• Từ ngày 1/1/2024, HMRC sẽ bắt buộc các nền tảng kĩ thuật số phải ghi nhận lại số tiền mà người dùng kiếm được thông qua việc bán dịch vụ trên đó. 

    Mới đây HMRC đã ban hành một luật mới, đây sẽ là sự thay đổi vô cùng lớn đối với những người kiếm tiền từ công việc làm thêm trên mạng ở Anh. Từ ngày 1/1/2024, HMRC sẽ bắt buộc các nền tảng kĩ thuật số phải ghi nhận lại số tiền mà người dùng kiếm được thông qua việc bán dịch vụ trên đó. 

    Đối tượng bị ảnh hưởng bao gồm người cho thuê nhà trên Airbnb, người làm freelance trên Fiverr, Upwork...tài xế Uber, tài xế giao hàng Deliveroo, bán hàng trên Etsy...

    Động thái này của HMRC nhằm chấn chỉnh những người kiếm tiền thông qua các công việc phụ, người làm freelance và tự doanh. 

    HMRC muốn dễ dàng phát hiện sự khác biệt giữa thông tin thu nhập mà nền tảng cung cấp và thu nhập mà cá nhân tự khai. Nếu có sự mâu thuẫn, HMRC sẽ có cơ sở để tiến hành điều tra. 

    HMRC đã đầu tư 36.69 triệu bảng tiền thuê 24 nhân viên làm việc full-time để phát triển hệ thống giám sát thu nhập phụ của người đóng thuế.

    HMRC truy thu thue

    Mấu chốt vấn đề là, HMRC không tin những người này khai báo thuế trung thực. Số lượng người làm công việc phụ thông qua nền tảng mạng ngày càng tăng, do đó cơ quan thuế sẽ làm việc trực tiếp với những nền tảng này. Uber, Airbnb, Upwork... sẽ có nhiệm vụ ghi nhận lại thu nhập của người dùng và giao nộp nó cho HMRC.

    HMRC sau đó sẽ so sánh thông tin này với tờ tự khai báo thuế của người dân. Nếu 2 con số không trùng nhau, HMRC sẽ có lý do để điều tra thuế. Do đó, nếu bạn làm thêm trên mạng thì hãy khai báo thuế đầy đủ. 

    Bạn được phép làm thêm kiếm £1,000 mỗi năm miễn trừ thuế, đây gọi là ngưỡng miễn thuế (Minimum Trading Allowance). Nếu kiếm thêm được nhiều hơn mức này thông qua hình thức self-employ, và tổng thu nhập nhiều hơn mức được miễn trừ thuế cá nhân (personal allowance - £12,570/năm), thì bạn phải đóng thuế trên khoản vượt tăng.

    Số liệu mới nhất cho thấy có 7.25 triệu người làm thêm trên mạng ở Anh. Cứ 6 người trưởng thành thì có 1 người làm thêm ít nhất 1 lần/tuần. Do đó, chính sách truy thu thuế mới của HMRC sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người.

    Viethome (theo Birmingham Mail)

  • Kế hoạch lừa đảo tinh vi kéo dài một thập kỷ giúp cha con nhà Jaafar bỏ túi hàng triệu USD cho tới khi bị bắt giữ và lĩnh án tù.

    tron thue trung so
    Ali Jaafar và con trai Yousef Jaafar bị kết án tù vì tội lừa đảo sau khi lĩnh tiền từ khoảng 14.000 tờ vé trúng thưởng ở Massachusetts trị giá hơn 20 triệu USD.

    Các công tố viên cho biết cặp cha con ở tiểu bang Massachusetts bị kết án tại tòa án liên bang hôm 22/5 vì kế hoạch lừa đảo để lĩnh hơn 20 triệu USD tiền trúng xổ số và khai man nhằm trốn hơn 6 triệu USD tiền thuế liên bang.

    Ali Jaafar (63 tuổi) bị kết án 5 năm tù, trong khi con trai Yousef Jaafar (29 tuổi) lĩnh 50 tháng tù. Họ cũng được lệnh phải bồi thường hơn 6 triệu USD và toàn bộ lợi nhuận từ kế hoạch này.

    Tháng 12/2022, cả hai bị kết án về tội âm mưu lừa gạt Sở Thuế vụ, âm mưu thực hiện hành vi rửa tiền và khai thuế giả.

    “Cốt lõi của vụ án này là kế hoạch gian lận thuế tinh vi. Trong suốt một thập kỷ, nhóm cha con này lừa gạt Ủy ban Xổ số bang Massachusetts và Sở Thuế vụ để bỏ túi hàng triệu USD mà người đóng thuế khó kiếm được”, Joshua S. Levy, quyền luật sư Mỹ tại Massachusetts, cho biết.

    “Những bị cáo này cấu kết để xây dựng mạng lưới đồng phạm rộng lớn, phát tán trò lừa đảo xổ số khắp Massachusetts và tránh bị phát hiện bằng cách liên tục nói dối các quan chức chính phủ”, ông nói thêm.

    Valerie S. Carter, luật sư của Ali và Yousef Jaafar, cho biết ý định của cha con nhà Jaafar là kháng cáo lên tòa phúc thẩm vòng một.

    Mohamed Jaafar, con trai khác của Ali Jaafar, cũng tham gia vào âm mưu này. Người đàn ông nhận tội vào năm 2022 về âm mưu lừa đảo Sở Thuế vụ và sẽ bị kết án vào tháng 7.

    Văn phòng luật sư Mỹ cho biết cha con nhà Jaafar là 3 trong số 4 người rút tiền thưởng vé số cá nhân hàng đầu ở bang vào năm 2019.

    “Trường hợp này là ví dụ về những nỗ lực sâu rộng mà ủy ban xổ số hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật nhằm hỗ trợ ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp. Quyết định này là đỉnh cao của nhiều năm làm việc chăm chỉ để duy trì tính toàn vẹn của xổ số”, Deborah B. Goldberg, thủ quỹ tiểu bang, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch ủy ban xổ số, cho biết.

    Theo bản cáo trạng dành cho 3 cha con nhà Jaafar, từ ít nhất năm 2011 đến tháng 6/2020, các bị cáo âm mưu cấu kết với nhiều đồng phạm (đã được xác định danh tính hoặc chưa) để rửa tiền từ phần thưởng của những người trúng xổ số tại bang Massachusetts.

    Các bị cáo mua vé số trúng thưởng từ những người trên khắp tiểu bang muốn bán vé để được chiết khấu bằng tiền mặt thay vì đi lĩnh thưởng.

    Điều đó có nghĩa là những người chiến thắng thực sự không được ủy ban xổ số của tiểu bang xác định. Cơ quan này yêu cầu “khấu trừ các khoản thuế chưa thanh toán, tiền thuế truy thu và các khoản thanh toán hỗ trợ nuôi con” trước khi trả giải thưởng, theo Văn phòng Luật sư Mỹ.

    Sau khi mua vé giảm giá từ những người chiến thắng, với sự giúp đỡ của các chủ cửa hàng tiện lợi trong quá trình giao dịch, các bị cáo sẽ đứng ra lĩnh tiền thưởng.

    Hàng chục nhà bán lẻ xổ số có dính líu tới vụ án này sẽ bị Ủy ban Xổ số bang Massachusetts thu hồi giấy phép đại lý.

    Các công tố viên cho biết cha con nhà Jaafar đổi tiền bất hợp pháp trên 14.000 vé số với tổng trị giá hơn 20 triệu USD trong kế hoạch “ăn 10%” được xây dựng tỉ mỉ.

    Các bị cáo còn thu lợi thêm bằng cách khai man trên tờ khai thuế nhằm tránh được thuế thu nhập liên bang và nhận tiền hoàn thuế gian lận.

    “Thay vì sử dụng hiểu biết và kỹ năng kinh doanh để xây dựng doanh nghiệp gia đình nhiều thế hệ hợp pháp, cha con nhà Jaafar lại thực hiện vụ lừa đảo xổ số và thuế phức tạp kéo dài hàng thập kỷ, xây dựng mạng lưới đồng phạm rộng lớn để tiếp tục các hoạt động phi pháp”, Joleen Simpson, đặc vụ phụ trách điều tra hình sự của Sở Thuế vụ tại Boston, cho biết.

    Theo Zing

  • Trong 1,000 tiệm Nail Việt Nam thì có đến 999 tiệm là vi phạm vào luật pháp. Hai vi phạm nghiêm trọng nhất là “bóc lột sức lao động” và “trốn thuế”.

    Gần đây, không ít những tiệm Nail của Việt Nam đã bị Bộ Lao Động “sờ gáy.” Có tiệm đã phải điều đình ngoài tòa và chi trả ra hơn $750,000 cho lương thợ. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là “Sở Thuế (IRS).” Bởi vì Sở Lao động chỉ phạt tiền, nhưng Sở Thuế thì có khả năng tịch biên tất cả tài sản của người vi phạm. Ngoài mất tiền của ra, vì là tội hình sự, nên sự tù tội khó mà tránh khỏi đối với người vi phạm. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn không hiểu tại sao các chủ tiệm Nail, và ngay cả thợ Nail lại nghĩ mình thông minh hơn Sở Thuế?

