• Một phụ nữ Trung Quốc mắc bệnh nan y đã tuyệt vọng muốn chết đến mức trả tiền cho bạn để nhờ kết liễu cuộc đời mình.

    Câu chuyện nhận được sự đồng cảm từ đông đảo người dân và làm khơi dậy nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc về biện pháp trợ tử.

    Li Xiaozhong, 52 tuổi, đến từ tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, được chẩn đoán mắc một loại bệnh thần kinh hiếm gặp – bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) – vào tháng 1/2019.

    ALS, hay còn được gọi là bệnh Lou Gehrig, là một căn bệnh teo cơ thần kinh kéo dài. Nó tấn công tế bào của hệ thần kinh và các liên kết của tế bào trong não và tuỷ sống. Từ đó dẫn đến teo cơ tiến triển và suy hô hấp, cuối cùng dẫn đến cái chết của hầu hết bệnh nhân trong vòng 3-5 năm.

    benh nan y 1
    Hoàn cảnh của cô Li với căn bệnh thần kinh hiếm gặp đã làm dấy lên một cuộc thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc về trợ tử. (Ảnh: SCMP)

    Cô Li hiện phải ngồi xe lăn và chỉ có thể cử động mắt. Cô hoàn toàn phụ thuộc vào chồng mình, anh Shen Shijun, để chăm sóc và đáp ứng các nhu cầu hàng ngày.

    Anh Shen đã chăm sóc vợ mình từ tháng 10/2020, đảm nhận các việc như cho vợ uống nước, giúp vợ súc miệng và cho vợ ăn. Trong mỗi bữa ăn, anh đều phải bón thức ăn vào miệng và đặt dưới răng để cô Li nhai vì lưỡi cô không thể cử động được nữa.

    Sau bữa ăn, anh cũng thường xoa bóp chân tay cho vợ. Tận tâm chăm sóc vợ là thế nhưng anh Shen cũng không giấu nổi sự chán nản trước tình cảnh éo le này.

    “Hoàn cảnh của Li đã đẩy gia đình chúng tôi đến bờ vực đổ vỡ”, anh nói với ThePaper.cn, đồng thời cho biết rằng anh cảm thấy như mình bị “cầm tù” cùng với vợ.

    benh nan y 1
    Li Xiaozhong chỉ có thể di chuyển đôi mắt của mình và hoàn toàn phụ thuộc vào chồng trong mọi sinh hoạt hàng ngày. (Ảnh: SCMP)

    Căn bệnh quái ác đã khiến cô Li phải cố gắng tự kết liễu đời mình bằng cách nhịn ăn, uống thuốc ngủ và thậm chí thuê người khác giúp cô làm điều đó. Nỗ lực cuối cùng của cô là vào tháng 5 vừa qua khi cô nhờ đến sự giúp đỡ của một người bạn và đồng ý trả cho anh ta 34.000 nhân dân tệ (hơn 110 triệu VNĐ) để bóp cổ mình tới chết.

    Tuy nhiên, người bạn của cô đã không thể thực hiện hành vi đó mà chỉ bịt nhẹ vào miệng khiến cô tạm thời bất tỉnh. “Tôi thực sự không thể ép mình làm điều này. Nếu tôi và Li là kẻ thù thì mọi chuyện có thể khác nhưng chúng tôi là bạn. Tôi không thể làm được điều đó”, người bạn của Li chia sẻ.

    benh nan y 1
    Li đã tuyệt vọng đến mức cô thậm chí phải cầu đến sự “giúp đỡ” của một người bạn để giúp cô tự kết liễu đời mình. (Ảnh: SCMP)

    Câu chuyện của cô Li đã khơi dậy những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc về biện pháp trợ tử. Phần lớn cho rằng các nhà lập pháp Trung Quốc nên cân nhắc việc hợp pháp hoá trợ tử cho những người mắc bệnh hiểm nghèo và không có biện pháp chữa trị.

    “Chúng ta nên hợp pháp hóa biện pháp trợ tử để những bệnh nhân bị bệnh nặng có quyền lựa chọn ra đi một cách nhẹ nhàng, không tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội”, một người bình luận.

    “Nhiều người bệnh thực sự trải qua quá nhiều đau đớn và luật pháp nên xem xét một giải pháp để giải thoát cho những người như vậy”, một người khác bày tỏ sự đồng tình.

    Tuy nhiên, nhiều người cũng chỉ ra những cạm bẫy tiềm ẩn của việc hợp pháp hóa việc trở tử. “Nếu trợ tử được hợp pháp hóa, một số người bệnh không muốn chết nhưng có thể bị gia đình ép buộc sử dụng trợ tử để giảm bớt gánh nặng”, một người dùng mạng xã hội cho biết.

    Thậm chí, ngay cả khi biện pháp trợ tử được hợp pháp hóa, có khả năng nhiều gia đình vẫn không thể chi trả cho chi phí này bởi hầu hết những gia đình có người thân mắc bệnh hiểm nghèo đều thuộc diện khó khăn hoặc đã dốc hết tiền bạc vào việc chữa trị, thuốc men.

    Luật pháp Trung Quốc không cho phép sử dụng trợ tử. Điều này khiến các bệnh nhân giai đoạn cuối phải dùng đến các biện pháp cực đoan khi không thể chịu đựng thêm sự đau khổ về thể xác và trở thành gánh nặng lên gia đình.

    Năm 2017, một người phụ nữ ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc nằm liệt giường do mắc quá nhiều nhiều bệnh nan y, đã tự tử bằng cách uống thuốc chuột với sự giúp đỡ của chồng, con gái và con rể.

    Theo các thủ tục pháp lý sau đó, người chồng và con rể của bà bị kết án ba năm tù với thời gian quản chế năm năm, còn người con gái bị kết án hai năm tù treo trong ba năm.

    Theo VTC

  • Vì đã 9 tuổi mà chưa có giấy tờ tùy thân, bé trai này phải quỳ xuống cầu xin chính bố ruột của mình.

    Vào ngày 25/6/2023 vừa qua, tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, một đoạn video ghi lại cảnh một bé trai 9 tuổi quỳ sụp xuống trước xe cưới của bố ruột mình đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Rốt cuộc ẩn tình phía sau hình ảnh này là gì?

    Theo đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, một bé trai 9 tuổi đang quỳ dưới trời mưa, phía trước mặt là một chiếc xe hoa. Bên cạnh cậu bé là một người phụ nữ trẻ tuổi và một người phụ nữ trung niên đang cầm ô che. Chiếc xe hoa dừng giữa đường vì bị bé trai chắn đường, đôi bên tranh cãi và giằng co một lúc nhưng người trong xe vẫn không chịu bước xuống, bé trai cũng không chịu đứng lên.

    Hóa ra, người phụ nữ trung niên là bà ngoại, còn người phụ nữ trẻ tuổi là dì của bé trai. Trong khi đó, người đàn ông ngồi trong xe hoa chính là bố của cậu bé này.

    be trai 9 tuoi 1

    Được biết, bé trai 9 tuổi này đã bị chính bố ruột của mình bỏ rơi từ lúc mới 1 tháng tuổi, kể từ đó cậu bé sống với mẹ mình. Do phải đi xa làm việc để có tiền nuôi con, người mẹ đành để con trai ở quê nhờ bà ngoại nuôi dưỡng, chăm sóc. Tuy nhiên cho đến nay, khi đã lên 9 tuổi, cậu bé vẫn chưa có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào và chưa được đăng ký hộ khẩu bởi bố cậu bé từ chối cung cấp giấy khai sinh.

    Không còn cách nào khác, bà ngoại đành đưa cậu bé tới gặp mặt bố ruột để cầu xin anh ta đưa giấy tờ của con trai. Cậu bé đã quỳ xuống trước xe cưới của bố mình, đúng vào ngày anh ta tái hôn với người phụ nữ khác để gây sức ép. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, người bố vẫn nhất quyết không chịu đưa giấy khai sinh cho con trai mặc dù anh ta đã bỏ mặc con suốt 9 năm qua.

    Theo lời kể của bà ngoại, cháu trai bà đã bị bố ruột bỏ rơi từ lúc lọt lòng. Để nuôi nấng cháu trai suốt 9 năm qua, bà đã tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, thậm chí còn rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trong những năm nay, người bố không hề đoái hoài gì tới con trai, cũng không chu cấp một xu nào. Giờ đây, cậu bé chỉ cần một tờ giấy khai sinh nhưng người bố cũng không chịu đưa.

    be trai 9 tuoi 1

    Trước đó, người bố hứa rằng trước khi anh ta tổ chức đám cưới sẽ đưa giấy khai sinh và cho con trai nhập hộ khẩu nhưng cuối cùng vẫn không thấy đâu. Đó là lý do người bà phải đưa cháu trai tới trước xe hoa của bố mình để gây sức ép. Bà chỉ muốn cháu mình có cuộc sống bình thường, không hề muốn gây khó dễ cho con rể cũ, càng không muốn cuộc sống của cháu trai bị ảnh hưởng tiêu cực.

    Sau khi đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, nó đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều:

    "Người bố giữ giấy khai sinh của con trai để làm gì vậy? Anh ta đâu có quan tâm gì đến cậu bé. Nếu đã chia tay, hãy cho nhau cuộc sống riêng tư đi chứ".

    "Tôi thật sự không hiểu suy nghĩ của người bố. Làm thế nào anh ta bỏ rơi được con ruột của mình nhưng vẫn trơ trẽn giữ giấy khai sinh của cậu bé? Nhìn thấy con trai quỳ dưới trời mưa, anh ta không xót xa chút nào sao?".

    "Hành động của người bố đúng là không chấp nhận được, nhưng việc người bà đưa cháu trai đến chặn xe cưới cũng thật khó hiểu. Cuối cùng, đứa trẻ chính là người bị tổn thương nhiều nhất vì những hành động của người lớn"...

    Theo Người Đưa Tin

  • Khách du lịch ở Trung Quốc đang trả 8.888 nhân dân tệ (gần 29 triệu đồng) cho phòng khách sạn có "view đẹp" là cuộc sống của loài lợn hiếm có giá trị cao ở nước này.

    Căn phòng hạng sang này ở tầng một trong tòa nhà giống lâu đài, nằm tại công viên giải trí tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Phòng có cửa sổ bịt kín nhìn xuống chuồng lợn ở lầu trệt để khách có thể nhìn, nhưng không phải ngửi thấy mùi, những con vật bên dưới. Một video clip về căn phòng và "tầm nhìn" độc đáo này đạt 6 triệu lượt xem trên Douyin (mạng xã hội video giống với TikTok) ở Trung Quốc.

    Được mệnh danh là Disneyland của thành phố Kim Hoa, Chiết Giang, công viên giải trí này mở cửa vào năm 2021 để quảng bá giống lợn đặc biệt của địa phương. Loài lợn này có biệt danh là “lợn gấu trúc” vì phần đầu và đuôi màu đen độc đáo, với một dải màu trắng ở giữa. Ban đầu chúng còn được gọi là "lợn đen hai đầu".

    khach san ngam heo
    Một công viên giải trí ở Trung Quốc đang cung cấp cho khách cơ hội ở trong một phòng khách sạn sang trọng nhìn ra chuồng heo với giá 1.230 USD/đêm. (Ảnh: SCMP)

    Giống lợn này được đánh giá cao ở Trung Quốc trong ít nhất 1.200 năm, được biết đến nhiều là nguồn thịt sản xuất giăm bông sấy khô Kim Hoa nổi tiếng của Trung Quốc. Theo SCMP, loại thực phẩm này còn được xếp ngang hàng với Prosciutto di Parma của Italia và Jamón Ibérico từ Tây Ban Nha.

    Loài lợn đặc biệt này không chỉ có ngoại hình giống với gấu trúc khổng lồ, mà nó cũng rất hiếm. Một báo cáo năm 2016 của Qianjiang Evening News chỉ ra rằng hàng năm ở Kim Hoa chỉ có khoảng 75.000 đến 80.000 con thuộc giống lợn này, chỉ chiếm 3 đến 4% tổng số lợn của thành phố.

    Mặc dù nổi tiếng là nơi cung cấp giăm bông Kim Hoa ngon nhất, nhờ có nguồn thịt săn chắc, da mỏng và xương nhỏ, những người chăn nuôi địa phương dần quay lưng với lợn gấu trúc để chuyển sang các giống lợn từ nước ngoài - những giống chỉ cần nửa thời gian để tăng kích thước gần gấp đôi. Giống lợn gấu trúc vì vậy trở nên hiếm đến nỗi một trang trại ở Nhật Bản, nơi cũng nuôi cùng loài lợn, đã đặt tên cho nó là “lợn ma thuật”.

    Để quảng bá và bảo tồn giống lợn nổi tiếng, chính quyền địa phương đã phát triển một công viên giải trí để tôn vinh giống lợn này. Cơ sở này bao gồm một bảo tàng dành riêng cho lợn gấu trúc, cũng như một quán cà phê và phòng họp. Theo một báo cáo trên tờ Economic Daily, những khách đặt phòng hạng sang để xem loài lợn này cũng có thể mang một chú lợn gấu trúc về nhà hoặc thưởng thức lượng thịt lợn trong một năm với giá chỉ 6.000 nhân dân tệ (830 USD).

    Năm 2016, chính quyền Kim Hoa đã chi 5 triệu nhân dân tệ cho việc nghiên cứu phát triển và sử dụng giống lợn đen hai đầu. Một dự án đã xem xét việc tối đa hóa giá trị của giống lợn này bằng cách phát triển quy tắc phân loại thịt.

    Theo VTC

  • Tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc – nơi phần lớn người dân làm lao động phổ thông, được gọi là “cái nôi" của nạn buôn người.

    Những người dân ở các làng chài nghèo khó bắt đầu rời khỏi quê hương tìm kiếm cuộc sống mới ở nước ngoài bằng thuyền vào đầu thế kỷ XV. Nhiều người trong số này đến từ Đông Nam Á.  Tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc – nơi phần lớn người dân làm lao động phổ thông, được gọi là “trụ sở của đầu rắn”, biệt danh được đặt cho các nhà lãnh đạo của các đường dây buôn người. Nhiều người dân địa phương phụ thuộc vào những đường dây buôn người với hy vọng xây dựng cuộc sống mới và thay đổi vận mệnh ở những nơi cách quê hương hàng trăm ngàn km.

    phuc kien trung quoc 1
    Tỉnh Phúc Kiến - đông nam Trung Quốc

    "Cái nôi" của nạn buôn người sang Anh

    Năm 2000, thi thể của 58 người Trung Quốc đã được tìm thấy trong một container kín tại cảng Dover. Sau khi chết xác nhận cái chết của họ là do chết ngạt. Nhóm 60 người, trong đó chỉ có hai người sống sót, đã trả 20.000 bảng mỗi người cho cuộc hành trình chí tử bắt đầu khi họ bay tới thủ đô Belgrade của Serbia bằng hộ chiếu thực.

    Kể từ Serbia, họ được cấp hộ chiếu giả và bị giữ trong các căn nhà với mã số, một phần để ngăn chặn họ bị đánh cắp bởi các băng đảng buôn lậu khác. Các mã số được khâu vào quần áo của những người này để đầu mối buôn lậu ở châu Âu có thể nhận diện.Họ được đưa bằng xe hơi đến Hungary trước khi được vận chuyển qua Áo và Pháp ở phía sau xe tải để lên tàu tới Rotterdam ở Hà Lan.

    Perry Wacker, tài xế xe tải người Hà Lan, đã bị bỏ tù 14 năm vì tội ngộ sát. Cuộc điều tra phát hiện Wacker đã bịt một lỗ thông hơi ở bên cạnh container khi xe tải đi lên phà.  

