• trieu phu Overli lay vo ukraine 1
    Overli thành lập công ty môi giới chứng khoán Self Trade vào năm 1997, trước khi bán nó với giá hơn 900 triệu bảng vào năm 2000. Ảnh: Supplied

    Triệu phú Haakon Overli, 52 tuổi, từng là giám đốc của công ty cho vay lấy liền Wonga. Ông này đã đá vợ để chạy theo một cô gái tị nạn Ukraine, người mà đôi vợ chồng cưu mang trong nhà họ.

    Ông Overli đã bắt đầu tằng tịu với người phụ nữ sau khi cô ta đến trú ngụ tại nhà của họ ở Surrey khi chiến sự Ukraine xảy ra. Vài tuần trước đó, ông đã vận động hành lang cựu Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel để đẩy nhanh quá trình đưa người phụ nữ này đến Anh, theo thông tin từ The Sun. Hiện tại, vị doanh nhân này đã bỏ vợ và chuyển đến sống chung với nhân tình. 

    Trên Twitter, ông Overli đã nhiều lần đăng những nội dung ủng hộ việc đưa người tị nạn Ukraine đến Anh vào giai đoạn đầu của chiến sự hồi tháng Ba.

    Ông Overli sinh ra tại Na Uy. Ông tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tại Đại học Durham, làm giàu nhờ sự bùng nổ của internet sau khi thành lập Công ty môi giới chứng khoán trực tuyến Self Trade vào năm 1997. Vào năm 2000, ông đã bán công ty này với giá hơn 900 triệu bảng. 

    Ông từng làm việc cho ngân hàng JP Morgan và ING Barings. Ông làm giám đốc tại Wonga vào năm 2008. Công ty này đã rơi vào tình cảnh phá sản vào năm 2018 và bị chỉ trích nặng nề vì chuyên cho vay những người không có khả năng trả nợ. Khoảng 200,000 khách hàng đang mắc nợ 400 triệu bảng khi Wonga sụp đổ giữa hàng đống đơn khiếu nại đòi bồi thường. 

    Sau khi rời Wonga, ông Overli đồng sáng lập công ty đầu tư phần mềm Dawn Capital. Công ty này hiện có giá hơn 2 triệu bảng. 

    trieu phu Overli lay vo ukraine 1
    Ông Overli từng vận động hành lang cựu Thủ tướng Boris Johnson và bà Priti Patel để đẩy nhanh quá trình đưa nhân tình đến Anh. Ảnh: Jo St Mart

    trieu phu Overli lay vo ukraine 1
    Nhân viên an ninh Tony Garnett cũng đã bỏ vợ để chạy theo một người tị nạn Ukraine. Ảnh: MailOnline/Tony Garnett and Sofiia Karkadym

    Trường hợp của ông Overli cũng giống với tình huống của nhân viên an ninh Tony Garnett, người đã bỏ vợ và 2 con gái để chạy theo cô nhân tình Sofiia Karkadym, 22 tuổi, người tị nạn Ukraine.

    Tony Garnett và vợ đã ở bên nhau 10 năm, từ lúc họ mới chỉ 18 tuổi. Đôi vợ chồng đã dọn đến sống ở Bradford vào tháng 6. Sau đó họ cho một cặp đôi người Ukraine đến ở nhờ. Ai ngờ cô gái cũng bỏ bạn trai để chạy theo Tony.

    Sau khi phải chịu đựng những lời dè bỉu trên mạng, Tony nói: ''Mối quan hệ của tôi và vợ cũ đã rạn nứt nhiều năm và chúng tôi chỉ sống chung với nhau như anh em. Từ khi Sofiia đến, tôi đã cười rất nhiều và cảm thấy vui trở lại. Tôi sẽ lấy cô ấy''.

    Tony thất nghiệp, và hiện anh trở thành người chăm sóc toàn thời gian cho nhân tình sau khi cô bị mù một phần.

    Viethome (theo Metro)

  • Guardian đưa tin, những người tị nạn Ukraine ở Anh gần đây đang phàn nàn về hoàn cảnh mà họ phải đối mặt.

    Theo Olga Plyushch (36 tuổi), một người tị nạn đến từ Kiev, việc tìm kiếm nhà ở đối với nhiều người Ukraine là một “vòng luẩn quẩn” vì họ không thể trả những khoản tiền đặt cọc lớn. Ngoài ra, họ không có kinh nghiệm giao tiếp với chủ nhà hoặc có được người bảo lãnh tự nguyện.

    “Có những người Ukraine có tiền để trả tiền thuê nhà hàng tháng nhưng được yêu cầu trả tiền đặt cọc trước từ 6 đến 12 tháng. Đây là số tiền lớn nên không nhiều người Ukraine có thể đáp ứng được”, Olga nói.

    khong con tu cach
    Người tị nạn Ukraine ở Anh chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Reuters)

    Trong khi đó, bản thân Ivy đang phải đối mặt với tình trạng khó xử về nhà ở khi người bảo lãnh của cô rời London. Cô con gái 12 tuổi của cô có một suất học tại một trong những trường học ở London, nhưng cô không thể nhận được một suất học trong cơ sở giáo dục ở thành phố nơi chủ nhà đang chuyển đến.

    Người phụ nữ này cho hay bây giờ họ rơi vào hoàn cảnh bấp bênh và nhiều gia đình gặp khó khăn.

    Olga Apryamova người Ukraine nói rằng, chủ nhà từ chối cho người tị nạn thuê căn hộ. Người phụ nữ là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng cô không thể làm việc đúng nghề của mình, vì cô cần phải vượt qua nhiều kỳ thi và tham gia các khóa đào tạo lại để có được công việc.

    “Tôi không thể tức giận. Tôi không có đủ sức cho việc này. Tôi chỉ đang cố gắng sống sót”, Apryamova chia sẻ.

    Theo Guardian, đến năm 2023, tổng số 50.000 người Ukraine tị nạn ở Anh có thể trở thành người vô gia cư.

    Trước đó, vào hôm 25/8, được biết các gia đình người Anh tham gia chương trình “Những ngôi nhà cho Ukraine” để tài trợ cho việc đưa người Ukraine tị nạn muốn từ bỏ chương trình trong thời gian tới. Nguyên nhân là do giá cả và tiền điện tăng cao. Chính phủ Anh có kế hoạch tăng gấp đôi trợ cấp cho người tị nạn lên 700 bảng Anh/tháng, nhưng chính phủ đang trì hoãn các khoản thanh toán hiện có.

    Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS) công bố kết quả cuộc khảo sát hôm 10/8, theo đó chưa đến 25% những người được khảo sát sẵn sàng cung cấp nhà ở tạm thời và miễn phí tại vương quốc này trong thời gian hơn một năm.

    Theo Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), từ ngày 24/2 đến ngày 9/8, có hơn 6,4 triệu người tị nạn đã đến châu Âu từ Ukraine. Hầu hết trong số họ ở Ba Lan, Đức và Cộng hòa Czech.

    Ở các nước khác, số lượng người tị nạn Ukraine không vượt quá 100.000 người. Tổng cộng, có hơn 3 triệu người tị nạn đã được đăng ký trong khuôn khổ chương trình bảo vệ và hỗ trợ tạm thời của các quốc gia.

    Theo UNHCR, sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, có hơn 10 triệu người Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ ngày 28/2-3/8, đã có hơn 4 triệu người quay trở lại.

    Theo Infonet

  • Theo Daily Mail, một phần tư các gia đình Anh đã đăng ký chương trình của chính phủ cấp nơi ở cho người tị nạn Ukraine sẽ chọn không tham gia trong những tuần tới do thiếu tiền trong bối cảnh lạm phát và hóa đơn tiền điện gia tăng.

    “Những người tham gia cho biết rằng do khủng hoảng tài chính trong nước, việc chăm sóc những người nhập cư ngày càng trở nên khó khăn hơn và bản thân họ cũng không có tiền để sống”, Daily Mail cho hay.

    Theo ghi nhận của Daily Mail, một số người Anh đã chi hàng nghìn bảng Anh để chăm sóc những người tị nạn. Chính phủ Anh hứa sẽ trợ cấp hàng tháng cho mỗi gia đình được nhận nuôi, nhưng việc thanh toán đến nay bị trì hoãn.

    Ngoài ra, cư dân Vương quốc Anh phàn nàn về những khó khăn lớn do bất đồng ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa. Những hiểu lầm giữa các nhà tài trợ Anh và những người tị nạn dẫn đến thực tế là người Ukraine thấy mình không có một mái nhà.

    nguoi ti nan ukraine o anh bi tu choi

    Theo thông tin chính thức từ Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) về người tị nạn, từ ngày 24/2 đến 5/7, có khoảng 8,8 triệu người đã rời Ukraine, trong đó hơn 6,6 triệu người Ukraine đã được tiếp nhận là người tị nạn trên toàn châu Âu.

    Các nước trong đó có Cộng hòa Czech, Ba Lan, Romania và Slovakia đã mở cửa biên giới, hỗ trợ người tị nạn Ukrane.

    Bộ Nội vụ Đức dẫn số liệu của UNHCR cho biết khoảng 3,8 triệu người tị nạn Ukrane đã trở về nước mình vào một số thời điểm kể từ đầu năm đến nay.

    Theo một cuộc khảo sát được Liên Hơp Quốc công bố hồi tháng 7, phần lớn người tị nạn Ukraine muốn trở về nước càng sớm càng tốt.

    Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Đức cho biết tổng cộng 967.546 người Ukraine chạy khỏi nước này đã nhập cảnh vào Đức, ít nhất là nhập cảnh tạm thời, với 36% trong số này là trẻ em. Trong số những người trưởng thành, cứ 4 người tị nạn Ukraine thì có 3 người là phụ nữ và khoảng 8% trong số này trên 64 tuổi.

    Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, đây là làn sóng người tị nạn lớn nhất tại châu Âu kể từ chiến tranh thế giới thứ II.

