• Việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm đã khiến cả xứ sở sương mù bất ngờ, bởi các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy Đảng Bảo thủ cầm quyền nhiều khả năng chịu thất bại nặng nề trước Công đảng đối lập.

    Các chính đảng khởi động chiến dịch vận động tranh cử

    Từ nhiều ngày qua, cả Thủ tướng Anh Rishi Sunak thuộc Đảng Bảo thủ và đối thủ Keir Starmer thuộc Công đảng đều nhanh chóng triển khai chiến dịch vận động tranh cử, trong đó hai chính trị gia đều cho rằng chỉ có họ mới có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị.

    bau cu anh som muon
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak thuộc Đảng Bảo thủ và đối thủ Keir Starmer thuộc Công đảng đều nhanh chóng triển khai chiến dịch vận động tranh cử.

    Theo Thủ tướng Sunak, nền kinh tế Anh đang vượt qua giai đoạn khó khăn và ông có kế hoạch giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Phát biểu với cử tri ở vùng England, ông Sunak cho rằng, mặc dù còn nhiều việc phải làm và sẽ mất thời gian để người dân nhận thấy lợi ích, nhưng kế hoạch này phần nào phát huy tác dụng.

    Ông nói: "Vài năm vừa qua thật khó khăn. Chúng ta đã phải đối mặt với đại dịch Covid-19, dịch bệnh đã làm thay đổi nghiêm trọng lối sống của chúng ta. Và sau đó là hóa đơn năng lượng tăng đột biến do xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, với tốc độ nhanh hơn Đức, Pháp và Mỹ. Tiền lương đã tăng nhanh hơn giá cả. Kế hoạch của chúng ta đang có hiệu quả".

    Nhằm thu hút cử tri lớn tuổi, Thủ tướng Rishi Sunak đã đề xuất khoản trợ cấp mới liên quan đến người cao tuổi và cắt giảm thuế khoảng 100 bảng Anh (tương đương 128 USD) cho mỗi người trong số 8 triệu người hưu trí vào năm 2025. Con số này dự kiến sẽ tăng lên gần 300 bảng Anh mỗi năm vào cuối kỳ họp Quốc hội tiếp theo.

    Ngoài ra, Thủ tướng Anh Rishi Sunak còn công bố kế hoạch tái áp dụng Luật Nghĩa vụ quốc gia bắt buộc, nhưng với một số quy định mới nếu Đảng Bảo thủ tiếp tục nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử tháng 7. Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho hay, việc áp dụng Luật Nghĩa vụ bắt buộc với toàn bộ thanh niên trên 18 tuổi sẽ giúp vực dậy tinh thần dân tộc và mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho những người trẻ tuổi.

    Trong khi đó, phát biểu với cử tri tại Gillingham, phía Đông Nam England, lãnh đạo Công đảng - ông Starmer tuyên bố ông muốn đổi mới, xây dựng lại và khôi phục nước Anh. Ông tập trung vào những rào cản vô hình ngăn cản nhiều người cải thiện cuộc sống của họ.

    Cụ thể, Công đảng cam kết duy trì chính sách do chính phủ Đảng Bảo thủ đưa ra vào năm 2011 nhằm ngăn chặn những người nghỉ hưu rơi vào tình trạng nghèo đói, tăng mức lương tối thiểu để người lao động đảm bảo chi phí sinh hoạt. Công đảng cũng chủ trương đầu tư vào năng lượng sạch trong nước, cắt giảm chi phí, tạo việc làm và giúp nước Anh tự chủ về an ninh năng lượng.

    Theo đánh giá của các nhà phân tích, thông điệp “đã đến lúc phải thay đổi” của Công đảng đối lập sẽ là một thách thức khó khăn để Đảng Bảo thủ vượt qua, khi cử tri đã mệt mỏi sau 14 năm đảng này nắm quyền với 5 đời thủ tướng.

    Lý do Anh bất ngờ tổ chức tổng tuyển cử sớm

    Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Rishi Sunak nhiều khả năng chịu thất bại nặng nề trước Công đảng đối lập. Do đó, việc Thủ tướng Sunak tổ chức bầu cử sớm gần một năm khiến dư luận trong nước và quốc tế không khỏi bất ngờ. Được biết, theo quy định bầu cử của Anh, nếu thủ tướng không kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn, Quốc hội hiện tại sẽ tự động giải tán vào ngày 17/12/2024 và ngày muộn nhất để tổ chức tổng tuyển cử là 23/1/2025. Vậy đâu là nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Anh muốn cử tri đi bỏ phiếu vào thời điểm này?

    Ngày bầu cử ở Anh đã được xác nhận là ngày 4/7, tức là chỉ còn chưa đầy 6 tuần nữa. Theo quy định, Vương quốc Anh phải tổ chức tổng tuyển cử 5 năm một lần, song cuộc bầu cử cũng có thể được tiến hành bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian này, phụ thuộc vào quyết định của thủ tướng đương nhiệm. Trước đó, dù Thủ tướng Rishi Sunak nhiều lần nhận được yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử trước tháng 1/2025, nhưng ông đã phản đối những lời kêu gọi. Ngoài ra, đa phần người dân Anh mong đợi bầu cử sẽ diễn ra vào mùa thu. Do đó, lời kêu gọi bầu cử sớm của ông Sunak đã khiến nhiều người vô cùng bất ngờ, bao gồm cả một số nghị sĩ của chính Đảng Bảo thủ cầm quyền.

    "Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra khi Thủ tướng Sunak quyết định bầu cử sớm. Nước Anh vừa có cuộc bầu cử địa phương, tất cả chúng tôi đều biết những gì đã xảy ra. Tôi đoán là ngài thủ tướng cho rằng ông ấy có thể kiểm soát được tình nếu tổ chức bầu cử diễn ra ngay bây giờ. Nếu để nó lâu hơn, ông ấy có thể không làm tốt được nữa",cô Annemieke Van Rhijn - một người Anh cho biết

    Giải thích cho bước đi này, Thủ tướng Sunak cho biết, quyết định chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố kinh tế.