    Bốn năm sau, 23 nạn nhân Trung Quốc bị chết đuối sau khi băng đảng tàn nhẫn bỏ rơi họ trên bãi cát nguy hiểm ở vịnh Morecambe.

    phuc kien trung quoc 1
    Hiện trường vụ án ở Vịnh Morecambe

    Cả hai vụ việc Dover và vịnh Morecambe đều có ít nhất một điểm chung khác: tỉnh Phúc Kiến. Tất cả những nạn nhân trong hai vụ việc đều đến từ vùng đông nam Trung Quốc này.

    Mike Gradwell, cựu giám đốc trinh sát thuộc lực lượng Cảnh sát Lancashire, người đã làm việc trong cuộc điều tra vụ thảm sát ở vịnh Morecambe, trong đó 23 người nhập cư bất hợp pháp Trung Quốc bị chết đuối, nói với BBC Breakfast rằng những người trong xe tải ở hạt Essex hồi năm 2019 rất có thể bị buôn bán bởi các băng đảng “Đầu rắn”.

    Ông nói rằng những người thân có khả năng đã liên lạc với những người bị buôn bán, do các nạn nhân này vẫn được mang theo điện thoại  - cảnh sát có thể sử dụng để giúp nhận dạng họ.

    Phúc Kiến cũng là “cái nôi” của băng đảng “Đầu rắn” khét tiếng, được cho là quan hệ mật thiết với Hội Tam Hoàng.Trở lại những năm 1990, các hoạt động của băng nhóm này tập trung tại Hồng Kông, cung cấp lao động ở chợ đen chủ yếu cho các nhà bếp của các nhà hàng do cộng đồng người Trung Quốc lâu đời của Hồng Kông điều hành.

    Trong những năm qua, “Đầu rắn” đã phân nhánh chuyển sang cung cấp cả phụ nữ trẻ, những người thường bị bắt cóc và bị ép buộc vào đường dây bán dâm ở Anh. Một số, ở độ tuổi 11, đã đến nước đó mà không có hộ chiếu hoặc thị thực và xin tị nạn. Sau đó, họ biến mất khỏi ký túc xá hoặc chăm sóc nuôi dưỡng mà được cơ quan di trú gửi gắm.

    Quảng cáo buôn người công khai

    Hiện tại, "đầu rắn" hoạt động công khai ở Trung Quốc và bắt kịp cả sự bùng nổ của Internet khi bắt đầu tìm kiếm những “con mồi” trên cả nền tảng trực tuyến. Nhanh chóng xuất hiện các trang web và tài khoản truyền thông xã hội quảng cáo các dịch vụ như vậy, một số bắt đầu từ cái giá khoảng 6.500 bảng quảng cáo với điểm đến là Australia. Quảng cáo với các khẩu hiệu hấp dẫn như “vượt biên nhanh chóng! Thanh toán khi đến nơi!” đang đầy rẫy trên các ứng dụng tại Trung Quốc.

    phuc kien trung quoc 1
    Những kẻ buôn người quảng cáo cả trên những ứng dụng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc như Wechat, Momo...

    Mặc dù Mỹ là đất nước mơ ước đối với nhiều người, Đài Loan, Nhật Bản cũng như Vương quốc Anh cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất. Những người mơ ước về một cuộc sống mới từ Trung Quốc trả một khoản tiền gửi trực tuyến thấp tới 5.000 nhân dân tệ (550 bảng Anh) trước khi bị nhồi nhét vào thuyền hoặc container cho một hành trình dài, tối tăm và đầy rủi ro, theo truyền thông địa phương.  

    Người Trung Quốc, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp, liên tục bị lôi kéo tới châu Âu và Bắc Mỹ trước những hứa hẹn về mức lương cao hơn nhiều so thu nhập tại nhà, bất chấp những rủi ro đáng kể liên quan.

    Các nạn nhân vượt biên trái phép với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn ở Anh - nhưng hành trình đến Anh của họ cũng rất khốn khổ và nguy hiểm, phải mất tới một tháng cùng rất nhiều lo lắng trong điều kiện nguy hiểm và tồi tệ.

    Hầu hết các “khách hàng” sẽ bay từ Trung Quốc đến Serbia và sau đó được vận chuyển bằng đường bộ qua Hungary, Áo, Pháp trước khi lên thuyền hoặc xe tải để tới Anh từ Bỉ hoặc Hà Lan.

    Lisa Yam, một luật sư chuyên về nhập cư Trung Quốc cho biết: “Thật khó tin khi vẫn có nhiều người Trung Quốc chọn đến nước này “theo cách này”.

    Năm 2018, các quan chức Tây Ban Nha đã bắt giữ 155 chủ yếu là công dân Trung Quốc sau khi nhận thấy sự gia tăng hoạt động và bắt một băng đảng buôn người di cư Trung Quốc vào Anh và Ireland với giá 18.000 bảng mỗi người.

    Tuy nhiên, kể cả khi vượt biên trót lọt, cuộc sống của những “khách hàng” cũng chưa chắc suôn sẻ như những lời hứa hẹn quảng cáo ban đầu.

    “Các nạn nhân tới những vùng đất mới như những người di cư bất thường nhưng sau đó rất dễ bị “mua đi bán lại” phục vụ ngành công nghiệp tình dục và thị trường lao động đen.Đôi khi những kẻ dắt mối vượt biên không tiết lộ nhiều thông tin hay đích đến cuối cùng hoặc quá trình để đến đó”, theo Aaron Halegua, một nhà nghiên cứu tại Đại học New York có kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm về các vụ buôn người.

    Theo Kinhtedothi

  • Cứ ngỡ được “đổi đời” khi nhận được phần thưởng từ trên trời rơi xuống, cô gái Trung Quốc ngã ngửa khi phát hiện thực tế hoàn toàn trái ngược.

    Năm 2018, một bài đăng trên Weibo của Alipay đã thay đổi hoàn toàn số phận cuộc đời của một cô gái tên Tân Tiểu Đại ở Trung Quốc. Cô được cộng đồng mạng đất nước tỷ dân gọi là "Cá Koi may mắn" sau khi trúng thưởng phần quà trị giá 100 triệu NDT(hơn 350 tỷ đồng).

    Khi đó, cô gái trẻ 27 tuổi hạnh phúc nghĩ rằng mình sẽ được sống trong an nhàn cho đến cuối đời. Vậy mà thật khó tin khi chỉ mới 4 năm trôi qua, Tân Tiểu Đại từ “cô gái may mắn nhất Trung Quốc” trở thành một người thất nghiệp tiều tụy và nghèo khổ.

    trung thuong chuyen du lich sai lam 1

    Bẽ bàng vì phần thưởng "trên trời rơi xuống"

    Vào ngày 7 tháng 10 năm 2018, Alipay đã thông báo Tân Tiểu Đại là người chiến thắng phần thưởng trị giá 100 triệu NDT trong chương trình rút thăm trúng thưởng "Gói quà tặng miễn phí toàn cầu" của họ. Chương trình thu hút sự chú ý và tham gia của hơn 3 triệu người. “Quán quân” của chương trình lập tức trở nên nổi tiếng và được dân mạng đặt biệt danh là “Chú cá Koi may mắn”.

    Sự kiện này đã khiến cái tên Tân Tiểu Đại trở nên hot hơn bao giờ hết. Lượt follow tài khoản cá nhân trên các nền tảng xã hội của cô gái này cũng tăng nhanh đến chóng mặt, Hầu hết, ai cũng muốn theo dõi quá trình “đổi đời” của cô gái may mắn này.

    Bản thân Tân Tiểu Đại cũng tràn đầy kỳ vọng cho phần thưởng là chuyến "du ngoạn thế giới" sắp tới của mình. Thời điểm đó, cô gái này hoàn toàn chìm đắm trong niềm vui sướng với giải thưởng 100 triệu NDT đó mà không hề hay biết rằng, chuỗi bi kịch của cô gái này cũng bắt đầu từ đây.

    trung thuong chuyen du lich sai lam 1
    Sự kiện này đã khiến cái tên Tân Tiểu Đại trở nên hot hơn bao giờ hết. Ảnh: Toutiao

    Việc đầu tiên sau khi Tân Tiểu Đại biết mình là chủ nhân của giải thưởng 100 triệu NDT chính là nhanh chóng xin nghỉ công việc kỹ sư máy tính, làm hộ chiếu và trở thành travel blogger du lịch vòng quanh thế giới để tận hưởng cuộc sống cô hằng mơ ước. Sự lựa chọn của Tân Tiểu Đại thoạt nhìn có phần hấp tấp, thế nhưng thực tế, điều này có liên quan đến quy tắc chiến thắng của giải thưởng cô đạt được.

    Theo đó, giải thưởng mà Tân Tiểu Đại nhận được chỉ có giá trị trong một năm. Vì vậy, để có được giải thưởng 100 triệu NDT này, cô không còn cách nào khác là từ bỏ công việc của mình. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ thông báo đổi thưởng, Tân Tiểu Đại nhận ra "giải thưởng lớn" này không phải là tiền mặt mà là các loại phiếu giảm giá và phiếu trải nghiệm. Đặc biệt hơn cả, quà tặng quy định chỉ được áp dụng tại một số quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Canada... và có hạn sử dụng trong 1 năm.

    Nói cách khác, chuyến đi này không phải “miễn phí”, thứ được miễn phí chỉ là một số dịch vụ tại các địa điểm được chỉ định sẵn. Còn số tiền chi phí di chuyển khổng lồ còn lại, cô phải tự mình gánh vác.

    Alipay còn cung cấp Tân Tiểu Đại những phần thưởng khá “vô dụng” như tặng một đôi giày hiệu nổi tiếng của Pháp nhưng để sở hữu nó, cô phải đến cửa hàng ở Paris để lấy trực tiếp. Chi phí đi lại gần như đắt gấp đôi phần thưởng cô nhận được. Hay một phần quà khác mà Tân Tiểu Đại nhận được chính là sử dụng làn đường nhanh tại Sân bay Rome miễn phí 100 lần. Thế nhưng Tân Tiểu Đại phải đến Rome thì mới có thể trải nghiệm điều này.

    Cái kết đắng khi chọn "đâm lao thì phải theo lao"

    Nhận thấy thực tế không màu hồng như mình mong muốn, song Tân Tiểu đại vẫn quyết định “đâm lao thì phải theo lao”. Cô chọn một số địa điểm rẻ và tương đối tiết kiệm trong số rất nhiều "phần thưởng" nhận được để đi du lịch. Tuy nhiên, những rắc rối lớn cũng cứ thế bám đuôi cô gái này. Khi đến Mỹ, cô chỉ được miễn phí tiền phòng và tiền ăn trong 1 đêm, trong khi phải trả thêm chi phí lớn hơn dành cho việc lưu trú trong khách sạn 3-4 ngày.

    trung thuong chuyen du lich sai lam 1
    Nhận thấy thực tế không màu hồng như mình mong muốn, song Tân Tiểu đại vẫn quyết định “đâm lao thì phải theo lao”. Ảnh: Toutiao

    Chưa hết, vì hầu hết giải thưởng trong danh sách trúng giải đều có thời hạn quy đổi nhất định. Do đó để tránh lãng phí, Tân Tiểu Đại phải liên tục bay từ quốc gia này đến quốc gia. Ngoài ra, công việc là blogger du lịch mà cô đang làm cũng không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Không chỉ phải đi du lịch liên tục để quay video, Tân Tiểu Đại  còn phải chỉnh sửa video và viết quảng cáo sau mỗi lần trải nghiệm. Hoạt động này cũng là một trong những quy tắc "nhận thưởng" được quy định trước của Alipay.

    Cứ như thế, việc chạy đua với thời gian để đi du lịch và làm việc đã "hút sạch" tinh thần và thể lực của Tân Tiểu Đại. Khiến cô gái trẻ thường xuyên bị thiếu ngủ, áp lực và nhanh chóng rơi vào tình trạng suy kiệt về cả sức khoẻ và tinh thần. Chỉ trong vòng nửa năm, Tân Tiểu Đại đã bị suy nhược thần kinh và phải nhập viện nhiều lần. Thảm hơn, vì đi du lịch theo kiểu lấy số lượng thay vì chất lượng, những video của cô không níu chân được người hâm mộ. Vì thế nên sự nghiệp blogger cũng dần chìm nghỉm.

    trung thuong chuyen du lich sai lam 1
    Sự nghiệp blogger của cô cũng dần chìm nghỉm. Ảnh: Toutiao

    Một năm sau chuyến đi vòng quanh thế giới, Tân Tiểu Đại quay về Trung Quốc. Không chỉ thân xác tiều tụy đi, cô còn gánh trên vai món nợ 200.000 NDT khi phải vay rất nhiều tiền từ bạn bè và sử dụng hết thẻ tín dụng của mình.

    Thời gian đầu cô tiếp tục làm công việc KOL và nhận được rất nhiều lời mời quảng cáo vì dư âm của phần thưởng lớn trước đó. Thế nhưng việc cô chấp nhận mọi loại quảng cáo mà không có bất kỳ cân nhắc nào đã khiến danh tiếng bị ảnh hưởng nặng nề.

    Vào ngày 8 tháng 9 năm 2020, Tân Tiểu Đại được mời hợp tác truyền thông cho sự kiện bốc thăm may mắn của Alipay và thông báo sẽ chuyển nhượng danh hiệu "Cá Koi Trung Quốc" của mình với giá 1 NDT.  Tin tức này một lần nữa khiến cái tên Tân Tiểu Đại bùng nổ trên mạng. Nhiều người đã tin theo và lần lượt đăng ký tham gia với hy vọng trở thành chú "cá Koi may mắn" tiếp theo trúng giải.

    Thế nhưng Tân Tiểu Đại chưa kịp vui mừng thì rắc rối lại tiếp tục bủa vây lấy cô khi cuộc thi bị vạch trần có dấu hiệu gian dối. Trước làn sóng chỉ trích, Tân Tiểu Đại đã xin lỗi và hứa sẽ trả lại 50% giá trị của giải thưởng.

    trung thuong chuyen du lich sai lam 1
    Sau nhiều tai tiếng, Tân Tiểu Đại trở thành KOL hết thời. Ảnh: Toutiao

    Cô không thu được thêm lợi nhuận từ nền tảng mạng xã hội và dần biến mất. Từ một cô gái tài giỏi với công việc ổn định, Tân Tiểu Đại trở thành người thất nghiệp. Cái bẫy của sự hưởng thụ dễ dàng khiến cô kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần và biến cuộc sống của mình thành một mớ hỗn độn. Quả thực ở đời, không có bữa tiệc nào là miễn phí, tất cả những “món quà” do số mệnh ban tặng đều đã được định giá sẵn, chỉ là chúng ta có đủ tỉnh táo để nhận ra hay không mà thôi.

    Nhịp sống Thị trường (theo Toutiao)

  • Theo Zhihu, chủ nhân của cây gỗ quý dài 11m này đã mua nó với giá hơn 56 tỷ đồng. Ông cụ Trung Quốc này còn mất thêm 10 tỷ đồng nữa để vận chuyển nó về nhà.

    cay go quy bi set danh 1

    Ở vùng núi Vân - Quý - Xuyên (Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên) của Trung Quốc có rất nhiều cây gỗ quý hiếm, thế nhưng Kim tơ nam mộc có lẽ là loài cây nổi tiếng nhất. Đặc biệt ở Quý Châu, có một số cây Kim tơ nam mộc có tuổi đời lên tới hàng nghìn năm tuổi với kích thước khổng lồ.

    Những cây này đặc biệt có giá trị, tuổi gỗ càng cao thì gỗ càng quý. Mặt khác vì được bảo vệ tuyệt đối, cấm chặt hạ nên dù có người trả hàng trăm triệu NDT để mua thì người sở hữu cũng không ai dám bán.

