Eo biển và những câu chuyện không hồi kết

Đại dương mênh mông ngăn cách những phần lục địa trên Trái đất. Nhưng phần nào được hàn gắn bởi các eo biển.

Eo biển có vị trí vô cùng quan trọng trong giao thông, giao thương và cũng tạo ra lợi thế địa chính trị giữa các quốc gia trong khu vực. Các eo biển luôn thu hút sự chú ý, kèm theo đó là nỗi lo lắng khi xuất hiện dấu hiệu bất an, nhất là khi xảy ra tranh chấp bằng vũ lực. Chính vì thế, hồ sơ về những eo biển quan trọng hàng đầu thế giới gần đây lại được giới học giả quốc tế lật mở.

Hải trình hiểm nguy qua “eo biển tử thần” Drake

Eo biển Drake là nơi giao nhau giữa Thái Bình dương và Đại Tây dương, nổi tiếng với nhiệt độ thấp, sóng lớn và nhiều bão. Là nơi có những cơn bão mạnh nhất thế giới tạo ra những con sóng cao tới 15 m, cùng với các tảng băng trôi. Việc vượt qua eo biển Drake được cho là cuộc hành trình mạo hiểm nhất thế giới.

eo bien 1
Vượt eo biển Drake là một trong những hải trình nguy hiểm nhất thế giới.

Trên quãng đường dài khoảng 1.000 km, có chỗ sâu đến 6 km cùng với một số điều kiện khắc nghiệt nhất trên hành tinh, chuyến hành trình vượt eo biển Drake khiến cả thủy thủ và du khách lẫn lực lượng tuần tra biển phải khiếp sợ.

Kênh CNN dẫn lại tác phẩm du ký của Alfred Lansing viết về chuyến hành trình năm 1916 của nhà thám hiểm Ernest Shackleton, băng qua eo biển Drake nối mũi phía nam của Nam Mỹ với điểm cực bắc của bán đảo Nam Cực, trên một chiếc thuyền nhỏ, với kết luận: Đây là nơi đáng sợ nhất của đại dương trên thế giới. Eo biển Drake đến nay vẫn là thách thức lớn với tất cả những ai muốn đến Nam Cực vì sẽ phải mất tới 48 tiếng để vượt qua vùng biển động và cảm thấy mình “tái sinh” khi vượt qua "sự rung lắc của eo biển Drake".

Đối với các nhà hải dương học, Drake là một nơi hấp dẫn vì bên dưới có nhiều khối đá ngầm và dòng nước lớn lách qua eo biển hẹp khiến sóng đập dữ dội. Những cơn sóng ngầm này tạo ra các dòng xoáy đưa nước lạnh từ dưới biển sâu lên trên. Do nằm gần Nam Cực nên eo biển Drake là nơi tập hợp của những cơn lốc xoáy cực mạnh và lạnh, với vận tốc đạt 10m/giây, nhiệt độ dao động từ -3 độ C tới 5 độ C.

Nhà hải dương học Alexander Brearley thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh cho rằng, đây là nơi duy nhất trên thế giới những cơn gió không bị đất liền cản lại để khiến chúng bị suy yếu.

Ngoài gió, eo biển Drake còn có dòng hải lưu chảy xiết với lưu lượng lên tới 150 triệu m3 nước/giây (gấp 600 lần lưu lượng nước trên sông Amazon, kết hợp cùng cơn gió lạnh cắt da cắt thịt và các tảng băng trôi ở những khu vực gần Nam Cực, đã biến nơi này thành "eo biển tử thần".

Một trong những người từng qua lại eo biển Drake, thuyền trưởng Stanislas Devorsine của tàu Le Commandant Charcot thuộc Công ty Du lịch mạo hiểm Ponant cho biết, việc điều hướng tàu để vượt qua eo biển Drake là sự thách đố đối với bất cứ ai.