    Trước đó, Ủy viên Nội vụ châu Âu Ylva Johansson nhấn mạnh, những căng thẳng do cuộc khủng hoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng tạo ra có thể dẫn đến những tình huống mất an ninh khiến mọi người rời bỏ đất nước của mình. Đó là một thách thức rất lớn và “không ai có thể đoán trước được” số lượng người đến.

    Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên đang làm việc với những kế hoạch dự phòng để đối phó với số lượng những người mới đến. Trong khi, Ủy viên châu Âu Ylva Johansson cho biết, Liên minh châu Âu (EU) cố gắng tránh điều đó bằng cách tiếp xúc với các nước đối tác.

    Theo Infonet

  • nguoi viet ukraine ti nan tai anh 1
    Hai bé Dasha và Sonia chụp ảnh cùng lính cận vệ Hoàng gia Anh ở London

    Sau khi rời Kyiv giữa làn đạn pháo, gia đình chị Nguyễn Thu Hương không tính đến chuyện về Việt Nam vì tiếng Việt của hai con gái không đủ giỏi để có thể theo học ở quê nhà.

    Luôn mong muốn được sang tỵ nạn ở một nước nói tiếng Anh để thuận lợi cho việc học hành của hai con, gia đình chị lúc đầu đã làm hồ sơ xin đi Canada vì nghe nói “Canada có chính sách tiếp nhận người Ukraine rất thoáng."

    Nhưng nhiều tuần kể từ ngày nộp đơn, gia đình vẫn chỉ nhận được câu trả lời ‘bạn hãy tiếp tục chờ thêm’. Chị đoán rằng có lẽ hồ sơ của gia đình chị bị đẩy xuống sau vì mặc dù hai con gái có quốc tịch Ukraine, hai vợ chồng chị vẫn mang quốc tịch Việt Nam.

    Vận may đến với gia đình khi một người bạn học cùng chị từ thời phổ thông ở Việt Nam giúp chị Hương kết nối với một người quen sống ở Anh và được người này giúp làm hồ sơ.

    “Chuyện nhà tôi sang Anh thật đúng như một câu chuyện cổ tích. Sao lại có những ông bụt bà tiên xuất hiện trong đời mình như thế. Nhà mình chắc là một trong số hiếm hoi gặp được sự may mắn như thế,” chị Hương tâm sự.

    Được cấp visa sang Anh “với một tình cảm trân trọng”

    Thời gian đầu khi cuộc chiến ở Ukraine mới nổ ra, chính phủ Anh bị chỉ trích mạnh về sự chậm chạp trong việc làm thủ tục để tiếp nhận người lánh nạn từ Ukraine sang. Tôi đã nghe chuyện nhiều người Ukraine, dù có người bảo lãnh ở Anh, đã phải chờ đợi nhiều tuần mới được cấp visa sang đoàn tụ với người thân. Nhưng trải nghiệm cá nhân của chị Hương cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

    nguoi viet ukraine ti nan tai anh 1
    Những chậu hoa trong căn hộ của gia đình chị Nguyễn Thu Hương tại Kyiv mà chị phải bỏ lại đằng sau.

    Chị cảm nhận được sự thân thiện và lịch sự của người Anh ngay từ những bước làm thủ tục xin visa đầu tiên. Trường hợp của gia đình chị được giải quyết rất nhanh và chuyên nghiệp với những hướng dẫn chi tiết từng bước. Đúng chín ngày sau khi nộp hồ sơ, cả gia đình đã nhận được visa để sang Anh sống trong ba năm.

    “Họ không chỉ cấp visa cho mình mà còn làm điều đó với một tình cảm rất trân trọng,” Nguyễn Thu Hương kể.

    Visa điện tử cho các con chị được cấp với một lá thư đi kèm, trong đó có một dòng làm cho chị Hương 'vô cùng xúc động'.

    “Họ nói chính phủ Anh mong muốn rằng những ngày tháng các bạn lưu lại ở Anh sẽ để lại trong trái tim các bạn những dấu ấn đẹp đẽ nhất về nước Anh. Nước Anh sẽ luôn luôn ở bên cạnh các bạn không chỉ với sự tôn trọng mà còn cả lòng ngưỡng mộ một dân tộc anh hùng.”

    Nghe chị Hương kể chuyện với tấm lòng biết ơn và cảm kích về nước Anh, tôi thấy mừng là sau những lúng túng ban đầu, chính phủ Anh đã điều chỉnh cách tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Và những người không may phải bỏ lại cuộc sống bình yên ở Ukraine như gia đình chị đã có những trải nghiệm dễ chịu trong quá trình xin visa.

    Nước Anh ‘ưu ái cho người từ Ukraine sang’

    Vừa đến Anh, gia đình chị Hương ngay lập tức nhận giấy báo rằng trong vòng một tuần họ sẽ được nhận thẻ định cư có giá trị trong 3 năm, và nơi họ cần đến để nhận thẻ.

    “Nước Anh làm rất bài bản và chuyên nghiệp. Họ không để mình phải đợi. Tất cả các thủ tục khác đều được hỗ trợ nhanh như thế, ” chị Hương nhận xét.

    Được biết về tài chính, khi mới sang Anh, gia đình được nhận một khoản trợ cấp 800 bảng Anh. Sau đó hàng tháng, họ được nhận 300 bảng/người, chính sách chung cho tất cả những người di dân từ Ukraine đến. Những ai không tìm được việc có thể xin thêm trợ cấp thất nghiệp và xin hỗ trợ tiền thuê nhà nếu cần.

    nguoi viet ukraine ti nan tai anh 1
    Nguyễn Thu Hương cùng cô giáo người Anh và các bạn Ukraine tại lớp học tiếng Anh ở Sutton.

    Chính quyền địa phương cũng gửi giấy mời họ đi học các lớp tiếng Anh miễn phí.

    Họ cũng có thể học các lớp ở trường cao đẳng Sutton nơi họ sống như kế toán, quản lý trường học, nhiếp ảnh, nghệ thuật trang điểm vv Các khóa học này thường dành cho những người thất nghiệp, hay có thu nhập thấp dưới 21.000 bảng Anh. Những người từ Ukraine sang được đối xử y như các công dân Anh.

    “Nước Anh đã rất ưu ái cho những người từ Ukraine sang”, chị kết luận. 

    Và sự ưu ái đó không dừng lại ở phía chính quyền. Chị Hương và gia đình đã gặp rất nhiều những tấm lòng tốt của người Anh từ khi sang đây.

    Ở Kyiv, hai con gái chị, Dasha và Sonia, từng theo học âm nhạc và đã đoạt giải một số cuộc thi tài năng ở Ukraine. Mong muốn cho các con được tiếp tục học nhạc, nhưng trong hoàn cảnh đi tỵ nạn, gia đình không thể tự trả học phí (mà có trường đến 50.000 bảng Anh/năm).

    Nhờ người tiếp nhận kết nối, Nguyễn Thu Hương đã được giới thiệu tới một trường nhạc ở gần đó để xin học bổng. Tuy đã hết học bổng năm nay, nhà trường cho mượn một phòng học và hai thầy giáo đã dạy violon và piano miễn phí cho Dasha và Sonia.

    nguoi viet ukraine ti nan tai anh 1
    Con gái lớn của chị Hương, Dasha, chụp hình trong buổi đến thăm Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Guildhall.

    Chị Hương cũng tiếp cận Guildhall School of Music and Drama (Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Guildhall), một trong những trường dạy nhạc và kịch nghệ nổi tiếng nhất ở Anh.

    Dù đã hết thời hạn nhận hồ sơ cho năm học tới, hiệu trưởng trường đồng ý mở một cuộc thi riêng vào tháng Chín cho hai bé. Nếu thi đạt những yêu cầu của nhà trương, hai cháu sẽ được nhận học bổng.

    Vẫn mong ngày trở về ‘quê hương Ukraine‘

    Vì đã từng sống ở Ukraine 20 năm, nơi chị Hương thấy ‘còn quen thuộc hơn ở Việt Nam‘, người phụ nữ tỵ nạn vẫn mong lâu dài sẽ trở về đó sinh sống, mặc dù chị trân trọng cơ hội cho con cái có môi trường học hành tốt ở Anh.

    “Khi các con lớn hơn một chút và có thể tự lập được, thì chắc mình sẽ về Ukraina, bởi vì đấy mới là quê hương thực sự của mình,” chị Hương bộc bạch.

    “Khi mình phải đi như thế này, mình cảm giác rằng mình đã rời xa quê hương. Đến Anh mọi thứ rất lạ lẫm và phải bắt đầu lại từ đầu.

    “Ở tuổi này, thực ra mình không muốn đi, vì các con mà đi thôi.”

    Khi được hỏi về cảm xúc về cuộc chiến đang diễn ra, chị Hương nói với tôi chị đã được xem nhiều video những người lính Nga tuyệt vọng ở chiến trường Ukraine như thế nào.

    nguoi viet ukraine ti nan tai anh 1
    Chị Hương cùng các con Dasha và Sonia với trang phục dân tộc Ukraine trong ngày Quốc khánh Ukraine (24/8/2021).

    “Thực sự mình xem mình đã chảy nước mắt. Mình rất thương những người lính trẻ phải dấn thân vào cuộc chiến mà không biết mục đích của họ là gì.

    “Họ bị lừa tham gia vào cuộc chiến mà không biết họ sẽ phải đối diện với việc giết người,”

    “Giá như cuộc chiến này chấm dứt được sớm thì đỡ được sự hy sinh của bao nhiêu người.

    “Đây thật là một cuộc chiến vô nghĩa. Như mình, hôm nay ở Anh, thực sự là nạn nhân của cuộc chiến tranh chứ mình không định sang đây.“

    Dù có một khởi đầu hết sức thuận lợi ở nước Anh, Nguyễn Thu Hương vẫn đau đáu theo dõi tình hình ở Ukraine với tâm trạng buồn và âu lo. Chị chia sẻ là chị vẫn rất nhớ nhà – nhà ở đây không chỉ là Việt Nam mà là Ukraine.