    Trong số những cây Kim tơ nam mộc lâu đời nhất, phải kể đến cây 4.300 năm tuổi ở Quý Dương (Quý Châu). Nó được vận chuyển từ nơi khác đến, có người ra giá 250 triệu NDT (hơn 825 tỷ đồng) nhưng chủ nhân vẫn nhất quyết không bán. Điều này càng khiến nhiều người tò mò về nguồn gốc cũng như làm sao chứng minh được tuổi thọ của cây Kim tơ nam mộc này.

    cay go quy bi set danh 1

    Một câu hỏi khác được đặt ra là: Loại cây này luôn được bảo vệ cẩn thận, vậy nó đã bị đốn hạ bằng cách nào?

    Theo Zhihu, chủ nhân của cây gõ 4.300 tuổi này cho biết cây Kim tơ nam mộc có đường kính 2,4m này vốn mọc ở vùng núi thuộc huyện Đức Giang, tỉnh Quý Châu. Trưa tháng 3 năm 2013, người dân đã phát hiện ra cây này bị sét đánh và bị gãy ở giữa, phần còn lại bốc cháy ngùn ngụt, ngọn lửa cháy suốt ba ngày ba đêm mới tắt.

    Kim tơ nam mộc vốn là cây gỗ quý được Trung Quốc can thiệp và bảo vệ, không cho phép ai tùy ý chặt hạ hay khai thác. Tuy nhiên, vì cây gỗ khổng lồ này bị sét đánh, trở thành mối nguy hiểm cho mọi người nên được Cục Lâm nghiệp Trung Quốc cấp giấy phép khai thác. 14 năm sau, chủ nhân hiện tại mua lại cây này với giá 17 triệu NDT (hơn 56 tỷ đồng).

    cay go quy bi set danh 1

    Vào thời điểm bị đốn hạ, cây Kim tơ nam mộc hơn 4.000 năm tuổi này nặng 70 tấn, sau khi cắt tỉa cành và rễ để làm đồ thủ công mỹ nghệ thì còn lại thân cây nặng 16 tấn. Sau đó, nó được chuyển đến Quý Dương, riêng quá trình vận chuyển đã tiêu tốn gần 3 triệu NDT (gần 10 tỷ đồng).

    cay go quy bi set danh 1

    Chủ nhân cây gỗ cho biết khi mua cây, ông gần như bán hết đồ đạc, thậm chí bán luôn hai căn nhà ở quê để có đủ tiền. Ông cũng nhận định đây là cây Kim tơ nam mộc lớn và già nhất thế giới - 4.300 năm tuổi.  Số tuổi này không phải đoán bừa mà được tính bằng phép đo carbon-14 (còn gọi là định tuổi bằng carbon phóng xạ hay đơn thuần là định tuổi bằng carbon).

    Quá trình này được thực hiện bởi một nhóm chuyên gia ở Thượng Hải. Kết luận được rút ra thông qua nhận dạng khoa học, giấy chứng nhận cũng được treo bên cạnh cây để làm tài liệu chứng minh.

    Sau khi thông tin về cây Kim tơ nam mộc 4.300 năm tuổi được lan truyền, nhiều người đã liên hệ với chủ nhân của nó để hỏi mua. Thậm chí có một thương gia đã ngã giá 250 triệu NDT (hơn 825 tỷ đồng) nhưng ông cụ nhất quyết không bán.

    Ông tin rằng đây là kho báu vô giá nên sẽ rất tiếc nếu người khác sử dụng gỗ từ thân cây chỉ để làm đồ nội thất, trang trí.

    cay go quy bi set danh 1

    Ông cụ cũng cho hay sẽ xây dựng một bảo tàng Kim tơ nam mộc trong tương lai để nhiều người có thể chiêm ngưỡng loài cây quý hiếm này hơn. Với ông, kế hoạch này có ý nghĩa rất lớn lao.

    Để chăm sóc cây gỗ này, gia đình ông  phải thường xuyên bảo dưỡng, cứ 6 tháng 1 lần sẽ đánh bóng và sơn lại thân cây để tránh mưa gió, nắng nóng oi bức. Mỗi lần như vậy, ông sẽ tốn 60.000 đến 70.000 NDT (198 triệu đồng - hơn 231 triệu đồng). Điều đầu tiên mà ông cụ này làm mỗi khi thức dậy là đi vòng quanh cái cây để xem nó có bị hư hại gì không. Ông cũng có ý định đăng ký kỷ lục Guinness thế giới cho bảo vật này.

    Nhịp sống Thị trường (theo Zhihu)

  • Theo SCMP, một phụ nữ ở Trung Quốc đã được một phen thất vọng cay đắng sau khi đến ăn ủng hộ nhà hàng mới mở của một người bạn. Việc tới cửa hàng mới của người quen là điều thường thấy, cho thấy mối quan hệ bền chặt, thể hiện thiện ý giữa bạn bè và người thân. Tuy nhiên, việc bữa ăn bị tính tới 7.472 nhân dân tệ (khoảng 24 triệu đồng) đã khiến người phụ nữ này choáng váng tột độ.

    Vụ việc này đã gây ra làn sóng phẫn nộ lớn trên mạng xã hội Trung Quốc.

    Cụ thể, người phụ nữ trong câu chuyện có họ Chen, đến từ thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Chen có kế hoạch ăn tối với một nhóm bạn, một trong số đó là chủ một quán ăn, vì vậy cô đã đến chỗ của anh ta ăn ủng hộ.

    Theo thực đơn nhà hàng đăng trên mạng, giá trung bình ở đây là 420 nhân dân tệ (tầm 1,3 triệu đồng)/ một người. Đây là mức giá mà cô Chen cho là chấp nhận được.

    hoa don tinh tien

    Khi đến nơi, cô ngạc nhiên khi biết rằng một bữa ăn đầy đủ gồm 11 món ăn, một chai rượu vang đỏ, đồ ăn nhẹ và trái cây đã được đặt trước cho cả nhóm. Đây dường như là một sự chuẩn bị hết sức "chu đáo" mà người bạn cô đã chuẩn bị cho bạn mình.

    "Tôi nghĩ rằng nếu người bạn chủ nhà hàng gọi món, thì chúng tôi chỉ cần ăn các món đó là được. Suy cho cùng thì anh ấy biết món nào ngon mà", Chen nói.

    Tuy nhiên, Chen đã bất ngờ khi vào cuối bữa ăn, cô được đưa cho một hóa đơn thanh toán 7.472 tệ, bao gồm phí dịch vụ 700 tệ (2,3 triệu đồng).

    Hóa đơn cho thấy rằng trong số các món ăn được đặt trước, ốc xà cừ và hải sâm là đắt nhất, có giá lần lượt là 1.760 tệ (5,8 triệu đồng) và 2.112 tệ (gần 7 triệu đồng).

    Các món ăn thông thường khác cũng có giá cao ngất ngưởng như khoai mỡ 98 tệ (330 nghìn đồng), cà tím luộc 128 tệ (421 nghìn đồng) và bánh thịt chiên Chiu Chow 238 tệ (780 nghìn đồng). Mặc dù là món ăn trong nhà hàng, nhưng giá của chúng dường như đắt tới mức khiến các thực khách cảm thấy "có điều gì không ổn".

    Giá của chiếc bánh rán thịt khiến một người dùng mạng xã hội thốt lên: "Có phải họ đang chiên thịt rồng không?".

    Chen cũng không hài lòng với phục vụ ở nhà hàng, nói: "Chúng tôi phải tự rót rượu vang".

    hoa don tinh tien
    Người phụ nữ choáng váng khi nhận hóa đơn thanh toán 7.472 nhân dân tệ (hơn 24 triệu đồng) vào cuối bữa ăn. Ảnh: Baidu

    Thực khách này tiếp tục tỏ ra bất bình: "Người bạn này đã lừa tôi. Tôi muốn ủng hộ nhà hàng mới mở của anh ta, nhưng anh ta không ngần ngại lấy hàng đống tiền của tôi".

    Câu chuyện của Chen cũng nhận được sự đồng cảm từ nhiều nạn nhân khác trên mạng xã hội.

    Mặc dù người bạn ở nhà hàng đã hoàn lại 3.000 nhân dân tệ (gần 10 triệu đồng) cho cô qua WeChat, phản ứng của cộng đồng mạng vẫn rất gay gắt.

    Trên Dianping, một trong những nền tảng nổi bật nhất của Trung Quốc dành cho các bài đánh giá về dịch vụ ăn uống, các bài đánh giá tiêu cực tràn ngập.

    Thậm chí, có người còn đăng ảnh hóa đơn và yêu cầu chủ nhà hàng giải thích.

    "Nếu đây là cách anh ấy đối xử với bạn bè, hãy thử tưởng tượng cách anh ấy sẽ đối xử với những khách hàng bình thường xem", một người bình luận.

    Một người khác cho biết: "Sáu người phụ nữ mà đặt trước hơn 10 món ăn. Ngay cả khi bỏ qua việc anh ta cố tình gọi những món đắt tiền, thì riêng số món nhiều như vậy cho thấy anh ta không phải là người tử tế".

    Một người khác đồng ý: "Cô ấy coi anh ta như một người bạn, nhưng anh ta coi cô ấy như một món hàng".

    Phụ nữ Việt Nam (nguồn: SCMP)

  • Vào ngày chia tay với hôn phu, Zhang Jie bước vào cửa hàng Dior để mua một chiếc túi xách mới, dù biết rằng món phụ kiện xa xỉ có giá ít nhất bằng 3 tháng lương.

    mua tui dior 1
    Thu nhập người trẻ không thay đổi, nhưng xa xỉ phẩm đang đội giá chóng mặt ở xứ tỷ dân. Ảnh minh họa: VCG.

    Mệt mỏi vì những cuộc tranh cãi về tài chính và cuộc hôn nhân sắp tới, khoản thế chấp nhà, cùng với gánh nặng nuôi dạy con cái có thể xảy đến, cô gái 28 tuổi hy vọng một chiếc túi hàng hiệu sẽ giúp cô chóng quên đi tất cả phiền muộn và lo âu.

    Trong bối cảnh hàng hóa xa xỉ ngày càng tăng giá, cô không muốn phải chờ đợi thêm chỉ để mua món phụ kiện yêu thích. Song, chồng sắp cưới của Zhang (Trung Quốc) không đồng tình với cô. Cuối cùng, hai người quyết định chia tay.

    “Tôi nhận ra chúng tôi rất khác nhau. Anh ấy cần tiết kiệm để cảm thấy an toàn, còn tôi chỉ muốn sống cho hiện tại”, Zhang nói với Sixth Tone.

    Câu chuyện giữa Zhang và chồng sắp cưới cũ cho thấy một góc về thị trường xa xỉ ở xứ tỷ dân.

    mua tui dior 1
    Người trẻ xếp hàng tại một cửa hàng Dior ở Thượng Hải vào 16/4. Ảnh: VCG.

    Cách đây không lâu, giấc mơ sở hữu những món đồ xa xỉ ở Trung Quốc vẫn còn nằm trong tầm tay của nhiều người. Với nhóm khách hàng trung lưu trẻ tuổi, chúng là biểu tượng cho sự tinh tế và thành tựu của họ, cho dù đó chỉ là một chiếc túi xách, thắt lưng hay đồng hồ cao cấp,

    Nhưng trong bối cảnh cung và cầu thay đổi nhanh chóng, cùng với chi phí sản xuất gia tăng và lạm phát, các thương hiệu cao cấp hiện xa rời nhóm người tiêu dùng trung lưu. Thay vào đó, họ quay trở lại giới thượng lưu nhằm nỗ lực duy trì tính độc quyền, đồng thời bảo tồn sức hút từng biến họ trở thành biểu tượng hàng đầu, Sixth Tone đưa tin.

    Hàng hiệu tăng giá không phanh

    Hong Mengyue (31 tuổi) vẫn nhớ lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc túi Chanel, cách đây 9 năm. Một ngày sau lễ tốt nghiệp đại học, một người bạn cùng lớp đã mang đến nhà Hong một chiếc túi xách Chanel trị giá khoảng 30.000 NDT (khoảng 4.830 USD) do cha mẹ tặng.

    “Để tránh bị mèo nhà tôi cào, cô ấy hỏi rằng có thể đặt chiếc túi trên giường tôi được không. Đó là khi tôi nhận ra khoảng cách giá trị rất lớn giữa túi xách của bạn và của mình”, Hong cười.

    Hồi làm việc tại một công ty quảng cáo ở Thượng Hải, Hong đã tìm hiểu sâu hơn về thế giới thời trang và sự xa xỉ. Cô nhận ra bạn cùng lớp của mình sở hữu chiếc Chanel Classic Flap mang tính biểu tượng của thương hiệu cao cấp này. Hong thề sẽ mua một cái.

    Khi Hong đưa ra quyết định đó vào năm 2019, giá của chiếc Classic Flap cỡ nhỏ là 38.000 NDT. Hiện mức giá đã tăng gần gấp đôi, lên 71.800 NDT.

    “Trong khi đó, tiền lương của tôi không có bất kỳ thay đổi nào”, cô gái sinh năm 1992 chia sẻ.

    Trên khắp Trung Quốc, không chỉ Chanel mà tất cả thương hiệu xa xỉ đều tăng giá. Tháng 12/2022, Hermès tăng giá 5-10%, trong khi Dior, Gucci, Louis Vuitton và Saint Laurent công bố các mức tăng khác nhau tùy dòng sản phẩm.

    Việc tăng giá bắt nguồn từ ảnh hưởng đáng kể của đất nước đối với thị trường xa xỉ toàn cầu.

    Trong thập kỷ qua, hàng triệu người tiêu dùng đã thúc đẩy mạnh mẽ thị trường xa xỉ phẩm phương Tây, từ đó mở ra ngành nghề daigou - những người chuyên buôn hàng xách tay ở nước ngoài hoặc sản phẩm tại các cửa hàng miễn thuế, giúp khách hàng tránh thuế nhập khẩu cao đối với đồ hàng hiệu.

    Điều này dẫn đến doanh số bán lẻ của các thương hiệu cao cấp ở Trung Quốc giảm mạnh.

    Để đối phó tình trạng này, năm 2015, các thương hiệu xa xỉ, dẫn đầu là Chanel, đã giảm giá nhằm thu hẹp khoảng cách hiệu suất bán hàng giữa các khu vực. Sự điều chỉnh giá này đã phát huy tác dụng. Chẳng mấy chốc, thế hệ Millennials Trung Quốc bắt đầu thúc đầy thị trường hàng hiệu trong nước.

    Theo một cuộc khảo sát năm 2018 của Tập đoàn UBS, nhóm tuổi này sẵn sàng dành khoảng 20% ​​thu nhập để mua đồ hàng hiệu. Một báo cáo khác do Tencent Marketing Insight và Boston Consulting Group đồng phát hành cho thấy năm 2021, thế hệ sinh sau thập niên 1990 chiếm gần 50% số người tiêu dùng xa xỉ.

    mua tui dior 1
    Sản phẩm trưng bày tại một cửa hàng đồ xa xỉ second-hand ở Thượng Hải. Ảnh: Gao Yidan

    Bên cạnh những khách hàng đủ giàu để mua xa xỉ phẩm không cần nhìn giá, phần lớn người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng và tiết kiệm đáng kể trước khi xuống tiền mua một món hàng.

    Điều này giải thích lý do những lần mua sắm hàng hiệu của nhiều người thường diễn ra vào các dịp trọng đại, như ngày kỷ niệm, lễ tốt nghiệp hay kỳ nghỉ lễ.

    Nhưng trong bối cảnh các mặt hàng cao cấp tăng giá không ngừng, ngày càng nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi phải suy nghĩ lại.

