• Người thuê lao động có thể tính các kỳ nghỉ bank holiday vào thời gian nghỉ phép năm.

    Kể từ ngày đầu tiên bắt đầu đi làm, người lao động có quyền được nghỉ phép có lương hàng năm. Hầu hết tất cả người lao động được nhận 5.6 tuần nghỉ có lương mỗi năm (chế độ nghỉ phép năm theo quy định của pháp luật)

    Hầu hết người lao động làm việc 5 ngày một tuần phải được nghỉ 28 ngày có lương mỗi năm. Lao động bán thời gian được nghỉ phép ít hơn người làm việc toàn thời gian. Họ có thể nghỉ tối thiểu 5.6 tuần nhưng lượng thời gian sẽ ít hơn 28 ngày bởi vì họ làm việc ít giờ hơn.

    Người thuê lao động có thể cho phép nhân viên nghỉ nhiều hơn thời gian tối thiểu theo quy định của pháp luật. Người thuê lao động không cần phải áp dụng tất cả các quy tắc nghỉ phép lên thời gian nghỉ thêm.

    Ví dụ, một người lao động thường phải đi làm một thời gian nhất định trước khi được quyền nghỉ phép. Nhưng người thuê lao động cũng có quyền khước từ yêu cầu xin nghỉ của bạn.

    Things You Need To Know About Annual Leave 8 Common Questions Answered

    Người lao động phải báo trước việc nghỉ phép của mình và số ngày báo trước phải gấp đôi số ngày nghỉ (ví dụ, báo trước 2 ngày nếu bạn muốn nghỉ 1 ngày), trừ khi hợp đồng lao động có quy định khác.

    Người thuê lao động có quyền từ chối yêu cầu xin nghỉ phép nhưng lời từ chối phải được đưa ra trước số ngày bằng số ngày người lao động xin nghỉ, ví dụ người lao động xin nghỉ 2 tuần thì người thuê lao động phải từ chối trước 2 tuần.

    “Người lao động thường nhầm tưởng rằng họ có thể nghỉ phép bất cứ khi nào họ muốn”, ông Alastair Brown, giám đốc kỹ thuật của BrightHR cho biết, “Người thuê lao động có thể từ chối lời yêu cầu xin nghỉ phép nếu họ có lý do hợp lý.”

    Tệ hơn nữa, họ còn có quyền buộc bạn phải nghỉ phép vào một thời điểm nhất định – ví dụ trong trường hợp văn phòng đóng cửa trong khoảng thời gian giữa lễ Giáng sinh và Năm mới hoặc trong kỳ nghỉ bank holiday.

    Và đó chưa phải là tất cả.

    “Rất nhiều người thuê lao động đặt ra quy tắc về số ngày nghỉ phép tối đa mỗi lần để ngăn nhân viên của họ nghỉ phép quá lâu,” ông Brown giải thích.

    “Thêm vào đó, giới hạn theo mùa cũng có thể được áp dụng để không cho phép nhân viên nghỉ phép vào khoảng thời gian nhất định nào đó trong năm, ví dụ thời điểm trước Giáng sinh.”

    Ngoài việc phải đối phó với các chính sách chính thức, bạn còn phải cạnh tranh với các đồng nghiệp của mình.

    “Chủ lao động cũng thường quy định số lượng nhân viên thuộc mỗi bộ phận được nghỉ cùng thời điểm để bảo đảm công việc vẫn tiến triển bình thường. Quy định này đặc biệt quan trọng đối với những phòng ban nhỏ, nơi chỉ có số lượng ít nhân viên,” ông Brown nói thêm.

    Người thuê lao động có thể tính các kỳ nghỉ bank holiday vào thời gian nghỉ phép năm. Nếu văn phòng của bạn đóng cửa vào bank holiday, thì chủ lao động có thể trừ những ngày bank holiday đó vào ngày nghỉ phép năm của bạn. Chủ lao động là người quyết định bạn có phải làm việc vào bank holiday hay không. 

    VietHome (Theo Birmingham Live)
  • Cảnh sát Nottinghamshire choáng váng khi biết chủ phương tiện vừa tông vào xe cảnh sát đã điều khiển ôtô từ năm 12 tuổi mà không có giấy phép.

    Vụ va chạm diễn ra tại bãi đậu xe của một trung tâm thương mại ở thị trấn Bulwell ngày 26/1/2022. Đội cảnh sát Nottinghamshire cho biết, họ đang trong cuộc tuần tra thường lệ và bất ngờ bị một chiếc Mini One màu xanh lam tông phải.

    Khi kiểm tra hành chính, họ phát hiện tài xế là một cụ già 84 tuổi, "khó nghe, phản ứng kém và đứng không vững". Được yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe, ông cụ cười lớn, thổ lộ đã lái ôtô 72 năm nay không có bằng lái và "các anh là những người cảnh sát đầu tiên tóm được tôi".

    lai xe khong bang lai
    Chiếc Mini One của cụ già trong bãi xe tang vật của cảnh sát Nottinghamshire. Ảnh: The Guardian

    Với tình trạng sức khoẻ hiện tại, cảnh sát cho rằng ngay cả khi có bằng lái, cụ cũng không nên điều khiển xe ra đường, vì an toàn của người khác.

    "Rất may là ông cụ chưa bao giờ gặp tai nạn, gây thương tích cho bất kỳ ai và chưa bao giờ khiến bất kỳ ai thiệt hại về tài chính khi đâm vào người khác trong khi không có bảo hiểm", đại diện cảnh sát Nottinghamshire cho biết hôm 28/1.

    Họ cho biết thêm, số lượng máy ảnh ANPR (nhận dạng biển số tự động) ngày càng tăng ở Nottingham, ngay cả trong những chuyến đi ngắn từ khu phố này sang khu phố khác, bạn cũng có khả năng bị ghi hình. "Vì vậy hãy đảm bảo giấy tờ của bạn đầy đủ. Sẽ không có thêm cụ già nào được lái xe không bằng lái suốt 70 năm mà không bị phát hiện đâu".