    Chia tay chị Hương, tôi mong chị và gia đình sớm ổn định và hòa nhập với cuộc sống mới ở Anh. Một ngày nào đó, nước Anh sẽ trở thành quê hương thứ ba của chị, tôi tin vậy.

    Minh Thư / Theo BBC Vietnamese

  • Hàng ngàn người Ukraine đã kêu gọi cấp quốc tịch cho Thủ tướng Anh Boris Johnson và mời ông làm thủ tướng mới của Ukraine.

    Mặc dù không còn được người dân trong nước chấp nhận và cuối cùng buộc phải tuyên bố từ chức sau khi hàng chục bộ trưởng rời đi vào đầu tháng 7, ông Boris Johnson vẫn là một nhân vật được yêu thích ở Kiev vì đã lên tiếng ủng hộ Ukraine khi nước này chống lại cuộc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Nhiều người Ukraine trìu mến gọi ông là "Johnsoniuk". 

    thu tuong ukraine
    Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đi dạo tại Quảng trường Mykhailivska, ở Kiev, Ukraine ngày 17/6/2022. Ảnh: Reuters

    Bản kiến nghị gửi tới Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liệt kê những điểm mạnh của ông Johnson, chẳng hạn như "sự ủng hộ trên toàn thế giới đối với Boris Johnson, lập trường rõ ràng chống lại cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, cũng như sự khôn ngoan trong các lĩnh vực chính trị, tài chính và pháp lý".

    Tuy nhiên, bản kiến nghị thừa nhận một mặt tiêu cực của việc bổ nhiệm như vậy, đó chính là động thái này sẽ thiếu đi sự tuân thủ hiến pháp của Ukraine.

    Chỉ vài giờ sau khi bản kiến nghị được đưa ra vào hôm 26/7, ông Johnson đã trao tặng Tổng thống Volodymyr Zelensky giải thưởng Lãnh đạo Sir Winston Churchill. Văn phòng Phố Downing mô tả ông Zelensky sở hữu "lòng dũng cảm, tinh thần cứng rắn và phẩm giá đáng kinh ngạc" khi đối mặt với chiến dịch của Nga.

    Ông Zelensky không đề cập đến kiến nghị mới khi nhận giải thưởng, nhưng ông sẽ có nghĩa vụ chính thức trả lời nếu đơn nhận được 25.000 chữ ký.

    Nhận giải thưởng qua hình thức trực tuyến từ Kiev, ông Zelensky khen ngợi ông Johnson "không từ bỏ đấu tranh" khi tình hình trở nên khó khăn.

    Theo Dân Việt

  • Thủ tướng Hungary Orban nói EU "tự bắn vào phổi" khi áp các lệnh trừng phạt với Nga, có thể dẫn tới nguy cơ phá hủy kinh tế châu Âu.

    "Ban đầu, tôi nghĩ chúng ta chỉ tự bắn vào chân mình, nhưng bây giờ rõ ràng là nền kinh tế châu Âu tự bắn vào phổi mình và đang phải thở gấp", Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết hôm 15/7, nhắc tới loạt lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào Nga.

    Thủ tướng Hungary nói Ukraine cần giúp đỡ, song các lãnh đạo châu Âu nên xem xét lại chiến lược của mình, vì các lệnh trừng phạt chỉ gây ra thiệt hại diện rộng cho kinh tế châu Âu mà không khiến Nga suy yếu. Ông cũng cho rằng các lệnh trừng phạt Nga không khiến cuộc xung đột đã kéo dài nhiều tháng tìm được giải pháp.

    "Nếu cứ tiếp tục như vậy, các lệnh trừng phạt sẽ giết chết nền kinh tế châu Âu. Những điều chúng ta đang nhìn thấy bây giờ là không thể chịu đựng được", ông Orban nói, kêu gọi các lãnh đạo EU thay đổi chính sách trừng phạt.

    chau au dang ban tu vao phoi
    Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Madrid, Tây Ban Nha, hôm 30/6. Ảnh: AFP.

    Hơn 4 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giá năng lượng tăng vọt đã giảm nhẹ tác động của loạt lệnh trừng phạt phương Tây nhằm vào nước này. Dù lượng dầu xuất khẩu đến châu Âu giảm mạnh, giá bán cao cho các khách hàng khác vẫn giúp Moskva thu về hàng triệu USD mỗi ngày.

    Hôm 14/7, Ủy ban châu Âu điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm nay của khu vực đồng euro xuống 2,6%, thấp hơn mức 2,7% họ đưa ra vào tháng 5. Dự báo tăng trưởng của năm 2023 được điều chỉnh thành 1,4%, thay vì mức 2,3% được ước tính trước đó.

    Ông Orban được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU. Hungary là nước EU đầu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga sản xuất, dù cơ quan quản lý châu Âu chưa phê duyệt vaccine này. Tổng thống Putin đã chúc mừng Thủ tướng Orban khi ông tái đắc cử hồi tháng 4, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Hungary.

    Hungary phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga và năm ngoái ký thỏa thuận 15 năm với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom để mua khí đốt tự nhiên. Hungary nhận khoảng 65% dầu và 85% khí đốt từ Nga.

    Hungary tuần này ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng nhằm đối phó gián đoạn nguồn cung và giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu. Quốc gia này sẽ tăng năng lực sản xuất năng lượng trong nước, cấm xuất khẩu năng lượng và tăng thời gian làm việc của nhà máy điện hạt nhân duy nhất.

    EU đã áp đặt 6 gói trừng phạt nhằm vào Moskva, loại phần lớn ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, tịch thu tài sản của các tài phiệt cùng quan chức Nga, kiểm soát xuất khẩu hàng hóa và cấm nhập khẩu than, dầu Nga. Khối này đang chuẩn bị cho vòng trừng phạt mới, trong đó có thể nhắm vào vàng Nga.

    Tuy nhiên, một số quan chức EU nhận định các tỷ phú Nga vẫn có thể sống tốt mà không cần du thuyền hay tài sản ở phương Tây, trong khi việc kiểm soát xuất khẩu hàng hóa Nga có thể làm lợi cho Trung Quốc hay các nước khác.

    VnExpress (theo Reuters)

  • Hãng thông tấn của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ngày 1/7 đưa tin có thêm 2 công dân Anh bị lực lượng Nga bắt tại Ukraine với cáo buộc làm "lính đánh thuê" cho Kyiv.

    Một quan chức của DPR cho biết hai công dân Anh - gồm Andrew Hill và Dylan Healy - bị buộc tội “cưỡng đoạt quyền lực” và đang thực hiện khóa huấn luyện “khủng bố”.

    “Chúng tôi đang điều tra hai công dân Anh Dylan Healy và Andrew Hill. Họ đã bị cáo buộc theo các điều khoản tương tự 3 lính đánh thuê bị kết án trước đó”, CNN dẫn lời quan chức DPR nói.

    Trước đó, DPR đã kết án tử hình với 2 công dân Anh - Aiden Aslin và Shaun Pinner - cùng một công dân Morocco với cáo buộc làm “lính đánh thuê” cho quân đội Ukraine. Luật sư của Pinner cho biết sẽ kháng cáo và xin khoan hồng để thân chủ không phải lãnh án tử hình.

    cong dan anh bi ket an o ukraine 1
    Hình ảnh được cho là Andrew Hill khi xuất hiện trên truyền hình Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

    Andrew Hill đã xuất hiện trong nhiều video được phát sóng trên truyền hình Nga, bao gồm một video hồi tháng 6 với tiêu đề “Độc quyền - trước khi hành quyết”.

    Hill được cho là từng phục vụ trong trung đoàn Lancaster của quân đội Anh. Ông xuất hiện lần đầu trên truyền thông Nga hồi cuối tháng 4 với tình trạng bị thương nặng.

    "Tôi muốn về nhà, về với quê hương, gia đình, những đứa con của tôi. Tôi sẽ nói với họ sự thật", Guardian dẫn lời ông Hill nói trong video thời điểm đó.

    Trong khi đó, Dylan Healy được cho là làm việc dưới tư cách tình nguyện viên hỗ trợ nhân đạo tại Ukraine và không thuộc tổ chức nhân đạo lớn nào.

    Dylan Healy và một công dân Anh khác là Paul Urey được cho là đã bị bắt khi đang hỗ trợ nhân đạo ở gần thành phố Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine.

    cong dan anh bi ket an o ukraine 1
    Dylan Healy (phải) và Paul Urey. Ảnh: BBC.

    Theo Zing

  • Chính phủ Anh hôm 29/6 thông báo nước này sẽ cung cấp thêm 1,2 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm giúp Kyiv nâng cao khả năng phòng thủ.

    “Vũ khí, thiết bị và hệ thống huấn luyện của Vương quốc Anh đang thay đổi khả năng phòng thủ của Ukraine trước các đợt tấn công. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Ukraine”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Boris Johnson trong một tuyên bố.

    Gói viện trợ mới nhất này hướng tới việc tăng cường khả năng phòng vệ của Ukraine, trong đó vận chuyển tới các hệ thống phòng không, phương tiện bay không người lái, thiết bị tác chiến điện tử mới và hàng nghìn thiết bị khác cho binh sĩ Ukraine.

    Gói viện trợ mới nhất được đưa ra sau khi hồi tháng 5, Anh cho biết sẽ cung cấp thêm 1,5 tỷ USD viện trợ quân sự và hỗ trợ khác cho Ukraine, nâng tổng hỗ trợ quân sự và kinh tế của Vương quốc Anh cho Kyiv lên 4,6 tỷ USD trong năm nay.

    anh vien tro ukraine
    Thủ tướng Anh Johnson quay trở lại Kyiv gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 17/6. Ảnh: Reuters.