    Quay lưng với khách hàng "không thu nhập"

    Năm 2022, một tờ ghi chú được cho là từ cuộc họp nội bộ của tập đoàn LVMH đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt ở xứ tỷ dân.

    Theo bản ghi chú, tập đoàn xa xỉ của Pháp đã phân loại khách hàng thành ba nhóm: nhóm “giá trị tài sản ròng siêu cao”, nhóm “giá trị tài sản ròng cao” và nhóm “không có thu nhập” - những người có thu nhập cá nhân hàng năm dưới 3 triệu NDT.

    Dù thành viên hội đồng quản trị LVMH đã phủ nhận tính xác thực, nội dung tờ ghi chú đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến nhiều người tức giận, bất bình trước tình trạng đối xử bất bình đẳng với khách hàng của tập đoàn Pháp.

    mua tui dior 1
    Một người đàn ông đi ngang qua cửa hàng Louis Vuitton ở Thượng Hải vào ngày 17/5. Ảnh: IC

    Sự việc khiến người tiêu dùng như Hong tin rằng các thương hiệu xa xỉ đang cố gắng ngăn cản những người mua bình thường tiếp cận mình. Thay vào đó, họ có thể tập trung vào nhóm người tiêu dùng cao cấp.

    “Tất cả thương hiệu xa xỉ nhận ra rằng nhóm khách hàng cao cấp cốt lõi là chìa khóa để họ tồn tại và phát triển”, Zhou Ting, đồng chủ tịch của Yaok Group, chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp xa xỉ, nói với Sixth Tone.

    Theo Zhou, những khách hàng giàu có sở hữu khối tài sản hơn 10 triệu NDT, với tỷ lệ 3/1.000 người ở Trung Quốc, tiêu thụ hơn 80% tổng số xa xỉ phẩm.

    Trước đại dịch, các thương hiệu xa xỉ đã sử dụng những chiến lược phổ biến để phát triển bằng cách mở rộng cơ sở người tiêu dùng. Nhưng khi nền kinh tế thế giới đình trệ do đại dịch, họ lại bắt đầu dựa dẫm nhiều hơn vào nhóm khách hàng siêu giàu”, bà nói thêm.

    Theo Zing

  • Hết tiền thuê nhà sau bốn năm thất nghiệp, Lý Thọ bán hết đồ đạc rồi dựng lều ngoài đường sống tạm bợ.

    Lý Thọ, 29 tuổi, người Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên mua một chiếc lều cũ giá 400 tệ (1,5 triệu đồng) để sống tại một bãi xe bỏ hoang gần một năm nay.

    Xung quanh lều là gạch đá ngổn ngang với cây cối um tùm vì là nơi chứa phế thải xây dựng. Bên ngoài lều, Lý treo tấm biển nhắc nhở mọi người đây là nơi ở của mình, vui lòng không động vào bởi không có đồ đạc giá trị bên trong.

    "Đây là nhà tôi chứ không phải đồ bỏ đi. Nếu muốn tôi chuyển đến nơi khác, vui lòng gọi điện thông báo. Nếu việc tôi ở đây làm phiền người khác, tôi sẽ lập tức rời đi", Lý viết.

    Câu chuyện của Lý Thọ sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã gây tranh luận gay gắt về trào lưu "tangping" (nằm yên không làm gì) của một bộ phận giới trẻ Trung Quốc. Từ này có nghĩa là chỉ làm những gì tối thiểu để sống qua ngày và không phấn đấu vì điều gì khác ngoài những gì cần thiết để tồn tại. Nhiều người coi đó là cách để họ phản ứng, chống đối lại văn hóa làm việc ngày càng độc hại và cạnh tranh quá mức của Trung Quốc, đặc biệt gây khó khăn đối với những người trẻ tuổi. Lý Thọ cũng nằm trong số đó.

    song luoi bieng 1
    Căn lều của Lý Thọ với tấm biển cảnh báo cũng như bữa ăn được nấu trong ngày của anh. Ảnh: baidu

    Lý sinh ra trong gia đình có bố mẹ là công nhân, cả tuổi thơ gắn liền với ông bà ngoại. Từ nhỏ cậu đã sống nội tâm, không có bạn bè.

    Năm 18 tuổi, Lý thi trượt đại học. Do gia đình quá nghèo nên cậu xin học tại một trường cao đẳng dạy nghề gần nhà. Tốt nghiệp, Lý làm nhiều công việc khác nhau như thợ sửa xe, viết bài quảng cáo, tiếp thị xe hơi nhưng không được bao lâu.

    Khi làm tiếp thị xe hơi, công việc đòi hỏi phải tiếp khách thường xuyên. Lý vốn không biết uống rượu, cũng không muốn bị ép uống nên nhiều lần từ chối lời mời của khách hàng cũng như bỏ qua những cuộc điện thoại của cấp trên. Vì lý do này mà anh xung đột với lãnh đạo rồi bị cho nghỉ việc.

    Thất nghiệp, Lý nghĩ đến việc phải thay đổi tính cách để hòa nhập tốt hơn với đám đông. Nhưng rồi chàng trai này nhận ra, càng cố gắng lại càng thấy đau khổ bởi anh vốn thuộc người hướng nội và không có tài ăn nói. Sau đó Lý chuyển sang nghề sửa chữa ô tô để không phải tiếp xúc nhiều nhưng bị lừa tiền.

    Thời điểm căng thẳng nhất, Lý dành thời gian chơi game và lướt điện thoại. Vì không chú tâm vào công việc nên anh tiếp tục bị cho nghỉ việc.

    Năm 2020, với 40.000 tệ tiền tiết kiệm, Lý thuê căn phòng rộng 15 m2 ở vùng ngoại thành và quyết định sống "nằm yên không làm gì". Để giảm thiểu chi phí, anh hiếm khi ra ngoài. Hầu hết thời gian trong ngày chỉ nằm trên giường xem tivi hoặc điện thoại. Ba năm dịch bệnh, Lý đã sống như vậy trong nhà thuê, thậm chí không cảm nhận được sự thay đổi của thời gian.

    "Nhưng đây là khoảng thời gian tôi thấy hạnh phúc nhất", Lý nói. Anh không còn bị ám ảnh bởi những thất bại trong quá khứ cũng như lo lắng về công việc trong tương lai. Chàng trai ngày càng đắm chìm trong sự rảnh rỗi, cảm thấy cả thân thể và tinh thần đều đạt tự do tuyệt đối.

    Tháng 10/2022, tiền tiết kiệm của Lý Thọ hết. Anh bán chiếc máy tính và máy ảnh, hai thứ giá trị nhất, để lấy hơn 4.500 tệ, sau đó mua một chiếc lều giá 400 tệ để bắt đầu cuộc sống lang bạt.

    "Ưu điểm lớn nhất của việc sống trong lều là có thể tiết kiệm tiền thuê nhà", Lý nói. Tuy nhiên cuộc sống của anh cũng trở nên bất tiện hơn.

    Chàng trai này tiết kiệm hết mức có thể. Anh không dùng gas, nhiên liệu duy nhất sử dụng là củi khô. Lý lấy một chiếc thùng sắt hỏng làm thành bếp lò, thớt là viên ngói vỡ nhặt được ngoài đường.

    Lý cũng quy định chỉ ăn một bữa và chi tiêu không vượt quá 10 tệ mỗi ngày. May mắn có một siêu thị giảm giá gần nơi anh sống, buổi tối nhiều đồ gần hết hạn như thịt hay rau xanh được ưu đãi. Hàng ngày, chàng trai này loay hoay nấu ăn, xoay quanh vài món cơ bản gồm bánh trứng khoai tây, mì, bánh bao và lẩu bò.

    Thay vì nhận sự giúp đỡ từ người khác cũng như duy trì cuộc sống, Lý Thọ chia sẻ cuộc sống của mình lên kênh cá nhân. Từ kênh này, anh đã kiếm được 1.800 tệ bởi có hàng chục nghìn người theo dõi. Dù bạn bè cho rằng cuộc sống của Lý khổ sở, nhưng với anh tiêu tiền ít nhất giúp bản thân có được hạnh phúc và tự do nhiều nhất.

    "Nhiều người cho rằng tiền có thể làm tất cả mọi thứ nhưng với tôi hạnh phúc là sử dụng ít nhất những thứ liên quan tới tiền", Lý nói.

    Chàng trai này chia sẻ sau khi trở thành "đồ phế thải" theo như đánh giá của nhiều người, anh có thời gian cảm nhận từng cơn gió mơn man qua mặt, ngắm nhìn sự thay đổi của những bông hoa dại bên đường. Anh còn ghi chép thực đơn đầy đủ bữa ăn nấu trong ngày hay chụp cảnh tuyết rơi hàng chục năm mới có một lần ở Thành Đô vào mùa đông năm ngoái.

    song luoi bieng 1
    Lý Thọ nằm trong căn lều của mình. Để tiết kiệm chi phí, anh chi tiêu hạn chế nhất có thể. Ảnh: baidu

    Sau khi chia sẻ câu chuyện về cuộc sống trên mạng xã hội, nhiều dân mạng bày tỏ sự quan ngại với Lý. Một số người cho rằng: "Sống như vậy chả phải là quá khổ sao, đi tu có khi còn tốt hơn". Thậm chí, có người đặt câu hỏi, liệu đầu óc chàng trai này bình thường?

    Tuy nhiên, nam thanh niên khẳng định đây là lựa chọn tự mình đưa ra và hài lòng với cuộc sống hiện tại, bất chấp chỗ ăn ở tạm bợ. Lý cho hay, khi dám từ bỏ những mục tiêu xa vời, con người sẽ cảm nhận được sự bình yên và thích nghi được với việc thay đổi hoàn cảnh. "Tôi thấy rất ổn với cuộc sống này", anh khẳng định.

    Dù được nhiều bạn trẻ ủng hộ, nhưng cách sống giống như Lý Thọ đang bị truyền thông Trung Quốc lên án dữ dội. Nhật báo Quang Minh - một trong những tờ báo hàng đầu - đã có bài viết khẳng định, cộng đồng "tang ping" không tốt cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước tỷ dân.

    Bài báo nhấn mạnh: "Bất luận thế nào, người trẻ phải có niềm tin vào tương lai. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới, nguồn lao động dồi dào và lợi thế thị trường khổng lồ. Cuộc sống chỉ hạnh phúc khi chúng ta làm việc chăm chỉ".

    Theo VnExpress

  • Chàng trai này từng tốn một nửa tháng lương chỉ để chi trả tiền nhà mỗi tháng. Vậy nên khi sở hữu không gian sống thoải mái của riêng bản thân, anh cảm thấy mọi vật chất hay mối quan hệ khác đều không quá cần thiết.

    mua nha 5 ty 1

    Mua nhà vì tiền trọ tăng gấp đôi

    Khi đang ở độ tuổi mọi người xung quanh đều lao vào kiếm tiền, liều lĩnh leo lên vị trí cao hơn, chàng trai Hoàng Sơn (Thành Đô, Trung Quốc) đã quyết định rời bỏ công việc và dùng tất cả tiền tiết kiệm về quê mua nhà, an cư lạc nghiệp.

    Sau khi tốt nghiệp đại học, Hoàng Sơn làm việc tại một công ty bất động sản ở Thượng Hải trong 5 năm. Vào thời điểm đó, bất động sản đang bùng nổ, có triển vọng rất tốt, nhưng anh nhận ra mình thích một cuộc sống có nhiều thử thách hơn. Vì vậy, chàng trai trẻ chọn một con đường khác đầy chông gai, đó là tới Tây An lập nghiệp.

    mua nha 5 ty 1
    Chân dung Hoàng Sơn

    Nếu nhìn lại những ngày tháng đó với góc nhìn hiện tại, Hoàng Sơn chắc chắn sẽ đồng tình với lời khuyên của bạn bè rằng anh lúc đó chưa đủ trưởng thành, dự án chưa đủ khả thi và tinh thần khởi nghiệp sẽ sớm bị dao động. Nhưng ở độ tuổi chỉ muốn kiếm tiền đó, Hoàng Sơn chọn bất chấp lao vào và kết quả cuối cùng chắc chắn không như ý muốn.

    Sau khi khởi nghiệp thất bại ở tuổi 28, Hoàng Sơn đã rút ra nhiều bài học thương đau, trở về quê hương Thành Đô và làm công việc freelancer thiết kế thương hiệu trong 3 năm. Sau một thời gian lăn lộn và dần mệt mỏi với cuộc sống ở thuê, anh chàng quyết định mua nhà với số tiền mà anh tiết kiệm được trong nhiều năm. 

    Trên thực tế, lý do khiến Hoàng Sơn quyết định mua nhà là tiền thuê phòng đột ngột tăng gấp đôi. Vậy nên chàng trai đã chi 1,2 triệu NDT (tương đương 4 tỷ đồng) để mua một căn nhà 50m2.

    mua nha 5 ty 1

    mua nha 5 ty 1
    Căn nhà trước khi cải tạo

    Quá trình tự thiết kế căn nhà của mình

    Do mua nhà đã tiêu hết số tiền tiết kiệm nên Hoàng Sơn không thể tìm một công ty thiết kế chuyên nghiệp để cải tạo nhà. Anh chàng đã đích thân thiết kế và giám sát thi công, đồng thời chi thêm 180.000 NDT (tương đương 600 triệu đồng) để xây dựng căn hộ thành một nơi hoàn hảo tích hợp cả văn phòng làm việc và nơi ở.

    Trong quá trình chuyển đổi bố cục tổng thể, Hoàng Sơn đã phá bỏ và thay đổi hướng của nhà bếp. Cửa bếp vốn đối diện với cửa ra vào nay được đổi thành đối diện với phòng khách, giúp tầm nhìn tổng thể được mở rộng, ánh sáng trong hơn, tạo cho người nhìn cảm giác mạch lạc, rộng rãi. Toàn bộ ngôi nhà được lát bằng gạch màu xám mờ, có khả năng chống bám bẩn và dễ chăm sóc, rất phù hợp với những chàng trai sống một mình lười vệ sinh vào ngày thường.

    mua nha 5 ty 1

    mua nha 5 ty 1
    Phòng khách và văn phòng của Hoàng Sơn

    Phòng ăn với khu vực làm việc cũng sử dụng đèn chùm dải dài, tránh làm tăng cảm giác chật chội cho không gian, đồng thời có thể tạo thêm phong cách cho văn phòng. Anh chàng chủ yếu chọn gỗ óc chó và  đồ nội thất đen xám để trang trí, vừa đơn giản vừa lại mang nét cổ điển, sang trọng.

    Trong nhà của Hoàng Sơn, bạn không thấy bất kỳ chiếc bàn hay ghế sofa nào quá nặng nề, và hầu như tất cả chúng đều có kiểu dáng với phần chân mảnh. Lựa chọn này không chỉ tiết kiệm không gian, dễ vệ sinh mà còn trông nhẹ nhàng và gọn gàng hơn về mặt thị giác.

    mua nha 5 ty 1

    Ngoài ra, trong nhà Hoàng Sơn còn có tổng cộng 100 chậu cây thuộc các loài khác nhau. Theo chàng trai này, cây xanh là vật trang trí tốt nhất trong toàn bộ ngôi nhà, chỉ khi sống trong một môi trường tràn đầy sức sống, bạn mới có thể ngày càng phát triển đi lên và luôn yêu cuộc sống. Tổng chi phí Hoàng Sơn bỏ ra để có một không gian sống ưng ý là hơn 1,38 triệu NDT (tương đương 4,6 tỷ đồng).

    mua nha 5 ty 1

    mua nha 5 ty 1
    Nhà của Hoàng Sơn như một khu vườn thu nhỏ.