    Nước Mỹ được mệnh danh là nước đứng đầu trên thế giới, đó là nhờ hệ thống thuế khoá, thu góp chặt chẽ rõ ràng. Nhờ sự đóng góp thu thuế này mà chính phủ đã có nhiều ngân sách hơn để chi tiêu hữu dụng trong việc đối nội và đối ngoại. Vì vậy, muốn duy trì chỗ đứng đầu trên thế giới này, chính phủ Mỹ không thể nào lỏng lẻo trong khâu chốt thu thuế cả. Muốn như vậy, chắc chắc là những nhân viên phục vụ trong nghành thuế, họ phải được đào tạo một cách kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, mà không phải là những “tay mơ” không rõ luật, hay hiểu luật mù mờ. Luật của Sở Thuế đến ngay cả những người luật sư không chuyên nghiệp về thuế khoá cũng phải chịu thua, huống chi là những người bình thường thiếu hiểu biết về luật như chúng ta.

    tiem nail tron thue

    Chắc bạn còn nhớ, câu chuyện thuế của vợ chồng ông/bà Clinton lúc còn làm Tổng thống phải không? Câu chuyện bắt đầu khi hồ sơ thuế của ông/bà Clinton trong việc đầu tư vào công ty WhiteWater không rõ ràng, thì lập tức Sở Thuế đã “sờ gáy” ông bà, dù ông Clinton lúc đó đang là một vị nguyên thủ quốc gia. Cả hai vợ chồng ông bà Clinton đều là những luật sư, thế mà họ cũng phải “xính vính” để đưa ra những chứng cớ, và phải mướn những luật sư chuyên về thuế vụ để giải quyết vấn đề này. Và kết quả là, sau khi rời chức vụ tổng thống thì ông/bà Clinton vẫn còn nợ tiền luật sư lên đến hơn triệu đô.

    Vậy, xin hỏi Bạn những người chủ Nail của chúng ta lại là ai mà dám tự tin là có thể “trốn được thuế”? Chắc chắn họ chẳng là ai cả, ngoài việc họ tự nghĩ mình “quá thông minh”, nên có thể “vượt rào” mà không ai phát hiện. Sau đây là một vài vi phạm nghiêm trọng về luật pháp:

    1. Vi Phạm Của Thợ Nails

    Bất cứ một công dân nào có quyền đi làm trên nước Mỹ đều phải đóng thuế. Mức thuế qui định thường thay đổi theo hằng năm, và tỷ lệ phần trăm đóng thuế cũng khác nhau, tuỳ theo mức độ thu nhập. Bình thường, mỗi công nhân sẽ lãnh lương vào mỗi cuối tuần trên mẫu đơn W2 bao gồm: số lương được tính theo số giờ làm việc nhân cho mức lương tối thiểu theo qui định của chính quyền của tiểu bang hay liên bang. Số tiền tổng cộng đó, sẽ trừ đi số tiền đóng cho an sinh xã hội, tiền bảo hiểm thất nghiệp, tiền bảo hiểm y tế v.v. và người chủ sẽ phải gánh chịu một nửa số thuế của an sinh xã hội và bảo hiểm thất nghiệp (7.6%) này cho người thợ. Tùy theo một số nghành nghề, ngoài tiền lương lao động theo số giờ ra, thì những nhân công này còn nhận thêm những tiền thưởng khác (tip) qua phục vụ, và những tiền thưởng này cũng phải khai thuế như thường.

    Nghành Nail là một nghành trong phục vụ (service), nên thường, nhân công luôn có tiền thưởng (tips). Đa số thì tiền thưởng là tiền mặt, cho nên, thông thường những người thợ Nail thường giấu mà không khai. Cứ thử tưởng tượng, bạn làm trong một nghành “bắt buộc” có tiền thưởng, và giả dụ bạn khai với lợi tức thu nhập ít nhất là $1,000/1tháng hay $12,000/1năm. Nếu cứ bình quân một phục vụ của bạn là $30 thì bạn có ít nhất 400 phục vụ trong một năm. Chẳng lẽ trong 400 lần phục vụ đó, không có ai cho bạn một đồng tiền thưởng nào. Điều này có thể xẩy ra trên đất nước khác, nhưng với nước Mỹ thì hầu như khó có thể xẩy ra. Vậy mà trong những mẫu đơn khai thuế hằng năm của những người thợ Nail lại không có khai khoản này, Bạn nghĩ Sở Thuế họ có tin không?

    Vi phạm thứ hai khá phổ thông là “Khai Man Lương Bổng.” Đây cũng là một trong những việc thường xẩy ra giữa thợ và chủ Nail. Vì không muốn đóng thuế ra nhiều, hay vì muốn lãnh tiền trợ cấp và bảo hiểm sức khỏe, mà các thợ Nail thường làm “áp lực” với các chủ Nail theo hình thức 50/50. Nghĩa là 50% thì trả theo lương check để khai thuế và 50% còn lại được trả bằng tiền mặt (để trốn thuế). Không biết từ đâu, và từ ai chỉ dậy, mà những người thợ Nail lại nghĩ rằng họ lấy tiền mặt thì có thể “trốn thuế.” Trên căn bản, mặc dù chủ Nail chịu trả tiền mặt cho thợ, họ vẫn có thể khai thuế theo dạng tiền thưởng hay hoa hồng. Trách nhiệm của người thợ là khi nhận được tiền đó thì họ phải khai thuế. Vậy làm sao mà trốn thuế đây?

    2. Vi Phạm Của Chủ Nails

    Bất cứ một người chủ nào cũng phải có bổn phận phải khai báo thuế vụ cho nhân viên của mình bao gồm gồm mẫu đơn thuế, trừ thuế, giữ thuế và đóng tiền thuế cho Sở Thuế. Có muôn ngàn vấn đề mà

    người chủ cần phải làm. Nếu làm sai, Sở Thuế có thể phạt nặng hay tịch biên tài sản cả thương nghiệp lẫn cá nhân nếu người chủ vi phạm nghiêm trọng.

    Cách “lách luật” thông dụng mà các chủ Nail hay dùng là phương pháp IC (independent contractor) hay giới Nail gọi là “làm ăn chia.” Phương pháp IC tuy có nhiều điều, nhưng đơn giản thì không khác gì là phương pháp cho mướn chỗ.

    Theo qui định, người mướn chỗ sẽ không theo bất cứ một qui định nào liên quan đến công việc, chính sách hay cách thức phục vụ của tiệm Nail. Họ là những người mướn chỗ độc lập (Independent Contractor). Họ phải có trách nhiệm đóng thuế, điều hành, quản lý, tiếp thị, và phục vụ theo cách của họ. Thay vì họ phải mướn một chỗ quá rộng, họ phải trả chi phí cao, thì họ chịu mướn một phần nhỏ của tiệm Nail, thế thôi.

    Tiếc thay, các chủ tiệm Nail vì thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về luật thuế cộng thêm các nhà “khai thuế” cố vấn “tay mơ”, họ nghĩ rằng họ có thể qua mặt luật pháp bằng cách cứ “mướn thợ” theo dạng IC thì sẽ không gặp rắc rối về luật thuế.

    Nhưng họ lại không biết rằng, khi họ đã thuê mướn và phân công, hoặc trả lương cho thợ thì những người thợ đó không phải là IC nữa mà là nhân viên của họ. Khi đã là nhân viên của họ, thì họ phải có trách nhiệm khai thuế, giữ thuế và đóng thuế theo đúng qui định, nếu không họ sẽ vi phạm về luật thuế. Trong thời gian vừa qua, Sở Thuế vẫn tỏ ra “lơ là” với việc khai thuế của các chủ Nail và thợ Nail, khiến cho không ít các chủ và thợ Nail đều nghĩ rằng mình có thể “thông minh” hơn Sở Thuế và có thể qua mặt Sở Thuế dễ như trở bàn tay. Sự thật thì không phải vậy. Họ không biết rằng họ đang được “vỗ cho béo” để làm thịt ngon hơn, chính là chính sách mà Sở Thuế Mỹ vẫn ưa dùng.

    Để giúp Bạn hiểu rõ hơn, chúng tôi sẽ đưa ra một “trường hợp đặt biệt” của một nghành nghề rất phổ biến trong cộng đồng người Việt lúc xưa, đã bị Sở Thuế dùng cách thức “Vỗ Cho Béo” như thế nào.

    Từ năm 1985-1993 nghành may mặc gia công được phát triển rầm rộ trong cộng đồng người Việt tại California. Đâu đâu bạn cũng thấy những cửa tiệm may gia công nằm san sát nhau. Có những khu phố mà cả con đường dài 4 đến 5 dặm không có cửa tiệm nào khác ngoài nghành may mặc.

    Cũng giống như các chủ tiệm Nail bây giờ, các chủ cơ sở may mặc cũng dùng dạng mướn nhân công Mễ và Việt theo dạng IC (Independent Contractor) và trả bằng tiền mặt. Sự làm ăn và phát triển mạnh mẽ của nghành may gia công đã tạo ra không ít những người Việt trở thành triệu phú trong khoảng vài ba năm.