    Ngoài ra, với việc quyết định tổ chức bầu cử sớm, Thủ tướng Sunak hy vọng ông sẽ hạn chế được những chia rẽ trong đảng cầm quyền, cũng như làn sóng ra đi gần đây của các nghị sĩ Bảo thủ để “đầu quân” sang Công đảng.

    Tuy nhiên, theo hãng tin CNN, vấn đề chính mà Thủ tướng Sunak phải đối mặt là không có lựa chọn nào tốt hơn. Kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, tỷ lệ tín nhiệm của cử tri dành cho Thủ tướng Sunak đã giảm khoảng 20 điểm và xu hướng này được dự báo khó lòng cải thiện trong ngắn hạn.

    Mặt khác, Thủ tướng Sunak đã đặt phần lớn “di sản chính trị” của mình vào cam kết ngăn chặn các thuyền nhỏ của người tị nạn vượt biên sang Vương quốc Anh. Mới đây nhất, sau thời gian dài chờ đợi, nhà lãnh đạo 44 tuổi này đã thúc đẩy thành công việc thông qua đạo luật Rwanda gây tranh cãi để giải quyết một số yêu cầu bồi thường cho người nhập cư trái phép, qua đó góp phần tránh được tình cảnh gia tăng các chuyến vượt biển bằng thuyền nhỏ vào Anh cuối mùa hè.

    Cùng với đó, một số tín hiệu tích cực về kinh tế cũng được xem là “ánh sáng cuối đường hầm”. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh thông báo, lạm phát đã gần chạm tới mục tiêu cực kỳ quan trọng là 2%, còn các quan chức ca ngợi tăng trưởng là “đang diễn ra mạnh mẽ”. Điều đó có nghĩa là Đảng Bảo thủ giờ đây có thể tham gia cuộc bầu cử trong bối cảnh giá lương thực và hóa đơn năng lượng ổn định, trong khi cử tri cuối cùng cũng cảm nhận được tác động của việc hai lần Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cắt giảm bảo hiểm quốc gia. Những yếu tố kể trên dường như giúp ông Sunak cảm thấy rằng nếu ông trì hoãn bầu cử, mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

    Trong khi đó, một số nhà phân tích của tờ Politico nhận định, đây có thể là một chiến lược mạo hiểm đối với một nhà lãnh đạo – người được biết đến là rất cẩn trọng như ông Rishi Sunak, bởi trong các cuộc thăm dò dư luận, Công đảng đối lập đang vượt lên dẫn trước Đảng Bảo thủ của ông về số ý kiến ủng hộ. Đáng chú ý, cách đây ba tuần, trong cuộc bầu cử địa phương tại Anh, Công đảng đã có một chiến thắng áp đảo, khi giành được 1.026 ghế ủy viên hội đồng địa phương, trong khi Đảng Bảo thủ chỉ giành được 479 ghế.

    Nguy cơ “sao đổi ngôi” sau cuộc bầu cử

    Trải qua nhiều năm kinh tế tăng trưởng thấp và lạm phát cao, nước Anh đang nỗ lực để đạt được thành công sau quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2016 và đang dần phục hồi sau cú sốc kép là đại dịch Covid-19 và giá năng lượng tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Do đó, ngoài vấn đề người nhập cư, quốc phòng, y tế và an ninh, thì kinh tế trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử lần này. Đây cũng được xem là yếu tố quyết định “sao” có “đổi ngôi” hay không ở tòa nhà số 10 phố Downing, khi hàng triệu cử tri nước Anh đang mong mỏi về một tương lai tốt đẹp hơn hậu bầu cử.

    Thời gian gần đây, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cố gắng xoay chuyển vận mệnh của đảng cầm quyền bằng cách khẳng định mình là một nhà cải cách táo bạo, nhà kỹ trị hiệu quả và người bám sát kế hoạch để cải thiện cuộc sống khó khăn của hàng triệu người dân Anh trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt kéo dài. Chính phủ của ông Sunak cũng cáo buộc Công đảng đối lập sẵn sàng tăng thuế nếu lên nắm quyền. Trong khi đó, Công đảng chỉ trích chính phủ quản lý kinh tế yếu kém trong 14 năm qua, không mang lại sự ổn định để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời phê phán kế hoạch Rwanda về người nhập cư gây tốn kém ngân sách và không thực tế.

    Trước các lập luận của hai chính đảng, một số nhà quan sát cho rằng, sự khác biệt trong chính sách kinh tế giữa hai đảng về cơ bản là “khá nhỏ” và khó có thể mang lại kết quả đáng kể. Tuy nhiên, với việc giá cả tăng 21% trong ba năm qua và sự trì trệ trong hệ thống y tế quốc gia, Đảng Bảo thủ đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục cử tri rằng nước Anh đang đi đúng hướng. Mặt khác, đông đảo người dân Anh dường như đang kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn lao sau bầu cử. Điều này giúp Công đảng có nhiều lợi thế hơn.

    Trong một bức thư ngỏ gửi tới tờ The Times, hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp Anh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Công đảng, cho rằng xứ sở sương mù cần chấm dứt tình trạng bất ổn và trì trệ đang đeo bám nền kinh tế.

    Theo giới phân tích, nếu Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với đa số tuyệt đối, ông Keir Starmer, lãnh đạo đảng này, sẽ có cơ hội thay thế thủ tướng sắp mãn nhiệm Rishi Sunak. Tuy nhiên, sự vượt lên mạnh mẽ của một số đảng nhỏ hơn đang đe dọa nỗ lực giành thế đa số của hai đảng chính lớn để thành lập chính phủ.

    Hiện Đảng Cải cách với quan điểm chống di cư và Đảng Dân chủ Tự do trung dung được đánh giá là ẩn số trong cuộc cử tháng 7, vì hai đảng này nhiều khả năng sẽ giành một phần phiếu bầu ở nhóm các cử tri còn do dự.