    32 tuổi, không xe hơi và không người yêu vẫn sống tốt

    Đôi khi chàng trai trẻ nhớ về những ngày thuê nhà ở thành phố đắt đỏ Thượng Hải, một nửa tiền lương chỉ để trả tiền nhà. Chưa kể điều kiện sống cũng không vừa ý, phòng chỉ vỏn vẹn 10m2, hoàn toàn không có sự riêng tư như ý.

    Giờ đây, với ngôi nhà nhỏ 50m² này, Hoàng Sơn cuối cùng cũng có thể trút bỏ mọi rào cản và thực sự là chính mình. Anh chàng đã tập trung cuộc sống, vào cảm xúc của mình, bồi đắp sự mạnh mẽ và để bản thân bình tĩnh đối mặt với mọi thứ trong cuộc sống. 

    mua nha 5 ty 1

    mua nha 5 ty 1
    Góc phòng khách có cửa sổ lớn.

    Nấu nướng, pha trà, chăm sóc cây cối,... cuộc sống bình dị hàng ngày khiến Hoàng Sơn cảm thấy yên bình. Tuy nhiên, cuộc sống tuổi 30 tuổi không yêu ai trong 10 năm và sống một mình không hoàn toàn nhận được sự đồng tình của mọi người xung quanh. 

    Anh chàng đôi khi cũng nhận phải những lời thúc giục sớm kết hôn từ bạn bè. Nhưng đối với Hoàng Sơn, người đã quen với sự tự do, không dễ dàng bắt đầu một mối quan hệ thân mật và anh cũng không muốn ép buộc bản thân trong chuyện tình cảm. 

    Cũng có một người bạn thẳng thắn hỏi Hoàng Sơn vì sao đi làm nhiều năm như vậy lại không có ô tô, anh chàng đáp lại rằng thành công không nên có những tiêu chí nhất định, không có nhà hay xe hơi không có nghĩa là thất bại.

    mua nha 5 ty 1

    mua nha 5 ty 1
    Cuộc sống tự do của chàng trai 32 tuổi.

    Hoàng Sơn chia sẻ dù anh không có đầy đủ những thứ tài sản và mối quan hệ theo tiêu chuẩn thành công của xã hội nhưng anh không cảm thấy chán hay ghen tỵ với bất kỳ ai. “Bạn có sự kiên trì của bạn, tôi có sự bướng bỉnh của tôi, mỗi người đều có múi giờ riêng, đừng để ai phá vỡ nhịp điệu cuộc sống của bạn”, Hoàng Sơn nói.

    Thể thao & Văn hóa (Bài/ Ảnh: Toutiao)

  • Nhiều cư dân mạng cũng đã vô cùng bất ngờ khi biết được mức lương trước đây của cô giáo này và số tiền mà cô kiếm được sau một buổi livestream.

    Trong thời buổi công nghệ số như hiện nay, dường như Internet là một công cụ kiếm tiền dễ dàng cho nhiều người, đến mức khiến họ choáng ngợp và không ngần ngại bỏ luôn công việc hiện tại mà câu chuyện của một cô gái trẻ ở Trung Quốc dưới đây là một ví dụ.

    Theo thông tin mà tờ World Of Buzz đăng tải, dẫn lại thông tin trên tờ Oriental Daily, một cô giáo mầm non họ Hoàng ở Vũ Hán, Hồ Bắc bỗng dưng nổi tiếng sau một video ghi lại cảnh cô hát và dạy một bài hát mẫu giáo.

    co giao livestream ban hang 1
    Cô Hoàng đã nhanh chóng nổi tiếng với ngoại hình nổi bật

    Theo những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, cô Hoàng có gương mặt rất trẻ trung, xinh đẹp với làn da trắng hồng, ngũ quan thanh tú. Cùng với giọng hát ngọt ngào, cô Hoàng đã nhanh chóng "đốn tim" cộng đồng mạng và số người xem video của cô đã tăng đến chóng mặt, tới hơn 100 triệu lượt xem với vô số netizen trở thành người hâm mộ cô.

    Chỉ trong một thời gian ngắn, cô gái xinh đẹp đã có hơn 4 triệu lượt người theo dõi. Nhận được sự cổ vũ từ những người hâm mộ này, cuối cùng cô Hoàng đã thực hiện buổi livestream đầu tiên. Hàng chục ngàn người hâm mộ đã hồi hộp theo dõi buổi livestream này và cứ vài giây lại có người tặng quà cho cô.

    co giao livestream ban hang 1
    Vì quá vui mừng, cô Hoàng đã rơi nước mắt trong buổi livestream

    Trước sự cổ vũ, động viên của người hâm mộ, cô giáo mầm non đã xúc động đến rơi nước mắt và cảm ơn tình cảm của họ.

    "Tôi rất hạnh phúc và phấn khích. Tôi cũng không ngờ mình lại kiếm được nhiều tiền đến thế, chỉ làm một buổi livestream mà tôi thu được số tiền còn nhiều hơn 10 năm nhận lương giáo viên mầm non của tôi. Cảm ơn tất cả các bạn", cô Hoàng xúc động chia sẻ.

    Được biết, số tiền mà cô Hoàng kiếm được trong buổi livestream đó là từ 400.000 đến 500.000 Nhân dân tệ (tương đương từ 1,3 tỷ - 1,7 tỷ VNĐ). Trong khi đó, mức lương hàng tháng của một giáo viên mầm non ở Vũ Hán là vào khoảng 3.000 Nhân dân tệ, tức là chỉ vào khoảng 10 triệu VNĐ. Do đó, số tiền thu được từ buổi livestream đó cũng tương đương với 10 năm làm giáo viên mầm non.

    Chính vì sự chênh lệch quá lớn này, cô Hoàng đã quyết định nghỉ việc và chuyển sang việc livestream. Chỉ trong 3 buổi livestream, cô Hoàng đã kiếm được khoảng 2 triệu Nhân dân tệ (gần 6,8 tỷ VNĐ).

    Trước câu chuyện này, nhiều người cho biết nếu là cô Hoàng thì họ cũng sẽ nghỉ việc để chuyên tâm livestream. Một số cho rằng mức lương cho giáo viên nên được cân nhắc lại để đảm bảo cuộc sống cho các giáo viên cũng như tránh xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám", ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cũng như tương lai của các học sinh sau này.

    Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc kiếm tiền trên mạng đúng là có dễ dàng, nhưng cũng bấp bênh và đi cùng nhiều rủi ro. Bạn có thể nổi tiếng qua một đêm, nhưng thanh danh cũng có thể bị hủy hoại chỉ qua một đêm. Nếu không biết quản lý tốt hình ảnh của bản thân thì mọi thứ có được cũng nhanh chóng bị tiêu tán.

    Theo Thể thao Văn hóa

  • Để con trai được đến trường an toàn, ông bố này không tiếc chi 20 tỷ để xây trường mẫu giáo mới cho con mình đi học.

    Bất cứ ông bố bà mẹ nào có con trong độ tuổi chuẩn bị đến trường đều có nhiều lo lắng và bất an về mọi vấn đề liên quan đến con. Đó cũng là tâm sự của một người đàn ông họ Hứa sống tại thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

    Truyền thông địa phương đưa tin, anh Hứa có một cậu con trai nhỏ đang đến tuổi đi học mẫu giáo. Tuy nhiên, khi anh Hứa đi tham khảo các trường mẫu giáo ở gần nhà, anh vẫn cảm thấy lo lắng cho vấn đề an toàn của con trai. Anh cũng sợ giáo viên ở những trường này không đủ tốt, không thể chăm sóc con trai mình một cách tận tình và chu đáo được. Vì thế, anh Hứa không yên tâm gửi con đi học mẫu giáo.

    tu xay truong hoc 3

    Sau một thời gian suy tính, anh Hứa quyết định sẽ tự mình chi ra 6 triệu nhân dân tệ (hơn 20 tỷ đồng) để xây dựng một ngôi trường mẫu giáo. Anh cho rằng đó là ngôi trường do mình làm chủ, giáo viên cũng do mình thuê về nên ắt hẳn sẽ yên tâm hơn về mọi mặt. Trong số 6 triệu nhân dân tệ đó, anh Hứa sử dụng 450.000 nhân dân tệ (hơn 1,5 tỷ đồng) để thiết kế, số tiền còn lại dùng để xây dựng, trang trí và sắm cơ sở vật chất cho ngôi trường.

    Thông qua video, có thể thấy ngôi trường mẫu giáo mà anh Hứa xây dựng vô cùng khang trang, rộng rãi, sạch sẽ và đầy đủ. Ngoài những cơ sở vật chất cơ bản giống như nhiều trường mẫu giáo khác, ngôi trường này còn có cả phòng vẽ tranh, phòng xem phim, bể bơi, sân tập thể dục, phòng trò chơi, cầu trượt từ tầng 2 xuống tầng 1, bên ngoài có bãi cỏ rộng với nhiều cây cối xanh tốt... Ngoài ra, do địa phương này có mùa đông rất lạnh giá nên anh Hứa cũng lắp thêm hệ thống sưởi dưới sàn nhà để đảm bảo giữ ấm cho học sinh và giáo viên.

    tu xay truong hoc 3

    Anh Hứa cho biết anh mất 7 tháng để xây dựng và hoàn thiện trường mẫu giáo này. Dự định, học phí mỗi tháng của trường sẽ là 3.980 nhân dân tệ (hơn 13 triệu đồng), chưa bao gồm chi phí ăn uống. Anh Hứa nói rằng việc xây dựng ngôi trường mẫu giáo này không chỉ giúp con trai anh được đến trường an toàn mà còn là để thực hiện ước mơ từ thời thơ ấu của chính anh Hứa.

    Sau khi câu chuyện này được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, nó đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm bàn luận lớn của cộng đồng mạng. Hầu hết mọi người đều ngưỡng mộ và bái phục độ "chịu chơi" của anh Hứa:

    "Đúng là bố của người ta không bao giờ làm tôi thất vọng".

    "Không biết ông bố này có thiếu con trai không?".

    "Nhìn trường mẫu giáo hoành tráng và quy mô thế này, tôi cũng muốn gửi con đến đây học".

    "Học phí như vậy cũng không quá đắt đâu, học phí mẫu giáo ở Thượng Hải là hơn 10.000 nhân dân tệ (hơn 34 triệu đồng) mỗi tháng cơ"...

    Theo Người Đưa Tin

  • Vị khách này đi ăn một mình nhưng ngồi đến 5 tiếng, gọi 15 phần sashimi, 8 phần gan ngỗng Pháp, 6 phần thịt bò rồi lén bỏ vào túi chuẩn bị sẵn đem về nhà.

    Đủ loại “lách luật” gây phẫn nộ

    Thời gian gần đây, mạng xã hội Trung Quốc bùng nổ bởi tin tức một người phụ nữ họ Hứa ở tỉnh Quý Châu đi ăn buffet suất 218 NDT/suất (hơn 700.000 đồng), 5 bữa/tháng nhưng đã lén mang lượng lớn thức ăn ở nhà hàng về.

    Nhà hàng người phụ nữ này tới là một nhà hàng Nhật Bản có quy định rõ ràng với khách ăn buffet không được đóng gói mang về, lãng phí hơn 1 lạng sẽ bị tính phí. Nhà hàng cho biết cô Hứa mỗi lần đi ăn đều đi 1 mình nhưng ngồi đến 5 tiếng, gọi rất nhiều món. Các nhân viên đã phát hiện người phụ nữ này mang theo rất nhiều túi nhỏ để bỏ thức ăn vào đó.

    “Cô gái này thích gọi nhiều món đắt tiền như sò lông, cá hồi Bắc Cực, gan ngỗng Pháp,... có lần còn gọi đến 15 phần sashimi tôm, 8 phần gan ngỗng Pháp, 6 phần thịt bò”, chủ nhà hàng cho biết.

    goi buffet mang ve 1

    goi buffet mang ve 1
    Hình ảnh người phụ nữ họ Hứa do camera nhà hàng ghi lại. Ảnh: Toutiao

    Sau khi phát hiện sự việc, nhân viên đã nhắc nhở cô Hứa nhưng người phụ nữ này chỉ vội vàng rời đi. Tổng số phần ăn cô Hứa gói mang về lên tới 45.653 NDT (hơn 150 triệu đồng), người phụ nữ này chỉ đồng ý bồi thường 5 suất ăn buffet tương đương hơn 1.000 NDT (hơn 3 triệu đồng). Kết quả là chủ nhà hàng đã đệ đơn kiện người phụ nữ họ Hứa ra tòa.

    Mặc dù suất ăn buffet cho phép khách hàng ăn không giới hạn nhưng quy định “cấm mang về” rất rõ ràng, người biết rõ nhưng cố tình lách luật không chỉ một lần có thể phải nhận cái kết đắng.

    Đây không phải lần đầu tiên mạng xã hội đất nước tỷ dân dậy sóng chỉ vì những chiêu “lách luật”, bỏ tiền ít nhưng muốn hưởng nhiều của các vị khách như cô Hứa. Trước đó, năm 2021, một bà mẹ ở thành phố Hạ Môn đưa 2 con đi ăn lẩu nhưng không gọi lẩu mà chỉ gọi nửa phần mỳ, một bát cơm và một quả trứng.

    Người phục vụ thấy có trẻ con nên còn tặng thêm 2 quả trứng hấp, hoa quả và đồ chơi. Những đứa trẻ còn được chơi trong khu vui chơi nhà hàng, còn bà mẹ đi làm móng miễn phí và chỉ phải bỏ ra 27 NDT (~91.000 đồng). Tuy vậy người phụ nữ vẫn phàn nàn thái độ người phục vụ không tốt, liền bị cư dân mạng chỉ trích vì hành động của mình.

    Một cặp vợ chồng ở tỉnh Giang Tô bị cảnh sát bắt vì liên tục trốn vé tàu cao tốc. Họ thường theo sát người phía trước khi cổng chưa đóng. Cặp đôi bị cảnh sát tạm giữ hành chính và hạn chế đi tàu trong 180 ngày chỉ vì 570 NDT (gần 2 triệu đồng) lách luật.

    Tham lợi nhuận nhỏ, hậu quả lớn gấp trăm lần

    Ai trong chúng ta cũng sẽ ít nhiều gặp phải những tình huống thế này: Trong công việc có người luôn thích chọn phần dễ để phần khó cho người khác. Khi bạn bè đi ăn có người cố tình quên mang tiền nhiều lần, trốn thanh toán hóa đơn chung hay một số người quen không bao giờ chủ động trả lại tiền vay… Có thể người đó nghĩ rằng mình đang tận dụng mọi thứ, nhưng đằng sau mọi tính toán lại là một lần để hình ảnh bản thân xấu đi trong mắt mọi người xung quanh.

    Họ về cơ bản muốn lợi ích thông qua đường tắt mà không muốn đánh đổi quá nhiều, chăm chăm chú ý đến khoản lợi trước mắt. Nhưng trên thực tế, một khoản lợi nhuận nhỏ sẽ không làm cho một người trở nên giàu có, nhưng sự mất lòng tin và sự tôn trọng đối với nó có thể phá hủy tương lai của một người.

    Một kỹ sư tại Trung Quốc từng bị CSGT bắt trên đường cao tốc đầu năm 2022 vì trốn thu phí tại trạm thu phí ETC. Người này phát hiện ra chỉ cần bám sát phía sau phương tiện phía trước thì sẽ không bị tính phí nên tìm cách giảm tốc độ, tắt đèn rồi lao theo xe trước mỗi khi qua trạm. Trong cả năm, anh ta đã trốn trả phí cầu đường 191 lần, với tổng số tiền là 5.463 NDT.

