Người Việt trong vụ cháy chợ ở Ba Lan: già hết rồi còn sức đâu mà làm lại?

"Có nhiều người quay trở lại điểm xuất phát nhưng còn nhục nhã hơn điểm xuất phát, bởi vì bây giờ người ta mất đi cái thanh xuân rồi, mất đi tuổi trẻ rồi. Giờ đến tuổi già thì người ta không thể làm lại được nữa", anh Dũng nói.

Trung tâm mua sắm Marywilska ở thủ đô Warsaw, Ba Lan, với gần 1400 quầy hàng bị thiêu rụi. Tiếng nổ lớn như đánh bom, hàng nghìn tiểu thương tại đây vẫn bàng hoàng.

"Nổ rất dữ dội, nghe tiếng nổ mình cứ nghĩ là bị đánh bom. Không còn một cái gì nữa. Tro tàn hết tất cả. Tài sản bao nhiêu năm nay coi như là trắng tay. Mọi người ôm nhau khóc. Nó đau như mình vừa mất đi một người thân ấy. Đây giống như một cơn ác mộng chứ không phải sự thật", anh Dũng nói.

Tài sản 14 năm kiếm sống chôn vùi theo đám cháy, anh Đặng Dũng, tiểu thương 37 tuổi ở Warsaw, tính hồi hương vì cạn kiệt tới mức phải nhờ người thân giúp từng bữa ăn. Mọi người đều hoang mang về tương lai vô định.

"Chưa ai biết mình sẽ làm gì tiếp theo". "Trời ơi, thế là tất cả mọi người không còn gì nữa để mà mất", tiếng ai oán vang lên ngất trời.

chay o ba lan mat trang 1
Trung tâm thương mại bán lẻ 44 Marywilska ở Warsaw chìm trong biển lửa, ngày 12/5. Ảnh: Reuters

Vào rạng sáng ngày 12/5/2024 giờ Ba Lan, TTTM Marywilska bốc cháy dữ dội. Đám cháy bùng lên từ 3h sáng, sau đó lan nhanh khắp toàn bộ 1400 gian hàng, trong đó có hơn 460 gian hàng của các tiểu thương người Việt. 

Suốt 14 năm bán giày dép tại trung tâm này, anh Dũng trào nước mắt khi nhận tin báo cháy. Anh nói, khi nhìn lên bầu trời là màn khói đen kịt cùng mùi khét lẹt kèm tiếng nổ lớn tưởng chừng như ném bom. Quá đau đớn, anh Dũng mất ngủ trắng đêm, vợ anh cũng khóc lịm. Chị nhịn ăn suốt 2 ngày nay bởi tài sản, vốn liếng suốt 14 năm lang bạt xứ người, bay sạch theo đám cháy.

"Anh chị có một quầy 30 mét vuông, 2 vợ chồng làm, cả gia đình tập trung hết vào đấy. Lúc cháy, tiền bạc, tất cả mọi thứ đều nằm trong quầy hết, khoảng hơn 5 tỉ đồng".

Trắng tay là tình trạng chung của những tiểu thương Việt khác, bởi TTTM này được xem là nơi cất trữ tài sản và các loại giấy tờ quan trọng của nhiều người. Mọi người không để tiền bạc giấy tờ ở nhà vì sợ trộm cắp cướp giật, nhưng để ở quầy thì lúc nào cũng an toàn. Hầu như mọi người đều ở nhà thuê, nhà ghép nên không dám đem tiền về nhà. Bữa nay thì họ nhét tiền vào chỗ này một ít, bữa mai dúi ở chỗ kia một ít. Ở trong chợ này, chỉ có 10% người Việt là có nhà, còn lại là đi ở thuê hết. 

Không ai nghĩ tới chuyện khu chợ này lại có thể cháy tới mức độ như thế này. Theo thông tin anh Dũng ước tính, thiệt hại của mỗi quầy hàng từ 50k - 800k USD. Có một số người để tài sản trong két sắt, mua loại rất là bình thường, chắc chắn là nó đã bị thiêu rụi rồi.

(Lưu ý: két sắt khi bị thiêu dưới nhiệt độ cao vài trăm tới ngàn độ C thì chẳng khác gì lò nung, tất cả tài sản bên trong đều bị nung biến dạng hết).