“Tránh được đá ngầm, xoáy nước thì lại phải đối mặt với những cơn gió giật vô hồi. Trong lúc nguy nan, lại phải tìm mọi cách để trấn an thủy thủ đoàn không để xảy ra hoảng loạn. Mỗi khi thoát khỏi eo Drake, tôi lại một lần biết mình vẫn còn sống” - ông Devorsine nói và nhớ lại lần cách đây hơn 20 năm, ông còn là một thủy thủ tham gia vào một con tàu phá băng chở các nhà khoa học vượt qua eo biển Drake đến Nam Cực: “Chúng tôi đã vượt qua những vùng biển rất động với liên tiếp những cột sóng cao hơn 20 m. Gió rất to và dữ dội đã thổi qua hàng nghìn km trước khi đến eo biển này. Con tàu hiện đại nhưng cũng chỉ như chiếc lá trên biển cả mênh mông”.

Trải nghiệm, chinh phục eo biển tử thần Drake vẫn là một thách thức lớn, dẫu rằng tới nay các con tàu đã hiện đại hơn trước rất nhiều. Việc bảo vệ, ứng cứu cũng đã khác xưa. Nhưng, sự dữ dội của Drake thì mãi vẫn còn đó như một sự thách thức của tạo hóa.

eo bien 1
Ở mũi Cape Horn, có một đài tưởng niệm 10.000 thủy thủ được cho là đã thiệt mạng khi đi qua mũi eo biển Drake.

Eo biển Bering - nơi đứng trên đất Mỹ có thể nhìn thấy nước Nga

Bà Sarah Palin - cựu Thống đốc bang Alaska, nổi tiếng với một câu nói trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008: "Họ là hàng xóm của chúng ta, và bạn có thể nhìn thấy Nga từ một hòn đảo của Alaska".

Thực tế, Nga và Alaska gần đến mức người ta có thể thấy phía bên kia bằng mắt thường. Vào một ngày quang đãng, leo lên một ngọn đồi ở mũi Prince of Wales, điểm cực tây trên đất liền của Mỹ, và nhìn qua eo biển Bering sang vùng đất liền Siberia của nước Nga. Tuy nhiên, người ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy Nga hơn là từ đảo Diomede Nhỏ (của nước Mỹ).

Thực tế thì có hai hòn đảo mang tên Diomede trên eo biển Bering: một là Diomede Lớn (Big Diomede) thuộc Nga, và Diomede Nhỏ (Little Diomede) thuộc Mỹ. Kể từ năm 1867, hai hòn đảo này được lấy làm mốc để vẽ đường biên giới hai quốc gia.

Cho tới trước năm 1948, thổ dân Eskimo trên hai hòn đảo Diomede vẫn có thể đi lại giữa Siberia và Alaska để săn bắn, đánh cá hay thăm hỏi họ hàng. Tuy nhiên, sau đó, một "tấm rèm băng giá" được kéo xuống eo biển Bering, người ở hai hòn đảo Diomede trở thành “hai thái cực”.

Năm 1987, vận động viên bơi lội người Mỹ Lynne Cox quyết định bơi qua eo biển Bering giữa hai hòn đảo Diomede. Phía Liên Xô lúc bấy giờ đã cấp phép cho cô lên hòn đảo Diomede Lớn. Lynne khi ấy 30 tuổi, khoảng cách không phải điều cô lo lắng, mà chính là hành trình bơi dưới nước 3,3 độ C. Những ngón tay của Lynne thâm tím, cô chỉ có thể tự nhủ mình không được phép dừng lại dù lạnh cóng và hụt hơi liên tục. Khi đến đích, cô được chào đón với một tiệc ăn mừng trên bãi biển, những bình samovar đựng đầy trà nóng.

eo bien 1
Ngôi làng Inupiat trên đảo Diomede Nhỏ thuộc eo biển Bering.

Nhưng đó cũng chỉ là một vụ hy hữu, mang tính biểu tượng. Còn những người Eskimo trên hai nửa Diomede vẫn khó qua lại thăm viếng nhau. Nói như Ozenna - một tộc trưởng Eskimo trên đảo Diomede Nhỏ thì dù chỉ là một eo biển nhỏ nhưng khoảng cách đôi bên thì lại quá lớn. Cho mãi tới năm 2017, Ozenna và bộ tộc của mình mới được đón họ hàng tại đảo Diomede Nhỏ, từ hòn đảo lớn sang.