    Trên thực tế, người này có một công việc lương cao ở Thượng Hải, và số tiền đó chỉ bằng nửa tháng lương của anh. Kỹ sư này bị kết án 8 tháng tù giam và nộp phạt 6.000 NDT. Công ty cũng chấm dứt hợp đồng lao động của anh này với lý do vi phạm đạo đức cơ bản của người lao động. Chỉ vì một số tiền nhỏ, anh ta đã tự chuốc lấy án tù và hủy hoại tương lai của mình.

    Một người phụ nữ khác ở Thượng Hải cũng bị bắt giữ sau khi cảnh sát phát hiện cô gian lận khi quét sản phẩm ở quầy tự thanh toán, mang về 75 món đồ trị giá 1.000 NDT. Bản thân người người phụ nữ này là quản lý hành chính của một hãng ô tô, thu nhập không hề thấp, gia đình hạnh phúc nhưng cô đã vì số tiền trên mà làm xấu đi danh tiếng chính mình.

    Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Trương Hằng cho rằng một người khó có thể kiểm soát bản thân trước những sai lầm lớn khi anh ta tính toán về những khoản tiền nhỏ. Người càng nhìn xa trông rộng sẽ không vì chút danh lợi hiện tại mà lãng phí cơ hội tương lai sau này.

    Giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nhà văn Viên Đan từng nói 99% người trên thế giới đều tham lam vì những khoản tiền nhỏ và chịu tổn thất lớn, trong khi những người chiến thắng thường đến từ 1% còn lại.

    Không có gì miễn phí trên thế giới, tất cả món quà đều được hoàn trả bằng cách này hay cách khác. Cuộc đời còn rất dài, không lợi dụng người khác, không tham lam lợi nhuận nhỏ chính là một loại tu luyện vì tương lai bản thân để tránh rơi vào những tính toán nhỏ mọn và so sánh vô nghĩa.

    Theo Thế giới Văn hóa

  • Những công trình xây dựng trong thời gian ấn tượng của Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều, khiến nhiều người không khỏi tò mò. Điều gì đã giúp họ rút ngắn thời gian một cách ngoạn mục như vậy?

    trung quoc xay nha than toc 1

    Từ cách đây cả chục năm, thế giới đã phải ngỡ ngàng khi Trung Quốc công bố những công trình xây dựng có tốc độ hoàn thành siêu nhanh. ‏

    ‏Vào cuối năm 2010, Tập đoàn Broad - một công ty xây dựng chuyên về kiến trúc bền vững ở nước này, đã giới thiệu công nghệ xây dựng nhanh chóng của họ bằng cách xây dựng Khách sạn Ark 15 tầng trong vòng chưa đầy 6 ngày, tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.‏

    ‏Họ chỉ sử dụng một đội gồm 200 công nhân, khung cấu trúc đã được dựng lên chỉ trong 46,5 giờ. Các bề mặt phi kết cấu bên ngoài và bên trong được hoàn thành trong 90 giờ nữa. Như vậy, tổng thời gian để xây dựng xong một khách sạn 15 tầng của họ chỉ khoảng 140 giờ đồng hồ.

    trung quoc xay nha than toc 1
    Họ chỉ sử dụng một đội gồm 200 công nhân.

    trung quoc xay nha than toc 1
    Công việc được thực hiện bất kể ngày đêm.

    trung quoc xay nha than toc 1
    Khung cấu trúc đã được dựng lên chỉ trong 46,5 giờ.

    Bất chấp tốc độ xây dựng điên cuồng, không có công nhân nào bị thương trong suốt quá trình này. ‏

    ‏Đáng chú ý, theo tập đoàn này công bố, Khách sạn Ark chỉ sử dụng 1/6 vật liệu so với một tòa nhà có kích thước tương đương, với chi phí tiết kiệm được 20%. Theo Yahoo News, chính tính chất nhà lắp ghép của quy trình, những người xây dựng giảm lãng phí vật liệu xây dựng một cách tối đa.‏

    ‏Trong khi đó, công trình vẫn đủ bền đến mức có thể chịu được động đất 9.0 độ richter. ‏

    ‏Ngoài ra, tòa nhà sử dụng một số công nghệ để mang lại hiệu quả năng lượng gấp 5 lần so với các tòa nhà tương đương. Cụ thể, hệ thống này bao gồm cửa sổ 3 ô, rèm che nắng bên ngoài, lớp cách nhiệt 6 inch, hệ thống thông gió thu hồi nhiệt và hệ thống chiếu sáng LED. ‏

    ‏Ngay sau đó, tập đoàn này cũng cho biết, họ có kế hoạch xây dựng 15 công trình tương tự ở Trung Quốc và 30 công trình khác ở nước ngoài.‏

    ‏Mới đây hơn, Trung Quốc cũng từng lập một kỷ lục xây dựng khác khi xây dựng một tòa nhà chọc trời cao 57 tầng chỉ trong vòng 19 ngày. ‏

    ‏Tòa nhà mang tên Sky City, tọa lạc tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, bao gồm 800 căn hộ và văn phòng làm việc với sức chứa khoảng 4.000 người. Khoảng 1.200 công nhân được huy động làm việc hết công suất không kể ngày đêm tại công trình này. Trong quá trình thi công, họ từng gặp vấn đề nên bị ngắt quãng, nhưng tổng thời gian thực hiện vẫn chỉ mất chưa đến 3 tuần đã hoàn thành.

    trung quoc xay nha than toc 1

    Theo Oddity Central, bí quyết của phương pháp rút ngắn thời gian trong xây dựng này cũng là nhờ tính chất lắp ghép. Công ty thiết kế tòa nhà, Broad Sustainable Building, đã không sử dụng phương pháp đổ bê tông, mà dùng cách lắp ghép các khung sắt có sẵn. ‏

    ‏Broad Sustainable Building cũng rút ra rằng, phương pháp xây dựng độc đáo này giúp giảm bớt lượng bê tông được sử dụng, đồng thời hạn chế lượng bụi thải vào không khí đến 99,9%.

    ‏Điều gì giúp họ hoàn thành những công trình "thần tốc"?

    ‏Với công trình khách sạn Ark, công bằng mà nói, toàn bộ quá trình xây nền móng và những hệ thống cần có dưới mặt đất đã được hoàn thành trước khi đồng hồ bắt đầu hoạt động. ‏

    ‏Bên cạnh đó, hầu hết các bộ phận đúc sẵn đã được sản xuất trong một nhà máy chuyên dụng trước đó, sau đó mới đưa vào hệ thống xây dựng sử dụng. "Chi phí thời gian" để sản xuất những bộ phận này đã được loại ra khỏi thời gian xây dựng, chưa hề được công khai tính toán. 

    trung quoc xay nha than toc 1

    Nếu cộng gộp cả 2 quy trình này vào, con số nhất định sẽ vượt quá thời gian 6 ngày đã được công bố. Dù vậy, tốc độ để xây từ mặt đất thành một khách sạn 15 tầng của họ cũng đã là một con số rất ấn tượng.‏

    ‏Kể từ đó, Tập đoàn Broad và công nghệ xây dựng nhanh chóng của họ đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Sự sáng tạo và đổi mới trong các phương pháp xây dựng chính là một yếu tố không thể thiếu, giúp toàn ngành phát triển ngày một tốt hơn.‏

    ‏Theo New Atlas nhấn mạnh, khía cạnh bảo vệ môi trường chính là điều ấn tượng nhất. Hiệu quả năng lượng, giảm sử dụng vật liệu và giảm thiểu chất thải xây dựng đều có tầm quan trọng hàng đầu nếu muốn xây dựng một môi trường nhân văn bền vững cho ngành xây dựng trong tương lai.

    Theo Phụ nữ Việt Nam

  • Nhờ sự thay đổi của xu hướng thưởng trà, những người Vân Nam nhanh chóng kiếm được bộn tiền từ những gốc chè cổ thụ, vốn bị cho là vô giá trị.

    tra pho nhi trung quoc 1

    Ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có một ngôi làng giàu lên nhờ loại cây được ví như cỗ máy in tiền. Tại đây, gia đình nào cũng là “triệu phú”, sở hữu nhà lầu, xe hơi là chuyện bình thường. Ngay cả gia đình làm được ít nhất cũng có thu nhập hàng năm hơn 3 triệu NDT.

    Địa danh được nhắc đến là làng cổ Ban Chương thuộc Lang Sơn, huyện Mạnh Hải, châu Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. "Ban Chương" có nguồn gốc tiếng Thái, ý nghĩa là "con cá". Ngôi làng có gần 136 hộ gia đình, môi trường sinh thái được duy trì rất tốt, sở hữu một trong những núi chè cổ thụ được bảo quản tốt nhất trong khu vực.

    Dân làng Ban Chương là hậu duệ của những người đầu tiên trên thế giới trồng trọt, pha chế và uống trà. Ngôi làng nằm ở vị trí có cao 1.700-1.900 mét so với mực nước biển, có núi trập trùng và thung lũng đan xen, thuộc vùng khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, nắng và mưa dồi dào. 

    Loài cây “thất sủng” bỗng bán được giá cao

    Cây trà nào ở làng Ban Chương cũng đáng giá hàng vạn NDT vì đây là nguồn gốc cho ra đời loại chè Phổ Nhĩ có mức giá đắt đỏ. 

    tra pho nhi trung quoc 1
    Một cây chè cổ thụ.

    Cuối những năm 90, trà thu hoạch từ những gốc cổ thụ vẫn có giá chưa tới 1 NDT/kg, bị coi là loại có chất lượng kém nhất. Các công ty chè chỉ chuộng loại màu nhạt, lá nhỏ, búp nhỏ. Tuy nhiên, từ năm 2007 trở đi, Phổ Nhĩ cổ thụ trở thành lựa chọn ưa thích của những người sành trà, thương gia và người tiêu dùng tầng lớp trung lưu trở lên. Họ ca ngợi hương vị, kỹ thuật thu hái được bảo chứng qua thời gian và xem nó như di sản, thứ trà chỉ có vua chúa ngày xưa được thưởng thức.

    Trà Phổ Nhĩ lừng danh thiên hạ về dược tính quý báu, để càng lâu càng ngon. Đỉnh điểm, loại trà này từng có giá lên tới 3,5 triệu NDT/kg (khoảng 12 tỷ đồng/kg). 

    Phổ Nhĩ nổi bật vì sự phổ biến và hệ thống phân loại có phương pháp trong suốt lịch sử hàng trăm năm. Bánh trà khi sản xuất ra được yêu cầu phải được bảo quản một cách tỉ mỉ trong bóng tối và độ ẩm hoàn hảo.

    Có quan điểm cho rằng: “Kim cương sẽ không thay đổi ở bất cứ nơi đâu trên thế giới nhưng chất lượng của trà thì phụ thuộc vào nguồn gốc, khâu bảo quản, người pha, sự hiểu biết về trà và cả nguồn nước”.

    Kiếm bộn tiền nhờ phương thức truyền thống

    Từ xa xưa, dân làng Ban Chương đã tuân theo phương pháp cổ xưa truyền thống để duy trì những cây trà cổ thụ. Họ cũng áp dụng hình thức hái lá tươi bằng tay, chiên và nhào bột trà xanh theo kinh nghiệm được truyền lại từ thế hệ trước. 

    Trà Ban Chương là một trong số ít nơi ở tỉnh Vân Nam không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và có cây trà sinh trưởng trong môi trường sinh thái nguyên thủy nhất.

    tra pho nhi trung quoc 1
    Hái lá chè và phơi khô.

    Trà từ cây cổ thụ được hái ở Ban Chương trà có mùi thơm nồng, đậm và êm dịu, được tôn vinh là "vua" của các loại trà. 

    Chỉ trong một thời gian ngắn, giá trà tăng lên gấp 10 lần. Vài năm trở lại đây, giá thu mua chè trực tiếp tăng vọt lên 680.000 NDT/kg (khoảng 2,3 tỷ đồng/kg). Trong khi đó, cả làng Ban Chương có hơn 4.000 gốc trà cổ thụ, tổng sản lượng trà một năm khoảng 50 tấn. Từ đó, thu nhập của người dân trong lành cũng được nâng lên nhiều lần. 

    Ngân hàng tự tìm đến để người dân gửi tiền

    Trước khi nghề làm trà phát triển, người dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp. Do vị trí địa lý không thuận tiện, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn.

    Từ năm 2013 đến năm 2014, người dân trong làng ăn nên làm ra nên có nhiều tiền để dành. Để thuận tiện cho người dân gửi tiết kiệm, Hợp tác xã tín dụng nông thôn Trung Quốc đã thành lập một chi nhánh ngân hàng dành riêng cho làng Ban Chương. 

    tra pho nhi trung quoc 1
    Các công trình nhà cửa không ngừng mọc lên.

    tra pho nhi trung quoc 1
    Nhà dân vô cùng giàu có.

    tra pho nhi trung quoc 1
    Biệt thự mọc lên như nấm.

    Năm 2013, nhờ cây trà thu nhập ròng bình quân đầu người của 126 hộ gia đình ở làng Ban Chương đã đạt 200.000 NDT. Sau hơn 10 năm, thu nhập bình quân đã tăng gấp 10 lần. Trong thôn có rất nhiều chỗ đậu xe, có siêu thị và nhà hàng. Mỗi nhà mỗi hộ đều như lâu đài, xây to bao nhiêu cũng được, trang hoàng lộng lẫy bao nhiêu cũng được.

    CafeF (theo Toutiao)

  • Ai mà chẳng muốn có tiêu chuẩn và yêu cầu cho người bạn đời của mình. Tuy nhiên nếu như tiêu chí đó quá cao so với thực tế thì cũng nên xem xét lại để cân bằng hơn.

    Mới đây, báo chí Trung Quốc đưa tin về câu chuyện của một người phụ nữ họ Lâm (đã đổi tên) đến từ Thượng Hải (Trung Quốc). Cô Lâm năm nay 41 tuổi, có bằng tiến sĩ của đại học danh giá, vẫn còn độc thân và đang muốn lập gia đình.

    Theo lời kể của cô Lâm, cô đã từng có bạn trai và yêu trong nhiều năm. Sau đó, vì học vấn của cô ngày càng cao, hai bên ít có tiếng nói chung trong cuộc sống nên đã dẫn đến chia tay. Sau đó, cô dồn hết thời gian và đầu óc vào chuyện công việc, học hành.

    Nhìn thấy con gái ngày một lớn tuổi, mẹ cô ra tối hậu thư: "Năm nay con không tìm được ai thì đừng có về nhà". Trước áp lực của gia đình, cô quyết định thông qua chuyện hẹn hò mai mối để tìm đối tượng ưng ý.

    nu tien si chon chong 1
    Nữ tiến sĩ đưa ra yêu cầu cực gắt khi chọn chồng.

    Tuy nhiên, cô Lâm cũng có đến 11 tiêu chí chọn bạn đời rất cao khiến nhiều người nghe xong không dám tiến đến như sau:

    1. Bạn phải là người đến từ Thượng Hải, chứng minh thư bắt đầu bằng ID của Thượng Hải 310.

    2. Bằng đại học 985 (trường đại học thuộc dự án đẳng cấp thế giới ở Trung Quốc).

    3. Chiều cao hơn 1m8.

    4. Ngoại hình ưa nhìn, mũi thẳng, răng trắng, không hói, thị lực tốt, không đeo kính, không ngăm đen.

    5. Tiền lương hằng năm sau thuế không dưới 1 triệu NDT (khoảng 3,4 tỷ đồng).

    6. Có nhiều hơn 3 ngôi nhà trên 3 phòng ngủ ở Thượng Hải, có thể là nhà ở thương mại hoặc biệt thự đơn lập nhưng phải được xây dựng sau năm 2011.