    Lịch sử chính trường Anh từng chứng minh yếu tố bất ngờ và may mắn là điều không thể loại trừ trong bất cứ cuộc bỏ phiếu nào. Lần gần đây nhất là năm 2017, thủ tướng khi ấy là bà Theresa May của Đảng Bảo thủ bất ngờ kêu gọi tổ chức bầu cử khi đang dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò, nhưng sau đó lại mất đa số ghế trong Quốc hội, một thất bại khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Do đó, cuộc bỏ phiếu vào ngày 4/7 tới đây được dự báo sẽ chứa đựng nhiều kịch tính và kết quả khó đoán định. Tuy nhiên, bất cứ ai trở thành chủ nhân tại ngôi nhà số 10 phố Downing sau cuộc bầu cử đều sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc kiềm chế lạm phát, đưa nền kinh tế Anh đi theo con đường tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

    Theo Hanoionline

  • Quốc hội Anh đã giải tán vào thứ Năm (30/5) trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/7, cuộc tổng tuyển cử có thể sẽ đưa Đảng Lao động trở lại nắm quyền Vương quốc Anh sau 14 năm thuộc về Đảng Bảo thủ.

    Với việc 650 ghế thành viên quốc hội đã bị bỏ trống vào lúc quá nửa đêm một phút, 5 tuần vận động tranh cử đã chính thức bắt đầu tại Vương quốc Anh theo lịch bầu cử.

    Như đã biết, Thủ tướng Rishi Sunak bất ngờ ấn định cuộc bầu cử vào ngày 4 tháng 7 trong bài phát biểu dưới cơn mưa bên ngoài Số 10 phố Downing cách đây khoảng một tuần. Và theo các nhà quan sát và kết quả thăm dò, Đảng Lao động của nhà lãnh đạo Keir Starmer đang có cơ hội rất lớn giành lại quyền lực sau 14 năm ở vị thế đối lập.

    Trong tổng cộng 129 nghị sĩ cho đến nay đã thông báo rằng họ sẽ không tái tranh cử, thì có tới 77 đảng viên Đảng Bảo thủ - một làn sóng rời bỏ nghị trường chưa từng có đối với một đảng cầm quyền ở Vương quốc Anh.

    quoc hoi anh giai tan
    Quang cảnh phiên họp Quốc hội Anh ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Một số nghị sĩ khác của Đảng Bảo thủ thì thờ ơ với chiến dịch tranh cử. Steve Baker, Ngoại trưởng Bắc Ireland, vẫn giữ nguyên quyết định tiếp tục kỳ nghỉ ở Hy Lạp, nói rằng ông sẽ chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử của mình ở đó.

    Dấu hiệu lục đục nội bộ cũng bộc lộ khi một nghị sĩ Đảng Bảo thủ ủng hộ một ứng cử viên từ Đảng Cải cách dân túy cánh hữu của Vương quốc Anh tại khu vực bầu cử của bà, trước khi bị Đảng Bảo thủ đình chỉ.

    Chiến dịch tranh cử của Thủ tướng Sunak nhằm vào số lượng đông đảo cử tri lớn tuổi và những người ủng hộ cánh hữu, khi đưa ra cam kết mang lại phúc lợi quốc gia và kế hoạch giảm thuế 2,4 tỷ bảng Anh dành những người về hưu.

    Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Lao động đạt trung bình 45% ý định bỏ phiếu, so với 23% của Đảng Bảo thủ. Điều này cho thấy rằng, với hệ thống bỏ phiếu đa số đơn giản, Đảng Lao động sẽ giành được chiến thắng rất lớn.

    Congluan (theo BP, AFP, CNA)

  • Vương quốc Anh chỉ còn chưa đầy 6 tuần nữa là bước vào cuộc tổng tuyển cử, với các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Lao động trung tả có thể trở lại nắm quyền sau 14 năm.

    bau cu anh bang anh chung khoan
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak (trái) và đối thủ là lãnh đạo Đảng Lao động Keir Starmer đã bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 2024. Ảnh: AFP/Reuters

    Chứng khoán thường không rung lắc mạnh sau bầu cử

    Một chiến thắng của Đảng Lao động trung tả sẽ lật đổ Đảng Bảo thủ cánh hữu do Thủ tướng Rishi Sunak lãnh đạo, người mà tuần trước đã công bố rằng cuộc tổng tuyển bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 4/7. Các nhà phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực với kết quả thắng lợi của Đảng Lao động.

    Thậm chí, ngay cả khi Đảng Lao động không giành được đa số trong Quốc hội, đảng này vẫn có thể tìm kiếm một đối tác liên minh với một đảng nhỏ hơn để thành lập chính phủ, trừ khi Đảng Bảo thủ đạt được thành tích vượt trội bất ngờ.

    Trong một báo cáo công bố tuần trước với chủ đề phân tích diễn biến thị trường chứng khoán từ năm 1979, Citi cho biết chứng khoán Anh trong lịch sử "tương đối đi ngang rồi giảm" trong 6 tháng sau bầu cử. Nghiên cứu này đã loại trừ "điều kiện tài chính không ổn định" của vụ sụp đổ bong bóng DotCom và cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.

    Theo Citi, chỉ số MSCI UK của các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn đã tăng khoảng 6% sáu tháng sau chiến thắng của Đảng Lao động và giảm khoảng 5% sau chiến thắng của Đảng Bảo thủ.

    Chỉ số FTSE 250 thiên về các công ty trong nước có xu hướng hoạt động tốt hơn chỉ số FTSE 100 sau các cuộc bầu cử, với hiệu suất vượt trội hơn sau chiến thắng của Đảng Lao động.

    Citi cũng nhận thấy rằng các cổ phiếu phòng thủ và cổ phiếu ngành tài chính có xu hướng sinh lời tốt hơn sau bầu cử, điển hình là cổ phiếu năng lượng.

    Công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics, thị trường chứng khoán Anh đã 5 lần chao đảo dưới thời các chính phủ do Đảng Lao động nắm quyền trước đây.

    Tuy nhiên, ông John Higgins, kinh tế trưởng của Capital Economics cho biết sẽ là “không công bằng” nếu quy những điều đó hoàn toàn cho Đảng Lao động. Bằng chứng là thị trường chứng khoán Anh đã chao đảo trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930, những năm 1940 sau chiến tranh thế giới, hậu quả của cú sốc thị trường dầu mỏ vào đầu những năm 1970, vụ sụp đổ DotCom năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.