    Ngoài ra, Anh cũng bắt đầu huấn luyện quân Ukraine sau khi ông Johnson đề nghị tiến hành chiến dịch đào tạo tới 10.000 binh sĩ sau mỗi 120 ngày.

    Trong bài phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí. Ông nói rằng Kyiv cần 5 tỷ USD mỗi tháng để hỗ trợ cho quá trình phòng thủ của nước này.

    Cũng tại Hội nghị NATO, liên minh đã đồng ý kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Ukraine, đồng thời tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Kyiv. Ngoài ra, tổ chức này cũng tuyên bố Nga là "mối đe dọa trực tiếp và lớn nhất" đối với hòa bình và an ninh của 30 quốc gia thành viên.

    Theo Zing

  • Ngày 24/6, trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội đăng tin anh Nguyễn Văn Minh, một người Ukraine gốc Việt, đã hy sinh vào ngày 26/5/2022 'trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc'.

    "Đại sứ quán Ukraine xin chia buồn cùng toàn thể gia quyến và cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine", trang Facebook của Đại sứ quán Ukraine viết. "Ukraine biết ơn mẹ của cháu Minh, bà Phạm Thị Sao, đã nuôi dạy một người con trai dũng cảm. Nguyễn Văn Minh mãi là anh hùng của đất nước Ukraine."

    nguoi viet hy sinh o ukraine 1
    Anh Nguyên Văn Minh

    Đăng kèm bài viết là hình Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ukraine tại Việt Nam Oleksandr Gaman chia buồn, động viên bà Phạm Thị Sao, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Minh, cùng với doanh nhân Bùi Xuân Cường, người hỗ trợ giữ liên lạc giữa Đại sứ quán Ukraine và gia đình bà Sao.

    Theo thông tin được chia sẻ trên các nhóm cộng đồng người việt tại Ukraine, anh Nguyễn Văn Minh sinh ngày 8/2/1995. Anh là sĩ quan lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, cấp bậc Thượng úy, chức vụ Trung đội trưởng, đã hi sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tại mặt trận Donbas vào ngày 26/5/2022, hưởng dương 28 tuổi. Anh Nguyễn Văn Minh là con trai duy nhất của bà Phạm Thị Sao, quê Hải Dương, thành viên cộng đồng Việt Nam tại thành phố Kharkiv.

    nguoi viet hy sinh o ukraine 1
    Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ukraine tại Việt Nam Oleksandr Gaman chia buồn, động viên bà Phạm Thị Sao, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Minh, cùng với doanh nhân Bùi Xuân Cường

    BBC đã trao đổi với bà Nataliya Zhynkina, Tham tán chính trị Ukraine tại Việt Nam để xác nhận sự việc trên. Bà Nataliya Zhynkina cho biết bà đã liên lạc với đại diện cộng đồng người Việt tại Kharkiv và được biết gia đình anh Nguyễn Văn Minh đang thu xếp tang lễ và các thủ tục khác. Hiện gia đình của chiến binh gốc Việt chưa sẵn sàng để trao đổi về việc này, bà Nataliya cho biết thêm.

    "Cuộc chiến khủng khiếp này đã cướp đi sinh mạng của những người tốt nhất, trẻ tuổi, tài năng, tốt bụng…", nhà ngoại giao cấp cao của Ukraine ở Hà Nội nói với BBC."Tôi vừa nhận ra rằng cậu ấy cũng là một nghệ sĩ và nhạc sĩ tài năng."

    Giao tranh ở vùng Donbas, phía Đông Ukraine diễn ra ác liệt trong nhiều tuần qua. Hồi đầu tháng 6, một trợ lý cao cấp của tổng thống Ukraine cho BBC biết có từ 100 tới 200 binh sỹ Ukraine bị giết trên tuyến đầu mỗi ngày. Quân Ukraine bị tấn công không ngưng nghỉ khi quân đội Nga tìm cách dành quyền kiểm soát toàn bộ vùng Donbas.

    Quân Nga tập trung đánh chiếm hai thành phố Severodonetsk và Lysychansk, những căn cứ cuối cùng Ukraine còn kiểm soát trong vùng Lunansk. Trong những ngày gần đây, quân Nga dường như đã có bước tiến trong nỗ lực bao vây quân Ukraine ở hai thành phố này.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Moscow đang tìm cách "phá hủy" vùng Donbas."Có những cuộc không kích và pháo kích rất lớn ở Donbas. Mục tiêu của kẻ chiếm đóng không thay đổi, họ muốn phá hủy toàn bộ vùng Donbas từng bước một,", ông Zelensky nói trong bài phát biểu hàng đêm qua video hồi đầu tuần.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Aiden Aslin, công dân Anh bị phe ly khai thân Nga tuyên án tử hình ở Ukraine, nói với gia đình rằng bản án sẽ sớm được thực thi.

    cong dan anh o ukraine
    Aslin nói sẽ sớm bị phe ly khai thân Nga xử tử.

    Aiden Aslin, 28 tuổi và Shaun Pinner, 48 tuổi, bị phe ly khai Cộng hòa Donetsk tự xưng (DPR) tuyên án tử hình vì tham gia chiến đấu ở Ukraine.

    Aslin đến từ thị trấn Newark, vùng Nottinghamshire, gần đây có cuộc điện thoại về cho gia đình. Theo Aslin, phe ly khai nói chính phủ Anh chưa có bất cứ động thái đàm phán nào về số phận của mình. 

    Thời gian đang cạn dần, bản án sắp được thực thi, phe ly khai nói với Aslin, theo Guardian. Bà của Aslin, Pamela Hall nói trên BBC: “Thật không biết nói lời nào. Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất”.

    “Aslin rất buồn trong cuộc điện thoại với mẹ vào ngày 22.6. Aslin nói rằng mình sắp bị xử tử”, bà Hall nói. “Theo tôi hiểu thì nếu chính phủ Anh không liên lạc với DPR, họ sẽ xử tử Aslin. Tôi vẫn hi vọng rằng điều này sẽ không xảy ra”.

    Lần cuối cùng Ngoại trưởng Anh Liz Truss thảo luận với giới chức Ukraine về trường hợp của Aslin là cách đây hai tuần. Phía Anh muốn Ukraine tác động để phe ly khai trả tự do cho Aslin và Pinner.

    Tuy nhiên, DPR muốn chính phủ Anh phải liên hệ trực tiếp, đồng nghĩa rằng Anh gián tiếp công nhận tính hợp pháp của DPR.

    Theo báo Anh, Aslin và Pinner chuyển tới Ukraine năm 2018 và tham gia chiến đấu trong hàng ngũ lính thủy đánh bộ. Aslin sống ở thành phố Nikolaev (Mykolaiv) cùng bạn gái và đã được cấp hộ chiếu Ukraine. 

    Phía Anh cho rằng, Aslin và Pinner là binh sĩ Ukraine và cần được bảo vệ theo Công ước Geneva. Tuy nhiên, Nga và phe ly khai coi hai công dân Anh là lính đánh thuê.

    Arttimes (Theo Guardian)

  • Nga thông báo đưa 49 công dân Anh vào danh sách cấm nhập cảnh

    Danh sách gồm 20 nhân vật trong lĩnh vực quốc phòng và 29 nhân vật trong giới truyền thông Anh, trong đó có Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng và một số nhà báo của BBC, Financial Times và The Guardian.

    Ngày 14/6, Nga thông báo đưa vào danh sách đen 49 công dân Anh, theo đó cấm các nhân vật này nhập cảnh vào Nga. Danh sách trên bao gồm 20 nhân vật liên quan lĩnh vực quốc phòng và 29 nhân vật trong giới truyền thông.

    Trong số này có Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Jeremy Quin và một số nhà báo thuộc hãng BBC, tờ Financial Times và tờ The Guardian.

    Theo Bộ Ngoại giao Nga, động thái trên nhằm đáp trả các biện pháp chính phủ Anh áp đặt đối với các nhà báo hàng đầu của Nga và những người đứng đầu các công ty quốc phòng của nước này.

    Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Các nhà báo Anh trong danh sách này liên quan đến việc cố tình phổ biến thông tin sai lệch và phiến diện về Nga cũng như các sự kiện tại Ukraine và Donbass."

    Tuyên bố cho rằng những đánh giá thiên lệch của các nhà báo này góp phần gây ác cảm đối với Nga trong xã hội Anh. Trong khi đó, 20 nhân vật "có liên quan tới ngành công nghiệp quốc phòng Anh đã tham gia vào việc đưa ra các quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine.".

    bo ngoai giao nga
    Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga (trái) ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Nga thông báo bổ sung 61 công dân Mỹ vào danh sách trừng phạt

    Bộ Ngoại giao Liên bang Nga ngày 6/6 thông báo nước này đã đưa 61 công dân Mỹ vào danh sách trừng phạt, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm. Theo đó, 61 công dân này bị cấm nhập cảnh vào Liên bang Nga.

    Động thái này được coi là biện pháp đáp trả hành động tương tự trước đó của Mỹ.

    Bộ Ngoại giao Nga cho biết để đáp lại các lệnh trừng phạt ngày càng mở rộng của Mỹ đối với các nhân vật chính trị và công chúng của Nga, cũng như đại diện của các doanh nghiệp trong nước, Moskva đã đưa 61 công dân Mỹ là những người đứng đầu các tập đoàn công nghiệp quân sự hàng đầu, các nền tảng truyền thông và cơ quan xếp hạng tín nhiệm, hãng hàng không và các công ty đóng tàu, vào danh sách trừng phạt.

    Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm danh sách nêu trên cũng có tên các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, cùng nhiều nhân vật khác như Chủ tịch hãng hàng không United Airlines Brett Hart, Chủ tịch hãng phim Universal Pictures Peter Kramer, Giám đốc điều hành cấp cao của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Rob Fauber, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq Adena Friedman, người đứng đầu Cục chính sách kỹ thuật số và an ninh mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Bacchus, và Giám đốc truyền thông của Nhà Trắng Katherine Bedingfield.

    Kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng Hai, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Nga, cô lập các lĩnh vực tài chính và kinh tế của nước này.

    Để đáp trả, Nga cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự./.

    Theo Vietnamplus

  • Những người Nga giàu có đang cố gắng hoán đổi bất động sản của họ ở London để lấy các ngôi nhà hạng sang ở Dubai nhằm tránh lệnh trừng phạt.

    Các bất động sản hạng sang bao gồm một biệt thự trị giá 34 triệu bảng ở Knightsbridge và một căn hộ trị giá 8 triệu bảng ở Quảng trường Eaton, cùng tọa lạc tại London (Anh), được chào bán trong những tuần gần đây bởi các đại lý bất động sản độc quyền ở UAE.

    Theo môi giới, đây là tài sản của giới giàu có Nga muốn đổi để lấy các bất động sản mới tại Dubai nhằm tránh các lệnh trừng phạt. Khách hàng tiềm năng sẽ được chủ nhà giảm giá lớn để hoàn tất giao dịch.

    Hoán đổi bất động sản là giải pháp mới nhất mà những người Nga giàu có ứng phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. Khoảng 1.000 cá nhân và công ty cho đến nay đã bị ảnh hưởng, trong khi số khác cũng đang phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

    nguoi nga o anh
    Cung điện Caesars trên bãi biển Cove ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ảnh: REUTERS

    Nhưng có những hoài nghi về việc một thỏa thuận đổi nhà sẽ được cấu trúc như thế nào, và liệu một số cư dân của UAE có mạo hiểm với một cuộc trao đổi như vậy hay không.

    "Tôi rất nghi ngờ cách mà phương pháp này thực hiện", một doanh nhân ở Dubai nói. Một luật sư ở Dubai cũng cho rằng sẽ có khó khăn vì bất kỳ giao dịch nào cũng phải tính đến thuế trước bạ và các khoản phí khác ở cả hai khu vực pháp lý.

    Những người khác lại cho rằng miễn là người bán từ nước Nga không bị trừng phạt, các giao dịch như vậy có thể được cấu trúc một cách hiệu quả nếu các thỏa thuận mua hàng được ký kết ở mỗi đầu. "Điều này là hoàn toàn hợp pháp", một luật sư khác ở Dubai nói.

    Dubai đã trở thành thiên đường yêu thích của người Nga kể từ khi chiến sự nổ ra do UAE vẫn trung lập với cuộc xung đột. Họ mở cửa kinh doanh cho những người Nga và Ukraine muốn chạy trốn khỏi tác động của chiến sự.

    "Chúng tôi đã thấy một lượng lớn khách hàng Nga kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu. Điều này đã khiến chúng tôi thành lập nhóm chuyên trách về tiếng Nga để phục vụ họ", Michael Kortbawi, Luật sư tại công ty luật BSA Ahmad Bin Hezeem có trụ sở tại Dubai, cho biết. Ông nói thêm rằng việc đóng cửa các công ty luật quốc tế lớn ở Moskva cũng đã tạo ra một đội ngũ nhân tài có sẵn để thuê.

    Abdullah Alajaji, Nhà sáng lập Driven Properties có trụ sở tại Dubai, cho biết công ty của ông đã ghi nhận giá trị giao dịch cao hơn trong năm nay, chủ yếu ở các bất động sản siêu cao cấp và bất động sản ven biển. "Chúng tôi đang thấy sự gia tăng rõ ràng về giá trị và khối lượng giao dịch trong những tháng gần đây và đó là kết quả một phần của khách hàng Nga", ông nói.

    Những khoản tiền lớn đang được người Nga chuyển vào, bất chấp hướng dẫn của ngân hàng trung ương UAE kêu gọi các tổ chức tài chính "quản lý rủi ro liên quan đến các chương trình trừng phạt tài chính quốc tế đơn phương và các biện pháp hạn chế do các quốc gia khác thực hiện". UAE thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, nhưng không tham gia các lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh, EU hoặc Thụy Sĩ.

    Vào tháng 3, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) có trụ sở tại Paris đã quyết định thêm UAE vào danh sách cần theo dõi về "tiền bẩn". Một quan chức phương Tây cho biết dòng tiền của Nga sẽ là một phép thử lớn ngay sau khi UAE được điểm danh.

    VnExpress (Theo FT)

  • Đi bộ hơn một tháng trong bom đạn, được người bản địa, đồng bào, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga giúp đỡ, cưu mang, hai người Việt đã vượt quãng đường hơn 650km từ ngoại ô Kiev đến cửa khẩu Valuiky trên biên giới Nga - Ukraine, để được cộng đồng người Việt thành phố Voronezh của Nga đón về trong sự ngỡ ngàng của chính họ.

    di bo khoi chien su 1
    Hai anh Nguyễn Văn Hương (trái) và Nguyễn Văn Ngọc (phải)

    Gặp chúng tôi tại Trung tâm thương mại Ostuzheva của người Việt ở thành phố Voronezh, Liên bang Nga, hai anh Nguyễn Văn Hương (sinh năm 1983, sang Ukraine tháng 6/2021) và Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1988, sang Ukraine tháng 1/2022 cùng quê Yên Thành, Nghệ An), đã “ổn” hơn rất nhiều sau khi được cộng đồng người Việt đón về, chăm sóc và hỗ trợ. Hành trang của họ khi chạy nạn từ ngoại ô thủ đô Kiev đến đây chỉ gồm hai túi ni-lon đựng chủ yếu đồ ăn, thuốc lá, bật lửa – vật dụng rất có ích với họ trên đường tản cư, và một bình nhựa để xin nước uống, quai đã đứt lìa.

    Bắt đầu câu chuyện, anh Nguyễn Văn Ngọc cho biết hai anh làm công nhân xây dựng ở ngoại ô Kiev, khi chiến sự nổ ra thì khu vực các anh ở không có điện, internet, không thể liên lạc với bất cứ ai. Anh Ngọc kể: “Cách đây khoảng gần 2 tháng, hai anh em chờ xem ông chủ có quay lại không thì không thấy. Cũng có thể là đường xá họ không đi được nữa. Hai anh em mới tính là mình ở lại đây lâu cũng không được, phải ra thành phố xem có điện, có mạng không để mà về hay đi đâu đấy nhưng ra thành phố cũng không có điện, có mạng”.

    Tuy nhiên theo anh Ngọc, các anh vẫn có thể bật định vị ảo để xem đi ngả Ba Lan hay đến Nga. Sau đó, những người lính Nga gặp trên đường cho biết họ chỉ có thể đi được về hướng Nga, không thể đi về hướng Ba Lan vì có giao tranh. Cũng theo anh Ngọc, kể từ khi họ bắt đầu đi đến nay là 1 tháng 10 ngày. Tuy nhiên, khi ra đến thị trấn đông dân thì thấy “bom đạn gớm quá”, xe tăng chạy liên tục trên đường suốt ngày đêm, nên việc di chuyển bị chậm lại.

    Anh Nguyễn Văn Hương kể tiếp rằng, “hai anh em đi bộ, vào nhà dân xin nước, rồi xin bánh mì. Tối thì ngủ ở mấy cái trạm xe buýt. Một người ngủ một người thức”. Anh Hương cũng cho biết họ bị binh sĩ Nga giữ vài lần, "khám người, rồi lại thả”.

    Theo anh Hương, binh sĩ Nga đưa họ đến một trại tị nạn dành cho người Ukraine, họ ở đó 3 ngày song không được tiếp nhận vì không có giấy tờ và hai anh tiếp tục được chỉ đường đi về Nga. Trên đường đi, có lúc họ ngủ tạm trên những toa tàu hỏa bỏ không, ngủ ở trạm dừng xe buýt, “có khi bom rơi, đạn nổ chỉ cách 200, 300m”.

    di bo khoi chien su 1
    Anh Hương chụp ảnh chung với ông Ivan, người cưu mang trên đường đi.

    Điều may mắn đối với anh Ngọc và anh Hương là khi đi đến tỉnh Kharkov, họ gặp một người Việt tên là Phương, quê Quỳnh Lưu. Anh Phương cho biết ngày 5/3 nơi anh ở đã có 13 người Việt về nước qua ngả biên giới với Nga. Anh Phương cho họ một cái bản đồ, mua cho đồ ăn uống và bắt giúp taxi để họ đi đến biến giới Ukraine – Nga. Anh cũng chọ số điện thoại liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga để nhờ trợ giúp khi cần thiết.

    Nhờ liên lạc trước, khi đến cửa khẩu, hai anh đã được cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga can thiệp để nhập cảnh suôn sẻ. Đồng thời Đại sứ quán Việt Nam cũng thông báo cho đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Voronezh đến cửa khẩu đón.

    Anh Ngọc tâm sự: “Khi về tới đây thì bà con cộng đồng hỗ trợ giúp đỡ bọn em, cho tiền rồi quần áo giày dép, không ai lấy tiền cả. Thấy tình cảm bà con dành cho mình mà chảy nước mắt”. Anh Hương cũng bày tỏ: “Em cứ nghĩ là ở lại cũng chết, đi cũng chết thì chọn đường đi thôi. Đến khi về đến biên giới, cộng đồng người Việt Nam ở Voronezh đó, lúc đó em mới nghĩ là mình sống rồi”.

    Theo TTXVN

  • Một cuộc xung đột không thể kết thúc và không thể chiến thắng ở châu Âu? Đó là điều mà các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lo sợ, khi chiến sự ở Ukraine đã sang tháng thứ 3 mà chưa thấy dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy một bên sẽ giành chiến thắng quyết định, và cũng chưa nhìn ra một giải pháp ngoại giao nào khả thi.

    Nguy cơ bế tắc gây lo ngại rằng Ukraine sẽ trở thành chiến trường chết chóc lâu dài của châu Âu, trở thành nguyên nhân gây bất ổn toàn cầu trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới.

