thay thế Grayling làm Bộ trưởng Giao thông sau khi chiến lược dữ liệu của ông góp phần giúp Johnson bước vào vòng đua hai người cuối cùng trong cuộc tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Tory.

James Cleverly, phó chủ tịch đảng Tory, đã được bổ nhiệm làm bộ trưởng không bộ (bộ trưởng trong Nội các không chịu trách nhiệm về một bộ nào) kiêm chủ tịch đảng.

Nghị sĩ độc lập Nick Boles, người từng giữ chức bộ trưởng thuộc đảng Bảo thủ dưới thời David Cameron, cho biết đảng đã bị những thành viên theo đường lối cứng rắn tiếp quản.

Ông nói: “Những người theo đường lối cứng rắn đã nắm quyền trong đảng Bảo thủ. Những thành viên theo trường phái Thatcher, những người theo chủ nghĩa tự do và những người ủng hộ Brexit không thỏa thuận đang kiểm soát tổ chức đảng từ trên xuống dưới. Những thành viên theo phái Liberal One Nation đã bị tiêu diệt một cách tàn nhẫn.

Chỉ một vài nhân vật trung lập được giữ lại với vai trò bù nhìn. Việc tiếp quản bắt đầu tại các đảng cử tri địa phương giờ đây đã hoàn tất. Đảng Brexit đã giành chiến thắng trong cuộc chiến mà không bầu một nghị sĩ cụ thể nào. Boris Johnson không phải là thủ tướng mới của chúng tôi; người chúng tôi chọn lựa là ông Nigel Farage''.

Đảng Lao động đã lên tiếng chỉ trích việc bổ nhiệm những thành viên Bảo thủ cứng rắn trong nội các của ông Johnson.

Chủ tịch đảng Ian Lavery cho biết: “Động thái đầu tiên của Boris Johnson với tư cách thủ tướng là chỉ định một nội các toàn những người bảo thủ theo đường lối cứng rắn, những người sẽ chỉ đại diện cho một số ít nắm đặc quyền.

“Một Bộ trưởng Tài chính liên tục kêu gọi cắt giảm thuế cho các tập đoàn lớn, một Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Nhà ở từng bị sa thải vì vi phạm an ninh quốc gia và một Ngoại trưởng không hiểu nổi tầm quan trọng của các bến cảng.

“Nội các thiếu hiểu biết này đẩy chúng ta vào 9 năm khắc khổ, trong khi yêu cầu cắt giảm thuế cho các tập đoàn lớn siêu giàu. Chúng tôi cần một cuộc tổng tuyển cử và một chính phủ Lao động sẽ mang lại thay đổi thực sự cho nhiều người, chứ không phải một số ít có đặc quyền, mà chính ông Johnson và nội các của ông ta là đại diện.”

Các nghị sĩ Tory trung lập cũng bày tỏ sự ngạc nhiên đối với phong thái lèo lái chính phủ của ông Johnson.

Nhiều người kêu gọi bổ nhiệm ông Hunt vào một vị trí cấp cao sau khi ông này đã điều hành một chiến dịch lãnh đạo hết sức thành công và được tán dương, nhưng ông đã từ chức Ngoại trưởng sau khi ông Johnson cố gắng giao cho ông một công việc khác.

Một nghị sĩ bày tỏ chính phủ đã “mất đi một số người tốt,” trong khi một nghị sĩ khác chỉ đơn giản than “ôi trời.”

Tuy nhiên, một nghị sĩ Brexit cho biết “thay đổi lớn đòi hỏi những thay đổi lớn.”

Trong khi đó, một nguồn tin khác từ đảng Bảo thủ mô tả cuộc cải tổ của ông Johnson là một hành động “bất ngờ và mạo hiểm” nhưng đồng thời đặt câu hỏi liệu nó có được thiết kế để cho EU thấy rằng ông Johnson hoàn toàn nghiêm túc về một Brexit không thỏa thuận hay không.

VietHome (Theo Huffington Post)