    Theo luật Anh, lái xe mà không có giấy phép sẽ bị phạt từ ba đến sáu điểm phạt, tùy thuộc vào tính chất của hành vi phạm tội. Nếu tích đủ 12 điểm phạt, người điều khiển phương tỉện có thể bị tước quyền lái xe trong thời hạn 3 năm.

    Nếu xe không có bảo hiểm, chủ xe cũng sẽ phải nộp khoản tiền phạt không giới hạn. Cảnh sát có quyền thu giữ những phương tiện không được bảo hiểm. Trong trường hợp này, các sĩ quan chưa tiết lộ cụ già sẽ phải nhận hình phạt nào.

    VnExpress (theo The Guardian, Sky News)

  • Caitlin Graham là 1 trong 10 nhân viên phòng kế hoạch bị Công ty vận tải Eddie Stobart sa thải trong một đợt tái cấu trúc. 

    nhan vien mang thai 1
    Cô từng là nhân viên kế hoạch ở Công ty vận tải Eddie Stobart. Ảnh: Eddie Stobart/PA Wire)

    Caitlin Graham từng là nhân viên phòng kế hoạch của Công ty vận tải Eddi Stobart tại chi nhánh Newhouse, gần Motherwell (Scotland). Tuy nhiên, vào tháng 3 năm ngoái, cô và 9 người khác cùng bộ phận đứng trước nguy cơ bị sa thải do hoạt động tái cấu trúc công ty.

    10 vị trí này sẽ được thay thế bằng 4 vị trí "quản lý ca vận chuyển". 4 vị trí này đã được quảng cáo trong nội bộ công ty, bất cứ ai cũng được nộp đơn. 

    Graham đã nộp đơn vào 1 vị trí, hy vọng vì cô mang thai nên sẽ được giữ lại. Trong email gửi cho một cán bộ phòng nhân sự, cô viết: "Tôi tin rằng vì mình đang mang thai và sẽ nghỉ thai sản...nên tôi phải được ưu tiên giữ lại so với các đồng nghiệp khác. Nếu tôi không được giữ lại, đồng nghĩa đây là sự sa thải bất công".

    Tuy nhiên, công ty đã khiển trách yêu cầu này của cô, nói rằng cô không thuộc dạng "tự động được thăng chức", vì 4 vị trí mới ở cấp bậc cao hơn. Trước ngày nghỉ thai sản, cô đã đi phỏng vấn cho vị trí này, nhưng không đậu.

    nhan vien mang thai 1
    Eddie Stobart có 1 chi nhánh gần Motherwell. Ảnh: Google

    Sau đó cô đã email một vài lá thư khiếu nại đến công ty, nói rằng các sếp đã không sắp xếp được cho cô một vị trí thích hợp, và cô đã không được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn. Nhưng vài tuần sau, Eddie Stobart vẫn chính thức sa thải cô. Và cô bị đuổi khỏi công ty vào ngày 26/5/2022. 

    Tại Tòa án Lao động, thẩm phán được biết các email khiếu nại của cô Graham đã bị hệ thống IT của công ty tự động loại bỏ. Nghĩa là các email này chưa từng được cấp trên hay phòng nhân sự nhìn thấy. Đến tháng 3/2023 sự việc mới sáng tỏ. 

    Thẩm phán Stuart Neilson đồng ý rằng cô Graham có lý do để oán giận cách xử lý của công ty đối với trường hợp của cô, nhưng thẩm phán nhận thấy Eddie Stobart cũng không tìm bất cứ ai thay thế vị trí của cô. 

    Dựa vào các bằng chứng do công ty cung cấp, thẩm phán kết luận: "Bị đơn không có những kinh nghiệm cần thiết để đảm nhận vị trí 
    quản lý ca vận chuyển". 

    Nhưng ông vẫn phán quyết Eddie Stobart phải bồi thường cho cô Graham £10,000 vì đã "làm tổn thương cảm xúc của cô". Ông cho rằng công ty đã không quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi của một nhân viên mang thai. Ông cho rằng chủ lao động phải xử lý thỏa đáng các khiếu nại của người lao động. 

    Viethome (theo Dailyrecord)

     

  • Một triệu nhân viên tại các nhà hàng, quán rượu và khách sạn sẽ được hưởng lợi từ một dự luật mới vừa được Nữ hoàng xác nhận, trong đó người sử dụng lao động sẽ buộc phải trao toàn bộ tiền boa lại cho nhân viên.

    Các doanh nghiệp hiện nay không tuân theo một quy tắc bắt buộc nào liên quan đến tiền boa, điều đó có nghĩa là họ không bị pháp luật yêu cầu phải chuyển khoản tiền này cho nhân viên.

    Một số chuỗi nhà hàng lớn đã bị chỉ trích vào năm ngoái vì đã giữ lại tới 10% tiền boa, thường là khi khách hàng thanh toán bằng thẻ, và số tiền này đã được dùng để trang trải chi phí quản lý.

    Nhưng các cơ sở kinh doanh sẽ bị cấm làm điều này theo Dự luật Việc làm (Phân bổ tiền boa) - một kế hoạch được chính phủ đưa ra lần đầu vào năm 2018.

    Dự luật quy định tất cả tiền boa, tiền thưởng và các khoản phí dịch vụ sẽ được trả lại đầy đủ cho nhân viên, cũng như đảm bảo các khoản tiền thêm này được phân bổ một cách công bằng.

    Dự luật cũng sẽ đảm bảo các cơ sở kinh doanh phải công khai rõ ràng với khách hàng về cách chia tiền boa giữa các nhân viên.

    Khoảng 1.7 triệu người đang làm việc trong ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú ở Anh, theo số liệu mới nhất từ Văn phòng thống kê quốc gia (ONS).

    Chính phủ ước tính dự luật mới có thể mang lại lợi ích cho 1 triệu trong số những nhân viên này nếu nó được thông qua thành luật.

    Thông tin được đưa ra sau khi chính phủ bày tỏ những lo ngại về tình trạng chia tiền boa không công bằng, trong bối cảnh hơn 80 % tiền boa hiện được thanh toán qua thẻ.

    Quay trở lại năm 2015, thông tin được tiết lộ cho biết 10% tiền boa ở các cửa hàng trên phố lớn được trả qua thẻ, nhưng con số này đã giảm xuống còn 2,5% sau cuộc phản đối công khai vào năm 2018.