    Ai cũng nghĩ, cứ đà này thì ai vào nghành may cũng đều giầu to cả. Và thế là họ cứ đua nhau đầu tư vào nghành may và cứ “copy nguyên xi cách làm” của người đi trước. Khoảng 8 năm sau, khi những người chủ các cơ sở may gia công đã bắt đầu có cơ ngơi, thì cũng chính là lúc Sở Thuế bắt tay vào làm việc.

    Chỉ trong vòng chưa đến 2 năm thì 99% các cơ sở may gia công đều bị đóng cửa. Các chủ cơ sở tiệm may, không những tài sản doanh nghiệp và cá nhân đều bị tịch biên, vì không trả đủ tiền thuế và tiền lời rất nặng (31% mỗi năm), mà không ít người đã phải chịu thêm cảnh tù đầy, tán gia bại sản. Bao nhiêu công sức đều tiêu tan theo mây khói, và từ đó nghành may gia công của người Việt tại California coi như tàn lụi.

    Nghành Nail của cộng đồng người Việt bây giờ cũng giống hệt như nghành may lúc trước. “Vỗ cho béo” của Sở Thuế Mỹ xem ra lại làm cho cộng đồng người việt nghành Nail khó tránh khỏi thảm hoạ diệt thân. (Nếu Bạn trong nghành Nail thì chắc chắn Bạn cũng nghe không ít thì nhiều, về tin những tiệm nail mà người chủ bị phạt trung bình lên đến $300,000-$400,000. Và nếu bạn để ý kỹ thì Bạn sẽ thấy bây giờ Sở Thuế đã bắt đầu phạt nhiều hơn, so với trước đây. Và đó chính là dấu hiệu mà Sở Thuế đang bắt đầu chiến dịch “Vỗ cho Béo” đối với nghành nail của người Việt.)

    3. Vi Phạm Luật Treo Bảng

    Theo luật pháp Mỹ, bất cứ một công ty nào trên nước Mỹ nếu có thuê mướn nhân công đều phải treo hai tấm poster trong đó phải bao gồm những điều khoản, đạo luật của Liên Bang và Tiểu Bang như: Luật Lao động, lương giờ, chống kỳ thị, luật thấp nghiệp, không hút thuốc lá v.v. Đây là việc bắt buộc chứ không phải được quyền tự chọn. Nếu công ty nào vi phạm (không treo) thì sẽ bị phạt vạ lên đến $17,000 theo mức phạt như sau:

    • Thiếu bảng niêm yết về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) là $ 7,000.
    • Thiếu Đạo luật Nhân viên Nói Dối Bảo vệ Liên Bang năm 1988, phải đối mặt với một khoản tiền phạt lên đến $ 10,000.
    • Không hiển thị các Cơ Hội Làm Việc Bình Đẳng tăng lên đến $ 210 trong năm 2014.v

    Tiếc thay, 98% tiệm Nail của Việt Nam chẳng hề thấy treo các bảng quy định bắt buộc nêu trên.

    Nguồn: viet.usdeltarealty.com

  • Ngày 18-2-2020, lần đầu tiên các Bộ trưởng Tài chính Liên hiệp châu Âu (EU) đã thêm quần đảo Cayman (vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh) vào “danh sách đen” về trốn thuế. Với diện tích vỏn vẹn 264 km2 và dân số vào khoảng 56.000 người, quần đảo Cayman lại trở thành một “thiên đường thuế” với tổng vốn gửi từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài lên đến hơn 1,3 nghìn tỷ USD. Vậy làm thế nào để những hòn đảo nhỏ trên biển Caribbe này lại có sức hấp dẫn lớn đến thế với giới đầu tư giàu có?

    quan dao cayman thien duong thue 1

    Cơ chế “đặc biệt hấp dẫn”

    Quần đảo Cayman, lãnh thổ hải ngoại của Anh ở phía tây vùng biển Caribbe, chỉ cách Miami (Mỹ) và Cuba một giờ bay. Ước tính dân số của quần đảo khoảng 56.000 người, với hơn 100 quốc tịch, nhưng số doanh nghiệp đăng ký tại đây lên tới hơn 100.000 công ty.

    “Thiên đường thuế” Cayman cung cấp dịch vụ ngân hàng hải ngoại cho các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài, giúp họ không phải trả thuế thu nhập ở quốc gia họ cư trú. Một tập đoàn lớn có thể thành lập một công ty con ở nước ngoài tại Cayman và chuyển tất cả doanh số bán hàng thông qua công ty con, không thông qua công ty mẹ có trụ sở tại Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, công ty vỏ bọc và tuân theo luật thuế của Cayman chứ không phải Hoa Kỳ, và tập đoàn kiếm được lợi nhuận từ đó. Thay vì phải chịu mức thuế doanh nghiệp của Hoa Kỳ, ở mức 38,9% trong năm 2017, lợi nhuận của công ty này không phải chịu bất kỳ khoản thuế doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập nào áp dụng tại quần đảo Cayman.

    Nhờ cách này, Cayman đã trở thành một “thiên đường thuế” phổ biến trong giới tinh hoa và các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ vì không bị đánh thuế doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập đối với tiền kiếm được bên ngoài lãnh thổ cư trú. Các khoản không chịu thuế tại Cayman bao gồm tiền lãi hoặc cổ tức kiếm được từ các khoản đầu tư, khiến cho quần đảo thu hút mạnh các nhà quản lý quỹ đầu cơ, hay còn gọi là quỹ phòng hộ (hedge fund). Thực tế là phần lớn các ngân hàng hoạt động tại Cayman không hiện diện thực tế tại quốc gia này. Có đến 85% quỹ đầu cơ trên thế giới được đặt tại Cayman và hiện có 2.275 người đang kinh doanh trong lĩnh vực này được miễn yêu cầu cấp phép theo Luật Kinh doanh đầu tư Chứng khoán của Cayman.

    quan dao cayman thien duong thue 1

    Chính phủ Cayman không đưa ra giới hạn đối với vốn đăng ký của các công ty nước ngoài. Thông thường, số vốn tối thiểu được đăng ký là 50.000 USD. Quy định pháp luật yêu cầu mỗi công ty phải có ít nhất một cổ đông (có thể là thể nhân hoặc pháp nhân), có thể sử dụng quốc tịch của bất cứ quốc gia nào. Công ty chỉ cần ít nhất một giám đốc (có thể là thể nhân hoặc pháp nhân), dùng quốc tịch nào cũng được. Người nộp đơn chỉ cần cung cấp tài liệu có thể được sử dụng làm bằng chứng để chứng minh địa chỉ và danh tính. Các công ty đã đăng ký tại quần đảo không phải nộp báo cáo tài chính, khi các công ty này thực hiện hoạt động ngoài biên giới thì họ không phải khai báo thuế hoặc nộp thuế. Đây chính là “mồi nhử ngọt ngào” để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài vào “thiên đường thuế”.

    Giống như mọi “thiên đường thuế”, luật về sự riêng tư là tối quan trọng, nhờ đó mà Cayman giúp các cá nhân và chủ doanh nghiệp che chắn tài sản, danh tính của họ khỏi con mắt tò mò. Có đến hơn 11.000 quỹ tương hỗ đăng ký tại Cayman. Mặc dù hoạt động chính của các quỹ này không đúng với mục đích đăng ký, nhưng trong nhiều trường hợp, họ không nhất thiết phải khai báo danh tính, địa điểm của chủ sở hữu hưởng lợi thật sự.

    Cayman trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng lớn thứ 5 trên thế giới với tổng vốn huy động lên đến 1,5 nghìn tỷ USD. Quần đảo này có hơn 300 ngân hàng, chủ yếu được cấp phép để hoạt động trên thị trường quốc tế, hoạt động trong nước rất giới hạn. 40 trong số 50 ngân hàng lớn nhất thế giới có chi nhánh tại Cayman, trong đó có HSBC, Deutsche Bank, UBS và Goldman Sachs. Ngoài ra còn có một số nhà cung cấp dịch vụ tài chính, như các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, các công ty luật như Maples & Calder, các công ty quản lý tài sản như tập đoàn tư vấn tài chính và ngân hàng tư nhân Rothschilds. Sự an toàn và các tiện ích dịch vụ tài chính đem đến cho quần đảo này sự thịnh vượng. Với thu nhập bình quân đầu người hơn 57.000 USD/năm, người dân Cayman có mức sống cao nhất tại vùng biển Caribbe và cao thứ 14 trên thế giới.

    quan dao cayman thien duong thue 1

    Những lo ngại về thiên đường thuế

    Cuộc điều tra toàn cầu “Hồ sơ Paradise” đã lột tả sự tinh vi, phức tạp trong hệ thống thuế hải ngoại trên toàn cầu. Theo đó, những tài liệu rò rỉ từ Công ty luật Appleby tiết lộ cách thức giấu tài sản ở nước ngoài của giới siêu giàu và chính trị gia trên thế giới thông qua các công ty hải ngoại. Bên cạnh đó, vụ rò rỉ tài liệu “Hồ sơ Panama” của Công ty luật Mossack Fonseca đã hé lộ hàng loạt công ty vỏ bọc thành lập tại nước ngoài được cho là nhằm mục đích né thuế. Theo Oxfam (một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ), các dữ liệu cho thấy cứ 10 phút, Công ty luật Mossack Fonseca lại tạo ra một công ty ở nước ngoài.