    Ông Higgins cũng lưu ý rằng diễn biến tương đối của chứng khoán Anh "nói chung là kém hiệu quả kể từ năm 2010" khi Đảng Bảo thủ nhậm chức.

    "Cho dù quan điểm của bạn về lịch sử ra sao, thì chúng tôi nghi ngờ việc Đảng Lao động trở lại nắm quyền sẽ là một vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư trong thời gian này", ông Higgins nói thêm.

    Ban lãnh đạo Đảng Lao động, đặc biệt là nghị sỹ phụ trách tài chính Rachel Reeves và lãnh đạo Đảng Keir Starmer, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ tập trung vào kỷ luật tài chính và tìm cách giảm nợ quốc gia trong tổng sản phẩm quốc nội.

    Nữ Nghị sĩ Rachel Reeves cũng đã tìm cách thu hút các lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức tài chính, gặp gỡ các giám đốc điều hành và tham dự các sự kiện như Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

    Phát biểu trên đài CNBC, Giám đốc điều hành Barclays C.S. Venkatakrishnan đánh giá rằng rủi ro chính trị ở Anh hiện “ít hơn nhiều so với trước đây” và sự khác biệt trong chính sách kinh tế giữa các bên là “khá tối thiểu”.

    Các số liệu của Đảng Lao động đã nêu rõ rằng trong chiến dịch tranh cử hiện tại, họ sẽ cáo buộc Đảng Bảo thủ phải gánh chịu nợ công cao và làm giảm uy tín kinh tế của Anh với cái gọi là "cuộc khủng hoảng ngân sách nhỏ" dưới thời Liz Truss - người tiền nhiệm tại vị ngắn hạn của Thủ tướng Rishi Sunak.

    Trong lần phát biểu gần đây, Thủ tướng Sunak đánh giá lạm phát đã "trở lại bình thường", nền kinh tế Anh đang phát triển và tiền lương "tăng bền vững".

    Đồng bảng Anh miễn nhiễm với bầu cử?

    Kinh tế trưởng John Higgins của Capital Economics cho biết các chính phủ trước đây của Đảng Lao động đã chứng kiến 5 đợt sụt giá của đồng bảng Anh trong 100 năm qua; đồng thời ông cũng lưu ý rằng các yếu tố chi phối lớn hơn lại một lần nữa xuất hiện.

    Theo lý giải của ông Higgins, ba đợt sụt giảm đầu của đồng bảng Anh có thể do "tính không bền vững của chế độ tỷ giá hối đoái cố định" trong những năm 1930 và 1970, còn hai đợt giảm còn lại là do cuộc khủng hoảng nợ năm 1976 và cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.

    Giới phân tích cho rằng, triển vọng của đồng bảng và trái phiếu chính phủ Anh sẽ vẫn gắn chặt hơn với triển vọng lãi suất, bởi chính sách tài chính giữa hai đảng không có khác biệt đáng kể.

    ″Phản ứng của thị trường [ngoại hối] là mạnh nhất khi có mức độ không chắc chắn lớn xung quanh một cuộc bầu cử. Điều này không thể vận dụng cho tình hình hiện tại và nếu lịch sử là một dẫn chứng tham khảo, thì chúng tôi kỳ vọng đồng bảng Anh sẽ tăng khiêm tốn trong vài tuần tới và hầu như không có phản ứng nào đối với kết quả của cuộc bầu cử”, ông Joe Tuckey, trưởng bộ phận phân tích ngoại hối tại Argentex Group cho biết.

    "Đây là diễn biến đi đến tiến trình lặp lại chiến thắng năm 1997 của Đảng Lao động, khi đồng bảng Anh chỉ tăng 2,5% trong vài tuần trước ngày bỏ phiếu. Bằng nhiều cách, đồng bảng Anh sẽ bám vào tình hình lạm phát và chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh, những chính sách này có thể mang tính chất quyết định đến biến động tỷ giá hơn là kết quả bầu cử", ông Tuckey nhận định.

    Theo Baodautu

  • di nghia vu quan su

    Thanh niên sẽ phải đi nghĩa vụ 12 tháng nếu Đảng Bảo Thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

    Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố, thanh niên 18 tuổi sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự nếu Đảng Bảo Thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 4 tháng 7 tới. 

    Thủ tướng nói rằng thế hệ trẻ ở Vương Quốc Anh đã không có được cơ hội cọ xát mà họ xứng đáng. Ông nói việc đi nghĩa vụ sẽ giúp xã hội đoàn kết và giúp thế giới này vững chãi hơn.

    Trong tương lai, người 18 tuổi sẽ được chọn lựa giữa việc đi nghĩa vụ full-time trong lực lượng quân đội trong 12 tháng, hoặc chỉ cần làm công ích một cuối tuần mỗi tháng trong vòng 1 năm. Các nhiệm vụ công ích bao gồm giúp chữa cháy, giúp lực lượng cảnh sát, phục vụ trong NHS hoặc trong các quỹ từ thiện, giúp đỡ người đơn côi, người già, người sống ẩn dật...

    Thủ tướng đang cố gắng vạch rõ lằn ranh với Đảng Lao Động trên phương diện an ninh toàn cầu, ông hứa sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên bằng 2.5% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2030.

    Những thanh niên chọn đi nghĩa vụ 12 tháng sẽ được tạo điều kiện "học và làm trong lĩnh vực logistics, an ninh mạng, học kỹ năng thu mua hàng hóa, kỹ năng phản ứng dân sự".

    Đảng Bảo Thủ cho biết họ sẽ quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực quân sự và dân sự để thiết kế nên một chương trình học hiệu quả cho thanh niên.

    Ai muốn tham gia vào quá trình thử nghiệm có thể nộp đơn vào tháng 9/2025. Sau khi kết thúc đợt thử nghiệm, chính phủ sẽ xây dựng "Luật Nghĩa Vụ quốc gia" để biến việc đi nghĩa vụ thành bắt buộc vào cuối nhiệm kì quốc hội kế tiếp.