    Dự luật mới sẽ được áp dụng cho các công ty tại Anh, Scotland và xứ Wales.

    Trong bài diễn văn ngày 14/10, Nữ hoàng cho biết: “Chính phủ của tôi sẽ tiến hành các bước giúp cho nơi làm việc trở nên công bằng hơn, đồng thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ những người làm việc chăm chỉ.”

    VietHome (Theo The Sun)

  • Một cửa hàng tiện lợi có thể bị tước giấy phép kinh doanh nếu các ủy viên hội đồng quyết định thu hồi giấy phép bán rượu bia của cửa hàng này.

    Các thành viên của Ủy ban cấp phép thuộc Hội đồng Dudley đang được yêu cầu xem xét giấy phép của cửa hàng Darby End Stores (trước đây gọi là Premier Convenience Store) sau khi một người đàn ông bị phát hiện làm việc bất hợp pháp tại đây.

    Đơn trình báo của nhân viên quản lý bảo vệ công cộng thuộc Hội đồng đang được thẩm định với lý do phòng chống tội phạm và bảo vệ trẻ em khỏi bị tổn hại.

    Vào tháng 6, cửa hàng tiện lợi này và cửa hàng khoai tây chiên The Fryer gần đó, cả hai đều nằm trên đường Northfield, đã bị các nhân viên di trú kiểm tra đột xuất với sự hỗ trợ của Cảnh sát West Midlands.

    Hai người đàn ông đến từ Ấn Độ, 37 và 35 tuổi, đã bị Bộ Nội vụ bắt giữ sau khi phát hiện ra họ đã quá hạn thị thực.

    Sau cuộc đột kích, người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: “Nhận được tin tình báo, các nhân viên của Cơ quan Thực thi Di trú đã đến thăm hai cơ sở kinh doanh ở Northfield Road, Dudley, vào khoảng 3h45 chiều thứ Năm, ngày 13 tháng Sáu.

    “Tại buổi kiểm tra ở Fryer, nhân viên di trú xác định một người đàn ông Ấn Độ 37 tuổi đã quá hạn visa.

    “Tại cửa hàng Premier, công tác kiểm tra xác định một người đàn ông Ấn Độ 35 tuổi đã quá hạn visa.

    “Cả hai người đàn ông đang bị tạm giữ trong khi chờ trục xuất khỏi Vương quốc Anh.”

    Các quan chức của hội đồng hiện đang yêu cầu xem xét lại giấy phép bán rượu của cửa hàng.

    Các thành viên của ủy ban cũng sẽ nghe ý kiến trình bày từ các đại diện của Giám đốc Y tế và Sức khỏe, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Cảnh sát West Midlands.

    Ngoài việc mất giấy phép, cửa hàng còn phải đối mặt với khoản phạt tới 20.000 bảng vì sử dụng người nhập cư bất hợp pháp, trừ khi họ có thể chứng minh trước tòa án rằng họ đã tiến hành kiểm tra giấy tờ làm việc trước khi nhận người vào làm.

    Các ủy viên hội đồng sẽ đưa ra quyết định vào ngày 27 tháng 8.

    VietHome (Theo Birmingham Live)

  • Cảnh sát Úc đang điều tra một thẩm mỹ viện hoạt động không giấy phép sau khi nhận được thông tin thẩm mỹ viện này làm lây nhiễm HIV và bệnh truyền nhiễm khác cho khách hàng. 

    Daily Mail hôm 24/7 dẫn tin từ trang Herald Sun cho biết giới chức địa phương lần đầu để ý tới thẩm mỹ viện "chui" khi nhận được thông báo từ khách hàng tại trung tâm mua sắm Springvale, ngoại ô thành phố Melbourne, bang Victoria, Úc.

    Khách hàng cho biết họ trông thấy nhiều người đi ra khỏi cửa hàng trang sức Thành Lợi với gương mặt dính máu và được băng bó.

    Nghi ngờ có điều gì mờ ám, lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra cửa hàng trang sức này và phát hiện thẩm mỹ viện không phép hoạt động bên trong.

    Theo điều tra, chủ thẩm mỹ viện "chui" này là Lee Kim Tan và cơ sở này hoạt động ngay trong cửa hàng trang sức của chồng Kim Tan.

    Các nhân viên Bộ Y tế Úc (DOH) đã kiểm tra thẩm mỹ viện hoạt động trái phép này và phát hiện nó không đảm bảo an toàn cho khách hàng. Lực lượng chức năng còn thấy rất nhiều gián bên trong thẩm mỹ viện.

    Thẩm mỹ viện chui hoạt động bên trong cửa hàng trang sức Thành Lợi.

    Các nhân viên DOH tin rằng hàng trăm khách hàng của thẩm mỹ viện "chui" chủ yếu là người Việt Nam và Campuchia sinh sống tại Úc nhiều khả năng bị lây nhiễm virus viêm gan B, C và thậm chí là virus HIV.

    Hôm nay (24/7), các nhà điều tra sẽ gửi cảnh báo tới khoảng 68 bệnh nhân từng phẫu thuật thẩm mỹ tại thẩm mỹ viện này theo hồ sơ lưu giữ. Vì việc lưu giữ thông tin khách hàng tại thẩm mỹ viện này không được quan tâm nên các nhà điều tra không thể thông báo hết tới các khách hàng từng tới đây phẫu thuật.

    Bác sĩ Brett Sutton, giám đốc Y tế bang Victoria cho biết khách hàng có thể bị lây nhiễm từ các khách hàng khác hoặc từ chính người thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho họ.

    "Nguy cơ lây nhiễm, thương tích và thiệt hại vĩnh viễn là rất cao nếu các thẩm mỹ viện không thuê nhân viên có trình độ và tuân thủ các biện pháp chống nhiễm trùng. Chúng tôi đang liên hệ với khách hàng mà chúng tôi có thông tin liên lạc trong hồ sơ lưu trữ. Nếu bạn đã từng phẫu thuật tại thẩm mỹ viện này hãy làm xét nghiệm máu càng sớm càng tốt", bác sĩ Sutton cho hay.