Chỉ cách nhau hơn 3,8 km nhưng đảo Diomede Lớn và Nhỏ lại nằm trên hai bán cầu khác nhau. Giờ trên Diomede Lớn sớm hơn đảo nhỏ 21 tiếng, vì vậy người địa phương gọi nó là "Đảo ngày mai" và "Đảo hôm qua". Nhiệt độ ở hai đảo này qua eo biển cũng có sự chênh lệch. Ví dụ như lúc đảo lớn - 10 độ C thì đảo nhỏ có khi lại là 3 độ C.

Tại eo biển Bering, đảo Diomede nhỏ cách đất liền Alaska, lục địa Bắc Mỹ khoảng 42 km. Trong khi đó, tại đảo Diomede Lớn lại cách đất liền Siberia phần lãnh thổ châu Á của Liên bang Nga khoảng 41,85km.

Theo các cuộc điều tra của Mỹ, dân số trên đảo Diomede Nhỏ lúc nhiều nhất cũng chỉ có 178 người vào năm 1980, với khoảng 92% người Mỹ bản địa, 6% người gia trắng và 1% người thuộc hai chủng tộc trở lên. Trong 43 hộ gia đình, hơn 37% là trẻ em dưới 18 tuổi, gần 21% các đôi sống cùng nhau, hơn 32% nhà vắng bóng đàn ông, trong khi 18,6% là người độc thân. Hiện chỉ còn 83 người sinh sống tại đây.

“Mỏm đá chiến lược” tại Gibraltar

Tuy “bé hạt tiêu” nhưng Gibraltar lại nằm ở vị trí cực kỳ quan trọng cả về quân sự lẫn thương mại. Được bao quanh bởi nhiều quốc gia của châu Á, châu Phi và châu Âu, nên Địa Trung Hải là vùng biển gần như khép kín, chỉ thông với Đại Tây Dương qua eo biển duy nhất là Gibraltar. Theo tờ Le Monde của Pháp, đây là một trong những tuyến giao thông hàng hải có lưu lượng tàu bè cao nhất thế giới.

Và cũng chính vì thế mà vấn đề chủ quyền ở bán đảo Gibraltar, bao gồm eo biển này luôn “khó xử” đối với Anh và Tây Ban Nha. Về mặt địa lý, Gibraltar chỉ là “một mỏm đá” vỏn vẹn 6 km2 với 30.000 dân, nhưng lại khiến hai thế lực ở châu Âu phải “lời qua tiếng lại”.

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1462, Gibraltar trở thành lãnh thổ ở cực nam Tây Ban Nha, còn được gọi là Penon (mỏm đá). Đến năm 1700, cái chết của vua Carlos 2 của Tây Ban Nha mở ra một thời kỳ chiến loạn tại châu Âu đồng thời là nguyên nhân gián tiếp khiến Gibraltar vuột khỏi tay Madrid. Cục diện khi đó chia làm 2 phe: Pháp - Tây Ban Nha đấu với liên quân Áo - Anh - Hà Lan - Phổ - Bồ Đào Nha.

eo bien 1
Tàu hàng đi qua eo biển Gibraltar

Năm 1704, tàu chiến Anh - Hà Lan tiến chiếm Gibraltar, liên minh Pháp - Tây Ban Nha dần thất thế. Đến năm 1713, chiến tranh kết thúc bằng Hòa ước Utrecht. Một trong những hậu quả cụ thể nhất là điều khoản quy định Gibraltar chính thức trở thành thuộc địa của Anh.

Nhưng cũng không nhiều người biết rằng, bất chấp những gì diễn ra thì kinh tế của Gibraltar vẫn ổn định. Ví dụ như vào năm 2012, khi kinh tế nước Anh tăng trưởng 0,2%; Tây Ban Nha suy thoái 1,4% thì Gibraltar thảnh thơi với GDP tăng 7,8% và hầu như ở đây không xảy ra tình trạng thất nghiệp.

Nguyên nhân quan trọng đưa tới kết quả mỹ mãn đó chính là nhờ vị thế vô cùng thuận lợi của eo biển Gibrantar trong việc giao thương: eo biển này giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là con đường để tàu thuyền đi từ Địa Trung Hải đến Đại Tây dương và ngược lại. Eo biển Gibraltar có độ sâu tối đa 90 m với khoảng cách giữa hai điểm gần nhất hai bên eo biển là 14,4 km; được coi là “rào cản tự nhiên” giữa hai vùng biển là Đại Tây Dương và Địa Trung Hải; giữa hai nước Maroc và Tây Ban Nha; giữa hai châu lục là châu Phi và châu Âu, giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Vì thế, Gibraltar trước nay vẫn là một eo biển cực kỳ đặc biệt.

