Anh: Đi khám suốt 5 tháng mới chẩn đoán ra bệnh ung thư máu

Sau 5 tháng và nhiều lần đi đến bác sĩ, cuối cùng bà Pritpal mới được chẩn đoán đúng bệnh u tủy.

chan doan ung thu 1
Minreet (trái) và bà Pritpal chia sẻ với MyLondon về những khổ sở mà họ đã trải qua trong hành trình tìm bệnh. Ảnh: Minreet Kaur

Vào năm 2023, bà Pritpal Kaur 73 tuổi, ở West London, cảm thấy đau ở mạn sườn và khó khăn khi hít thở sâu. Con gái bà là chị Minreet Kaur, 43 tuổi, quyết định đưa bà đến GP để nhờ họ tìm ra nguồn gốc cơn đau. 

Minreet cho biết: "Tôi đưa mẹ đến bác sĩ GP để kiểm tra, nhưng họ cho rằng vấn đề chẳng có gì nghiêm trọng". Vậy là mẹ con cô trở về, chỉ biết hy vọng từ từ bệnh sẽ hết. 

Tuy nhiên, bệnh tình của bà Pritpal ngày càng tệ. Bà đau đớn suốt ngày đêm. Vì thế Minreet đưa bà đi cấp cứu. Tại đây, họ làm tất cả các thủ tục kiểm tra, nhưng không tìm thấy kết quả gì đáng ngờ, dù lúc này bà Pritpal đã rất đau đến mức không cục cựa được.

Tay chân bà không còn chút sức lực và bà ngủ li bì cả ngày. Sau đó họ cho bà làm siêu âm và phát hiện bà bị tắc ngực. Bác sĩ đoán bà bị đau thắt ngực.

Họ cho bà thuốc rồi cho bà về. Nhưng những loại thuốc này lại khiến bà gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy Minreet quay trở lại bác sĩ một lần nữa để nói về các tác dụng phụ của thuốc. Bác sĩ nói cô phải cho bà Pritpal uống thuốc ít nhất 3 tháng mới được quay lại tái khám. Vậy là Minreet thất vọng quay trở về và hai mẹ con quyết định ngưng uống thuốc. 

chan doan ung thu 1
Bà Pritpal thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau sườn, đau lưng và thiếu sức sống. Ảnh: Minreet Kaur)

Minreet quyết định khiếu nại lên PALS (Patient Advice and Liaison Service - Dịch vụ tư vấn và liên lạc với bệnh nhân) để than phiền về tình hình điều trị bệnh cho mẹ cô. Một bác sĩ tim mạch thâm niên ở PALS đã liên hệ với Minreet. Sau khi hỏi thăm tình hình của mẹ cô, ông nói rằng bà Pritpal không phải bị đau thắt ngực và yêu cầu Minreet đưa bà đến khám. 

Tại PALS, họ làm nhiều kiểm tra cho bà Pritpal và kết luận triệu chứng của bà không liên quan gì đến tim mạch. Cô đem kết quả quay trở lại phòng khám GP và nói với họ đó không phải là đau thắt ngực. 

Lúc này Minreet đã quá mệt mỏi vì phải đi lại liên tục giữa PALS và phòng khám GP. Cô yêu cầu họ phải làm gì đó hiệu quả. Họ đồng ý gửi bà Pritpal đến khoa chăm sóc cấp cứu dành cho bệnh nhân ngoại trú. Bà Pritpal được làm nhiều kiểm tra hơn. 

"Họ làm tất cả những loại xét nghiệm máu. Bác sĩ nói tất cả đều ổn nhưng họ vẫn đang chờ một kết quả xét nghiệm cuối cùng vì hàm lượng protein trong máu bà Pritpal khá cao. Tôi hỏi bác sĩ: "Có gì đáng lo ngại không?". Bác sĩ bảo không có gì phải lo, nhưng họ cần kiểm tra thêm. 

Cuối tuần đó Minreet đưa mẹ trở lại bệnh viện và tiếp tục làm xét nghiệm máu. Họ được chuyển qua bác sĩ huyết học. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bà Pritpal bị u tủy - một dạng ung thư máu. 

Vậy là mất 5 tháng sau khi xuất hiện triệu chứng đau mạn sườn, bị chẩn đoán và cho thuốc sai nhiều lần khiến sức khỏe của bà Pritpal ngày càng suy kiệt, thì cuối cùng bà cũng được chẩn đoán đúng bệnh ung thư máu. Bệnh u tủy không thể chữa được nhưng có thể điều trị kéo dài.  

Bà Pritpal cho biết: "Thật sốc. Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi vốn là một phụ nữ khỏe mạnh, vậy mà đùng một cái lại mắc bệnh ung thư. Tôi không biết nó đến từ đâu và như thế nào?". 

Minreet cho biết: "Tháng 5 mẹ tôi bắt đầu đau nhưng đến tháng 9 mới chẩn ra đúng bệnh. Ngay từ tháng 5 họ đã làm kiểm tra máu cho mẹ tôi nhưng vẫn không tìm đúng bệnh. Tôi không biết họ kiểm tra máu kiểu gì?

Hội U Tủy UK cho biết "chỉ làm một bài kiểm tra thì không thể kết luận được bệnh u tủy, mà bác sĩ phải làm rất nhiều bài kiểm tra khác nhau thì mới dò ra bệnh u tủy".

Minreet đã nói chuyện với nhiều người trong cộng đồng bị u tủy. Hóa ra rất nhiều người trong số họ cũng phải mất rất lâu mới tìm ra bệnh, có người mất tới 2 năm. 

Hiện tại Minreet muốn tuyên truyền về căn bệnh này cho mọi người cùng biết, cô cũng muốn gây quỹ cho tổ chức Blood Cancer UK bằng cách tham gia cuộc đua London Marathon năm nay.  

Viethome (theo MyLondon)