    Năm 2015, nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Anh (TI-UK) phát hiện ra rằng các công ty vỏ bọc được đăng ký tại các khu vực pháp lý bí mật liên quan đến hơn 3/4 vụ án tham nhũng về tài sản do cảnh sát Luân Đôn điều tra. Trong số các công ty này, gần 80% đăng ký tại các lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh như Bermuda, Cayman và quần đảo Virgin thuộc Anh, hoặc ở các thuộc địa hoàng gia như Đảo Man, quần đảo Channel.

    Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 50% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Brazil được chuyển tới các nước và vùng lãnh thổ có thang thuế thấp như Áo, quần đảo Cayman và quần đảo Virgin thuộc Anh trước khi tới điểm đến cuối cùng. Trước tình trạng này, các chuyên gia IMF kêu gọi cải tổ hệ thống thuế trên quy mô toàn cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng điểm khác biệt trong luật thuế của mỗi nước để chuyển lợi nhuận sang những nước có thang thuế thấp hơn nhằm trốn thuế. IMF nêu rõ việc lập kế hoạch thuế có thể giúp các tập đoàn lớn tiết kiệm nhiều triệu USD. Ngoài lập kế hoạch thuế, các tập đoàn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh giao dịch nội bộ để tận dụng những lợi thế có được từ chênh lệch mức thuế giữa các nước.

    quan dao cayman thien duong thue 1

    Theo chuyên gia của Oxfam, các quốc gia đang phát triển thiệt hại khoảng 170 tỷ USD mỗi năm do các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng các thiên đường thuế để trốn thuế. Chuyên gia này cho biết, 50% vốn FDI đầu tư vào các nước đang phát triển đến từ “thiên đường thuế”, do đó lợi nhuận đều chuyển về các “thiên đường thuế”. Ở đó, các công ty chỉ phải đóng khoản thuế rất nhỏ tại những “thiên đường thuế”, trong khi các nước nhận đầu tư lại không thu được một đồng nào.

    Bất chấp các khuyến nghị quốc tế, Cayman vẫn phát triển không ngừng và trở thành một trung tâm tài chính quốc tế lớn. Danh tiếng của quần đảo ngày càng tăng, nhất là tại châu Á, vì đây là một trong hai trung tâm tài chính nước ngoài được phép đưa doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Công (Trung Quốc). Tuy nhiên, Báo cáo tự đánh giá sự minh bạch của Cayman đã thừa nhận rằng nước này phải đối mặt với các mối đe dọa to lớn từ bên ngoài, hệ thống tài chính được sử dụng để thực hiện gian lận và trốn thuế. Trong khi đó, Đơn vị chống tội phạm tài chính Cayman chỉ có 18 nhân viên, chịu trách nhiệm điều tra hơn 1,3 nghìn tỷ USD tài sản. Rõ ràng cơ quan này không đủ sức đối phó với những mối đe dọa từ hoạt động rửa tiền quốc tế.

    quan dao cayman thien duong thue 1

    Đến nay danh sách đen của EU gồm có các quốc gia, vùng lãnh thổ: Samoa thuộc Mỹ, Quần đảo Cayman, Fiji, đảo Guam, Ô-man, Palau, Panama, Samoa, Seychelles, Trinidad và Tobago, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ và Vanuatu. Các quốc gia trong danh sách đen phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tiếp cận các chương trình tài trợ của EU, trong khi các công ty châu Âu kinh doanh tại các khu vực tài phán đó phải thực hiện các biện pháp tuân thủ bổ sung.

    Chính quyền Cayman đã liên hệ với các quan chức EU để đề nghị EU đưa ra khỏi danh sách các khu vực tài phán không hợp tác của EU càng sớm càng tốt.

    Bất chấp thực tế đó, Cayman vẫn đang cạnh tranh khốc liệt với các trung tâm tài chính quốc tế khác: Thụy Sĩ, Hồng Công, Luxembourg, bang Delaware của Mỹ, và ngay với chính London. Một điều khó chối cãi là, nhiều quốc gia mong muốn có “thiên đường thuế” trên lãnh thổ của mình để thu hút tài chính và các nhà đầu cơ. Các trung tâm tài chính quốc tế thì ra sức củng cố quy định bảo mật ngân hàng, bảo vệ bí mật khách hàng, miễn sao “tiền đẻ ra tiền” nhiều nhất. Do đó, các nỗ lực quốc tế can thiệp vào chính sách của từng quốc gia dường như không đem lại kết quả rõ ràng. Với điều kiện như hiện nay, những “thiên đường thuế”như Cayman sẽ tồn tại lâu dài và tiếp tục phát triển.

    Theo ND

  • Shakira bị cho là có hành vi trốn thuế lên tới 14,5 triệu euro. Tuy nhiên, nữ ca sĩ phủ nhận điều này.

    Ngày 29/7, theo nguồn tin từ Reuters, các công tố viên Tây Ban Nha cáo buộc Shakira trốn thuế. Nếu bị kết án, ngôi sao Colombia đối diện mức án 8 năm tù, đồng thời phải nộp phạt 23 triệu euro (tương đương 23,5 triệu USD).

    Theo tài liệu từ văn phòng công tố, Shakira gian lận 14,5 triệu euro tiền thuế. Cô bị cáo buộc không nộp thuế từ năm 2012 đến 2014, thời gian Shakira cho rằng mình không sống ở Tây Ban Nha.

    shakira tron thue
    Shakira xuất hiện tại thảm đỏ LHP Cannes lần thứ 75. Ảnh: Reuters

    Nội dung tài liệu cũng cho biết trong hai năm này, cô thường lưu trú tại Tây Ban Nha. Tháng 5/2012, cô mua nhà ở Barcelona, xây dựng tổ ấm cùng bạn trai Pique.

    Hiện tại, đại diện của Shakira khẳng định nữ ca sĩ "hoàn toàn tự tin vào sự vô tội của bản thân". Cô coi sự việc lần này là vi phạm quyền cá nhân.

    Cũng theo Reuters, hồi đầu tuần, giọng ca Hips Don't Lie từ chối đề nghị dàn xếp từ văn phòng công tố để khép lại vụ án. Lịch thông báo về các phiên tòa liên quan hiện chưa được công bố.

    Shakira tên đầy đủ là Shakira Isabel Mebarak Ripoll, sinh năm 1977 tại Colombia. Cô được mệnh danh là nữ hoàng nhạc Latin, từng giành giải Grammy, phát hành 11 album và bán được hơn 80 triệu đĩa trên toàn thế giới.

    Vụ việc trốn thuế nổ ra sau khoảng một tháng Shakira và cầu thủ bóng đá Pique tuyên bố chia tay. Thông tin gây xôn xao mạng xã hội, xuất hiện dày đặc trên mặt báo. Nguyên nhân được cho là Pique ngoại tình với nữ sinh và bị vợ bắt gặp. Tuy nhiên, hai nhân vật chính không lên tiếng.

    Trong thông báo chung, Shakira và Pique viết: "Vì sự an toàn của những đứa trẻ, vốn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, chúng tôi yêu cầu tôn trọng quyền riêng tư của chúng. Chúng tôi xin cảm ơn vì sự thấu hiểu từ các bạn".

    Hiện, cặp sao đang trong quá trình giải quyết tranh chấp sau chia tay, đặc biệt là quyền chăm sóc hai con chung.

    Theo Zing

  • Dưới đây là chia sẻ của một người Việt Nam đang sống và làm việc tại Pháp (nguyên văn bình dân):

    Như các bạn đang sống và làm việc ở Pháp cũng biết là năm nào chúng ta cũng được nhắc về chuyện khai thuế thu nhập, nhiều bạn Việt Nam mình biết và nhiều bạn bè xung quanh mình vẫn bảo nhau cách giảm thuế bằng cách gửi tiền về Việt Nam danh nghĩa giúp đỡ gia đình để phải đóng chỉ vài trăm Eur thay vì 2 -3,000 eur.

    Anh bạn mình cũng không phải ngoại lệ. Anh ấy đã ra trường đi làm 4-5 năm rồi, mấy năm nay anh ấy cũng gửi tiền về VN để giảm thuế mỗi năm đóng 300-400 eur thôi). Anh làm rất yên tâm và tự tin chắc chắn vào cách này, và anh ấy cũng khuyên mình làm vậy (may mà mình chưa làm !!!).

    Vâng, sông Seine vẫn cứ lặng lẽ trôi và mọi thứ trên đời vẫn cứ yên ả tốt đẹp như vậy cho đến 1 ngày đẹp trời mùa thu nắng vàng năm ngoái thì anh ấy nhận được 1 cái trát của sở thuế gửi về nhà thông báo việc anh ấy đã trốn thuế 3 năm nay, yêu cầu lên trình diện và nộp toàn bộ số tiền đã trốn và tiền phạt bổ sung !!!

    Tất nhiên nhận được cái thư này không khác gì cảm giác đau như bị sở thuế cầm chai cắm vào... Anh ấy điên tiết sục sôi khí thế như Kinh Kha qua sông đi ám sát Tần Thuỷ Hoàng, phi lên thẳng sở thuế cãi tay đôi theo kiểu tôi gửi tiền về quê nghèo phụ giúp thầy u mà các người ky bo sồn sồn quy cho người ta trốn thuế là thế nào !!!