    An ninh lương thực và năng lượng là mối bận tâm lớn nhất, trong khi những khó khăn sau đại dịch COVID-19 và sự cấp thiết phải đối phó với biến đổi khí hậu sẽ càng đe dọa kinh tế toàn cầu. Phương Tây cũng lo ngại nguy cơ Nga sẽ chọn cách mở rộng cuộc xung đột.

    “Cả hai bên đều không sẵn sàng ngừng chiến và khả năng cao là cuộc xung đột sẽ kéo dài vài năm. Ukraine sẽ trở thành vết mưng mủ giữa châu Âu” - Ian Kelly.

    vet mung mu

    Mỹ và các đồng minh tiếp tục cấp nhiều vũ khí sát thương cho Ukraine để giúp nước này tiếp tục cuộc chiến. Dù hầu hết các nhà phân tích nói rằng Kiev đang cầm cự được, nhưng sự hỗ trợ đó phải được duy trì để có thể hiện thực hóa tuyên bố giành chiến thắng của Tổng thống Volodymyr Zelensky, hoặc ít nhất để tiếp tục đương đầu và chặn đà tiến quân của Nga.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy sẽ tăng cường tấn công, bằng cách huy động thêm quân hoặc sử dụng vũ khí phi truyền thống. Ông cũng không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy quân Nga sẽ rút lui. Còn ông Zelensky tuyên bố sẽ không chỉ đẩy lùi chiến dịch của Nga hiện nay mà sẽ giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea và những khu vực khác mà Nga đang kiểm soát.

    “Rất khó để tìm ra một giải pháp trên bàn đàm phán vào thời điểm này”, Ian Kelly, một nhà ngoại giao nghỉ hưu và từng là đại sứ Mỹ tại Georgia, nói với AP.

    “Không có con đường nào để Ukraine quay lại. Họ nghĩ họ sẽ chiến thắng”, ông Kelly nói.

    Nhà ngoại giao nghỉ hưu này cho rằng ông Putin sẽ không chấp nhận thất bại hoặc bất kỳ kịch bản nào mà ông không thể tuyên bố chiến thắng.

    Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phát biểu trong chuyến thăm Kiev vào tháng trước rằng mục tiêu của Washington không phải chỉ giúp Ukraine bảo vệ mình, mà còn để “làm suy yếu” nước Nga đến mức độ không thể thực hiện một chiến dịch quân sự tương tự.

    “Cả hai bên đều không sẵn sàng ngừng chiến và khả năng cao là cuộc xung đột sẽ kéo dài vài năm. Ukraine sẽ trở thành vết mưng mủ giữa châu Âu”, ông Kelly nhận định.

    Giới chức Mỹ có vẻ đồng ý với nhận định này, dù Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phát biểu trong chuyến thăm Kiev vào tháng trước rằng mục tiêu của Washington không phải chỉ giúp Ukraine bảo vệ mình, mà còn để “làm suy yếu” nước Nga đến mức độ không thể thực hiện một chiến dịch quân sự tương tự.

    Sự bất định ở Ukraine đang gây lo ngại cho giới chức của một số nước châu Âu, nhất là các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania – những người thành viên NATO nằm gần Nga.

    “Nói thật là chúng tôi vẫn chưa nói về việc chấm dứt xung đột”, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói trong cuộc trả lời phỏng vấn AP ngày 9/5.

    Ông Landsbergis gợi ý các nước phương Tây nên ra tuyên bố công khai về định nghĩa chiến thắng. “Đến mức độ nào thì chúng ta có thể tuyên bố chiến thắng? Kịch bản nào mà chúng ta muốn thấy?” ông Landsbergis nói.

    Theo AP

  • Anh tuyên bố sẽ chi thêm 1,6 tỉ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. 

    Anh cho biết nước này sẽ cung cấp thêm gói hỗ trợ và tài trợ quân sự trị giá 1,6 tỉ USD cho Ukraine. Đây là tuyên bố được Anh đưa ra trước hội nghị trực tuyến của các nhà lãnh đạo G7 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào hôm nay (8/5).

    Anh hiện là một trong những nước hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2. Thậm chí, vào tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson còn trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Ukraine kể từ khi Nga tấn công Ukraine.

    anh do them tien vao ukrainaHai nhà lãnh đạo Anh - Ukraine dự cuộc họp báo chung ở Kiev. (Ảnh: Reuters)

    Reuters đưa tin, trên thực tế, chính quyền của Thủ tướng Johnson đã chuyển nhiều tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không và các loại vũ khí khác cho Ukraine phục vụ cuộc chiến chống Nga.

    Khoản chi thêm 1,6 tỉ USD gần như cao gấp đôi với những cam kết hỗ trợ mà Anh đưa ra trước đây cho Ukraine. Theo chính phủ Anh, đây là mức chi cao nhất cho một cuộc chiến kể từ sau chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, Anh không đưa ra con số cụ thể về các khoản chi tiêu quân sự này.

    Còn trong ngày hôm nay, nhóm G7 gồm Anh, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Zelenskiy. Hội nghị trực tuyến diễn ra chỉ trước một ngày Nga kỷ niệm ngày Thế chiến thứ Hai kết thúc ở châu Âu hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng.

    Được biết số tiền 1,6 tỉ USD cho Ukraine sẽ được Anh rút ra từ khoản dự trữ dành cho chính phủ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, chính phủ Anh cho biết thêm Thủ tướng Johnson sẽ chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo công ty quốc phòng hàng đầu nước này trong tháng Năm để thảo luận về việc tăng cường sản xuất vũ khí do nhu cầu tăng cao liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.

    Dù khoản hỗ trợ quân sự của Anh cho Ukraine được đánh giá khá lớn, nhưng Anh lại tiếp nhận rất ít trong tổng số hơn 5 triệu người tị nạn Ukraine bỏ chạy khỏi đất nước để tránh xung đột. Chính phủ Anh công bố hôm 7/5 rằng, nước này đã cấp hơn 86.000 visa cho công dân Ukraine, nhưng mới có khoảng 27.000 người Ukraine đã tới được Anh.

    Cũng trong ngày 7/5, ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, đã cáo buộc Washington phối hợp hành động quân sự ở Ukraine. Nói cách khác, ông Volodin cho rằng Mỹ có hành động can thiệp trực tiếp quân sự chống lại Nga.

    “Washington thực chất đang điều phối và phát triển các hoạt động quân sự mà bằng cách đó tham gia trực tiếp những hành động quân sự chống lại Nga”, Reuters dẫn bài viết của ông Volodin trên Telegram cá nhân.

    Mỹ và các nước thành viên châu Âu trong liên minh quân sự NATO đã cung cấp cho Ukraine hàng loạt vũ khí hạng nặng để ngăn chặn đòn tấn công từ phía quân đội Nga. Hiện quân đội Nga đã nắm quyền kiểm soát được nhiều khu vực ở phía đông và phía nam Ukraine, nhưng không giành được thủ đô Kiev.

    Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh NATO đã nhiều lần khẳng định không tham gia chiến đấu ở Ukraine, và tránh không để trở thành một bên tham chiến ở Ukraine.

    Giới chức Mỹ cho hay Washington cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine để hỗ trợ ngăn chặn đòn tấn công của Nga, nhưng phủ nhận những thông tin này bao gồm dữ liệu tấn công mục tiêu chính xác.

    Theo Infonet

  • Tờ Independent của Anh viết, hàng nghìn người tị nạn Ukraine đến Vương quốc Anh theo diện gia đình phải đối mặt với điều kiện sống tồi tệ, buộc phải sống chung với cả gia đình trong một phòng.

    Theo các tổ chức trợ giúp người tị nạn, do điều kiện sống tồi tệ, cũng như chủ nhà không cho phép quá nhiều người sống trong các căn hộ, một số người Ukraine đã phải chuyển ra khỏi căn hộ của người thân và đăng ký làm người vô gia cư với chính quyền địa phương.

    Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát của 9 tổ chức từ thiện, trong số 83 công dân Ukraine đến Anh theo diện gia đình, thì có hơn 58% sống trong điều kiện không phù hợp và 17% có nguy cơ trở thành người vô gia cư.

    dieu kien song cua nguoi ti nan ukraina o anh

    Independent cho biết, chính phủ Anh không phân bổ hỗ trợ tài chính cho chính quyền địa phương cho chương trình này. Mặc dù đối với một số chương trình khác, người dân Vương quốc Anh sẵn sàng đưa người tị nạn vào nhà của mình và đi kèm với đó khoản tiền lên tới 10.500 bảng Anh được phân bổ cho mỗi người tị nạn.

    Trước đó, hôm 30/3, chính phủ Anh thông báo nước này đã cấp 25.500 thị thực cho người Ukraine theo kế hoạch tiếp nhận người tị nạn khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

    Dữ liệu từ Bộ Nội vụ Anh cho thấy, 22.800 thị thực đã được cấp theo chương trình gia đình Ukraine, trong đó có 2.700 thị thực được cấp theo chương trình tài trợ.

    Theo Thủ tướng Boris Johnson, Anh là một trong những nước đi đầu trong phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga với Ukraine.

    Mới đây, theo Reuters, Anh sẽ trả tiền để người dân “mở cửa chào đón” những người tị nạn Ukraine, một nỗ lực của chính phủ nước này nhằm xoa dịu phản ứng dữ dội của công chúng đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai.

    Kế hoạch mới của chính phủ Anh có tên “Mái ấm cho người dân Ukraine” sẽ cho phép những người tị nạn từ Ukraine đến Anh ngay cả khi họ không có người thân nào tại nước này.

    Bên cạnh đó, chính phủ Anh sẽ trả cho người dân 350 bảng Anh (456 USD) một tháng nếu họ có thể dành một phòng trống trong nhà cho người tị nạn Ukraine trong thời gian một tháng trở lên.