    Hình ảnh quảng cáo được đăng trên trang Facebook của Lee Kim Tan.

    Ủy viên Khiếu nại Y tế đã ban hành lệnh cấm tạm thời với thẩm mỹ viện, buộc người điều hành địa điểm này phải dừng các hoạt động quảng cáo và cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ như xăm mình, tẩy nốt ruồi, làm đầy mặt, săn chắc da...

    Chia sẻ trên Herald Sun, Kim Tan và người chồng Sonoun Saing cho biết đang chờ phê duyệt để được tiếp tục hoạt động và chưa từng có khách hàng nào phàn nàn về thẩm mỹ viện.

    Viethome (theo Dân Việt)

  • Bộ Lao động tiểu bang Connecticut cho biết, sau một cuộc điều tra bất ngờ vào đầu tháng 3 vừa qua tại các tiệm nail trên 8 thành phố, đã có 24 tiệm bị buộc đóng cửa vì vi phạm luật lao động.

    Vào ngày 8 tháng 3, Bộ Lao động tiểu bang Connecticut đã có một cuộc điều tra tại 39 salon nail trong 8 thành phố để đảm bảo các cơ sở kinh doanh thẩm mỹ ở đây đều tuân thủ luật của tiểu bang liên quan đến tiền lương cho nhân viên.

    Trong suốt các đợt kiểm tra, họ đã đưa ra lệnh đóng cửa với 24 salon vì vi phạm các điều luật, bao gồm: không có bảo hiểm bồi thường cho nhân viên, thanh toán bằng tiền mặt mà không có hồ sơ lương và phân loại sai nhân viên là người lao động độc lập theo hợp đồng (independent contractor).

    Ủy viên Bộ Lao động Kurt Westby đã đưa ra tuyên bố chính thức trong một thông cáo báo chí gần đây: “Mặc dù chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và khuyến khích nhân viên làm việc tại các cơ sở này nhưng trách nhiệm đầu tiên của chúng tôi là phải đảm bảo rằng người lao động được trả lương xứng đáng cho công việc họ làm và có biện pháp bảo vệ thích hợp nếu họ không may bị thương trong khi làm việc. Đối với vấn đề thúc đẩy tuân thủ luật lệ nơi làm việc, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra một “sân chơi” bình đẳng cho các nhà tuyển dụng và duy trì tính cạnh tranh”.

    Westby cũng nhấn mạnh rằng họ đang nỗ lực làm việc với chủ tiệm nail để đảm bảo các cơ sở này tuân thủ pháp luật và quy định của tiểu bang cũng như có thể hoạt động trở lại sớm nhất có thể.

    Tom Wydra, Giám đốc của Wage & Workplace Standards giải thích: “Khi nhà tuyển dụng tuân thủ luật lao động, các khoản thuế quy định sẽ được đóng cho tiểu bang, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm bồi thường của người lao động được áp dụng để bảo vệ người lao động và người nộp thuế không bị gánh nặng bởi các chi phí phát sinh khi doanh nghiệp không tuân thủ luật pháp”.

    Trước đây, Bộ Lao động tiểu bang này đã từng thực hiện các đợt kiểm tra và buộc phải ban hành lệnh đóng cửa với nhiều salon, gần đây nhất là 118 salon vào năm 2018. Khi nhận được lệnh, các doanh nghiệp này sẽ không thể mở cửa trở lại cho đến khi họ cung cấp đầy đủ bằng chứng rằng tất cả vi phạm và thiếu sót đã được sửa chữa theo đúng quy định của pháp luật.

    Theo luật tại tiểu bang, số tiền mà người chủ bị phạt cho những ngày hoạt động trái pháp luật sẽ là $300/nhân viên/ngày cho các lỗi vi phạm. Riêng trong năm 2015, Bộ Lao động tiểu bang Connecticut cũng đã tiến hành kiểm tra 25 tiệm nail, trong đó có tới 23 tiệm bị ra lệnh đóng cửa. Tổng số tiền phạt lên đến $100,000.

    Bộ trưởng Bộ Lao động cho biết, các nhân viên tại nhiều tiệm nail trong thành phố đã được trả dưới mức lương tối thiểu là $9,15/giờ và không được trả tiền làm thêm ngoài giờ, một số khác còn được trả bằng tiền mặt và không có kê khai sổ sách. Đợt thanh tra này là kết quả của những khiếu nại về tình trạng trả lương bất hợp pháp và vấn đề vệ sinh dưới tiêu chuẩn của các tiệm nail trong vùng.

    Có thể nói, các cuộc điều tra được thực hiện bởi Bộ Lao động tiểu bang là một hồi chuông cảnh báo cho tất cả các tiệm nail trong việc tuân thủ quy định liên quan đến luật lao động. Chủ tiệm nên xem xét lại hình thức phân loại nhân viên và mức lương tối thiểu trong tiệm của mình để tránh những rủi ro và bị xử phạt không mong muốn.

    Viethome (theo Thepronails)

  • Các nhà hàng, cửa hàng và văn phòng dịch vụ lôi cuốn người Việt Nam từ khắp châu Âu và nhiều người Đức đến chợ Đồng Xuân ở quận Lichtenberg, Berlin nhưng đây lại được xem là một địa điểm nằm trong vùng xám giữa hợp pháp và bất hợp pháp.
    Nguy cơ hình thành một khu biệt lập bên lề xã hội

    Trong khu chợ, biển hiệu quảng cáo cho những cửa hàng làm móng và phun săm chói sáng. Ở ngay cửa hàng bên cạnh, áo, khăn tay và bồn cầu toilet xếp chất đống. Chợ Đồng Xuân Berlin ở đường Herzbergstraße của quận Lichtenberger là một trong những nơi lạ thường và kỳ quặc nhất ở Berlin.

     

    Một sự kiện được tổ chức trong khu chợ Đồng Xuân ở Berlin, Đức.