    Lúc đấy sở thuế họ mới chìa giấy tờ hồ sơ chỉ ra rằng, trong 3 năm trước anh ấy gửi tiền về VN rất nhiều để giảm thuế, lẽ ra phải đóng tổng cộng gần 10,000 eur thuế (3 năm) thì bằng cách đó chỉ phải đóng chưa đến 1,500 eur.

    Việc này xảy ra liên tiếp 3 năm nên họ quy rằng đây là trốn thuế có chủ đích và thực hiện nhiều lần. Tất nhiên anh ấy cãi là tôi gửi về nhà nuôi bố mẹ quê nghèo abc cái lọ cái chai, nhưng khốn nỗi là không ngờ được sở thuế làm tinh vi quá. Họ chìa ra cho anh ấy xem list mức sống và thu nhập ở Việt nam, thậm chí còn chi tiết cả các vùng như thành phố lớn như Hà Nội, Hải phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, và các tỉnh loại 1,2,3….,

    Và tất nhiên bố mẹ anh ấy có lương hưu ở VN dư dả sống chứ không phải dạng nghèo kiết xác gì cả. Vấn đề ở đây là hồi trước anh bạn mình đi du học rồi sau này đi làm đã đón bố mẹ sang du lịch, nên các giấy tờ hồ sơ từ xưa về du học chứng minh tài chính nghề nghiệp thu nhập tài sản… của bố mẹ anh ấy đã được lưu trữ giờ làm bằng chứng không chối cãi được.

    Đến nước đó thì anh bạn mình mặt ngắn tũn mắt chữ O mồm chữ A chỉ còn cách khóc bằng tiếng mán nước mắt nước mũi tùm lum xin xỏ họ nương tay nhưng chả ăn thua gì cả.

    Chốt hạ là cuối cùng anh bạn chí cốt đáng thương của mình phải đóng đủ thuế 3 năm trước (gần 10,000 eur) và nộp phạt thêm gần 8,000 eur nữa, thời hạn là 6 tháng để tự giác thực hiện. Buồn cười là anh ấy còn khai nhà không có tivi để trốn thuế tivi (hơi nhảm), nhân viên thuế cũng bảo luôn là bọn tôi biết thừa ông kí hợp đồng với SFR từ lâu rồi đừng tưởng bọn tôi là trẻ trâu mà chơi trò đấy !!!! .

    Khốn khổ thêm cái nữa là anh ấy cũng đang xin quốc tịch, giờ dính phốt to thế này nên giờ suốt ngày than thở lo lắng chán đời sợ bị từ chối. Nói chung là vật vờ lắm, tiền nộp đã đành mà giờ bị từ chối quốc tịch vì vụ này nữa thì chắc phát rồ !!!

    Chuyện mới xảy ra với anh bạn mình thôi, mình kể ra đây để các bạn cẩn thận coi đấy mà tránh bị trường hợp tương tự. Nếu gia đình khó khăn cần gửi tiền về thì cứ gửi, nhưng nếu gửi chỉ để giảm thuế trốn thuế thì bình tĩnh suy nghĩ kĩ.

    Cá nhân mình thấy chúng ta sống trong xã hội này đã là quá tốt rồi, hưởng đủ mọi thứ, chúng ta sang du học thì học phí quá rẻ, thuê nhà được CAF, giảm giá tàu xe du lịch bét nhè quá nhiều ưu đãi, năm đầu đi thực tập không phải đóng thuế lại còn đươc cho tiền 600,700 eur, sau lấy vợ lấy chồng có con thì được cho tiền, hàng tháng cho CAF trẻ con, ốm đau đi viện thì có bảo hiểm gần như miễn phí….

    Lúc còn sinh viên còn nghèo thì ta được giúp đỡ, vậy nên khi đi làm có tiền, sống sướng hơn xưa rất nhiều thì chẳng có lí do gì để chúng ta trở thành kẻ tráo trở được. Bản thân mình thì cũng may chưa làm theo lời anh bạn, hàng năm vẫn đóng đầy đủ thuế, mặc dù cũng cảm giác đau xót tiếc tiền lắm chứ nhưng vẫn phải chấp hành thôi.

    Viethome (theo Union des Etudiants Vietnamiens en France)

  • Cơ quan chính phủ Mỹ vừa ra lệnh truy tố các chủ tiệm Nails Việt về tội trốn thuế . Trong các cáo trạng, cáo buộc. Mức lương nhân viên không khai báo khoảng $10.5 triệu đô và không trả tiền thuế khoảng $542,000. Nay ra thông cáo cho các chủ tiệm nails và thợ làm nails được biết rõ. Làm việc trên đất Mỹ thì phải thành thật. Nếu không sẽ có ngày phải đối đầu với pháp luật.

    Hôm thứ Năm, ngày 29 tháng 7, 2021, Một bản cáo trạng liên bang buộc tội ông Chiều K. Trần, 54 tuổi, ở thành phố Nashville, chủ tiệm Signature Nails Spa, về tội trốn thuế và cản trở các cáo buộc công lý, Acting U.S. Attorney Mary Jane Stewart Central District of Tennessee công bố. ông Chiều K. Trần, đã bị Cơ Quan Điều Tra Hình Sự IRS bắt giữ tại nhà riêng vào xuất hiện trước Thẩm phán Hoa Kỳ.

    Theo cáo trạng, ông Chiều K. Trần, 54 là chủ tiệm và là người điều hành tiệm Signature Nails Salon Spa ở thành phố Nashville, nơi cung cấp các dịch vụ …làm móng tay, móng chân và tẩy lông. Tiệm có… tất cả khoảng 25-50 thợ làm móng trong trong khoảng thời gian từ năm… Ông Trần trả tiền hoa hồng cho các thợ làm móng dựa trên 60% tiền công trong đó có 50% tiền mặt và 50% tiền ngân phiếu (check). Theo điều tra của sở thuế IRS, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2018, tiền lương của các thợ nail không được khai báo với nhà nước tổng cộng khoảng $10.5 triệu.

    tiem nail viet tron thue

    Năm 2008, Sở Lao động và Nghề Nghiệp Tiểu Bang Tennessee (Department of Labor and Workforce Development - TNLWD) đã tiến hành kiểm tra và phân loại công nhân của tiệm Signature Nails Spa. Ông Trần K. Chiêu được thông báo rằng công nhân của ông Trần K. Chiêu phải được phân loại là “nhân viên” và ông Trần K. Chiêu phải nộp báo cáo mỗi kỳ tam cá nguyệt tiền lương đã trả cho các nhân viên.

    Ông Trần K. Chiêu đã kháng cáo quyết định của cơ quan TNLWD, lập luận rằng các thợ nail là “người làm độc lập theo hợp đồng” (independent contractor) chứ không phải nhân viên. Cơ quan TNLWD đã giữ nguyên quyết định và nó trở thành quyết định cuối cùng. Sau đó, ông Trần K. Chiêu bắt đầu báo cáo một số tiền lương của nhân viên của mình nhưng vẫn tiếp tục phân loại các nhân viên khác thành các nhà "thầu độc lập," bất chấp quyết định của TNLWD.

    Vào năm 2017, TNLWD một lần nữa kiểm tra Signature Nails Salon Spa và phát hiện ra rằng Ông Trần K. Chiêu đã trả tiền mặt cho công nhân của mình mà Ông Trần K. Chiêu không báo cáo và Ông Trần K. Chiêu vẫn tiếp tục phân loại sai một số nhân viên là nhà thầu độc lập “người làm độc lập (independent contractor)" Cuộc kiểm toán xác định rằng Ông Trần K. Chiêu đã báo cáo thiếu lương trong năm 2014 là $987.203,80 đô la; tiền lương chưa được báo cáo cho năm 2015 là $ 1,075.718,40; và mức lương chưa được báo cáo trong năm 2016 là $ 1,099,356,90.

    Bản cáo trạng cáo buộc ông Trần K. Chiêu đã không nộp tờ khai thuế việc làm cho liên bang báo cáo tiền lương và khoản khấu lưu (withholding) của nhân viên theo yêu cầu, cũng như không khấu trừ thuế việc làm hoặc trả phần thuế việc làm của người sử dụng lao động đối với tiền lương trả cho nhân viên. Theo cáo trạng, khoản lỗ thuế do 8 quý riêng biệt trong các năm tính thuế từ 2015 đến 2018 là hơn $ 542.000 USD.

    Bản cáo trạng cũng cáo buộc rằng trong khi biết IRS đang tiến hành một cuộc điều tra tội phạm về mình, ông Trần K. Chiêu đã hướng dẫn các thợ làm móng nói dối IRS về các khoản tiền mặt nhận được làm là tiền lương.

    Nếu bị kết án, Tran phải đối mặt với 5 năm tù cho mỗi tội trốn thuế và gian lận thuế lao động và 2 năm cho tội cản trở, và khoản tiền phạt lên đến $250.000

    Vụ án này đã được điều tra bởi IRS-Điều tra Hình sự. Trợ lý Luật sư Hoa Kỳ Kathryn W. Booth và Stephanie N. Toussaint đang khởi tố vụ án.