    Ước tính kế hoạch này sẽ tiêu tốn 2.5 tỉ bảng/năm vào cuối thập kỷ này.

    Sáng sớm hôm thứ Bảy, Thủ tướng Anh cũng chỉ trích Đảng Lao Động vì họ "không có kế hoạch  nào cả". Việc không hoạch định cụ thể sẽ khiến thế giới này rơi vào cảnh không chắc chắn và trở nên nguy hiểm. "Bạn, gia đình bạn và đất nước này sẽ rơi vào nguy cơ nếu Đảng Lao Động thắng", ông Sunak nói.

    Viethome (theo Metro)

  • Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi tổ chức bầu cử quốc gia vào ngày 4/7 tới. Ông nói rằng người Anh sẽ được lựa chọn tương lai của mình trong cuộc bầu cử mà đảng Bảo thủ của ông được dự đoán sẽ thua Công đảng đối lập sau 14 năm nắm quyền.

    Ngày 22/5, ông Sunak, 44 tuổi, đứng bên ngoài văn phòng ở Phố Downing dưới trời mưa để kêu gọi tổ chức bầu cử sớm hơn vài tháng so với dự kiến, ​một chiến lược mạo hiểm khi đảng của ông đang thua xa Công đảng trong các cuộc thăm dò dư luận.

    Trong bài phát biểu, Thủ tướng Sunak nêu ra những thành tựu của ông trong chính phủ, không chỉ trên cương vị thủ tướng mà cả vị trí bộ trưởng tài chính trước đây.

    “Bây giờ là thời điểm để Anh lựa chọn tương lai của mình và quyết định liệu chúng ta có muốn tiếp tục phát triển dựa trên những tiến bộ đã đạt được hay có nguy cơ quay trở lại tình trạng ban đầu và không có gì chắc chắn”, ông nói.

    "Trong vài tuần tới, tôi sẽ phấn đấu vì mọi phiếu bầu, tôi sẽ giành được sự tin tưởng của các bạn và tôi sẽ chứng minh cho các bạn thấy rằng chỉ có chính phủ Bảo thủ do tôi lãnh đạo mới không gây nguy hiểm cho sự ổn định kinh tế mà chúng ta phải khó khăn mới đạt được", Thủ tướng Anh tuyên bố.

    anh bau cu som
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu bên ngoài số 10 Phố Downing, ngày 22/5. (Ảnh: Reuters)

    Ông Sunak nhấn mạnh rằng, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer luôn chọn "lối đi dễ dàng" và không có kế hoạch. Nhưng ông Starmer đáp lại bằng tuyên bố tập trung vào một từ: "Thay đổi".

    “Ngày 4/7, các bạn (cử tri) có quyền lựa chọn và chúng ta có thể cùng nhau ngăn chặn sự hỗn loạn, chúng ta có thể bước sang trang mới, chúng ta có thể bắt đầu xây dựng lại nước Anh và thay đổi đất nước của mình”, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer phát biểu.

    Trải qua vị trí lãnh đạo ngân hàng và bộ trưởng tài chính, ông Sunak nhậm chức thủ tướng cách đây chưa đầy 2 năm. Ông thất vọng với những gì ông coi là thành công của mình nhưng không được đánh giá cao.

    Ông Sunak đã nhiều lần cố gắng xoay chuyển vận mệnh của đảng bằng cách khẳng định mình là một nhà cải cách táo bạo, một nhà kỹ trị hiệu quả và người bám sát kế hoạch để cải thiện cuộc sống, khi hàng triệu người Anh vẫn đang vật lộn với khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

    Hai đảng gần như đã bắt đầu chiến dịch tranh cử.

    Ông Sunak và chính phủ của ông cáo buộc Công đảng sẵn sàng tăng thuế nếu nắm chính phủ và đảng này sẽ không phải là đôi tay an toàn cho nước Anh trong một thế giới ngày càng nguy hiểm vì thiếu kế hoạch.

    Trong khi đó, Công đảng cáo buộc chính phủ quản lý kinh tế yếu kém trong 14 năm qua, khiến cuộc sống của người dân sa sút, khi những chính quyền hỗn loạn không mang lại sự ổn định mà các doanh nghiệp mong muốn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

    Tiền Phong (theo Reuters)

     

  • Chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa, tổng tuyển cử ở Anh sẽ diễn ra, đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Rishi Sunak đang gánh chịu nhiều áp lực lớn do đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua, vốn được coi là thước đo mức độ tín nhiệm.

    Bên cạnh đó, chỉ trong vòng một tháng, đảng này đã phải chứng kiến 2 nghị sĩ “dứt áo ra đi” để nhập vào Công đảng đối lập.

    co hoi nao cho bao thu
    Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang đứng trước nhiều thách thức.

    Nghị sĩ rời bỏ đảng Bảo thủ gần đây nhất là bà Natalie Elphicke với lý do không hài lòng với những chính sách của Thủ tướng Rishi Sunak về nhà ở, sự an toàn và an ninh ở biên giới. Quyết định chuyển sang làm nghị sĩ Công đảng được bà Natalie Elphicke đưa ra ngay trước phiên chất vấn hằng tuần của các nhà lập pháp với “chủ nhân” số 10 phố Downing.

    Là nghị sĩ của Dover, vùng bờ biển phía Nam nước Anh đang bị ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng nhập cư, quan điểm của bà Natalie Elphicke là phải cứng rắn hơn với chính sách tị nạn và siết chặt an ninh biên giới vì lo ngại nguy cơ khủng bố thâm nhập đất nước. Thời gian qua, nữ nghị sĩ kêu gọi một thỏa thuận để đưa những người nhập cư bất hợp pháp qua eo biển Manche trở về Pháp thay vì Kế hoạch Rwanda, được Quốc hội thông qua ngày 25-4. Kế hoạch này nhằm giải quyết tình trạng quá tải người di cư từ khắp nơi trên thế giới đổ về quốc gia này, Chính phủ Anh đã đạt được thỏa thuận với Rwanda để gửi những người di cư trái phép đến quốc gia Đông Phi này. Tại đây, những người này sẽ được phân loại và làm thủ tục xin tị nạn.