    Trên diện tích 165.000 m vuông, hàng nghìn gian hàng của người châu Á mọc lên, họ bán quần áo và nhiều loại hàng hóa rẻ tiền. Họ có các tiệm làm tóc, nơi bạn có thể cắt tóc với giá 7 euro, tiệm mát xa Trung Quốc - mặc dù hơi đau nhưng giúp chống đau lưng, và tiệm Nails, nơi bạn có thể làm móng tay, chân. Những người nhập cư từ Việt Nam, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và các quốc gia khác đã kinh doanh kiếm sống trong các nhà lồng chợ khổng lồ ở đây.

    Chợ Đồng Xuân từ lâu trở thành một địa điểm hút khách du lịch của Berlin. Phần lớn du khách bị thu hút bởi các cửa hàng quần áo giá rẻ và những sạp hàng trái cây nhiệt đới phong phú.

    Rất nhiều nhà hàng ở chợ Đồng Xuân quảng cáo ẩm thực thuần túy Việt Nam. Các món ăn ở đây khác với những nhà hàng Việt Nam ở các quận khác của Berlin, nơi các món ăn đã được chế biến thích nghi với khẩu vị của Đức và chất lượng phục vụ khách hàng cao. Ở chợ Đồng Xuân các món ăn có mùi vị thuần Việt hơn, nhưng khách hàng không được phục vụ niềm nở.

     

    Cửa hàng thực phẩm trong chợ Đồng Xuân. (Ảnh: Stil in Berlin)

    Nhiều người Việt Nam từ khắp nước Đức và Đông Âu lại yêu thích những nhà hàng này, nhiều người tìm đến để thưởng thức những món ăn mang hương vị quê nhà. Do đó, Trung tâm Đồng Xuân đã trở thành một địa điểm thu hút người Việt Nam từ khắp châu Âu đổ về. Họ ăn ở đây, gặp gỡ đồng hương, ghé tới các tiệm làm đẹp, mua sắm và cũng có thể tìm tới các văn phòng tư vấn thuế, thông dịch, bán vé máy bay.

     

    Một sạp hàng rau bên trong khu chợ. (Ảnh: Stil in Berlin)

    Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người Việt Nam trưởng thành ở Đức cảm thấy xấu hổ về chợ Đồng Xuân. Tờ TAZ đã không tìm được ai sẵn sàng phát biểu về khu chợ này mà đồng ý để đăng tên đầy đủ trên báo.

    Một nữ sinh viên 22 tuổi nói: "Ở đây luôn bẩn. Tôi thậm chí còn nhìn thấy những con vịt sống chạy quanh trong nhà bếp của nhà hàng - để chế biến các món vịt được tươi. Rõ ràng là vi phạm luật vệ sinh. Đó là lý do tại sao tôi xấu hổ khi khách du lịch đến đây nhìn thấy và cảm nhận người Việt Nam là như thế đấy“. Cô ấy không muốn đưa tên mình lên báo vì "bố mẹ tôi có nhiều người quen ở đây. Bố mẹ sẽ bị rắc rối nếu tôi nói thế."

    Một người Việt hiện là một nhà khoa học ở Đức cho rằng: "Từ lâu tôi có quan điểm rằng việc mở chợ Đồng Xuân là một sai lầm lớn. Điều này đã không thúc đẩy hội nhập mà thúc đẩy việc thành hình một khu biệt lập bên lề xã hội“.

    Không được phép mở nhà hàng và bán lẻ

    Khi nói về khu chợ châu Á rộng lớn này, thì luôn luôn có ít nhất hai sự thật.

    Ví dụ, đối với người chủ và khách hàng thì đó là nhà hàng, nhưng đối với chính quyền quận thì nó chỉ là căng tin. Bởi vì chợ Đồng Xuân nằm trong một khu vực công thương (Gewerbegebiet), nơi đây khi xưa từng là nhà máy VEB Elektrokohle. Theo luật quy hoạch, nhà hàng không được phép mở ở đây, chỉ được phép mở căng tin phục vụ nhân viên làm việc trong khu chợ này. Bà Birgit Monteiro (thuộc đảng SPD), Ủy viên hội đồng xây dựng quận Lichtenberg cho biết chính quyền quận đã không cấp thêm giấy phép mở căng tin cho khu chợ này. "Mật độ các căng tin tại chợ Đồng Xuân hiện nay có lẽ là dày đặc nhất ở Berlin," bà Monteiro nói.

     

    Nhu cầu của du khách và người dân là mua hàng giá rẻ. (Ảnh: Alamy)

    Nhu cầu của khách du lịch và người dân là mua hàng giá rẻ, vì thế họ thích đi lướt qua khu chợ này, và đối với người dân địa phương đây là khu chợ đầu mối của họ, nhưng đối với chính quyền quận thì đó là một ngoại lệ trong một phạm vi nhỏ, vì các cửa hàng bán lẻ không được cấp phép hoạt động trong khu vực công thương này. Các cửa hàng tại đây ban đầu được đăng ký kinh doanh là bán buôn (bán sỉ). Đó là khi khu chợ này mở 16 năm trước, dần dần sự thay đổi diễn ra một cách âm thầm. Ngày nay, nhiều chủ cửa hàng rất vui khi một nửa doanh thu của họ là do bán lẻ.

     

    Khách du lịch và người dân yêu thích mua sắm cuối tuần ở chợ Đồng Xuân. (Ảnh: Alamy)

    Như là một trung tâm bán buôn (bán sỉ), chợ Đồng Xuân được phép mở cửa vào Chủ nhật hàng tuần. Nhưng trên thực tế cuối tuần lại thu hút lượng khách mua lẻ lớn, hơn nữa luật giờ giấc đóng cửa hàng không áp dụng nơi đây tạo ra sự cạnh tranh bất lợi cho các cửa hàng bán lẻ trong vùng lân cận.

    Không được phép tổ chức các sự kiện

    Đối với người Việt thuộc thế hệ nhập cư thứ nhất từ khắp châu Âu, chợ Đồng Xuân là điểm gặp gỡ người Việt Nam với nhau. Các hội đồng hương gặp nhau ở đây vào cuối tuần. Những buổi tổ chức sự kiện ở đây thường có hàng trăm người tham gia từ tiệc gia đình, cho tới kêu gọi đầu tư, quyên góp, cùng với đó là các buổi biểu diễn văn nghệ và lễ kỷ niệm.