    7. Có ô tô riêng giá thị trường không dưới 1 triệu NDT (khoảng 3,4 tỷ đồng).

    8. Sinh năm từ 1980 đến 1982.

    9. Biết làm việc nhà.

    10. Chưa từng lập gia đình.

    11. Yêu cầu với cha mẹ đối phương: Phải có lương hưu, tổng của hai người không dưới 10 nghìn NDT (hơn 34 triệu đồng), cũng phải đến từ Thượng Hải với số ID trên chứng minh thư bắt đầu bằng 310.

    Trong số các tiêu chí lựa chọn này, vấn đề về số chứng minh thư nhân dân khiến không ít người xôn xao. Theo đó, nếu những số chứng minh thư bắt đầu bằng 310 thì cơ bản họ là người Thượng Hải gốc, người dân bản địa đích thực chứ không phải dân nhập cư về.

    Sau khi xem xong các tiêu chí, dân mạng xứ Trung đã thật sự bị sốc. Họ phân tích riêng từng vấn đề. Đầu tiên là bất động sản, ở Thượng Hải tấc đất tấc vàng, để đáp ứng yêu cầu của nữ thạc sĩ thì người đàn ông phải là tỷ phú. Triệu phú cũng không đạt được tiêu chuẩn trên.

    nu tien si chon chong 1
    Cô vẫn chưa tìm ra đối tượng thích hợp.

    Vấn đề về chứng minh thư và đòi là dân Thượng Hải gốc cũng khá vô lý và có phần quá mức khắt khe.

    Còn lại 9 yêu cầu khác, người ta không bàn luận đến nhiều nhưng dân mạng vẫn cho rằng nó thật sự bất hợp lý khi nữ thạc sĩ đã ở độ tuổi 41 và nhan sắc cũng không phải quá mức hơn người. Lúc này, tuổi tác và bằng cấp cao quá đôi khi có thể là điểm bất lợi cho cô khi chọn chồng.

    Bởi vậy nên có vẻ như một thời gian kể từ khi tìm đối tượng, nữ tiến sĩ vẫn chưa kiếm được ai phù hợp với tiêu chuẩn của mình.

    Nói gì thì nói, tiêu chuẩn để tìm người kết hôn thì ai cũng sẽ có. Tuy nhiên, bản thân người đặt ra tiêu chuẩn cũng nên nhìn nhận lại bản thân mình để đưa ra những tiêu chí phù hợp hơn. Một số phỏng đoán cho rằng có thể vì muốn đối phó với gia đình nên cô mới đưa ra những yêu cầu khó có thể đáp ứng như thế chứ không phải thật lòng muốn tìm kiếm bạn đời hoàn hảo.

    Theo Thể thao & Văn hóa

  • Sau nhiều năm xa quê, 4 anh em quyết định xây một căn biệt thự mới để bố mẹ an hưởng tuổi già và khi về hưu có thể sống quây quần cả 4 gia đình bên nhau.

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1

    Kiến trúc sư Trung Quốc Trác Tâm lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Vân Nam. Sau 30 năm xa quê hương để học tập và làm việc tại thành phố lớn, anh quyết định cùng 3 người anh trai sửa lại căn nhà cũ để bố mẹ sống thoải mái hơn.

    Ngôi nhà cùng khoảng sân có diện tích tổng cộng 700m2, được xây từ năm 1986. Từ nhà có thể nhìn thấy cánh đồng lúa và bầu trời xanh qua khung cửa số, khung cảnh vô cùng bình yên vì cả làng chỉ có tầm 200 hộ gia đình.

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1
    Không gian yên bình nơi thôn quê và khoảng sân quanh căn biệt thự. Ảnh: Toutiao

    Trác Tâm và các anh đều mong muốn sau khi về hưu 4 gia đình có thể chung sống hòa thuận bên nhau nên quyết định xây biệt thự 3 tầng, có 11 phòng cho 11 thành viên. Chi phí sẽ do 4 anh em chia nhau còn kiến trúc sư Trác chịu trách nhiệm thiết kế. Trác Tâm không tiết lộ cụ thể số tiền họ bỏ ra để xây nhà nhưng theo một chuyên gia xây dựng, để xây biệt thự 700m2 ở vùng nông thôn tỉnh Vân Nam chi phí chắc chắn không dưới 800.000 NDT (~2,7 tỷ đồng).

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1
    Không gian sinh hoạt chung và hành lang dẫn ra khoảng sân của biệt thự. Ảnh: Toutiao

    Căn nhà cũ nguyên bản được giữ nguyên, bếp và chuồng lợn bên cạnh nhà cũ bị phá bỏ, xây nhà mới 3 tầng và thiết kế nhiều khoảng sân. Màu sắc kiến trúc tổng thể là màu trắng, xen kẽ yếu tố hiện đại và truyền thống địa phương như mái ngói dốc, giúp căn nhà hài hòa với không gian thiên nhiên. 

    Trác Tâm thiết kế nhà 4 mặt sân, sử dụng nhiều kính để nhà đón ánh sáng tự nhiên dễ dàng, tầm nhìn cũng thoáng đáng. Ngồi trong phòng khách có thể nhìn thấy phong cảnh cây cối, ao sen, trời mưa nhìn ra bên ngoài càng đẹp mắt.

    Nhà của người địa phương vốn tương đối khép kín nên Trác Tâm thiết kế những cửa sổ tròn làm điểm nhấn thú vị bởi khung cảnh nhìn qua cửa số sẽ thay đổi theo mùa và theo sự phát triển của thiên nhiên, ánh sáng.

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1
    Cửa sổ tròn có thể nhìn thấy khung cảnh thay đổi theo mùa. Ảnh: Toutiao

    Tầng 1 là phòng khách và không gian sinh hoạt chung. Dãy phòng nhỏ ở tầng 1 được thiết kế cho bố mẹ, có cửa sổ nhìn ra đồng lúa, sàn gỗ và nội thất gỗ thuận mắt. Người già sức vận động hạn chế nên có thể thoải mái đi lại từ sân vào phòng mà không cần đi thang bộ. 

    Căn phòng lớn nhất nằm trên tầng 3 là của anh cả, từ trong phòng có thể nhìn thấy phong cảnh thôn dã, núi non và khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp. Một căn phòng trên tầng 3 khác có tầm nhìn 270 độ ấn tượng không kém, không dùng tường truyền thống mà kết hợp gỗ và kính tạo thành điểm nhấn cho kiến trúc, ban đêm có thể nằm trên giường đếm sao.

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1
    Phòng ngủ của mẹ Trác Tâm. Ảnh: Toutiao

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1
    Căn phòng có thiết kế đặc biệt nhất. Ảnh: Toutiao

    Người địa phương nơi kiến trúc sư Trác Tâm sinh sống có truyền thống nếu gia đình nhiều anh chị em thì họ sẽ phải tách ra khi trưởng thành. Vậy nên khi họ quyết định xây nhà ở chung, một số bô lão trong làng đã lên tiếng phản đối, cho rằng 4 anh em nên ở riêng. Trong quá trình xây nhà, dù trải qua nỗi đau khi bố qua đời nhưng anh em Trác Tâm vẫn một lòng quyết tâm hoàn thiện tâm huyết này.

    Theo tâm sự của Trác Tâm, 4 anh em họ từng là những đứa trẻ duy nhất được học ĐH trong làng. Bố mẹ họ dù trong lúc khó khăn nhất cũng không cho các con nghỉ học, vậy nên họ vô cùng biết ơn bố mẹ. Bốn anh em xa quê nhiều năm, ngày lễ tết mới được quây quần, càng lớn càng hiểu giá trị của tình cảm gia đình. Nhà xây xong, cả gia đình vô cùng hài lòng nhưng vì anh em Trác Tâm nên chưa thể dọn về ở ngay.

    Vậy nên trong tương lai họ mong có thể được chung sống cùng nhau đến già. Dù biết sẽ có những mâu thuẫn, xích mích nhưng chỉ cần có tình yêu thương, chắc chắn sẽ luôn có cách giải quyết. Quan trọng nhất chính là gia đình họ cần xa rời và luôn có thể ở bên nhau.

    4 anh em xay biet thu cho bo me 1
    4 anh em nhà họ Trác và mẹ. Ảnh: Toutiao

    Nhiều cư dân mạng đã dành lời khen cho thiết kế của căn biệt thự này, nội thất lẫn ngoại thất đều mộc mạc, đem lại cảm giác dễ chịu cho nhiều thế hệ cùng chung sống, “là một ngôi nhà lý tưởng để nghỉ hưu”. Cũng có nhiều người ấn tượng với lòng hiếu thảo của 4 anh em Trác Tâm, số tiền để xây dựng chắc chắn không nhỏ nhưng lớn hơn cả là khát khao quây quần gia đình của họ. 

    “Tôi tin rằng mỗi đứa con chân thành và yêu thương đều đã khắc ghi trong tim mình ước nguyện lớn nhất là báo hiếu với cha mẹ như anh em Trác Tâm. Bạn dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày để chơi điện thoại thay vì gọi điện về hỏi thăm hay ở bên chăm sóc bố mẹ. Bạn luôn nghĩ rằng mình còn rất nhiều thời gian khi nói về tương lai, nhưng cha mẹ có thể đợi ta bao nhiêu năm nữa?”, một cư dân mạng họ Trần bày tỏ.

    Theo Thể thao & Văn hóa

  • Năm 2021, một tòa chung cư 10 tầng ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã được xây dựng và hoàn thành chỉ trong đúng 28 giờ 45 phút nhờ sử dụng hệ thống kết cấu mô – đun đúc sẵn Living Building của công ty Broad Group. Nhà phát triển chung cư này đã gọi công trình này là "dự án ngắn nhất thế giới".

    nha xay trong 28 tieng 1

    Công trình này không áp dụng phương pháp xây dựng của các tòa nhà truyền thống và không sử dụng bất kỳ loại bê tông cốt thép nào. Trước khi lắp ráp, tòa nhà được chia thành các đơn vị mô-đun khác nhau, các công nhân lắp ghép với nhau như các khối xây dựng.

    Theo chủ đầu tư, mỗi mô-đun đơn vị có kích thước bằng một container, dài 12,19 mét, rộng 2,44 mét và cao 3 mét, được làm bằng các bộ phận bằng thép không gỉ. Trước khi khởi công xây dựng, xe tải sẽ vận chuyển những hộp lớn này đến công trường. Sau đó, công nhân điều khiển cần cẩu để xếp các mô-đun đơn vị lại với nhau như lắp ghép các thành lego, và cuối cùng họ chỉ cần bắt vít thủ công là xong.

    Sau khi hoàn thành phần khung chính, công nhân bắt đầu lắp điện, nước. Mỗi căn hộ không chỉ được kết nối điện, nước mà còn có tường trắng đồng nhất, sàn gỗ và cửa sổ kính suốt từ trần đến sàn.

    Việc xây dựng nhanh và sử dụng vật liệu mới khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về độ an toàn của công trình. Tuy nhiên, chủ đầu tư tự tin ngôi nhà 10 tầng này hoàn toàn vững chắc, thậm chí có thể chịu được động đất và bão. Các tòa nhà bê tông truyền thống có thể sụp đổ ngay lập tức trong trường hợp động đất mạnh. Trong khi đó, cấu trúc của tòa nhà kiểu mới này có khả năng đàn hồi cao hơn.

    Khi gặp động đất mạnh, kết cấu của ngôi nhà bị biến dạng, nhưng sẽ không trực tiếp sụp đổ. Tuổi thọ của vật liệu đạt tới 1000 năm, đảm bảo sự ổn định lâu dài của tòa nhà.

    nha xay trong 28 tieng 1

    Công ty Broad Group tiết lộ, các tấm thép B-Core được công ty sử dụng làm các yếu tố kết cấu. Theo Broad Group, tấm thép B-Core nhẹ hơn 10 lần và chắc hơn 100 lần so với các tấm thông thường.

    Bí mật làm nên sự thành công của tòa nhà nằm ở tấm lõi thép không gỉ hàn đồng không khí nóng. Đây là sản phẩm thuộc thế hệ thứ sáu thuộc công nghệ xây dựng bền vững của Broad Group và đã đăng ký chứng nhận bằng sáng chế.

    Tấm lõi thép không gỉ là một loại vật liệu kết cấu siêu nhẹ và siêu bền, bao gồm hai tấm thép và một ống lõi có thành mỏng ở giữa, được hàn bằng đồng không có oxy ở nhiệt độ 1083°C để tạo thành một khối rắn.

    Chủ đầu tư vẫn chưa công khai giá bán của tòa nhà. Tuy nhiên, theo trang web Treehugger, khách hàng có thể mua toàn bộ tòa chung cư gồm 20 căn này với giá dưới 3 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng), con số này chưa bao gồm phí vận chuyển.

    Theo PLVN

  • Ngành kinh doanh hàng hiệu secondhand trở thành xu hướng ở đất nước được xem là thị trường tiêu thụ đồ xa xỉ lớn nhất thế giới.

    "Bây giờ ai có LV, túi da là đã có cơ hội kinh doanh rất hời", La Thần đã làm ăn phát đạt vào mùng 10 Tết vừa rồi, nhưng vẫn lo lắng, mặc dù anh đoán được thị trường năm nay khá khả quan. Nhưng tình hình thực tế nằm ngoài dự đoán của La Thần. Hàng tồn mấy năm trước hết nhẵn, bây giờ còn “nợ đơn” của khách hàng.

    Cửa hàng đồ hiệu secondhand của La Thần nằm trong một khu dân cư ở Thành Đô, một trong những thành phố sầm uất nhất Trung Quốc. Cửa hàng của anh đã có lượng “khách ruột” đáng kể.

    kinh doanh hang hieu second hand 1

    Sự bùng nổ của loại hình kinh doanh này đã thu hút nhiều người đổ xô làm theo. Lưu Mẫn, người chuyên mua hàng hiệu cao cấp ở Thành Đô, chia sẻ rằng các cửa hàng đồ hiệu secondhand đã phát triển nhanh chóng ở thành phố này trong những năm gần đây. "Bạn có thể mua đồ hiệu, cũng có thể bán chúng. Tất nhiên nhiều khi phải cần đến bên trung gian, nhưng điều quan trọng là phải có nhu cầu".

    Trong "Báo cáo tiêu dùng chất lượng cao của Trung Quốc" năm 2022, mặc dù mức tiêu thụ giảm do dịch bệnh, nhưng thị trường nội địa đã tăng trưởng ngược dòng, lần đầu tiên trở thành thị trường tiêu thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới, với tổng mức tiêu thụ là 146,5 tỷ USD (hơn 3,4 triệu tỷ đồng), chiếm 46% thị trường hàng hiệu toàn cầu.

    Thị trường khổng lồ là cơ sở để tạo ra hình thức kinh doanh phong phú hơn. Trong hoàn cảnh khó khăn khi phân phối các sản phẩm mới với mức giá quá cao, sự phổ biến của đồ hiệu secondhand đã trở thành xu hướng.

    Đầu tư vào hàng hiệu secondhand - một nước đi khôn ngoan

    Mùng 7 Tết năm 2023, hàng quán xung quanh đã đóng cửa, chỉ riêng cửa hàng đồ hiệu secondhand của Trương Nghị tại một khu dân cư ở Hồ Châu (Chiết Giang, Trung Quốc) rất đông đúc, náo nhiệt.

    Khác với những gì bạn tưởng tượng, bên trong cửa hàng của Trương Nghị là hình ảnh khách hàng và nhân viên cùng ngồi uống trà trò chuyện.

    Trương Nghị từng mua bán ở nước ngoài nhiều năm, đã trở về Trung Quốc để bắt đầu công việc kinh doanh riêng và chọn lĩnh vực hàng hiệu quen thuộc. "Tiền thuê mặt bằng trong nước tương đối rẻ, hơn nữa cũng tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng, giá đầu vào thấp hơn".