    Theo kế hoạch mới, công chức, thành viên của các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp và nhóm cộng đồng sẽ có thể cung cấp chỗ ở thông qua một trang web chính thức vào tuần tới.

    Bất kỳ ai cung cấp nơi ở cho người tị nạn phải chứng minh rằng chỗ ở đó đáp ứng các tiêu chuẩn, thậm chí có thể bị kiểm tra lý lịch tư pháp.

    Theo Cơ quan Người tị nạn của Liên Hợp Quốc, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đã có hơn 4,2 triệu người Ukraine đi sang nước ngoài tị nạn và hơn 7 triệu người rời bỏ nhà cửa đi sơ tán đến những nơi an toàn hơn ở Ukraine. Nhiều người trong số này sơ tán đến Lviv (thành phố ở phía Tây Ukraine), các thành phố và thị trấn khác gần biên giới Ba Lan. Bên cạnh đó, nhiều người Ukraine cũng dã quay trở lại thủ đô Kiev vì lực lượng Nga đã rút khỏi đây.

    Theo Infonet

  • Chỉ trong vòng 3 tháng, nhiều tài phiệt dầu khí người Nga đã qua đời mà nguyên nhân được cho là tự sát, hoặc giết người trước khi tự tử. 

    Ít nhất 5 doanh nhân giàu có người Nga đã tự sát và qua đời chỉ trong vòng 3 tháng qua. Trong số 5 nạn nhân có 3 người bị nghi đã ra tay sát hại các thành viên trong gia đình trước khi tự kết liễu đời mình. Đáng nói, 4 nạn nhân có liên quan tới tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga hoặc chi nhánh của tập đoàn.

    Theo RIA Novosti, một nhà quản lý cấp cao của Gazprom được tìm thấy đã tử vong tại căn nhà ở làng Leninsky gần thành phố Leningrad vào ngày 30/1.

    Cũng theo RIA, một lá thư tuyệt mệnh được tìm thấy tại hiện trường. Các nhà điều tra đã điều tra vụ việc theo hướng tự sát. Còn kênh RenTv xác định nạn nhân tử vong là ông Leonid Shulman, lãnh đạo bộ phận vận chuyển tại Gazprom Invest.

    tai phiet nga 1
    Leonid Shulman, lãnh đạo bộ phận vận chuyển tại Gazprom Invest, tử vong được cho do tự sát. (Ảnh: CNN)

    Chưa đầy một tháng sau, một quan chức cấp cao khác của Gazprom là ông Alexander Tyulakov cũng được phát hiện đã chết trong gara căn nhà ở ngôi làng Leninsky vào ngày 25/2, theo tờ Novaya Gazeta. Tờ này cho hay ông Tyulakov chết vì tự sát.

    Tiếp đó, ông Mikhail Watford, một tỷ phú người Nga sinh ra ở Ukraine, cũng đã qua đời tại nhà ở Surrey, Anh vào ngày 28/2. Chính quyền địa phương bác bỏ nhận định đây là một vụ tự tử.

    Một doanh nhân người Nga khác là ông Vasily Melnikov được phát hiện đã tử vong cùng với gia đình ở Nizhny Novgorod vào cuối tháng Ba, theo tờ Kommersant.

    Ông Melnikov là chủ sở hữu của công ty chuyên cung cấp các mặt hàng y tế MedStom. Theo Ủy ban Điều tra Nga, nam nạn nhân (43 tuổi) cùng vợ (41 tuổi) và 2 con 4 và 10 tuổi đã chết khi trên người có nhiều vết đâm chém vào ngày 23/3.

    Tuy nhiên, Ủy ban Điều tra Nga không nhắc cụ thể tên người tử vong là ông Melnikov. Song độ tuổi nạn nhân và vị trí tử vong hoàn toàn trùng khớp với thông tin mà tờ Kommersant công bố.

    Vào thời điểm xảy ra vụ án, cơ quan điều tra địa phương cho hay “không có dấu hiệu xâm nhập bất hợp pháp vào căn hộ” và “những con dao đã được tìm thấy”.

    “Các nhà điều tra đang xem xét một số nguyên nhân dẫn tới vụ việc bao gồm người chủ gia đình đã sát hại vợ và 2 con trước khi tự sát”, ủy ban điều tra địa phương cho biết.

    Chưa dừng lại, vào đầu tháng Tư, 2 doanh nhân người Nga cũng đã thiệt mạng mà nguyên nhân được cho là giết người rồi tự sát.

    tai phiet nga 1
    Cái chết của ông Vladislav Avayev, cựu phó chủ tịch Gazprombank, bị điều tra theo hướng giết người rồi tự sát. (Ảnh: CNN)

    Nạn nhân đầu tiên là ông Vladislav Avayev, cựu phó chủ tịch Gazprombank. Ông này được tìm thấy đã chết cùng với vợ và con gái trong căn hộ ở Moscow vào ngày 18/4, theo TASS.

    Một nguồn tin cho hay, cơ quan chức năng Nga đã điều tra cái chết của ông Avayev theo hướng giết người rồi tự sát.

    Bà Yulia Ivanova, đại diện Ủy ban Điều tra ở Moscow, cho biết một người họ hàng đã phát hiện ra thi thể 3 người nhà ông Avayevs, sau khi người lái xe và bảo mẫu thông báo họ không thể liên lạc với chủ nhân bằng điện thoại, cũng như không thể vào trong căn hộ bị khóa trái bên trong.

    Ông Igor Volobuev, cựu phó chủ tịch Gazprombank, người đã rời khỏi Nga để sang Ukraine, nói với CNN rằng ông không tin ông Avayev tự sát.

    “Công việc của ông ấy liên quan tới dịch vụ ngân hàng cá nhân dành cho tầng lớp thượng lưu, có nghĩa ông ấy làm ăn với nhiều VIP. Ông ấy chịu trách nhiệm trước những số tiền cực lớn. Nguyên nhân gì khiến ông ấy có thể tự sát? Tôi nghĩ ông ấy đã biết chuyện gì đó và bị xem là đối tượng nguy hiểm”, ông Volobuev nhấn mạnh.

    Nạn nhân thứ 2 trong tháng Tư là ông Sergey Protosenya, cựu chủ tịch công ty sản xuất gas Novatek, một phần thuộc sở hữu của tập đoàn Gazprom. Ông này được phát hiện đã chết ở phía bắc thành phố Barcelona của Tây Ban Nha. Ông Protosenya qua đời vào ngày 19/4.

    Đáng nói, thi thể người vợ và con gái ông Protosenya cũng được tìm thấy ở trong căn nhà hạng sang của họ ở thị trấn Lloret de Mar, khu nghỉ dưỡng ở Địa Trung Hải gần Barcelona.

    Nguồn tin cho hay thi thể vợ và con gái của ông Protosenya có nhiều dấu vết bị bạo hành. Hai thi thể nằm bên trong căn hộ sang trọng của gia đình, trong khi thi thể ông Protosenya nằm ngoài vườn. Vụ án được điều tra theo hướng giết người và tự sát liên quan tới bạo lực gia đình.

    Nói với Daily Mail, con trai ông Protosenya nghi ngờ chuyện bố mình là kẻ giết người.

    “Bố tôi yêu vợ và đặc biệt là cô con gái Maria. Con bé là một nàng công chúa. Ông ấy không thể làm chuyện gì gây hại cho họ. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra vào đêm hôm đó, nhưng tôi biết bố mình không giết vợ và con gái”, anh Fedor Protosenya, người đang ở cùng gia đình tại Pháp vào thời điểm xảy ra vụ án, chia sẻ.

    Cảnh sát tỉnh Girona, nơi thị trấn Lloret de Mar tọa lạc, cho hay “giả thuyết vẫn nghiêng về việc đây là một vụ án bạo lực gia đình, dù tuyên bố từ phía con trai nạn nhân nói khác”.

    Theo Infonet

  • Thủ tướng Johnson tới Kiev trong chuyến đi không báo trước, tuyên bố sẽ gửi 120 xe bọc thép cùng các hệ thống tên lửa chống hạm mới tới Ukraine.

    "Ukraine đã làm được điều ít ai ngờ tới và đẩy lùi lực lượng Nga khỏi cửa ngõ Kiev, đạt được một trong những chiến tích lớn nhất của thế kỷ 21", Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 9/4 phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev.

    Chuyến thăm tới Kiev của Thủ tướng Johnson diễn ra bất ngờ, không được London thông báo trước. Trong cuộc họp báo một ngày trước, ông Johnson liên tục né tránh các câu hỏi về khả năng đến gặp trực tiếp Tổng thống Zelensky ở Kiev.

    Đại sứ quán Ukraine tại Anh sau đó đăng một bức ảnh cho thấy ông Johnson ngồi đối diện ông Zelensky trong căn phòng sơn màu hồng và xanh lá cây, kèm chú thích: "Bất ngờ chưa". Andriy Sybiha, phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine, cũng xác nhận trên Facebook rằng hai lãnh đạo đã gặp trực tiếp ở Kiev.

    Phố Downing mô tả chuyến thăm của ông Johnson nhằm "thể hiện tình đoàn kết với người dân Ukraine", cho hay các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo hai nước tập trung vào sự ủng hộ lâu dài đối với Kiev cùng những khoản viện trợ tài chính, quân sự mới.

    thu tuong anh tham ukraine
    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Anh Boris Johnson đi bộ dọc một con phố ở Kiev sau cuộc gặp ngày 9/4. Ảnh: Reuters.

    Thủ tướng Johnson viết trên Twitter rằng chuyến thăm Kiev của ông là "minh chứng cho sự ủng hộ kiên định của chúng tôi đối với người dân Ukraine". Ông đồng thời cho biết Anh sẽ cung cấp cho Ukraine 120 xe bọc thép và hệ thống tên lửa chống hạm mới, bên cạnh các thiết bị quân sự hiện đại khác trị giá khoảng 130 triệu USD được công bố trước đó vào ngày 8/4.