    Bà Natalie Elphicke cũng đã kêu gọi đóng băng tiền thuê nhà và đứng đằng sau một dự án liên đảng nhằm xây nhà cho người vô gia cư. Quan điểm này đang được nhiều lãnh đạo Công đảng ủng hộ.

    Trước đó, nghị sĩ Dan Poulter, một bác sĩ y khoa, tuyên bố rời đảng Bảo thủ để sang Công đảng vì cho rằng chỉ Công đảng mới được tin tưởng có thể cải tổ Cơ quan y tế quốc gia (NHS) do Nhà nước điều hành.

    Theo đánh giá của các nhà phân tích, ở thời điểm hiện tại, uy tín của đảng Bảo thủ có dấu hiệu xuống dốc. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, Công đảng đang dẫn trước từ 10 đến 20 điểm. Điều này được thể hiện rõ ràng qua kết quả cuộc bầu cử địa phương vừa diễn ra. Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử, đảng Bảo thủ đã để mất nhiều ghế đang có tại các hội đồng địa phương khi chỉ giành được 479 ghế và để mất tới 448 vị trí vào tay các đảng khác.

    Trong khi đó, Công đảng đối lập giành được 1.026 ghế ủy viên hội đồng địa phương, tăng 173 ghế so với mục tiêu đặt ra trước bầu cử, đồng thời kiểm soát 48 hội đồng địa phương, tăng 8 hội đồng so với trước đó. Các ứng cử viên của Công đảng cũng có được 3 ghế thị trưởng trong số 11 ghế được bầu, đồng thời chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu đặc biệt giành 1 ghế tại nghị viện. Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer tuyên bố, chiến thắng là “cơn địa chấn” và cho biết kết quả này đã gửi một thông điệp trực tiếp tới Thủ tướng Rishi Sunak rằng người Anh đang muốn thay đổi.

    Theo John Curtice, Giáo sư chính trị tại Đại học Strathclyde, đảng Bảo thủ đang chứng kiến một trong những màn trình diễn tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Trong khi đó, Công đảng có màn thể hiện mạnh mẽ về tổng thể. Đây là thử thách cuối cùng trước khi Thủ tướng Rishi Sunak và Chính phủ của ông đối mặt với cuộc “sát hạch” tại kỳ tổng tuyển cử toàn quốc dự kiến được tổ chức muộn nhất là tháng 1-2025.

    Thủ tướng Rishi Sunak từng hy vọng, thông báo của ông về việc tăng chi tiêu quốc phòng và thông qua kế hoạch gửi những người xin tị nạn bất hợp pháp đến Rwanda có thể thuyết phục được cử tri. Tuy nhiên, thất bại lần này có thể khiến nhiều thành viên trong đảng tăng cường áp lực, kêu gọi ông sớm từ chức.

    Mặc dù vậy, Thủ tướng Rishi Sunak vẫn lạc quan về cơ hội của đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Hiện tại, hy vọng lấy lại uy tín của đảng Bảo thủ đặt vào tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được trong quý I-2024 với việc ngành dịch vụ và sản xuất xe ô tô đạt kết quả ấn tượng hơn cả. Theo dữ liệu chính thức mới được Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) công bố ngày 10-5, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh tăng 0,6%, sau 2 quý liên tiếp suy giảm nửa cuối năm 2023. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất mà kinh tế Anh đạt được kể từ quý IV-2021, một con số chứng minh chính sách của Thủ tướng Rishi Sunak đang phát huy hiệu quả cho đất nước.

    Theo hanoimoi

  • Ngày của Mẹ phổ biến nhất là ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng 5. Theo cách tính này, Ngày của Mẹ năm 2024 sẽ rơi vào Chủ nhật, ngày 12/5. Mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.

    ngay cua me
    Ngày của Mẹ được tổ chức khắp nơi trên thế giới.

    Ngày của Mẹ (Mother's Day) là ngày tôn vinh những người mẹ trên thế giới. Đây cũng là dịp để tôn vinh tình mẹ, vai trò gắn kết của mẹ trong gia đình và ảnh hưởng của người mẹ trong xã hội.

    Tuy nhiên, Ngày của Mẹ lại không có một ngày cố định nên không nhiều người biết về ngày này.

    Hiện nay, Ngày của Mẹ phổ biến nhất là ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng 5. Theo cách tính này, Ngày của Mẹ năm 2024 sẽ rơi vào Chủ nhật, ngày 12/5.

    Ngày của Mẹ bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp. Thời xưa, ngày này thường được tổ chức vào mùa Xuân. Lúc bấy giờ, người Hy Lạp thường tổ chức long trọng sự kiện này để tri ân những người mẹ, đặc biệt là thần Rhea - người mẹ của nhiều vị thần trong thần thoại Hy Lạp.

    Tuy nhiên, một số thông tin khác lại cho rằng, Ngày của Mẹ bắt nguồn từ nước Anh. Sự kiện này được tổ chức thường niên trước lễ Phục Sinh khoảng 40 ngày nhằm tri ân những người mẹ. Trong dịp này, các em nhỏ thường tặng hoa và bánh trái cho mẹ của mình. Tuy nhiên, đến thế kỷ XIX, sự kiện này không còn xuất hiện nhiều nữa.

    Ngày của Mẹ phiên bản hiện đại ra đời tại Mỹ đầu thế kỷ XX, theo sáng kiến của cô gái có tên Anna Jarvis ở Philadelphia. Sau khi mẹ mất, Anna luôn day dứt bởi còn nhiều điều chưa làm được cho bà.

    Có thông tin cho rằng, Anna nhận thấy thái độ thờ ơ của người dân Mỹ đối với người mẹ nên cô đã quyết tâm vận động để tổ chức Ngày của Mẹ trên toàn quốc. Nhờ sự kiên trì của cô gái, năm 1911, Ngày của Mẹ đã được tổ chức ở hầu hết các tiểu bang của Mỹ. Năm 1914, Tổng thống Mỹ ký văn bản ấn định ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng 5 hằng năm là Ngày của Mẹ.