    Trên thực tế, vì chợ Đồng Xuân nằm trong khu vực công thương (Gewerbegebiet) nên không được phép tổ chức các sự kiện.

     

    Một nhà hàng lớn bên trong chợ Đồng Xuân.

    Các sự kiện, kể cả tổ chức vào buổi tối, thường khiến giao thông ách tắc bởi nhiều khách tham dự, mà khu vực công thương không được thiết kế đáp ứng cho các sự kiện như này“, bà Birgit Monteiro -Ủy viên Hội đồng quận phụ trách xây dựng nói với tờ TAZ.

    Ngoài ra, chính quyền lo ngại rằng, việc sử dụng để tổ chức các sự kiện văn hóa sẽ đẩy giá thuê nhà ở vùng này tăng cao và do đó các hãng xưởng sản xuất xung quanh đường Herzbergstraße không còn có thể trả nổi tiền thuê nhà. Với lý do này mà trong quá khứ chính quyền quận Lichtenberg đã từng cấm các nghệ sĩ ở Herzbergstraße mở một cơ sở hoạt động triển lãm nghệ thuật.

    Chủ chợ Đồng Xuân không tuân thủ luật pháp Đức

    Thêm vào đó, ông chủ chợ Đồng Xuân không tuân thủ đúng luật pháp Đức. Những người trong chính quyền quận từng biết đến chủ chợ Nguyễn Văn Hiền, một doanh nhân 61 tuổi, là người „đặt chuyện đã rồi“ và sau đó mới đặt đơn lên chính quyền quận xin giấy phép hợp pháp hóa.

    Hiển nhiên là ông ấy đã tính trước rằng chấp nhận nộp phạt cho việc xây dựng lậu và tiền phạt sẽ được tính vào giá cho thuê cửa hàng, theo TAZ. Ông Nguyễn Văn Hiền đã từ chối trả lời các câu hỏi của tờ TAZ.

     

    Chợ Đồng Xuân ở Berlin chuyên bán hàng Việt Nam với 250 gian hàng trong đó hơn 60% là doanh nhân Việt, tiếp đến là người Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ba Lan và cả người Đức.

    Về nhà lồng mới nhất (Halle 18) rộng 7.000 mét vuông thì cũng có hai sự thật. Một sự thật có thể được tìm thấy trên các trang tin tiếng Việt là nhà lồng này đã được khai trương vào tháng 5/2018. Ông chủ chợ đã có một bài phát biểu tại đây và nhà lồng này đã được cho thuê kín tất cả trong thời gian ngắn lúc đó và tại đây thường xuyên tổ chức các sự kiện lớn.

    Sự thật thứ hai là trong các hồ sơ của chính quyền quận: Chỉ được cấp giấy phép xây dựng nhà lồng, tức cái vỏ mà thôi mà chưa có giấy phép hoạt động. Sáu tháng sau khi khai trương, chính quyền quận trong một cuộc kiểm tra định kỳ mới phát giác ra rằng nhà lồng này đã được chia thành các cửa hàng riêng biệt và đang hoạt động kinh doanh tấp nập. Vào thời điểm đó, thậm chí ông chủ chợ chưa nộp đơn xin giấy phép xây dựng các cửa hàng, bà Monteiro - Ủy viên Hội đồng quận phụ trách xây dựng nói.

    Chủ chợ sau đó đã phải trả tiền phạt và nộp đơn xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên bà Monteiro cho biết, chính quyền cho phép nhà lồng này được tiếp tục hoạt động ngoại trừ các nhà hàng và tổ chức các sự kiện. Theo bà Monteiro, trên nguyên tắc kinh doanh nhà hàng không được cấp giấy phép hoạt động trong khu vực công thương. Mặc dù bị phạt tiền, nhưng các chủ nhà hàng đã kéo dài thời gian cho đến khi họ thực sự đóng cửa.

    Không được xây dựng nhà ở

    Về chuyện xây dựng nhà ở gần khu chợ châu Á này, cũng có hai sự thật. Đối với chính quyền quận thì rõ ràng việc người lao động cư ngụ trong khu công thương là không được phép. Tuy nhiên, chủ chợ lại quảng bá kế hoạch xây dựng một phố châu Á với các tòa nhà chung cư ở đây. Và bởi vì theo quan điểm của chính quyền quận, chủ chợ không đặc biệt được coi là người tuân thủ pháp luật, nên chính quyền quận hiện đang kiểm tra mỗi một văn phòng, mỗi một cửa hàng trong chợ Đồng Xuân có đúng với bản vẽ kiến trúc hay không. "Họ thậm chí đã đo cả những con ốc vít", một chủ cửa hàng nói với tờ TAZ. Người này vui mừng về sự kiểm tra này, bởi "rốt cuộc cũng có người kiểm tra chủ chợ“. 

    VietHome (theo VTC)

  • Một tòa án ở thành phố Miami, bang Florida, Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu một khách sạn bồi thường 21,5 triệu USD cho một người rửa bát ở khách sạn, sau khi phát hiện khách sạn này liên tục bắt bà làm việc vào các ngày chủ nhật. 

    Theo Đài NBC News, bà Marie Jean Pierre, 60 tuổi, từng làm công việc rửa bát cho khách sạn Conrad Miami ở thành phố Miami trong khoảng 10 năm. Năm 2017, bà đã đệ đơn kiện chống lại công ty quản lý khách sạn này vì vi phạm Đạo luật quyền công dân năm 1964. 

    Đạo luật này cấm việc phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính hay nguồn gốc dân tộc trong quá trình thuê mướn lao động.

    Luật sư cho biết bà Pierre, một bà mẹ có 6 con, hiện là thành viên của nhóm Soldiers of Christ Church – một nhóm truyền giáo chuyên giúp đỡ người nghèo.

    Bà Pierre cho biết vào thời điểm bà được nhận vào làm công việc rửa chén ở khách sạn Conrad Miami hồi tháng 4-2006, bà từng nói với chủ thuê rằng bà không thể đi làm vào chủ nhật vì các lý do tôn giáo.

    Theo tờ Washington Post, ban đầu khách sạn tôn trọng niềm tin tôn giáo của bà Pierre. Tuy nhiên, điều đó thay đổi vào tháng 10-2015 sau khi một quản lý nhà bếp của khách sạn bắt bà phải làm việc vào chủ nhật. 

