Người đầu tiên được ghép thận lợn qua đời sau gần 2 tháng

Người đầu tiên được ghép thận lợn biến đổi gen đã qua đời sau gần hai tháng thực hiện ca phẫu thuật, theo gia đình ông và bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật cho biết hôm 11/5.

Hồi tháng 3, bệnh nhân Richard "Rick" Slayman được cấy ghép thận lợn biến đổi gen tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) ở tuổi 62. Các bác sĩ phẫu thuật cho biết họ tin rằng quả thận lợn sẽ tồn tại ít nhất hai năm.

ghep than lon
Chuyên gia lấy thận lợn ra khỏi hộp để chuẩn bị cấy ghép cho ông Slayman hồi tháng 3. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Massachusetts

Nhóm cấy ghép tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết họ vô cùng đau buồn trước sự ra đi của ông Slayman và gửi lời chia buồn tới gia đình ông. Họ nói rằng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy người đàn ông tử vong do quả thận lợn biến đổi gen được cấy ghép.

Gia đình ông Slayman đã gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ. "Những nỗ lực to lớn của nhóm phẫu thuật trong việc tiến hành cấy ghép xenotransplant (cấy ghép khác loài) đã mang lại cho gia đình chúng tôi thêm 7 tuần với ông Rick, và những kỷ niệm của chúng tôi trong thời gian đó sẽ vẫn còn trong tâm trí và trái tim chúng tôi".

Trước đây, thận lợn từng được cấy ghép cho những bệnh nhân chết não. Ông Slayman là bệnh nhân còn sống đầu tiên trên thế giới được ghép thận lợn biến đổi gen. Ngoài thận, Mỹ cũng từng cấy ghép tim lợn cho hai bệnh nhân, nhưng cả hai đều qua đời sau chưa đầy 2 tháng.

Ông Slayman mắc bệnh tiểu đường Loại 2 và tăng huyết áp, từng được ghép thận người vào năm 2018 nhưng nó bắt đầu ngừng hoạt động sau 5 năm, buộc ông phải chạy thận nhân tạo. Khi xảy ra biến chứng lọc máu đòi hỏi phải phẫu thuật thường xuyên, các bác sĩ đề nghị ghép thận lợn.

Gia đình cho biết ông Slayman trải qua cuộc phẫu thuật một phần là để mang lại hy vọng cho hàng nghìn người cần ghép tạng để sống sót. "Ông Rick đã hoàn thành mục tiêu đó và niềm hy vọng cũng như sự lạc quan của ông ấy sẽ tồn tại mãi mãi".

Việc ghép tạng từ loài này sang loài khác là một lĩnh vực đang phát triển được gọi là cấy ghép dị chủng. Phương pháp này chữa lành bệnh nhân bằng tế bào, mô hoặc cơ quan từ động vật, nhưng lại rất khó thực hiện vì hệ thống miễn dịch của con người sẽ ngay lập tức phá hủy mô động vật lạ. Do đó, để phục vụ cho nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng, nội tạng lợn thường được biến đổi gen để giống với các cơ quan con người.

Trên toàn nước Mỹ, có hơn 100.000 người nằm trong danh sách đang chờ ghép tạng, hầu hết là bệnh nhân thận. Mỗi năm có hàng nghìn người tử vong trong khi chờ được ghép tạng.

Congluan (theo AP)