    Một bản cáo trạng chỉ đơn thuần là một lời buộc tội. Bị cáo được cho là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội trước tòa án.

    Theo Jim Nguyen (group Người Việt California) dịch từ https://www.justice.gov/usao-mdtn/pr/owner-signature-nails-spa-indicted-tax-evasion-and-obstruction-charges

  • Chủ một nhà hàng ở Surrey đánh cắp tiền thuế VAT để trả học phí cho các con đã bị bỏ tù.

    Huey Jun Khoo, cùng với đối tác kinh doanh Jing Fu, đã sử dụng máy đọc thẻ tại nhà hàng Bon East Trung Quốc ở Farnham để bỏ túi tổng cộng 180.000 bảng VAT trong vòng bốn năm, một cuộc điều tra của Cơ quan Thuế Hoàng gia (HMRC) cho hay.

    Khoo và Fu, cả hai giám đốc của nhà hàng, đã bị bắt sau khi các nhân viên của HMRC có chuyến viếng thăm bất ngờ vào tháng 5 năm 2015 và tìm thấy hai máy đọc thẻ - một chiếc được liên kết với tài khoản kinh doanh và một là tài khoản ngân hàng mà Khoo mở dưới tên của một trong những đầu bếp của nhà hàng.

    Các khoản thanh toán của khách hàng được chuyển vào tài khoản ‘đầu bếp’ không bao giờ được khai báo cho HMRC với mục đích trốn thuế VAT.

    Sau chuyến thăm của HMRC, cặp đôi đã đốt các hồ sơ kinh doanh trong một nỗ lực che giấu hành vi phạm tội của họ. Hai tài liệu mà Khoo còn giữ được phát hiện tại nhà riêng vào tháng 4 năm 2016. Các nhà điều tra cũng tìm thấy 12.000 bảng tiền mặt được giấu trong tủ quần áo trong nhà của hai kẻ tội phạm.

    Khoo và chồng Yong Hong Lu, trú tại Old Compton Lane, Farnham, Surrey, đã sử dụng tiền mặt bị đánh cắp để trả tiền học phí cho các con, chưa kể mua quần áo hàng hiệu và đi du lịch.

    Khoo, 50 tuổi, thừa nhận trốn thuế VAT, rửa tiền và xuyên tạc quá trình công lý. Fu, 49 tuổi, thừa nhận rửa tiền và xuyên tạc quá trình công lý. Lu, 51 tuổi, bị kết tội rửa tiền.

    Cả ba bị cáo đều phải hầu tòa tại Tòa án Tối cao Southwark vào thứ Sáu ngày 10 tháng Năm, nơi họ bị kết án:

    • Huey Jun Khoo: ba năm chín tháng tù giam. Tước vai trò giám đốc trong sáu năm.
    • Yong Hong Lu: hai năm tù.
    • Jing Fu: bảy tháng tù, được đình chỉ trong hai năm. 120 giờ lao động công ích.

    Khoản tiền mặt 12.000 bảng được tìm thấy tại nhà của cặp vợ chồng đã được thu hồi. HMRC sẽ thực hiện quy trình thu hồi phần còn lại của số tiền bị đánh cắp.

    VietHome (Theo Catering Today)

  • Hai thành viên của một gia đình gốc Việt ở Las Vegas hôm 10/4 đã bị kết án nhiều năm tù giam vì chiếm đoạt hơn 2 triệu đôla tiền hoàn thuế từ Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) rồi "nướng" vào các sòng bài.

    Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Chanh V. Trinh bị kết án 8 năm rưỡi tù giam, trong khi Cannedy Trinh nhận bản án 2 năm tù. Sau khi thụ án xong, hai bị cáo này mỗi người cũng phải chịu ba năm quản chế.

    Chanh V. Trinh bị yêu cầu phải trả khoản tiền bồi thường hơn 2 triệu đôla, trong khi Cannedy Trinh phải trả hơn 1 triệu đôla.

    Chanh V. Trinh, Cannedy Trinh và một người khác trong gia đình là Elizabeth Trinh năm ngoái nhận tội âm mưu lừa đảo chính phủ Hoa Kỳ vì nhận sai trái khoản tiền hoàn thuế thu nhập.

    Ngoài ra, Chanh V. Trinh còn nhận thêm tội đánh cắp danh tính của người anh em quá cố. Tin cho hay, nghi can này cũng chính là “người nộp hồ sơ xin hoàn thuế hơn 6 triệu đôla, và đã nhận được hơn 2 triệu đôla từ IRS”.

    Bộ Tư pháp Mỹ cho biết rằng Elizabeth Trinh dự kiến sẽ bị kết án vào ngày 15/5 tới.

    Theo các tài liệu tại tòa, ba cư dân của thành phố Las Vegas thuộc biểu bang Nevada “âm mưu sử dụng thông tin sai về thu nhập khi nộp hồ sơ xin hoàn thuế cá nhân và doanh nghiệp liên bang”, “lừa IRS gửi tiền hoàn thuế”.

    “Những người thuộc gia đình họ Trinh đã nộp hồ sơ hoàn thuế giả mạo sử dụng tên của các cơ sở kinh doanh hư cấu, tên của bản thân cũng như tên của những người khác, trong đó có cả một thành viên gia đình đã qua đời từ lâu”, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

    Bộ này cho hay thêm rằng tất cả các bị cáo đã sử dụng số tiền chiếm đoạt được để sử dụng tại các sòng bài ở thành phố Las Vegas.

    Theo tìm hiểu của phóng viên VOA Việt Ngữ, đây không phải là lần đầu tiên người Mỹ gốc Việt bị cáo buộc lừa đảo tiền hoàn thuế nhiều triệu đôla của chính phủ Hoa Kỳ.

    Bộ Tư pháp cho biết rằng năm 2017, hai người Mỹ gốc Việt tên là Trong (John) Nguyen và Diep (Nancy) Vo, cư dân thành phố San Jose ở California, đã nộp hồ sơ xin hoàn thuế 1,5 triệu đôla tới IRS.

    Tin cho hay, hai bị cáo này đã sử dụng danh tính của những người vô gia cư và các cá nhân trong cộng đồng người Việt ở San Jose để lừa đảo, và sử dụng các hộp thư thuê của bưu điện để nhận séc hoàn thuế của Sở Thuế vụ.

    Viethome (theo VOA)

  • Tỷ phú kim cương Nirav Modi bị bắt vì liên quan tới vụ lừa đảo ngân hàng có thể lên tới hai tỷ USD ở Ấn Độ. Modi bị bắt hôm 19/3 "theo yêu cầu của chính quyền Ấn Độ", cảnh sát London tuyên bố. Ông dự kiến sẽ trình diện trước Tòa Westminster hôm 20/3, theo CNN.

    Ngân hàng quốc gia Punjab, một trong những ngân hàng lớn nhất Ấn Độ, đã trình báo về hoạt động gian lận trong một chi nhánh hơn một năm trước. Phát ngôn viên Cơ quan Thực thi Luật pháp và Tình báo Ấn Độ cho biết nước này phát lệnh bắt Modi theo lệnh truy nã đỏ của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) và đề nghị chính quyền London phối hợp. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hoan nghênh hành động của cảnh sát Anh và thông báo sẽ tìm cách dẫn độ Modi càng sớm càng tốt.


    Tỷ phú ngành kim cương Nirav Modi. Ảnh: CNN.

    Tỷ phú ngành buôn bán kim cương Ấn Độ và các quan chức ngân hàng bị cáo buộc đã ban hành Thư Đảm bảo giá cho các ngân hàng nước ngoài để lấy tiền của khách hàng với số tiền lừa đảo có thể lên tới hai tỷ USD, theo Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI).

    "Điều tra sâu hơn cho thấy các quan chức cấp cao của Ngân hàng quốc gia Punjab biết chuyện lừa đảo, nhưng không thông báo và cảnh báo cho Cục Dự trữ Ấn Độ mà còn trình bày sai sự thật với Cục", trích tuyên bố năm ngoái của CBI.

    CBI đã đột kích hàng chục văn phòng và tịch thu tài sản hàng triệu USD thuộc về Modi. Ông bị buộc tội lừa đảo, tham nhũng, nhưng tỷ phú này phủ nhận. Modi từng là người giàu thứ 85 Ấn Độ với tài sản trị giá 1,8 tỷ USD theo bảng xếp hạng của Forbes.

    Vụ bắt Modi có thể tác động tới cuộc bầu cử Ấn Độ vào tháng 5 sắp tới. Việc cáo buộc gian lận với Modi và ông này từ chối quay lại Ấn Độ đã làm tăng áp lực lên Thủ tướng Narenda Modi, người cam kết sẽ đẩy mạnh chống tham nhũng tại Ấn Độ. Nếu có thể dẫn độ Modi về nước, hình ảnh của Thủ tướng sẽ được cải thiện.

    Rahul Gandhi, lãnh đạo đảng đối lập, nhiều lần chỉ trích Thủ tướng Modi vì không thể dẫn độ những kẻ chạy trốn về Ấn Độ. Năm 2016, nhà buôn rượu quyền lực Vijay Mallya rời khỏi đất nước, trốn nợ 1,6 tỷ USD của 17 ngân hàng Ấn Độ. Chính quyền nước này đang tiến hành các thủ tục dẫn độ Mallya. Mallaya phủ nhận trốn khỏi Ấn Độ vì nợ nần, gọi cáo buộc gian lận và rửa tiền là "sai trái, bịa đặt, vô căn cứ".