    Bà Pierre sau đó bị khách sạn đuổi việc vào tháng 3-2016 vì “những lần vắng mặt không có lý do”. Theo các báo cáo, bà Pierre đã nghỉ 6 ngày chủ nhật để đến nhà thờ ở Miami.

    “Tôi yêu Chúa. Tôi không làm việc vào ngày chủ nhật vì tôi tôn vinh Chúa vào ngày đó”, bà Pierre cho biết.

    Cuối cùng, bà Pierre đã nộp đơn kiện chống lại Công ty Park Hotels and Resorts (trước đây được biết tới là Hilton Worldwide, quản lý khách sạn Conrad Miami).

    Trong số 21,5 triệu USD mà tòa yêu cầu công ty này bồi thường, 36.000 USD là để đền bù tiền lương và những lợi ích, trong khi 500.000 USD là để bù đắp “tổn thương tâm lý và nỗi khổ tinh thần” cho bà Pierre. 21 triệu USD còn lại là tiền bồi thường mang tính trừng phạt và răn đe.

    Bà Marie Jean Pierre

    Tuy nhiên, bà Pierre không thể nhận toàn bộ số tiền bồi thường 21,5 triệu USD do luật có quy định về giới hạn bồi thường. Luật sư của bà Pierre hi vọng bà sẽ nhận được ít nhất 500.000 USD.

    Trước phán quyết trên, đại diện của Hilton nói rằng họ chưa bao giờ biết Pierre là một người truyền giáo và tại sao bà lại muốn nghỉ vào chủ nhật. Hilton cho biết họ sẽ kháng cáo.

    Viethome (theo Tuoitre)

  • Trong vài năm qua số lượng doanh nghiệp do người Việt làm chủ bị kiểm tra giấy tờ tăng lên rõ rệt. Đặc biệt là các shop nails vì nơi đây hay có người Việt quá hạn visa, nhập cư vào Anh trái phép xin vào làm việc. 

    Theo luật của Bộ Nội Vụ, mỗi người lao động không có giấy tờ hợp pháp bị phát hiện sẽ bị phạt £20,000/người. Số tiền này chủ doanh nghiệp phải trả, chứ không phải là người bị phát hiện. 

    Phạt tiền là một việc, nhưng có rất nhiều hệ luỵ đã xảy ra xung quanh các vụ kiểm tra này, như: doanh nghiệp bị truy tố vì trốn thuế bất hợp pháp,người chủ bị tình nghi là buôn bán, bóc lộc những người lao động này. 

    Vài năm trước hàng loạt tờ báo lớn ở Anh đã cáo buộc hầu hết các shop nail do người Việt quản lý đều có chứa người lao động bất hợp pháp, và chủ các shop này còn bắt giữ họ làm nô lệ tình dục, buôn bán mại dâm..v..v. 

    Cộng đồng người Việt ở Anh đều biết rõ nguyên nhân xảy ra các cáo buộc trên. Bởi những lao động khi bị kiếm tra và bắt giữ đều muốn khai tị nạn nên họ hay đưa ra những lời khai "không đúng sự thật" với mong muốn không bị trục xuất hoặc phạt tù. Còn báo chí Anh thì khai thác những điều này để làm mất uy tín các doanh nghiệp trong ngành Nail của người Việt. 

    Về phía Bộ Nội Vụ, họ sẽ luôn cố gắng phạt người chủ để răn đe, cảnh cáo các doanh nghiệp muốn có ý định thuê người không có giấy tờ lao động hợp pháp. Nếu người lao động trái phép khai là họ không được trả lương, họ bị bắt giữ làm nô lệ và đe doạ thì vụ việc sẽ càng phức tạp hơn nếu các doanh nghiệp không có bằng chứng để tự bảo vệ mình . 

    VietHome xin gửi tới các bạn những điều cơ bản cần phải làm để bảo vệ doanh nghiệp của bạn khỏi những rắc rối ở trên:

    Ai bị coi là lao động bất hợp pháp?

    Sinh viên hết hạn visa, hoặc sinh viên làm quá số giờ quy định

    Những người vào Anh với visa Du Lịch

    Người nhập cư trái phép vào Anh Quốc.

    Số Báo Thuế NI không phải là ID, không nói nên điều gì

    Rất nhiều chủ doanh nghiệp, chủ shop nails Việt nhầm lẫn và tưởng chỉ cần có số báo thuế NI tức là người đó được phép đi làm, được ở Anh hợp pháp. Điều này hoàn toàn sai. 

    Trên thẻ NI có ghi rõ: Đây không được dùng để chứng minh ID

    Số NI chỉ dành để báo thuế, nó không có nghĩa là chủ nhân được phép đi làm. vd: sinh viên đã ở qua hạn visa, nhưng vẫn có số NI. Người lao động trước đó được phép đi làm, nhưng sau này chuyển loại Visa mới và loại mới này không cho phép đi làm, mặc dù vẫn có số NI. 

    100% sinh viên quốc tế sẽ được phép đi làm ở Anh Quốc

    Vài năm gần đây luật đã thay đổi và chia ra nhiều loại visa sinh viên. Trong đó có loại visa sinh viên không được phép đi làm, visa sinh viên chỉ được phép làm dưới 10h/tuần, hoặc visa sinh viên được phép đi làm tối đa 20h/tuần. Bạn cần kiểm tra kĩ giấy tờ và thư của trường học để chắc chắn sinh viên được phép đi làm theo quy đinh.

    Phải lưu lại bản copy giấy tờ visa, hộ chiếu

    Nếu bạn chỉ kiểm tra bằng mắt, và không lưu lại 1 bản copy thì sau này bị Bộ Nội Vụ kiểm tra, làm sao bạn chứng minh được là mình vô tội?

    Bộ Nội Vụ yêu cầu chủ doanh nghiệp phải lưu lại các bản copy về hộ chiếu , visa để chứng tỏ là bạn đã kiểm tra và tại thời điểm nhân viên đó làm cho bạn, họ được phép đi làm hợp pháp ở Anh Quốc. Bạn phải copy lại các trang có ghi ngày tháng, ảnh, tên tuổi, ngày hết hạn visa của nhân viên đó. Những giấy tờ này phải được giữ trong vòng 2 năm kể từ khi nhân viên của bạn không còn làm ở chỗ bạn nữa.  