    Theo Trương Nghị, hàng hiệu đã qua sử dụng thực sự là một thị trường khá phức tạp và không chỉ tập trung vào mỗi khách hàng riêng lẻ. Cụ thể, một sản phẩm nhận được có nhiều mức giá, như: Giá thanh lý, giá yêu cầu tìm hàng, giá cho người livestream bán hàng và giá tại cửa hàng... Trong đó giá thu mua thanh lý là thấp nhất và giá trị lợi nhuận cao nhất.

    "Kinh doanh hàng hiệu quan trọng nhất là nguồn hàng và doanh số. Giờ đây, nhờ thương mại điện tử và livestream, nhiều vấn đề về phía bán hàng đã được giải quyết. Then chốt là nguồn hàng từ việc thu mua lại của chủ sở hữu khác. Ai có được nguồn hàng giá rẻ nhiều hơn sẽ chiếm ưu thế. Khó khăn ở đây không chỉ phải làm quen với các sản phẩm, mà còn phải rất quen thuộc với hoạt động của doanh nghiệp đồ hiệu secondhand. Ví dụ, kiểu dáng này, kích thước này, màu sắc này, có bao nhiêu người quan tâm; mặt hàng này có bán chạy không, doanh thu có cao không, thị trường nằm trong phạm vi nào… Phải nắm được hết mới có thể trụ nổi trong ngành này”, Trương Nghị chia sẻ.

    So với sự tỉ mỉ của Trương Nghị, Lý Đồng, người vừa du học trở về vào năm trước, đã thất bại khi mở cửa hàng kinh doanh đồ hiệu secondhand. 

    Tốt nghiệp khoa Thiết kế của một trường đại học nổi tiếng ở Bắc Âu, với sự hỗ trợ của cha mẹ, Lý Đồng đã bắt đầu công việc kinh doanh riêng ngay khi trở về Trung Quốc. "Vào thời điểm đó, người giàu ưa chuộng sản phẩm đính logo và thương hiệu lớn. Tôi và bạn bè nghĩ rằng đồ trang sức đặt làm theo yêu cầu, bao gồm cả những bộ quần áo đặt làm riêng, là một ý tưởng có tương lai. Vì vậy, lúc đó tôi tràn đầy tự tin". 

    Nhưng thực tế lại trái ngược với mong đợi. Cửa hàng của Lý Đồng ở khu thương mại đã bị “vùi dập” bởi dịch bệnh. Kinh doanh không đắt hàng, Lý Đồng chỉ đành đăng ký doanh nghiệp phá sản.

    kinh doanh hang hieu second hand 1

    Bắt đầu lại, Lý Đồng lắng nghe ý kiến của gia đình: “Chị tôi nói rằng chỉ cần nắm bắt tốt 7-8 khách hàng là có thể tiếp tục kinh doanh”.

    Lý Đồng đã nhận ra điểm mấu chốt và chuyển cửa hàng đến khu vực tập trung nhiều nhà giàu. "Bạn phải dò hỏi làm quen, móc nối quan hệ, đôi khi là bữa cafe, buổi trà chiều. Người giàu không có nhiều thời gian so sánh giá cả. Chỉ cần hàng xuất hiện thường xuyên, giá tốt thì chốt đơn rất dễ".

    Giao dịch hàng hiệu secondhand trực tuyến đổ bộ vào thế giới người tiêu dùng

    Mô hình kinh doanh hàng xa xỉ đã qua sử dụng bao gồm nhiều phương thức khác nhau như thu mua, thẩm định, ký gửi, vệ sinh và tân trang… Tuy nhiên, rất khó để một cơ sở có thể đảm đương hết tất cả công đoạn này. Do đó, thông thường sẽ có người chuyên thu mua, người chuyên thẩm định hoặc cơ sở chỉ làm vệ sinh và tân trang hàng hiệu.

    "Nhà đất ở Bắc Kinh rất đắt đỏ, gần như không thể mua nổi. Hôm nay chúng tôi đến quận Triều Dương để xem có đôi giày nào ‘ngon’ không", Sunny, một blogger Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), bắt đầu một ngày thu mua hàng hiệu ở Bắc Kinh lạnh giá. Trong chuyến này, Sunny đã mua lại 20 đôi giày thể thao, bao gồm cả phiên bản giới hạn của Valentino và Adidas.

    Đến khu chung cư thu mua từng đơn hàng và xây dựng quan hệ đã trở thành việc làm thường ngày của bà chủ cửa hàng thời trang cao cấp trên nền tảng Douyin này. 

    Tất nhiên Sunny không phải là người duy nhất, blogger Douyin "Lão Mãnh thu mua đỉnh của chóp" (tạm dịch) được xem là người đi đầu trong việc thu mua hàng hiệu tận nhà ở Thiên Tân. Tài khoản Douyin của anh có hơn 70.000 người hâm mộ chỉ trong thời gian ngắn.

    Sàn thương mại điện tử truyền thống không là “đất dụng võ” của công nghiệp kinh doanh hàng hiệu

    Điền Khả, người có nhiều năm kinh nghiệm mua bán đồ hiệu secondhand trên các nền tảng trực tuyến, cho biết các nền tảng giao dịch trực tuyến hiện tại không mấy thuận tiện cho người tiêu dùng.

    "Bên mua đã cố gắng ép giá khi thu mua một chiếc túi của tôi. Tôi không đồng ý nên đã chuyển sang nền tảng “ký gửi” để nhờ trung gian rao bán hộ. Không ngờ rằng nền tảng này không hiển thị giao hàng cho khách. Cuối cùng, tôi đã liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng và nhận được kết quả người mua đã từ chối nhận hàng", Điền Khả chia sẻ.

    Hiện tại, hệ thống giao dịch của PLUM, một nền tảng giao dịch sản phẩm thời trang lớn ở Trung Quốc, được chia thành ký gửi và thu mua, cả hai đều bao gồm định giá, nhận dạng và các liên kết khác. 

    Kỳ vọng cao thường khác xa với thực tế. “Hàng trong hình không giống mẫu”, “Chất lượng không đảm bảo như mong đợi”... dẫn đến trải nghiệm người dùng ngày càng tồi tệ, đặc biệt là nhóm khách hàng chuyên thu mua hàng hiệu secondhand. Hơn nữa, so với việc thẩm định và thu mua trực tiếp, chu trình xử lý một đơn hàng từ khâu đặt hàng cho đến nhận hàng thường khá phức tạp và mất thời gian. Ngược lại, khi giao dịch trực tiếp, giá cả linh hoạt, giao dịch theo lô và đến tay người bán/người mua ngay lập tức.

    Mặt khác, Deloitte (một mạng lưới dịch vụ kiểm toán đa quốc gia được thành lập ở Anh) đã thể hiện trong cuộc khảo sát về "Triển vọng thị trường và hiểu biết về người tiêu dùng Trung Quốc năm 2023" rằng sự hồi sinh của mô hình giao dịch trực tiếp hàng hiệu đề cao trải nghiệm “hình thật đồ thật” đã trở thành xu hướng rõ ràng.

    kinh doanh hang hieu second hand 1

    Tình trạng khó khăn hiện tại của thương mại điện tử đồ hiệu secondhand một mặt đến từ việc siết chặt các nền tảng mới nổi, như các ứng dụng video ngắn. Mặc dù các nền tảng trực tuyến đồ hiệu secondhand như PLUM cũng đã tung ra các mô hình livestream, nhưng không mang lại thay đổi đáng kể. Mặt khác, sự chênh lệch giữa hình ảnh rao bán và thực tế cùng với chuỗi giao dịch dài càng khiến những người có nhu cầu giao dịch hàng hiệu secondhand mất niềm tin.

    Trong cuốn "Kỷ nguyên tiêu dùng 4.0" (tạm dịch), Atsushi Miura chỉ ra sự phát triển tiêu dùng của Nhật Bản được chia thành bốn giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên là tiêu dùng của số ít người thuộc tầng lớp trung lưu Tây hóa, giai đoạn thứ hai là tiêu dùng lấy gia đình làm trung tâm, giai đoạn thứ ba là tiêu dùng lấy cá nhân làm trung tâm để theo đuổi cá tính, giai đoạn thứ tư là cuộc sống tiêu dùng theo đuổi giá thành thấp, sử dụng chung và cảm tính. 

    Nhìn vào hiện tại, sự xuất hiện của ngành kinh doanh đồ hiệu secondhand dường như đã tác động khiến mô hình tiêu dùng đang trải qua giai đoạn từ giai đoạn thứ ba đến giai đoạn thứ tư. Người tiêu dùng lý trí hơn khi đối mặt với hàng xa xỉ và không bận tâm liệu đó có phải là sản phẩm mới hay không. Từ khía cạnh này, có vẻ hợp lý khi mô hình kinh doanh tương đối cứng nhắc của các nền tảng thương mại điện tử truyền thống không còn được săn đón.

    Tóm lại, ngành kinh doanh đồ hiệu secondhand đang bùng nổ trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, việc duy trì sự ổn định của hoạt động và độ tin cậy của dịch vụ đang trở thành cốt lõi quan trọng nhất của ngành công nghiệp đang thịnh hành này.

    Theo Thể thao & Văn hóa

  • Ở châu Á không người nào giỏi buôn bán làm ăn hơn người Quảng ở Quảng Châu hết. Lịch sử mấy ngàn năm giao thương đã có những bộ gene xuất sắc nhất về thương nghiệp nằm ở đây. Ai không đủ lanh lợi khôn khéo xuất sắc để làm thương mại thì làm sản xuất. Xung quanh Quảng Châu là hàng vạn nhà máy, cung cấp mọi thứ, cái gì cũng có.

    Ở Quảng Châu, mỗi ngành có một cái chợ sỉ. Nếu mình mua lẻ thì họ sẽ chỉ qua cái gần bên. Có lần mình muốn mua 1 cái quần jean, mới lội bộ đến khu phố gì quên tên, toàn hàng quần áo. Người bán là 2 bạn 1 nam một nữ, đứng trước cửa hàng vỗ tay liên tục và nói "mời vào mời vào, chúng tôi hôm nay có....", nhân viên bán hàng tuyệt đối không được phép ngồi hay cầm điện thoại. Không có khách là phải đứng trước vỗ tay kêu gào đến khi có khách bước vô. Mỗi ca làm là 6 giờ đồng hồ.

    hoi cho Canton Fair quang chau
    Cổng vào hội chợ Canton Fair, Quảng Châu.

    Mình vô thì 1 bạn ngưng vỗ tay, vào theo. Bạn hỏi mình nói tiếng gì, mình giả vờ không biết ngoại ngữ, đưa hộ chiếu VN. Bạn liền móc cái ĐT ra, bật cái App "tôi nói tiếng Trung, sẽ phiên dịch ra tiếng Việt Nam, bạn thoải mái mua sắm". Bạn đưa cho mình cái 1 quần jean 1000 tệ, quy tỷ giá ra đô và tiền Việt, mình nói trời ơi mắc quá, thì bạn đưa 1 cái quần y chang chỉ có 500 tệ. Nhìn giống nhau, nhưng bạn treo lên bảng, bật cái đèn chiếu mô phỏng dưới ánh mặt trời, thì đúng là nhìn thấy khác hẳn.

    Bạn đưa mức chiết khấu cho 1 cái, 10 cái, 100 cái, 1000 cái, và cả 1 container, nếu cần mua nhiều thì sếp bạn sẽ tới khách sạn mình nói chuyện. Bạn nói cứ về VN, bạn sẽ ship tới trong vòng 3 ngày. Bạn nói, mày mua cho mày, nên mua loại tốt nhất, 1000 tệ, chất lượng thượng hạng, phải yêu bản thân mình, tự thưởng cho bản thân mình, mình xứng đáng được hưởng những gì tốt nhất. Nghe thuốc 1 lúc thì mình mua luôn cái 1000 tệ.

    Trước khi ra thì bạn nói, mày có thể mua tặng bạn bè, y chang vầy mà chỉ có 100 tệ thôi. Xong bạn treo lên, nhìn bên ngoài có vẻ tương tự nhưng bật đèn rọi kỹ thì thấy khác. Đi xa về nên có quà tặng nhau, bạn bè sẽ quý, làm ăn không thể thiếu bạn, bằng hữu là tài sản lớn. Nghe thuốc xong, mình mua hai chục cái. Ba hôm sau về VN, vừa tới nhà thì hàng cũng bấm chuông ting ting trước cửa.

    2. Tỉnh Quảng Đông chỉ có hơn trăm triệu dân nhưng GDP đạt mức xấp xỉ 2000 tỷ đô la Mỹ vào năm rồi (nước ta 470 tỷ, nguồn IMF), nếu tính riêng về kinh tế thì sẽ là nền kinh tế thứ 10 của thế giới, đã vượt Hàn Quốc và chuẩn bị vượt Canada. Thủ phủ Quảng Châu của tỉnh này có thể xem là chợ sỉ lớn nhất thế giới, hầu như ai cũng biết chuyện đi đánh hàng Quảng Châu để về. Cái gì cũng có ở đây, người lanh lợi từ Ấn, các nước Ả Rập, các nước Đông Nam Á, thậm chí Úc Mỹ châu Phi....cũng đều đến Quảng Châu để tìm nguồn hàng.

    Tháng 4 này họ có một hội chợ, gọi là Canton Fair (Canton là tên gọi khu vực đồng bằng sông Châu Giang, gồm Quảng Đông Quảng Tây Hongkong, tiếng Quảng là Cantonese, chữ viết giống như phát âm khác tiếng phổ thông gọi là Mandarin, tiếng Anh nghĩa là ông quan, tức ngôn ngữ cho mấy ông quan ngày xưa nói với nhau, muốn làm quan phải học tiếng này, gọi là tiếng quan thoại).

    Hội chợ này lớn lắm, có tới 150,000 mặt hàng được trưng bày và có tới 60,000 gian hàng lận, kéo dài gần 1 tháng, chia ra các ngày. Ví dụ năm nay, giai đoạn 1 (15 - 19/4/2023) sẽ là máy móc thiết bị, giai đoạn 2 (23 - 27/04/2023) là nội thất xây dựng đồ, giai đoạn 3 (01 - 05/05/2023) là thực phẩm hàng tiêu dùng may mặc thời trang dược phẩm....Lớn lắm, cả thế giới đổ về nên thường giá phòng tăng gấp mấy lần, mà phải ở xa xa chứ gần gần là người ta đặt từ mấy năm trước rồi.

    Hội chợ này hay, ai cũng nên đi. Khá gần VN nên đi đường bộ từ Móng Cái hoặc Lạng Sơn qua, đi tàu cao tốc rất nhanh và tiện lợi. Có chuẩn bị bộ các từ vựng tiếng Trung thông dụng để tìm nguồn hàng. Quan trọng là học cái lanh lợi của người Quảng.

    Lanh lợi nên rất giàu. Giàu ghê lắm, đường phố phố Quảng Châu, Thâm Quyến sạch sẽ thơm tho cây xanh bóng mát hoa nở khắp nơi. Người dân được miễn phí giáo dục y tế công, do doanh nghiệp quá nhiều, nhà máy quá nhiều, nộp thuế quá nhiều, ngân sách thành phố lúc nào cũng dư thừa, chỉ lo sửa sang thành phố cho đẹp thôi. Người dân Quảng Châu Thâm Quyến thì lại thích đi bệnh viện tư, trường học tư hơn. Mua sắm ăn uống kinh khủng. Họ nói phải tiêu tiền thì tiền mới phân bổ, chạy ra khắp xã hội, cả xã hội mới giàu.

    Nguồn: Ăn Trưa Cùng Tony