    VietHome (Theo VnExpress)

  • Hôm qua, Viện kiểm sát Oldenburg ra thông cáo, hơn 1.000 nhà hàng trải trên khắp Liên bang bị cáo buộc, cài đặt chương trình máy tính tiền Kasse có chức năng xoá và sửa đổi doanh thu theo ý muốn, để lậu thuế.

    Viện Kiểm sát, bộ phận chuyên trách về tội phạm hình sự kinh tế, đã ra cáo trạng đối với 2 anh em ruột 56 và 58 tuổi can tội bán rộng rãi cho các nhà hàng trên Liên bang loại máy tính tiền dạng Computer được cài đặt chương trình xoá và sửa đổi doanh thu bán ra hàng ngày theo ý muốn, thuế vụ không thể phát hiện. Cả hai hiện đang bị giam giữ từ tháng 7.2018 tại tiểu bang Nordrhein-Westfalen.

    Quy trình máy tính tiền trên hoạt động đúng như mọi Kasse dạng Computer phổ biến hiện nay. Nhưng trong Kasse được cài đặt một phần mềm tự động xoá dữ liệu cũ, thay bằng dữ liệu doanh thu mới theo ý muốn thông qua một quy trình các thao tác được hướng dẫn bí mật. 

    Viện kiểm sát cho biết họ có trong tay danh sách các nhà hàng đã mua loại máy tính trên. Cáo trạng hiên chỉ mới đề cập đến những nhà hàng mua Kasse trên thuộc tiểu bang Niedersachsen. Trong đó có  8 nhà hàng tại các thành phố Nordhorn, Papenburg và Oldenburg. Riêng 8 nhà hàng này từ năm 2012 đến 2018 bằng cách sử dụng máy tính tiền trên đã lậu thuế tới chừng 6 triệu Eruo, mỗi nhà hàng trên dưới 1 triệu Euro. Hiện chưa điều tra ở cấp Liên bang.

    Toà án Landgericht Osnabrück sẽ xét xử vụ án 2 anh em ruột trên. Theo đề nghị của Viện kiểm sát, trong trường hợp bị kết tội, 2 nghi can sẽ lãnh án nhiều năm tù giam.

    Viethome (theo tuvannet)

  • Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 10/2 tuyên bố phụ nữ nước này có từ 4 con trở lên sẽ được miễn thuế thu nhập suốt đời.

    Chính sách dân số mới này nhắm đến mục tiêu làm “bùng nổ” số trẻ em sinh ra để Hungary tránh được sự phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư trong tương lai.

    Dân số Hungary đang suy giảm và Thủ tướng Orban hy vọng chính sách mới sẽ đảo ngược được khuynh hướng này - Ảnh: Getty Images

    Dân số Hungary hiện giảm với mức 32.000 người một năm và phụ nữ nước này có số con thấp hơn mức bình quân của châu Âu. Trong khi đó, phe dân tộc cánh hữu ở Hungary suốt thời gian qua liên tục phản đối việc cho phép người Hồi giáo nhập cư vào nước này.

    Chính sách dân số mới đưa ra các biện pháp khích lệ người dân sinh con, trong đó các cặp vợ chồng trẻ được nhận khoản vay không lãi suất đến 10 triệu forint (36.000 USD), khoản vay này sẽ được xóa nếu họ sinh 3 con.

    Thủ tướng Orban nói rằng, đối với phương Tây, câu trả lời cho tỷ lệ sinh suy giảm ở châu Âu chính là người nhập cư. Ông giải thích, mỗi đứa trẻ giảm đi sẽ được bù đắp bằng một đứa trẻ nhập cư từ nước ngoài, và sự cân bằng vẫn được đảm bảo.

    Tuy nhiên, Thủ tướng Orban nói rằng, người Hungary “nghĩ khác”, ông tuyên bố “chúng tôi không cần bù đắp thiếu hụt lao động bằng người nhập cư, chúng tôi cần những đứa trẻ Hungary”. Quan điểm này là tiếng nói khá “lạc lõng” ở châu Âu.

    Thủ tướng Orban đọc thông điệp quốc gia trong bối cảnh ở thủ đô Budapest đang diễn ra các cuộc biểu tình chống chính sách nhập cư của chính phủ. Khoảng 2.000 người tập trung trước phủ thủ tướng, các nhóm người biểu tình khác phong tỏa một trong những chiếc cầu chính bắc qua sông  Danube.

    Tuy nhiên, chính sách dân số mới của Thủ tướng – bao gồm 7 điểm khích lệ tỷ lệ sinh ở Hungary – đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng.

    Tỷ lệ sinh bình quân của phụ nữ Hungary trong độ tuổi sinh đẻ là 1,45; trong khi đó con số bình quân ở EU là 1,58.

    Pháp có tỷ lệ sinh cao nhất EU – 1,96; nước có tỷ lệ sinh thấp nhất là Tây Ban Nha – 1,33.

    Niger ở Tây Phi là quốc gia có tỷ lệ sinh cao nhất thế giới: 7,24.

    Viethome (theo Báo Phụ nữ/BBC)

     

  • Dưới đây là chia sẻ của một người Việt Nam đang sống và làm việc tại Pháp (nguyên văn bình dân):

    Như các bạn đang sống và làm việc ở Pháp cũng biết là năm nào chúng ta cũng được nhắc về chuyện khai thuế thu nhập, nhiều bạn Việt Nam mình biết và nhiều bạn bè xung quanh mình vẫn bảo nhau cách giảm thuế bằng cách gửi tiền về Việt Nam danh nghĩa giúp đỡ gia đình để phải đóng chỉ vài trăm Eur thay vì 2 -3,000 eur.

    Anh bạn mình cũng không phải ngoại lệ. Anh ấy đã ra trường đi làm 4-5 năm rồi, mấy năm nay anh ấy cũng gửi tiền về VN để giảm thuế mỗi năm đóng 300-400 eur thôi). Anh làm rất yên tâm và tự tin chắc chắn vào cách này, và anh ấy cũng khuyên mình làm vậy (may mà mình chưa làm !!!).

    Vâng, sông Seine vẫn cứ lặng lẽ trôi và mọi thứ trên đời vẫn cứ yên ả tốt đẹp như vậy cho đến 1 ngày đẹp trời mùa thu nắng vàng năm ngoái thì anh ấy nhận được 1 cái trát của sở thuế gửi về nhà thông báo việc anh ấy đã trốn thuế 3 năm nay, yêu cầu lên trình diện và nộp toàn bộ số tiền đã trốn và tiền phạt bổ sung !!!

    Tất nhiên nhận được cái thư này không khác gì cảm giác đau như bị sở thuế cầm chai cắm vào... Anh ấy điên tiết sục sôi khí thế như Kinh Kha qua sông đi ám sát Tần Thuỷ Hoàng, phi lên thẳng sở thuế cãi tay đôi theo kiểu tôi gửi tiền về quê nghèo phụ giúp thầy u mà các người ky bo sồn sồn quy cho người ta trốn thuế là thế nào !!!

    Lúc đấy sở thuế họ mới chìa giấy tờ hồ sơ chỉ ra rằng, trong 3 năm trước anh ấy gửi tiền về VN rất nhiều để giảm thuế, lẽ ra phải đóng tổng cộng gần 10,000 eur thuế (3 năm) thì bằng cách đó chỉ phải đóng chưa đến 1,500 eur.

    Việc này xảy ra liên tiếp 3 năm nên họ quy rằng đây là trốn thuế có chủ đích và thực hiện nhiều lần. Tất nhiên anh ấy cãi là tôi gửi về nhà nuôi bố mẹ quê nghèo abc cái lọ cái chai, nhưng khốn nỗi là không ngờ được sở thuế làm tinh vi quá. Họ chìa ra cho anh ấy xem list mức sống và thu nhập ở Việt nam, thậm chí còn chi tiết cả các vùng như thành phố lớn như Hà Nội, Hải phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, và các tỉnh loại 1,2,3….,

    Và tất nhiên bố mẹ anh ấy có lương hưu ở VN dư dả sống chứ không phải dạng nghèo kiết xác gì cả. Vấn đề ở đây là hồi trước anh bạn mình đi du học rồi sau này đi làm đã đón bố mẹ sang du lịch, nên các giấy tờ hồ sơ từ xưa về du học chứng minh tài chính nghề nghiệp thu nhập tài sản… của bố mẹ anh ấy đã được lưu trữ giờ làm bằng chứng không chối cãi được.

    Đến nước đó thì anh bạn mình mặt ngắn tũn mắt chữ O mồm chữ A chỉ còn cách khóc bằng tiếng mán nước mắt nước mũi tùm lum xin xỏ họ nương tay nhưng chả ăn thua gì cả.

    Chốt hạ là cuối cùng anh bạn chí cốt đáng thương của mình phải đóng đủ thuế 3 năm trước (gần 10,000 eur) và nộp phạt thêm gần 8,000 eur nữa, thời hạn là 6 tháng để tự giác thực hiện. Buồn cười là anh ấy còn khai nhà không có tivi để trốn thuế tivi (hơi nhảm), nhân viên thuế cũng bảo luôn là bọn tôi biết thừa ông kí hợp đồng với SFR từ lâu rồi đừng tưởng bọn tôi là trẻ trâu mà chơi trò đấy !!!! .