    Cho dù giấy tờ nhân viên cung cấp cho bạn có thể là giả. Nhưng ít nhất là bạn vẫn có bằng chứng tự bảo vệ mình , và chứng minh là bạn đã làm hết khả năng để kiểm tra, chứ bạn không cố tình thuê người lao động trái phép vào Anh Quốc. 

    Nếu bạn cần xác minh chính xác quyền được làm việc hợp pháp ở Anh, bạn có thể liên hệ với Bộ Nội Vụ để nhờ họ xác nhận lại.

    Nhân viên cáo buộc bạn bắt giữ, đánh đập và bắt họ làm việc

    Điều cần làm là bạn hãy liên hệ với luật sư ngay lập tức nếu cảnh sát cho biết họ đang điều tra cáo buộc này. Luật sư sẽ tư vấn chính xác cho bạn biết mức độ nghiêm trọng của vụ việc và họ cần bạn cung cấp cho họ các bằng chứng để giúp họ biện hộ lại, ví dụ như:

    • Hợp đồng lao động, số giờ làm việc, lương
    • Nơi ở của bạn và của nhân viên
    • Điều kiện làm việc ở shop 
    • Ảnh các cuộc gặp mặt, party của nhân viên trong shop 
    • Camera trong shop hoặc ở nhà để chứng minh bạn vô tội
    • và các nhân chứng khác.

    Chỉ cần bạn chứng minh được điều kiện làm việc rất tốt, nhân viên tự nguyện đến làm và trả lương xứng đáng, không có bằng chứng bị giam giữ, đánh đập thì chắc chắn phía cảnh sát sẽ không còn nghi ngờ bạn nữa. 

    VietHome

  • Người làm thuê được quyền biết họ sẽ được trả bao nhiêu và theo đợt như thế nào. Họ còn có nghĩa vụ yêu cầu chủ thuê mình đưa một bản thông báo về công việc và thù lao, dù rằng họ đã từng nhận được lương trước đó hay chưa.

    Bạn cần được trả lương khi nào và hình thức thế nào

    Khi bắt đầu công việc bạn nên hỏi rõ người thuê:

    - Ngày nào bạn sẽ được nhận lương, ví dụ như thứ Sáu hàng tuần, hoặc ngày cuối cùng của tháng.

    - Bạn được thanh toán lương theo hình thức nào, ví dụ như tiền mặt, séc hoặc chuyển khoản trực tiếp ngân hàng.

    Nếu bạn là người làm thuê, bạn bắt buộc phải được nhận một tờ thông báo mức lương, và thời gian thử việc, thường là hai tháng với những người mới đi làm. Tờ giấy này thường được đính kèm với hợp đồng tuyển dụng.

    Tôi có nên đòi được nhận phiếu lương không

    Bạn không có quyền được đòi phiếu lương nếu bạn:

    - Không phải là người làm thuê, như là một nhà thầu hoặc cộng tác viên.

    - Thành viên của một dịch vụ thuộc cảnh sát.

    - Thuỷ thủ, thuyền trưởng hoặc thuyền viên làm việc theo phần phân chia thu nhập, được trả công theo phần đóng góp.

    Phiếu lương sẽ bao gồm những gì

    Tất cả phiếu thông báo trả lương sẽ bao gồm những thông tin sau:

    - Số lương trước khi trừ các khoản khác (lương cộng gộp).

    - Những khoản trừ cố định hoặc tổng tất cả những khoản phải trừ nếu như trong hợp đồng có bản 'thông báo về những khoản trừ cố định'.

    - Những khoản trừ khác theo tỉ lệ, như thuế.

    - Phần lương thực sự được hưởng (tổng sau khi đã trừ).

    - Số lượng, cách tính của từng phần trong khoản lương đó (ví dụ như bao nhiêu trả bằng tiền mặt, bao nhiêu thanh toán qua ngân hàng).

    Người thuê lao động cũng có thể thêm những thông tin sau:

    - Mã số bảo hiểm quốc gia (Nation Insurance number).

    - Mã số thuế (tax codes).

    - Tỉ lệ trả lãi (pay rate).

    - Phần thù lao làm thêm giờ, thưởng hoặc tips.

    Thông báo về phần giảm trừ cố định

    Nếu người thuê bạn không nêu cụ thể những khoản sẽ giảm trừ cố định trong lương, họ sẽ cần phải làm một bản thông báo bằng văn bản. Nó yêu cầu phải:

    - Được viết thành văn bản.

    - Thông báo số lượng và thời điểm giảm trừ.

    - Bao gồm mực đích hoặc nội dung của các khoản giảm trừ lương.

    - Được gửi cho bạn trước khi bạn nhận được phiếu lương đầu tiên đã trừ đi các khoản cố định.

    - Được điều chỉnh lại sau mỗi ít nhất 12 tháng.

    Nếu có những thay đổi trong khoản trừ cố định, người thuê bạn bắt buộc phải gửi thông báo về sự điều chỉnh.

    Phải làm gì nếu bạn gặp vấn đề với phiếu lương

    Trước hết cần nói chuyện với người thuê bạn để xem có thể giải quyết vấn đề một cách mềm mỏng hay không. Nếu bạn là thành viên trong một liên minh, tổ chức người lao động thì bạn có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ đó.

    Nếu vẫn chưa giải quyết được, bạn có thể làm đơn khiếu nại lên Toà án Công nghiệp (Industrial Tribunal).

    Nếu bạn không nhận được đủ số thù lao, bạn nên kiểm tra phiếu lương và hợp đồng tuyển dụng xem có phần nào giải thích lý do bạn không được nhận đủ hay không.

    Cơ quan Quản lý Lao động (Labour Ralations Agency - LRA) sẽ cung cấp miễn phí, vô tư và bí mật những lời khuyên cho tất cả người lao động về những vấn đề về quyền lợi, nếu họ là những công dân của Bắc Ailen. 

    Viethome (theo nidirect)