Anh Dũng đã phải gọi điện về VN để mượn tiền xoay xở ăn uống sinh hoạt. Tuy khó là thế nhưng anh còn có nhà để ở, còn 90% tiểu thương khác không có nhà. Họ có thể phải đối diện với cảnh màn trời chiếu đất. 

"Vợ chồng anh phải gọi điện về VN để mượn tiền cho con cái ăn uống, học hành. Ít nhất là trong 2-3 tuần tới vợ chồng anh chưa nghĩ ra có thể làm việc gì. Anh may mắn hơn mọi người trong chợ vì không có tiền thì vẫn còn cái nhà để chui ra chui vào, còn những người khác trong vòng 1 tháng không đóng tiền nhà sẽ bị đuổi ra đường. Không biết họ sẽ đi đâu về đâu", anh Dũng nói. 

Không biết cầm cự được đến khi nào, anh nói chỉ muốn cùng vợ con hồi hương để quên nỗi đau này. 

"Bà con bây giờ rất là hoang mang. Có những người sẽ phải về VN hoặc là đi nước khác làm ăn. Cũng có người ở lại đây để đi kiếm công việc khác như chạy Uber, đi bán hàng thuê, hoặc đi làm nail ở tỉnh xa hơn. Chứ ở Warsaw không thể đáp ứng đủ cho hơn 1.000 người lâm vào cảnh thất nghiệp. Anh muốn đưa gia đình hồi hương luôn, tại vì 14-15 năm anh ở đây, anh đã đi từ năm 18 tuổi, mà bây giờ mất trắng như thế rồi thì ở lại đây làm gì nữa", anh Dũng nói.

chay o ba lan mat trang 1
Toàn cảnh khu chợ 44 Marywilska khi chưa bị cháy. Ảnh: Facebook/Marywilska 44

 "Tôi buôn bán từ bấy tới bây giờ, tích cóp của cải rồi đi làm ăn, dồn hết vào hàng quán. Cuộc sống bây giờ còn khó khăn hơn lúc mà mình mới sang. Giờ không biết bắt đầu từ đâu với 2 bàn tay trắng. Ngày xưa mình còn độc thân thì dễ hơn, không làm chỗ này thì mình đi chỗ khác. Bây giờ còn có vợ con. Để kiếm công việc thì mình cũng phải đưa cả gia đình đi cùng. Phải tính toán làm sao để vừa làm vừa có thời gian lo cho con cái học hành. Ngày xưa mình có thể làm được bất cứ việc gì và đi bất cứ nơi đâu", một người Việt cho biết.

"Có nhiều người quay trở lại điểm xuất phát nhưng còn nhục nhã hơn điểm xuất phát, bởi vì bây giờ người ta mất đi cái thanh xuân rồi, mất đi tuổi trẻ rồi. Giờ đến tuổi già thì người ta không thể làm lại được nữa", anh Dũng nói.

Chị Tuệ Trần sang Ba Lan đã được 37 năm. Ở quê không còn nhà cửa đất đai. Nếu về nước thì không chốn ở. Ở lại Ba Lan thì luống tuổi không ai thuê. Cuộc sống sau này nghìn cân treo sợi tóc. 

"Không có đất cát ở VN mà cũng không có tiền ở VN. Về VN thì làm gì có tiền. Thứ nhất là có tiền để sinh sống và thứ 2 là phải có chỗ ở. Từ năm 1997 chị đã ra đi rồi. 37 năm sống ở đất trời châu Âu rồi. Tiền thì chẳng có. Tất cả gia đình trông chờ vào cái quầy này. Chẳng biết mình sẽ đi về đâu, rồi hoàn cảnh gia đình, chồng đang đau ốm, các con còn nhỏ dại. Chị là lao động chính trong nhà. Anh chị già rồi đã đành nhưng còn các cháu. Giờ anh chị đi làm thuê thì ai nhận ở cái tuổi này nữa. Chồng chị 64 tuổi, chị 59 tuổi rồi".

Hiện nhiều gia đình VN ở Ba Lan cũng thông qua các hội nhóm thiện nguyện để quyên tiền hỗ trợ các tiểu thương trắng tay sau hỏa hoạn. Đại sứ quán VN ở Ba Lan sẽ hỗ trợ mọi người làm lại giấy tờ đã bị cháy, đồng thời làm việc với các bên liên quan để giảm thiểu hậu quả của vụ hỏa hoạn.

 Theo VnExpress