Eo biển Malacca - “Nút thắt cổ chai” trên biển

Đó là eo biển Malacca, là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới, chỉ sau eo biển Hormuz. Nối Ấn Độ dương với Thái Bình dương, eo biển Malacca là tuyến hải trình ngắn nhất giữa Trung Đông với châu Á nói chung và các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương nói riêng.

Nằm giữa Indonesia, Malaysia và Singapore, eo biển như điểm “thắt cổ chai” này là tuyến hải hành quen thuộc của các tàu buôn lẫn tàu dầu quốc tế. Mỗi năm có hơn 60.000 lượt tàu đi ngang Malacca với khoảng 30% giao dịch thương mại thế giới. Về giá trị kinh tế và chiến lược, tầm quan trọng của tuyến đường hàng hải qua eo Malacca sánh ngang với kênh đào Suez và kênh đào Panama.

Với chiều dài 800 km, Malacca uốn lượn không đều, nơi rộng nhất là 38 km và chỗ hẹp nhất chỉ vẻn vẹn 1,2 km.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2011 Nhật Bản là nước nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất từ Trung Đông với tổng mức nhiên liệu trị giá 116 tỉ USD được vận chuyển qua eo biển Malacca, trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc lần lượt nhập khẩu 76 tỉ USD và 62 tỉ USD giá trị nhiên liệu từ Trung Đông và đi qua eo biển này.

eo bien 1
Nhóm tàu tác chiến sân bay USS Ronald Reagan (Mỹ) tại eo biển Malacca.

Malacca cũng được coi là eo biển kỳ bí từ vụ “tàu ma”, kho báu “bốc hơi”, cho tới vụ chiếc máy bay ký hiệu MH-370 mất tích.

Năm 1511, tàu Bồ Đào Nha Flor de la Mar chìm ngoài khơi Sumatra trong một cơn bão, kéo theo 400 người và kho báu trị giá 3 tỉ USD chìm xuống đáy biển. Kho báu gồm 60 tấn vàng và 200 hòm đựng kim cương, ngọc quý vốn bị đánh cắp từ hoàng cung tại Malacca (Malaysia). Đến nay kho báu này vẫn chưa được tìm thấy.

Năm 1948, tàu Hà Lan mang tên SS Ourang Medan đã biến mất trên eo biển Malacca. Tin nhắn cuối cùng được gửi từ SS Ourang Medan mang nội dung ghê rợn: “Tất cả các thuyền viên cấp cao, bao gồm thuyền trưởng đã chết, họ nằm trong phòng họp và đài chỉ huy. Có thể toàn bộ thủy thủ cũng tử vong...”.

Tàu biển mang tên Silver Star gần đó đã nhận được tin nhắn này. Sau đó khi thủy thủ của Silver Star phát hiện SS Ourang Medan và tiếp cận con tàu này. Tuy nhiên, mọi sự đã muộn màng. Lực lượng chức năng đã không thể kéo SS Ourang Medan về cảng do hỏa hoạn xảy ra và con tàu chìm xuống nước.

Tuy nhiên, vụ việc chưa lời giải nổi tiếng nhất tại eo Malacca chính là chuyến bay MH-370 thuộc Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích 10 năm trước, ngày 8/3/2014. Radar quân sự đã dò tìm được chặng đường MH-370 quay trở về Malaysia, hướng đến phía Tây Bắc eo Malacca rồi biến mất ở phía bắc đảo Sumatra (Indonesia).

Cho đến nay, tất cả 227 hành khách và 12 phi hành đoàn trên tàu bay được cho là đã chết. Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích đã trở thành cuộc tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử hàng không. Nhiều thuyết âm mưu về chuyến bay kỳ lạ này. Kể cả việc người ta cho rằng MH-370 đã bị “người ngoài hành tinh” bắt cóc; hoặc đã bị “hố đen” trên biển nuốt chửng.