    Ngày nay, Ngày của Mẹ được tổ chức ở khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Vào ngày này, những người con thường hướng về mẹ, dành sự tri ân và tình yêu thương cho người mẹ của mình.

    Theo baoquocte

  • Hạ nghị sỹ Natalie Elphicke đã đổi đảng chỉ vài phút trước phiên chất vấn hàng tuần của các nhà lập pháp với Thủ tướng Sunak, làm gia tăng sức ép đối với nhà lãnh đạo này.

    nghi si cong dang
    Hạ nghị sỹ Natalie Elphicke (phải). (Nguồn: AP)

    Ngày 8/5, đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh đã chứng kiến vụ đổi đảng thứ hai của một nghị sỹ thuộc đảng này sang Công đảng đối lập chỉ trong vòng vài tuần, làm gia tăng áp lực lên Thủ tướng Rishi Sunak.

    Hạ nghị sỹ Natalie Elphicke đã đổi đảng chỉ vài phút trước phiên chất vấn hàng tuần của các nhà lập pháp với Thủ tướng Sunak, làm gia tăng sức ép đối với nhà lãnh đạo này sau những thất bại nặng nề của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử địa phương ở Anh vào tuần trước.

    Bà Elphicke là nghị sỹ của Dover, vùng bờ biển phía Nam nước Anh đang bị ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng nhập cư.

    Nghị sỹ Elphicke được bầu vào năm 2019, tiếp quản chiếc ghế trước đó của chồng bà là Charlie, người đã bị phạt tù hai năm vì tội tấn công tình dục.

    Tháng trước, nghị sỹ Dan Poulter, một bác sỹ y khoa, tuyên bố ông đã rời đảng Bảo thủ để sang Công đảng, cho rằng chỉ Công đảng mới được tin tưởng có thể cải tổ Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) do nhà nước điều hành.

    Theo TTXVN

  • Đảng Lao Động sẽ cho phép hàng ngàn người nhập cư bằng xuồng nhỏ xin tị nạn tại Anh, nếu đảng này lên nắm quyền. 

    Đảng này nói rằng họ sẽ xem xét hồ sơ của tất cả những người cập bến Anh bất hợp pháp từ tháng 3/2023. Tuyên bố này của Đảng Lao Động chính là trận chiến sống còn của cuộc bầu cử năm nay, khi mà đảng này thề rằng họ sẽ xô ngã Luật Nhập cư Bất hợp pháp hiện tại. Luật này cấm người nhập cư bất hợp pháp quyền xin tị nạn.

    Tuy nhiên, để đủ sức thuyết phục thì Đảng Lao Động cần có một chính sách răn đe đủ cứng rắn để thay thế chính sách Rwanda. Đảng này cho rằng Rwanda là một chính sách không đáng tin và lãnh đạo đảng này là Sir Keir Stearmer nói rằng ông sẽ không đổ công sức vào một thứ không có kết quả.

    lanh dao dang lao dong
    Lãnh đạo Đảng Lao Động, Sir Keir Starmer. 

    Đảng Lao Động sẽ tập trung vào việc giải quyết núi hồ sơ xin tị nạn tồn đọng, bao gồm thành lập một đơn vị mới gồm 1,000 nhân viên chuyên xử lý hồ sơ, nhằm mục đích nhanh chóng đưa người bị bác đơn tới một quốc gia khác an toàn. 

    Một nguồn tin của Đảng Lao Động nói với The Times: "Cách duy nhất để cứu vớt hệ thống tị nạn là xử lý nhanh núi hồ sơ tồn đọng, loại bỏ những người không được quyền ở lại UK, cứu giúp những người đã chạy trốn áp bức để tới UK, tạo điều kiện cho họ làm lại cuộc đời và đóng góp cho nền kinh tế - xã hội". 

    Đảng Lao Động đã luôn phản đối chính sách Rwanda, nhưng một số nhân vật cấp cao của đảng này lại tỏ ra lo lắng rằng những đề xuất của chính họ có thể bị vạch trần nếu chính sách này tỏ ra là một biện pháp răn đe hiệu quả. 

    Một nghị sĩ của Đảng Lao Động nói với DailyMail: "Tôi không nghĩ Rwanda là một chính sách hiệu quả, tốt hơn hết là chúng ta nên có những thỏa thuận trao trả người nhập cư về các nước châu Âu. Nhưng chúng tôi cũng chẳng bao giờ đạt được những thỏa thuận đó".

    "Bạn không thể giải quyết được vấn đề chỉ bằng cách xử lý đám buôn người, bạn cần phải có biện pháp để răn đe những người muốn tới Anh. Và trong tư tưởng của chúng tôi, Rwanda thật ra đúng là một cách răn đe hiệu quả". 

    Một nhân vật cấp cao khác của Đảng Lao Động cho rằng vẫn nên giữ nguyên kế hoạch Rwanda cho đến khi đảng này thương lượng được những thỏa thuận trao trả người nhập cư với các quốc gia khác. "Chúng ta không thể cứ nhào vào phá nát kế hoạch này mà không có gì thay thế", người này nói. 

    Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Lao Động là Sir Keir Starmer lại cương quyết khẳng định ông sẽ xóa bỏ hoàn toàn kế hoạch Rwanda "dù nó có tỏ ra hiệu quả". 

    Ông này nói: "Tôi không tin vào kế hoạch này. Chúng tôi có kế hoạch riêng của mình. Chúng tôi sẽ dập tắt các đường dây buôn người, kết hợp với lực lượng biên phòng để đảm bảo người nhập cư từ bỏ ý định lên xuồng ngay từ đầu".