    Trong tuần trước, Anh cũng đã cam kết sẽ viện trợ thêm cho quân đội Ukraine "thiết bị quân sự cao cấp" với tổng trị giá khoảng 130 triệu USD, gồm tên lửa phòng không Starstreak, 800 vũ khí chống tăng cùng vũ khí chính xác cao.

    Tổng thống Ukraine sau đó đã gửi lời cảm ơn tới nước Anh và Thủ tướng Johnson trên mạng xã hội. "Ông Boris là một trong số những người không mảy may nghi ngờ về việc có nên ủng hộ Ukraine hay không", ông Zelensky nói. "Ukraine sẽ luôn biết ơn Thủ tướng Boris và nước Anh vì điều đó".

    Trong cuộc họp báo chung giữa hai lãnh đạo, Thủ tướng Johnson tuyên bố Anh sẽ tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt lên Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. "Chúng tôi sẽ tác động tới khả năng sử dụng nguồn lực của Nga", ông nhấn mạnh.

    Hàng loạt lãnh đạo châu Âu tuần qua đã đến thăm Kiev, trong đó có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và lãnh đạo bộ phận đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell.

    Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 để "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa". Quân đội Nga từ cuối tháng 3 tuyên bố giảm đáng kể hoạt động tại một số địa bàn, trong đó có khu vực quanh thủ đô Kiev và đã rút quân khỏi khu vực này. Bộ Tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Ukraine ngày 8/4 cho biết Nga đã hoàn tất rút quân khỏi khu vực Sumy, phía bắc Ukraine, đồng thời tiếp tục củng cố lực lượng ở miền đông.

    Theo VnExpress

  • phuong tay trung phat con gai ong putin

    Xử phạt 2 con gái của ông Putin: Katerina và Maria, phần lớn là một động thái mang tính biểu tượng vì đến giờ vẫn không rõ họ có tài sản đáng kể nào bên ngoài nước Nga.

    Chính quyền Mỹ đang chuẩn bị áp đặt vòng trừng phạt thứ hai đối với Nga trong tuần này, trong đó gồm cả hai ngân hàng lớn nhất của Nga và hai con gái của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

    Các biện pháp trừng phạt dự kiến ​​sẽ được áp dụng đối với Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga và Alfa Bank, một trong những công ty cho vay tư nhân hàng đầu của Nga.

    Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai con gái của ông Putin, Mariya Putina và Katerina Tikhonova, vì Washington tiếp tục nhắm mục tiêu vào những người trong giới nội bộ của nhà lãnh đạo Nga.

    Xử phạt 2 con gái của ông Putin: Katerina và Maria, phần lớn là một động thái mang tính biểu tượng vì đến giờ vẫn không rõ họ có tài sản đáng kể nào bên ngoài nước Nga. Time thừa nhận lệnh trừng phạt được vẽ ra để gây lo lắng cho tổng thống. Cuộc sống cá nhân các con gái của ông Putin được giữ bí mật. Điện Kremlin chưa bao giờ xác nhận danh tính các con gái của ông hoặc công bố các bức ảnh về họ khi trưởng thành.

    Năm 2015, Putin chỉ tiết lộ một số chi tiết về các con gái của ông, như cả hai đều tốt nghiệp đại học Nga và nói được nhiều thứ tiếng.

    Phương Tây cho biết Maria Vorontsova, con gái lớn của Tổng thống Putin, là đồng sở hữu của Nomenko, công ty có liên quan đến nhiều dự án đầu tư  tư nhân của Nga trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó Katerina Tikhonova điều hành một viện trí tuệ nhân tạo tại Đại học Quốc gia Moscow.

    Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông không biết về đề xuất này và sẽ chờ xem những gì được công bố chính thức. Cho đến nay, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn từ chối bình luận.

    Theo The Wall Street Journal, đây là động thái nhằm đáp lại các báo cáo mà các quan chức Ukraine đổ lỗi cho quân đội Nga gây ra ở Bucha. Trong khi đó, Nga đã phủ nhận mọi trách nhiệm về những hành động tàn bạo trên các vùng lãnh thổ mà quân đội của họ kiểm soát gần đây ở Ukraine.

    Nhưng các biện pháp được đưa ra khi Ngoại trưởng Antony Blinken chuẩn bị cho hai ngày họp tại Brussels với những người đồng cấp trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương về phản ứng phối hợp của họ đối với cuộc tiến quân của Nga vào Ukraine.

    Các quan chức châu Âu hôm thứ Ba cho biết, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, gồm cả lệnh cấm nhập khẩu than của Nga, cắt giảm khả năng tiếp cận đường bộ của Nga và các hãng vận chuyển hàng hóa của Nga vào khối cũng như chặn một số xuất khẩu máy móc sang Nga. Đồng thời, lệnh trừng phạt còn nhằm vào các nhà tài phiệt và gia đình họ EU trong đó đề xuất xử phạt hai con gái của ông Putin.

    Theo Một Thế Giới

     

  • Chủ sở hữu CLB Chelsea, nhà tài phiệt tỉ phú người Nga Roman Abramovich khốn khổ vì không còn tiền đến mức phải đi vay những người bạn giàu có khác mỗi người 1 triệu bảng Anh.

    Thông tin được tờ Mirror (Anh) đăng tải hôm nay (6-4) khiến nhiều người bất ngờ. Theo đó, chủ sở hữu Chelsea, nhà tài phiệt tỉ phú người Nga Roman Abramovich phải đi vay mỗi người bạn 1 triệu bảng Anh để xoay sở trong lúc khó khăn.

    Roman Abramovich đã bị Chính phủ Anh phong tỏa tài sản vào tháng 3 như một phần của chiếc dịch “trấn áp” các nhà tài phiệt của Nga, sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin phát động tấn công quân sự vào Ukraine.

    Abramovich, người sở hữu Chelsea từ năm 2003 đã kịch liệt phủ nhận ông có quan hệ mật thiết với tổng thống Putin nhưng vẫn không thoát khỏi danh sách các công dân Nga làm ăn tại Anh bị chính phủ Anh trừng phạt.

    Ông bị Premier League đình chỉ chức vụ cao nhất tại Chelsea, còn bản thân CLB Chelsea phải hoạt động cầm chừng dựa theo một giấy phép đặc biệt. Điều này nhằm đảm bảo Abramovich không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ Chelsea, dù ông là ông chủ của đội chủ sân Stamford Bridge và từng bỏ 1,5 tỉ bảng Anh tiền túi xây dựng nên đế chế Chelsea.

    ty phu Roman Abramovich 1
    Abramovich nỗ lực tham gia đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. ẢNH: GETTY

    Trước khi bị Chính phủ Anh đóng băng tài sản, Abramovich đã rao bán Chelsea với giá 3 tỉ bảng Anh. Chelsea đang trong giai đoạn cuối của quá trình chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, Roman Abramovich sẽ không nhận được 1 xu từ số tiền bán Chelsea, nghĩa là ông mất trắng CLB này.

    Theo The Sun (Anh), với việc bị chính phủ Anh đóng băng tài sản và chi phí hàng tuần phải trả cho nhân viên là 600.000 bảng Anh, Abramovich đã phải muối mặt đi vay mượn những người bạn bè giàu có khác mỗi người 1 triệu bảng Anh nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.

    Theo báo cáo của The Sun, Brentt Ratner, người đạo diễn các bộ phim bom tấn Hollywood như Giờ cao điểm và X-Men: The Last Stand là một trong những cái tên được Abramovich liên hệ vay tiền.

    Abramovich cũng liên lạc với những người bạn tại Phố Wall và giới công nghệ. Thông tin cũng cho rằng, Abramovich đã tiếp cận gia đình Rothschild, mặc dù cho đến nay, không ai được cho là đã đồng ý cho Abramovich vay tiền.

    Theo Mirror (Anh), với việc Abramovich phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ nhiều chính phủ trên toàn cầu, vẫn chưa rõ liệu có ai giúp đỡ cho tỉ phú 55 tuổi này vay tiền để vượt qua hoạn nạn hay không.

    Theo Forbes, kể từ khi Nga tấn công Ukraine, tài sản cá nhân của Roman Abramovich đã bị “bốc hơi” 5 tỉ bảng Anh, khiến số tài sản của ông hiện chỉ còn 5,5 tỉ bảng Anh.

    Abramovich là một phần của phái đoàn Nga trong cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tuần trước nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

    Abramovich được phía Ukraine liên hệ nhờ giúp đỡ và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Và kể từ đó, Roman Abramovich đã nỗ lực làm điều đó.

    Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết sự hiện diện của Roman Abramovich tại các buổi đàm phán đã cho thấy tổng thống Nga Putin “tin tưởng và tin tưởng vào Abramovich”.

    Tổng thống Tayyip Erdogan chia sẻ: “Roman Abramovich đã tham gia đàm phán với tư cách là một thành viên của phái đoàn Nga. Thay vì xem ai là người ngồi trong bàn đàm phán, chúng ta nên xem họ có mặt ở đây để thay mặt cho ai”.

    Tuy nhiên, những người chỉ trích chủ sở hữu Chelsea thì cho rằng Roman Abramovich đang cố gắng “sử dụng” các cuộc đàm phán như là “công cụ” nhằm cứu vãn tài sản của mình.

    ty phu Roman Abramovich 1
    Các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Roman Abramovich. ẢNH: REUTERS

    Vladimir Ashurkov, giám đốc điều hành của Tổ chức chống tham nhũng nói với Thời báo tài chính (Anh): “Roman Abramovich là một người sáng tạo. Ông ấy có những người sáng tạo làm việc cho mình. Vì vậy, đó có thể chỉ là cách để Roman Abramovich có cơ hội giảm bớt các lệnh trừng phạt nhắm vào mình”.

    Nguồn: Mirror