Tuy nhiên, sau 10 năm lùng sục 120.000 km2 ở đáy biển, người ta vẫn không dừng cuộc tìm kiếm. Tuy rằng hy vọng cũng đang dần trôi qua.

Eo biển Bosphorus - Eo biển hẹp nhất thế giới

Đó là eo biển Bosphorus, nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn cách giữa châu Âu và châu Á với tổng chiều dài 31 km; nơi có chiều rộng nhất là 3,7 km và hẹp nhất là 0,7 km, với độ sâu dao động từ 33 - 80 m. Bosphorus nối liền Biển Đen và Marmara - biến nơi này trở thành tuyến đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Đặc biệt, trên eo biển đẹp này còn có cây cầu Bosphorus bắc ngang, nối liền 2 lục địa.

Hẹp nhất thế giới nhưng Bosphorus cũng được cho là eo biển đẹp nhất thế giới. Vì rằng, trong hành trình trên biển, người ta có thể thấy được nhiều di tích lịch sử trên bờ, như cung điện của đế chế Byzantine, giáo đường Sophie... Đặc biệt, vùng đất này còn là điểm cuối cùng của Con đường tơ lụa từng vang bóng một thời trong quá khứ.

eo bien 1
Cầu Fatih Sultan Mehmet (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ), là một trong hai cây cầu nối liền hai châu lục Á - Âu qua eo biển Bosphorus.

Một trong những truyền thuyết nổi bật của eo biển này là chuyện tình vụng trộm của vị thần đứng đầu đỉnh Olympia - thần Zeus, với một nàng nữ tu xinh đẹp, vốn xuất thân là công chúa cao quý của đức vua Inachus. Thần Zeus sợ vợ mình là nữ thần Hera phát hiện nên dùng mây mù giăng khắp bầu trời để che đậy nhưng Hera vẫn phát hiện và truy tìm. Thần Zeus đành biến người tình thành một con bò trắng. Bị truy đuổi, người phụ nữ có sắc đẹp tuyệt trần đó đã bơi qua một vùng eo biển. Sau này người ta đặt tên eo biển đó là Bosphorus. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, từ này có nghĩa là “nơi con bò đi ngang qua”.

Để ngắm trọn vẻ đẹp tự nhiên hút hồn của eo biển Bosphorus, du khách có thể đi du thuyền dọc eo biển. Ở thành phố Istanbul có khá nhiều bến thuyền được xây dựng chuyên phục vụ cho các du khách có nhu cầu ngắm cảnh sắc ở vùng eo biển này.

Trung bình hàng năm có khoảng 5.000 tàu thuyền đi qua, đã biến Bosphorus trở thành một trong những vùng biển thương mại sầm uất nhất thế giới. Số tàu thuyền di chuyển qua eo biển này ước tính cao gấp 4 lần tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Panama và gấp 3 lần kênh đào Suez.

Eo biển Hormuz - nơi trung chuyển dầu thô thế giới

Là cửa ngõ trung chuyển dầu thô thế giới - eo biển Hormuz còn luôn được coi là điểm nóng trong vòng xoáy căng thẳng. Có chiều dài chỉ hơn 39 km, chiều sâu không quá 60 m, nhưng eo biển Hormuz lại là cửa ngõ quan trọng bậc nhất của ngành năng lượng thế giới khi các tàu chở dầu của các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều phải đi qua đây.

eo bien 1
Nơi hẹp nhất của eo biển Hormuz được chụp từ vệ tinh.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ước tính mỗi ngày khoảng 21 triệu thùng dầu, trị giá gần 1,2 tỉ USD được vận chuyển qua eo biển này, tương đương gần 1/3 lượng dầu thế giới. Ngoài ra, lượng xăng vận chuyển qua eo biển này chiếm khoảng 20% tổng nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Nhiều năm qua, “cuộc chiến tàu chở dầu” đã khiến eo biển Hormuz nóng bỏng. Eo biển Hormuz trên thực tế đã trở thành một mối đe dọa an ninh đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong thời gian từ 1980 - 1988, có tới 500 tàu chở dầu đã bị chìm trong cuộc xung đột giữa Iran và Iraq.

Theo Daidoanket