    Khốn khổ thêm cái nữa là anh ấy cũng đang xin quốc tịch, giờ dính phốt to thế này nên giờ suốt ngày than thở lo lắng chán đời sợ bị từ chối. Nói chung là vật vờ lắm, tiền nộp đã đành mà giờ bị từ chối quốc tịch vì vụ này nữa thì chắc phát rồ !!!

    Chuyện mới xảy ra với anh bạn mình thôi, mình kể ra đây để các bạn cẩn thận coi đấy mà tránh bị trường hợp tương tự. Nếu gia đình khó khăn cần gửi tiền về thì cứ gửi, nhưng nếu gửi chỉ để giảm thuế trốn thuế thì bình tĩnh suy nghĩ kĩ.

    Cá nhân mình thấy chúng ta sống trong xã hội này đã là quá tốt rồi, hưởng đủ mọi thứ, chúng ta sang du học thì học phí quá rẻ, thuê nhà được CAF, giảm giá tàu xe du lịch bét nhè quá nhiều ưu đãi, năm đầu đi thực tập không phải đóng thuế lại còn đươc cho tiền 600,700 eur, sau lấy vợ lấy chồng có con thì được cho tiền, hàng tháng cho CAF trẻ con, ốm đau đi viện thì có bảo hiểm gần như miễn phí….

    Lúc còn sinh viên còn nghèo thì ta được giúp đỡ, vậy nên khi đi làm có tiền, sống sướng hơn xưa rất nhiều thì chẳng có lí do gì để chúng ta trở thành kẻ tráo trở được. Bản thân mình thì cũng may chưa làm theo lời anh bạn, hàng năm vẫn đóng đầy đủ thuế, mặc dù cũng cảm giác đau xót tiếc tiền lắm chứ nhưng vẫn phải chấp hành thôi.

    Viethome (theo Union des Etudiants Vietnamiens en France)

  • Akshata Murthy, 42 tuổi, vợ Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, hiện đang trở thành cái tên bị truyền thông và dư luận Anh "săn lùng". Người phụ nữ này có xuất thân không hề tầm thường nhưng lại đang khiến dư luận sục sôi vì hành vi khó chấp nhận.

    Nàng tiểu thư trâm anh thế phiệt

    Akshata Murthy sinh ra ở Ấn Độ nhưng bà lại dành phần lớn thời gian trưởng thành ở Mỹ. Người phụ nữ này từng theo học tại trường Đại học tư thục Claremont McKenna ở Los Angeles với chuyên ngành kinh tế và tiếng Pháp, trước khi chuyển đến Học viện thiết kế và kinh doanh thời trang ở California.

    Vợ Bộ trưởng Tài chính Anh là con gái cưng của tỷ phú Narayana Murthy, một trong những người đàn ông giàu nhất Ấn Độ. Bà Murthy từng làm việc cho Deloitte và Unilever trước khi theo học MBA tại Đại học Stanford. Chính tại ngôi trường này, bà đã gặp vị hôn phu tương lai Rishi Sunak - người đã giành được học bổng Fulbright danh giá. Cặp đôi có 4 năm hẹn hò trước khi tổ chức hôn lễ xa hoa kéo dài hai ngày ở Bengaluru (Ấn Độ) năm 2009.

    vo bo truong Rishi Sunak 1
    Vợ chồng Bộ trưởng Tài chính Anh.

    Tỷ phú Narayana Murthy từng cho biết ông hơi buồn và ghen tị" khi con gái lần đầu tiên kể về người yêu. "Nhưng khi tôi gặp Rishi và nhận ra cậu ấy đúng như mô tả của con bé: Tuyệt vời, đẹp trai và quan trọng nhất là trung thực, tôi đã hiểu tại sao cậu ấy có thể chiếm được trái tim của nó",  ông chia sẻ trên truyền thông.

    Cặp đôi đã có hai con gái và hiện sống trong một căn hộ trên số 10 Phố Downing từ năm 2020, sau khi Sunak được Thủ tướng Anh Boris Johnson bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Sự giàu có của Rishi và Akshata đã trở thành vấn đề gây ra nhiều tranh cãi khi đất nước đang phải vật lộn để vượt qua cuộc khủng hoảng lạm phát khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh khốn đốn.

    vo bo truong Rishi Sunak 1
    Cặp đôi trong hôn lễ xa hoa.

    Giàu hơn cả Nữ hoàng Anh

    Theo thông tin được công bố trên sàn giao dịch chứng khoán, Akshata đang sở hữu số cổ phiếu trị giá gần một tỷ USD của công ty công nghệ khổng lồ Infosys, do cha bà đồng sáng lập. Infosys là công ty Ấn Độ đầu tiên niêm yết trên Phố Wall.

    Số tài sản này khiến Akshata giàu hơn cả Nữ hoàng Elizabeth, người có tài sản cá nhân trị giá khoảng 460 triệu USD. Bên cạnh đó, cặp đôi cũng sở hữu ít nhất 4 bất động sản, bao gồm một ngôi nhà 5 phòng ngủ trị giá 7 triệu bảng Anh ở Kensington, London và một căn hộ ở Santa Monica, California, Mỹ.

    Bà Murthy cũng nắm giữ cổ phần trực tiếp tại ít nhất 6 công ty khác ở Anh, bao gồm cả công ty thời trang nam New & Lingwood, công ty Etonians chuyên may do áo khoác với giá 2,500 bảng mỗi chiếc. Vợ Bộ trưởng Tài chính Anh còn nắm giữ cổ phần trong nhà điều hành các cửa hàng Jamie Oliver's Pizzeria, Jamie's Italia và Wendy's ở Ấn Độ, công ty bảo mẫu Koru Kids và nhà điều hành phòng tập thể dục Digme Fitness.

    vo bo truong Rishi Sunak 1
    Gia đình đầm ấm của cặp đôi.

    Người phụ nữ này cũng là giám đốc của công ty đầu tư mạo hiểm Catamaran Ventures mà bà cùng ông Sunak thành lập năm 2013. Catamaran Ventures chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp "với mục tiêu tăng trưởng vốn và phân phối tài chính trong tương lai". Ông Sunak đã chuyển nhượng cổ phần của mình cho vợ ngay trước khi bước vào Quốc hội Anh.

    Hành vi gây ra nhiều tranh cãi

    Giàu có và tài năng là vậy nhưng bà Murthy lại có hành vi khiến người dân Anh "sục sôi". Theo tờ Guardian, dù sống ở Anh 9 năm, vợ Bộ trưởng Tài chính đã không đăng ký cư trú tại đây. Theo ước tính của Guardian, nhờ không đăng ký cư trú tại Anh, bà Murthy có thể đã tiết kiệm được hơn 20 triệu USD tiền thuế.

    Bà Murthy đã bị dư luận Anh lên án mạnh mẽ khi gần đây chồng bà, Bộ trưởng Sunak, quyết định tăng thuế thu nhập vào thời điểm lạm phát gia tăng khiến người dân phải đối mặt với tình trạng "bão" giá sinh hoạt. Vào ngày 7/4, người phát ngôn của Akshata Murthy cho biết bà đã thực hiện nộp tất cả khoản thuế cần thiết.

    "Tôi hy vọng chuyện đóng thuế này không làm xao nhãng công việc của chồng tôi cũng như không ảnh hưởng đến gia đình tôi", người phụ nữ cho hay. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến danh tiếng của vợ chồng Bộ trưởng Tài chính bị sụt giảm nghiêm trọng. 

    Ông Sunak đang bị chỉ trích do luật của Vương quốc Anh yêu cầu mọi bộ trưởng phải công khai tất cả chi tiết tài chính của họ cũng như của các thành viên trong gia đình khi nhậm chức. Vì ông Sunak bị cáo buộc vi phạm luật này khi không tiết lộ tài sản tài chính của vợ mình, giới chức trách đã tiến hành 1 cuộc điều tra.

    Theo báo cáo của truyền thông, cơ quan chức năng cũng phát hiện báo cáo tài chính của ông Sunak chỉ đề cập đến việc vợ ông là chủ một công ty nhỏ tên là Catamaran Ventures có trụ sở tại Anh.

    Ngoài ra, việc bà Murthy sở hữu cổ phần của Infosys thực sự là một xung đột lợi ích đối với ông Sunak vì chính phủ Anh là nhà thầu của công ty công nghệ này.

    Được biết, bà Murthy cũng có cổ phần chưa được khai báo trong 6 công ty khác của Vương quốc Anh, bao gồm một liên doanh trị giá 900 triệu bảng một năm với Amazon Ấn Độ, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.

    Tuần trước, ông Sunak bị chỉ trích vì liên kết kinh doanh của gia đình bà Murthy với Nga. Bộ trưởng tài chính Anh khẳng định ông "không liên quan gì" với Infosys. Người phát ngôn của ông cũng cho biết bà Murthy không có bất kỳ liên quan nào đến các quyết định hoạt động của công ty.

    Nguồn: DailyMail