    Viethome (theo DailyMail)

  • Đảng Lao Động (Công đảng) giành được 1.026 ghế ủy viên hội đồng địa phương, tăng 173 ghế so với mục tiêu đặt ra trước bầu cử, đồng thời kiểm soát 48 hội đồng địa phương, tăng 8 hội đồng.

    cong dang danh chien thang ap dao
    Công đảng đối lập của nhà lãnh đạo Keir Starmer (giữa, hàng đầu) giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử địa phương. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Sáng 4/5, theo giờ địa phương, sau khi kiểm đếm phiếu bầu tại 102/107 khu vực bầu cử, kết quả bầu cử địa phương tại Anh về cơ bản đã ngã ngũ với chiến thắng áp đảo thuộc về Công đảng đối lập của nhà lãnh đạo Keir Starmer.

    Theo phóng viên TTXVN tại Anh, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho đến nay cho thấy Công đảng giành được 1.026 ghế ủy viên hội đồng địa phương, tăng 173 ghế so với mục tiêu đặt ra trước bầu cử, đồng thời kiểm soát 48 hội đồng địa phương, tăng 8 hội đồng.

    Các ứng cử viên của Công đảng cũng đã có được 3 ghế thị trưởng trên 11 ghế được bầu.

    Ngoài ra, đảng của ông Starmer cũng đã giành được 11 ghế cảnh sát trưởng trên tổng số 37 vị trí được bầu lại trong lần bầu cử này tại England và Wales.

    Trong khi đó, đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Rishi Sunak được đánh giá là đang có mức tín nhiệm thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây khi đến thời điểm này chỉ giành được 479 ghế hội đồng địa phương, trong khi không bảo vệ được 448 vị trí và để rơi vào tay các đảng khác.

    Đảng Bảo thủ hiện cũng đã kiểm soát được 5 hội đồng địa phương và thất bại tại 10 hội đồng khác. Ngoài ra, đảng Bảo thủ đã giành được 1 ghế thị trưởng và 12 ghế cảnh sát trưởng.

    Đảng Dân chủ Tự do tạm thời đứng ở vị trí thứ hai, sau Công đảng, kiểm soát 12 hội đồng địa phương (tăng 2 hội đồng) và 505 ghế ủy viên hội đồng (tăng 101 ghế).

    Kết quả bầu cử cho đến nay là không bất ngờ bởi các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử đều cho thấy Công đảng sẽ thắng lớn trong khi đảng Bảo thủ cầm quyền được cho là có thể đánh mất 50% trên tổng số khoảng 1.000 ghế ủy viên hội đồng địa phương được bầu lại trong cuộc bầu cử địa phương tại 107 khu vực thuộc hai vùng của nước này là England và Wales ngày 2/5.

    Trong lần bầu cử này, cử tri được yêu cầu bầu chọn 2.636 ghế ủy viên hội đồng địa phương, 11 thị trưởng và 37 cảnh sát trưởng mới. Dự kiến, kết quả bầu cử cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 5/5/2024.

    Ông Sadiq Khan tái đắc cử Thị trưởng London

    Ông Sadiq Khan (Công Đảng) tiếp tục được bầu làm Thị trưởng London sau khi giành được 43,8% số phiếu ủng hộ, cao hơn so với 33% số phiếu ủng hộ của ứng cử viên đảng Bảo thủ Susan Hall.

    Các kết quả công bố ngày 4/5 cho thấy ông Sadiq Khan tiếp tục được bầu làm Thị trưởng London, giúp củng cố vị thế của Công đảng trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Anh.

    Cụ thể, ông Khan đã giành được 43,8% số phiếu ủng hộ, so với 33% số phiếu ủng hộ của ứng cử viên đảng Bảo thủ Susan Hall.

    Đây là lần thứ ba liên tiếp ông Khan được bầu làm Thị trưởng London và là chiến thắng mới nhất của Công đảng trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua.

    Ông Khan, 53 tuổi, đã trở thành thị trưởng người Hồi giáo đầu tiên của Anh vào năm 2016. Ông đã cam kết xây dựng thêm nhà ở xã hội và phối hợp với Chính phủ Công đảng trong tương lai nhằm tăng cường năng lực của cảnh sát.

    Theo TTXVN

  • Công đảng đối lập hôm nay tuyên bố đã giành được một ghế quốc hội ở miền bắc nước Anh và kiểm soát một số hội đồng địa phương, gây tổn thất nặng nề cho đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Rishi Sunak.

    Ứng cử viên Công đảng Chris Webb đã giành chiến thắng trong cuộc đua giành ghế quốc hội ở Blackpool với 10.825 phiếu bầu, trong khi ứng cử viên Đảng Bảo thủ đứng thứ hai với 3.218 phiếu.

    cong dang 1
    Ứng cử viên Công đảng Chris Webb đã giành chiến thắng trong cuộc đua giành ghế quốc hội ở Blackpool với 10.825 phiếu bầu.

    Thất bại của đảng Bảo thủ ở Blackpool cùng dấu hiệu sớm về những tổn thất tiếp theo trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương đang mang tới cho Công đảng hi vọng về một chiến thắng đậm trước Đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer cho biết kết quả ở Blackpool là một thông điệp được gửi trực tiếp tới ông Sunak, rằng nước Anh muốn có sự thay đổi.

    Từ ngày 2/5, cử tri tại hai vùng của Vương quốc Anh gồm England và xứ Wales tham gia cuộc bầu cử địa phương để bầu chọn những người đảm nhiệm chức danh thị trưởng, ủy viên hội đồng và cảnh sát trưởng tại khu vực.

    Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa từ 7h - 22h cùng ngày. Tại vùng England, cuộc bầu cử được tổ chức tại 107 trên tổng số 317 khu vực chính quyền địa phương để bầu ra khoảng 2.600 ủy viên hội đồng, những người sẽ làm việc trong 4 năm sắp tới với nhiệm vụ hoạch định chính sách và giám sát hoạt động của các thị trưởng, cũng như của chính quyền địa phương. Cử tri cũng sẽ bầu chọn Thị trưởng London cùng với 10 thị trưởng khác bên ngoài vùng thủ đô. Nhiệm kỳ của các thị trưởng là 4 năm.

    Cuộc bầu cử lần này là phép thử quan trọng cuối cùng đối với các chính đảng tại Anh trước thềm tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong năm nay.

    Theo quochoitv